Tự nhiên
Sư cô Chân Bội Nghiêm
Khi gõ từ “tự nhiên” trên trang Google Image, chúng ta thấy những hình ảnh tuyệt đẹp từ thiên nhiên. Thiên nhiên tuy đôi lúc có xấu đi, thậm chí có lúc giận dữ, nhưng vẫn luôn có đức tính đẹp, đó là sự tự nhiên.
Trong bài hát Và tôi cũng yêu em, nhạc sĩ Đức Huy có câu:
“Tôi yêu những gì đến tự nhiên
Những câu nói thành thật
Và yêu ngày nắng.”
Sự tự nhiên có mặt không có nghĩa hiển nhiên là như thế. Sự tự nhiên cần thời gian, kiên nhẫn và những điều kiện thuận duyên khác để biểu hiện, cũng như bao “sự” khác trên thế giới. Tự nhiên không có nghĩa là sống cô lập hay không cần chăm sóc, không cần để ý đến. Trong sự tự nhiên vắng đi sự cố gắng hay cưỡng ép. Khi nhắc đến tự nhiên thì hầu như thiên nhiên là người bạn gần nhất, như hình với bóng. Mà thiên nhiên thì đâu cần phải cố gắng. Thiên nhiên rất chậm nhưng việc gì cũng xong (Nature is slow, but everything is accomplished). Cũng như thế, tự nhiên cần sự nâng niu, hiểu biết và nương tựa.
Lời nói thành thật hay ngày nắng hiện hữu vì trước đó đã đi qua những giai đoạn, những chặng đường và những khổ đau. Tôi cũng thích và quý những gì đến tự nhiên. Những lúc cầm máy chụp hình, tôi thường muốn chụp những khoảnh khắc người kia đang làm một hành động tự nhiên. Tôi luôn thích thú quan sát những em bé tập làm quen với bạn bè cùng trang lứa.
Thời đại này, ai cũng muốn dùng những thực phẩm tự nhiên và từ thiên nhiên. Không ai muốn đem vào trong mình nhiều hóa chất. Khi đi chợ, siêu thị để mua thức ăn hoặc đồ dùng trong nhà, chúng ta thường tìm những sản phẩm thiên nhiên (green, organic, natural) vì biết nó đem đến sự an toàn và không có sự tàn phá. Có những loại trái cây, rau củ quả nhìn bên ngoài rất lớn và xanh tươi nhưng nhiều chất hóa học đã được bơm vào. Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe của chúng ta sẽ bị suy giảm và sinh ra nhiều bệnh trong cơ thể.
Thức ăn tự nhiên đem lại nhiều lợi lạc, con người tự nhiên đem lợi lạc đến gấp bội phần. Khi ngồi bên cạnh một em bé, một bác sĩ, một giám đốc điều hành, một nông dân hay một cái cây, hãy dùng ánh mắt thiện cảm, thân thiện và đầy từ bi để người bạn “tự nhiên” xuất hiện. Tự nhiên không có nghĩa là tự tiện hay vô duyên. Trong tự nhiên có sự ý tứ, khiêm cung, quan tâm và tôn trọng từ con người đến cây cỏ. Tự nhiên đem con người lại gần với nhau, tự tiện sẽ làm ta xa nhau. Tôi nhớ vào tháng Hai năm 2020, tôi được sự cho phép và yểm trợ của quý sư cô tại tu viện Mộc Lan để đến San Francisco cùng với sư cô Học Nghiêm hướng dẫn thiền tập và chánh niệm cho những vị quản lý của công ty Salesforce. Chúng tôi được nghỉ ngơi hai ngày trước khi chương trình bắt đầu. Chẳng may sư cô Học Nghiêm không được khỏe nên tôi đi chia sẻ cũng như đi dùng tối một mình.
Những buổi dùng cơm tối, tôi ngồi cùng bàn với những vị khách mời đặc biệt của ông chủ Marc Benioff. Tôi nghĩ đến Sư Ông và để ý mỗi khi Sư Ông ngồi bên cạnh một ai, Sư Ông vẫn là Sư Ông, vẫn giữ sự chánh niệm, bình an và tràn đầy tình thương. Tôi tự nhủ mình cũng muốn được như Sư Ông. Tôi ngồi thẳng lưng, nhìn vào ánh mắt người kia mỗi khi nói chuyện hoặc khi lắng nghe vị ấy chia sẻ, và quan trọng là theo dõi hơi thở. Sự tự nhiên của ông Marc Benioff giúp tôi thoải mái hơn. Tôi xem ông như bao nhiêu thiền sinh khác tôi đã tiếp xúc, không để địa vị hoặc quyền lực của ông làm cản trở sự truyền thông và sự tự nhiên của tôi. Ngồi bên cạnh ông Marc, mỗi khi ông chuyền bánh mì thì tôi nhận một cách hoan hỷ, và tôi chuyển đến ông dĩa salad.
Trong sự tự nhiên vắng đi sự sợ hãi nhưng đầy sự tôn trọng. Những năm đầu khi mới vào tu, tôi có cơ hội được làm thị giả cho Sư Ông. Rất nhiều quý thầy, quý sư cô trẻ được trao cơ hội này. Tôi để ý những vị thị giả trước của Sư Ông và thấy rằng có những vị rất tự nhiên và thoải mái. Trong đời sống hàng ngày như thế nào thì khi làm thị giả vẫn như vậy. Tôi muốn được như thế và thường xuyên nhắc mình thực tập điều đó khi làm thị giả. Nhưng thực sự không phải dễ, và tôi thấy tôi làm chưa hay lắm. Đôi khi tôi lại hơi tự nhiên quá, nên có lúc ngồi nghe Sư Ông cho pháp thoại, tôi đã ngủ gục một cách rất “tự nhiên”. Rồi một ngày tôi tiễn Sư Ông lên xe để trở về Sơn Cốc, Sư Ông nhìn tôi và nói nhỏ nhẹ: “Bội Nghiêm, con nhớ đi ngủ cho sớm nhé”. Tuy Sư Ông nói rất tự nhiên nhưng trong tôi cảm nhận được một chút buồn từ Người vì sự “tự nhiên” của mình.
Chị Linh, cô giáo tiếng Việt của tôi, chia sẻ rằng: “Khi xem sư cô giới thiệu các thời khóa, các hoạt động trong khóa tu online dịp năm mới vừa rồi, con cảm thấy mình rất kết nối và gần gũi với sư cô”. Tôi ngạc nhiên khi nghe điều này nên hỏi lại: “Em có điều gì làm cho chị cảm nhận như thế?”. Chị trả lời: “Dạ, sư cô có sự tự nhiên”. Nhìn lại, tôi nghĩ mình không phải là người thông minh, trí nhớ cũng chưa tốt như mong muốn, nhưng chính nhờ tấm lòng và sự tự nhiên đã giúp tôi làm được những công việc người khác cho là khó.
Chắc ai cũng đã từng chiêm nghiệm rằng trong những mối “tình” mình có, sự tự nhiên đóng vai trò quan trọng như thế nào. Mối tình này gồm có tình gia đình, tình bạn, tình yêu đôi lứa, tình thầy trò, tình huynh đệ và tình thương với chính mình. Khi sự tự nhiên vắng mặt trong các mối “tình”, mình và những người đó cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi, trái tim đóng lại và sự truyền thông không còn. Thậm chí đôi lúc có ngày không nói với nhau, cũng không muốn nhìn thấy mặt (Sám nguyện – Nhật tụng Thiền môn). Tuy có cố gắng cách mấy để tự nhiên trở lại nhưng trên khuôn mặt vẫn sẽ lộ vẻ sượng sùng, như thức ăn chưa chín mà mình muốn dọn ra. Ăn vào rồi lại đầy bụng, khó tiêu. Sự tự nhiên của mình giúp những người ngồi bên cạnh cảm thấy dễ chịu, thoải mái, bình an, tươi mát và chắc chắn là tự nhiên nữa.
Tôi rất may mắn đã có những giây phút dễ chịu, ngồi bên cạnh những người rất tự nhiên như ba mẹ, anh chị, các cháu, quý sư anh, sư chị, sư em hay các bạn thiền sinh. Những giây phút như thế vẫn còn đọng lại trong trái tim của tôi. Từ đó, tình thương và sự truyền thông giữa tôi và những người thương mỗi ngày mỗi lớn mà không cần phải dùng một chất liệu “nhân tạo” nào.
Tôi cũng thấy mình may mắn khi có thể tự cho phép mình hãy là chính mình và tôi cũng rất biết ơn khi có những người bạn và những người thân cho phép tôi được là chính bản thân tôi. Những liên hệ đó rất vững bền, vắng đi những hiểu lầm. Tôi có thể chia sẻ những khó khăn hay những băn khoăn đang có trong lòng. Hoặc hỏi những câu hỏi tế nhị với mục đích muốn hiểu thêm về “con người” vì con người không đơn giản chút nào. Những lúc đó, tôi chia sẻ và ngồi lắng nghe với lòng biết ơn. Nhiều lúc chỉ ngồi bên cạnh nhau uống trà hoặc uống trà qua viber hay qua zoom, tôi thấy mình trân quý những người bạn tự nhiên của mình quá!
Nhưng không phải cái gì đến tự nhiên cũng tốt. Có những cái đến một cách tự nhiên nhưng nếu cứ tiếp tục thì sau một thời gian sẽ không mang lại lợi lạc cho mình. Như những khổ đau, vết thương trong quá khứ hay hiện tại đi lên trong tâm thức mình một cách tự nhiên, không cần mời mọc. Còn hạnh phúc thì sao? Hạnh phúc có đến một cách tự nhiên không? Hay mình phải tìm nhiều cách để nhắc nhở mình hạnh phúc.
Và phải chăng trong sự tự nhiên sẽ cần có việc “biết quên”?
Với sự hỗ trợ của công nghệ, có thể tự tin nói rằng, giờ đây con người nhớ được tất cả những gì cần nhớ. Chỉ cần một chiếc máy điện thoại kết nối mạng, ký ức của chúng ta có thể được lưu giữ, được khơi lại sống động bất cứ lúc nào. Quá khứ có thể trở thành hiện tại thậm chí ngoài tầm kiểm soát của chính chúng ta.
Nhưng liệu chúng ta đã nhận ra được tầm quan trọng của việc quên và biết quên?
Có người nghĩ rằng nhớ nhiều sẽ giúp mình có thêm trí thông minh và đi qua chướng ngại một cách dễ dàng. Điều đó có thể đúng với trường học, sở làm nhưng những lúc nói chuyện với người thân hay những giây phút đối diện với chính mình thì việc quên và biết quên không thiếu tầm quan trọng.
Nếu đứng trước một người quen, mình chỉ nhớ đến những câu nói đầy sân hận và thái độ thiếu thanh lịch của người đó thì mình có thể mất đi sự bình tĩnh và tình thương. Những gì đẹp nhất trong hiện tại ở xung quanh đều tan biến, trở thành vô vị, im lặng trong sự ồn ào của tâm ý. Mình có muốn điều đó trở nên tự nhiên không?
Có thể Trịnh Công Sơn đã quá mệt mỏi với những cái nhớ “tự nhiên” của ông nên ông đã viết câu: Biết quên nên đời bỗng nhiên biết cất tiếng hát. Biết thương, biết tôn trọng là việc phải làm, nhưng mình cũng cần biết quên. Quên đi những việc tốt mình đã làm để cho ước muốn được công nhận có thể tan biến. Quên đi những câu nói nặng lời bởi có thể chính người này sẽ giúp mình ra khỏi hiểm nguy trong tương lai, hoặc chính họ không cố ý làm mình đau lòng. Quên đi những gì đẹp của ngày hôm qua để biết rằng ngày hôm nay đẹp không kém. Càng quên thì mình lại càng biết. Đôi khi nhớ lại trở thành một chướng ngại vì mình cho rằng mọi thứ hẳn nhiên là thường, luôn luôn là như thế. Cuộc đời đẹp hơn khi con người biết quên đi những hận thù, trách móc, sợ hãi và âu lo.
Tự nhiên có thể như con dao hai lưỡi. Cái tự nhiên mình muốn vươn tới, nếm được, thẩm thấu được là cái tự nhiên không dẫn đến sầu đau, tức giận, ganh ghét, trách móc hay chỉ lợi cho mình mà hại người.
Những lúc mình làm một cử chỉ chứa đựng tình thương và tình người rồi có một ai đó khen ngợi cử chỉ ấy, mình hãy vui mừng, biết đó là bản chất của mình, một điều tự nhiên mà không cần sự cố gắng. Tâm hồn mình sẽ rộng mở để lắng nghe tiếng chim hót, tiếng thông reo. Cất giọng, và tình thương trong mình sẽ được hát ca.