Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Đến để mà thấy

Là một tu sĩ đến từ Malaysia, thầy Kai Li đã tu học tại Làng Mai đến nay đã năm năm. Thầy sống rất gần gũi với các anh chị em. Tính tình cởi mở, thầy có khả năng đem niềm vui đến cho mọi người với những lời chia sẻ rất thật qua kinh nghiệm tu học của thầy. Trong mùa An cư kết Đông năm nay, Ban biên tập có cơ hội ngồi chơi với thầy và nghe thầy chia sẻ những cái thấy khi thầy đến tu học với tứ chúng Làng Mai.

BBT: Kính thưa thầy, xin thầy chia sẻ với chúng con một chút về thầy. Chúng con được biết thầy đã tìm đến nhiều truyền thống khác nhau để học hỏi và tu tập. Xin thầy hoan hỷ chia sẻ với chúng con về những trải nghiệm mà thầy có được khi tu tập với các truyền thống khác trước khi thầy đến Làng Mai để chúng con được hiểu thêm về thầy.

Thầy Kai Li: Pháp danh của tôi là Kai Li, “Kai” (Khai) có nghĩa là khai thông, còn có nghĩa là sự bắt đầu, còn “Li” (Luật) là giới luật. Thành ra Kai Li có nghĩa là Khai Luật. Thật ra thì Kai Li không phải là pháp danh gốc mà thầy bổn sư đặt cho tôi. Pháp danh gốc của tôi là Kai Hi (Khai Hỷ), giống như chữ Hỷ trong pháp danh của sư cô Hỷ Nghiêm, có nghĩa là niềm vui.

Khi thầy bổn sư gặp tôi, thầy rất vui nên thầy đặt tên đó cho tôi. Nhưng hồi ở chùa, tôi là một người rất nghiêm, không cười, không nói chuyện nhiều. Nhất là khi có người nữ thì tôi sẽ không nói năng gì cả. Vì vậy sư huynh tôi nói là chữ Hỷ không thích hợp với tôi nên sư huynh đổi thành Li. Tôi chấp thuận vì đó chỉ là danh xưng thôi. Thầy bổn sư cũng đồng ý nên tôi đã sử dụng pháp danh Kai Li cho đến bây giờ.

Tôi đến từ Malaysia. Quê tôi ở miền Bắc của đảo Borneo, một hòn đảo rất lớn. Năm 1989, tôi xin xuất gia tại một ngôi chùa ở Penang, một hòn đảo ở miền Tây của Malaysia. Thời gian làm sư chú (sadi) của tôi là ba năm tám tháng. Trong thời gian ấy, tôi hết lòng thực tập theo sự chỉ dạy của bổn sư. Thời gian làm sadi là thời gian mà mình dễ được uốn nắn nhất, vì vậy bất cứ điều gì bổn sư hoặc quý thầy lớn dạy, mình cũng nên hết lòng thực tập. Tôi thọ giới Tỳ kheo ngày 17 tháng 3 năm 1993 tại Đài Loan.

Về quá trình tu học của tôi thì trong mười năm đầu của cuộc đời xuất gia, tôi chỉ học thôi. Tôi học ở Malaysia bốn năm, sau đó sang Đài Loan học thêm sáu năm. Sau khi học xong, tôi quyết định tìm một trung tâm thiền để thực tập. Nơi đầu tiên tôi đến là Miến Điện. Ở đây tôi đã được tu học với nhiều bậc thầy khác nhau và được dạy những pháp môn hành trì khác nhau từ các vị thầy này. Sau khoảng tám đến mười năm ở Miến Điện, tôi đi sang Hàn Quốc vào năm 2008 để thực tập Thiền theo truyền thống Bắc Tông (Mahayana), bởi trước đây tôi thực tập theo truyền thống Nam Tông (Theravada). Tôi đi sang đó một mình và tìm đến một tu viện để thực tập. Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thiền tập theo truyền thống Bắc Tông.

Đến năm 2010, tôi được gặp Thầy Làng Mai lần đầu tiên khi Thầy đến hoằng pháp tại Malaysia. Khi quý thầy và quý sư cô lên sân khấu để niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn, tôi cảm thấy không được thoải mái lắm. Là người tu mà sao lại hát? Lúc đó tôi không biết là quý thầy, quý sư cô đang tụng kinh, chứ không phải là “hát” như tôi nghĩ. Sau đó tôi nghe pháp thoại của Thầy và tôi thật sự được đánh động. Cho đến thời điểm đó, tôi chưa từng được nghe một vị thầy nào trong truyền thống Bắc Tông giảng về chánh niệm và Thầy là vị thầy Bắc Tông đầu tiên dạy cho tôi biết chánh niệm thực sự là gì. Đó chính là điều mà tôi đang tìm kiếm. Thật ra tôi đã từng thực tập theo truyền thống Theravada và cũng được dạy về chánh niệm, nhưng Thầy dạy về chánh niệm theo một cách khác, theo tinh thần Đại thừa.

Thế là trong năm đó, tôi quyết định sang Làng Mai dự ba tháng an cư kết đông lần đầu tiên. Tôi muốn tìm hiểu thực hư ra sao. Tôi muốn quán sát xem những gì Thầy dạy có thật sự đang được thực hành ở Làng Mai hay không. Và quả thật như vậy, tôi thấy rất được đánh động. Ở đây tôi tìm được những pháp môn mà tôi có thể học hỏi và thực tập. Vì vậy tôi đã gia hạn thêm “hợp đồng” của mình ở Làng để thực tập cho sâu sắc hơn (cười).

Tôi cho phép mình được tận hưởng nơi đây, không có gì phải vội vàng cả. Như một miếng xốp thả vào nước, tôi thả mình vào tăng thân và để cho mọi thứ từ từ thấm vào trong tôi. Tôi thấy mình được nuôi dưỡng thật nhiều. Thời gian thực tập ở Làng cũng cho tôi cơ hội bước thêm một bước nữa trong sự thực tập chánh niệm. Tôi rất thích pháp môn chánh niệm. Tôi thấy mình thật may mắn được ở Làng, được học hỏi một phương thức thực tập chánh niệm tương đối khác so với những gì tôi được biết trước đây.

BBT: Có nhiều vị khách tăng và một số cư sĩ từ các truyền thống khác (như Theravada hay Vipassana…) đến tu học tại Làng. Khi đến đây các vị hơi bị “sốc” vì ở đây đại chúng không thực tập yên lặng nhiều, tiếp xúc nhiều với những người xung quanh, và như thầy chia sẻ ở phần trên, các thầy các sư cô được “hát”, chơi thể thao, v.v. Vì thế một số các vị khách tăng và cư sĩ không thể chấp nhận được, họ đã rời Làng vì bị “sốc”. Lúc đầu, thầy có phản ứng tương tự như thế không và thầy thấy có những lợi ích gì khi thực tập chánh niệm trong một môi trường như vậy?

Thầy Kai Li: Khi mới đến Làng, tôi cũng thấy hơi chật vật vì tôi đã quen với cách thực tập truyền thống. Nhưng tôi tự nhủ là mình phải buông xuống những gì mình đã biết trước đây. Nếu tôi muốn học hỏi thì tôi phải học bằng một con người mới. Dần dần khi đi sâu hơn, tôi nhận ra rằng sở dĩ tăng thân Làng Mai khác với những tăng thân ở các nơi khác là vì ở đây có rất nhiều người trẻ, nên cần phải sử dụng những phương thức thực tập cho phù hợp với người trẻ, không thể dùng cách của truyền thống được. Đôi khi chúng ta phải thay đổi, bởi vì phương thức truyền thống có thể phù hợp với thời đại trước, còn bây giờ là thời đại mới.

Vì tăng thân có nhiều người trẻ nên cần phải năng động hơn. Các thầy, các sư cô trẻ có nhiều năng lượng nên đôi khi cần phải chơi các môn thể thao để quân bình năng lượng trong mình. Nếu đè nén thì sẽ bùng nổ. Tôi thấy đó là một cách rất hay để có sự cân bằng và đem lại sự chuyển hóa. Có những người trẻ thì lại thích hát, và những bài hát thường có nội dung tán dương Bụt, Pháp và Tăng.

Nếu nhìn cho sâu sắc, ta sẽ không thấy có sự chống trái nào hết. Chúng ta phải nhìn vào hoàn cảnh cụ thể. Không thể đem truyền thống này so sánh với truyền thống kia, hoặc trung tâm này để so sánh với trung tâm kia, như vậy không công bằng. Tuy nhiên việc so sánh hoặc chỉ trích thường hay xảy ra khi người ta đến từ một truyền thống khác. Vì vậy khi đến một trung tâm thực tập, mình nên buông bỏ cái mình đã học để sẵn sàng hội nhập. Có như thế mình mới có thể thực sự học được cái mới và tầm nhìn của mình mới được mở rộng, không bị bó buộc.

Tôi thấy pháp môn tu học ở Làng Mai giúp được nhiều cho người trẻ. Thầy thường nhắc nhở chúng ta là phải giúp cho người trẻ tu tập, không phải lúc nào cũng giúp cho người lớn mà thôi. Tôi vẫn nhớ lời Thầy nhắn nhủ khi tôi được truyền đăng là đối với người trẻ, mình phải dùng cách thức mới để giúp cho họ, không thể sử dụng cách thức ngày xưa được. Phải tìm một cách để cân bằng giữa cái mới và cái truyền thống, được như thế thì mới giúp cho người trẻ một cách hiệu quả. Đó là lý do mà trong giới luật (Vinaya), Bụt dạy rằng mình có thể thay đổi hay làm mới giới luật để thích nghi với hoàn cảnh.

Thầy cũng dạy rằng một người tu phải làm sao để có sự quân bình trong bốn lĩnh vực: tu, học, làm việc và chơi. Sự thực tập chánh niệm có thể được áp dụng vào cả bốn lĩnh vực. Thành ra đây là một phương tiện quyền xảo để giúp cho người trẻ. Các em thiếu niên cũng có thể đến để cùng tu và như thế dần dần các hạt giống tốt của các em sẽ được tưới tẩm. Đó chính là hướng đi của Làng Mai.

Thỉnh thoảng có người hỏi tôi là họ cần phải chuẩn bị tinh thần như thế nào khi đến Làng Mai. Thường thì tôi cho họ biết là ở đây rất khác với các chùa truyền thống, nếu đến đây họ phải cố gắng chấp nhận điều đó. Tuy vậy có những người vẫn không thể chấp nhận được, rất khó cho họ. Nhưng không sao, cho họ một chút thời gian, dần dần cách nhìn của họ sẽ rộng mở hơn. Tôi cũng không đánh giá phê bình gì họ hết, bởi vì kinh nghiệm của họ là như thế. Muốn thích nghi thì cần phải can đảm, giống như Thầy vậy. Thỉnh thoảng tôi cũng chơi thể thao với quý thầy, chơi trong chánh niệm, không phải để thắng hay thua, chơi chỉ để cho vui thôi.

BBT: Một số vị từ truyền thống Nam Tông khi đến Làng tu học đã nói rằng họ phải phạm rất nhiều giới truyền thống để có thể hòa nhập với cách thực tập của Làng Mai. Thầy nghĩ sao về điều này từ chính kinh nghiệm tu tập và cách hành trì giới của thầy?

Thầy Kai Li: Có sự khác biệt trong Giới luật (Vinaya) giữa các truyền thống của đạo Bụt. Có hai truyền thống chính trong đạo Bụt: Nam Tông và Bắc Tông. Theo cái biết của tôi thì truyền thống Nam Tông chủ trương giữ nguyên những giới luật mà Bụt đã chế, không thay đổi cũng không được chế thêm giới mới, như quyết định của Ngài Ma-ha Ca Diếp trong Đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên. Trong khi đó truyền thống Bắc Tông lại cho rằng đó là cách của Ngài Ca Diếp, còn chính Bụt cũng từng nói là một vài giới luật có thể được mở ra một chút, không phải lúc nào cũng làm y theo.

Vì vậy ta có thể thấy rằng chính Bụt cũng rất cởi mở và luôn luôn thích ứng. Thỉnh thoảng Bụt cũng thay đổi giới luật khi những giới luật đó không còn thích ứng. Nếu ta nghiên cứu về giới luật thì sẽ thấy có những chứng cứ về điều này. Tuy vậy, thường thì ta không dám thay đổi những gì đã được Bụt chế ra. Đối với tôi thì tôi chọn con đường trung đạo. Khi thực tập trong môi trường Nam Tông thì tôi theo cách thức của Nam Tông, còn khi thực tập ở môi trường Bắc Tông thì tôi theo cách của Bắc Tông. Tôi thấy mình vẫn còn đang trên con đường học hỏi giới luật. Nếu mình có thể nhìn theo cách đó thì mình sẽ có sự quân bình.

Tôi tập trung nhiều hơn vào sự học hỏi giáo pháp. Giới luật cũng rất quan trọng, tuy nhiên tôi cho phép mình điều chỉnh một chút cho phù hợp với hoàn cảnh. Đó là lý do vì sao tôi vẫn còn tiếp tục ở đây. Tôi vẫn hành trì những giới luật mà tôi đã thọ nhận, chỉ điều chỉnh một chút mà thôi. Có hai chủ đề liên quan đến giới luật thường gây tranh luận nhiều nhất giữa các truyền thống của đạo Bụt: thứ nhất là về giới ăn chay và thứ hai là về giới không ăn sau giờ Ngọ. Người ta tranh luận rất nhiều về hai vấn đề này. Nhưng đối với tôi thì những chuyện này không quan trọng lắm nên tôi có thể linh hoạt được.

BBT: Xin thầy chia sẻ đôi chút về bài kệ kiến giải của thầy và bài kệ truyền đăng mà Thầy Làng Mai đã trao cho thầy trong khóa tu xuất sĩ tháng 02/2013. Thầy cảm nhận như thế nào trong giây phút truyền đăng đó?

Thầy Kai Li: Trong lễ Truyền đăng, thông điệp mà tôi nhận được từ Thầy có liên hệ mật thiết đến chí nguyện sâu sắc trong tôi, đó là giúp cho đạo Bụt phát triển. Mà muốn được như vậy thì phải làm sao để cho người trẻ đến chùa. Hiện nay đa số Phật tử đến chùa là người lớn tuổi. Khi còn tu ở Penang, thấy được hiện trạng đó, tôi cảm thấy hơi buồn. Nếu chỉ có người lớn tuổi đến chùa thì đạo Bụt sẽ chết dần mà thôi. Khi ấy, tôi chưa biết mình cần phải làm gì, nhưng tôi có ước muốn thay đổi đạo Bụt, làm sao để cho đạo Bụt trở nên sống động hơn chứ không đơn thuần chỉ là tụng kinh mà thôi. Có lẽ Thầy cũng biết được tâm nguyện đó, nên trong lễ Truyền đăng, khi thắp lên ngọn đèn và trao cho tôi, Thầy nói rằng: “Hãy là một ngọn lửa, lúc nào cũng tươi trẻ để giúp cho người trẻ, chứ không chỉ giúp cho người lớn tuổi mà thôi”. Lời của Thầy hôm ấy đã thấm sâu vào trong tôi.

Trong khoảng thời gian tu tập ở Làng Mai, tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều vị xuất gia trẻ và tôi luôn quán chiếu cách thức để giúp người trẻ thật sự đi sâu vào thực tập. Kệ kiến giải của tôi liên hệ chủ yếu đến những lời giảng của Thầy về giáo lý của Ngài Long Thọ (Nagarjuna): “Không một cũng không khác, không có cũng không không, không sinh cũng không diệt”. Tôi rất ấn tượng với cách Thầy giảng về giáo lý này, thật là tuyệt vời. Do đó trong bài kệ kiến giải, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn đến Thầy rồi sau đó dần dần khai triển đề tài “giây phút hiện tại”. Nếu ta thật sự có mặt trong giây phút hiện tại thì ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn. Thành ra Niết Bàn không phải là một cái gì ở tương lai, Niết bàn đang có mặt trong giây phút hiện tại. Trước đây tôi nghĩ Niết Bàn là một cái gì đó chỉ có trong tương lai mà thôi. Đó là lý do vì sao trong bài kệ kiến giải tôi nói rằng Niết Bàn là bây giờ và ở đây. Đây là một khám phá rất lớn đối với tôi. Trong bài kệ truyền đăng của Thầy có tên của tôi, nhưng mà tiếc quá, tôi đã quên mất bài kệ rồi (cười). Thành ra lời Thầy nhắn nhủ về việc giúp cho người trẻ là cái đi sâu vào lòng tôi nhất. Tôi sẽ cố gắng thực hiện điều đó, bởi vì giúp cho người trẻ là ước mong sâu sắc nhất của tôi. Tôi biết điều ấy không dễ thực hiện, bởi vì mình cần phải luôn trẻ trung. Sống ở Làng giúp tôi trẻ lại. Nếu mình sống chung với người trẻ thì mình cũng được trẻ lây (cười).

BBT: Thầy đã áp dụng pháp môn Làng Mai khi về lại tu viện của thầy ở Malaysia như thế nào ạ? Thầy nghĩ pháp môn Làng Mai có thể được phổ biến ở các nước châu Á không? Chúng ta phải làm gì để pháp môn này có thể phù hợp với môi trường châu Á?

Thầy Kai Li: Bởi vì tôi đã học hỏi và thực tập nhiều pháp môn khác nhau cho nên tôi không thể nói là mình hoàn toàn theo pháp môn Làng Mai. Tôi kết hợp nhiều pháp môn khác nhau trong sự thực tập. Ban đầu thì tôi có cố gắng nhưng dần dần thì sự kết hợp đó xảy ra một cách tự nhiên. Tôi thu thập tinh túy từ mỗi vị thầy mà tôi có duyên được học và kết hợp tất cả lại với nhau. Tôi sẽ tùy hoàn cảnh mà ứng dụng, thí dụ như nếu tôi trở lại Malaysia, tôi sẽ ứng dụng cách ở Malaysia.

Nếu tôi mang pháp môn Làng Mai 100% về Malaysia thì sẽ rất khó được chấp nhận một cách trực tiếp. Chẳng hạn như việc các thầy các sư cô hát, Phật tử ở đó không thể nào chấp nhận được. Vì vậy khi về Malaysia, tôi sẽ thay đổi nó một chút, không thể đem 100% về được. Tôi sẽ cố gắng áp dụng một cách linh hoạt cho đến khi mọi người có thể chấp nhận được. Gần đây khi sang Mỹ để giảng dạy, tôi cũng phải tiếp cận Phật tử theo một phương cách khác. Vì vậy phải tùy theo hoàn cảnh, nơi chốn mà mình đến, cũng phải tùy theo nhu cầu nữa. Thường thì tôi sẽ hỏi xem mọi người cần gì. Khi họ nói cho mình biết họ muốn thực tập pháp môn này hay pháp môn kia mà nếu tôi có biết về pháp môn ấy thì tôi sẽ chia sẻ với họ.

Tôi hay chia sẻ về chánh kiến và làm thế nào để thực tập chánh kiến. Nếu có chánh kiến thì bất kỳ pháp môn nào cũng có thể trở thành một pháp môn mà mình có thể thực tập được. Chánh niệm đóng vai trò hỗ trợ cho pháp môn mà mình thực tập. Đối với tôi, bất kỳ pháp môn nào mình thực tập cũng phải có chánh niệm cả, đó là điều quan trọng nhất. Tôi không biết người khác có nghĩ vậy hay không, nhưng đây là điều mà tôi đã khám phá ra. Mình cần có nền tảng chánh niệm để thực tập bất cứ một pháp môn nào khác. Và điều quan trọng nhất là mình phải có chánh kiến. Có chánh kiến thì mình sẽ được an toàn.

Sự thực tập của tôi là bao giờ tôi cũng cố gắng ý thức và quay trở về với giây phút hiện tại. Vì vậy khi đi về phòng hoặc khi mang dép, tôi ðều trở về với chính mình, chậm rãi, từng bước một. Khi tôi có ý thức về những gì đang diễn ra với chính mình thì đó là lúc tôi đang thực tập. Tôi cũng thích tìm hiểu thêm về giáo pháp của Bụt và đem ứng dụng vào cuộc sống. Ví dụ như giáo lý về vô thường. Đôi khi ta chỉ có kiến thức về vô thường mà không thực sự biết vô thường là gì. Như Thầy từng giảng trong một bài pháp thoại mà gần đây chúng ta mới xem qua DVD, chúng ta hiểu về vô thường bằng trí năng, nhưng làm sao để đạt tới định vô thường (tam muội vô thường)? Khó chứ không phải dễ. Tôi đã thử và thấy rất thú vị. Khi Thầy giảng về vô ngã, không có tự tánh riêng biệt, điều đó có nghĩa là gì? Mình hiểu ý niệm vô ngã, nhưng thực sự nó là gì? Tôi đã thử ứng dụng, thử khám phá nó để xem nó có nghĩa là gì. Khi thực tập phải có niềm vui, nếu không thì ta sẽ không duy trì được sự thực tập một cách lâu dài. Khi có niềm vui thì sự thực tập mới đi lên được. Khi ta hạnh phúc thì ta biết là mình đang thực tập đúng, còn càng tu càng thấy căng thẳng, càng đi xuống thì biết là sự thực tập của mình đang có vấn đề.

BBT: Thầy có cái thấy như thế nào về những cái hay và chưa hay của tăng thân? Bởi vì thầy là người từ nơi khác đến nên cái nhìn của thầy về tăng thân sẽ khách quan hơn. Xin thầy soi sáng cho chúng con. Giả sử ngày mai thầy rời Làng và không còn có dịp để quay lại nữa thì thầy có điều gì muốn nhắn nhủ với các sư em ở đây?

Thầy Kai Li: Bụt lúc nào cũng khuyến khích người xuất gia mỗi năm nên an cư ba tháng. Tôi nghĩ sự thực tập này rất quan trọng. Chín tháng còn lại trong năm là chín tháng phụng sự, còn ba tháng an cư là ba tháng mình nên đóng cửa để quay về, nghỉ ngơi và nuôi dưỡng chính mình. Trong chín tháng kia mình phải xử lý nhiều việc xảy ra, các khóa tu xảy ra liên tục, mình bận rộn, làm việc này việc nọ, thiền sinh tới đông, không dễ chút nào. Nhiều khi chúng ta mệt mỏi, hết xí quách nhưng vẫn phải cố gắng tiếp tục. Khi mình còn trẻ thì điều này có thể không thành vấn đề.

An cư kết đông là khóa tu cho người xuất gia, là cơ hội để chúng ta thật sự nghỉ ngơi, thực tập và làm vững thêm nội lực, đồng thời có thời gian bồi đắp thêm tình huynh đệ. Ba tháng an cư thật sự là một cơ hội quý báu để tiến tu và tăng trưởng nội lực. Khi nội lực dồi dào trở lại, ta sẽ sẵn sàng để phụng sự trong chín tháng còn lại trong năm. Nếu chúng ta có thể làm như thế thì tăng thân sẽ trở nên vững mạnh. Bởi vì chúng ta là con người, cơ thể chúng ta có những giới hạn nhất định, nếu sử dụng nhiều thì sẽ mau cạn kiệt.

Vì vậy ba tháng an cư là để chúng ta thật sự quay về tự thân và quay về chăm sóc lẫn nhau để chế tác ra năng lượng tập thể của chúng xuất sĩ. Tôi không có ý phân biệt giữa xuất sĩ và cư sĩ, nhưng người xuất gia có môi trường và lối sống khác với người cư sĩ, vì thế nên có những khác biệt nhất định. Nếu tất cả đều giống nhau thì đâu cần trở thành người xuất gia làm gì. Đôi khi mình phải biết tự bảo hộ cho mình để không trở nên quá mệt mỏi, đặc biệt là khi mình phải thường xuyên đi ra ngoài để tổ chức khóa tu. Vì vậy nếu có cơ hội để cùng an cư kết đông thì mình nên thật sự tận dụng thời gian này để chăm sóc cho chúng xuất sĩ.

BBT: Có nghĩa là mình tổ chức khóa an cư ba tháng chỉ dành riêng cho người xuất gia thôi phải không thưa thầy?

Thầy Kai Li: Mình cũng có thể cho người cư sĩ đến tu tập nhưng không cần phải đầu tư nhiều vào việc tổ chức các sinh hoạt cho họ. Họ chỉ cần tham gia vào thời khóa chung mà thôi. Bởi vì khi phải đầu tư nhiều vào việc tổ chức sinh hoạt cho người cư sĩ, các thầy các sư cô phải suy nghĩ, phải tốn rất nhiều năng lượng cho việc tổ chức. Đừng lo là nếu mình làm như vậy thì thiền sinh sẽ không tới nữa. Thiền sinh sẽ tới không ngừng. Đừng lo, họ sẽ tới. Ở đây trong mùa an cư, một vài thầy hoặc sư cô phải hy sinh một chút để chăm sóc cho thiền sinh, nhưng nếu có thể được thì nên bớt lại để quay về thực tập cho chính mình. Đôi khi mình phải hơi “ích kỷ” một tí. Nhưng sự ích kỷ này chỉ để cho chúng ta lấy lại năng lượng mà tiếp tục phụng sự thôi.

Theo sự quan sát của tôi thì những vị quá năng nổ lại hay bị hết xí quách. Điều này không những chỉ xảy ra ở Làng mà thôi, ở chỗ khác cũng vậy. Những vị nào có tài năng thì lại càng có nhiều việc, vì vậy đôi khi họ đánh mất đi mục tiêu chính của người xuất gia. Chính vì thế, quay trở lại chính mình là điều rất cần thiết và nuôi dưỡng. Mỗi năm chúng ta phải có ít nhất là ba tháng để làm điều đó. Đó là lý do tại sao Bụt dạy người xuất sĩ phải an cư ba tháng. Bên truyền thống Nam Tông (Theravada), họ luôn có ba tháng an cư mỗi năm. Dù đi bất cứ nơi nào họ cũng phải trở về tự viện để thật sự an cư.

BBT: Thầy có nghĩ là để cho người xuất gia bớt bận rộn thì tăng thân cần phải nhờ các vị cư sĩ làm giúp một số công việc hay không?

Thầy Kai Li: Đó là một cách rất hay để giúp người xuất gia giữ được sự quân bình. Có những việc mà người cư sĩ có thể giúp được. Họ có thể là người hộ pháp, yểm trợ và bảo hộ cho người xuất sĩ. Trong tiếng Hoa có chữ “Wai Hu”. Wai là bên ngoài, Hu là bảo hộ. Hãy  để cho người cư sĩ làm giúp một số việc dưới sự hướng dẫn của quý thầy quý sư cô. Như thế các vị cư sĩ cũng có cơ hội để phụng sự tăng thân. Người xuất sĩ yểm trợ người cư sĩ và ngược lại, chúng ta hỗ trợ lẫn nhau.

BBT: Theo thầy thì sức mạnh của tăng thân Làng Mai là gì?

Thầy Kai Li: Điều đầu tiên là sức mạnh của một đoàn thể đông đảo. Nếu ta chỉ có một hoặc hai vị xuất sĩ thì sẽ không mạnh lắm. Khi thiền sinh đến tu học với mình, họ sẽ thấy rất khác. Tôi có thể thấy được sự hòa hợp của đại chúng Làng Mai. Đôi khi cũng có những xung đột, đó là chuyện rất bình thường, nhưng nếu nhìn vào tổng thể thì vẫn có sự hòa điệu, ai cũng đều cố gắng để giữ sự hòa hợp, và đó chính là sức mạnh. Thầy vẫn thường nói là tình huynh đệ rất quan trọng. Nếu chúng ta thật sự có tình huynh đệ thì sẽ tạo ra sức mạnh, bởi vì mọi người có thể nâng đỡ lẫn nhau. Thứ hai là sức trẻ của tăng thân. Đại chúng ở đây rất trẻ. Khi thiền sinh đến đây họ rất ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều những vị xuất gia trẻ tuổi. Họ cảm được năng lượng và sức sống mạnh mẽ của tăng thân. Họ thấy như được về nhà. Điều thứ ba là sự thanh tịnh. Vì phần lớn đều là người trẻ cho nên tâm của họ rất thanh tịnh.

Khi thiền sinh đến đây, nhiều người chia sẻ với tôi là các vị xuất sĩ ở đây thật trong sáng. Và họ rất thích nhìn cách sống của quý thầy quý sư cô. Chúng ta sống một nếp sống rất giản dị. Trên thực tế, cuộc sống ở Làng Mai quá đơn giản so với cuộc sống bên ngoài. Đó cũng là một điểm mạnh của tăng thân. Một ưu điểm nữa là mọi người trong tăng thân có thể truyền thông được với nhau. Thậm chí khi có những xung đột xảy ra, mọi người vẫn có thể hòa giải và tái lập được truyền thông với nhau. Tôi đã nhìn thấy quý thầy, quý sư cô thực tập điều này rất dễ thương. Đây là một điều rất đáng quý trong tăng thân.

BBT: Nhiều người cho rằng tăng thân Làng Mai mạnh là vì có Thầy Làng Mai, nếu mai này Thầy không còn tiếp tục biểu hiện dưới hình hài quen thuộc thì không biết tăng thân sẽ đi về đâu. Thầy nghĩ như thế nào về điều này?

Thầy Kai Li: Tôi thấy giáo pháp mà Thầy trao truyền mới là điều quan trọng. Chúng ta nên nương vào những gì Thầy dạy hơn là vào sự có mặt của Thầy. Và chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ. Chúng ta cần tập trung vào những gì Thầy dạy, bởi vì chính cái đó mới gắn kết chúng ta lại với nhau. Chắc chắn là một ngày nào đó Thầy sẽ không còn biểu hiện dưới hình hài này nữa, nhưng những lời Thầy dạy sẽ còn ở lại mãi với chúng ta. Thực ra Thầy đang có mặt trong mỗi chúng ta và chúng ta cần thấy rõ điều này. Tôi không biết cái gì sẽ xảy ra trong tương lai bởi vì tương lai thì khó đoán, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại khi Thầy đang bệnh, đại chúng cũng thấy là không thể lúc nào cũng có thể dựa vào Thầy được.

Tôi đã thấy rất nhiều đạo tràng khi người lãnh đạo tinh thần viên tịch thì đạo tràng đó bị sụp đổ. Điều đó có nghĩa là các đạo tràng ấy đã dựa quá nhiều vào người lãnh đạo. Đó là lý do vì sao chúng ta phải nương tựa vào giáo pháp, bởi vì giáo pháp là cái sẽ còn mãi. Giáo pháp có thể được trao truyền. Dĩ nhiên là nếu có Thầy ở đây với chúng ta thì còn gì hay hơn nữa, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị tinh thần cho giờ phút Thầy không còn tiếp tục biểu hiện trong hình tướng này nữa. Vì thế ngay từ bây giờ chúng ta cần phải thực tập để thấy Thầy đang được tiếp nối trong mỗi chúng ta. Nếu ai cũng thực tập được như thế thì tôi rất tin là tăng thân sẽ tiếp tục được duy trì.

Trong một đại chúng lớn, có thể có một vài vị sẽ bỏ chúng ra đi nên chúng ta cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho việc ấy. Đó là một việc rất tự nhiên. Vì vậy chuẩn bị tâm mình và duy trì ý thức về những khả năng có thể xảy ra đó, chúng ta sẽ không bị đau khổ. Tôi hy vọng là tăng thân Làng Mai sẽ luôn được tiếp tục bởi vì đây là một tăng thân rất đẹp. Tôi đã thấy nhiều người được lợi lạc khi thực tập pháp môn này, rất đáng công mình mặc chiếc áo người tu. Chúng ta có thể giúp được không biết bao nhiêu người.

Hiện tại Thầy đang nằm bệnh viện. Đây cũng là lúc mỗi người trong tăng thân cần đặt cho mình câu hỏi: chúng ta nên tiếp nối Thầy như thế nào đây?

 

 


 

Kệ truyền đăng Sư Ông Làng Mai trao cho thầy Kai Li

Niệm trú khai thông chân luật học
Năng linh hiện pháp đắc hoàn gia
Nhất phương chiếu diệu hằng sa giới
Bộ bộ an nhiên lạc thái hòa.

 

Việt dịch:

Chánh niệm khai thông nền luật học
Ngay trong giây phút đã về nhà
Một phương chiếu rạng muôn ngàn cõi
Mỗi bước bình an đất nở hoa.