Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Câu hỏi của trẻ em và thanh thiếu niên

(Trích phần vấn đáp trong khóa tu mùa hè ở Làng và khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan năm 2014)

Câu hỏi: Thầy thích điều gì nhất trong đạo Bụt?

Thầy trả lời:

Điều mà thầy thích nhất trong đạo Bụt là tinh thần bao dung, không kỳ thị. Nếu chúng ta thực tập tình thương theo giáo lý đạo Bụt thì tình thương đó phải trải rộng đến tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai. Ta không chỉ thương giáo lý đạo Bụt mà còn thương cả giáo lý của đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái, v.v. Ta không cho rằng chỉ có cái thấy, cái hiểu của ta là đúng, còn cái hiểu, cái thấy của những truyền thống khác là sai. Đó là lý do vì sao một Phật tử chân chính sẽ không bao giờ gây chiến với các tôn giáo khác. Đạo Bụt không mang tính giáo điều. Những giáo nghĩa Bụt dạy là con đường giúp cho ta chuyển hóa, không phải là chân lý để ta thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Bụt đã từng dạy rằng chúng ta phải thực tập như thế nào để có tự do, không bị mắc kẹt vào những giáo lý của đạo Bụt, và cả ý niệm về Bụt trong ta. Đây là điều mà thầy thích nhất. Cảm ơn con đã đặt một câu hỏi rất hay!

Câu hỏi: Con phải làm gì khi mẹ nổi giận với ba?

Thầy trả lời: Có nhiều cách lắm! Một trong những điều mà con có thể làm là đến bên mẹ và nói: “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh” (Mommy, there is a cake in the refrigerator). Đây là câu thần chú rất nổi tiếng ở Làng Mai đó, con có biết không? Khi mẹ hoặc ba đang giận và không khí trong nhà căng thẳng không thể chịu nổi thì con hãy đến bên ba mẹ và đọc câu thần chú: “mẹ ơi (ba ơi), hình như có bánh trong tủ lạnh”. Câu đó có ngụ ý là “mẹ ơi, con đang khổ. Con không muốn thấy mẹ giận như vậy. Con không muốn thấy không khí gia đình nặng nề như vậy”. Đó là một cách để nhắc cho mẹ thấy là mẹ đang giận và đang làm cho không khí trong gia đình rất nặng nề, khiến cho chồng con đều không vui. Đó là một cách hay để nhắc cho mẹ: “mẹ ơi, đừng giận nữa, đừng làm cho cả nhà khổ nữa.” Con đừng nên nói: “Mẹ đừng có giận nữa”, mà hãy đọc câu thần chú: “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh” thì mẹ sẽ hiểu ngay. Mẹ sẽ thức tỉnh và thấy là “mình đang làm cho con gái đau khổ, mình không nên làm như vậy”. Và mẹ sẽ cố gắng mỉm cười với con và nói: “Đúng rồi, con đi ra vườn và chuẩn bị bàn ghế, mẹ sẽ mang bánh ra và mời ba ra ăn chung với mẹ con mình luôn”. Mẹ sẽ nói như vậy và không khí gia đình sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Mẹ sẽ không còn giận ba nữa và ba sẽ ra ăn bánh cùng với hai mẹ con. Lần sau, khi thấy mẹ hoặc ba đang giận thì con hãy đọc thần chú mà thầy vừa chỉ, “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh”, con nhớ chưa? Có thể con còn thắc mắc: “vậy nếu không có bánh trong tủ lạnh thật thì sao?”. Không sao hết! Mẹ của con rất thông minh, dù không có bánh thì mẹ cũng sẽ tìm ra một cái gì khác, cho nên con đừng lo!

Câu hỏi: Con phải làm sao để bày tỏ được cơn giận của mình mà không trút sự tức giận đó lên người khác?

Thầy trả lời:

Khi giận, mình muốn bày tỏ cơn giận của mình vì mình nghĩ rằng nếu không bày tỏ ra, nếu cứ đè nén cơn giận thì mình sẽ khổ hơn. Vì vậy mình thấy cần phải nói ra hay phải làm gì đó để bày tỏ cơn giận của mình. Nhưng kỳ thực nói ra một lời gì đó hay làm một hành động nào đó trong khi giận sẽ không giúp ích được gì cho mình cả. Nói và hành động khi đang giận luôn làm cho mình và người kia bị tổn thương.

Bụt dạy đừng bao giờ nói hay làm điều gì để bày tỏ sự giận dữ của mình, vì làm như thế mình sẽ gây ra đổ vỡ nhiều hơn. Thay vì làm cho bớt giận thì mình sẽ càng giận hơn nữa và mình cũng làm cho người kia giận luôn.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mình phải đè nén cơn giận. Phương pháp hay nhất là mình trở về với tự thân để chăm sóc cơn giận. Tới Làng Mai, mình được học những phương pháp thực tế giúp mình chăm sóc cơn giận. Mình phải học cho được vì đây là một việc rất quan trọng! Trong đời sống hàng ngày có rất nhiều chuyện làm cho mình giận dữ và đau khổ cho nên mình phải học cách chăm sóc cơn giận.

Việc đầu tiên mình làm là không nói gì, không làm gì cả mà chỉ trở về với chính mình bằng phương pháp thở. Mình thở vào thật sâu và nói: “Thở vào, con biết cơn giận đang có trong con!” Mình nhận diện cơn giận. Mình không cố đàn áp nó, mình không chiến đấu với nó, mình chỉ nhận diện nó: “Cơn giận ơi, chào em. Ta biết là em có đó và ta sẽ chăm sóc cho em!”. Đó gọi là nhận diện cơn giận.

Bước kế tiếp là mình ôm lấy cơn giận. Khi thở vào và thở ra một cách có ý thức thì mình chế tác được năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm có công năng nhận diện và ôm lấy cơn giận như một bà mẹ ôm lấy đứa con của mình. Đây là một sự thực tập rất hay! Khi giận thì mình sẽ không nói, không làm gì cả mà chỉ thở và ôm lấy cơn giận. Cha mẹ và bạn bè thấy mình thực tập ôm lấy cơn giận như vậy sẽ rất nể phục vì mình là người có tu tập, mình biết cách chăm sóc cơn giận.

Nếu mình tiếp tục thở vào, thở ra hay đi thiền hành chậm và ôm lấy cơn giận thì cơn giận sẽ lắng dịu xuống. Khi thấy em bé khổ, bà mẹ sẽ ôm em bé vào lòng một cách dịu dàng và em bé sẽ bớt khổ. Cơn giận giống như em bé của mình, trở về chăm sóc cho em bé (cơn giận). Mình nói: “Em bé giận ơi, chào em. Ta biết em có đó, ta không đánh lộn, ta không đàn áp em đâu! Ta sẽ chăm sóc cho em!”. Mình thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm và ôm lấy cơn giận. Có hai loại năng lượng: năng lượng của cơn giận và năng lượng của chánh niệm được chế tác bởi hơi thở. Mình sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp cơn giận.

Tôi nghĩ cha mẹ cũng nên thực tập như vậy. Nếu cha mẹ quên thực tập thì mình phải nhắc: “mẹ ơi, mẹ đang giận đó, mẹ hãy chăm sóc cho cơn giận của mẹ nhé. Con sẽ giúp cho mẹ, con sẽ thở với mẹ!”. Mình tới ngồi gần bên mẹ và thở với mẹ. Hai mẹ con cùng ngồi thở và ôm lấy cơn giận. Đây là sự thực tập rất tuyệt vời! Nếu ba giận thì mình có thể tới giúp cho ba: “Ba ơi, hình như là ba đang có chút giận dữ trong ba. Mình thực tập với nhau đi ba! Con sẽ yểm trợ cho ba”. Hai cha con cùng thở với nhau để nhận diện và ôm ấp cơn giận một cách dịu dàng. Mình sẽ có sự lắng dịu sau vài phút thở vào và thở ra.

Những người làm cho mình giận cũng có nhiều sự giận dữ mà không biết cách để xử lý. Vì vậy nên họ vung vãi sự giận dữ ra khắp chung quanh họ. Nhưng mình đã được học phương pháp chăm sóc cơn giận, mình không hành xử như những người đó. Mình không vung vãi sự giận dữ ra khắp nơi và làm khổ luôn những người chung quanh. Mình hãnh diện với chính mình và nói: “Những người kia thật là tội nghiệp! Họ có nhiều giận dữ mà không biết cách để xử lý, còn mình thì biết cách!”. Thấy được như vậy thì mình không còn giận họ nữa, mình muốn nói hay làm cái gì đó để giúp cho những người kia bớt khổ. Vì vậy thay vì giận thì trong tâm của mình phát sinh ra tình thương. Mình không còn muốn trừng phạt nữa mà chỉ muốn giúp cho họ, vì trong tâm mình đã có tình thương.

Tình thương là liều thuốc chữa trị sự giận dữ. Khi tình thương phát sinh thì cơn giận sẽ tắt ngấm. Thật là mầu nhiệm! Tình thương được phát sinh khi mình nhìn người kia và thấy được rằng trong người kia có sự giận dữ và khổ đau. Người đó không có khả năng chăm sóc cơn giận nên trở thành nạn nhân của cơn giận và đã vung vãi cơn giận đó ra khắp nơi. Thấy được như vậy thì mình sẽ không giận nữa và tình thương sẽ phát sinh trong mình. Mình trở nên tươi mát và có thể giúp được cho người kia. Biết được phương pháp thực tập không những mình không đau khổ mà mình còn giúp được cho những người trong gia đình hay bạn bè ở trường bớt khổ hơn. Đây là một phương pháp thực tập rất mầu nhiệm!

Ai trong chúng ta cũng có lúc nổi giận, nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý cơn giận của mình. Tôi hy vọng là một ngày nào đó người ta sẽ đem sự thực tập này vào học đường. Các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh phải biết cách xử lý cơn giận và phải có khả năng chỉ dạy lại cho các em học sinh. Nếu các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh làm được thì đương nhiên các em học sinh cũng học được. Khi cha mẹ biết cách thực tập thì con cái sẽ học được từ họ. Đây là sự thực tập rất hay mà mình có thể mang về nhà sau khóa tu!

Câu hỏi: Tại sao có lúc một hạt giống biểu hiện ra thành một bông hoa, có lúc lại không? Tại sao con lại không giống với những người khác?

Thầy trả lời:

Thông thường, hạt giống của hoa thường biểu hiện ra thành một bông hoa. Nhưng nhiều khi những điều kiện giúp cho sự biểu hiện đó không được thuận lợi hay không được đầy đủ, ví dụ như không có mưa, hay gió nhiều quá, v.v. Vì vậy nên trên tiến trình hạt giống biểu hiện thành bông hoa có sự gián đoạn. Phải có đầy đủ những điều kiện để một hạt giống có thể tiếp tục tiến trình của nó và biểu hiện ra. Nhưng có lúc vì vài điều kiện không có mặt nên hạt giống không thể tiếp tục biểu hiện. Và hạt giống sẽ tìm cách để biểu hiện trở lại. Cũng giống như những nụ hoa sắp nở, bỗng nhiên một cơn lạnh kéo tới và nụ hoa không nở được nữa. Nhưng cây hoa vẫn còn đó. Vài tuần sau, khi thời tiết ấm áp trở lại thì những nụ hoa mới lại xuất hiện. Lần này những điều kiện thuận lợi hơn và nếu thời tiết ấm kéo dài vài tuần thì những nụ mới sẽ nở thành hoa.

Vì vậy câu trả lời là: Nếu không có đầy đủ điều kiện thì một hạt giống không thể tiếp tục tiến trình của nó. Khi các điều kiện đầy đủ thì hạt giống sẽ tiếp tục tiến trình lớn lên và biểu hiện ra thành hoa.

Ngay đến những sự vật cùng một loại như hoa sen chẳng hạn, nhìn cho kỹ chúng cũng không giống nhau, ví dụ như có những hoa sen lớn và có những hoa sen nhỏ. Cũng là hoa sen nhưng hoa sen này khác với hoa sen kia. Điều này cũng đúng với những chiếc lá trên cây. Các sự vật không giống nhau là một sự kiện mầu nhiệm, vì nếu các sự vật giống y như nhau thì thật là chán. Mọi vật phải khác biệt nhau. Ở Pháp người ta có câu: “Sự khác biệt muôn năm!” (Vive la différence!) Vì vậy không giống với những người khác là một điều hay, nếu mình giống y hệt như những người khác thì thật là nhàm chán.

CÂU HỎI CỦA CÁC EM THANH THIẾU NIÊN (TEENS)

Câu hỏi: Con thường cảm thấy buồn và cô đơn. Con ghét chính bản thân mình, vì vậy mà con đã tàn hại thân tâm của con. Con phải làm thế nào để chăm sóc và thương yêu chính mình khi mà đau buồn đã trở thành tập khí sâu dày trong con? Con phải làm thế nào để buông bỏ những tri giác sai lầm về bản thân mình?

Thầy trả lời:

Câu hỏi này phải được đặt ra cho các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo. Nếu để ra một ít thì giờ để quán chiếu thì cha mẹ và thầy cô giáo sẽ thấy được rằng chính môi trường sống đã làm cho người trẻ rơi vào tình trạng đó.

Trước hết là trong gia đình, có thể các em không có cơ hội được học cách thương yêu và chăm sóc cho bản thân mình. Nếu cha mẹ biết thương yêu và chăm sóc cho chính mình thì đương nhiên con cái sẽ học được từ cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ cũng chịu trách nhiệm trong chuyện này. Có những gia đình, cha mẹ có khổ đau mà không biết cách xử lý khổ đau của mình. Cha mẹ làm khổ nhau, vì vậy cha mẹ đã tạo ra một môi trường gia đình mà trong đó con cái không được nuôi dưỡng và có nhiều vết thương trong lòng.

Khi các em đến trường, các thầy cô giáo cũng không giúp được cho các em, vì có thể thầy cô cũng có những khó khăn ở nhà như các bậc cha mẹ. Và họ mang theo những khó khăn đó đến trường. Ở nhà họ có khó khăn với con cái và khi đến trường, họ có khó khăn với học sinh. Nếu các thầy cô giáo không biết xử lý khổ đau, không biết thương yêu và chăm sóc cho chính mình thì làm sao có thể giúp được cho học sinh? Nếu có được các thầy cô giáo hạnh phúc, những người biết cách thương yêu và chăm sóc cho chính bản thân thì người trẻ sẽ có một cơ hội thứ hai. Cơ hội đó là học đường, một môi trường mà trong đó các thầy cô giáo có sự bình an và có khả năng thương yêu. Nhưng nếu thầy cô giáo không biết cách xử lý khổ đau của chính họ thì người trẻ sẽ không có cơ hội thứ hai.

Những vị làm trong Bộ giáo dục phải thấy rằng môi trường học đường và môi trường gia đình hiện nay không đem lại sự bình an, sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiểu biết và thương yêu cho các em học sinh. Họ cần tìm cách thay đổi hệ thống giáo dục và đưa vào trường học những phương pháp thực tập giúp các em học sinh biết cách thương yêu, chăm sóc, trị liệu cho chính mình. Khi đã biết thực tập, các em sẽ mang sự thực tập này về giúp cho cha mẹ.

Tuy nhiên, người trẻ cũng có thể giúp thay đổi tình trạng. Người trẻ có thể nói lên những khó khăn, khổ đau của mình. Ví dụ như sáng hôm nay khi con đặt câu hỏi này thì con đã giúp cho cha mẹ và thầy cô thấy được tình trạng. Có thể chúng tôi đã quá bận rộn với khổ đau, với cái giận và những khó khăn của chính mình nên chúng tôi không có thì giờ lắng nghe con. Con có mặt ở đây và đặt câu hỏi giúp cho chúng tôi ý thức được cái gì đang xảy ra. Nhờ vậy chúng tôi có cơ hội tìm cách thay đổi hướng đi của mình để cho con có được cơ hội thay đổi tốt hơn.

Ở Làng Mai, chúng ta được học cách trở về để ý thức rằng mình đang có một hình hài và hình hài đó là một mầu nhiệm, một kiệt tác của vũ trụ. Các nhà sinh học và các nhà khoa học thần kinh não bộ cũng có cùng cái thấy với chúng ta. Chúng ta phải biết cách trân quí, bảo vệ và giữ gìn kiệt tác của vũ trụ này. Nếu biết thực tập, chúng ta có thể bảo hộ và trị liệu để hình hài trở thành suối nguồn của niềm vui cho ta và cho những người khác.

Chúng ta cũng được học những phương pháp cụ thể như phương pháp làm lắng dịu hình hài. Ở Làng Mai mình học cách thở và đi như thế nào để làm thư giãn những căng thẳng, đau nhức trong thân. Mình cũng được học cách làm lắng dịu những cảm xúc mạnh để có bình an. Cha mẹ và thầy cô không dạy cho chúng ta điều này nhưng bây giờ chúng ta có may mắn học được. Vì vậy có rất nhiều thứ mà người trẻ có thể học để trước hết làm cho mình trở nên dễ chịu hơn. Chúng ta cũng được học là hình hài của chúng ta được trao truyền từ các thế hệ tổ tiên. Tổ tiên của ta không chết, tổ tiên vẫn còn sống trong ta. Vì vậy, nếu ta đối xử tàn tệ với hình hài cũng có nghĩa là ta đối xử tàn tệ với tổ tiên. Cha mẹ cũng đang có mặt trong hình hài của ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ. Chúng ta cần thực tập nhìn lại hình hài của mình để biết trân quí, giữ gìn và bảo hộ nó.

Năm giới là những phép thực tập cụ thể giúp ta làm được điều đó. Sống theo Năm giới thì ta bảo hộ được cho chính mình. Ta không để cho thân và tâm của mình bị tàn hoại bởi môi trường sống. Nếu ta không tôn trọng thân của ta thì người khác cũng không tôn trọng thân của ta. Nếu ta không tôn trọng chính mình thì người khác cũng không tôn trọng ta. Vì vậy điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là phải tôn trọng chính mình. Năm giới không phải là sự ép buộc! Vì có tuệ giác nên mình biết là mình không muốn sống một lối sống như trước nữa, một lối sống luôn tàn hoại thân và tâm của mình. Mình nhận ra rằng sống theo Năm giới thì mình có thể tự trị liệu được nên mình thực tập hết lòng để có thể trị liệu cho mình, đồng thời giúp được cho gia đình và cộng đồng.

Ở Làng Mai chúng ta cũng học phương pháp quay về nương tựa tăng thân. Tăng thân là một nhóm nguời gồm những cá nhân biết cách thực tập chế tác sự bình an và niềm vui. Mỗi người trẻ trong chúng ta phải có được một chỗ như thế để nương tựa. Trong một số truyền thống, trẻ em đều có cha mẹ đỡ đầu để các em có thể được giúp đỡ mỗi khi có khó khăn. Ở Làng Mai chúng ta có sự thực tập đệ nhị thân. Mỗi người đều có một đệ nhị thân. Khi có khó khăn ta có thể tìm đệ nhị thân để xin được giúp đỡ. Đó là thiên thần hộ mạng của mình. Đệ nhị thân có thể là một thầy, một sư cô hay là chú, là cậu, là một người bạn của mình, một người có đủ vững chãi, bình an, niềm vui và sự tự do. Mỗi người trẻ phải có một đệ nhị thân như vậy. Bất cứ lúc nào khi gặp khó khăn chúng ta cũng có thể tìm tới người đó để được che chở và giúp đỡ. Vì vậy những người trẻ phải tìm cho mình một nhóm người, một tăng thân như tăng thân Làng Mai. Các em có thể thành lập một tăng thân tại địa phương của mình để làm nơi nương tựa. Mỗi khi có nỗi khổ niềm đau thì các em có thể quay về để được an ủi và bảo hộ. Ai trong chúng ta cũng cần một người hay một tăng thân để nương tựa.

Thầy cũng vậy, thầy cũng cần một tăng thân. Thầy cũng thực tập quay về nương tựa tăng thân. Ở Làng Mai có những thầy, những sư chú, những sư cô trẻ dưới 20 tuổi. Họ thực tập giới luật và uy nghi để bảo hộ thân tâm nên họ trong sáng, tươi mát và vững chãi. Vì thực tập giới luật nên họ chế tác được chất thánh. Chất thánh là cái có thể có được. Thực tập Năm giới là chúng ta đang chế tác năng lượng của chất thánh, và năng lượng đó sẽ bảo hộ cho ta. Ở Làng Mai thầy thấy có những thầy, những sư cô và những Phật tử cư sĩ tuổi còn trẻ nhưng họ đã có khả năng chế tác năng lượng của chất thánh và thầy đã quay về nương tựa nơi họ. Chất thánh được chế tác ra từ năng lượng của niệm, định và tuệ cũng giống như chúa thánh thần trong Cơ đốc giáo. Nếu có chúa thánh thần che chở thì thân và tâm của mình sẽ được bảo hộ. Nếu có chất thánh của sự trong sáng, sự bình an và niềm vui thì mình sẽ được trị liệu một cách dễ dàng. Và khi mình khỏe mạnh, vui vẻ, có tình thương thì mình có thể giúp cho cha mẹ và thầy cô giáo. Vì vậy những người trẻ hãy tổ chức những nhóm tu tập để yểm trợ lẫn nhau trong sự thực tập nuôi dưỡng và trị liệu hàng ngày. Như vậy thì mình sẽ có được sự trị liệu như mong muốn.

Mình có tập khí để cho tham dục, giận dữ, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng lôi cuốn đi. Nhưng bây giờ mình bắt đầu chế tác năng lượng của những thói quen mới, năng lượng của chất thánh, của bình an, của chánh niệm và của tình huynh đệ có công năng trị liệu cho mình. Điều này mình có thể làm được nhờ giáo lý của Bụt mà mình được học ở Làng Mai.

Như chúng ta đã biết, Làng Mai là một nơi bình dị, không hào nhoáng nhưng là một môi trường lành mạnh trong đó có tình huynh đệ, có sự bình an, vì tất cả mọi người đều thực tập đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, nói năng trong chánh niệm, tiêu thụ trong chánh niệm. Một môi trường như vậy có công năng đưa tới sự trị liệu. Những người trẻ phải tạo cho mình một môi trường như vậy và chúng ta cùng nhau tạo ra những môi trường như vậy trong trường học, trong gia đình. Một người có thể không làm được nhưng ba, bốn hay năm người sẽ cùng nhau làm được. Nếu mình có năng lượng tập thể của sự bình an, của tình huynh đệ thì đi tới đâu mình cũng đem năng lượng đó theo. Mình sẽ bắt đầu làm thay đổi con người và làm thay đổi bầu không khí của những nơi mình tới. Vì vậy mình đừng nên tuyệt vọng, mình có thể tạo ra những thói quen mới: thói quen thương yêu, thói quen có sự bình an. Mình có thể chữa trị được sự giận dữ, niềm tuyệt vọng trong mình. Mình không nên bỏ cuộc!

Thầy đề nghị là những người trẻ hãy ngồi lại chia sẻ với nhau để tìm cách tạo ra những thói quen mới, những thói quen tốt. Các em học lại cách đi như thế nào, ngồi như thế nào, ăn như thế nào, uống như thế nào, nói năng như thế nào để có được sự bình an, tình thương và tình huynh đệ. Thầy tin rằng những người trẻ có thể làm được. Chúc các con may mắn!

Câu hỏi: Có rất nhiều cạnh tranh và áp lực trong trường học. Con có xu hướng gây áp lực lên chính mình, đòi hỏi mình phải luôn cố gắng hơn nữa để có thể trở thành người giỏi nhất. Nếu con không đủ thông minh, nhanh nhẹn hay hoạt bát so với người khác thì con lại cho mình là một người vô tích sự. Con phải làm thế nào để không bỏ cuộc mà cũng không làm tổn thương chính mình?

Thầy trả lời:

Nhiều người có rất nhiều danh vọng, quyền hành nhưng họ không có hạnh phúc. Sự tranh đua trong trường học có mục đích là để đạt được danh vọng, sự tự hào, quyền hành, tiền bạc và sự thành công nhiều hơn nữa. Nhưng con hãy tự hỏi: “Điều quan trọng nhất mà tôi muốn làm trong đời mình là gì? Tôi có một cuộc đời để sống và tôi thật sự muốn làm điều gì có ý nghĩa với cuộc đời của mình. Được ngang bằng những người khác hay trở thành số 1 có ý nghĩa gì không khi mà tôi không có hạnh phúc, không có sự bình an trong tâm, không có khả năng giúp cho người khác bớt khổ?”. Đó là những câu hỏi mình có thể đặt ra.

Giả sử như có một người tới hỏi thầy: “Thưa Thầy, Thầy là người có nhiều tuệ giác, tại sao Thầy không làm thủ tướng của một nước mà lại chịu làm một thầy tu?”. Đối với thầy, làm thủ tướng của một nước không có gì hấp dẫn cả. Thầy thấy có nhiều khổ đau, nhiều căng thẳng, nhiều ganh tị trong đó. Thầy thích làm một ông thầy tu bình dị để có nhiều thì giờ đi thiền hành và ít phải đau khổ hơn.

Mỗi người trong chúng ta đều có một ước muốn, một động lực thúc đẩy, điều này rất quan trọng! Có những động lực tốt như ước muốn có được sự bình an trong tâm. Thầy không muốn có sự xung đột trong tâm mình. Thầy muốn có hòa bình trong chính mình. Nếu không tạo được hòa bình cho chính mình thì mình cũng không thể tạo hòa bình cho thế giới và cho những người khác. Có hòa bình trong chính mình, đó là ưu tiên mà thầy đặt ra, là ước muốn sâu sắc nhất của thầy. Thầy muốn sống như thế nào để mỗi giây phút của đời sống là một giây phút mãn ý. Khi đi thì thầy thưởng thức từng bước chân. Khi làm một việc gì thì thầy cảm thấy thích thú với công việc mà mình đang làm. Thầy không làm cho xong để làm công việc khác. Trong khi nghiên cứu, trong khi viết bài hay trong khi nói pháp thoại, thầy đều thưởng thức công việc mình đang làm.

Vì vậy con phải nhìn cho kỹ, xem mình thật sự muốn làm gì. Thầy thấy có những người có được cái mà họ mong muốn nhưng họ vẫn không có hạnh phúc. Dục lạc sẽ đem tới cho mình rất nhiều khổ đau. Hạnh phúc của thầy không dựa trên dục lạc. Thầy biết nếu không có sự bình an, không có tình thương, không có tình huynh đệ và không có khả năng giúp cho người khác bớt khổ thì thầy sẽ không thật sự hạnh phúc. Vì vậy thầy sử dụng thì giờ, năng lượng và sự chú tâm của mình để làm công việc đó. Làm như vậy thì thầy có hạnh phúc và sự mãn ý trong mỗi giây phút.

Thầy cần tuệ giác, tức là cái thấy đúng đắn để có thể làm được việc đó. Sự thực tập niệm và định đưa tới cái thấy đúng đắn giúp thầy buông bỏ được những thứ có thể làm cho mình đau khổ. Và thầy có nhiều thì giờ cũng như năng lượng để tập trung vào những công việc mang lại cho mình sự bình an, hạnh phúc và có khả năng giúp được cho mọi người.

Vì vậy chúng ta cần phải có chánh kiến. Và muốn có chánh kiến thì ta phải thực tập chánh niệm và chánh định. Việc này rất cụ thể! Mình có thể có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Mình không cần phải tranh đua với người khác. Đây là giáo lý của Làng Mai! Nhiều người trong chúng tôi, tuy còn rất trẻ nhưng không muốn làm gì khác hơn là trở thành một người tu. Chúng tôi thấy đây là nhà của mình. Chúng tôi yêu thích công việc mình làm mỗi ngày. Và chúng tôi có thể giúp cho những người khác có được sự bình an và hạnh phúc. Như vậy, sự mãn ý có thể có được nhờ sự tu tập. Mình không cần phải rong ruổi đi tìm sự mãn ý. Thực ra, nếu luôn chạy tranh đua với người khác thì mình sẽ không có cơ hội thực tập và đạt tới cái mà mình mong muốn. Vì vậy mỗi người trong chúng ta cần phải ngồi xuống và tự hỏi: “Tôi thật sự muốn gì?” Mình sẽ biết được con đường mình nên đi. Mình sẽ không có sự xung đột trong tâm và mình sẽ không bị thúc đẩy phải chạy đi làm việc này hay việc kia nữa.