Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Bước ngoặt cuộc đời

Chân Chuẩn Nghiêm

Thử thách

Con sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Bụt nhưng nhà con chỉ thờ ông bà tổ tiên. Cả nhà hiểu rất ít về đạo Bụt. Bố con là một cựu chiến binh. Ngày trước ông nội con thường hay lên chùa cầu nguyện, mong cho bố con được sống sót trở về. Nhờ vậy mà bố con chỉ bị thương nặng chứ không hy sinh nơi chiến trường. Mẹ con mất khi con mới lên ba. Con lên năm thì bố con cưới mẹ con bây giờ. Dù là mẹ Hai nhưng con chưa một lần gọi mẹ là dì, con chỉ gọi mẹ thôi. Mẹ con là giáo viên nên không đi chùa. Chữ chùa trong đầu con khi còn nhỏ chỉ là xôi với chuối. Bà nội con thi thoảng có đi chùa ở gần nhà vào ngày Rằm hay mồng Một. Những ngày bà nội đi chùa, khi về bà thường ghé qua nhà cho con trái chuối hay cái oản. Con ăn chuối, ăn oản như một món quà tình thương bà nội dành cho.

Tuổi thơ của con cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, con vẫn chơi đùa, la hét cùng bè bạn. Con không hề biết là mình bị nói đớt. Cho đến khi học chừng lớp ba, lớp bốn con mới nhận ra rằng mình nói điều gì ra cũng bị bạn bè nhại lại. Kiểu nhại của mấy đứa con trai nghịch nhất lớp mới đáng sợ làm sao! Con đã biết mắc cỡ nên từ đó trở đi con bắt đầu ít nói. Thậm chí lên bảng trả lời miệng con cũng không chịu lên, con chỉ đòi viết bảng. Thật may cho con là thầy cô giáo luôn luôn giúp đỡ, không bắt con trả lời. Khi cần có điểm kiểm tra miệng thì thầy cô giáo thường cho con lên bảng làm bài tập, đôi khi chấm bài thực hành.

Ông trời luôn công bằng với tất cả mọi người. Có lẽ thấy con ít nói nên ông trời ban cho con đức tính cần cù làm việc. Con luôn làm tốt những bài thực hành về nhà. Ngày ấy con làm bài tập với một niềm vui chứ không hề nghĩ rằng làm bài để lấy điểm. Con cứ thế lớn lên trong sự thầm lặng của nội tâm mà chính bản thân con cũng không biết.
Thời Trung học phổ thông, có lúc con thấy chán học vì thấy chán chính bản thân mình. Sau khi học xong Trung học phổ thông, con muốn chọn việc làm nào đó mà chỉ có làm việc, không cần phải nói. Con không thể chọn ngành giáo viên dù cho anh trai, chị gái đã tiếp nối nghề của mẹ.

Con đã coi rất nhiều ngành học, cuối cùng con chọn học ngành tin học văn phòng với suy nghĩ là con chỉ có làm việc với máy tính mà không cần nói chuyện với ai. Cũng tương tự như khi còn học phổ thông, con vẫn còn rất mắc cỡ khi nói. Con đã viết thư chia sẻ mặc cảm của con với cô giáo chủ nhiệm nên cô giáo đã hết sức yểm trợ. Thêm một lần nữa, con đi học mà rất ít nói. Ở ký túc xá với con có hai người bạn gái rất thương con, con đã nhận được rất nhiều sự yểm trợ của hai bạn đó. Nhờ hai bạn mà con thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa.

Con học ngành tin học văn phòng hai năm. Khi học xong cũng khó xin việc làm vì bằng đó là một điều kiện cần nhưng không đủ. Nếu muốn xin được việc làm đúng với ngành mình học thì phải có thêm bằng kế toán. Người ta cần bằng kế toán hơn là bằng tin học văn phòng. Lại một thử thách nữa với con. Nếu muốn có việc làm đúng như theo nhu cầu của xã hội thì phải học lên nữa mà con thì ngán đi học lắm rồi! Con muốn đi làm một việc gì đó để có tiền phụ giúp bố mẹ trả bớt nợ nần. Nhà con khi đó đang nợ nần rất nhiều vì bố mẹ con phải nuôi bốn anh em ăn học, anh lớn chưa học xong thì đã đến chị gái, rồi đến con, lại thêm em trai con nữa. Nhìn bố mẹ vất vả mà con không cam lòng.

Bố con muốn con lập gia đình như bao người con gái khác. Hình như con gái lớn lên là phải lấy chồng, nó giống như một điều bất di bất dịch. Bố con cũng lo cho con nhưng đâu thể lo hết cho con cả cuộc đời. Nhiều lần bố nói con đừng lo, bố mẹ có thể lo cho con được mảnh ruộng, mảnh vườn, vợ chồng cứ thế mà làm ăn. Bố con không thể không lo cho con, hối thúc con lấy chồng khi trong làng, ngoài xóm, mọi người cứ nói theo kiểu thọc gậy bánh xe. Con không biết làm gì hơn ngoài việc hằng ngày phụ bố mẹ con làm ruộng, làm vườn. Con tìm niềm vui trong công việc.

 

Con phải quyết định lấy cuộc đời của con

Một ngày nọ, con gặp sư cô Hỷ Nghiêm tại nhà anh trai con, sư cô mặc áo tràng lam và mang kính. Nhìn sư cô thật đẹp, vẻ đẹp của người xuất gia mà lần đầu tiên con được thấy. Như có một tia sáng lóe lên trong con khi con nhìn thấy sư cô. Con tự hỏi: Con có thể đi xuất gia như sư cô? Thực ra thì trước đây con cũng có ý định đi tu, nhưng khi đó con muốn đi tu với một quan điểm chán đời như Lan (trong câu chuyện Lan và Điệp) dù con chưa bị rơi vào tình trạng thất tình. Rồi con nghĩ: ở chùa chỉ có quét sân rồi tụng kinh, ăn cơm tương rau, khuôn mặt lúc nào cũng rầu rầu… Nhưng khi con nhìn thấy sư cô Hỷ Nghiêm, tự nhiên trong con có một cái gì đó thay đổi mà chính con cũng không nhận ra.

Con cũng đã từng tâm sự với anh chị con là con muốn đi tu nhưng chưa biết nên tu ở chùa nào? Gia đình con không đi chùa nên con không biết chùa nào cả. Chùa bà nội con thường đi không có người tu. Chùa chỉ mở cửa vào ngày Rằm, mồng Một để chào đón các già trong xã. Khi còn nhỏ con có đến chùa một lần, lúc bà nội mất. Con vẫn còn nhớ cảm giác sợ, chùa cứ tối tối mà lại có mấy ông tượng nên con rất sợ, con chỉ đứng ngoài sân. Ở gần nhà anh chị con có một ngôi chùa nhưng chùa này là chùa của một thầy, và có nuôi trẻ mồ côi. Ban đầu con cũng có ý định là đến tu ở chùa này để rồi giữ con nít.

Anh chị con thấy con có ý định đi tu nên bảo con đọc cuốn sách Hiệu Lực Cầu Nguyện do sư cô Hỷ Nghiêm gửi về. Thực ra khi đọc con chẳng hiểu gì nhưng vì con muốn đi tu nên cố gắng đọc cho hết, xem thử cuốn sách nói tu như thế nào? Đọc hết rồi mà con vẫn chẳng hiểu tu là sao, nhưng cuối cuốn sách có địa chỉ: Langmai.org nên con lên mạng, thử vào địa chỉ xem sao? Thật thú vị! Vậy là từ đó con có một cái mới để xem mỗi ngày. Thực ra con chưa hiểu gì nhưng hình ảnh những người tu trẻ khiến con rất ấn tượng. Ngày ấy trang nhà Làng Mai còn nghèo lắm, rất đơn giản, có khi rất lâu cũng chẳng có bài mới để đọc nhưng con vẫn thích lên để được xem hình. Con rất thắc mắc trong lòng: Vì sao những chàng trai, cô gái đẹp thế kia mà sao lại đi tu thế nhỉ? Có lẽ là phải có một cái gì đó thật bí mật.

Khi sư cô Hỷ Nghiêm về thăm nhà anh chị con lần thứ hai, con xin địa chỉ email của sư cô và con hay gửi email cho sư cô dù chỉ một dòng. Cho đến một hôm, sư cô đã viết cho con một lá thư dài một trang. Cảm giác trong con lúc đó thật hồi hộp khi nhận được một email dài như vậy. Con chợt nghĩ: Trời ơi, sư cô viết gì mà dài thế! Những lời sư cô viết con chưa một lần con được nghe, được biết. Những lời trong lá thư ấy như một dòng nước mát chảy vào trong con. Tâm con như một mảnh đất khô cằn nay được gặp cam lồ của Bồ tát. Sư cô cho con biết là tại Bát Nhã sẽ có lễ xuất gia, nếu con muốn biết là mình có quyết định chọn con đường này hay không thì hãy xin anh chị cho đi lên đó chừng mười ngày. Anh chị cũng lo khi con đi vì sợ con đi tu luôn, nhưng con đòi quá nên anh chị phải cho đi, con phải quyết định lấy cuộc đời của con.

Sao các bạn trẻ đi tu nhỉ?
Lên Bát Nhã, một thế giới hoàn toàn khác đối với con. Con không hiểu tại sao lại có nhiều người trẻ đi tu như thế. Nhưng điều mà con thích nhất là ai cũng cười. Không khí chuẩn bị cho khóa tu Về Giữa Gió Xuân thật vui. Con cứ nhìn lén và thầm thốt lên: Ôi chao ôi! Toàn người trẻ. Gương mặt ai cũng tươi mát, xinh đẹp.
Từ ngày con nuôi ý định đi tu, con nghĩ tu thì phải chịu đựng giỏi. Đầu con bắt đầu vẽ ra đủ thứ. Con nghĩ rằng để được nhận vô tu thì phải trải qua một cuộc thi, đó là thi ngồi trên đá giữa trời nắng, nếu ai chịu đựng nổi thì sẽ được nhận vô tu… Nhưng sau khi lên Bát Nhã, tất cả những gì con nghĩ, tưởng tượng như được tháo tung. Con đón nhận tất cả với tâm thật thoải mái và hạnh phúc.
Buổi sáng đầu tiên thức dậy sớm để đi ngồi thiền, đúng ra thì con không quen dậy sớm, nhưng tiếng chuông sao hay quá nên con ngồi dậy để nghe chuông. Thấy mọi người mặc áo dài đi con cũng đi dù con còn mặc đồ đời. Cảnh núi đồi của Bát Nhã sao đẹp và hùng vĩ quá. Con cứ tha hồ mà thưởng thức. Cảnh đẹp, lại được nghe những lời nói rất nhẹ nhàng nên con cứ đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Khi khóa tu bắt đầu thì con lại càng bất ngờ hơn nữa. Sao nhiều người trẻ đến tham dự quá vậy, ai cũng cười thật tươi. Trong khóa tu có lễ xuất gia, con đã khóc từ đầu cho đến cuối buổi lễ. Những người con trai, con gái còn rất trẻ kia đã can đảm bỏ đi mái tóc xanh của mình để hòa mình vào dòng áo nâu. Hẳn là cuộc sống này rất đẹp. Hết khóa tu, con quyết định ở lại. Con gửi bé Thân mang về nhà với một ba lô trong đó có điện thoại di động và áo quần của con.
Quý sư cô, sư chị thương con lắm. Con được quý sư cô, sư chị và các cô bác lo cho con từng chiếc áo tràng, áo ấm và cả đồ vạt hò nữa. Con thật hạnh phúc khi được mặc áo màu giống nhau. Nhìn một đại chúng lớn mang màu áo giống nhau đã đánh động con rất nhiều. Đó là một sự hòa điệu thật giản dị mà thật hùng.
Bước ngoặt mới
Con được xuất gia trong gia đình Sen Trắng, có 32 thành viên và con cũng nhận được rất nhiều tình thương từ các sư anh, sư chị trong cây cũng như tình thương của đại chúng. Con thấy cuộc đời con thực sự đã bước sang một bước ngoặt mới. Nơi đây con chỉ nhận được tình thương mà không có ai chọc con như ngày xưa nữa. Quý sư cô còn giúp con đọc và nói được rõ hơn. Con nhớ hồi đó, con được ở cư xá Liễu Xanh, xóm Bếp Lửa Hồng, tầng hai. Sư cô Phúc Nghiêm là y chỉ sư của con, sư cô đã chỉ cho con cách thực tập là mỗi chiều mang sách ra tập đọc, chữ nào khó đọc thì phải đọc nhiều lần. Quý sư chị trong phòng còn động viên, an ủi con rất nhiều. Cứ như thế con thực tập mỗi ngày. Có lẽ nhờ phước đức của gia đình để lại nên con được xuất gia, vì sau này con thấy xét xuất gia rất kỹ. Vậy thì con cần phải tu để xứng đáng với những gì mà con đã được thừa hưởng.
Bây giờ con xuất gia được hơn sáu năm, con số sáu năm chưa phải là nhiều nhưng tình thương mà Sư Ông và đại chúng dành cho con thật lớn. Bố mẹ con cũng đang dần hiểu về tăng thân, điều này là nhờ đại chúng giúp đỡ. Con luôn nhận được sự yểm trợ cùng sự thương yêu của đại chúng. Cứ mỗi lần ra Hà Nội, con lại được đại chúng cho về thăm nhà. Có khi con về một mình, khi thì cùng với sư chị, sư em. Nay bố mẹ con đã sửa nhà rộng rãi hơn để đón chào đại chúng.
Đã đôi lần con nghe giọng nói của chính mình qua máy ghi âm và con cũng không ngờ rằng giọng nói của con thay đổi nhiều đến như vậy. Nhiều lúc con chia sẻ với các chị em là đôi lúc mặc cảm của con ngày xưa vẫn cứ trở về. Con lại nhận được nguồn động viên lớn từ các sư chị, sư em. Con đang dần bỏ được mặc cảm.
Con kính cảm ơn cuộc đời đã có Sư Ông, đã có tăng thân để con nương tựa. Tăng thân đã cứu đời con.