Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Cầu toàn…khổ

Chân Minh Hy

Đã khi nào bạn đến xóm Thượng ở núi Thệ Nhật chưa? Ở đó có một Thiền đường Chuyển Hóa rất đẹp. Trong Thiền đường ấy có một bức tranh vẽ bằng mực Tàu cao khoảng tầm 3m và rộng 1,2m. Đối với tôi đó là một kiệt tác, một câu trả lời đơn giản cho giáo lý tương tức – tương nhập. Tuổi của nó chắc cũng gần bằng tuổi xóm Thượng. Bức tranh được vẽ trên giấy thô, lâu ngày vì thế nên bị mo (co lại). Các anh em đã nhờ Thầy Pháp Ý mua giùm hai tấm mica lớn, phần khung gỗ là của thầy Pháp Áo, tôi và một vài bạn thiền sinh lo phần dựng nó lên tường. Phần khoan lỗ, bắt vít mất hai buổi. Nó gần như hoàn hảo sau khi được gắn lên tường. Nhưng buồn chưa, nó bị lệch qua một bên. Làm sao đây. Nó nặng quá. Bốn người phải vất vả lắm mới dựng được nó lên. Nhìn qua các bạn thiền sinh, họ đang ngắm nhìn bức tranh và thở phào vì đã xong việc. Chưa biết làm sao, tôi mời mọi người nghỉ tay, uống nước để nghĩ cách chỉnh sửa lại bức tranh được thẳng, đẹp theo như ý mình.

Mấy năm về trước

Đó là một buổi sáng mùa Đông, tôi bước vào bếp, đến bên nồi mít kho và phát hiện mít đã bị cháy. Làm sao có chuyện này nhỉ! Rõ ràng là mình đã nhờ sư chú trông chừng rồi mà. Mít kho là món rất được đại chúng ưa thích, đặc biệt là phải kho nhiều lần mới ngon. Vì thế mà đội chúng tôi đã chuẩn bị món này từ chiều hôm qua. Sau khi đặt nồi mít lên bếp, tôi nhờ sư chú trông chừng vì bận việc. Từ hôm qua đến sáng nay, cứ nghĩ đến nồi mít là tôi thấy lòng mình hạnh phúc. Nồi mít kho sẽ làm cho bữa cơm của đại chúng thêm ngon miệng. Mọi người sẽ hạnh phúc lắm. Thế mà bây chừ như thế này đây, mít bị cháy. Hạnh phúc tan liền theo khói bếp. Tôi không còn nghĩ đến chuyện gì nữa ngoài một việc là muốn gặp sư chú đó để hỏi cho ra chuyện. Tác giả đã làm cho hạnh phúc của tôi tan tành.

Một lúc sau, đây rồi, sư chú đang đi xuống. Khỏi cần chào hỏi, tôi vào đề ngay:

  • Tại sao chú để cho nồi mít cháy? Chỉ một việc kho nồi mít mà cũng làm không xong.

Sư chú lặng thinh, đi kiểm tra nồi mít. Tôi cũng lặng thinh nhưng trong lòng thì lửa vẫn còn cháy. (Giận quá tôi đánh mất luôn cả chữ “sư” mà chỉ gọi bằng chú.) Tuy vậy công việc nấu ăn vẫn tiếp tục. Hai phút sau, tôi làm thêm hiệp phụ.

  • Trưa nay coi mà ra sám hối đại chúng đó, để lần sau làm việc cho có trách nhiệm. Xong. Việc cần nói tôi đã nói xong.

Xoảng!… Cái thau lăn loảng xoảng dưới đất.

  • Thầy tưởng em hạnh phúc lắm à? Em cũng buồn lắm chứ, em có muốn như vậy đâu. Hôm qua em cũng có nhờ dì coi giùm rồi.

Nói xong sư chú đi về phòng, không nấu ăn nữa. Hai ngọn lửa chạm vào nhau, nổ cái bùm và tắt ngấm. Đó phải chăng là cách thoát lửa khi đi trong rừng, (của anh chàng Xi trong phim Thượng đế cũng phải cười). Người đã đi còn nồi mít ở lại. Xử lý nồi mít cháy này thì còn dễ chứ tình huynh đệ đang cháy xử lý mới thật khó. Mọi chuyện tôi phải tạm gác qua một bên để lo phần nấu cơm trưa cho đại chúng.

Cơ sự này là do mình mất bình tĩnh mà ra hết. “Đang giận thì hãy bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Bây chừ không những khê mà cháy luôn. Cái hạnh phúc mà tôi miên man từ chiều hôm qua đã không làm cho tôi hạnh phúc thực sự. Sự thật là năng lượng chánh niệm trong tôi còn quá bé, Không đủ lớn để xử lý giây phút hiện tại cho khôn khéo. Thế mới biết hạnh phúc không phải là một sự mơ tưởng hay mong cầu mà nó phải gắn liền với thực tế và trong cách tiếp nhận của mình.

Biết mình có lỗi, tôi đã không ngại đến phòng sư chú để xin lỗi về cách hành xử vụng về của mình. Sư chú rất dễ thương, đã mở lòng chấp nhận và cũng nhận lỗi về phần mình. Anh em tôi đã làm hòa nhưng phải mất một thời gian nữa hai người mới tự nhiên trở lại. Một bài học quí giá cho tôi.

Câu chuyện thứ hai tôi sắp kể ra đây cũng xảy ra ở tại nhà bếp này. Đó là một ngày Chủ nhật – ngày quán niệm cho bốn chúng. Hôm đó đội tôi nấu ăn chung với quí sư cô. Nấu ăn trong tu viện chúng tôi là một phép thực tập, là cơ hội để xây dựng tình huynh đệ, tập làm việc chung với nhau, tập chế tác hạnh phúc và tình thương khi được phục vụ đại chúng. Vì vậy mà ở trong chùa, nhà bếp còn được gọi là Ái Nghĩa Đường. Ái là thương, Nghĩa là nuôi, mình nuôi đại chúng bằng tình thương. Vì thế những người nấu bếp được yêu cầu thực tập chánh niệm và giữ gìn một không gian rất thanh tịnh. Mọi người đều tập thở và tập dừng lại khi có tiếng chuông. Hôm ấy tôi thấy mình thật may mắn. Tôi nhờ một sư cô cắt giùm rổ cà-rốt để xào. Sư cô rất hoan hỷ. Nữa tiếng sau tôi quay lại thì ôi thôi rồi, cà rốt không được cắt thành que mà đã được cắt thành từng miếng vuông. Đã nói là cắt cà-rốt để xào rồi mà, chừ làm răng mà xào đây. Tôi bực mình lắm. Nhưng may quá, tôi bỏ đi mà không nói một lời nào. Bạn thấy có buồn cười không. Chuyện nhỏ như ngọn cỏ vậy mà tôi lại bực mình đấy. Tôi đi ra lu nước, đứng đó rửa tay. Không biết là tôi đã rửa hết bao nhiêu nước. Những lúc như thế này tôi chỉ biết thở, Thầy tôi đã dạy như thế. Trong lúc thở tôi liền nghĩ: Đó là một sư cô, mình giận một sư cô thì mất mặt quá! Đó cũng là sư em trong đạo của mình, mình là sư anh mà lòng mình lại bé tí tẹo không đủ bao dung cho sư em mình sao? Nghĩ như vậy, tôi liền tập trung vào hơi thở và đọc thầm một câu thần chú mới hiện ra trong đầu: “đã lỡ rồi thì thôi, đã lỡ rồi thì thôi, đã lỡ rồi thì thôi…” Tôi đọc như thế năm bảy lần để tự nhắc nhở mình là cho nó đi qua. Vậy mà có hiệu quả thật đấy, tôi trở vào bếp, vẫn thở, vẫn mĩm cười như chưa có chuyện gì xảy ra. Món cà-rốt kho với khuôn đậu cũng rất ngon.

Qua hai câu chuyện vừa rồi giúp tôi nhận ra thêm một tập khí mới trong mình. Chúng ta thường hay đặt trước những tiêu chuẩn cho người khác phải không? Nhưng nhiều lúc ta phải chấp nhận sự thay đổi cho những điều ta đã đặt ra. Trong cuộc sống ai cũng mong muốn cuộc sống sẽ chìu theo ý mình, muốn cuộc đời sẽ thương mình như chính mẹ mình đã thương yêu mình. Có phải vì ta đã sống trong vòng tay yêu thương của gia đình quá lâu, bây giờ đã hình thành một thói quen đòi hỏi trong ta!

Nghĩ về những tập khí ấy của mình, tôi quyết định không chỉnh sửa bức tranh nữa. Nó hơi nghiêng một bên nhưng đó sẽ là một cách để tôi tự nhắc nhở mình. Mình có một tập khí muốn mọi chuyện đều được như ý. Nhiều lần đi vào trong Thiền đường Chuyển Hóa, tôi đã mĩm cười với bức tranh và với chính tôi. Trong ý thức chánh niệm, tôi biết sự toàn hảo luôn có mặt đó trong chiều sâu tâm thức tôi, vì thế phải thường xuyên chăm sóc nó. Cùng với sự thực tập này tôi thường hay nhắc nhở mình phải biết nâng đỡ cho những người bạn của mình. Làm sao giúp các anh chị em mình có thêm niềm tự tin vào bản thân để cống hiến những tài năng cho tăng thân. Và trong khi phụng sự, đừng bao giờ mong người khác làm một điều gì hoàn hảo 100%. Chỉ cần vài mươi phần trăm là giỏi rồi. Ai cũng cần có thêm thời gian để lớn lên. Tôi cũng vậy. Bạn cũng vậy.

Sau mỗi chuyến đi chơi, trở về nhà chúng ta thường hay ngồi xem lại những tấm hình đã chụp. Xem lại những kỷ niệm và cũng xem lại chính ta. Mình chọn lựa những tấm hình dễ thương, hạnh phúc rồi ta chọn những tấm hình đẹp lưu giữ nó vào ổ cứng hay tài khoản trên mạng, còn những tấm hình xấu xí, những góc nhìn mất thẩm mỹ ta cho nó vào thùng rác. Ta từ chối nó, một khía cạnh khác của chính ta, ta chưa sẵn sàng chấp nhận. Mong rằng trong năm mới đề tài này sẽ giúp bạn hiểu và thương cuộc sống của bạn nhiều hơn.

Bây chừ đã đi xa, tôi biết bức tranh vẫn còn đó. Chắc sẽ không ai nghĩ cần phải chỉnh lại cho ngay ngắn như tôi. Đẹp hay chưa đẹp là tùy theo quan điểm của mọi người, vì thế nên chẳng có ai giống ai. Đừng mong người khác phải như mình và đừng mong cầu mình phải giống người khác mình mới hạnh phúc.