Chăm em – Chăm tôi
Chân Trăng Hải Ấn. Sư cô Chân Trăng Hải Ấn, người Canada, xuất gia tại Làng Mai ngày 4.7.2012 trong gia đình Cây Đỗ Quyên (Azelia). Sư cô hiện đang sống và thực tập tại xóm Hạc Trắng, tu viện Bích Nham, Hoa Kỳ. Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh
Thở vào, con thấy các em thanh thiếu niên đang có mặt trong con…
Thầy kính thương,
Sau bảy tuần sinh hoạt trong chương trình thanh thiếu niên (teens program) tại Làng Mai và tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB – Đức), con thấy mình được nuôi dưỡng, được thử thách và có nhiều cảm hứng. Con xin được chia sẻ một ít kinh nghiệm của con trong mùa hè vừa qua. Con rất vui khi lần đầu tiên được tham gia vào chương trình này ở Làng. Những tháng năm niên thiếu của con tràn đầy nước mắt cũng như tiếng cười. Con đã may mắn gặp được những thầy cô giáo cũng như những nhà tư vấn (mentors) dạy con cách thương yêu và tin tưởng vào chính mình trong giai đoạn mà không ai xung quanh con nghĩ đến những việc như vậy. Được chia sẻ phương pháp thực tập chánh niệm cho các em thanh thiếu niên giờ đây là một cách con bày tỏ lòng biết ơn của mình đến với những vị đã nâng đỡ con trong quá khứ, và cũng để hiến tặng một cái gì đó tương tự cho các em thanh thiếu niên ngày nay.
Đóng một vai trò quan trọng và thú vị trong chương trình sinh hoạt với thanh thiếu niên là nhóm các thầy, các sư cô và một số cư sĩ, thông dịch viên có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn sinh hoạt cho các em. Chúng con đã làm việc cùng nhau trong tinh thần hòa hợp, yểm trợ sự thực tập của nhau và vui chơi với nhau. Trong mỗi khóa tu đều có một nhóm hướng dẫn gồm cả xuất sĩ và cư sĩ nên không ai phải làm việc một mình. Con cũng cảm nhận được sự có mặt và yểm trợ của những người đi trước đã từng tổ chức chương trình này trong những năm qua. Sự cống hiến của các vị đã khuyến khích Tăng thân “đầu tư” thêm thời gian, không gian và năng lực – những yếu tố cần thiết – để việc tổ chức chương trình sinh hoạt cho các em thanh thiếu niên được suôn sẻ trong năm nay. Nhờ vậy chúng con đã làm việc được một cách dễ dàng. Chúng con đích thực là một tăng thân nhỏ trong một Tăng thân lớn, cùng đi như một dòng sông.
Sinh hoạt với các em giúp cho con nhận ra tầm quan trọng của Tăng thân dưới một ánh sáng mới. Hầu hết các em về Làng với bố mẹ chứ không phải tự mình muốn về. Chúng con phải tìm cách tạo ra một không gian đủ vui tươi, thoải mái và đầm ấm bằng cách tổ chức nhiều trò chơi, trong đó có cả một đêm uống sô-cô-la nóng. Dù tổ chức khéo tới đâu đi nữa, điều quan trọng nhất đối với các em là tình bạn, cho nên việc kết nối là trọng tâm của sự thực tập. Tuần trước một em trai kể: “Con tưởng rằng chương trình này sẽ rất nghiêm ngặt, rất chán và con sẽ phải sinh hoạt chung với em gái của con cả một tuần dài. Nhưng sự thực là con lại làm quen được với nhiều bạn mới và chương trình thì rất vui!”.
Buổi thực tập làm mới giữa cha mẹ và các em thanh thiếu niên tại xóm Mới
Càng thấy được tầm quan trọng của việc kết nối tình thân giữa các em thiếu niên, con càng nhận ra điều này cũng quan trọng không kém cho những người lớn tới Làng và ngay cả cho giới xuất sĩ. Ngay từ thời kỳ săn bắn, hái lượm, phần não bò sát của con người (reptilian brain – đây có phải là tên khác của thức Mạt-na?) luôn mong muốn tìm kiếm sự an toàn trong nhóm, trong cộng đồng. Sự kết nối mang lại cho ta cảm giác an toàn, và nhờ vậy giúp ta thư giãn và cho phép não bộ của ta học hỏi những điều mới. Một khi chúng ta đã kết nối được với nhau thì sự thực tập (cũng như cuộc sống!) sẽ trở nên dễ dàng. Con nghĩ ngay cả những em thích tách mình ra khỏi nhóm cũng tự tìm sự an ổn theo cách của mình. Khi chúng con để “những tâm hồn cô đơn” này tự tìm cách riêng để kết nối với nhóm, các em ấy cũng tìm được niềm vui trong sự “có mặt cho nhau”.
Chúng con sáng tạo nhiều cách khác nhau để chia sẻ pháp môn ngồi thiền cho các em, chẳng hạn như cuối một buổi sinh hoạt chúng con cho các em ngồi thiền chỉ trong năm phút và thực tập nhiều lần như vậy trong ngày. Mức độ chú tâm của phần lớn các em thiếu niên rất ngắn so với người lớn. Tuy vậy, các em lại có khả năng làm lắng dịu tâm ý dễ dàng hơn người lớn. Một em gái đã chia sẻ: “Con thường bắt đầu bằng cách theo dõi hơi thở liên tục cho đến khi có thể nghe được nhịp tim của mình. Sau đó, con chỉ tiếp tục lắng nghe nhịp tim của mình của thôi. Con thấy thú vị lắm!” Không lo về phương pháp đúng sai, khỏi phiền hà về cái tâm rong ruổi. Đơn giản thật! Cô bé đã tạo cảm hứng cho con, từ đó con thử tập “thiền nhịp tim” và thấy phương pháp này thật dễ chịu.
Chúng con cố gắng hướng dẫn các pháp môn thực tập cho các em bằng những hình thức nhẹ nhàng, vui tươi, không cứng nhắc về hình thức. Chẳng hạn như pháp môn thiền đi và thiền ăn được giới thiệu bằng những trò chơi. Thiền buông thư là một pháp môn được các em rất ưa chuộng. Chúng con cũng thực tập thiền ca rất nhiều. Khi hát chung với nhau, các em nhận ra là khi tâm có mặt với thân và thở một hơi thật sâu đem lại cho các em cảm giác thật khỏe nhẹ! Ngay cả những em không thích ca hát cũng chia sẻ rằng được góp phần vào chương trình văn nghệ là một điểm nổi bật nhất trong tuần. Một khi được ca hát chung (với sự yểm trợ của một bà mẹ làm quản ca), không ai còn cần phải giải thích cụm từ năng lượng tập thể là gì nữa. Cả nhóm đều được kinh nghiệm trực tiếp. Qua các trò chơi sinh hoạt vui tươi, con tiếp nhận được một bài học quý báu rằng nếu biết cách thì ai trong chúng ta cũng có thể làm cho sự tu học trở nên dễ chịu và tươi vui.
Pháp môn Làm Mới cũng là một phần thực tập quan trọng trong thời khóa sinh hoạt của mỗi tuần. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, càng dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các em thực tập Làm Mới qua việc viết “thư tình” cho bố mẹ và chia sẻ riêng với các em thì sự thực tập của các em trong buổi Làm Mới càng sâu sắc hơn. Nhiều giọt nước mắt biết ơn và trị liệu đã tuôn rơi, thỉnh thoảng cũng có những tiếng cười. Rất nhiều tình thương đã được thể hiện trong các buổi Làm Mới. Chúng con biết rằng chỉ một tuần ở Làng thì chưa đủ để trị liệu tất cả vết thương trong lòng các em, nhưng có thể đó là thời gian duy nhất trong suốt một năm mà các em và những người thân trong gia đình có thể chia sẻ một cách cởi mở tình thương yêu và lòng biết ơn dành cho nhau. Nhờ vậy họ có thể tiếp tục thực tập điều này sau khi về nhà. Những gia đình về Làng tu tập nhiều hơn một tuần thường có khả năng trị liệu nhiều nhất vì họ có thêm thời gian để học cách xây dựng niềm tin với nhau, đủ để thực tập pháp môn Làm Mới một cách sâu sắc.
Rất nhiều người trẻ về Làng mang theo nhiều vấn đề khó khăn lớn như: bố mẹ ly dị hoặc luôn bận rộn với công việc, không có thời gian cho con cái; bố hoặc mẹ mất vì ung thư; bị áp lực phải uống rượu và dùng thuốc phiện từ bạn bè; nghiện thuốc phiện, tình dục; bị các căn bệnh sợ hãi, trầm cảm, tự hành hạ mình; có bạn bè tự tử và nhiều vấn đề khác nữa. Dù có các trò chơi và các sinh hoạt vui tươi lành mạnh, chúng con cũng không thể quên rằng bên dưới những tiếng cười đó là cả một khối khổ đau.
Như Thầy thường dạy, chúng con cần phải chia sẻ những phương pháp thực tập cụ thể có công năng giúp được các em trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy chúng con chú trọng vào những pháp môn căn bản như hơi thở chánh niệm, buông thư toàn thân, nhận diện sự vô thường của các cảm xúc. Chúng con cũng luôn để tâm đến năng lượng chung của nhóm trong mỗi giây phút vì tình trạng chán nản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng khi chính chúng con, những người hướng dẫn cho các em, chân thành chia sẻ những khó khăn của bản thân và cách chúng con thực tập như thế nào để đi ra khỏi những khó khăn đó thì các em tỏ ra quan tâm chăm chú và rất có cảm hứng. Con cứ tự hỏi: “Điều này thật ra là gì vậy?”. Câu trả lời đi lên trong con là: khả năng chấp nhận, tâm hiểu biết, tình thương và sự bình an.
Con thấy rằng mình phải quay về nương tựa Tăng thân và vũ trụ một cách sâu sắc hơn. Đôi lúc con cảm nhận một nỗi buồn nặng trĩu trong lòng, con ước mong mình có thể làm gì thêm để giúp những em có nhiều khó khăn. Nhưng rõ ràng là cá nhân con cũng có những giới hạn. Chúng con chỉ có thể có mặt cho các em trong một hoặc hai tuần ngắn ngủi, còn những điều kiện nằm đằng sau khối khổ đau của các em thì quá lớn, trong đó có gia đình, trường học, bạn bè, mạng lưới thông tin, môi trường, tình hình chính trị – xã hội, thực sự là cả vũ trụ này. Con chỉ có thể là một phần của Tăng thân và hiến tặng những gì mà mọi người trong tăng thân cũng đang hiến tặng, đó là: khả năng chấp nhận, tâm hiểu biết, tình thương và sự bình an. Rồi con cầu nguyện đức Bồ tát Quan Thế Âm và cả vũ trụ giúp các em sau khi các em trở về nhà.
Tiếp xúc với khổ đau trong các em cũng khơi dậy trong con những vết thương từ thời niên thiếu, những vết thương mà bấy lâu nay con cứ tưởng là đã được chữa lành. Đó là cảm giác bị loại trừ khỏi nhóm những người “được chú ý, được yêu thích”, cảm giác bị hiểu lầm và thường xuyên không cảm thấy thoải mái với chính con người mình. Chúng ta thường nghe về sự thực tập nhận diện em bé bị tổn thương trong ta, nhưng con xin thú thật rằng trong ta cũng có một cậu thiếu niên, một cô thiếu nữ bị thương tích nữa! May mắn thay, con không còn là một thiếu nữ và con đang có sự thực tập. Con có thể buông thư những căng thẳng trong cơ thể, chăm sóc cho những cảm xúc khổ đau và chuyển hoá những suy tư tiêu cực một cách nhanh chóng; đồng thời hiến tặng cho chính con khả năng chấp nhận, tâm hiểu biết, tình thương và sự bình an. Với sự thực tập đó, con có thể mời cô thiếu nữ trong con ra chơi đùa. Cô ấy hạnh phúc với điều đó lắm!
Có một cô bé trong nhóm làm con nhớ đến hình ảnh của con và một cô bạn thân khi còn trẻ, hai hình ảnh hòa chung thành một. Vì vậy con kết thân với cô bé ấy rất nhanh. Một hôm sau khi cãi vã với mẹ, cô bé đến để nhờ con giúp đỡ. Trong khi em đứng khóc, con đến và ôm em vào lòng. Con thấy mình như một người chị lớn, một y chỉ sư và một bà tiên hòa chung thành một. Con đã không làm gì nhiều, chỉ thở và lắng nghe nhưng có điều gì đó thay đổi trong cả hai chúng con. Em đã cảm thấy nhẹ hơn và có một cái thấy rõ hơn về những xung đột vừa xảy ra. Con cũng cảm thấy nhẹ hơn, như là có một khối nặng từ lâu đã được cất giấu vào một góc bụi bặm trong trái tim đã được đặt xuống. Con thậm chí còn nghe được một tiếng “bịch” trong lồng ngực của mình. Rồi khối nặng ấy tan biến đi.
Trong lúc nâng đỡ cho em gái này thì chính cô thiếu nữ trong con hai mươi năm trước vốn luôn mong muốn được hiểu, được thương cũng được hưởng điều này. Thời gian chợt tan biến, trong giây phút đó con vừa là một người lớn vừa là một cô bé. Trong khi chăm sóc cho em gái đó, con cũng đồng thời đang chăm sóc cho chính con. Thầy thường dạy chúng con thực tập điều này nhưng con chưa từng kinh nghiệm qua. Con đang được chuyển hóa. Khi tình nguyện tham gia chương trình sinh hoạt cho thanh thiếu niên, con đã không nghĩ rằng một điều như vậy có thể xảy ra. Con rất biết ơn điều ngạc nhiên mầu nhiệm này! Chắc chắn con sẽ tiếp tục tình nguyện tham gia chương trình này trong thời gian tới.