Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Chân Pháp Triều
Khổ đau từng nuôi ta lớn lên
Thời gian trôi thật nhanh. Kể từ ngày tôi trốn nhà ra đi đã 10 năm rồi. Năm 2004, sau nhiều đêm “lên phương án và kế hoạch tỉ mỉ”, tôi đã trốn nhà ra Hà Nội thành công. Tháng ngày sinh sống với bà con ở Bãi Giữa Sông Hồng đã giúp tôi rèn tâm và luyện chí. Mùa đông ở miền Bắc, tôi sống trong một túp lều nhỏ, không có lò sưởi, không có điện thắp sáng. Thử thách lớn nhất đối với tôi là phải tắm nước lạnh giữa mùa đông lạnh buốt. Hơn ba năm sống ở Bãi Giữa Sông Hồng, tôi lớn lên và trưởng thành nhờ tình thương và sự giúp đỡ của bà con nông dân cùng những người bạn tốt. Tôi sống “an bần” với rau củ, bắp ngô, khoai lang được bồi đắp từ đất phù sa Sông Hồng.
Nhờ có nhiều nhân duyên, tôi có cơ hội ra Hà Nội và biết đến Phật pháp. Năm 1995, mẹ tôi mất, tôi mồ côi khi tròn 15 tuổi. Từ đây, cuộc đời tôi trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Trải qua hơn bảy năm, tôi sống trong tuyệt vọng, buồn tủi, đói ăn, “đói tình thương” và sự quan tâm của gia đình huyết thống. Vì không biết cách truyền thông với ba, dì kế và anh em trong nhà, tôi sống cô đơn, lạc lõng giữa mái ấm gia đình. Sau nhiều lần “nội chiến” với ba, tôi sống trong hận thù, trách móc. Vì tuyệt vọng, bi quan, tôi đã hai lần tìm cách tự sát nhưng không thành. Có lẽ, nhờ phước đức của ông bà tổ tiên, tôi đã “lưu lạc” ra Hà Nội và quen thân với nhiều bậc tri thức (từ tu sĩ, sinh viên, trí thức và cư sĩ Phật tử…). Những người bạn tốt đã giúp đỡ tôi quần áo, thực phẩm, tiền và tình thương nữa… Nhiều lần đến chùa Đình Quán, chùa Bồ Đề ở Hà Nội, hạt giống bồ đề trong tôi được tưới tẩm và nuôi dưỡng. Cuối năm 2008, tôi và một người bạn thân có cơ duyên vào tu viện Bát Nhã tu học.
Sau biến cố Bát Nhã, tôi cùng tăng thân ra chùa Phước Huệ, cuối tháng 11 năm 2009, tôi được xuất gia ở chùa Từ Hiếu trong gia đình Sen Hồng.
Tháng năm nhìn lại, tôi thấy mình lớn lên và trưởng thành rất nhiều. Nhờ khổ đau, thử thách, nhờ đói lạnh, nghèo khó, thiếu tình thương… tôi đã trở thành một người cứng cáp, giàu tình cảm, sống nội tâm và thương người nghèo khổ. Nhờ có phước duyên biết đến Sư Ông Làng Mai, tôi đã có một con đường để đi tới. Sống với tăng thân, tôi có cơ hội tu tập để chuyển hóa khổ đau, rũ bỏ những “bụi bặm” ở đời, vui sống thảnh thơi:
Nuôi dưỡng khổ đau để duy trì hạnh phúc
Thời gian gần đây, được đọc sách “Làng Mai nhìn từ Núi Thứu” của Thầy, tôi có cơ hội quán chiếu và nhìn sâu lời dạy của Thầy: “Nếu chưa từng biết khổ thì ta chưa nhận diện được an lạc, hạnh phúc. Trong chúng ta, ai đã từng khổ thì người đó có điều kiện để có hạnh phúc. Duy trì ý thức về khổ đau, đừng quên khổ đau là một bí quyết để giữ gìn hạnh phúc”.
Sống và tu học với huynh đệ bốn năm qua ở tu viện Bích Nham, tôi có cơ hội trải nghiệm về những lời Thầy dạy. Trước khi biết đến pháp môn Làng Mai, tôi sống trong khổ đau, tuyệt vọng. Trải qua hơn 10 năm lăn lộn chốn “bụi trần”, tôi phải sống tự lập, trải qua nhiều công việc kiếm sống, khi bệnh tật muốn chữa trị nhưng không có tiền, những nội kết, buồn tủi, trách móc, giận hờn… kéo dài nhiều năm nhưng không có Thầy, không có pháp môn để tu tập chuyển hóa. Đói tình thương, thiếu hiểu biết, tôi lang thang, rong ruổi đi tìm cho mình một con đường sống. Nhờ phước đức của ông bà, cha mẹ và tổ tiên, nhờ khổ đau bất hạnh đã đưa tôi về với gia đình tâm linh. Lòng tri ân và hạnh phúc của tôi không thể diễn đạt hết bằng ngôn từ. Tôi chỉ biết “đúc kết” trong vài câu thơ để tỏ lòng biết ơn của mình với cha mẹ, Thầy Tổ, huynh đệ, những bậc thiện tri thức… đã nuôi dưỡng và nâng đỡ tôi hơn mười bảy năm qua:
Thắp sáng niềm tin
Mỗi người tìm đến Phật pháp đều cần có một pháp môn tu học thích hợp. Riêng tôi, những phương pháp thực tập của Làng Mai rất thực tiễn. Tuy hành trì lời Thầy dạy chưa được nhiều, nhưng sáu năm qua, tôi đã thay đổi nhận thức và chuyển hóa khổ đau trong tâm, những nội kết với ba và gia đình đã được hóa giải. Tôi đã hiểu và cảm thông với những khó khăn và vụng về của ba mình. Nhìn sâu vào ba, tôi đã thấy được những điểm tích cực: Ba tôi là một cán bộ làm việc có trách nhiệm với nhân dân, sống tiết kiệm, biết thiểu dục, tri túc, thẳng thắn và cương trực. Thấy được những điểm yếu, tập khí của ba được trao truyền, tưới tẩm từ gia đình, hoàn cảnh xã hội… nên tôi đã chấp nhận và cảm thông cho ba nhiều hơn. Có lần viết thư cho Thầy, tôi đã viết: “Con có niềm tin ở pháp môn không phải vì Thầy là một vị thiền sư nổi tiếng. Niềm tin có trong con là nhờ con áp dụng lời Thầy dạy có sự chuyển hóa, nuôi dưỡng và trị liệu”.
Mượn một câu thơ của Thầy, tôi có viết vài câu thơ để tự “thắp sáng niềm tin” và nuôi dưỡng tâm bồ đề của mình:
Thắp niềm tin cháy mãi trong tim.
Tôi xuất gia năm 29 tuổi, là một tu sĩ trẻ, tôi luôn ý thức con đường phía trước còn dài, còn nhiều gian khó, thử thách cần phải vượt qua. Thầy tôi năm nay đã hơn 88 tuổi rồi. Thầy không thể ở mãi bên tôi để nhắc nhở và dạy bảo. Tôi phải tự “thắp sáng niềm tin” để đi trọn con đường Hiểu và Thương. Thầy đã trao cho tôi pháp môn thực tập, Thầy đã chỉ cho tôi một hướng đi, một con đường sáng. Khổ đau, hạnh phúc, vô minh hay hiểu biết… đều do tôi thực tập.
Tôi luôn ý thức rằng, sống với tăng thân, tôi sẽ được bảo hộ và nâng đỡ, sư anh, sư chị, sư em sẽ cùng tôi tu tập chuyển hóa tự thân và độ đời. Chí nguyện của những người tu trẻ thật đẹp, thật lành. Các sư anh, sư chị và sư em chúng tôi muốn “chung tay góp sức” để xây dựng ngôi nhà tâm linh cho những người hữu duyên đến tu học. Để đi trọn con đường xuất gia, ngoài những phước duyên của mỗi người, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải “rèn tâm tích đức” thì mới có khả năng độ đời. Nếu không biết cách nuôi dưỡng tâm bồ đề, không hành trì lời Thầy dạy thì không thể “đi như một dòng sông” với tăng thân. Tôi luôn tự “thắp sáng ý thức” để nhớ và hành trì, để có thể sống thảnh thơi, vững tâm trên con đường dài phía trước.
Rèn tâm tích đức mai này độ sinh.
Tu viện Bích Nham, tháng 1/2015
AN BẦN LẠC ĐẠO
Viết ở tu viện Bát Nhã năm 2008