Trái tim tương tức
Sư cô Chân Đức
Mùa an cư năm nay (17.9.2020-15.12.2020), đại chúng đã có cơ hội nhìn sâu vào chủ đề “không phân biệt” dưới góc nhìn tâm phân biệt biểu hiện nơi cá nhân mình và sự biểu hiện của nó trên thế giới. Đây cũng là một cơ hội để tìm cách làm lớn mạnh hạt giống không phân biệt trong mỗi người chúng ta. Chân Đức xin chia sẻ dưới đây một chút những gì mình đã học hỏi được.
Trong bài pháp thoại của thầy Pháp Lai, thầy có nhắc đến cuộc thí nghiệm do một cô giáo người Mỹ thực hiện trong lớp học với học sinh người da trắng thuộc các gia đình trung lưu. Cô giáo đã chia lớp học ra làm hai nhóm: nhóm thứ nhất gồm các em mắt xanh, và nhóm thứ hai gồm các em mắt nâu. Trước tiên cô bảo các học sinh mắt xanh rằng vì có mắt xanh nên các em thông minh, và bảo các em học sinh mắt nâu là vì mắt nâu nên các em không thông minh. Khi Chân Đức nghe nói về cuộc thí nghiệm này, Chân Đức nghĩ thầm: “Một nhà giáo sao lại có thể làm như vậy?”. Cô giáo cũng có nói rằng cô cảm thấy không thoải mái chút nào trong suốt cuộc thí nghiệm, nhưng cô nghĩ rằng nó rất đáng công để thử. Các em học sinh sẽ có thể học được một bài học thực tế từ đời sống thật.
Sau khi các em học sinh mắt xanh nghe nói tính thông minh có thể được căn cứ theo màu mắt,sự tự tin của các em gia tăng và các em học khá hẳn lên. Trong khi đó, các em học sinh mắt nâu mất hết tự tin và học kém đi. Ngày hôm sau, cô giáo lại nói với các em điều ngược lại làm sự tự tin của các em học sinh mắt nâu tăng lên, và các em mắt xanh thì mất hết tự tin. Cuối cùng, cô cho cả lớp biết đó chỉ là một cuộc thí nghiệm. Sau đó, cả lớp đều học khá hẳn lên vì các em đều nhận ra rằng khả năng học tốt là một khả năng bẩm sinh, có sẵn trong mỗi cá nhân. Một điều quan trọng khác nữa mà các em học được là không nên kỳ thị người khác vì vẻ ngoài của họ.
Cô giáo theo dõi học sinh trong lớp cho đến khi các em trưởng thành. Sau khi các em đã ra đời đi làm, các thành viên trong lớp vẫn tiếp tục gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm về sự thực tập không kỳ thị theo cách thức mà người da trắng tầng lớp trung lưu thường không làm.
Sau khi nghe chia sẻ về cuộc thí nghiệm này, Chân Đức có dịp nhìn vào tâm phân biệt của chính mình và tự hỏi: “Mình có đánh giá người khác dựa vào bề ngoài của họ không?”. Chân Đức bắt đầu thấy mình phân biệt như thế nào khi nhìn vào vẻ bề ngoài. Khi thấy một sư cô hay một thầy mà Chân Đức có ấn tượng tốt, trong lòng Chân Đức ghi nhận “mình thích người này”, trong trường hợp ngược lại thì “mình không thích người này”. Chân Đức không thấy người ấy trong hiện tại như chính họ. Đây là một tập khí sâu dày mà Chân Đức có thể sửa đổi bằng cách dùng chánh niệm quán chiếu về cảm thọ và tri giác. Trong những buổi pháp đàm sau bài pháp thoại của thầy Pháp Lai, quý thầy, quý sư cô và nhiều vị thiền sinh đến từ các quốc gia khác nhau đã chia sẻ về tâm phân biệt biểu hiện dưới kinh nghiệm cá nhân của họ về vấn đề phân biệt chủng tộc. Thí dụ như ở Việt Nam, người miền Nam phân biệt người miền Bắc; tại Guatemala, người gốc Latinh phân biệt người bản địa.
Trong một đoạn video ngắn do thầy Pháp Linh chia sẻ, chúng ta nhận thấy trẻ con có thể kỳ thị chính mình dựa trên vẻ bề ngoài. Mộtembédamàucóthểnóirằngconbúpbê da màu là không đẹp, con búp bê da trắng mới đẹp. Người ta có thể mất tự tin vì những thông điệp nhận được từ xung quanh. Một sư cô sang Úc tị nạn nói với Chân Đức rằng trở ngại lớn nhất của sư cô là mặc cảm sâu dày mình là một người tị nạn. Sư cô đã nhận ra việc chuyển hóa mặc cảm tự ti ấy có ý nghĩa đến mức nào. Chân Đức cũng nhận ra rằng việc làm người khác tự tin hơn quan trọng đến thế nào. Có những người vì vẻ bên ngoài hay vị trí xã hội (thí dụ người tị nạn) bằng cách này hay cách khác đã nhận được thông điệp rằng họ là thấp kém. Họ đã nhận thông điệp ấy từ khi còn thơ ấu, hay có khi trước đó nữa, do tổ tiên trao truyền lại. Bởi vì tổ tiên của họ có thể cũng đã nhận cùng một thông điệp ấy.
Thầy Pháp Linh cũng chia sẻ một đoạn video với một thí nghiệm khác được tiến hành ở Ba Lan. Ở đó, người tị nạn từ Trung Đông, Syria được sắp xếp thành cặp với người Ba Lan. Một người Ba Lan bản xứ ngồi đối diện với một người tị nạn, và họ chỉ ngồi nhìn vào mắt nhau, không nói năng hoặc suy nghĩ gì cả. Đã có một sự cảm thông vượt thoát ngôn từ được thiết lập giữa hai người, một sự thấu hiểu lẫn nhau vượt lên trên giới hạn của kiến thức và tâm phân biệt. Chúng ta học từ Bồ tát Quán Thế Âm cách nhìn bằng con mắt từ bi, và đây là khả năng mà tất cả loài người chúng ta đều có sẵn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tập luyện qua những tương tác hàng ngày, để có thể nhận ra khi nào chúng ta đang không nhìn bằng mắt thương.
Chân Đức cũng có dịp lắng nghe vài cô thiền sinh da đen, thành viên của tăng thân, qua Zoom. Nhóm có bốn người, hai người da trắng và hai người Mỹ da đen. Sau một lần họp mặt, Chân Đức mời một thầy người Tây phương hướng dẫn lần gặp kế tiếp vì nghĩ rằng thầy làm khá tốt. Thầy ấy từ chối và bảo rằng tại sao chúng ta không mời một người khác? Vì thế Chân Đức đã mời một cô người da đen và thấy cô đã hạnh phúc như thế nào khi được mời làm chủ tọa buổi lắng nghe sâu sau đó.
Năm 2016, khi Chân Đức đến Hội Chủng viện Thần học ở New York đại diện Sư Ông nhận Huân chương Liên hiệp, tại đó có lễ khánh thành một phân khoa mới với ba giảng viên là người da đen. Chúng tôi được cho biết là Hội dự định sẽ có 50% người da màu trong phân khoa. Ở đây, người ta muốn gửi đi một thông điệp mới thay thế cho thông điệp cũ mà mọi người đã tiếp nhận từ lâu nay là một người da đen không học giỏi bằng một người da trắng. Chúng ta có thể cho rằng hướng đi này là phù hợp với đạo đức. Nó không phải là việc sửa sai quá khứ mà hơn thế nữa, nó cung cấp cho xã hội một cái nhìn mới.
Một số thành viên tăng thân người da đen và da màu đặt câu hỏi là tăng thân của chúng ta góp phần như thế nào trong thông điệp này? Ai trong chúng ta cũng muốn đem giáo pháp chia sẻ cho đồng bào của mình. Các thầy, các sư cô người Việt muốn đem pháp môn Làng Mai về chia sẻ ở Việt Nam; các thầy, các sư cô người Trung hoa muốn đem pháp môn Làng Mai về Trung quốc, vậy thì lẽ đương nhiên người Mỹ da đen cũng muốn chia sẻ pháp môn với đồng bào người Mỹ da đen của họ. Ở Baltimore, tăng thân người da màu đã sở hữu được một nhà thờ cũ, đủ rộng rãi cho vài trăm người, biến nó thành một nơi mà người da đen và người da màu có thể đến với nhau như một tăng thân, cùng chia sẻ và tham gia các sinh hoạt văn hóa. Họ nói rằng các pháp môn cần được chia sẻ trong một bối cảnh hoàn toàn không mang tính tôn giáo.
Ngôn ngữ sử dụng để chia sẻ giáo pháp phải phù hợp với người tiếp nhận. Do đó, khi giới thiệu sự thực tập cho người da màu, tiếng Mỹ được sử dụng có thể sẽ rất khác với tiếng Mỹ dùng giới thiệu pháp môn cho người da trắng, là nhóm của đa số. Người sử dụng ngôn ngữ phù hợp nhất cho người da màu chính là người da màu. Giáo pháp luôn luôn nhu nhuyến như thế. Cũng như ở Việt Nam, giáo pháp đã tiếp thu các yếu tố của văn hóa Việt thời trước đạo Bụt, như bàn thờ Tổ tiên chẳng hạn. Ở Tây Tạng và Nhật, đạo Bụt cũng tiếp thu văn hóa của các nước này. Ở Tây phương đạo Bụt cũng cần phải như vậy. Có nghĩa là người Mỹ da đen, người Mỹ bản xứ… cần một đạo Bụt thấm nhuần văn hóa Mỹ. Bạn có thể thắc mắc là: chúng ta không thể chỉ có một đạo Bụt Bắc Mỹ duy nhất cho tất cả mọi người tới từ bất cứ nguồn gốc nào hay sao? Không ai muốn có sự chia rẽ, càng có nhiều điểm chung càng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn cần chăm sóc những nhu cầu riêng của mình. Nhưng nếu thực sự muốn làm lớn lên tâm không phân biệt của mình, chúng ta cần chăm sóc những nhu cầu riêng này trong tinh thần tương tức “hạnh phúc của bạn là hạnh phúc của tôi, và khổ đau của bạn cũng là khổ đau của chính tôi”.
Chúng ta công nhận nhu cầu của người Mỹ da đen trong việc phát triển một ngôn ngữ mà họ thấy phù hợp cho chính đồng bào của họ. Thế nhưng sau cùng, chúng ta cũng vẫn cần đến với nhau. Thí dụ như trường hợp những khóa tu cho nhiều lứa tuổi đã được tổ chức. Chúng ta cần phong trào Wake Up của người trẻ bởi vì những người trẻ có những nhu cầu riêng biệt, nhưng điều đó không ngăn ta tổ chức các khóa tu cho mọi lứa tuổi để tất cả mọi người có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm và sự thực tập với nhau. Ai thực tập niệm, định, tuệ cũng sẽ có sự giác ngộ. Sự giác ngộ ấy vượt thoát màu da, chủng tộc và, một cách rất tự nhiên, sẽ mang mọi người đến với nhau.
Trong bài pháp thoại về lập trường đạo đức kiên định (moral courage), sư cô Lăng Nghiêm chia sẻ về khuynh hướng thủ thế tiềm ẩn trong ta, về bản năng bảo tồn bản sắc nằm sâu trong mỗi chúng ta. Thật khó để chúng ta đôi khi nhìn sự vật bằng cặp mắt của người khác nếu như ta không có tuệ giác tương tức. Lập trường đạo đức kiên định là khả năng buông bỏ tự tánh riêng biệt của ta. Sư cô Giác Nghiêm cũng nói về ao ước nguyên thủy và cái sợ nguyên thủy làm ta không có khả năng hiểu và chấp nhận người khác.
Sư cô Thuận Nghiêm nói về việc ta sinh ra trong những đặc quyền hoặc trong sự thua thiệt như thế nào. Tương lai của một em bé sơ sinh da trắng trên phương diện giáo dục, vị trí xã hội, chămsócytếhơnhẳnsovớinhữnggìmàmột em bé sơ sinh da đen sinh ra trong cùng một thời điểm tại nước Mỹ nhận được.
Trong khóa an cư năm nay, Chân Đức có ý thức hơn về những khổ đau do sự phân biệt chủng tộc gây ra trong thời đại của chúng ta. Chân Đức bắt đầu thấy, trong tư cách là một người thực tập, mình có thể làm gì để gửi một thông điệp khác ra thế giới. Chân Đức có thể có chánh niệm hơn về tâm phân biệt của mình. Đôi khi sự phân biệt cần thiết và hữu ích, nhưng có lúc nó lại dẫn đến những tri giác sai lầm và khổ đau. Trong một buổi vấn đáp, thầy Pháp Biểu có nói rằng ngôn ngữ tự nó đã có tính phân biệt. Vì vậy khi sử dụng ngôn ngữ để phân biệt ta nên để ý một chút. Thí dụ như khi nói: “Các sư cô là như thế này…” hay “Các thầy là như thế kia…”, có thể sẽ có một ít sự thật trong câu nói mang tính khái quát hóa đó. Nhưng chúng ta đừng nên bị kẹt và nên biết là ta đang nói một câu có tính cách phân biệt. Ta cũng hay nói những câu như “các thầy, các sư cô người Việt” trong nghĩa đối đãi với “các thầy, các sư cô người Tây phương”. Có khi nói như vậy cũng có vẻ thích hợp, nhưng điều quan trọng là khi sự phân biệt ấy đi lên trong tâm thì ta phải tự hỏi chính mình về giá trị của nó và biết rằng ta đang khái quát hóa một điều chưa chắc đã 100% chính xác.
Trong khóa an cư này, Chân Đức cùng một thầy nữa có cơ hội thực tập lắng nghe sâu với một vài thành viên người da đen trong tăng thân. Lắng nghe sâu là một trong những pháp môn quý báu nhất mà Sư Ông đã trao truyền cho chúng ta. Và thật may mắn, trước khi đại dịch Covid xảy ra chúng ta đã có phương tiện truyền thông trực tuyến để có thể chia sẻ và lắng nghe nhau mà không cần phải di chuyển. Việc lắng nghe sâu là một yếu tố căn bản trong công tác xây dựng tăng thân. Nó cũng là bước thứ nhất và quan trọng nhất trong sự thực tập bao dung. Ta có thể hỏi người kia: “Bạn có thể nói cho tôi nghe tôi đã hành xử như thế nào làm cho bạn khổ?”. Chỉ cần lắng nghe sâu thôi chúng ta đã có thể biết mình cần phải làm gì cho tình trạng khá hơn. Chúng ta có thời gian. Nếu ta cần có ba buổi lắng nghe sâu thì ta không nên cố gắng dồn tất cả vào một buổi.
Loài người chúng ta có vẻ dẫn đầu tất cả các loài trong vấn đề kỳ thị. Việc ông George Floyd bị sát hại là một tiếng chuông cảnh tỉnh cả thế giới về thực trạng này. Chỉ có một con đường duy nhất để đi tới mà thôi: ta phải có một tâm thức và trái tim tương tức. Thực tập chánh niệm, nói năng nhẹ nhàng, nhìn và lắng nghe sâu như một tăng thân sẽ giúp chúng ta đạt tới vô phân biệt trí.
Chùa Cam Lộ, xóm Hạ, ngày 20.12.2020