Dấu ấn Làng Mai
(Ban biên tập phỏng vấn thầy Pháp Hội)
Câu hỏi: Hiện nay pháp môn Làng Mai đang có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, với nhiều trung tâm như Làng Mai tại Thái Lan, Hồng Kông, Mỹ châu, Úc châu, Đức v.v. Khi đến mỗi đất nước, ta cần thực tập uyển chuyển để thích nghi với hoàn cảnh xã hội và văn hóa địa phương. Vậy làm thế nào để biết là mình đang thực tập theo đúng truyền thống của Làng Mai?
Thầy Pháp Hội trả lời:
Thế nào là truyền thống Làng Mai? Pháp Hội cũng không trả lời được. Tăng thân Làng Mai là một cộng đồng mở, có một sức sống nội tại rất lớn và luôn thay đổi để đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh. Truyền thống của Làng cách đây hai chục năm, ba chục năm khác với bây giờ rất nhiều. Ngày trước, kết thúc giờ ngồi thiền bằng hai tiếng chuông là đúng, còn bây giờ chỉ thỉnh một tiếng chuông vẫn đúng, bởi vì những quy định đó được thay đổi theo thời gian. Đi kinh hành cũng khác với ngày xưa. Ngày trước đi hai vòng, bây giờ đi có một vòng, chẳng lẽ lại nói đó là không đúng? Đó vẫn là truyền thống Làng Mai.
Truyền thống Làng Mai nằm trong từng bước chân, từng hơi thở, từng bữa ăn im lặng trong từng sinh hoạt hàng ngày. Nếu ta chỉ dựa vào hình thức để nhận ra truyền thống Làng Mai thì không đúng, vì chúng có thể thay đổi theo thời gian. Thầy đã từng dạy rằng pháp môn Làng Mai, truyền thống Làng Mai phải được đóng dấu “Đã về, đã tới. Bây giờ, ở đây”. Nếu thiếu chất liệu đích thực đó thì không phải là truyền thống Làng Mai. Hình thức thì có thể thay đổi theo năm tháng như: kinh tụng cũng thay đổi, nghi thức truyền Năm Giới cũng thay đổi v.v. Ngày trước, trong nghi thức truyền Năm Giới có truyền Tam Quy (Quy y Tam Bảo), bây giờ không có nhưng lại có thêm lễ dẫn thỉnh trước khi truyền giới. Chẳng lẽ ta nói đó không phải là truyền thống Làng Mai? Đó vẫn là truyền thống Làng Mai, không khác.
Tuy nhiên, có những nguyên tắc không thay đổi theo thời gian, ví dụ: là một thành viên của tăng thân thì ta phải sống trong tăng thân, cùng thực tập những thanh quy do tăng thân đề ra. Thầy từng định nghĩa tăng thân là một tập thể gồm những người thực tập cùng một pháp môn, ở chung một chỗ, cùng thực tập Giới luật… Giáo lý và tuệ giác mà Thầy trao truyền cho chúng ta như một dòng sông, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Lấy về pha trà cũng được, về nấu canh cũng được, mà lấy về tắm cũng được, tùy theo sở tích, tùy theo nhu cầu của mỗi người, miễn là có lợi cho người đó. Thế nhưng để được đóng dấu là tăng thân Làng Mai thì phải có những tiêu chí kể trên.
Được sống trong tăng thân, ta có cơ hội được rèn luyện bằng nhiều cách. Ta sẽ được trải nghiệm qua nhiều công việc khác, ta sẽ được luân phiên làm tri xa, tri khố, tri sự, hoặc Ban điều hành, v.v. và ta cũng phải làm giáo thọ nữa. Chính những việc đó sẽ làm cho ta lớn lên theo chất liệu của Làng Mai. Với tinh thần “Đi như một dòng sông”, ta sẽ được lớn lên và thành tựu những chất liệu đó như một cơ thể của tăng thân, mà không còn là một cá thể biệt lập, ở đó anh hùng cá nhân hoàn toàn vắng mặt. Nếu ta không nằm trong dòng chảy đó, không theo được dòng chảy đó thì ta không thể nào hiểu rõ truyền thống của Làng hay hướng đi của Làng.
Câu hỏi: Là một sư anh lớn, xin thầy có thể chia sẻ cho chúng con kinh nghiệm làm thế nào để có thể thực tập vững chãi và lâu bền trong tăng thân?
Thầy Pháp Hội trả lời:
Khi mới vào sống trong tăng thân, ta thấy rất hạnh phúc. Vài năm sau, ta thấy hạnh phúc bay đâu mất và ta ngạc nhiên tự hỏi: sao các sư anh, sư chị có thể sống lâu như thế trong đại chúng? Họ có bí quyết gì? Người ta thường nói: người đi tu giống như “bông xoài trứng cá”, thường rơi rụng nhiều lắm. Người phát tâm đi tu thì nhiều nhưng để giữ vững được tâm ban đầu của mình thì quả thực là không phải dễ.
Trong buổi vấn đáp, có một em nhỏ hỏi Thầy: trên thế giới này có bao nhiêu thầy tu? Thầy trả lời theo kiểu thiền sư: “Chỉ có một mình thầy thôi!”. Thầy trả lời như vậy vì Thầy quán chiếu và thấy được tâm lý của người hỏi. Đôi khi ta theo đạo vì thấy ông bà cha mẹ theo thì ta theo, hoặc ta thấy đạo đó có nhiều người theo, hoặc ta thấy có nhiều tư tưởng cao siêu, hoặc đơn giản chỉ là để cho “khác đời” mà thôi. Nhưng đối với Thầy, niềm tin đối với đạo phải phát xuất từ chính mình. Nếu niềm tin của ta phải dựa vào người khác thì ta vẫn còn bị coi là người “chạy theo đám đông”. Niềm tin đó dù đúng nhưng chưa phải là của ta, chưa đủ vững. Cho nên khi thấy một sư anh, sư chị tu lâu mà vẫn rớt thì niềm tin của ta bị lung lay. Trời ơi! Người đó tu hai chục năm rồi mà sao vẫn rớt? Vậy thì tu theo pháp môn này không biết có đúng không? Sở dĩ ta bị lung lay như vậy là vì niềm tin đó chưa trở thành niềm tin của chính mình.
Niềm tin vào con đường tu phải được xây dựng chủ yếu trên chính mình. Ta phải nương tựa tăng thân, nhưng ta dùng những chất liệu của tăng thân để làm thành niềm tin của chính mình. Tăng thân phải trở thành chính mình. Lúc đầu là: Con về nương tựa Bụt, bởi vì ta thấy Bụt ở bên ngoài. Sau đó quá trình mới sâu sắc hơn: Đã về nương tựa Bụt. Cuối cùng, đến mức cao hơn là Về nương Bụt trong con. Sự thực tập nương tựa Tăng cũng vậy. Thầy đã dạy rằng Tam Quy là một sự thực tập rất sâu sắc.
Ban đầu ta nương tựa vào đại chúng, vào Thầy, vào các sư anh, sư chị lớn là vì lúc đó ta chưa tạo ra niềm tin bên trong, một niềm tin không “rò rỉ”. Niềm tin đó phải được xây dựng từ một bước chân có an lạc, một hơi thở có an lạc, hay những lúc ta điều phục được tâm ý… Nếu chỉ nương tựa vào Thầy, vào các sư anh, sư chị lớn trong tăng thân thì chưa đủ. Ta phải nương tựa vào hải đảo tự thân của chính mình. Ta nương tựa vào Thầy, vào các sư anh, sư chị là để lấy chất liệu đó rồi làm thành của chính mình. Khi niềm tin trong mình đã trở nên vững chãi thì dù sư anh, sư chị ta tu không đúng đường, ta vẫn không mất niềm tin và không bị lung lay khi thấy người đó rời khỏi tăng thân.