Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca

(Ban biên tập phỏng vấn thầy Pháp Ấn)

Hỏi: Thưa thầy, Sư Ông là người có khả năng gom năng lượng của đại chúng và đóng vai trò như một vị nhạc trưởng. Vậy tăng thân cần thực tập như thế nào để thấy được vị nhạc trưởng luôn còn đó cho mình?

Thầy Pháp Ấn chia sẻ:

Mười mấy năm trước, Sư Ông từng dạy rằng trong các buổi họp chúng hay các buổi họp Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, mình nên để một bồ đoàn và tọa cụ trống dành cho Sư Ông để ý thức rằng Sư Ông cũng đang ngồi đó. Và trong buổi họp, khi cần giải quyết một vấn đề gì, mình phải đặt mình vào vị trí của Sư Ông: trong hoàn cảnh đó, Sư Ông sẽ giải quyết sự việc như thế nào? Khi tác bạch hay chia sẻ trước đại chúng, mình cũng chắp tay thưa: “Kính bạch Sư Ông, kính thưa quý thầy, quý sư cô…”. Thành ra từ trước đến nay, đại chúng luôn thực tập với ý thức là Sư Ông lúc nào cũng có mặt đó cho mình.

Tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), trong các buổi lễ hay trong các buổi họp, đại chúng luôn đặt một gối trống dành cho Sư Ông. Sư anh thấy rất rõ là Sư Ông chưa bao giờ vắng bóng trong các buổi họp hay trong các quyết định của đại chúng.

Sư anh cũng đang tập hành xử giống Sư Ông. Vì sư anh có cơ hội đi theo Sư Ông bao nhiêu năm nay nên cũng học hỏi được ít nhiều từ cách hành xử của Sư Ông. Các sư anh, sư chị lớn đã từng có cơ hội làm việc với Sư Ông thì dù ít hay nhiều cũng đều tiếp nhận một phần nào đó tuệ giác của Sư Ông trong cách hành xử, cách quyết định cũng như cách điều động, hướng dẫn đại chúng. Vì vậy, các sư anh, sư chị lớn sẽ tiếp nối và hướng dẫn đại chúng đi theo con đường của Sư Ông bằng con mắt của tăng (tăng nhãn).

Sư Ông đặt tất cả niềm tin nơi tăng thân. Sư Ông tin tưởng vào tuệ giác của Hội đồng Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo ni khi làm quyết định. Đường lối của Sư Ông vạch ra rất rõ ràng. Vấn đề chính là mỗi vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni có đóng được vai trò của mình hay không? Đó là điều quan trọng, chứ không phải là vấn đề Sư Ông có mặt hay không có mặt.

Là một vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni trong đại chúng, mình phải lãnh trách nhiệm của mình. Mình phải nói lên tiếng nói của mình trong tất cả các sự việc mà đừng bao giờ nói sau lưng, đừng nói ý kiến của mình với người thứ hai, thứ ba ngoài buổi họp. Mình phải thực tập nói thẳng ý kiến của mình trong những buổi họp và phải đặt mình trong vị trí là nếu Sư Ông ở trong hoàn cảnh đó thì Sư Ông sẽ quyết định ra sao. Nếu mình có được cơ hội tiếp nhận và học hỏi từ kinh nghiệm sống của Sư Ông thì mình phải nói ra, như vậy thì cái thấy của tăng thân sẽ toàn vẹn hơn.

Mỗi người trong chúng ta đều tiếp nhận cách sống của Sư Ông từ một góc độ khác nhau. Không ai có thể nói rằng mình đã tiếp nhận một cách hoàn toàn nếp sống và cách xử sự của Sư Ông, mình chỉ tiếp nhận một phần nào đó thôi. Nhưng khi tất cả thành viên của Hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đều nói lên tiếng nói của mình thì sẽ làm cho Sư Ông hiện diện một cách đầy đủ. Còn nếu mỗi thành viên của Hội đồng Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo ni không mạnh dạn đóng góp ý kiến của mình thì lúc đó Sư Ông sẽ vắng mặt. Do đó sự vắng mặt hay có mặt của Sư Ông tùy thuộc vào sự thực tập của mỗi thầy, mỗi sư cô trong đại chúng.

Mình phải nói ra được cảm nhận của mình. Mình có trách nhiệm nói ra cho đại chúng biết cái thấy của mình về vấn đề hay sự việc đó, nhưng hãy để cái thấy của Tăng thân làm quyết định cuối cùng. Đó cũng là sự thực tập buông bỏ ý kiến cá nhân và nương theo tuệ giác chung của tăng thân. Cho dù quyết định cuối cùng có đi ngược ý kiến của mình thì mình cũng tập hoan hỷ chấp nhận không vì đó mà đau khổ.

Mình cần tránh tình trạng tạo phe, nhóm trong chúng. Đại chúng càng đông thường có những nhóm nhỏ được hình thành. Mình có quyền chơi chung để nâng đỡ nhau, giúp cho nhau, nhưng khi vào buổi họp, mình cần bỏ tinh thần phe phái để nương theo cái thấy chung của toàn chúng, vì lợi ích của toàn chúng. Như vậy thì tăng thân mới có một tương lai đẹp.

Cho nên vấn đề không phải là vị nhạc trưởng có mặt hay không có mặt, mà vấn đề là mỗi người trong đại chúng thực tập như thế nào để dàn nhạc cùng tấu lên bản nhạc của nó. Và mỗi thành viên đóng góp vào bản nhạc đó như thế nào? Mình hợp tác bao nhiêu phần trăm với các sư anh, sư chị lớn để đưa đại chúng đi tới? Mình chỉ có thể hợp tác được khi tâm mình rỗng rang, mình không bị buồn giận, ganh tỵ, vướng mắc làm sai lệch cái thấy của mình. Nếu mình là một người tu chân chính, luôn ý thức vun bồi con đường tu học của mình thì mình sẽ giúp được cho tăng thân đi tới. Còn nếu mình không phải là một vị chân tu, mình để cho những buồn giận, ganh tỵ, vướng mắc sai xử, chỉ biết làm lợi ích cho cá nhân mà không có được cái nhìn tổng thể thì dù vị nhạc trưởng tài ba đến đâu cũng không thể nào đưa đại chúng đi tới được.

Có thể nói rằng mỗi người trong chúng ta là một vị nhạc trưởng, đóng góp vào công trình đưa tăng thân đi tới. Mình phải thấy được vai trò của mình. Chính mỗi người trong chúng ta là một vị nhạc trưởng mà không phải có một vị nhạc trưởng nào đứng bên ngoài. Đó cũng là cách hoạt động của não bộ. Trong hệ thần kinh trung ương không có một tế bào thần kinh nào là tế bào thần kinh chủ, mà tất cả các tế bào đều làm việc chung với nhau tạo thành những mạng lưới thần kinh giúp cơ thể hoạt động. Mình cũng vậy, mình phải tập làm một tế bào thần kinh đóng góp vào những sinh hoạt chung để giúp mạng lưới thần kinh, giúp đại chúng đi tới. Do đó sự thực tập vô ngã, vô tướng, vô nguyện (hay vô tác) rất quan trọng và mình phải thực tập thành công thì đại chúng mới có một tương lai.

Hỏi: Thưa thầy, hiện nay nhiều người trên thế giới quan tâm rằng: khi Sư Ông không còn tiếp tục biểu hiện dưới hình hài quen thuộc thì ai sẽ là người tiếp nối Sư Ông và tiếp nối như thế nào?

Thầy Pháp Ấn chia sẻ:

Sư Ông luôn trao truyền sự sống của mình trong từng giây từng phút cho những người đệ tử xuất gia cũng như tại gia. Mỗi vị đệ tử có thể tiếp nhận một cách khác nhau, cũng giống như trong kinh, Bụt có dùng hình ảnh cơn mưa để làm ví dụ cho sự trao truyền và tiếp nhận giáo pháp: khi cơn mưa rơi xuống thì những cây lớn hút nhiều nước và những cây nhỏ hút ít nước hơn. Cũng như vậy, khi Sư Ông trao truyền kinh nghiệm sống của mình cho các đệ tử, có những sư anh, sư chị, sư em “uống” nhiều mưa pháp, cũng có những sư anh, sư chị, sư em “uống” ít hơn, nhưng người nào cũng “uống” một phần nào đó của cơn mưa. Những giọt nước mưa đó làm nên sự sống của mình. Vì vậy khi Sư Ông không còn tiếp tục biểu hiện dưới hình hài quen thuộc thì sự tiếp nối vẫn có mặt trong đại chúng một cách rất cụ thể.

Thật ra, Sư Ông đã lên đường và đang đi vào các đệ tử của mình (xuất gia cũng như tại gia) trong từng giây, từng phút qua những bài pháp thoại, qua cách đi thiền hành, cách ăn cơm, qua cách nhìn, cách nói, cách lắng nghe, cách hành xử… Tất cả những cái đó đã đi vào trong từng người đệ tử một và mỗi người đệ tử tiếp nhận một cách khác nhau. Có người thì tiếp nhận cách nói của Sư Ông, có người tiếp nhận cách lắng nghe của Sư Ông, có người tiếp nhận cách đi của Sư Ông, có người tiếp nhận cách ngồi của Sư Ông, có người tiếp nhận cách suy nghĩ của Sư Ông, có người tiếp nhận cách viết thư pháp của Sư Ông, có người tiếp nhận cách phân tích và tổng hợp của Sư Ông…

Trong một bài pháp thoại, Sư Ông nói rằng Sư Ông đã lên đường từ lâu rồi. Bây giờ nếu Sư Ông có nằm xuống thì đó cũng chỉ là xác thân của Sư Ông nằm xuống thôi, tất cả những tinh ba của Sư Ông đã lên đường rồi. Cũng như khi mình pha trà, chất trà toát ra và hương vị của trà đã lên đường rồi, phần còn lại chỉ là bã trà mà thôi. Sư Ông cũng vậy, nếu muốn tìm Sư Ông thì phải tìm trong các đệ tử của Sư Ông. Đây là chuyện mình có thể thấy rất rõ ràng, chứ không phải là chuyện mơ hồ. Khi thấy một sư em đi, nếu nhìn kỹ, mình có thể nói “Ô! hình như là Sư Ông đang đi”. Và khi thấy một sư em ngồi, mình cũng thấy dáng ngồi của Sư Ông trong sư em. Do đó sự trao truyền và tiếp nối đã có đó rồi.

Sư Ông luôn mong muốn mình có một cuộc đời hạnh phúc, vui tươi, có nhiều bình an và hiến tặng sự bình an, hạnh phúc, vui tươi đó cho những người khác. Đó là nguyện ước của Sư Ông. Nếu trong đời sống hàng ngày mình làm được chuyện đó, mình có bình an, có hạnh phúc, có nhiều tình thương, nhiều hiểu biết và mình giúp cho những người khác cũng làm được như vậy thì mình đang tiếp nối Sư Ông. Đó là một sự tiếp nối rất cụ thể.

Sự tiếp nối không có nghĩa là phải thành đạt một cái gì, mà mình tiếp nối bằng sự sống của chính mình và trao truyền sự sống mầu nhiệm đó cho người khác. Trong bài thơ Trường ca Avril, Sư Ông có viết: “Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca”. Câu đó có thể tóm gọn được ý nghĩa về sự tiếp nối của Sư Ông. Mình đến trong cuộc đời như một bông hoa, mình ca hát cho cuộc đời nghe và làm cho cuộc đời vơi bớt khổ đau. Mình hiến tặng cái đẹp nhất của mình cho cuộc đời. Có những bông hoa rất đẹp và làm nhiều người chú ý, nhưng cũng có những bông hoa im lặng bên đường, rất nhỏ nhưng cũng rất đẹp. Bởi vì mỗi một bông hoa đều đang hát lên lời ca của riêng mình và chưa bao giờ ngừng trao truyền sự sống. Nếu mình làm được như vậy thì mình đang tiếp nối Sư Ông một cách rất rõ ràng và cụ thể. Một khi nắm được phương pháp thực tập rồi thì mình có thể giúp được cho mình và cho nhiều người.