Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Từ suối thơm đến biển xanh

Chân Thoại Nghiêm

Thầy ở nhà thương

Đầu tháng giêng, Thầy được chuyển qua trung tâm phục hồi chức năng cũng ở trong khuôn viên nhà thương Bordeaux. Chỗ này phòng nhỏ hơn chỗ cũ, nhìn ra thấy đọt cây thấp thoáng. Ở đây họ tiếp tục cho Thầy tập nuốt, tập ăn, tập ngồi, tập đứng. Thầy cũng được tập đạp xe để kích thích dây thần kinh và cơ bắp để tập đi. Những ngày cuối tuần mà trời hơi ấm thì thị giả cũng đẩy xe Thầy ra parking đi một vòng. Nhìn Thầy ngồi sưởi nắng mà tôi trào nước mắt. Có thấy Thầy từ bất động đến tình trạng hiện giờ mới biết trân quý mỗi cử chỉ nhỏ nhoi mà Thầy làm được. Có một ngày Thầy kêu các thầy thị giả đẩy xe qua thăm khu nhà ban thị giả ở cách đó 20’. Ai cũng mừng vì thấy Thầy khoẻ đủ để đi xa như vậy dù sau đó Thầy phải nằm nghỉ rất lâu để lại sức.

Thời gian này tôi bắt đầu nấu xúp gạo lứt với rau để Thầy tập ăn thêm. Phải lọc rất kỹ để xúp mịn như da-ua thì nhà thương mới chịu chấp nhận và mỗi trưa thị giả chỉ được đút Thầy ăn (họ chỉ mình cách đút sao cho Thầy không bị sặc) khi có mặt họ để bảo đảm thức ăn không bị lọt vào khí quản. Nhiều người sau stroke đã bị chết vì nhiễm trùng đường phổi nên nhà thương rất kỹ về chuyện này, họ nghĩ rằng thức ăn chuyền vào đường bụng Thầy là đã đủ dinh dưỡng còn ăn bằng miệng chỉ để tập nuốt. Không ngờ Thầy biết đói bụng nên có một bữa tối, hiểu ra là Thầy đói chứ không phải đau bụng, thị giả bảo tôi nấu gấp cho Thầy rồi chạy về lấy đem qua vừa kịp giờ nhà thương đóng cửa. Sau đó dĩ nhiên là cho Thầy ăn bất-hợp-pháp vì ăn buổi khuya nào có nằm trong chương trình của nhà thương !!! Thấy Thầy nuốt được, khoẻ hơn, chúng tôi xin nhà thương cho Thầy ăn thêm buổi tối, họ đồng ý nhưng rồi họ không thể có mặt thêm vào buổi ăn chiều để “xem mình đút Thầy ăn”, mà họ không có mặt đồng nghĩa với chuyện mình không được làm vì họ sợ trách nhiệm. Thế là đành làm lén thôi, và mong biết bao Thầy hồi phục đủ để về nhà thì tha hồ ăn mấy bữa một ngày cũng được.

Tết tới, tôi theo sư cô Chân Không đi đi về về giữa nhà thương và Làng để có mặt cho các buổi lễ. Đón Tết trong nhà thương, cũng viết vài lời khai bút, mà nội dung chỉ xoay quanh sự cầu nguyện cho Thầy lành bịnh. Ngày mồng ba Tết cũng về dự được hội chợ của xóm Mới trong khi sư cô Chân Không hóa trang làm “ông đồ” bói Kiều cho thiên hạ. Lần đầu tiên tôi không chịu trách nhiệm làm một món ăn nào, nên đi lòng vòng thưởng thức đủ các món ăn của chị em một cách thong thả. Thấy ít ra mình cũng có ăn Tết.

Về lại Phương Khê

Đầu tháng tư, Thầy đòi về lại Làng. Thầy mặc áo lạnh, bắt thầy Pháp Hữu phải đưa Thầy ra xe đi về. Thầy Pháp Hữu gãi đầu: “Con mà đưa Thầy về mà không có phép bịnh viện thì con vào tù liền.” Sau đó Hội đồng bác sĩ chăm sóc cho Thầy phải họp ngay phòng Thầy để Thầy cho ý kiến, bàn tới điểm nào Thầy đồng ý thì Thầy gật đầu, điểm nào không đồng ý Thầy lắc đầu liền rất rõ ràng. Nghĩ rằng hoàn cảnh thay đổi sẽ giúp được cho Thầy nên họ đành ký giấy xuất viện và bảo lúc nào Thầy muốn trở lại cũng được. Về lại nhà Thầy rất vui và khoẻ hẳn ra. May là phía nội viện đã đóng xong cái sàn gỗ trong phòng Thầy và ở nhà ăn nên căn nhà như rộng hơn và dễ đi hơn. Sư cô Chân Không cũng nhờ thợ đổ xong một con đường xi măng quanh vườn để có thể đẩy xe Thầy đi dễ dàng. Thầy Pháp Duệ còn làm thêm một cái mái hiên bên hông nên có chỗ để dép không sợ mưa. Tôi về xóm kiếm mấy chậu lan đang ra hoa treo lên. Dễ thương lắm.

Chỉ khoảng mười ngày sau khi về Làng Thầy chứng minh cho thấy Thầy đã có thể nhai và nuốt được “bình thường” nên ai cũng giật mình – có thể Thầy đã hồi phục được phần nào khả năng này từ lâu mà mình không biết. Mình phải tin vào tuệ giác đòi rời bịnh viện trở về Làng của Thầy. Thế là từ đó tôi nấu cho Thầy ăn cơm ngày ba bữa chứ không còn ăn xúp nữa. Thầy ăn trả bữa nên nấu ăn cho Thầy hạnh phúc lắm tuy rằng phải kiêng cữ đủ thứ. Thầy lên cân từ từ. Chỉ trong vòng một tuần là đã thấy Thầy khác lắm.

Theo dự định, năm nay có chuyến hoằng pháp Đông Nam Á của Thầy gồm ba nước Nhật, Indo và Thái Lan. Khi tin Thầy bị stroke đưa ra, ban tổ chức khoá tu của ba nước đều vô cùng khó xử vì họ đang trong tiến trình tổ chức nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định tiếp tục. Và vì thế, tăng thân Làng Mai cũng tiếp tục như những cam kết ban đầu. Dẫu biết rằng phải nối tiếp Thầy mới là điều Thầy mong muốn, nhưng trải qua những ngày tháng chứng kiến sự hồi phục từng chút của Thầy, sư cô Chân Không và tôi đều không yên tâm để đi đâu cả với tình trạng của Thầy hiện tại. Vậy mà vẫn phải đi. Đi vì không có Thầy thì các con lớn phải đại diện. Đi vì không thể hủy chuyến đi dạy ở Nhật một lần nữa, vì tôi trách nhiệm một phần tổ chức ở Nhật. Đi vì ở Indo ban tổ chức khẩn thiết mời sư cô Chân Không qua dạy thì họ mới dám quảng cáo cho khoá tu. Cho tới lúc này, chưa ai biết nhiều về một thầy cô giáo thọ Làng Mai nào khác ngoại trừ sư cô Chân Không vì sách của sư cô cũng “ăn khách” không kém sách Thầy ở Indo. Còn Thái Lan, không thể nào không đi vì đó có “nhà” của mình mà, chưa kể là Sư cô với tính cách “chị cả” thay mặt Thầy để thăm những sư em mới xuất gia trong hai năm qua. Thế là cuối tháng 4, bàn giao lại những chuyện đang làm và cả nỗi lo lắng trong việc chăm sóc Thầy, tôi xách vali, làm thị giả Sư cô, lại lên đường.

Qua Nhật

Chúng tôi ở chùa Nhật Tân ngay trong Tokyo của sư cô Tâm Trí. Các thầy cô của học viện Phật giáo Ứng dụng châu Á đã đến trước đó cả tuần để sắp xếp mọi chuyện nên không khí khá thoải mái. Ngày hôm sau chúng tôi chia ra nhiều nhóm đi khám phá Tokyo, có nhóm thì lo chuẩn bị cho buổi pháp thoại công cộng ngày 29/1. Tôi tháp tùng theo nhóm của sư cô Chân Không (lúc này đã có sư em Duệ Nghiêm tới từ Thái Lan làm thị giả sư cô) đi thăm vườn Nhật Hamarikyu, nơi mà trước đây, vào thế kỷ thứ 17, trực thuộc mạc phủ của gia tộc tướng quân Đức Xuyên Thị (shogun Tokugawa). Công viên rộng mênh mông, ở cổng vào có một cây thông cổ thụ lão đến nỗi một nhánh ngang phải dùng cây chống để khỏi trốc gốc. Nghe nói cây thông đó đã được 300 năm. Trong công viên có một cái hồ nhỏ trong đó có một trà thất để du khách có thể thưởng thức trà xanh và bánh ngọt được phục vụ theo kiểu nghi lễ. Chúng tôi đặt một phần trà bánh cho sư cô Chân Không và kinh ngạc nhìn chiếc bánh bé xíu vô cùng tinh xảo trên chiếc khay. Chiếc bánh đẹp và giống đến nỗi mình không dám ăn. Được biết là đang mùa hoa nào thì họ làm bánh theo hình dạng hoa đó.

Ngày 29 là buổi pháp thoại đầu tiên ở Nhật. Thầy Pháp Ấn được chia phiên giảng nhưng thầy đề nghị nên mời thêm các sư cô Chân Không, Diệu Nghiêm và thầy Pháp Đăng để có hình ảnh tăng thân thay thế Thầy. Chúng tôi chắp tay niệm Quan Âm để bắt đầu trong tiếng vĩ cầm réo rắt của sư cô Trai Nghiêm, như mọi lần. Nhớ tới Thầy và thấy như Thầy đang ngồi đó, giữa các thầy cô lớn của Làng Mai, lắng nghe chúng tôi với định lực hùng mạnh như bao giờ.

Ngày 30 được nghỉ để ban tổ chức khoá tu có giờ chuẩn bị. Chúng tôi, những người còn lại, được thượng tọa Issho Fujita của phái Tào Động và cô chú của sư cô Trai Nghiêm hướng dẫn đi thăm Kamakura, một thành phố trong quá khứ là một đô thị quan trọng và có nhiều kiến trúc đặc sắc, bây giờ là một thành phố cổ thu hút du khách quốc tế. Chúng tôi đi bằng xe lửa và dạo bộ trên những con đường đất đơn giản như những kiệt ở Huế.

Nhà hai bên đường nhỏ và xinh. Những bụi trúc xanh dọc đường gợi nhớ những con đường làng quê hương. Buổi sáng chúng tôi đi thăm chùa Engaku, một trong “ngũ sơn” của thiền phái Lâm Tế ở Kamakura. Những chùa còn lại của ngũ sơn là Kencho (tổng hành dinh của phái Lâm Tế), Jufuku, Jochi, và Jomyo. Chùa Engaku là nơi mà thiền sư Suzuki bắt đầu học hỏi về thiền nên rất nổi tiếng. Khi đi dạo trong khuôn viên chùa, chúng tôi bắt gặp hai vị tu sĩ trẻ trong y phục tu sĩ màu xanh, mang đôi guốc gỗ (đúng kiểu đôi guốc gỗ đặc trưng của Nhật) đang di chuyển. Hình ảnh này rất tự nhiên, nhưng tự dưng toát ra phong thái của một xuất sĩ trong tu viện và khác vô cùng với các vị xuất sĩ mặc âu phục hay có gia đình ở Tokyo mà tôi đã từng được gặp. Chúng tôi ăn trưa theo kiểu pic nic ở đền thờ thần đạo Hachimangu. Buổi xế, chúng tôi đi thăm chùa Kotoku của Tịnh Độ Tông, nơi có tượng Bụt A Di Đà nổi tiếng lớn vào hàng thứ hai ở Nhật.

Ngày 1/5, di chuyển lên thành phố Yamanashi. Ngủ đêm ở một nhà trọ có suối nước nóng chảy qua nên ai cũng hạnh phúc, hôm sau lên chỗ tổ chức khoá tu ở một khách sạn lớn dưới chân núi Phú Sĩ.

Núi Phú Sĩ
Đã qua Nhật một lần nhưng tôi chưa có cơ hội được nhìn núi Phú Sĩ, ngọn núi quanh năm tuyết phủ tuyệt đẹp nổi tiếng thế giới. Lần này, khóa tu được tổ chức ngay một khách sạn dưới chân núi nên tôi tha hồ mà ngắm cảnh buổi sáng, buổi chiều, nhất là giờ ăn (vì phòng ăn có cửa kiếng nhìn ra phía núi) và giờ thiền hành. Lúc nào nhìn cũng thấy đẹp, cũng thở một hơi dài ý thức là mình hạnh phúc biết bao khi còn có thể nhìn được. Hôm khoá tu chấm dứt, ban tổ chức cho đi thăm núi, xe lên đến trạm thứ 5 ở độ cao 2,305 mét, thì dừng lại. Từ đây đến đỉnh không dùng xe được nữa, phải leo tiếp khoảng ba tiếng nữa mới lên tới đỉnh. Chỉ có khoảng một tiếng để ở đây nên tôi đành đóng vai “cưỡi ngựa xem hoa” ở những gian hàng lưu niệm và ngôi đền thần đạo. Có một chỗ mà mình có thể tự đóng dấu chứng minh mình đã ở trạm thứ 5, tôi đoán là dành cho người leo núi lưu ký ở từng trạm, nhưng cũng hí hởn xin tờ giấy, trịnh trọng đóng con dấu mực tím hình núi Phú Sĩ vào. Sư cô Hỷ Nghiêm rủ tôi ra chụp hình ở địa điểm có thể thấy núi rất gần. Gần đủ để tôi thấy rõ đây là chỗ cuối cùng còn tuyết.

Chỗ chúng tôi đứng chụp hình tuyết tan rất lầy lội còn lên trên một chút là những tảng tuyết cứng như băng đang trong hình thể chảy dài xuống. Đất ở đấy không còn cây nữa và đen như than. Tôi nhìn ngọn núi bây giờ như một chiếc bánh “black cake” hình tháp đang phủ kem trắng và bật cười với ý nghĩ so sánh đó. Sau này, khi máy bay bay ngang núi Phú Sĩ, thầy Pháp Hộ đã quay được đỉnh núi nhìn từ máy bay xuống với vài ngọn khói còn bốc lên leo lét. Tôi nào có nghĩ mình sẽ được thấy đỉnh núi Phú Sĩ như vậy đâu.

Khóa tu chấm dứt, mọi người hạnh phúc như bao nhiêu khóa tu đã từng có ở các nơi khác bỏ qua sự vất vả của ban tổ chức. Trên đường về lại Tokyo chúng tôi được đãi một món vô cùng đặc biệt: mỗi người một tô mì Udon to “khủng khiếp”, mà ăn hết mới tài. Nhà hàng vừa xách tô mì to như cái nồi có quai cầm ra để trước mặt một người là bắt đầu có tiếng cười khúc khích, và flash lóe lên. Ai cũng muốn có một bức hình với tô mì đặc biệt này vì ở Nhật, thứ gì cũng tinh tế đầy nghệ thuật và nhỏ chút xíu, những bữa ăn trong khoá tu thường là không đủ lượng cho những người ăn khoẻ. Nhưng tô mì vĩ đại này trong một khung cảnh rất Nhật đột nhiên gợi nhớ tới một tính cách khác của Nhật: rất mạnh mẽ, quyết liệt với đời sống khắc nghiệt, một hình ảnh người nông dân ăn chắc mặc bền còn nghệ thuật là thứ yếu.

Những ngày còn lại ở Tokyo là ngày tu chánh niệm cho nhiều thành phần: chuyên gia y tế, doanh nhân, xuất sĩ, người Việt. Cũng trong những ngày này chúng tôi có tin Thầy đau bụng phải nhập viện gấp ở La Reole. Đích thân bác sĩ Rounet (trách nhiệm về Thầy ở bịnh viện Bordeaux) xuống thăm và khi Thầy ngỏ ý muốn rút ống G-tube ra, bác sĩ bảo điều đó cũng đơn giản, một vài hôm nữa Thầy khoẻ hơn sẽ làm. Ai ngờ là sau đó, Thầy đã tự mình giật lấy ống dẫn thức ăn ra khỏi bụng rồi nằm cười tủm tỉm. Thị giả đổi phiên trực không biết, mãi sau đó mới khám phá ra và kêu y tá vào sát trùng. Chắc là rất đau, nhưng … Thầy mà. Bác sĩ Rounet cười, quá biết tính cách của Thầy: “Il a toujours son propre projet” (Thầy luôn luôn có kế hoạch riêng của mình). Càng ngày sự hồi phục của Thầy càng tiến triển. Chân trái của Thầy cũng đã bước đi được những bước đầu tiên và Thầy đã có thể ngồi một mình trên băng ghế ít phút mà không cần người vịn.

Ghé Indonesia

Ngày 13/5 từ Nhật bay đi Indo, được ban tổ chức cho lên thẳng chỗ sẽ làm khóa tu cách đó khoảng 3 tiếng lái xe. Tới nơi trời đã tối mịt, chỉ thấy xe chạy vòng vòng như lên núi. Xuống xe ngỡ ngàng nhìn căn nhà mình sẽ ở mà ngạc nhiên. Nhà đẹp và sang quá. Mỗi ngôi nhà có nhiều phòng, có bếp, có phòng khách, chị em các nơi lâu nay xa cách giờ gặp nhau thật vui. Người Indo hiếu khách, sư em người Indo lại quá biết tâm lý của chị em phương Tây về châu Á nên trái cây nhiệt đới và bánh trái địa phương để đầy bàn. Họp cho khoá tu rất sôi nổi và không ai từ chối nhiệm vụ được giao vì không có Thầy, tinh thần tự nguyện bỗng thật cao. Huynh đệ học cách chia nhau những trách nhiệm mà mọi lần, có Thầy thì không ai phải làm.

15 – 20: Khóa tu đông như mọi lần. Cũng những chia sẻ rất thật và cảm động. Nhóm pháp đàm của tôi có cặp vợ chồng thí chủ cúng đất để xây trung tâm Làng Mai Indo. Họ kêu nhân viên đi dự khoá tu và lập tăng thân trong sở làm. Tôi gặp một gia đình gồm ba mẹ con người Việt từ Singapore qua dự. Họ thích đi khóa bằng tiếng Anh để xem thử ra sao.

Khóa tu chấm dứt, được một ngày nghỉ. Tôi đi thăm vườn rau organic gần đó. Đúng là organic, cỏ dại mọc đầy, không vui bằng đi thăm vườn nhà mình vì cố gắng lắm cũng không mua được nhiều loại rau như mình tưởng.

Về lại Jakarta, chúng tôi chia nhau ở ba khu nhà khác nhau trong khi các thầy thì ở chùa của sư phụ thầy Pháp Tử. Mỗi khu nhà chăm sóc khách của mình riêng biệt. Tôi ở chung với sư cô Chân Không và thị giả. Chủ nhà người Hoa nên cưng sư cô bằng cách ngày nào cũng cho ăn những món ăn rất ngon, tôi ăn ké chắc cũng lên cân.

Thăm đất mới

Ngày 11/6 có pháp thoại của Sư cô Chân Không và thầy Pháp Đăng ở chùa Ekayana. Ngày 12 bay đi Yogakarta, từ đó đi xe lên đất mới. Buổi chiều là lễ đặt đá ở đất mới. Chúng tôi tới sớm để làm lễ tẩy tịnh xong người dân địa phương mới tới dự. Họ mặc những bộ đồ cổ truyền đẹp đẽ và đãi bánh trong những hộp lá chuối rất địa phương và ngon. Họ làm lễ theo nghi của họ xong thì chúng tôi tụng kinh để cầu nguyện, ban phước cho đất mới.

Sau đó chúng tôi về Kaloran, ở ngay khách sạn Borobudur. Năm xưa chỉ có Thầy và một nhóm nhỏ được ở đây vì số phòng giới hạn, năm nay cả đoàn đều được ở. Buổi ăn được đặt ở phòng ăn ngoài trời như chuyến trước lại làm tôi nhớ tới Thầy. Hôm sau, vì đã ở sẵn trong khách sạn nên đoàn lên thăm Borobudur rất sớm. Đi từ lúc trời còn tối hù để lên xem mặt trời mọc. Tôi đi cho Thầy. Mỗi bước chân đều nhớ là Thầy đang tập đi ở Nội Viện. Đi lên tới tầng cao nhất, ngồi xuống, cũng nhớ ngồi cho Thầy, nhớ Thầy đã ngồi đây bốn năm về trước. Ngồi thiền chờ xem mặt trời mọc mà hôm nay có mây nên không thấy mặt trời, nhưng mặt trời có mất đâu mà lo. Tôi đi thiền hành nhiều vòng ở mỗi tầng, từ cao xuống thấp. Mỗi bước chân lại niệm Bụt, niệm Thầy.
Cuối tháng, đi tiếp chặng chót là Thái Lan.

Vườn xoài Thái

 Làng Mai Thái Lan đẹp quá. Chỉ có hai năm mà tu viện đã khác nhiều. Những cây phượng đã cao khỏi đầu người, tỏa bóng mát và ra hoa, nhất là cây phượng gần cốc Thầy nở đầy những đoá hoa đỏ thắm trên nền lá xanh dù mới bước vào đầu hè. Cốc Thầy đã xây xong, nhỏ thôi, nhưng là nhà sàn và khang trang. Người Phật tử cúng dường tiền xây cốc đã lựa chọn loại gỗ thật tốt. Tôi đi thăm cốc Thầy, lòng bâng khuâng biết có khi nào Thầy sẽ về được đây để cốc ấm hơi người.

Ngày tôi đi Thầy còn yếu lắm. Mới ăn lại được thôi. Chặng đường hồi phục còn rất dài mà tuổi người đã cao, sức khoẻ vốn dĩ xưa nay cũng không tốt chi. Nhưng Thầy hồi phục được chút nào tôi mừng chút đó. Cứ nhớ hoài lúc Thầy nằm mê man và bác sĩ lắc đầu thì lúc đó mình chỉ mong Thầy ở lại với đời còn “sao cũng được”. Bây giờ Thầy đã xuất viện, đã hồi phục trí nhớ, đang khoẻ từ từ, thì đừng tham lam quá, tôi nhắc mình như vậy.

Cốc của Sư bá Giác Viên cũng đã xây xong ở gần đó. Những con đường lầy lội đất đỏ đã được trải đá trắng nên việc di chuyển giữa các xóm dễ dàng hơn rất nhiều. Ba căn nhà lá dựng thành hình chữ U dành cho cư sĩ nữ đã được xây xong. Thiền đường đã được sửa lại, có vách để che mưa che nắng và một nhà bếp sắp hoàn thành để thế chỗ cho căn nhà tranh dành làm chỗ ở tạm cho cư sĩ nam. Xóm quý thầy tre cũng đã lên dầy làm thành một hàng rào tự nhiên bảo vệ tăng xá. Và chỗ mà năm nào Thầy dẫn đại chúng ra ngồi thiền mỗi sáng với các vị Bụt bằng đá rải rác đã trở thành thiền đường Vách Núi rất dễ thương vì không còn cây dại, chỉ toàn một màu cỏ xanh.

Buổi sáng sau hôm mới tới, tôi rủ một sư em đi dạo. Ngang vườn xoài đầy trái, thấy trái vàng rụng đầy tôi ham quá, lượm cả ôm đem về. Sư em đi cùng chỉ những trái còn xanh trên cành mà đã biết là trái nào ăn được và hái cho tôi ăn thử. Thế là chỉ mới ngày đầu tiên tôi đã ăn sáng bằng ba trái xoài. Đúng là ở nhà vườn (nhà có vườn) thật khác với ở thành thị. Những ngày sau đó tri khố ưu ái khi thì xoài, lúc thì dừa, lâu lâu thì sầu riêng, nhãn, măng cụt, còn đu đủ thì đi quanh xóm thấy trái vàng cứ hái. Nghe nói những cây đu đủ trồng mấy năm trước bây giờ trĩu quả ăn không hết. Và các sư em Trăng của tôi, vườn ươm Việt Nam và Thái Lan cũng trồng giỏi quá nên bây giờ tôi không cách nào nhớ tên tất cả (để biện minh cho cái trí nhớ bắt đầu làm reo của mình đó vì cứ phải hỏi lại tên các sư em hoài).

Hôm sau sư cô Chân Không chiếu cái video clip quay Thầy đang ăn ở Sơn Cốc. Thấy hình ảnh Thầy khoẻ, tự ăn được, đại chúng mừng quá. Nhiều sư em xuất gia nhưng chưa từng gặp Thầy, bây giờ được thấy tận mắt (dù là qua clip) vô cùng hạnh phúc.

Không có Thầy, sư cô Chân Không phải thế vào đó. Sư cô lắng nghe từ người lớn đến người nhỏ, giải quyết chuyện từ Thái Lan đến Việt Nam, chụp hình với các sư cô sư chú trẻ chưa từng được gặp Thầy. Các sư em thuộc gia đình Cây Sồi Đỏ đang ở Việt Nam cũng được mời về để Sư cô gặp mặt. Một nhà đoàn tụ vui quá chừng. Tôi thì ngoài việc giúp cho khoá tu ở Wang Ree, chỉ ở lại trung tâm để chơi với các sư em, để nghỉ ngơi sau hơn nửa năm chăm sóc Thầy.

Cũng trong tháng 6, gọi về Làng nghe tin Thầy đã thỉnh thoảng niệm theo được danh hiệu Quan Âm, đã đủ sức lên xe đi thăm xóm Mới một ngày. Dĩ nhiên Thầy vẫn còn những đau nhức, những khó chịu trong thân, nên mỗi tiến bộ chút chút của Người là một cố gắng lớn. Tôi học được từ Thầy mỗi ngày, ngày Thầy khoẻ cũng như lúc Thầy bịnh, học từ sự chịu đựng cũng như ý chí, từ sự kiên nhẫn tới lòng từ bi với học trò.

Khoá tu xuất sĩ vừa bắt đầu thì Sư cô Chân Không và tôi rời Thái Lan. Xa Làng đã quá lâu rồi. Những gì cần phải làm đã làm xong. Mà thật ra có bao giờ là xong khi việc xây dựng tăng thân là việc cả đời.

Tre Phương Khê

Về lại Pháp. Rừng tre tại nội viện xanh mát. Các thầy thị giả giỏi ơi là giỏi, đã dựng một chiếc lều bằng tre trong rừng tre ở Sơn Cốc, có tấm phản tre để Thầy và thị giả cùng uống trà bên suối. Thầy bắt đầu di chuyển được với sự giúp đỡ của thị giả. Thầy tập “đi” mỗi ngày. Có lúc đi cả ra rừng tre dù đất lồi lõm với những gốc tre cắt không sát.

Sức khoẻ Thầy cũng ổn định hơn. Chúng tôi mời người tới để phục hồi chức năng nói của Thầy, mời nhiều bác sĩ với phương pháp trị liệu khác nhau tới nhưng chưa có kết quả khả quan lắm. Nên cuối tháng sáu, khi nghe nói ở bệnh viện UCSF bên Mỹ có máy tập đi cho người bị đột quỵ rất có kết quả thì Thầy ra dấu muốn đi Mỹ. Ngày nào Thầy cũng ra lịnh sư cô Chân Không và hai thầy Pháp Dung, Pháp Linh lo việc cho nhanh. Thế là sau mọi liên lạc cần thiết, sau những kết quả khám tổng quát khả quan, vừa bước vào tuần đầu của khoá tu mùa hè thì ban thị giả khăn gói theo Thầy leo lên phi cơ bay qua Mỹ.

Lúc đầu chúng tôi rất lo. Lo vì không biết tình trạng não của Thầy có an toàn khi máy bay lên cao không, lo vì chuyến bay dài hơn 9 tiếng không biết Thầy có chịu nổi không, v.v. Nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của một mạnh thường quân Mỹ có chuyên cơ riêng, bảo đảm chỉ bay ở độ cao 10,000 mét, “êm như ở trong nhà”, cộng với sự đồng ý của nhiều bác sĩ và có bác sĩ Thái từ Paris xuống cùng đi để cứu cấp khi cần thiết nên chuyện Thầy qua Mỹ đã được thực hiện.

Biển xanh

Ngày 11 tháng 7, Thầy tới phi trường San Jose, bình an, không đuối sức lắm. Thầy Pháp Linh và Pháp Siêu, Pháp Huy đã đem xe đến tận chỗ đậu máy bay để đón Thầy. Có hai chỗ ở để chọn lựa là ở San Jose và San Francisco. Dù ở đâu thì ê kíp bác sĩ của UCSF cũng đồng ý tới tận nhà để làm việc với Thầy hai lần một tuần. Lúc đầu Thầy về San Jose vì gần phi trường và rộng rãi nhưng sau một tuần nghỉ ngơi, khi đi lên San Francisco để khám bịnh thì thấy đường đi quá lâu vì bị kẹt xe, khám bịnh xong Thầy về nhà ở San Francisco nghỉ ngơi và quyết định ở lại San Francisco luôn. Hôm đó, tôi và sư cô Trung Chính đang nấu ăn chiều cho Thầy thì được điện thoại báo tin là đem đồ ăn, và dọn luôn cái bếp, lên San Francisco. Hai chị em nấu nướng và dọn dẹp trong một thời gian kỷ lục rồi xách va-ly, đóng thùng thức ăn (vừa đi chợ hồi sáng nữa chứ) leo lên xe di chuyển tiếp.

Căn nhà ở San Franciso khá lớn, có cái bếp và tủ lạnh, tủ đựng ly chén rất lý tưởng nên ban nhà bếp vui lắm. Có tủ riêng để đồ ăn chúng và tủ riêng để đồ ăn cho Thầy. Căn nhà ở một vị trí rất đẹp, nhìn ra có thể thấy biển xanh và cầu Golden Gate. Ở đây ra biển mất 30 phút đi bộ và xuống phố cũng khá gần, nhất là có xe buýt công cộng ngay góc đường. Nhà ở trên cao nên gió mát rất sướng, tuy nhiên đi đâu cũng phải leo dốc mới về được nhà nên tôi tha hồ mà tập thể dục mỗi khi ra ngoài. Thầy và nhà bếp ở một tầng, hai tầng còn lại dành cho ban thị giả. Chúng tôi nằm đất, khắp chốn, mới đủ chỗ. Thậm chí có hai thầy còn giăng lều trên sân thượng. Có giờ rảnh ai cũng ra ngoài thiền hành vì khí hậu dễ chịu, có không gian. Sư cô Trung Chính ngày nào cũng ra biển. Tôi thì lâu lâu mới đi một lần vì làm biếng leo dốc trở về. Nhưng cũng có ngày tôi đem theo thức ăn sáng đi với sư cô ra biển ngồi ăn. Có ngày tôi đi với sư cô ra biển ngắm … biển. Biển vùng vịnh thật êm, sóng không mạnh và xanh lắm. Trên đường ra biển đi ngang một công viên có cái hồ, sư cô Trung Chính và tôi thích đem bánh mì vụn, cơm khô ra rải cho chim bồ câu và vịt ăn. Nếu mình để cơm trong lòng bàn tay thì có những con chim rất dạn tranh nhau bay lên đậu ngay cánh tay để mổ cho gần rất thích.

Tôi và sư cô Trung Chính chia nhau nấu ăn cho Thầy đỡ ngán vì Thầy phải kiêng cữ khá nhiều mà số lượng rau củ để chọn lựa thì có giới hạn. Ngày nào tôi cũng lên mạng lục tìm thêm món này món kia để thay đổi khẩu vị cho Thầy. May là ở Mỹ có bán đồ hữu cơ nhiều, thức ăn dinh dưỡng và thức ăn thuộc dạng kiêng khem cũng nhiều nên tôi tha hồ thí nghiệm. Không biết về Pháp rồi nấu làm sao đây!!

Nhìn cầu Golden Gate đi

Có một ngày trong tháng 9, ông chủ nhà tới thăm Thầy và thấy chúng tôi ở chật quá, nhất là Thầy phải ở ngay phòng khách sát bếp bị tiếng động ồn suốt ngày vì bếp ngoài việc nấu ăn cũng là nơi ăn của ban thị giả, nơi tiếp khách tới thăm nên ông hoan hỷ mời mình sử dụng luôn ngôi nhà còn lại của ông ở kế đó, chỉ cách nhau một bãi cỏ với vài cây phong già cành lá sum suê. Thật ra ông ta cũng đã có dự định mời mình sử dụng ngôi nhà đó lâu rồi nhưng vì đã lỡ hứa cho khách của ông tới thăm ở lại nên ông ta tính chờ sau khi khách rời thì mới mời mình dọn vào. Bây giờ thương Thầy, thương mấy thầy mấy sư cô quá nên ông quyết định để khách của ông ở chỗ khác cho mình có thể sử dụng nhà sớm. Thế là Thầy và ban thị giả nam dọn qua nhà mới rộng rãi nhiều phòng hơn, còn các sư cô thị giả ở lại nhà cũ.

Ở nhà mới có nhiều phòng nên ban thị giả có nhiều không gian hơn, nhất là có phòng để làm thiền đường ngồi chung với nhau mỗi sáng. Phòng Thầy có cửa kiếng lớn nhìn ra cầu Golden Gate. Thầy hay ngồi nhìn phía đó. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm Thầy buổi sáng sau giờ ngồi thiền, Thầy giơ tay chỉ cây cầu cho tôi ngắm. Có ngày cây cầu chìm trong sương sớm nhìn không rõ, Thầy vẫn chỉ. Thầy vậy đó bạn hiền, dù bịnh, không quên nhắc nhở học trò về giây phút hiện tại. Tôi nghĩ tới thiền ngữ “Uống trà đi” chắc có thể có thêm phiên bản mới: “Nhìn cây cầu đi”.

11/10. Hôm sinh nhật Thầy nhiều người tới dự lắm dù mình không báo cho ai biết. Vì đang trong chuyến hoằng pháp Mỹ nên có đông anh chị em xuất sĩ có mặt. Một số cư sĩ biết tin cũng kéo tới. Thầy mặc áo tràng, “đi” ra ngồi trên một chiếc ghế chứ không ngồi xe lăn. Đại chúng niệm bồ tát Quan Thế Âm Thầy cũng niệm theo. Đại chúng hát Thầy đánh nhịp. Khi thổi nến sư cô Chân Không phải rút cây nến đưa cho Thầy, Thầy cầm cây nến xoay một vòng rồi thổi tắt. Ai cũng cảm động. Thiệt ra trước giờ tôi nào thấy Thầy thổi nến sinh nhật, Thầy cũng không thích những chuyện như vậy vì tính Thầy rất hay ngại, nhưng biết sự có mặt của Thầy đem hạnh phúc đến cho tất cả mọi người nên Thầy chịu khó đi ra. Nhiều người bật khóc. Tôi thì cười mà trong lòng rưng rưng, Thầy ơi, sao Thầy chiều con của Thầy quá vậy?

Thực tập

Thầy khoẻ hơn, nên hai hôm sau Thầy bắt đầu ra thiền đường ngồi thiền với đại chúng mỗi sáng. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình hồi phục của Thầy. Chúng tôi hô canh, ngồi thiền nửa giờ, rồi làm sám pháp địa xúc. Ông chủ nhà hay tới ngồi thiền chung. Bà bác sĩ riêng của Thầy trong UCSF cũng thỉnh thoảng ghé qua vì nhà bà gần đó. Có khi ông chủ nhà dẫn những người ông quen mà muốn thăm Thầy tới ngồi thiền để được chào Thầy. Có nhiều người quen Thầy và cũng quen cả ông chủ nhà nghe tin Thầy đang ở nhà ông thì cũng ghé tới ngồi thiền, thăm hỏi như ông Jack Kornfield (trung tâm Spirit Rock ở Bắc Cali, dạy thiền Vipassana), ông Robert Thurman (dạy ở Columbia University về Phật giáo, học giả về Phật giáo Đại thừa nhất là Tây Tạng), ông Gary Shandling (danh hài nổi tiếng của truyền hình Mỹ), v.v..

Vui nhất là có một cô hàng xóm cũng xin tới ngồi thiền mỗi ngày với chúng tôi. Cô ngồi rất siêng, không vắng buổi nào. Rồi cô viết một tấm thiệp cám ơn các thầy và các sư cô đã cho cô ngồi thiền chung và cúng dường. Không biết chúng tôi giúp cô hay cô giúp chúng tôi vì sự siêng năng của cô, làm nhiều bữa mệt quá, tôi tính “cúp cua” một bữa, chợt nhớ có cô hàng xóm chịu khó dậy sớm đi bộ tới để ngồi với mình mà mình không có mặt thì hơi kỳ, thế là ráng đi, để rồi nhận ra cái mệt đó cũng không thiệt là mệt mà còn có chút làm biếng trong đó.

Mỗi ngày mà nắng đẹp thì Thầy ra sân đi thiền hành với mọi người. Đi, có nghĩa là Thầy ngồi xe cho thị giả đẩy vòng vòng trong sân. Những thân hữu đem cơm cho ban thị giả hay muốn tới thăm Thầy mà đủ duyên, gặp hôm Thầy đi thiền hành thì được đi chung luôn. Những ngày khoẻ nhiều Thầy làm dấu cho thị giả đẩy xe ra đường, đi vòng quanh khu phố. Ở đây không có người qua lại nhiều nên có hôm, tăng thân vùng nam Cali lên thăm Thầy, tới mấy chục người mà đi thiền hành theo xe Thầy không làm cản trở lưu thông gì cả.

Tấm lòng Bồ tát

Không phải chỉ cho mượn chuyên cơ để di chuyển, nhà để ở mà mọi chi phí điện nước chúng tôi đều không phải trả vì Marc, ông chủ nhà, quả thật rất tử tế. Cali những ngày này thiếu nước trầm trọng, nhiều nơi phải để cỏ chết vì không được phép tưới nước, nhà nào cũng được khuyến cáo hạn chế sự tiêu dùng mà chúng tôi thì đông, đương nhiên sử dụng nhiều hơn mức bình thường, nhưng ông không hề nhắc nhở dù rằng tôi nghĩ ông nhắc nhở thì cũng đúng thôi.

Đã vậy, bà vợ ông, Lynn, đã nhờ cô y sĩ Peggy là bác sĩ đông y riêng của ông bà khám và châm cứu cho chúng tôi, tất cả thị giả của Thầy. Cô Lynn nói là thị giả có khoẻ thì mới giúp Thầy được nên rất muốn cô Peggy chăm sóc sức khoẻ cho chúng tôi luôn. Chi phí châm cứu của cô Peggy rất cao, ấy vậy mà sau khi được cô Lynn nhờ, cô Peggy đã làm miễn phí cho chúng tôi mỗi tuần hai lần. Coi như ai vừa đau là tới cô Peggy chữa liền. Và bất kể giờ nào, hễ Thầy đau là cô tới ngay để giúp Thầy.

Bà bác sĩ Vail cũng vậy, là bác sĩ riêng của Marc, là một trong những bác sĩ giỏi của UCSF, phụ trách trường hợp của Thầy và cũng lo luôn cho chúng tôi từ đi thử máu, chụp hình tới chích ngừa cúm. Chúng tôi hay nói đùa là Marc “bao trọn gói”, vì thỉnh thoảng đặt pizza, cà rem đem tới cho chúng tôi, thỉnh thoảng lại mời chúng tôi qua nhà ông ta để chơi với gia đình ông ngày cuối tuần.

Có một bác sĩ khác, bác sĩ Quốc, dạy và làm việc ở UCSF, tình cờ được biết đến tình trạng Thầy do chữa trị cho một người thiền sinh, đã liên lạc xin chữa bệnh miễn phí cho Thầy và chữa rất hay, làm Thầy bớt đau rất nhanh. Và dĩ nhiên hương lành bay xa nên học trò Thầy cũng níu áo bác sĩ Quốc: người đau vai, kẻ đau tay, đau lưng… Có một bữa bàn tay phải của tôi bỗng dưng bị đau, cầm đôi đũa không vững. Tôi vội vàng “xếp hàng” chờ gặp cho được bác sĩ Quốc vì nếu không chữa thì khỏi nấu ăn cho Thầy luôn. Chưa tới 5 phút bấm bấm kéo kéo, bàn tay tôi đã hết đau liền trong sự vô cùng kinh ngạc của tôi. Bác sĩ Quốc đông bệnh nhân đến nỗi không chịu nhận bệnh nhân mới và không có nhiều giờ rảnh nên phải lấy giờ ăn trưa hoặc giờ nghỉ cuối tuần để tới chữa cho Thầy.

Còn ông nha sĩ Blende, nổi tiếng hàng đầu ở San Francisco và cũng tính tiền rất mắc, khi yêu cầu cô thư ký đừng lấy tiền của mình sau khi ông mổ cho Thầy và cô thư ký hỏi: “Tại sao không ghi khi đó là một số tiền lớn như vậy?” ông đã trả lời: “Nếu cô làm cho đức Giáo Hoàng thì cô có lấy tiền không? Đây cũng vậy” (dĩ nhiên sau đó mình vẫn phải trả những dịch vụ khác như gây mê, tiền phòng, v.v..). Chẳng những làm không lấy tiền, sau đó mỗi khi Thầy có vấn đề về răng ông cùng ê kíp của mình đến tận giường Thầy để chữa miễn phí và ông tuyên bố: “I am the dentist of Thich Nhat Hanh” (tôi là nha sĩ của Thầy Nhất Hạnh).

Thuyết giảng

Ông chủ nhà là CEO một công ty lớn nhưng ông đọc sách Thầy nhiều, đứng ra mời nhiều CEO khác tham dự một ngày quán niệm do Thầy hướng dẫn tại nhà ông hai năm trước, và rất thích sự tu tập của Làng Mai. Nếu năm nay Thầy không bịnh ông đã dự định mời Thầy giảng trước 150,000 người rồi.

Bây giờ không có Thầy, thì còn … con Thầy. Các thầy và sư cô thị giả cũng được mời hướng dẫn nhân viên ông về cách tu chánh niệm. Khoảng vài tuần là mình đi hướng dẫn hai, ba buổi cho hai, ba bộ phận trong công ty. Công ty ông lớn nên có nhiều bộ phận và mỗi bộ phận mời mình vào ngày giờ khác nhau. Mỗi lần đi chỉ có hai, ba thầy và sư cô thôi nhưng họ hạnh phúc lắm. Mình chia sẻ gì họ cũng thích hết. Có ngày mình cho một bài pháp ngắn. Có ngày mình cho thiền hướng dẫn. Có ngày mình cho vấn đáp, v.v.. Tùy vào khả năng và sở thích của các vị thị giả mà mỗi buổi hướng dẫn có hương vị khác nhau. Còn sư cô Chân Không đi làm răng ở Ventura mà vì phải ở lại mấy ngày, cũng ra thuyết pháp trong một đạo tràng niệm Phật A Di Đà. Sư cô dạy thiền buông thư, thiền lạy và cho vấn đáp sau bài pháp thoại về Thiết lập truyền thông. Họ thích quá, nài nỉ lần tới sư cô có dịp ghé thì cho luôn một khóa tu năm ngày thì mới đủ.

Tháng 11

Đầu tháng, tôi bay về Lộc Uyển vì có cuộc họp. Có dịp đi thăm ni xá mới xây xong. Rốt cuộc rồi sau bao nhiêu năm chờ đợi bây giờ các sư cô đã có một chỗ nghỉ ngơi ấm áp và được ở với nhau. Vách làm bằng rơm nên khá dầy, do đó diện tích ở thật sự nhỏ hơn sự hình dung của tôi khi nhìn bảng vẽ. Tôi nghĩ bụng sợ không đủ chỗ ở cho cả chúng nữa ấy chứ. Mình về thăm chưa chắc đã còn chỗ để ở.

Về lại San Francisco, tôi sắp xếp để giữa tháng về Pháp lo việc khai thuế năm 2014 cho xong. Cả năm nay bận quá, dịp hẹn tháng tư thì tôi đi châu Á, hẹn tháng bảy thì tôi qua Mỹ với Thầy, bây giờ chỉ còn cái hẹn cuối năm không thể nào dời được. Ngày 14 tôi lên máy bay thì ngày 13 nghe tin vụ thảm sát ở Paris với 129 người chết, rúng động toàn thế giới. Giữa lúc Pháp đang nằm trong tâm điểm của sợ hãi mà nghe tin tôi sẽ về Pháp hôm sau ai cũng lo. May là tôi đi Turkish Airline nên máy bay không bay ngang Paris. Khi đổi chuyến ở Istanbul tôi nhìn màn hình phi trường, thấy vẫn có chuyến bay từ Istanbul về thẳng phi trường Charles de Gaule. Cuộc sống vẫn tiếp diễn thôi!!

Về lại xóm Mới, tôi vui quá. Đã một năm tròn tôi không ở xóm Mới, chỉ xẹt qua xẹt về mỗi khi có chuyện. Các sư chị sư em làm lễ đếm thẻ, lễ đối thú. Tôi sẽ làm sau khi về lại San Francisco, về lại “nội viện Thái Bình Dương”. Mọi người lên xóm Thượng để làm lễ đối thú bắt đầu cho khóa An cư kết Đông, tôi khoác áo lạnh đi thiền hành. Xóm Mới đẹp quá. Những cây hồng trĩu trái vàng chín trên bãi cỏ xanh. Từ đất Cali thiếu màu xanh qua đến đây ngỡ ngàng khi thấy cỏ mọc cắt không kịp. Bụi hoa nào cũng đẹp, dù chỉ mới chúm chím nụ.

Tôi ra tới vườn rau, lòng hạnh phúc. Các sư em đã trồng được ngò gai rồi, xanh ngăn ngắt. Đi quanh quanh những luống rau xanh, tôi nhìn cây cải bẹ xanh tươi nõn mà nhớ tới bánh xèo. Không biết Nhẫn Nghiêm đã có dịp đãi bánh xèo cho ban thị giả chưa. Buổi tối, có sư em Tông Nghiêm, Huệ Hiền ngồi chơi. Nghe sư em Tông Nghiêm kể chuyện đi giảng ở khóa tu Nam Mỹ mà tôi vui quá. Mùa thu này các sư em giáo thọ trẻ đã “ra quân” đi dạy ở nhiều nước. Đi dạy chung với tăng thân, với các sư anh, sư chị lớn giúp các sư em trẻ lớn rất nhanh. Sư em Tông Nghiêm đã lên giảng được bằng tiếng Anh. Tôi mừng khi thấy sự tiếp nối vững chãi của các sư em nhỏ. Thầy nghe tin này chắc vui lắm.

Cuối tháng, Sư cô Hỷ Nghiêm đang thăm Học viện ở Đức nhắn tôi qua. Tôi hỏi ý kiến sư cô Chân Không rồi lên mạng tìm vé đi Đức, rồi đổi ngày vé trở về Mỹ. Vậy là không về kịp ngày làm lễ An cư ở nội viện Thái Bình Dương rồi. Lại thêm một năm tâm niệm an cư nữa.

Cuối tháng, tôi qua Đức. Qua để chơi với các sư em vì khoá tu ở Đức kỳ rồi tôi không đi được. Các sư em ở đây tài ghê, tôi nhìn những khoá tu xảy ra song song với sinh hoạt của chúng xuất sĩ và công việc mà phục lăn. Phục cả thầy Pháp Ấn với bao trách nhiệm đè nặng trên vai mà vẫn phải đứng lớp giảng dạy đều đặn. Tôi là rảnh nhất. Chỉ đi chơi, việc bỏ lại nhà. Lâu lâu một lần mà.

Tháng 12

Ngày 3 tôi trở về Pháp, hôm sau bay về Mỹ. Điểm kiểm tra an ninh vào Mỹ rất nghiêm ngặt sau sự kiện hai người Hồi giáo mới xả súng giết 14 người. Những vụ bạo động xảy ra liên tiếp ở các nước đã nâng mức sợ hãi của mọi người lên cao. Thương lắm.

Ngày 11 là sinh nhật của gia đình mấy Con Cá. Cá con thành cá lớn và già mất tiêu rồi. Buổi tối có nồi phở thầy Pháp Tịnh nấu và chiếc bánh sinh nhật trang hoàng hình mấy con cá. Thầy ra ăn chung, thổi nến, chụp hình. Ôi mấy con cá hạnh phúc nhé. Thầy Pháp Hữu hài hước, mở tủ đá lấy ra hai lát cá chay ai cúng dường không biết đưa tôi và sư cô Định Nghiêm cầm chụp hình với Thầy. Đó là “món quà” duy nhất có tính cách… vật chất. Còn quà tinh thần thì đầy ắp với tình thương của Thầy, của các sư em. Bức hình chụp chung ai cũng cười toe toét (được chụp hình với Thầy là hạnh phúc lớn, ai lại không toe toét chứ!!).

Trước ngày Giáng sinh cô Peggy mời mọi người qua nhà cô ăn. Mình cũng đem theo dĩa chả giò đóng góp. Ngày Giáng sinh anh chị em chơi với nhau thôi mà cười chảy nước mắt. Thầy Pháp Lâm và sư em Lân Nghiêm lo quà và trò chơi rất chu đáo. Quà toàn là trà, bánh do thiền sinh cúng dường và Lộc Uyển gởi lên. Chơi với nhau vui quá sức. Toàn những trò chơi cộng đồng làm ai cũng như trẻ lại, hét và cười đến nỗi thị giả đang hầu Thầy cũng lâu lâu chạy ra tham gia. Trong một trò chơi tôi đóng vai con gấu đi kiếm con bị lạc mà phải diễn tả làm sao cho mọi người đoán ra, tôi đi lắc lư, hai tay giơ phía trước, tự cảm thấy mình cũng giống con gấu vô cùng vì mới ăn một bụng bánh và uống cả ly nước…

Ngày cuối năm

Sáng nay khi đại chúng ngồi thiền Thầy đi ra, cho biết là Thầy muốn đi về Pháp. Hơi bất ngờ nhưng tin tưởng nơi tuệ giác của Thầy nên đại chúng lại một phen lo chuẩn bị hành lý và liên lạc lo máy bay. Buổi tối đại chúng ngồi chơi Thầy cũng ra chơi. Tôi xuống trễ nhưng nghe kể đại chúng hát Thầy cũng giơ tay phụ hoạ theo. Thầy vui, cười miết. Chụp hình chung mặt ai cũng hào hứng. Tôi về phòng, mở máy, khai bút đầu năm. Năm nay điều ước nguyện duy nhất của tôi là Thầy nói được, hồi phục được nhanh nhanh, và cám ơn Bụt là ba mẹ tôi còn đủ sức khoẻ để tôi toàn tâm toàn ý lo cho Thầy.

Bạn hiền ơi,

Khi tôi đang đánh máy những dòng chữ kết thúc này thì Thầy đã về lại Pháp bình an. Đi cùng phi cơ có bác sĩ Quốc nhưng Thầy nghỉ ngơi và ngủ được gần như trong suốt chuyến đi nên rất khoẻ. Thầy về lại Sơn Cốc, nội viện, rồi đi thăm xóm Mới, xóm Hạ và hiện giờ đang ở xóm Thượng trong những ngày còn lại của khoá An cư kết Đông như mọi năm. Rõ ràng là về lại Làng Thầy lại tiếp tục có những tiến bộ đáng ghi nhận. Dù vẫn chưa nói được nhiều, chưa cử động được tay phải, chân phải đang trên đà hồi phục, Thầy đang trở về với nếp sống ngày trước một cách tự nhiên. Đó không phải là món quà quý nhất chúng ta đang nhận được hay sao.
Thân quý.