Nuôi lớn tình thương
Chân Trăng Tam Muội
Sư cô Chân Trăng Tam Muội người Anh, xuất gia ngày 4/7/2012 thuộc gia đình cây Đỗ Quyên. Trước khi xuất gia, sư cô đã tu học theo pháp môn Làng Mai lâu năm, nhận giới Tiếp Hiện và sinh hoạt với tăng thân địa phương tại Pháp. Mùa thu năm ngoái, theo đề nghị của Thầy, sư cô cùng một số quý sư chú, sư cô trẻ rời Làng chuyển đến ở tu viện Bích Nham, một trong những trung tâm thuộc đạo tràng Mai Thôn tại tiểu bang New York-Mỹ. Bài viết dưới đây chia sẻ những niềm vui đầu tiên khi sư cô chuyển đến ở trung tâm mới. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Kính bạch Thầy, kính thưa đại chúng,
Từ Bích Nham, New York, con xin gửi lời chào thương kính đến Thầy và đại chúng. Con là Trăng Tam Muội, một trong bảy sadi và sadi nữ được Thầy gửi sang tu viện Bích Nham vào mùa thu 2014 để yểm trợ đại chúng bên đó.
Chúng con rất hạnh phúc được ở Bích Nham. Con đang ngồi ở bàn học để viết những dòng này và nhìn ra khung cảnh tuyết phủ bên ngoài cửa sổ. Ánh nắng chiều đang làm cho khung cảnh chuyển sang màu xanh và xám nhạt. Con lắng nghe tiếng nước rơi tí tách từ mái nhà do tuyết tan chảy xuống. Được ở trong nhà thật là ấm cúng.
Khung cảnh ở Bích Nham thật đẹp khiến chúng con phải đi chậm lại, để hết tâm ý vào tiếng lạo xạo của tuyết dưới bước chân mình và cảm nhận không khí trong lành, mát lạnh trên da mặt. Những bông tuyết khi thì lóng lánh dưới ánh mặt trời, khi thì chuyển sang màu xanh nhạt trong ánh trăng dịu dàng. Rồi những cảnh tượng kỳ thú của băng tuyết trên các dòng suối đóng băng. Không có một loại thủy tinh đắt giá nào, ngay cả thủy tinh nổi tiếng của thành phố Venice, có thể so sánh được với băng tuyết được điêu khắc và tạo hình một cách tự nhiên bằng khí lạnh và sự chuyển động của nước. Những thác nước đóng băng, những tấm rèm được tạo nên bởi những giọt nước đọng trên các cành cây bị đóng băng v.v… Tất cả những cảnh tượng này đều thay hình đổi dạng mỗi ngày. Thật là một thiên đường lộng lẫy và quyến rũ để đi thiền hành.
Chúng con vừa có một khóa tu rất vui trong mùa nghỉ lễ Tết tây và con muốn chia sẻ một trong những hạnh phúc mà con đã có. Hạnh phúc này đã làm cho tâm bồ đề của con vững mạnh lên nhiều. Trong khóa tu con đã có cơ hội ngồi lắng nghe một bạn thiền sinh. Hãy tạm gọi anh ấy là Jon. Jon đang không biết phải làm gì với người yêu đã chia tay, nên quay lại hay nên hoàn toàn dứt khoát với người đó?
Chắc mọi người sẽ thấy đây là một câu hơi buồn cười khi đem hỏi một sư cô, người đã chọn sống cuộc đời phạm hạnh. Tuy vậy con thấy mình cũng có nhiều điều có thể chia sẻ với Jon vì trước khi xuất gia, con cũng đã trải nghiệm qua cuộc sống gia đình. Con đã sống rất hạnh phúc với người chồng cũ và giúp anh ấy nuôi dạy hai đứa con riêng của anh ấy cho đến khi các con trưởng thành và vào trường đại học. Khi lắng nghe Jon, những kỷ niệm đẹp mà con đã có với hai đứa con của người chồng cũ trở về trong ký ức, và trái tim con mở ra để lắng nghe những khó khăn mà Jon sắp kể.
Câu hỏi của Jon không có gì mới lạ: nên chia tay như đã thỏa thuận, hay nên cố gắng để quay về? Trong khi lắng nghe câu chuyện của Jon, con có thể thấy Jon rất quyến luyến người thương cũ, “tình yêu” của Jon và ước muốn được sống trọn đời với cô ấy. Jon kể rằng hai người mới quyết định chia tay ba tuần trước đây để tạo không gian cho nhau. Giờ thì anh ấy cảm thấy cô đơn và tha thiết muốn quay về như trước đây. Tuy nhiên, khi Jon bắt đầu kể thêm chi tiết về mối tình kéo dài 10 tháng của họ, con đã khá ngạc nhiên. Hai người đã dùng nhiều thời gian cùng nhau sử dụng ma túy, Jon nói rằng có khi đang ở trong một cuộc vui, trong tay cầm ly rượu, anh đã tự hỏi: “Mình đang làm gì ở đây vậy?” Ngay sau đó Jon đã bỏ ra về trước sự bất mãn của người yêu.
Hình như họ đã có quá nhiều bất đồng với nhau. Jon rất lo lắng cho cô bạn gái, người mang chứng trầm cảm. Cô ấy đã phải uống thuốc nhưng lại quyết định ngưng không uống nữa dù không có quyết định hoặc lời khuyên của bác sĩ. Có vẻ như hiện tại cô ấy tự làm bác sĩ, tự kê toa thuốc, tự trị cho mình bằng cách sử dụng ma túy.
Họ đã có những giây phút vui vẻ với nhau, đồng thời cũng có rất nhiều nước mắt và thường xuyên cãi cọ. Họ không thật sự có mặt cho nhau. Con nhắc với Jon lời Thầy dạy: để biết một người có thương mình thật sự hay không thì mình phải xem người ấy có khả năng lắng nghe mình hay không? Hóa ra người yêu của Jon, theo lời anh ấy, đã làm anh ấy rất thất vọng bởi vì cô không hề có mặt cho anh. Cô ấy có quá nhiều khó khăn trong tự thân mà cô không thể tự mình đối diện. Làm thế nào để cô ấy có mặt cho người khác được? Dần dần Jon bắt đầu thấy rõ ràng hơn về mối quan hệ của mình. Quan trọng hơn hết là Jon đã hiểu ra rằng trước tiên anh cần phải chăm sóc cảm giác mất mát và thất vọng trong mình.
Con đã chia sẻ với Jon rằng khi mình rối rắm, không biết phải hành xử như thế nào cho đúng thì giới thứ ba trong Năm giới giúp cho mình chọn một hướng đi đúng đắn: “…Ý thức tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác, con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực…”
Jon nhớ lại đêm hôm ấy, sau khi chia tay với bạn gái, anh ta đã đi chơi với một nhóm bạn cũ ở đại học. Đã lâu họ không gặp nhau và khi thấy anh buồn, họ đã cố gắng làm cho anh vui lên. Mọi người đã cùng chia sẻ, lắng nghe và cười với nhau rất vui trong buổi tối hôm ấy. Jon thấy rất được nuôi dưỡng và nhận ra rằng đó chính là những người bạn thực sự của anh. Họ đã có mặt cho anh một cách vô điều kiện.
Con và Jon đã cùng nhau quán chiếu về chủ đề “cái gì là tình thương chân thật”. Giới thứ ba nói rằng có 4 yếu tố làm nên tình thương chân thật, đó là từ, bi, hỷ, xả. Nếu chúng ta dành phần lớn thời gian để cãi nhau và khóc lóc thì làm sao có thể gọi đó là tình yêu được. Dù Jon ước ao được giải bày những cảm xúc hay những khó khăn với bạn gái, cô ấy lại không có khả năng hoặc chẳng muốn nghe. Có vẻ như trong mối quan hệ của Jon, bốn yếu tố kể trên không hề hiện diện bởi vì họ đã dành phần lớn thời gian để cùng nhau chạy trốn thực tại.
Trong khi đàm luận với con, Jon bắt đầu tiếp xúc với những gì quan trọng nhất trong cuộc đời mình – gia đình, việc học mà anh rất thích, chí nguyện giúp người, lòng tri ân đối với Thầy (cha của Jon đã đem anh tới các khóa tu từ lúc anh còn rất nhỏ). Jon bắt đầu cảm thấy thương cho người bạn gái đã không có duyên được tu học hoặc đến với tăng thân ở đây, nơi mà mọi người đang tu tập để chế tác hạnh phúc.
Cuối cùng Jon quyết định chỉ nên làm một người bạn tốt của người yêu cũ, khuyến khích cô đến các nhà chuyên môn để trị chứng trầm cảm. Nhìn sâu, Jon thấy con đường sử dụng ma túy và tình dục mà trước đây anh đã đi thật tai hại và là chướng ngại cho sự thực hiện ước mong sâu sắc nhất của anh. Jon nhận ra rằng trước tiên anh cần phải chăm sóc chính mình, nuôi dưỡng mình bằng sự thực tập và tiếp xúc với những người bạn chân tình để họ có thể yểm trợ anh. Khi ấy, anh sẽ có khả năng giúp cho người khác một cách thông minh và hiệu quả.
Chuyện của Jon làm cho con ý thức hơn về những khó khăn mà người trẻ đang phải đối mặt khi sống trong thế giới hiện nay. Họ phải đối diện với sức ép khủng khiếp từ bạn bè để được coi là người “chịu chơi” (cool). Và để trở thành người “chịu chơi”, những người trẻ có thể có những hành động rất tai hại, như sử dụng ma túy, uống rượu hay quan hệ tình dục bừa bãi. Tại các trung tâm thực tập của Làng Mai, chúng ta ngày càng gặp gỡ nhiều người trẻ đau khổ bởi vì bản thân họ hay người thương của họ đang dùng tình dục để khỏa lấp nỗi cô đơn. Chúng ta thật may mắn biết bao khi có Năm giới quý báu bảo vệ và giúp chúng ta duy trì sự vững chãi của mình khi phải đối diện với những chọn lựa nan giải.
Làm sao có thể thương người khác nếu ta không thể thương chính mình? Bằng sự thực tập nuôi lớn Tứ vô lượng tâm – Từ, bi, hỷ, xả – vì hạnh phúc của chính mình và của người khác, chúng ta có thể chuyển hóa khổ đau của chính mình, nuôi lớn tình thương chân thực nơi tự thân và chia sẻ tình thương ấy đến cho mọi người.