Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Nối lại tình thâm

Chân Sinh Nghiêm

Tình thương bắt đầu từ gia đình

Trước khi về thăm gia đình, con muốn cùng bố mẹ qua thăm bà nội, có lẽ đây là cơ hội cuối trước khi bà lìa trần. Con nghĩ thăm bà lúc bà còn sống tốt hơn là sau khi bà mất mới về tụng niệm, cầu siêu cho bà. Bây giờ bà còn minh mẫn, tỉnh táo, bà có thể tiếp nhận sự có mặt của con, và hy vọng những lời chia sẻ chân thành của con sẽ giúp bà chuẩn bị hành trang cho chuyến đi kế tiếp.

Ông bà của con ly dị và sống xa nhau hơn hai mươi năm nay rồi. Thường khi mình bước vào một cuộc hôn nhân, mình mong sẽ còn sống bên nhau tới khi đầu bạc răng long, nhất là đến tuổi già vẫn còn người bạn tri kỷ cho đỡ cô đơn trong khi đàn con cháu bận rộn công việc cả ngày đêm. Nhưng tới tuổi già thì ông bà ly dị vì không biết cách chuyển hóa những nội kết, lại sống theo tập khí của mỗi người và ông lấy vợ sau. Bà rất đau khổ, sống với nỗi cô đơn và hờn giận. Sự ly cách của ông bà cũng là nỗi đau buồn cho đại gia đình, những xung đột và tình thương trong gia đình bị rạn nứt.

Con là một người trẻ xa quê hương và lớn lên ở Tây Phương, con nghe rất nhiều về chữ “tình, chữ “nghĩa”, nhưng chưa thật sự hiểu. Trong tiếng Anh, chữ tình là “love”, nhưng chữ “nghĩa” con chỉ nghe mà chưa cảm nhận được. Nhờ chuyến thăm gia đình lần này đã giúp con hiểu được chữ “nghĩa” khi ông nội con đồng ý qua thăm bà nội.

Con cảm thấy quá may mắn vì chuyến thăm gia đình như là một khóa tu gia đình được tổ chức ngay tại nhà bác gái của con, gia đình bác gái con theo đạo Công Giáo. Con tôn trọng nếp sống của gia đình bác, nhưng những thực tập chánh niệm chính là sự biểu hiện của hiểu và thương, phát xuất từ ước muốn cho mọi người được an vui và khỏe mạnh. Nhờ ý thức đó, những thực tập căn bản được lồng vào đời sống hàng ngày một cách trôi chảy và tự nhiên. Thật là một cơ hội thực tập đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt ứng dụng rất mầu nhiệm.

Qua đến nhà bà, con được biết ông bà của con quen thân với bố mẹ của sư cô Thoại Nghiêm khi ở Đà Lạt. Bác gái con liền gọi điện cho ông con đang ở Pháp mời ông qua chơi nhân dịp có con, sư cô Thoại Nghiêm và bố mẹ của con về thăm. Ông đồng ý một cách bất ngờ, nhưng các cô chú con còn e ngại rằng: nếu ông không ân cần với bà, bà sẽ bị trầm cảm lại lần nữa và bác gái sẽ phải chăm sóc cho bà với những đổ vỡ sau chuyến viếng thăm. Đêm đó trong khi con băn khoăn không biết phải làm thế nào để mọi người được an vui thì bà cũng trằn trọc cả đêm không ngủ được vì phải nghĩ cách tiếp đón ông sau bao năm xa lòng cách mặt, bây giờ cuối cuộc đời mới được gặp lại nhau.

Sáng hôm sau bà tươi cười rạng rỡ. Bà kéo con vào phòng và nói: cho dù ông có cái tánh đi chơi làm bà khổ nhưng ông vẫn là một cột trụ cho gia đình được có ngày hôm nay với bảy người con nề nếp và một đàn cháu rất dễ thương. Nếu không có ông thì có lẽ gia đình đã tan nát rồi. Vì vậy bà quyết định sẽ đối xử với ông một cách tử tế. Bà nghĩ đến cách chăm sóc cho ông từng ly từng tí, mỗi buổi sáng, bà thường nhắc con cháu làm nước cam cho ông vì bà biết ông thích uống nước cam. Bà cảm thấy thông cảm cho ông vì bà sau đã qua đời, chắc ông cũng cô đơn.

Ngày ông tới, sau khi chào mọi người ông liền lên tiếng gọi “Bà ơi! Bà đâu rồi?”. Giây phút ngậm ngùi khi ông lên lầu chào đón bà, hai người ôm nhau, ai cũng cười tươi như mùa xuân đang trở lại. Những giọt mưa xuân cũng rơm rớm ứa ra trong mắt những người xunh quanh, cảm động bởi tình nghĩa chưa phai. Bà chiêm ngưỡng dung nhan của ông thật kỹ rồi nói: “Ông sao nay già và xấu đi rồi!” Con pha trò: “Bà còn một cái răng mà còn đẹp lắm chứ!” Ai cũng cười vui vẻ.

Sáng hôm đó, sư cô Thoại Nghiêm và con giúp bà chuẩn bị tinh thần bằng phương pháp tưới tẩm hạt giống tốt. Con xin bà kể lại chuyện tình ngày xửa ngày xưa khi ông mới thương bà.

Ngày sau, ông có dịp đi chợ trời cùng con, ông mua một bó hoa hồng xinh xinh, và nhất định cầm nó suốt cả buổi để tận tay mang về cho bà chứ không muốn bỏ vào túi nilon, ông sợ làm dập cánh hoa. Trong những buổi ăn, bà gắp thức ăn cho ông và chăm sóc cho ông tận tình. Có những buổi mọi người ngồi ăn cơm trưa nói chuyện với nhau hoặc bận làm việc khác, ông bà ngồi trước sân nhà, tâm sự cùng nhau… Những hình ảnh này mang lại cho con nhiều hạnh phúc. Ông bà đã và đang hồi phục lại những nét tình người nho nhỏ như Mẹ Theresa có nói: “Tình thương bắt đầu từ gia đình, vấn đề không phải là mình làm bao nhiêu mà là bao nhiêu tình thương chúng ta đã để vào việc làm đó”  (Love begins at home, and it is not how much we do … but how much love we put in that action).

Có một hôm ông bà ngồi chơi, con hỏi về sở thích vẽ tranh sơn dầu của ông. Ông kể: Ông có vẽ tặng cho bà một bức tranh cảnh phố cổ Hà Nội. Bà liền lục trong kệ ra bức tranh đó, mặt sau bức tranh ông viết: “Phố cũ Hà Nội, nơi mình mới gặp nhau và xây dựng cả một gia đình. Tặng Cúc với niềm thương mến”.  Điều này giúp con nhận ra ly dị là trên giấy tờ thôi, là những ước lệ mình đặt ra cho nhau, còn tình nghĩa là những gì có thật trong lòng người, khó mà phai.

Ta hạnh phúc liền giây phút này

Mẹ của con rất vui tính, mỗi khi có dịp ngồi ăn chung cả nhà, hoặc bố chơi đàn guitar là mẹ hát hết lòng, mẹ còn có năng khiếu tạo niềm vui cho mọi người hát theo những bài hát thực tập Làng Mai như Le bonheur c’est maintenant. Mẹ viết xuống những lời bài hát trên bề trái cuốn lịch cũ, và tập cho mọi người cùng hát, tạo không khí nhẹ nhàng, vui vẻ trong nhà. Sau hai tuần thăm nhà, mọi người thuộc lòng bài Le bonheur và có lúc con bắt gặp bác trai nhẩm hát một mình theo nhạc không lời. Bác trai là người địa phương và là một con chiên ngoan đạo, nhưng bác ăn rất ngon miệng những bữa cơm chay mà sư cô Thoại Nghiêm nấu với rất nhiều niềm vui. Một hôm, sau khi nghe kể gia đình thích ăn món ‘hắc cảo’ (yum cha) sư cô sáng kiến ra cách làm với nhân liệu chay. Tối hôm đó cả nhà vừa ăn vừa gật gù khen ngon, ai cũng vô cùng hoan hỷ ăn chay hoàn toàn trong những bữa ăn cùng gia đình. Đây là một hạnh phúc lớn vì trong tuần đó đã có khoảng vài con gà và một ít con heo, con bò được tha mạng sống. Cậu con trai trên hai mươi tuổi của hai bác vẫn còn sống ở nhà với ba mẹ, vốn là người ít nói nhất, nhưng trước mỗi bữa ăn đều chắp tay cúng xá một cách tự nhiên và vô ngại. Có khi ăn sáng một mình, anh cũng nhớ thực tập chấp tay mà không cần ai nhắc nhở.

Bác gái của con thường ngày rất lu bu với công việc trong nhà, công sở…, có khi mặt tắt mày tối với những lo âu và buồn lòng vì thiếu sự truyền thông trong gia đình. Sự có mặt vui vẻ và nhẹ nhàng của sư cô Thoại Nghiêm trong mỗi bữa nấu ăn là tấm gương giúp cho bác gái cách sống an hòa mà bác có thể tạo dựng được trong cuộc sống hàng ngày. Với sự nâng đỡ tinh thần hàng ngày, dần dần bác mở lòng và có thể tâm sự những khó khăn và bức xúc đã làm nụ cười của bác phai nhạt và sinh hoạt ngày cành trở nên nặng nề.

Có hôm mệt nhoài, con mở CD thiền buông thư của sư cô Chân Không cho cả nhà thực tập. Con rất biết ơn sư cô Thoại Nghiêm đã dùng mọi phương tiện để tưới tẩm những hạt giống tốt lành và an vui trong mọi người một cách tự nhiên, cũng như tạo không khí vui vẻ và đầm ấm trong nhà mỗi ngày cùng những bữa cơm thú vị. Những ngày có cơm nguội là chúng con bắc chảo lên làm món cơm rang áp chảo mà Sư Ông đã từng làm với đầy tình thương cho các chị em chúng con ăn. Món cơm rất mộc mạc này con cũng trao truyền lại cho gia đình và mọi người đều ăn rất hết lòng! Nó trở thành món ăn “plat du jour” (ưa chuộng) của nhiều ngày, và bà của con chỉ còn một cái răng cửa cũng muốn ăn luôn! Bà nhai nhóm nhém bằng lợi mà cũng khen ngon lắm vì bà đang được ăn tình thương và niềm vui an lành trong sự có mặt thật sự của gia đình. Con nhận ra không phải chỉ những món ăn sang trọng ở khách sạn Năm sao mới ngon mà những gì đơn giản nhất từ lòng lân mẫn và sự có mặt của người thương mới là thức ăn nuôi dưỡng và có công năng trị liệu nhất cho gia đình. Bữa cơm gia đình là cơ hội mà mọi người gặp nhau đầy đủ nên chúng con không ăn cơm trong im lặng hoàn toàn như ở Làng mà có thể trao đổi thân tình những thắc mắc về cách tu tập hoặc con đường xuất gia mà chúng con đã chọn.

Làm mới

Khóa tu gia đình nào theo truyền thống Làng Mai luôn luôn phải có sự thực tập Làm Mới giữa những người thân trong gia đình. Và khóa tu tại nhà của con cũng đã có yếu tố này mới có thể được đóng dấu ấn hàng thiệt của Làng Mai.

Bác gái của con là người rất thương bà Nội, trong suốt ba mươi năm qua bác đã cố gắng hết mình làm tròn chữ hiếu với Mẹ, làm tròn bổn phận của một người vợ và mẹ cho hai đứa con của mình.

Bà nội rất thương con, thương cháu nên không muốn làm phiền con cháu của mình. Thấy con cháu quay cuồng với công việc và học hành suốt ngày đêm, bà nội không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình với những khổ đau trong lòng nên càng ngày sự truyền thông giữa bà và gia đình, nhất là với bác gái càng thưa dần. Bà rất đau buồn khi chia tay với ông nhưng vì đã ôm ấp quá nhiều cay đắng mà không biết cách chuyển hóa tình trạng nên phải rời gia đình để sống còn, và tự chăm sóc cho chính mình.

Cả bà nội và bác gái đều thương nhau, đều không muốn làm phiền nhau nhưng rốt cuộc lại không nhìn nhau được. Mỗi người một cõi dù sống chung một nhà. Hai bên không có mặt cho nhau được vì chưa từng thực tập pháp môn Làm Mới, lại không biết cách lắng nghe và nói lời ái ngữ để giải tỏa những uất ức và bức xúc trong lòng. Trong thời gian thăm viếng, mỗi tối sư chị sư em trở về phòng, đóng cửa lại để chia sẻ với nhau những cảm nghĩ trong ngày, và bàn “chiến lược” kế tiếp để dần dần chuyển hóa tình trạng bế tắt trong gia đình.

Để chuẩn bị cho buổi Làm Mới, chúng con thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt cho bà nội. Để hiểu thêm tình trạng, chúng con khéo léo chia nhau thăm hỏi bà, cũng như bác gái, và đã quyết định phải có một buổi Làm Mới trước khi về mới có thể an tâm được. Ngày này người này mệt, ngày kia người kia bận. Gần tới ngày đi về rồi mà vẫn chưa có dịp thuận tiện! Mãi đến ngày ra về, còn phải chuẩn bị hành lý nữa, nhưng vẫn chưa có dịp. Cho đến hai giờ đồng hồ trước khi phải lên xe ra phi trường, chúng con mới ngồi lại với bà và bác gái để thực tập Làm Mới.

Do tập khí và tri giác sai lầm về nhau đã ăn sâu vào tâm thức của hai người nên sư cô và con phải hướng dẫn kỹ càng để hai bên có thể lắng nghe mà không phản ứng, và có thể nói rõ những gì trong lòng mà không dùng từ ngữ chỉ trích và phán xét nhau. Khi đã nói ra được và lắng nghe được, bà con và bác gái đều khóc, những giọt nước mắt của hiểu biết và thương yêu. Suối tình thương lại róc rách tuôn chảy, mang đến cho mọi người cảm giác mát nhẹ và an lạc. Bữa cơm trưa hôm đó, tất cả mọi người ăn thật ngon và đó là giây phút hạnh phúc! Ông sẽ ở chơi với bà ít nhất là một tháng hoặc hơn, bà và con gái đã có một chút trị liệu của hiểu và thương.

Sự tu tập cũng dẫn đến sự chuyển hóa giữa ông nội và bố của con. Ông nội và bố con cũng đánh mất truyền thông từ lâu vì ôm ấp những khổ đau trong gia đình. Những ngày cuối của hai tuần thăm viếng, con hạnh phúc khi nghe bố hỏi ông nội về gia đình tổ tiên. Đây là việc phi thường đối với bố vì nhiều khi con hỏi thăm bố về gia đình bên nội thì bố không nhớ hay không biết gì hết! Bố dắt ông tập đi thiền với những bước chân chánh niệm mà không lết dép xẹt xẹt trên sàn nhà như những ngày đầu ông mới đến.

Ăn xong, chúng con cùng nhau hát bài hát Le Bonheure lần chót trước khi lên xe và chụp tấm hình lưu niệm cuộc đoàn tụ gia đình đầy tình thương.

Trước khi đi thăm gia đình, con nghĩ đây có thể là lần chót con được chơi với bà, bà nói nếu bà mất thì con tụng kinh và làm lễ tang cho bà luôn cho tiện. Ngày lên máy bay trở về Làng con nghĩ nếu tử thần có đến gõ cửa mời bà đi thì con cũng mãn nguyện lắm rồi! Những chuyển hóa trong gia đình đều vượt hẳn ra ngoài sự mong đợi và tưởng tượng của con. Ai cũng nở nụ cười tươi rói khi vẫy tay nhau hẹn lại duyên sau.

Con rất biết ơn sư cô Thoại Nghiêm đã làm đệ nhị thân thật tuyệt vời cho con trong chuyến đi lần này, là một duyên lành lớn dẫn đến cuộc đoàn tụ gia đình thật bất ngờ. Mối duyên này đã bắt đầu từ hồi ông con còn ở Việt Nam, khi bố của sư cô và ông nội của con quen nhau và đã hợp tác xây dựng một trung tâm y tế – Hồng Thập Tự để chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo sống trên vùng Tây Nguyên. Và con được hưởng phước đức mà con chưa từng biết đến nếu như không có chuyến viếng thăm gia đình lần này thì những hạt giống lành này chắc sẽ bị chôn vùi dưới những đau buồn chồng chất của quá khứ. Nhờ đi tu, con có thể học làm người chăm vườn tốt, làm sạch cỏ gai và xới đất lên để cho những hạt giống đẹp có thể mọc lại tốt tươi. Con thấy thật vui khi con vừa hiểu thêm chính mình, vừa thông cảm và biết ơn ông bà hơn. Nhờ vậy, con mới khám phá ra con được trao truyền từ ông bà những khả năng tiềm ẩn, cũng như những tập khí xấu (đa tình) và đau khổ (ghen) của ông bà. Con cũng đang thực tập nhận diện rõ ràng hơn trong con, và đang trên đường chuyển hóa nó cho chính mình và cho ông bà.

Giờ đã đến

Ngày 19 tháng 01, 2015 sáng hôm đó con nghe điện thoại reo nhiều lần và trong lòng có gì đó thúc đẩy con phải trả lời nhưng con làm biếng chạy ra. Giờ ăn sáng con đi ngang qua phòng điện thoại và điện thoại lại reo, nhưng không còn ai khác trong phòng và con cầm máy trả lời. Con được tin bà nội của sư cô Thao Nghiêm mới qua đời vài tiếng đồng hồ. Sau giờ ăn sáng, con thông báo cho đại chúng xin đội trực điện thoại nên cho người trực điện thoại trong những giờ ăn để không mất những cuộc điện thoại quan trọng như con đã được nhận sáng nay. Cả ngày hôm đó con phải đi Bordeaux để lấy carte de sejour. Và buổi ăn chiều con được tin, trưa nay bố mẹ con điện thoại qua báo tin là bà nội của con mới qua đời.

Vài ngày trước đó tự nhiên con lại có cảm hứng chia sẻ với đại chúng xuất sĩ về quá trình tu tập và chuyển hóa của gia đình con. Cho dù gia đình con không hoàn hảo và con cũng hơi e ngại không biết mình nên chia sẻ không, nhưng con thực tập coi gia đình tâm linh và gia đình huyết thống của con là một.

Bà ơi, khi con nghe tin bà đã đi, trong lòng con không thấy buồn nhưng lại có một chút nhẹ nhàng, con cảm thấy việc mình cần làm đã làm được, và con không còn hối tiếc gì cả. Con nghĩ chắc bà đã đủ an tâm vì ước nguyện lớn nhất trong bà đã được hoàn thành. Khi mình có cùng tâm hướng thiện với nhau thì mình sẽ tạo đủ điều kiện cho sự việc tốt lành được tiến triển. Ông bà đã hòa giải, và ông đã về với bà, được đoàn tụ cuối cuộc đời. Ông cũng đã về với gia đình để một mai có lìa trần đi nữa thì ít nhất cũng có con cháu xum vầy. Bà đã thể hiện được tình thương, lòng chung thủy, hạnh kiên nhẫn và tha thứ đối với ông. Ông cũng ơn nghĩa sâu sắc với bà cho dù ông bà đã làm nhau khổ vì không biết cách thương nhau, không biết cách chăm sóc và giữ gìn cho nhau. Trong những hơi thở cuối, bà đã kêu cho con về làm lễ tang cho bà. Và bà biết không, tăng thân đã cho phép và yểm trợ cho con hết lòng. Lần này con được sư cô giáo thọ khác, là sư cô Tùng Nghiêm tình nguyện đi để yểm trợ cho con, sư cô là một “đệ nhị thân” tuyệt vời của con trong chuyến đi tiếp theo này!

Chuyến đi làm lễ tang cho bà là lần đầu tiên trong đời cho cả con và sư cô. Hai chị em con ngồi lại với nhau để soạn buổi lễ cho thích hợp với người quá cố và người còn sống cũng được lợi lạc. Cả gia đình và các bạn thân hữu đều là những người nói tiếng Pháp và hầu hết là đạo Công Giáo. Dựa trên cuốn Nghi Thức Đại Toàn tiếng Việt và tiếng Pháp, Sư cô và con đã chọn từng phần thích hợp cho buổi lễ. Mong rằng buổi lễ được trôi chảy và người nghe hiểu được, cảm nhận được để có thể chế tác thêm năng lượng chánh niệm và thương yêu cho buổi lễ.

Buổi lễ kết thúc, những người tham dự ai cũng xin bản copy của bài Kinh Thương Yêu và bài Sám Nguyện mà chúng con phát ra để đọc chung trong buổi lễ. Chúng con còn có cơ hội tập đi thiền đến nơi hỏa táng. Sau đó rất nhiều người chia sẻ rằng năng lượng buổi lễ rất bình an và cảm động. Vài người sau khi dự buổi lễ có cảm hứng muốn biết thêm về Làng Mai và hỏi thăm về khóa tu. Có một cô sau buổi lễ đã khóc đầm đìa vì nhận thấy mối quan hệ của mình với mẹ có nhiều đau buồn. Cô đến tham vấn sư cô Tùng Nghiêm, và tâm sự rằng: cô khao khát một con đường tâm linh từ lâu và sau khi dự buổi lễ hôm nay cô cảm thấy đây là con đường tâm linh có thể hợp với mình. May mắn thay là bên đảo nơi bà con ở có một tăng thân để giới thiệu cho bác gái và cô này đi để yểm trợ cho nhau. Con thật không ngờ sự mầu nhiệm của pháp môn, con đã gởi con và gia đình con cho Bụt, Pháp và Tăng thân lo.

Cả hai chuyến đi thăm gia đình năm ngoái và năm nay đều là do Bụt Tổ sắp xếp mới có thể hoàn thành một cách tốt đẹp như vậy. Con thấy mình chỉ là một điều kiện ước muốn cho gia đình được hòa giải, tha thứ và biết trân quý nhau, nhưng kết quả thì con không dám mong đợi gì cả. Bố mẹ và ông bà tổ tiên thật sự ở trong con. Khi con tu thì cả nhà được tu mà không cần con cố gắng làm gì đặc biệt ngoài ước muốn sâu sắc trong lòng với sự tu tập hết lòng hàng ngày của mình. Con quá may mắn và rất biết ơn Sư Ông và tăng thân đã cho con duyên lành này để chuyển hóa chính mình và cho gia đình.