Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Chọn một hướng đi

(Ban biên tập phỏng vấn các sư em Cây Sồi Đỏ)

 

Nhân dịp 42 Cây Sồi Đỏ biểu hiện trong khu vườn Tăng thân (ngày 18/12/2014), BBT Lá Thư Làng Mai đã có một cuộc trao đổi thân tình với các sư em trong gia đình Cây Sồi Đỏ được xuất gia tại Làng Mai.

Dưới đây là một số tâm sự của các sư bé khi được hỏi: “Vì sao các sư bé đi tu?”.

Sư bé Trăng Vô Ưu: Tên đời của con là Quỳnh Anh và tên xuất gia của con là Chân Trăng Vô Ưu.

Năm học lớp sáu, con được ba mẹ cho lên tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc – Lâm Đồng thực tập. Khi ra về, quý sư cô tặng con cuốn vở với lời nhắn nhủ con quay trở lại. Nhà con ở gần chùa Từ Đức nên con cũng thường lên chùa. Ngày đó, con không biết vì sao mà mình lại thích đi tu, chỉ là thấy thích thôi. Con rất thích cuộc sống tại Bát Nhã nên xin ba mẹ con cho con đi xuất gia tại Bát Nhã. Ba mẹ con nghĩ con chỉ muốn nhất thời thôi và khuyên con nên học xong lớp 12 đã.

Học hết lớp 12, con thi đỗ đại học. Sư cô Hội Nghiêm – dì của con – đã tặng cho con một chuyến đi chơi Thái Lan. Con rất hứng khởi với chuyến du lịch này. Nhưng ông ngoại con lại cho con qua Làng Mai chơi. Và đó là nhân duyên đã đưa con tới Làng năm 2012. Trước ngày đi sang Làng, mẹ dặn con phải quay về học đại học xong rồi mẹ mới cho đi tu. Lý do đi học đã kéo dài thêm thời gian của con ở lại với gia đình, bè bạn…

Con ở Làng một thời gian rồi được qua Đức thăm Học Viện EAIB. Thời gian này, ngày nào con cũng viết thư cho Sư Ông kể về những hạnh phúc của con. Một hôm, Sư Ông gọi con lên chơi và bảo: “Bây giờ Sư Ông và quý sư cô cho con ở xóm Hạ, con có đồng ý không?” Nghe Sư Ông hỏi, trong lòng con thích lắm. Nhưng con thưa với Sư Ông là con đã trót hứa với mẹ sẽ trở về Việt Nam để đi học đại học rồi. Khi rời Làng về lại nhà, con khóc nhiều lắm.

Lần khác, con lại xin ba mẹ đi tu, ba mẹ hỏi tại sao con đi tu? Lúc đó con cũng không giải thích được lí do. Mẹ nói: “Nếu như con nuôi dưỡng được tâm bồ đề thì dù có học xong bốn năm hay sáu năm đại học, mẹ cũng không ngăn cản con được. Còn bây giờ, con không nói được mục đích đi tu của mình thì mẹ thấy con còn bồng bột”. Nghe mẹ nói vậy, con đành phải đi học tiếp. Hai năm đầu học đại học, con thấy những thú vui ở ngoài đời không nuôi dưỡng được con bằng niềm vui đích thực bên trong. Con thấy buồn nên thường trốn học và rủ mấy bạn đi ăn hàng, đi hát karaoke… Ngày nhỏ con chưa bao giờ dám trốn học đi chơi, mà vào đại học con lại hư như vậy đó! Sau những cuộc chơi, con thấy tâm mình vẫn không được vui nhiều. Con thường ra công viên để nhìn ngắm mọi người. Ở công viên có rất nhiều bạn trẻ. Bên ngoài các bạn cười nói vui vẻ, nhưng con tự hỏi chắc gì các bạn có hạnh phúc thực sự từ bên trong tâm hồn. Con suy nghĩ rất nhiều. Và từ từ con thấy rõ được tâm bồ đề của con, đồng thời biết được lý do vì sao con muốn đi tu.

Lần thứ ba, con quyết tâm xin ba mẹ đi tu. Ba mẹ thấy lời nói của con có vẻ mạnh mẽ quá, nên cũng không hỏi lại lý do vì sao con muốn đi tu nữa, mặc dù khi đó con đã chuẩn bị rất kỹ nhiều câu trả lời. Ban đầu ba mẹ cũng không đồng ý. Nhưng khi thấy con tự quyết định trả nhà trọ và xe máy thì ba mẹ lo con nghĩ quẩn rồi trốn đi nên cuối cùng cũng đành phải chấp thuận theo ý nguyện của con.

Thời gian đầu về Làng thực tập, con được nuôi dưỡng rất nhiều. Song cũng có lúc con thấy hơi buồn. Theo sự chỉ dạy của quý thầy và quý sư cô, con nhận ra trong lòng mình còn nhiều tập khí, nhất là chưa thực tập giỏi pháp môn sử dụng ái ngữ. Vì vậy con đang cố gắng thực tập mở lòng thương yêu, chấp nhận và con thấy con đang có rất nhiều hạnh phúc trong cuộc sống xuất gia.

Sư bé Chân Trăng Hòa Hợp: Tên của con là Xuân Lộc. Xuân Lộc nghĩa là mùa xuân ở Bảo Lộc, nơi con được sinh ra, đó cũng là mong ước của ba con gửi gắm nơi con. Con đến từ tăng thân Xuân Phong tại Sài Gòn. Xuân Phong có nghĩa là “làn gió xuân.” Khi con thọ giới Tiếp hiện, pháp tự của con là Chân Xuân Hồn Nhiên. Do đó con thầm nghĩ, có lẽ xuất gia lần này con sẽ có tên Xuân gì đấy. Nhưng cuối cùng lại là Chân Trăng Hòa Hợp.

Bốn năm học ở Sài Gòn đã cho con cơ hội thực tập quay về với hải đảo tự thân, và không bị ảnh hưởng nhiều về những gì xảy ra ở bên ngoài. Bây giờ được qua Làng xuất gia, con mong ước mỗi ngày con thực tập hành xử cho đẹp để quý sư cô và các sư chị, sư em không buồn lòng. Con thấy mình còn nhiều vụng về và thỉnh thoảng cũng có buồn. Những lúc sự thực tập của con đi xuống thì con hay nhớ nhà, nhớ những người thương của mình. Sau đó con nghĩ lại, nếu như con cứ vội vàng, muốn cái gì cũng được mau chóng thì tự mình làm mình khổ thôi. Vì vậy, con buông bỏ để tâm con được bình an trở lại.

Xuất thân từ tăng thân cư sĩ nên con rất trân quý những tăng thân cư sĩ như Tăng thân Sen Búp hay Tăng thân Trăng Rằm… Không có các tăng thân ấy thì con không có được hạnh phúc như bây giờ. Con thấy con may mắn được sinh hoạt trong tăng thân, các anh chị em, bạn bè cùng hướng đến những điều tốt đẹp. Con được nuôi lớn từ môi trường an lành, nên tâm con không để nhiều thời gian nghĩ đến các chuyện linh tinh khác.

Con hay nghĩ cuộc sống mình cần cái gì và nuôi mình bằng cái gì? Con thích nuôi mình bằng lý tưởng phụng sự và sống hòa hợp với mọi người. Con thích đi dạo phố một mình để nhìn cuộc đời và xem thử mình có làm được điều gì không? Từ những suy nghĩ đó, nó đã tạo cho cái thao thức muốn xuất gia trong con lớn lên.

Nói tới phụng sự thì con nghĩ đến con đường của Sư Ông đã đi qua, và những gì con đang tiếp nối. Con thích làm việc từ thiện theo chương trình “Hiểu và Thương” với các cô chú Tiếp hiện. Con muốn những việc mình làm phải có thực tế và có kết quả tốt đẹp. Ví dụ con mời các bạn trẻ cùng con mở các lớp học tình thương cho các em có hoàn cảnh nghèo khó.

Khi xuất gia, lý tưởng phụng sự của con có thay đổi khác một chút. Con thấy các công việc chấp tác ở trong chùa cũng là việc phụng sự. Làm tri rác con cũng thấy vui nữa… Con muốn nuôi cho mình đủ sự bình an và sự hòa hợp ở trong tâm hồn, cũng như trong môi trường sống cùng Tăng thân. Ngoài ra, con còn có thao thức muốn giúp đỡ cho những trẻ em và những người khó khăn bớt khổ đau!

Sư bé Trăng Khiêm Cung: Con sinh ra ở Bình Định. Năm 14 tuổi, con theo bố mẹ qua Mỹ sinh sống. Con biết Làng Mai mới một năm trở lại đây. Con hay lên mạng để coi quý thầy thuyết pháp. Nhưng sao video: “Đường xưa mây trắng” của Sư Ông cứ hiện lên hoài? Lúc đầu con không thích, nhưng với tâm tò mò vì nghĩ rằng những chương trình hay hiện lên như vậy thường là những chương trình có nhiều người xem, thế là con ấn vào để xem. Càng nghe con càng thích và sau đó con nghe thường xuyên. Nghe xong “Đường xưa mây trắng” con hiểu rõ ràng hơn về người tu chứ không như trước đây con nghĩ là có vấn đề gì đó thì người ta mới đi tu! Và nhờ đó con thấy Đức Bụt gần gũi với mọi người hơn, mà không phải là Ông Bụt biết bay hay có hào quang rực rỡ.

Khi con biết được đạo Bụt rồi nhưng con vẫn không nghĩ là mình sẽ đi tu, lúc đó con đang học đại học. Con học hết ngành này đến ngành khác. Con nghĩ mình phải làm một cái nghề nào đó thật có ý nghĩa để trước khi chết không cảm thấy áy náy, hối hận. Ở nhà, ba má con sống với nhau rất vui và đầm ấm. Ba má thương con lắm. Ngày nhỏ, con cứ nghĩ giây phút hạnh phúc đó sẽ còn mãi, còn hoài, nhưng khi biết Phật pháp, con mới hiểu không có gì có thể ở lâu với mình được, một ngày nào đó nó cũng sẽ phải thay đổi vì không tránh được quy luật tự nhiên của vô thường. Con có đọc sách Sư Ông, trong Nói với người xuất gia trẻ, Sư Ông dạy: người trẻ cần tìm môi trường tốt để tu tập… và con nghĩ một khi đã quyết định đi tu thì con đi luôn chứ con sẽ không quay trở về. Sau đó con liền mua vé qua Làng.

Ngày đầu tiên tới Làng, con rất vui khi được sống cùng các sư cô trẻ và con thích nhất là phong cảnh ở Làng, nó rất giống cảnh tiên. Tại Làng, con được gặp Sư Ông và một hôm Sư Ông dạy con viết thư xin tập sự xuất gia, trong thư con có kể niềm vui khi con được về Làng. Mấy ngày sau, con được Sư Ông dẫn đi thiền hành và khi dừng chân nghỉ, Sư Ông nói đủ con nghe: “Ở đây giống như ở cõi tiên!”. Con cười và nghĩ thầm: “Sao Sư Ông nói giống như lời con viết trong thư cho Sư Ông quá!” Trong thư xin xuất gia, con không biết giải thích lý do vì sao con đi tu, con chỉ cảm nhận rằng “con đi tu vì đường đời không có điểm đến, chỉ có con đường này con cảm nhận mỗi giây phút đều có điểm đến và có được hạnh phúc chân thật…”. Con cũng thấy con có nhiều điểm giống chú Cát Tường trong chuyện Đường Xưa Mây Trắng. Chú Cát Tường biết chăn trâu thì trước đây con biết chăn bò, con cũng biết cắt cỏ cho bò ăn, biết un khói cho bò không bị muỗi đốt và chăm sóc cho bò mập nữa…

Xuất gia, con được nhận tên mới là Chân Trăng Khiêm Cung. Mặc dù con chưa biết rõ ý nghĩa sâu xa tên của con, nhưng con rất vui và hạnh phúc với cái tên đó. Từ từ con sẽ khám phá thêm.

Lễ xuất gia của Cây Sồi Đỏ

Và dưới đây là những lời chia sẻ của hai sư em Trăng Chánh Niệm (người Ai-len) và sư em Trăng Chánh Định (người Mỹ gốc Phi-líp-pin). Chánh niệm và chánh định cũng là hai yếu tố quan trọng trong sự thực tập của Làng Mai. Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh

BBT: Xin hai sư cô có thể chia sẻ một chút về giây phút đầu tiên khi tiếp xúc với con đường tâm linh hoặc giây phút phát tâm xuất gia của mình.

Sư cô Trăng Chánh Định: Từ nhỏ, con đã được thấm nhuần đời sống tâm linh. Con lớn lên trong gia đình theo đạo Cơ đốc (Filipino Catholic – đạo Cơ đốc của người Phi-líp-pin). Con đi học ở trường Cơ đốc giáo và kinh nghiệm này đã in đậm trong con. Con không xem đạo Cơ đốc là một tôn giáo mà chỉ chứng nghiệm nơi đây tình thương, sự bình an và lòng từ bi. Con thường chơi với các Sơ (nữ tu đạo Cơ đốc) khi còn học lớp một, lớp hai và từng cầu nguyện cho hòa bình trước tượng đức mẹ Maria. Có một lần, khi đang học lớp hai tại tiểu bang California – Mỹ và con được hỏi là muốn làm gì khi trưởng thành, con đã viết xuống câu trả lời rằng con muốn làm một họa sĩ hoặc một người tu. Nhưng khi lớn lên, con có khó khăn với một vài yếu tố trong đạo Cơ đốc và trong thâm tâm, con không muốn trở thành một sư cô theo truyền thống này. Tuy thế, con vẫn thực tập theo tinh thần của đạo Cơ đốc và truyền thống tâm linh của gia đình.

Mãi cho đến năm 2005 con mới tìm đến tu viện Lộc Uyển. Nơi đây đã đánh thức một cái gì đó vốn nằm sâu trong con từ bấy lâu nay. Trong thời gian còn học đại học cho đến lúc đi làm, con chỉ nghĩ rằng ý muốn xuất gia lúc còn nhỏ của con là vì con muốn sống một nếp sống đơn giản và phụng sự cho công bằng xã hội. Vì vậy con đã theo học chuyên ngành về hòa bình và giải quyết xung đột. Sau khi ra trường, con làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì công bằng xã hội. Đến năm 2005 thì con kiệt sức. Con tìm về tu viện Lộc Uyển, vì trước đó con gặp lại một người bạn cũ cũng kiệt sức khi làm các công tác xã hội trong cộng đồng người da màu tại thành phố Los Angeles, anh ấy vừa trở về từ khóa tu cho người da màu tại Lộc Uyển.

Con như một con cá gặp lại nước khi lần đầu tiên đến Lộc Uyển. Có một cái gì thật sâu trong con được đánh động. Con nhớ mình đã khóc khi phải rời nơi đây. Con cảm giác như đang được uống một thứ nước mà con không nhận ra là mình đã khát khao tìm kiếm bấy lâu. Từ đó hạt giống xuất gia tiếp tục được tưới tẩm trong con. Nhưng các điều kiện để được xuất gia chưa hội tụ đầy đủ, vì bên ngoài lẫn bên trong con còn những giới hạn như tài chánh, nợ nần và nhiều vấn đề khác. Tuy vậy, con vẫn tiếp tục về Lộc Uyển và tham dự các khóa tu cho người da màu.

Năm 2007, lần đầu tiên con về thăm quê hương Phi-líp-pin và có cơ hội tham dự vào phần cuối chuyến đi Việt Nam của Tăng thân Làng Mai. Chuyến đi này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời con. Năng lượng cầu nguyện của các buổi lễ Trai đàn chẩn tế và những lời dạy của Thầy về sự trị liệu, về giáo lý bất sinh bất diệt đã cứu cuộc đời con. Trong thời điểm đó, con đã nghỉ việc và đang tìm một hướng đi mới, đến gần với Tăng thân hơn và tìm hiểu thêm về cuộc sống xuất sĩ. Sau khi trở về Mỹ, con tham dự thêm một khóa tu cho người da màu, sau đó thì hay tin em trai con bị giết. Con đã bị chấn động rất lớn. Nếu không có sự thực tập, nếu không tu tập với Thầy cùng Tăng thân trong mùa hè năm đó thì con không còn có mặt ở đây trong hình hài này. Năng lượng mà con tiếp nhận được, những bài học và những thực tập đã giúp con vượt qua được nỗi đau mất em, đồng thời có mặt cho người thân của con. Con trở thành người chăm lo mọi chuyện cho đám tang của em. Cái chết bất đắc kỳ tử của em con là một cú sốc lớn cho cả gia đình. Vì vậy con đã áp dụng sự thực tập để quân bình năng lượng trong gia đình. Lúc ấy, con buông bỏ ước muốn xuất gia của mình. Sau một thời gian vết thương lòng trong gia đình đã ít nhiều được chữa lành, con bắt đầu trở về con đường thực tập, trở về với tu viện Lộc Uyển – nơi mà hạt giống xuất gia của con tiếp tục được tưới tẩm và giúp con biểu hiện dưới hình tướng của một người tu như ngày hôm nay.

Sư cô Trăng Chánh Niệm: Rất khó để con tìm lại dấu vết nơi khởi đầu con đường tâm linh của con, vì trước khi đến Làng Mai, nó chưa thực sự định hình trong con. Con lớn lên ở Ai-len (Ireland), sống rất gần gũi với đất đai. Con thường chơi một mình trên những cánh đồng, bên bờ sông hay chơi với các loài vật. Con thấy mình rất may mắn được sống như vậy. Mối liên hệ với đất Mẹ thực sự là gốc rễ tâm linh của con. Lớn lên ở Ai-len, nơi Cơ đốc giáo có ảnh hưởng rất lớn, con đã đi học ở trường đạo hai năm nhưng không bao giờ xem mình là người Cơ đốc vì cha mẹ của con cũng chưa bao giờ thực sự theo đạo này. Ngoài ra, có cái gì đó trong đạo Cơ đốc chưa làm cho con thỏa mãn. Tuy nhiên, khi sống ở Làng, con đã có thể trân quý một phần nào giá trị của đạo Cơ đốc, đặc biệt là khi con đọc được quyển sách của Thầy “Living Buddha Living Chirst” (Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời).

Con bắt đầu tìm hiểu về đạo Bụt và con đường tâm linh năm con mười sáu tuổi, nhưng rồi nhiều chuyện xảy đến khiến con ngưng lại và không muốn đi xa hơn trên con đường tâm linh nữa. Mãi đến năm 2007, con đọc được một quyển sách về chánh niệm và bắt đầu thực tập. Con đã cảm nhận được niềm hạnh phúc mà nhiều năm qua con đã không chạm tới được. Tuy nhiên, có thể vì không có tăng thân và có nhiều sự thay đổi xảy ra cho cuộc đời con vào thời điểm đó, nên rốt cuộc con đã từ bỏ sự thực tập. Lúc đó con đang làm việc cho Trung tâm Y tế Quốc gia (National Health Service) ở Anh, phụ trách công việc liên quan đến những người trẻ đang bị rối loạn tâm thần ở giai đoạn một. Ban đầu con thấy đây là một công việc tuyệt vời đối với con, vì con có cơ hội giúp đỡ những người khác. Nhưng dần dần con bị nhấn chìm bởi những khổ đau mà con tiếp xúc qua công việc, đến một lúc con không chịu đựng nổi nữa. Và con quyết định mua vé một chiều đi Brazil và con đi du lịch khắp đất nước này trong hai năm. Trong suốt thời gian đó, con vẫn thường tự hỏi: vì sao con lại từ bỏ sự thực tập chánh niệm trong khi sự thực tập đem đến cho con rất nhiều hạnh phúc?

Sau một thời gian dài rong ruổi, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, con quyết định trở lại với sự thực tập. Con muốn chấm dứt khổ đau và tập khí gây khổ đau trong con. Vì vậy con đã phát nguyện để ra một năm thực tập sống chánh niệm và con muốn tìm đến Làng Mai. Con không nghĩ rằng con sẽ được nhận vào, tuy thế con vẫn gửi đơn xin về Làng. Quý sư cô xóm Hạ nhận được đơn của con và đã gọi con về. Con về đến Làng sau ngày sinh nhật của mình một ngày và liền sau đó, mọi người đều hỏi con: “Em có ý định xuất gia không?” Lúc ấy con suy nghĩ: “Không! Không bao giờ!”. Con không hề có ý định đó khi đến đây.

Con đã quen sống trong một gia đình nhỏ và gia đình con cũng đi qua rất nhiều sóng gió, vì vậy sống chung trong một tăng thân và để cho tăng thân ôm ấp là điều mà con thực sự phải học hỏi. Con phải thực tập xây dựng niềm tin: niềm tin vào mọi người, vào gia đình, niềm tin là mình có khả năng mở lòng và chấp nhận tình thương của mọi người. Con cũng đang thực tập để sống đúng với chính mình, được là chính mình mà không sợ bị người khác phán xét, đẩy ra hay bỏ mặc. Con thực tập điều này không chỉ cho bản thân con mà còn cho cả gia đình huyết thống.

Những lời dạy của Thầy và những kinh nghiệm sống trong tăng thân đã làm cho cuộc đời con thay đổi một cách sâu sắc. Con không hình dung nổi chuyện gì sẽ xảy ra nếu con không tìm về đây. Vào tháng 5/2014, con trở về thăm mẹ và cũng bắt đầu suy nghĩ về việc xuất gia. Con đã bàn với mẹ về việc này. Có nhiều sự thay đổi đã xảy ra trong liên hệ giữa mẹ và con. Con đã thực sự lắng nghe mẹ chia sẻ. Chỉ cần ngồi yên theo dõi hơi thở và lắng nghe mẹ thôi cũng đã giúp cho mẹ rất nhiều rồi. Con đã vượt qua khổ đau của chính mình để có mặt thực sự cho mẹ, điều này đã giúp gắn kết hai mẹ con lại với nhau. Đây là điều mà Thầy và Tăng thân đã trao truyền cho con.

Con nhớ trong khóa tu mùa hè vừa rồi, khi Thầy và đại chúng đang ăn trưa pic-nic giữa rừng bạch dương ở xóm Hạ, và con đang ngồi tựa lưng vào một gốc cây bạch dương thì thầy Pháp Linh và sư cô Trai Nghiêm trình diễn bài hòa tấu Ave Maria. Giây phút ấy thật nhiệm mầu, có nắng ấm, có Thầy, có Tăng thân bao quanh. Con cảm giác như nếu con không còn cơ hội thưởng thức một giây phút tuyệt đẹp nào như giây phút này nữa thì con cũng bằng lòng. Giây phút này đẹp quá, đủ để nuôi con cả một đời rồi. Và bỗng nhiên trong con đi lên hình ảnh mình rụng hết tóc và đang mặt áo nâu của một người xuất sĩ. Con nghĩ “ồ, thật là thú vị!” (cười). Thế nhưng, cũng phải mất một thời gian để cho con thực sự quán chiếu và quyết định về con đường xuất gia của mình. Giống như sư chị Chánh Định chia sẻ, con cảm giác như được trở về nhà. Con hiện đang rất hạnh phúc và mong sẽ có cơ hội tạo hạnh phúc cho mọi người.

BBT: Hai sư cô đã chuẩn bị như thế nào cho lễ xuất gia?

Sư cô Trăng Chánh Niệm: Con đã chuẩn bị cho mình bằng cách không suy nghĩ, lo lắng nhiều. Trong suốt một tháng, sáng nào con cũng dậy sớm và thực tập Năm Cái Lạy để tiếp xúc với tổ tiên tâm linh và huyết thống. Sự thực tập này giúp cho con rất nhiều. Con cũng được tham dự các lớp giới và uy nghi. Sư cô y chỉ sư còn hướng dẫn cho con về những uy nghi trong đời sống hàng ngày như cách ngồi khi mặc áo tràng và ngồi như thế nào cho đúng trong một buổi pháp thoại, v.v.

Sư cô Trăng Chánh Định: Con thấy cả cuộc đời con là một quá trình chuẩn bị cho sự kiện này. Có một bài thánh ca của đạo Cơ đốc mà con xem là một bài kệ cho chính mình. Bài này thường được hát vào buổi sáng tại nhà thờ khi tín đồ lên nhận bánh thánh.

Lạy Chúa, xin hãy chuẩn bị cho con để con trở thành một nơi an trú

Tinh khiết, linh thiêng, đáng tin cậy và trung thành.

Với lòng biết ơn, con sẽ là

Một nơi an trú muôn đời cho Ngài.

(Lord, prepare me to be a sanctuary

Pure and holy, tried and true.

With thanksgiving,

I’ll be a living sanctuary for you.)

Với bài kệ này, con thực tập mở lòng để tiếp xúc với tổ tiên huyết thống, tâm linh và đất đai trong con với lòng biết ơn. Con cũng thực tập pháp môn dừng lại. Y chỉ sư của con và sư cô Trụ trì cũng hướng dẫn và khuyến khích con thực tập sám pháp địa xúc. Thực tập pháp môn này, con thật sự cảm nhận được năng lượng của tổ tiên huyết thống trong con. Giữa con và tổ tiên huyết thống không có sự ngăn cách. Khi con bước trên con đường tự do, thảnh thơi của người xuất sĩ thì tổ tiên huyết thống cũng đang bước cùng con.

BBT: Khi lần đầu tiên nghe pháp danh của mình, hai sư cô cảm thấy thế nào? Có thấy sự liên hệ nào giữa mình và pháp danh của mình không?

Sư cô Trăng Chánh Định: Pháp danh của con là Chánh Định, và Định trong tiếng Phạn là “samadhi”. Một điều thật thú vị là mật khẩu (password) cho máy tính cũng như các thiết bị điện tử cá nhân của con đều là chữ “samadhi”. Ngay cả khi con kết nối mạng wifi cho ba mẹ và gia đình, con cũng dùng mật khẩu là “samadhi”. Con nhớ sau khi xuất gia, cháu của con hỏi: “Tên của cô – Chánh Định – có nghĩa là gì?”. Con trả lời: “thực ra nó là samadhi”, rồi con chợt nhận ra: “ui chết, đó là mật khẩu của mình!”. Con sẽ phải đổi hết các mật khẩu ấy. Con thấy mình hình như có mối liên hệ với pháp danh này. Chắc sẽ còn nhiều điều thú vị nữa đang chờ con khám phá.

Sư cô Trăng Chánh Niệm: Giây phút ấy là một giây phút trọng đại đối với con. Khi tiếp nhận pháp danh, con nghĩ: “Ồ, cái tên làm cho con có cảm giác như mình đang trở thành một con người hoàn toàn mới”.  Trước đó có vài người nói rằng có thể pháp danh của con sẽ liên quan đến âm thanh vì con biết hát. Con cũng mong như thế. Nhưng khi nghe tên “Chân Trăng Chánh Niệm”, con cũng thích! Con ý thức rằng tên con đại diện cho pháp môn và con thấy mình phải cố gắng thực tập uy nghi nhiều hơn nữa. Mỗi khi nghe ai đó gọi tên mình, chẳng hạn như: “Cảm ơn sư em Chánh Niệm!”, con thấy đó là một tiếng chuông chánh niệm. Quả là một cơ hội để thực tập. Con thường có khuynh hướng hơi nghiêm khắc và đòi hỏi với chính mình. Sư cô Kỳ Nghiêm, một sư cô rất vui tính, đã nhắc nhở con rằng “chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc”. Con cảm thấy biết ơn đại chúng thật nhiều. Con sẽ cố gắng thực tập để xứng đáng với pháp danh của mình và đem lại hạnh phúc cho đại chúng.

BBT: Xin hai sư cô chia sẻ một vài kinh nghiệm chuyển hóa của mình, kể từ lúc bắt đầu thực tập cho đến bây giờ.

Sư cô Trăng Chánh Định: Sự thực tập lắng nghe đã chuyển hóa mối quan hệ giữa con và gia đình, nhất là đối với ba của con. Con thực tập theo Năm giới, khi thấy cơn giận phát khởi, con ngưng việc nói năng. Đây là một sự chuyển hóa quan trọng cho con và cho gia đình. Khi con nghe một điều gì không như ý mình hoặc khi con đang giận, con thực tập dừng lại, thở và không phản ứng lại. Con không còn tập khí phản ứng như trước đây nữa, đặc biệt là với ba của con. Con thọ Năm giới đã bảy năm và sự thực tập Năm giới này đã đem lại nhiều chuyển hóa và trị liệu quan trọng cho gia đình con.

Sư cô Trăng Chánh Niệm: Con học được rất nhiều từ phương pháp truyền thông, truyền thông với chính mình và mọi người xung quanh. Khi xưa con thường giận dữ mà không biết nguyên do. Bây giờ thì con biết và con có thể nói ra cho người khác biết. Thật tuyệt diệu!

Mùa Xuân Mới -2015, đã đến với nhiều điều mong ước tốt đẹp. Chúng ta cũng hy vọng các sư em trong Gia Đình Cây Sồi Đỏ sẽ thu hoạch được nhiều niềm vui và hạnh phúc trong đời sống tu học để hiến tặng cho Tăng thân mỗi ngày một tươi đẹp thêm!