Lời tri ân từ cộng đồng quốc tế

Điện thư từ Đức Pháp Vương thứ 17 dòng Gyalwa Karmapa Trinley Thaye Dorje

New Delhi, 22 tháng 01 năm 2022

Các Pháp hữu thân mến,

Một trong những người thầy Phật giáo tôn kính nhất của thời đại chúng ta, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vừa từ bỏ thân xác của Ngài.

Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn của mình đến những người đệ tử của Ngài ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới; nhưng đồng thời, tôi cũng muốn khuyến tấn tất cả chúng ta hãy cảm thấy hân hoan trước hành trạng siêu việt không gian và di sản siêu việt thời gian của Ngài.

Sự kiện Ngài giã từ cuộc đời này không có nghĩa là Ngài đã đi mất. Như tự thân Ngài đã tuyên bố: “Chỉ vì ngộ nhận mà chúng ta cho rằng người chúng ta yêu thương đã không còn hiện hữu sau khi họ ‘qua đời’. Đó là vì chúng ta bị kẹt vào các tướng, bị kẹt vào một trong những phần biểu hiện của người đó… Người thương của chúng ta vẫn còn đó, vẫn ở quanh chúng ta, ở trong chúng ta và đang mỉm cười với chúng ta.”

Dòng truyền thừa Karma Kagyu của chúng tôi đã có mối lương duyên tâm linh rất đặc biệt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vì chính nhờ lòng từ bi của Ngài mà ni chúng của chúng tôi từ Dhagno Kundrol Ling đã được thọ trì Cụ túc giới Tỳ kheo ni (Gelongma trong tiếng Tây Tạng) tại Làng Mai vào năm 1994.

Khi sự thực tập giới luật trở thành nền tảng cho mọi công đức và trí tuệ thì quả là không có món quà nào to lớn hơn đối với sự truyền thừa của Phật pháp.

Tôi cảm nhận được đóng góp quan trọng nhất của Ngài đối với thế giới này là sự thực tập tâm linh chân thành mà không có ranh giới và giới hạn.

Nền tâm linh không biên giới này không chỉ là những bài pháp đơn thuần, cũng không có nghĩa ta phải hòa quyện nhiều tôn giáo và truyền thống tâm linh khác nhau, để rồi tất cả đều đánh mất bản sắc của mình.

Thật ra, chính vì không tạo nên bất kỳ mâu thuẫn nào cho các tôn giáo và truyền thống tâm linh khác, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã không ngừng nỗ lực chỉ rõ, soi chiếu vào bản chất của mọi niềm tin và tín điều mà người khác đang gìn giữ; vì thế, tất cả đều cảm thấy được tôn trọng, được hiểu và chấp nhận nét đặc thù lẫn khác biệt trong truyền thống của họ. Chính sự tôn trọng và bao dung này, tinh thần “hãy là chính mình” này đã cho phép mọi người cùng đến với nhau và hiểu rằng, trong sự thật cứu cánh, chúng ta đều bình đẳng.

Bằng cái nhìn này, tất cả mâu thuẫn sẽ lắng xuống và được chuyển hóa, con người sẽ có cơ hội thấy được “chân lý”, với bất cứ tên gọi nào mà chúng ta muốn.

Tất cả sự đối thoại và cái thấy trên được giới Phật tử xem là Phật pháp.

Không có bất cứ điều gì chư vị Bồ tát không dấn thân và học hỏi để làm vơi đi khổ đau của người khác, như Ngũ Minh hay bất kỳ phương tiện xã hội nào, thậm chí là chính trị.

Đó là tất cả những gì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm. Phần còn lại tùy thuộc vào chúng ta.

(Ấn ký)

Thaye Dorje

Đức Pháp Vương thứ 17 dòng Gyalwa Karmapa