Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Đem chánh niệm vào trường học

Thầy Pháp Lưu (Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Với mong muốn đem chương trình đạo đức ứng dụng vào trường học (Wake Up Schools), trong năm 2014, các thầy, các sư cô Làng Mai đã có hai chuyến thăm và chia sẻ sự thực tập với thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh của trường Tiểu học Phật pháp (Dharma Primary School) ở Brighton, nước Anh. Đây là trường tiểu học duy nhất ở Anh cung cấp một nền giáo dục dựa trên những giá trị tâm linh của đạo Bụt. Sau đây là bài chia sẻ của thầy Pháp Lưu về những điều mầu nhiệm đã xảy ra trong hai chuyến đi này.

Tháng 3/2014, theo lời mời của trường và được sự cho phép của Tăng thân, chúng tôi (thầy Pháp Lai, thầy Pháp Lý và tôi) đã có ba ngày sinh hoạt trọn vẹn với 70 học sinh của trường Tiểu học Phật pháp (Dharma Primary School) ở Brighton. Ngôi trường tư thục này mở cửa cho trẻ em từ 3-11 tuổi thuộc tất cả các tín ngưỡng tôn giáo và các nền văn hóa.

Trong ngày đầu tiên, chúng tôi đến từng lớp học của trường để giới thiệu về các pháp môn căn bản như theo dõi hơi thở, sự thực tập dừng lại khi nghe chuông, cũng như dạy cho các em những bài hát như “Thở vào, Thở ra” (Breathing In, Breathing Out) và “Tôi yêu thiên nhiên” (The Nature Song). Qua những câu hỏi của các em, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy các em có ý thức rất rõ về những cảm xúc của mình. Nhiều em đã có kinh nghiệm thực tập với các cảm xúc như giận dữ, sợ hãi… và biết nương vào hơi thở để làm lắng dịu thân tâm. Trong buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đã trả lời những câu hỏi của thầy cô giáo và cán bộ của trường. Chúng tôi cũng đề nghị mọi người cùng thực tập pháp môn thiền đi khi lên xuống cầu thang chính của trường. Ai cũng chấp nhận và thực tập liền trong những ngày sau đó.

Sáng hôm sau, chúng tôi có một buổi gặp gỡ chung với các bậc phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo. Hôm đó, hội trường chính của trường chật kín người, vì rất nhiều bậc phụ huynh muốn đến gặp các thầy, các sư cô Làng Mai. Buổi gặp gỡ được bắt đầu bằng sự thực tập nghe chuông, dừng lại và trở về với hơi thở. Sau đó chúng tôi chia sẻ về sự thực tập Bốn Ơn và bài hát Hai lời hứa (Two Promises Song). Ngoài ra chúng tôi còn hướng dẫn thiền sỏi – chúng tôi đã nhặt những viên sỏi này trên bãi biển từ tối hôm trước – và phương pháp điều phục cảm xúc mạnh. Sau đó, thầy Pháp Lai hướng dẫn các em học sinh đi thiền vòng quanh sân trường. Các em giữ yên lặng thật giỏi trong khi đi, vừa theo dõi hơi thở, vừa tiếp xúc với cây cối và chim chóc xung quanh. Buổi chiều, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ các thành viên Hội đồng Quản trị của trường (trustees). Ông Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị nói với chúng tôi rằng chuyến thăm lần này của tăng đoàn Làng Mai là “điều tuyệt vời nhất từng xảy ra tại đây”. Ông cũng mong muốn Làng Mai coi trường Tiểu học Phật pháp ở Brighton là “nơi thử nghiệm của chương trình Wake Up Schools”.

Ngày kế tiếp, chúng tôi chia nhau đến các lớp lớn của trường để thực tập thiền sỏi với các em và chỉ cho các em cách làm các túi đựng sỏi.

Có một số lớp, chúng tôi hướng dẫn thiền buông thư cho các em. Sau đó, cả trường lại một lần nữa tập trung trong hội trường lớn để cùng thực tập pháp môn thiền quýt. Từ thầy cô giáo đến học sinh, ai cũng đặc biệt thích pháp môn này! Buổi chiều, sau khi ăn trưa chung với các thầy cô giáo, chúng tôi có một buổi chia sẻ sâu hơn không chỉ với thầy cô giáo mà còn với các cán bộ và thành viên Hội đồng Quản trị của trường. Một lần nữa, các vị bày tỏ mong muốn Tăng thân Làng Mai đem chương trình Wake Up Schools vào áp dụng tại trường.

Kết thúc chuyến thăm, chúng tôi hứa sẽ trở lại thăm trường để tổ chức một khóa tu cho các giáo viên của trường trước thềm năm học mới và giúp các giáo viên chào đón học sinh trong ngày khai giảng. Ngoài ra chúng tôi còn dự định tổ chức khóa tu hoặc ít nhất là một ngày tu học cho các bậc phụ huynh vào cuối tuần. Vì vậy, tháng 9/2014, một đoàn gồm bốn thầy (thầy Pháp Lai, thầy Pháp Linh, thầy Pháp Triển và tôi) cùng ba sư cô ( sư cô An Nghiêm, sư cô Trì Nghiêm và sư cô Tảo Nghiêm) đã đến thăm trường Tiểu học Phật pháp lần thứ hai, từ ngày 1 – 09/09/2014.

So với lần thứ nhất, chuyến thăm lần thứ hai này đã tạo được một ảnh hưởng sâu sắc hơn. Thông thường, trước thềm năm học mới, trường Tiểu học Phật pháp tổ chức một khóa tập huấn, bồi dưỡng trong hai ngày dành cho các giáo viên và cán bộ của trường. Nhưng năm nay, trường đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng hai ngày này để tổ chức một khóa tu ngắn, thay vì khóa tập huấn như mọi năm. Chúng tôi đã cùng các thầy cô giáo và cán bộ của trường thực tập thiền hành, thiền tọa có hướng dẫn, thiền ăn, pháp đàm và cả thiền ca nữa. Trong một buổi pháp đàm, chúng tôi đã mời các thầy cô giáo thực tập nhìn sâu vào những điều kiện hạnh phúc đang có ở trường và trong cuộc đời dạy học của mình, cũng như những lời ước nguyện cho một năm học mới đang đến.

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức những buổi Làm Mới, đặc biệt là hướng dẫn phương pháp tưới hoa. Một giáo viên chia sẻ: “Phương pháp tưới hoa có tác dụng đặc biệt đối với tôi, bởi vì thực sự tôi thấy rất khó khăn khi khen ngợi người khác, nhất là sau một ngày dạy học bận rộn. Nhiều lúc tôi không có thời gian để dừng lại và nghĩ đến những gì mà các đồng nghiệp của mình đã hiến tặng. Đôi khi chỉ vì một lỗi nhỏ mà tôi quên hết tất cả những điều dễ thương mà họ đã làm cho tôi. Tôi nhận thấy ngay cả khi có những bất đồng, nếu tôi có thể nói một điều gì tích cực với đồng nghiệp của mình thì đó luôn là một khởi đầu tốt, và từ đó có thể làm cho mối liên hệ trở nên tốt đẹp hơn. Bởi vì cái nhìn lạc quan, tích cực về người khác bao giờ cũng giúp cho mình dễ dàng hòa giải hơn, phải vậy không?”.

Trong những nhóm pháp đàm, các thầy cô giáo được hướng dẫn thực tập pháp môn ái ngữ và lắng nghe để có thể áp dụng cho chính mình và giúp cho các em học sinh. Sau giờ pháp đàm, một giáo viên chia sẻ: “Tôi nghĩ có lẽ điều hữu ích nhất đối với các giáo viên và cán bộ của trường trong những ngày qua là được học cách nói chuyện với nhau và lắng nghe nhau. Từ trước đến nay, các cuộc họp thường khá ồn ào, ai cũng tranh nhau nói lên ý kiến của mình, vì vậy mà không khí khá căng thẳng. Tôi thấy sự thực tập trong những buổi pháp đàm mà các thầy, các sư cô hướng dẫn – cách chắp tay xá khi muốn nói và cho mọi người không gian để chia sẻ – thật là hay. Ai cũng có cơ hội nói ra những điều mình muốn nói mà không sợ bị phán xét. Mọi người xây dựng được niềm tin với nhau trong buổi pháp đàm. Tất cả mọi người đều có thể chia sẻ những cảm xúc thật của mình. Ai cũng có tinh thần nâng đỡ, yểm trợ nhau trong buổi pháp đàm, đó là điều rất quý, rất cần”.

Trong ngày thứ hai của khóa tu, cô Katherine Weare – một Giáo sư về Giáo dục của trường đại học Southampton, Anh quốc và cũng là người đã từng làm việc với các thầy, các sư cô trong chương trình Wake Up Schools để xây dựng một cuốn cẩm nang cho giáo viên về sự thực tập và giảng dạy chánh niệm trong trường học – đã trình bày một vài “hướng dẫn thực tập” (recipe) trong cuốn cẩm nang để các thầy, các sư cô cùng các giáo viên thử nghiệm. Ai cũng phải dành 15 phút để đọc các hướng dẫn về thực tập thỉnh chuông, thiền hành, hay theo dõi hơi thở, sau đó có thêm 15 phút để tập cách trình bày, rồi chia ra thành từng cặp: người này giảng cho người kia nghe trong 15 phút, sau đó đến lượt người kia giảng cho người này nghe, cũng trong 15 phút. Cuối buổi, các thầy cô giáo chia sẻ, đóng góp để cho phần hướng dẫn thực tập được nêu trong cuốn cẩm nang được rõ ràng, chính xác và mang lại nhiều lợi lạc cho các thầy cô giáo ở khắp nơi.

Sau hai ngày sinh hoạt với các thầy cô giáo là đến ngày khai giảng năm học mới. Các em học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Chúng tôi chia ra, hai người vào một lớp để xem cách các thầy cô giáo chào đón học sinh trong ngày đầu tiên của năm học và để chơi với các em. Thật là vui khi được có mặt trong ngày tựu trường và được chơi với các em nhỏ! Một giáo viên nhận xét: “Tôi thấy các em rất thích sự có mặt bình an và vui tươi của các thầy, các sư cô. Em nào cũng hăng hái tham gia các hoạt động như: tập thở, hát, chơi trò chơi… Có em hỏi: con có thể đến và ngồi gần các thầy, các sư cô trong giờ ăn trưa không? Các em rất thích gần gũi các thầy, các sư cô và thích năng lượng tỏa ra từ người tu”. Chúng tôi cũng rất hạnh phúc khi được chơi với các em, được ngồi ăn trong im lặng với các em ngay ở sân chơi của trường. Thật là nuôi dưỡng khi thấy các em có khả năng thưởng thức miếng bánh mỳ sandwich một cách sâu sắc và ăn im lặng trong suốt mười lăm phút!

Trong buổi họp toàn trường ngày kế tiếp với sự tham dự của các bậc phụ huynh, thầy Pháp Lai đã chia sẻ về những hoạt động trong thời gian qua của chương trình Wake Up Schools, cũng như về ước nguyện sâu sắc của Thầy là đem chánh niệm và đạo đức ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi đã hát những bài thiền ca và chia sẻ niềm vui của mình với mọi người có mặt hôm đó, đồng thời đề nghị trường xây dựng một tăng thân để các bậc phụ huynh có cơ hội yểm trợ cho con em của mình cũng như yểm trợ các thầy cô giáo trong sự thực tập.

Chúng tôi cũng tổ chức một ngày Quán niệm dành cho các bậc phụ huynh, nhưng cũng có sự tham gia của nhiều giáo viên trong trường. Ngày hôm đó, chúng tôi chia sẻ về ý nghĩa của pháp môn thiền sỏi, về tầm quan trọng của bốn yếu tố: tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do đối với hạnh phúc của mỗi người. Sư cô Lực Nghiêm đang về thăm mẹ ở Brighton cũng có mặt trong buổi sáng hôm ấy.

Khi nhìn lại một tuần thực tập chung với nhau để bắt đầu năm học mới, một giáo viên chia sẻ: “Cách đây một vài năm, chúng tôi nghĩ là chúng tôi biết mình cần phải làm gì để xây dựng và phát triển trường Tiểu học Phật pháp. Không hiểu sao sau một thời gian, hình như chí nguyện ban đầu của chúng tôi bị hao mòn ít nhiều. Tuy nhiên, trong những ngày qua, tôi thấy tất cả những mơ ước ngày xưa đều trở về và dường như còn mạnh mẽ hơn trước. Đối với cá nhân tôi thì những trải nghiệm trong một tuần qua đã làm cho tôi thay đổi trong mối liên hệ giữa mình với mọi người. Còn đối với trường, tôi có rất nhiều hy vọng là trường sẽ thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, mọi người sẽ quan tâm tới nhau nhiều hơn. Trước đây trong trường có nhiều khó khăn nhưng bây giờ tôi thấy có một sự thay đổi lớn nơi nhiều người và điều đó cho tôi một niềm vui lớn. Tôi cảm thấy thật khó khi phải chia tay với các thầy, các sư cô”.

Qua hai chuyến thăm, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khả năng xây dựng một trường thí điểm theo mô hình Wake Up Schools ngay tại nước Anh. Ban Quản trị của trường mong muốn một ngày nào đó sẽ tiếp tục xây dựng một trường trung học theo mô hình này. Chúng tôi cũng đề cập đến khả năng xây dựng một trụ sở chính của chương trình Wake Up Schools tại trường Tiểu học Phật pháp – nơi mà các giáo viên ở khắp nơi có thể đến và được tập huấn bằng cách tham gia làm trợ lý giảng dạy cho các giáo viên của trường.