Bạn hiền ơi, tôi viết những dòng chữ này cho bạn hiền từ trong nhà thương. Ngoài trời lạnh lắm dù nắng vàng tươi. Tôi biết mình viết không có gì đặc biệt, lại cũng không thích kể những gì nghiêm trang ai cũng biết mà chỉ thích viết chuyện bên lề, chuyện cá nhân, chuyện “nhí nhố” nên năm nào tôi cũng khất nợ với Lá Thư Làng Mai tới giờ chót mới cầm bút. Và nghĩ rằng hễ viết không kịp … thì thôi.
Nhưng năm nay, giữa những bận rộn không tránh được, tôi lại muốn viết ít hàng cho bạn hiền, cho Lá Thư Làng Mai, có lẽ như một thói quen, hay là những chuyện đang xảy ra rồi sẽ thành quá khứ mà không ghi lại thì cũng thấy thiếu.
Trước Tết
Pháp thoại của Thầy vui quá sức. Có một đoạn Thầy giảng về Bụt và Ma Vương đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ hiện đại làm tôi cười quá chừng. Bạn hiền nghĩ coi, thầy A Nan bảo Bụt không tiếp Ma Vương được (có thể vì mắc đi họp hội nghị), còn Ma Vương thì than phiền là đệ tử Ma Vương lúc này bày đặt đòi ngồi thiền, đòi bảo vệ môi trường, v.v. Bụt than thở là Bụt nào có sướng gì, người ta lên chùa cúng bái, nhét tiền vào tay Bụt, làm như Bụt tham nhũng, rồi để Bụt lên xe hoa khiêng đi gật gù, đặt vào miệng Bụt những điều Bụt không hề nói… Sau bài giảng đó ai cũng xếp tập lại vì tưởng Tết thì học ít thôi, ai ngờ Thầy giảng tiếp Duy Biểu. Xong pháp thoại là lễ dựng nêu, rồi hội chợ hoa. Năm nay tôi mua được nhiều hoa đẹp mà rẻ nên gian hàng hoa xôm tụ lắm. Thầy dẫn mọi người đi thăm chợ hoa, ngắm từng cây lan, chậu cúc, Thầy chọn một cây … xương rồng. Tôi nghĩ thầm chắc Thầy đổi gu rồi. “Bé cái lầm” nhé, khi tôi hỏi Thầy lý do thì Thầy nói hóm hỉnh: “mình không có tiền, thấy cái chậu đó có 4 euro nên chỉ đại cho rồi”. Thầy trò cùng cười.
Tháng Hai
Ngày 06/02/2014 thầy Pháp Ý mất sau một cơn suyễn đột ngột. Buổi chiều đại chúng vân tập lên thiền đường Tăng xá để làm lễ. Thầy viết hai tấm thư pháp tiễn đưa: your cloud never dies và Smile thầy Pháp Ý với một biểu tượng mặt cười. Thầy chịu chơi quá.
Tháng hai, do ảnh hưởng mưa bão từ đâu đó nên trời chợt tạnh chợt mưa. Mấy cây hoa tính trồng hoài mà không xong. Ngày làm lễ Tự Tứ có cơn mưa thật lớn với gió rất mạnh. Hình như ít khi tôi nhìn qua kính mà thấy từng mảng mưa bị thổi dạt từng lúc như vậy. Ai cũng phải nhìn. Tự dưng sau đó trời nắng lên đẹp. Cái nắng hiếm hoi của mùa đông, mùa … mưa. Cái nắng bừng lên làm trời đẹp đến ngẩn ngơ. Thầy kêu chụp hình kỷ niệm toàn chúng đắp y. Tôi vô tình được đứng gần Thầy, lần đầu tiên, nghĩ bụng mình hên quá xá.
Ngày 20/02/2014 chúng xóm Mới, xóm Hạ dọn lên trên xóm Thượng ở để dự khóa tu xuất sĩ một tuần. Ban tổ chức thông báo có 245 xuất sĩ tham dự khóa tu chung nên năng lượng rất hùng tráng. Tôi được ở cốc Linh Quy với hai sư em. Công nhận ở xóm Thượng chỗ nào cũng đẹp, cửa sổ phòng tôi nhìn ra rừng rất nên thơ. Ăn cơm ngon, nghe pháp thoại hay (Thầy dạy chúng mạnh lắm), ngày văn nghệ xuất sắc, và ngày chơi trò chơi Đường Về Làng II thì vui quá đỗi là vui. Các sư chị sư em trả lời rất khá. May tôi được ở trong ban giám khảo chứ nếu tôi chơi chắc đội của tôi sẽ thua bí bét.
Cuối khóa tu, nghe tin ba sư cô Hương Nghiêm vừa qua đời.
Tháng Ba
Năm nay nghĩ mình sẽ không đi đâu, nhưng rốt cuộc tôi cũng đồng ý làm đệ nhị thân đi với sư em Sinh Nghiêm về thăm bà nội em ở đảo Réunion. Gia đình ông bà nội em quen với gia đình tôi từ những ngày xa xưa ở Đà Lạt. Ông của em là bác sĩ và tôi dám chắc đã có lần tôi mếu máo khóc vì sợ bị chích ở phòng mạch của ông. Mẹ tôi và bà nội sư em thì cùng trong nhóm các bà hay đi thăm cô nhi viện và làm các việc của hội Hồng Thập Tự. Nên chút duyên xưa khiến tôi hăng hái đi với sư em dù không biết mình có giúp được gì. Trong thời gian đó ở Làng có sự kiện viện Đại Học Hồng Kông trao bằng Tiến Sĩ danh dự cho Thầy. Tôi tiếc phải vắng mặt quá chừng nhưng không hối hận, vì có thêm chút háo hức mơ hồ được biết nơi đã nhắc đến trong lịch sử là chốn lưu đày vua Duy Tân, vua Thành Thái năm xưa.
Đảo Réunion nhỏ, nóng. Trên đường về nhà ở St. Pierre, đường chạy dọc biển thật mát, đầy hoa tigôn, hoa điệp, hoa phượng (lác đác vài cánh đỏ trên đọt) và cây dừa. Không phải hình ảnh của … châu Phi hay resort mà là hình ảnh của Indonesia, hay Vũng Tàu, Nha Trang. Biển xanh ngắt, nhưng mọi người khuyến cáo từ trên máy bay là không được tắm vì có cá mập. Nhà bác của Sinh Nghiêm cũng giống nhà ở Sàigòn, vườn có mấy cây xoài lủng lẳng trái nhìn rất thích. Hai chị em chia phiên nhau: Sinh Nghiêm lắng nghe bà nội, chỉ bà nội phương pháp thực tập để bà vui vẻ hơn, mở lòng hơn; tôi thì nấu ăn chung với cô của Sinh Nghiêm và nhẹ nhàng kể chuyện, chia sẻ. Dượng của sư em là người bản xứ, lại theo đạo Công giáo, nhưng qua phần giới thiệu về cách sống ở Làng của hai chị em ông rất thích, và cũng thích hát bài “Ta hạnh phúc liền giây phút này” (bằng tiếng Pháp, dĩ nhiên).
Có hôm cả nhà ăn xong (tôi cho cả nhà ăn chay hết) ngồi hát chung rất vui và đầm ấm. Có một ngày dượng của sư em nghỉ làm, chở cả nhà đi hái ổi (là một đặc sản của vùng này) nhưng chưa tới mùa, tuy nhiên con đường lên núi thật là tuyệt vời, hoa nở khắp nơi như hoa dại: cẩm tú cầu đủ màu, địa lan, hoa màu xanh tím như hoa mua, hoa sim, cây cối xanh ngắt. Đường quanh co gấp chục lần đèo Prenn và khí hậu mát lạnh thật giống cảnh Đà Lạt hay Bảo Lộc. Chỉ đi thôi là đủ vui rồi. Một buổi chiều khác từ cửa sổ phòng tôi nhìn ra biển, trời về chiều đầy những ráng mây hồng và hình ảnh những cây dừa in bóng tuyệt đẹp. Tôi không đem máy hình, mà cũng không cần chụp, chỉ sống trọn vẹn với cảm giác ngất ngây khi bắt gặp một cảm xúc chợt tới.
Mấy hôm sau ông nội của Sinh Nghiêm tới. Hai ông bà đã ly dị từ lâu nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong lòng bà. Đó cũng là lý do sư em Sinh Nghiêm muốn về thăm để giúp bà giải tỏa những kết sử khổ đau trong lòng trước khi bà ra đi. Bà vui lắm. Hai ông bà chụp hình chung, bà ngoẹo đầu vào vai ông, ai cũng hạnh phúc. Bà chê ông già, nhưng bà còn già hơn. Tiếng cười rộn rã khắp nơi. Bà cứ thì thào là bà “thực tập” vậy được chưa, coi như bà “nice” (dễ thương) vì các sư cô biểu chứ bà không tự ý đâu nhá.
Gần tới ngày về, chúng tôi được đi chợ rau cải bán ngoài trời. Thấy rau trái bày thích mắt. Sa kê bán đầy. Lần đầu tiên tôi thấy đọt cây kè tươi, nghĩ tới củ hủ dừa nên mua về để thị giả nấu cho Thầy dừng thử. Có một gian hàng bán loại thơm màu đỏ nhìn như muốn ứa mật ra nên cũng không thể bỏ qua. Vui nhất là gặp hàng hoa. Tôi chỉ chăm chăm đi tìm lan nhiệt đới nên khi bắt gặp cây lan vàng như ở Thái Lan các thầy mua cho Sư Ông là tôi mừng quýnh. Tôi xin địa chỉ và tìm đến được một vườn lan đủ loại. Có một cây có hoa lan trắng nhụy vàng tuyệt vời luôn, nhưng vì lan đã cũ, nở lâu rồi nên tôi không dám mua. Ông hàng hoa kiếm được cho tôi một chậu lan vàng có tới năm nhánh đầy búp làm tôi mừng quá, đáng làm quà đem về cúng dường Thầy vì lần trước không thể đem ra khỏi từ Thái Lan được. Phải tính cách gói như thế nào để cầm về nữa. Và dĩ nhiên tôi không thể không mua những nhánh lan con đủ loại vừa được chiết ra với giá rất “mềm” để đem về Làng trồng thử.
Tới ngày chúng tôi đi, bà nội và bác gái sư em mới chịu làm mới với nhau. Lúc hai người làm thiền ôm và khóc được thì tôi cũng rưng rưng, thấy rõ là pháp môn nhiệm mầu và biết ơn Thầy quá.
Cũng trong tháng này, có tin mẹ của các sư cô Học Nghiêm và Bội Nghiêm ra đi sau cơn bịnh dai dẳng mấy năm.
Tháng Tư
Tháng của mùa xuân. Hoa bắt đầu nở khắp nơi. Năm nay tôi không phải đi đâu nên ngày nào cũng ra thăm vườn, thăm hoa. Có những chỗ hoa trồng từ hồi nào mà bây giờ đột ngột khoe sắc. Nhưng cũng có những chỗ tưởng là có hoa thì bây giờ thưa thớt vì củ bị con gì ăn mất. Tôi đem cây ngọc lan trắng duy nhất còn sống sót trong mười cây đem về từ Hàn Quốc ra cho xuống đất. Mong là cây mạnh đủ để cắm rễ nơi này.
Có một ngày, sư cô Bảo Nghiêm bị đột quỵ thật bất ngờ. Xe cứu thương đến. Vì sư cô bị yếu tim nữa nên bác sĩ tới khám và quyết định phải đưa đi bằng trực thăng. Họ chữa chạy thật giỏi, vài ngày sau sư cô được về. Tuy nhiên sư em Thi Nghiêm phải làm thị giả cho sư cô khá lâu sư cô mới trở lại bình thường được.
Cuối tháng là khóa tu ở Tây Ban Nha. Họ mời tới 50 xuất sĩ nên chúng tôi đi bằng xe buýt. Đi hơn 10 tiếng mới tới Madrid nhưng tôi thấy chuyến đi ngắn lắm, chắc có lẽ vì nghỉ nhiều. Tăng thân Tây Ban Nha rất cưng chúng tôi, ngoài khóa tu như thường lệ, họ tổ chức cho chúng tôi đi viếng thành phố Toledo và cúng dường tiền túi để ăn trưa hay mua quà.
Thành phố rất đẹp. Sư chú Pháp Đan thuyết trình rất lưu loát về lịch sử của thành phố cũng như của Tây Ban Nha trên đường đi nên tôi học được nhiều. Chúng tôi đi thăm nhà thờ dát vàng lộng lẫy, đi bộ trên những con đường nhỏ lát gạch nên thơ, và cuối cùng thì đi thăm một tu viện kín của các ma xơ để … mua kẹo. Kẹo ở đây được nhiều người mua để yểm trợ cho tu viện (chắc cũng giống mua nhang để yểm trợ chùa).
Trên nguyên tắc, các ma xơ dòng tu kín không được cho người khác thấy mặt nên mình chọn kẹo xong, để tiền vào cái hộp bằng gỗ xoay tròn (như cửa kiếng xoay tròn ngoài siêu thị) thì kẹo mình mua sẽ được đưa ra cũng bằng cái hộp đó. Trong khi chúng tôi đứng xếp hàng hăm hở chờ tới phiên mình thì có một ma xơ, có lẽ nghe nói có người tu tôn giáo khác tới nên mở cửa mời chúng tôi vào nhà nguyện của họ. Giữa chỗ các ma xơ ngồi và chúng tôi có một lớp hàng rào, có thể thấy nhau nhưng không vượt qua được. Không biết cái hàng rào đó để bảo vệ các xơ không bị người đời quấy phá hay để các xơ nhớ là họ đã khấn tu kín trọn đời, không thể ra ngoài. Mình cũng khấn tu trọn đời nhưng hàng rào giới của mình vô hình hơn, và dĩ nhiên mình thấy mình tự do hơn.
Tháng Năm
Xong Madrid thì tới Barcelona. Tôi và sư cô Định Nghiêm vào ban tiền trạm đi trước để xếp phòng cho phía nữ nên hụt đi vãn cảnh thành phố Madrid sau ngày khóa tu. Chỗ ở cho tăng đoàn tại Barcelona là một tu viện Công giáo đã có 150 năm, dành cho nữ tu, hiện giờ các bà xơ còn lại đều rất già. Trên tầng hai là chỗ ở của các ma xơ, khách không được lên. Có khoảng tám vị già lắm, phải nhờ y tá tới chăm nom, tập cho đi. Còn lại bốn ma xơ khoảng ngoài 60 thì làm văn phòng, tiếp khách và đi làm ở ngoài trường học. Họ có một trường mẫu giáo, tiểu và trung học Công giáo. Tại đấy các ma xơ có dạy các cháu ngồi thiền mỗi ngày. Hai ngày tới sớm làm tiền trạm, mỗi sáng lúc 7 giờ chúng tôi xuống ngồi thiền chung. Họ có một thiền đường nhỏ chừng 30 người, trên bàn thờ có hình Bụt Thích Ca ở giữa, hình chúa Jesus một bên. Xơ Martha, đồng thời cũng là một Roshi của Rinzai (Thiền Lâm Tế) và Soto (Thiền Tào Động), thỉnh chuông cho ngồi thiền 30 phút rồi đọc kinh, toàn là kinh của Làng được dịch ra tiếng Tây Ban Nha. Nhiều con chiên ở ngoài cũng tới ngồi thiền buổi sáng rồi mới đi làm.
Kiến trúc ở Barcelona thật đặc biệt và chợ Ramdas ở khu Catalanian Plaza thì quá giống chợ châu Á, từ những ly sinh tố đủ màu đến hàng bán olive đủ loại (dĩ nhiên vùng nào thức ấy, chợ châu Á thì chắc là cửa hàng bán ô mai). Ngày làm biếng, chúng tôi lại được mấy vị trong tăng thân Barcelona dẫn đi thăm nhà thờ Famillia, nhà thờ thật vĩ đại và xây từ thế kỷ trước tới bây giờ vẫn chưa xong. Họ tổ chức chu đáo nên mọi người đều được nghe giải thích bởi hướng dẫn viên bằng tiếng Anh với cái máy nhỏ bỏ túi, muốn đi đâu cũng được. Có nghe giải thích mới thấy giá trị của sự xây cất và đầu óc vĩ đại của Gaudi, ông kiến trúc sư đã làm cho Barcelona nổi tiếng với những ngôi nhà đầy sáng tạo và mầu mè như trong truyện cổ tích. Một số sư em tới từ Việt Nam thì chỉ hào hứng đi thăm sân vận động Tây Ban Nha để chụp hình.
Sau đó là khóa tu dành cho ngành giáo dục ở trường đại học Barcelona. Thầy chỉ dạy có ba ngày đầu, những ngày kế các giáo thọ phụ trách khóa tu sẽ giảng tiếp. Cuối ngày thứ ba các nhóm pháp đàm được mời ra Arc de Triump để ngồi thiền theo kiểu Flashmob, tới nơi mới thấy người ngồi đông nghẹt, có lẽ đến năm hay sáu ngàn (6000) người. Khi Thầy giảng xong, sư cô Chân Không vừa cất tiếng hát thính chúng đột ngột đứng lên hết để chào Thầy ra về. Có một số người chạy theo xe Thầy trông rất quyến luyến đến thấy thương. Người Tây Ban Nha tình cảm quá chừng.
Đi Tây Ban Nha về có Đại giới đàn Cam Lộ Vị. Kỳ này làm với tính cách trong nhà nên ít chư tôn đức hơn các lần khác. Tôi sống lâu lên lão làng nên được đẩy lên hàng thập sư, thấy chỗ mình ngồi ngày càng gần với bàn thờ.
Tháng Sáu
Khóa tu hai mươi mốt ngày. Thầy vẫn giảng như bình thường. Sư em Chuẩn Nghiêm ở chung gia đình điều động thiền sinh giúp làm vườn rất giỏi dù sư em nhút nhát và chưa thạo tiếng Anh. Nhờ có sự phụ giúp của sư em, đêm nào cũng soi đèn đi bắt những con ốc sên tham ăn và cho phân đúng hạn nên những cây lan tươi tốt hẳn. Khoảng sân tí ti ở Sân Chim như một sân vườn nhỏ quê nhà với lan treo trên cao, lan bày dưới đất, hoa nở không nhiều nhưng hết cây này có nụ đến cây kia đơm bông. Những nhánh lan non nhiều loại tôi đem từ La Reunion về cũng bắt đầu ra rễ mới. Mỗi buổi sáng có chút giờ tưới lan, tôi thấy mình đang vui thú điền viên và hạnh phúc biết bao khi khám phá ra một chồi hoa núp dưới lá. Cây nào nở hoa, tôi lại đem vào phòng điện thoại cho mọi người ngắm. Hạnh phúc thật đơn giản bạn hiền ơi.
Tháng Bảy
Khóa tu mùa Hè. Năm nay khách đông quá. Xóm Mới nhỏ xíu mà gần 300 người, đi đâu cũng gặp người. Nhưng nhờ vậy có thiền sinh giúp làm vườn Bụt khá đẹp, khi được trải cỏ vào, nhìn đâu cũng ngát một màu xanh nên dù diện tích xóm Mới nhỏ nhưng cũng có không gian cho mọi người.
Sư em lo về hợp đồng sách của Thầy báo cho tôi hay sách Thầy đã được dịch ra tiếng Mông Cổ và họ mời Thầy sang giảng. Ôi, nhu yếu thì nhiều mà sức người có hạn. Trong mùa hè tôi còn phải gặp Tăng thân Nhật để bàn về việc tổ chức chuyến đi năm tới cho Sư Ông. Năm 2011 chuyến đi đã được chuẩn bị xong thì xảy ra vụ sóng thần nên phải hủy giờ chót. Thầy bảo tôi: “mình ‘nợ’ Nhật một chuyến đi” nên trì hoãn mãi tới bây giờ mới tổ chức lại được.
Tháng Tám
Mùa hè năm nay ngắn vì trời nóng có mấy ngày, còn lại thì mát và lạnh. Có một cây mận nở một chùm hoa trắng. Có một cây táo đang ra lá non (như vào xuân vậy). Và có những cây phong bắt đầu đỏ lá. Ngộ quá, trong khi sen vẫn còn đang nở cuối mùa.
Hết khóa tu mùa hè thì tới khóa tu ở EIAB (Đức) rồi khóa tu tiếng Ý. Năm nay Làng quyết định để Thầy được một năm “nghỉ ngơi” nên yêu cầu thiền sinh Ý về Làng tu học như khóa tu tiếng Pháp vậy. Không ngờ sức khỏe Thầy lại bị suy giảm sau chuyến đi EIAB, nên dù ở Làng mà Thầy ráng ra dạy được ba buổi, mỗi buổi pháp thoại chỉ có 45 phút.
Có tin mẹ thầy Pháp Ấn vừa mất. Thầy về nhà trước đó cả tháng để lo cho gia đình, cho bác gái nên bác trai vui lắm. Tôi nghĩ tới ba mẹ mình nên quyết định về nhà ở với gia đình cả tháng là quá đúng.
Sức khỏe Thầy ngày càng yếu. Ban thị giả túc trực 24/24. Nhưng Thầy không nghỉ ngơi được bao nhiêu. Những khi không ngủ được, Thầy gọi thị giả tới để tiếp tục sửa bài, làm sách. Ôi, Thầy của chúng con!
Tháng Chín
Tôi xin phép về nhà một tháng, thật sự có mặt cho gia đình. Một tháng qua nhanh. Tôi chỉ ở nhà, không thăm viếng liên lạc ai, chỉ dành trọn vẹn thời gian cho ba mẹ tôi. Mới có một năm mà về nhà nhận ra ba me tôi thật sự yếu đi nhiều. Biết làm sao hơn, chính tôi cũng thay đổi nhiều sau một năm kia mà.
Tháng Mười
Tôi trở về Làng được vài hôm thì Thầy vào bệnh viện. Ban thị giả đã năn nỉ quá chừng mà Thầy không chịu nên khi Thầy đồng ý vào bệnh viện là ai nấy … mừng quýnh. Tôi đi về mỗi ngày với sư cô Định Nghiêm và đem cơm cho ban thị giả. Có những ngày đẹp trời, ăn cơm trên những chiếc bàn dài ngoài sân cỏ như ăn picnic. Có những ngày mưa, mỗi người một tô cơm vào xe ngồi ăn. Tin tức về sức khỏe Thầy mỗi ngày lắm khi làm mọi người lên ruột. Thầy quyết định về nhà. Tin Thầy về làm ai cũng mừng. Các sư em xóm Mới cúng dường Thầy cả chục chậu hoa Cúc Đại Đóa, xếp dài dài ở cửa để Thầy ngắm. Thầy về, đi một vòng từ Phương Khê, mặt rất vui, còn dặn đem hoa vào cho mát.
Thầy thương mấy sư con, nên từ khi còn ở bệnh viện cứ nhắc hoài đến ngày Xuất sĩ. Thậm chí còn nói là thôi về một buổi cho ngày Xuất Sĩ rồi lên bệnh viện lại. Không biết từ đâu mà Thầy có ý đãi bắp nổ (popcorn) cho vui. Nên ngày xuất sĩ kỳ này được gọi là Popcorn day. Cũng khá lâu rồi đại chúng không được gặp Thầy nên ai cũng nôn nao. Tập tụng kinh một lát thì thầy Pháp Áo đẩy xe lăn đưa Thầy ra. Ai cũng xúc động. Thầy ốm yếu, xanh xao, tuy mệt nhưng vẫn tươi cười và có mặt cho các sư con một chút. Ban thị giả đã thực tập lâu nay cách nổ bắp nên những rổ bắp nổ dòn và ngon, so với những bao bắp rang mặn chát lúc đầu đem về xóm Mới nhờ tiêu thụ dùm thiệt khác rất xa.
Thầy dọn lên Cốc Ngồi Yên. Ban thị giả cũng dọn nhà lên theo. Các sư cô được chia cho cái cốc gần bên, còn các thầy thì về Tăng xá khi không đến phiên trực.
Có một ngày tôi nghe tin Thầy ngủ được tới ba tiếng, dậy làm việc với thầy Pháp Áo, xong 5 giờ sáng, Thầy rủ thị giả đẩy xe đi thăm từng phòng ở Tăng xá và ngồi chơi với quý thầy. Nghe kể thầy Pháp Hữu tưởng mình ngủ mơ khi nghe tiếng Thầy ở ngay kế bên giường, kêu thị giả dậy pha trà đãi khách. Hôm đó Thầy khỏe hơn, buổi trưa ăn được một muỗng cơm làm thị giả nấu ăn mừng quá sức vì lâu nay Thầy chỉ ăn cháo.
Tháng Mười Một
Đầu tháng, Thầy quyết định vào lại bệnh viện, nhưng lần này là bệnh viện lớn hơn. Nhờ bác sĩ Thái can thiệp nên được bệnh viện nhận vào và làm test liền. Mỗi ngày tôi và sư em Tùng Nghiêm lái xe từ Làng lên bệnh viện đem cơm cho ban thị giả. Ngày thứ hai đem cơm lên thì thị giả bảo Thầy kêu hai chị em vào gặp, vui ơi là vui. Cái phòng nhỏ xíu mà người thì đông, nào là thị giả, rồi Anh Hương và Đức mới từ Mỹ qua thăm, rồi thêm cả hai chị em không biết đứng đâu ngồi đâu, nhưng Thầy thì vui lắm, thần sắc rất tươi.
Ở bệnh viện này Thầy được chăm sóc kỹ lưỡng. Bác sĩ y tá đều dễ thương. Mỗi ngày Thầy ăn thêm được một chút, hy vọng với đà này thì có thể Thầy đi Vatican được. Ban thị giả không muốn ai vào thăm để Thầy được nghỉ ngơi và trị liệu. Nào ngờ ngày 11/11 Thầy bị xuất huyết não. Định Nghiêm gọi cho tôi khi Ban Giáo thọ xóm Mới đang họp. Tôi nghe tiếng Định Nghiêm nghẹn trong máy báo tin là bác sĩ nói Thầy có thể chỉ còn sống vài tiếng tới vài ngày, có thể sắp xếp cho đại chúng lên thăm lần cuối. Tim tôi thắt lại. Chuyện gì đã xảy ra khi mới hai hôm trước Thầy còn hào hứng bàn chuyện với hai thầy Pháp Ấn và Pháp Khâm? Tôi nhắn lại với các chị em giáo thọ lớn ở nhà, đi liền. Thầy nằm đó, thở đều, chìm sâu vào trạng thái vô thức. Ban thị giả, người đi thiền hành, người xoa bóp Thầy, ai nấy mắt đỏ hoe. Tôi cầm tay Thầy. Chỉ cần Thầy sống với chúng con thôi, còn sao cũng được. Lúc trước tôi hy vọng Thầy mau khỏi bệnh để đi thiền hành lại với chúng, bây giờ tôi tự hạ giá – nếu Thầy có phải ngồi xe lăn cũng không sao. Miễn là Thầy còn đó.
Lúc này bác sĩ Thái như một cứu tinh, bác sĩ nói là còn nhiều điều mình có thể làm được lắm chứ không phải là đã hết cách. Ban thị giả được khuyên tiếp tục bảo vệ cho Thầy, không cho thăm viếng. Tôi nhận lời làm thị giả cho sư cô Chân Không, ở chung với ban thị giả và bắt đầu cuộc sống ở bệnh viện.
Trong những ngày bệnh, Thầy duy trì hơi thở rất sâu, rất đầy. Có phải Thầy đã thực tập An Ban Thủ Ý đến mức độ dù đang mê man, tàng thức vẫn làm việc rất giỏi?
Ở nhà, đại chúng quyết định vẫn làm lễ Đối thú an cư đúng ngày và bắt đầu khóa An cư như thường lệ. Chúng con, tăng thân của Thầy, vẫn đi tới vì đó là mong ước của Thầy. Năng lượng tu tập rất dũng mãnh và hùng tráng vì ai cũng quay về với nội tâm, tu cho mình, tu cho Thầy, yểm trợ cho đại chúng. Các sư em khoe với tôi là sắp giận nhau thì chợt nhớ tới Thầy đang nằm bệnh viện là buông bỏ liền. Chư tôn đức các nơi xa xôi cũng bay về để giúp đỡ, huynh đệ xa chúng lâu nay cũng về để thăm Thầy, các xóm bận rộn tiếp đón, đến nỗi có em ví như là không khí Đại Giới Đàn.
Tháng Mười Hai
Những ngày đi Vatican tới rồi. Sư cô Chân Không không muốn đi, tôi cũng không muốn đi. Không ai muốn rời Thầy trong lúc này, nhưng Sư cô biết là phải thay Thầy để tiếp tục mọi chuyện vì đó mới là điều Thầy mong muốn. Lúc nào Thầy lại chẳng nhắc nhở đến sự tiếp nối?
Sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn và tôi rời Pháp khi tăng thân đã bay qua Ý được hai hôm. Đến Rome, chúng tôi được ở chung với tăng thân trong khách sạn Trianon Borgo Pio S.r.l theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Kỳ này đi theo Sư cô với vai trò thị giả, thời gian ở Ý lại ngắn, tôi không tháp tùng anh chị em đi sinh hoạt với tăng thân địa phương hay thăm các tiệm kem Ý nổi tiếng mà chỉ ở nhà giúp Sư cô chuẩn bị cho ngày gặp mặt Đức Giáo Hoàng.
Bù lại sáng đó, trong khi anh chị em đứng xếp hàng đưa hộ chiếu để lấy bảng tên ở trạm gác rồi mới được xe buýt chở vào địa phận Vatican thì tôi được ké Sư cô, ngồi trên chiếc xe của Vatican đón đi thẳng vào mà không phải trình hộ chiếu hay có ai hỏi han cả. Mỗi lần xe chạy ngang một trạm gác thì có một chú cận vệ giơ tay chào nữa mới oai chứ. Những chú cận vệ Thuỵ Sĩ canh gác Vatican rất trẻ, đồng phục truyền thống có màu sắc và kiểu dáng như trong truyện cổ tích. Nghe nói những người cận vệ này đều là người công giáo Thuỵ Sĩ và được huấn luyện để kiêm luôn làm cận vệ Đức Giáo Hoàng. Tôi đi Rome đã mấy lần, nhưng toàn là tới Vương cung thánh đường và quảng trường St. Peter thì hết, có bao giờ được bước chân vào bên trong Thành quốc Vatican đâu.
Xe chạy trên những con đường nhỏ lát gạch, bao quanh là công viên nên mình có cảm tưởng như đang đi trong một khu vườn lớn hơn là một thành phố. Ngày đầu là ngày tu tập nên đức Giáo Hoàng chưa có mặt, chỉ có Đức Giám Mục Sanchez điều động. Xong phần vấn đáp thì đã trễ giờ nhưng Giám Mục Sanchez vẫn muốn đi thiền hành nên tôi có cơ hội đặt chân trên những con đường của Vatican. Mỗi bước chân tôi đều nghĩ tới Thầy. Thầy đang đi với con, con đang đi cho Thầy. Thầy đang nằm trên giường bệnh nhưng Thầy cũng đang ở đây với chúng con. Đoàn người đi thảnh thơi và đầy chánh niệm. Vì toàn là đại diện các tôn giáo nên năng lượng chú tâm và có mặt rất lớn. Đang đi, tôi thấy có nhiều tòa nhà lân cận mở tung cửa sổ trên cao và lố nhố người nhìn xuống. Tôi mỉm cười. Chắc hẳn đây là lần đầu tiên họ thấy những tà áo nâu Phật giáo trong lãnh thổ Vatican.
Ngày thứ nhì là ngày ký bản Tuyên ngôn. Xe Vatican lại đến khách sạn đón chúng tôi. Lần này, cũng là tới tòa nhà đó, nhưng không biết vì lý do gì mà họ đi ngả khác dài và vòng vèo hơn, có lúc tôi ngạc nhiên khi thấy đường xe chạy ở ngay dưới những vòm cong của hành lang một tòa nhà. Xe dừng lại trước cửa, có thảm đỏ đón tiếp hẳn hoi. Các đại diện tôn giáo được mời ngồi chờ ở một phòng bên Hội trường. Sư cô nhỏ bé nhất trong nhóm người đó. Amma, đại diện cho đạo Hindu cũng không cao lắm nhưng tròn trịa hơn. Đó là hai đại diện nữ duy nhất trong hội nghị và được xếp ngồi hai bên Đức Giáo Hoàng.
Tôi được ngồi ở cuối hội trường nhưng vẫn theo dõi được mọi chuyện nhờ hai màn hình lớn hai phía. Sau phần phát biểu của một số người thì tới lúc ký tên. Một cuốn sổ lớn có viết sẵn bản Tuyên ngôn và một cây bút đen được ban tổ chức đem tới trước mặt Đức Giáo Hoàng. Ngài ký tên đầu tiên rồi cuốn sổ được đem qua cho người khác. Khi tới phiên Sư cô Chân Không, đã định trước nên thầy Pháp Ấn tiến lên với cái ấn có khắc pháp tự và chữ ký của Thầy; rồi hai đại diện của giáo đoàn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đã cùng chung tay đóng dấu ấn của Thầy vào cuốn sổ. Sau khi mọi người đã ký tên xong, ban tổ chức giơ cao cuốn sổ cho mọi người xem. Vô tình mà giữa những hàng chữ đen ký đầy trang, dấu ấn của Thầy nổi bật lên như một đóa hoa đỏ. Tôi nói thầm trong lòng: “Thầy ơi, Thầy đang có mặt tại đây với mọi người đó”.
Sau bữa ăn trưa được khoản đãi khá long trọng với mười mấy món chay, Sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn và tôi lên xe về liền để kịp ra phi trường, còn các anh chị em khác thì vẫn còn ở lại để đi thăm Vatican. Nghe kể là có một nhóm vào chơi một siêu thị dành riêng cho người tu, thấy giá cả quá rẻ vì không thuế nên ai cũng ôm một đống đồ để về làm quà. Nhà mình mà, đông em nên mua bao nhiêu cũng chẳng đủ. Đến chừng ra tính tiền mới biết là phải có thẻ. Còn đang lúng túng thì may quá, một bà xơ xếp hàng ở phía sau chen lên, giơ thẻ cho ông bán hàng xem và nói một hồi (mình đoán) như nhóm này là khách của Đức Giáo Hoàng đó. Ông bán hàng sau đó vui vẻ làm nhiệm vụ, còn nhà mình thì bị một phen hơi quê, vui vẻ cám ơn rối rít. Một nhóm khác đi viếng viện bảo tàng, gặp phái đoàn của Amma, được Amma hào phóng ôm thân ái vì thấy nhà mình toàn người tu trẻ. Amma, tiếng Hindi có nghĩa là Mẹ, được coi như một bậc thầy lớn của Ấn Độ giáo, nổi tiếng vì khả năng đem bình an đến cho mọi người qua vòng tay ôm đầy thương yêu của một bà mẹ.
Từ Vatican về vài ngày, tôi nghe nói Thầy bắt đầu mở mắt lâu hơn hai tiếng. Bác sĩ khen là triệu chứng tốt. Mỗi ngày Thầy đem đến thêm một ngạc nhiên với những dấu hiệu hồi sinh nho nhỏ. Tôi có cảm tưởng Thầy đã đi qua giai đoạn hiểm nghèo, giai đoạn đau tim mà có đêm cả ban thị giả túc trực ở hành lang bệnh viện vì lo lắng, ngủ ngang ngủ dọc như ở nhà thương Việt Nam. Hôm sư cô Chân Không vào khoe với Thầy là dù Thầy nằm trên giường bệnh nhưng Thầy vẫn sẽ sinh tới 42 đứa con như thường với sự giúp đỡ của hai bà mụ là sư thúc Chí Mãn và thầy Giác Viên, Thầy mỉm miệng cười. Nghe kể không ai tin, nhưng sau này Thầy cười nhiều hơn thì đúng vẫn nụ cười đó. Đầu tháng Một, Thầy sẽ được chuyển qua nhà thương khác để bắt đầu tập vật lý trị liệu. Đó là một tin vui và đó cũng là một bước tiến mới nữa trong giai đoạn hồi phục của Thầy.
Và bạn hiền ơi, trong khi tôi viết lại những dòng chữ này thì sức khỏe Thầy đang tiến triển từ từ, dù chậm. Thỉnh thoảng tôi bảo là tôi tin Thầy sẽ khỏi bệnh nhanh hơn mọi người đoán. Có người nhìn tôi nghi ngờ thì tôi chỉ cười toe toét: “Niềm tin không phải trả tiền, đã hy vọng thì tại sao lại không hy vọng cái tốt nhất!”. Và phép lạ, ai biết đâu được, vẫn xảy ra đó thôi.
Mùa đông rồi sẽ đi qua, phải không bạn hiền?
Thân quý!