Lời tri ân từ cộng đồng quốc tế

Phát biểu của đại diện phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam

Trong Lễ tưởng niệm Thiền sư Thích Nhất Hạnh

(Thành phố Huế, ngày 29 tháng 1 năm 2022)

 

 

Xin cảm ơn quý vị đã mời tôi đến đây và cho tôi niềm vinh dự cũng như đặc ân được chia sẻ đôi điều trong lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thay mặt cho Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam và người dân Hoa Kỳ, tôi xin được gửi lời chia buồn chân thành tới tăng thân Làng Mai và chùa Từ Hiếu, cũng như tất cả các đệ tử và tín đồ của Thiền sư trước sự ra đi của Người. Quả thực đây là một sự kiện đau buồn, nhưng đây cũng là một cơ hội cho tôi được vinh hạnh thay mặt chính phủ và người dân Hoa Kỳ bày tỏ lòng thành kính đối với Thiền sư.

Sự ra đi của Thiền sư sẽ khiến cho nhiều người trên khắp thế giới đau buồn thương tiếc, đặc biệt là ở Hoa Kỳ nơi suốt cuộc đời mình, Thiền sư đã ảnh hưởng sâu sắc và tác động đến cuộc sống của nhiều người thông qua những lời dạy của mình, cũng như nuôi dưỡng các mối liên hệ gắn kết với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong hơn sáu mươi năm qua. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gặp gỡ rất nhiều quan chức của chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc đời mình, bao gồm cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nay là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, và nhiều quan chức khác. Trong tất cả những cuộc gặp gỡ này, Thiền sư luôn là người ủng hộ can trường cho hòa bình và hoạt động bác ái. Thầy đã để lại một di sản mạnh mẽ và đáng kính về đấu tranh bất bao động và tôn giáo dấn thân ở Hoa Kỳ, bao gồm ba tu viện theo pháp môn Làng Mai ở New York, California, và Mississippi Hoa Kỳ. Thông điệp hòa bình của Thiền sư cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành cho hàng nghìn cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, những người phải chịu đựng chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và căng thẳng tinh thần. Thông điệp đó còn góp phần mang lại sự hòa giải giữa hai dân tộc, mà năm vừa qua đã đánh dấu 25 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Cuối cùng, Thầy là một trong những người đầu tiên đem pháp môn chánh niệm tặng cho người dân Hoa Kỳ. Giờ đây, sự thực tập chánh niệm đã trở nên phổ cập trong các lĩnh vực y tế, tâm lý học, giáo dục, và trong cuộc sống hàng ngày của hàng nghìn người dân trên đất nước chúng tôi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến nhiều nhất với sự đấu tranh không mệt mỏi cho tự do tôn giáo, nhân quyền, bất bạo động và thông điệp về chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù tầm ảnh hưởng của Người không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo, Thiền sư đã để lại một di sản với tư cách một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại. Thiền sư có lẽ sẽ được nhớ đến nhiều nhất như là ánh sáng soi đường trong các cuộc đối thoại liên tín ngưỡng, liên tôn giáo. Trong cuốn sách “Bụt trong ta, Chúa trong ta”, Thiền sư đã viết rằng “Khi sống sâu sắc và thực tập nhìn sâu, những người theo đạo Ki-tô giáo và những người theo Phật giáo sẽ không cho rằng những người theo các tôn giáo khác đang đi lầm đường. Trải nghiệm tôn giáo là một trải nghiệm nhân bản. Trải nghiệm này liên quan đến ý thức của con người, cả trên phương diện cá nhân hay tập thể”.  Thông qua những cuộc đối thoại và các mối quan hệ rộng mở của Thiền sư, mọi người từ tất cả các tôn giáo đã học hỏi rất nhiều từ nhau.

Lòng từ bi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với sự hòa hợp tôn giáo có thể thấy rõ nhất trong mối kết giao của Thiền sư với Mục sư Martin Luther King. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 1996, Thiền sư đã nhận thấy tính Bụt nơi con người của vị mục sư Tin Lành này. Người đã nói với Martin Luther King rằng ông là một vị Bồ Tát. Khi đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hoà bình, Mục sư Martin Luther King đã đáp lại vinh dự đó, và gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động”. Khi nhìn lại tổng thể cuộc đời và tầm ảnh hưởng của Thiền sư, tôi tin rằng còn có một danh hiệu khác để miêu tả Thiền sư, đó là “nhà tiên tri” (“prophet”). Theo kinh thánh, “nhà tiên tri” không phải là một người có thể dự đoán được tương lai, như người ta thường hiểu sai, mà là một người có thể giao tiếp với Đức Chúa trời, và sau đó có thể rao giảng những thông điệp của Đức Chúa trời cho những người khác. Những đấng tiên tri có tiếng nói quyền năng và rao truyền sự thật. Nhưng đôi khi, sự thật mà họ nói ra, dù cần thiết, lại không hề dễ chịu. Và dù Thiền sư nói lên sự thật, và nói với lòng từ bi tột cùng, lời nói của Người, cũng giống như những lời của người anh em Martin Luther King, không phải lúc nào cũng được đón nhận với tinh thần từ bi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh suy ngẫm và nhìn sâu vào những câu hỏi muôn đời đặt ra về cuộc sống, về sự hiện hữu và ý nghĩa của hiện hữu. Thiền sư khiến chúng ta cũng phải suy ngẫm về những câu hỏi này. Thiền sư mời gọi chúng ta nhìn sâu vào cách hành xử của người khác. Theo bước chân của Chúa Giê-su và Martin Luther King, Thiền sư nói “Để yêu thương kẻ thù của mình, chúng ta phải thực tập nhìn sâu để hiểu người đó. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có khả năng chấp nhận và yêu thương người đó. Ngay khi chúng ta chấp nhận và yêu thương, người đó sẽ không còn là kẻ thù của chúng ta nữa”.

Thế giới ngày nay của chúng ta ngập tràn thù hận. Sự nghi kỵ. Sự giận dữ. Sự cay độc. Sự chua cay tồn tại giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau, giữa những người không theo đạo và những người theo đạo, giữa những người có quan điểm chính trị khác nhau. Giữa những người có quốc tịch khác nhau, hay thậm chí giữa những người có quan điểm khác nhau về các sự kiện gần đây. Nhưng những đấng tiên tri như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy tất cả chúng ta – những cá nhân, tổ chức và các chính phủ – phải yêu thương lẫn nhau. Có lòng từ bi với kẻ thù của mình. Cố gắng hiểu họ. Và cuối cùng, là yêu thương họ. Điều này rất khó nghe đối với một số người. Và để thực hiện thì còn khó khăn hơn. Thay vì hiểu kẻ thù của mình, chúng ta thường sợ họ.

Tiếng nói tiên tri của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kêu gọi chúng ta hướng đến lòng từ bi, lòng khoan dung, sự thấu hiểu và chấp nhận những người mà chúng ta có sự bất đồng. Trong một buổi nói chuyện về sự sống sau cái chết, Thiền sư đã từng nói cuộc sống của chúng ta giống như những ngọn nến. Kể cả khi ngọn nến dần ngắn đi, chúng ta đang tỏa ra ánh sáng, hơi ấm và năng lượng. Ánh sáng, hơi ấm và năng lượng đó lan tỏa ra khắp thế giới, tác động đến cuộc sống của những người khác – bằng việc mang lại cho họ sự ấm áp và ánh sáng. Thiền sư đã nói rằng kể cả khi thân thể vật chất của chúng ta không còn, chân tâm của chúng ta đã được hiến tặng cho thế giới, và đó chính là sự tiếp nối của chúng ta. Năng lượng này cũng sẽ quay trở lại với chúng ta, đôi khi ngay lập tức, đôi khi rất lâu sau khi chúng ta đã rời xa. Đây không chỉ là ước muốn của tôi, lời cầu nguyện của tôi, mà còn là lòng tin vững chắc của tôi, rằng thông điệp về lòng từ bi, bất bạo động, tự do tôn giáo, nhân quyền và khả năng cùng chung sống trong hòa bình và tình yêu thương với những người xung quanh sẽ tiếp tục lan tỏa khắp thế giới và sẽ quay lại với chúng ta, và tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ tương lai. Xin cảm ơn.