Pháp thoại theo chủ đề

Ước mơ của Thầy là gì?

Trích pháp thoại ngày 19 tháng 02 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012.

Rong chơi trong hạnh phúc

Ngày hôm kia, các sư cô xóm Hạ lên đây làm việc và thấy các thầy, các sư chú chơi bóng chuyền trong tình huynh đệ rất vui. Chơi thể thao là một phương pháp để xây dựng tình huynh đệ. Chúng ta chơi không phải để ăn thua nhau như ở ngoài đời. Ở Hy Lạp, trong một cuộc đấu người ta đã nổi giận và đánh lộn với nhau, có 74 người chết và 1000 người bị thương. Chơi như vậy thì đầy sự tranh chấp và hận thù, trong khi đó thì các thầy và các sư chú chơi với nhau rất vui. Không những mình vui trong khi chơi mà đi ngồi thiền với nhau mình cũng rất vui. Ngồi chung với nhau trong thiền đường là một chuyện rất hy hữu và rất đẹp, mình thấy mình có mặt cho nhau. Đi nghe pháp thoại với nhau cũng rất vui, mình tới để nghe thầy trao truyền giáo lý của Bụt. Khi nghe tiếng chuông mình họp nhau lại cũng rất vui, vì vậy sự tu tập đem lại cho mình niềm vui trong từng giây phút của sự thực tập.

Nếu trong khi ngồi thiền, đi thiền, trong khi ăn cơm im lặng hay tham dự pháp đàm mà mình cảm thấy mỏi mệt, không có hạnh phúc là mình không thấy được giá trị của sự thực tập. Sự thực tập luôn luôn đem lại niềm vui và hạnh phúc. Khi đi thiền hành mỗi bước chân phải đem lại cho mình niềm vui, hạnh phúc và sự buông thư. Trong chúng ta có người có thể đi được như vậy. Mỗi bước chân là một niềm vui, là hạnh phúc, là sự buông bỏ. Mỗi bước chân là sự ăn mừng sự sống. Nếu ngồi thiền hay đi thiền mà mình đau khổ, mình bị áp lực hay bị bắt buộc thì mình sẽ không thành công. Đây không phải là chuyện mơ tưởng mà là chuyện mình thực hiện mỗi ngày. Trong khi tu tập mình xây dựng được tình huynh đệ thì tình huynh đệ đó có khả năng nuôi dưỡng mình.

Tới với Làng Mai, với tăng thân không phải là bị đi đày mà là mình được tới một núi châu báu, nếu có túi thì mình sẽ lượm châu báu chất đầy cả túi. Hơn nữa, mình không cần phải lượm làm gì, tại vì châu báu chỗ nào cũng có. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi nụ cười đều là hạnh phúc. Mình tới ngọn núi đó để rong chơi hạnh phúc chứ không phải để khổ đau. Tới Làng Mai là để được thừa hưởng  điều đó. Mỗi giây phút ở trong đại chúng là một niềm hạnh phúc. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân phải trở thành một viên ngọc trong trái tim của mình. Từ cư xá tới thiền đường có tới mấy trăm bước, mỗi bước là một viên ngọc, mình đi làm sao để thấy hạnh phúc trong từng bước chân, đó gọi là công phu.

Hạ thủ công phu: Linh đan đổi cốt mới ra về

Người Tây phương hiểu chữ công phu là martial art (võ thuật), thực ra chữ công phu có nghĩa là sự thực tập hằng ngày. Một ngày hai lần thực tập chung gọi là nhị thời công phu.

Đi học trường dược, trường y hay trường kỹ sư mình cũng phải công phu mới thành công. Tu cũng phải có công phu nhưng mình không bắt buộc phải tới lớp học hay tới phòng thí nghiệm. Giáo lý của đạo Bụt rất mầu nhiệm. Khi mình áp dụng được là mình đỡ khổ và có hạnh phúc liền lập tức. Với mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi giờ ngồi thiền mình đều có thể có hạnh phúc. Nếu chưa có hạnh phúc trong khi ngồi thiền, đi thiền hành hay nghe pháp thoại là  vì mình chưa biết cách ngồi thiền, chưa biết cách đi thiền hành, chưa biết cách nghe pháp thoại, mình chưa biết thế nào là công phu. Những buổi công phu nuôi dưỡng mình rất nhiều.

Ngày xưa, có một thầy là thiền sư Chân Không thuộc phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ngài tu tập ở núi Từ Sơn. Có một lần một đệ tử hỏi ngài:

–  Tu là gì?

Ngài trả lời bằng hai câu rất dễ thương:

Đến được động tiên sâu thẳm ấy

Linh đan đổi cốt mới ra về

Có nghĩa là khi tới được chỗ của chư tiên tức là tới được xứ của những người bất tử thì mình phải học cho được phép tu tiên để trở thành bất tử như các vị đó. Chư tiên có phép tu chế tạo ra được những viên thuốc tiên, họ sử dụng thuốc tiên đó và từ từ họ thay đổi con người của họ, gọi là hoán cốt. Hoán cốt là đổi xương. Xương của mình là xương người phàm tục cho nên thế nào mình cũng phải chết (mortal), còn tiên là bất tử (immortal). Mình nhất định không ra về, sư anh có đuổi thì đuổi, mình vẫn ở lại như thường. Mình hết lòng tu tập thì làm sao sư anh đuổi, làm sao sư chị không cho mình ở? Chỉ khi nào mình không biết trân quý sự thực tập thì người ta mới không cần mình. Mình tới và đem hết tấm lòng để tu tập thì người ta còn cầu mình ở lại thêm. Mình ở lại để hạ thủ công phu, để đổi xương của mình từ xương của người phàm tục thành xương của các vị bất tử. Đến được động tiên sâu thẳm ấy là chuyện rất khó. Nhờ duyên kiếp từ lâu đời nên hôm nay mình mới tới được đây thì mình dại gì mà bỏ đi. Mình phải quyết ở lại và luyện tập để đổi bộ xương của kẻ phàm phu tục tử thành bộ xương của các vị tiên bất tử. Linh đan đổi cốt mới ra về.

Thiền sư Chân Không sống vào khoảng thế kỷ thứ 11, Ngài tịch năm 1100, tức vào đầu thế kỷ thứ 12. Làng Mai chúng ta nghĩ khác hơn, đổi cốt rồi thì mình ở lại luôn để tổ chức độ đời. Nhiệm vụ của mình là được ở chung với nhau ba tháng, hoặc ba năm, hoặc năm năm, hoặc mười năm, hoặc suốt đời. Mỗi ngày tu tập là chế tác được hạnh phúc, niềm vui. Trong con người của mình có nỗi khổ, niềm đau, nhưng khi mình chế tác được niềm vui thì những nỗi khổ, niềm đau kia sẽ từ từ mòn đi.

Ngủ đi nỗi khổ, niềm đau

Chúng ta có hai cách để trị liệu nỗi khổ, niềm đau:

Cách thế gian thường dùng là lôi nỗi khổ niềm đau đó lên để chữa trị. Nỗi khổ, niềm đau có thể nằm trong chiều sâu tâm thức và nó âm thầm điều khiển mình. Mình nghĩ, nói và làm theo chiều hướng của nó. Vì vậy cho nên phương pháp chữa trị là thò tay sâu xuống, nắm cổ nó lên, nhìn vào mặt nó và nói: “Mi là nỗi khổ niềm đau của ta. Ta phải lấy mi ra khỏi ta. Ta phải mửa mi ra thì ta mới khỏe được”. Nỗi khổ, niềm đau là kẻ thù của mình, là một chai chứa đựng những độc tố, mình phải mửa nó ra ngoài thì mới khỏe được, giống như mình có một ung nhọt và mình phải lấy kéo cắt bỏ nó đi. Phương pháp trị liệu ngoài đời là như vậy, là một loại phẫu thuật.

Ngày xưa tôi đã từng đi qua giai đoạn này. Từ lúc bị lưu đày khi đi kêu gọi hòa bình, tôi có rất nhiều nỗi nhớ, niềm thương: nhớ nhà, nhớ chùa, nhớ tăng thân. Tất cả những người mình thương, tất cả những công việc của mình đều ở bên đó. Sang bên này không có gì quen thuộc, cây cối cũng khác, chim chóc cũng khác, thức ăn cũng khác, tiếng nói cũng khác, không có gì giống như bên nhà. Nỗi xót xa phải xa quê hương, bạn bè, xa những người thương. Nhưng mình phải chấp nhận điều đó, và tôi bắt đầu phương pháp thực tập làm quen với những cái bên này như thực tập chơi với con nít người Pháp, con nít người Đức, con nít người Anh; thực tập chơi với mấy ông mục sư, mấy ông linh mục, thực tập chơi, đọc thơ với các sinh viên và tìm niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Mình không biết là mình bị lưu đày bao nhiêu năm, sự thật là tôi đã bị lưu đày tới 40 năm. Nếu cứ chờ đợi thì 40 năm là quá dài, vì vậy sự thực tập của tôi là làm quen với giây phút hiện tại và ở đây, và tìm niềm vui trong những công việc đó. Tôi từ từ làm việc với giới trẻ, giới tôn giáo, giới nhân bản, chơi với con nít ở đây và thành lập tăng thân bên này.

Trong những năm đầu, nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình trở về quê hương, điển hình nhất là giấc mơ thấy mình trở về một ngọn đồi rất đẹp và bắt đầu leo lên ngọn đồi đó với hy vọng là lên tới đó mình sẽ bắt gặp tất cả những gì mình thương yêu, mình trông chờ, mong ước. Giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, mỗi lần cứ leo được tới nửa chừng đồi thì tôi lại thức dậy. Giấc mơ đó cứ trở đi trở lại tại vì lòng ước mong trở về quê để gặp lại những người mình thương, lòng mong muốn được sống lại trong hoàn cảnh thân thuộc, thương yêu ngày xưa. Tôi nằm mơ thấy trở về chùa Tổ rất nhiều lần, lần nào cũng có Sư Ông ngồi đó để chờ mình. Đã tu, đã xuất gia rồi mà sự nhớ thương còn nhiều như vậy. Nhưng với sự thực tập thì từ từ những giấc mơ đó ít lại và cuối cùng thì nó biến mất, tại vì mình đã chấp nhận hành tinh này là quê hương của mình thì chỗ nào cũng là quê hương của mình. Tôi đã được chữa trị. Điều này chứng tỏ rằng muốn chữa trị không hẳn là phải lôi niềm đau nỗi khổ đó ra để quán chiếu hay cắt nó vứt ra ngoài. Mình có thể ru cho nó ngủ, mỗi khi nó phát hiện thì mình nhận diện và mỉm cười rồi mình trở lại với sự thực tập hiện pháp lạc trú của mình.

Trong các vị, nếu có những chuyên gia tâm lý trị liệu thì hãy suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta có thể có nhiều cách trị liệu. Công phu là gì? Công phu là phương pháp thứ hai. Mình ngồi thiền làm sao mà mỗi giây phút ngồi thiền mình đều có được niềm vui. Trên đời này có bao nhiêu người được ngồi yên mỗi ngày ít nhất là hai lần, có bao nhiêu người được đi thiền hành mỗi ngày chung với đại chúng và được khuyến khích nên bước đi trong chánh niệm và dẫm vào Tịnh độ? Đây là một khung cảnh quá lý tưởng. Người ta đã không cấm mà còn khuyến khích mình ngồi cho có hạnh phúc, đi cho có hạnh phúc, ăn cơm cho có hạnh phúc. Sáng nay ăn cơm với hai thầy thị giả tôi thấy rất rõ mỗi miếng là một huyền thoại, dù thức ăn không có gì sang trọng. Tùy theo cách của mình, mỗi giây phút của đời sống là một giây phút mình ăn mừng sự sống, mình thấy nhiệm mầu của sự sống. Đó là công phu. Nếu mình cảm thấy bị áp lực đi ngồi thiền, đi thiền hành, đi nghe pháp thoại thì đó là một bi kịch.

Nếu thầy trò mình được quy tụ 300 người và tu chung trong ba tháng thì đó là một hạnh phúc rất lớn. Nhờ Đức Thế Tôn, nhờ truyền thống và những điều kiện thuận lợi nên mình mới làm được điều này. Có mấy người có được cơ hội này mà mình lại không biết trân quý thì rất uổng. Biết đâu sang năm mình không làm được nữa, vì vậy mình phải lợi dụng hết những điều kiện để sang năm, mình có thể quy tụ về dưới một mái nhà tu tập trong ba tháng, tại vì mình làm hạnh phúc cho mình và làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người khác.

Thầy ơi, Thầy còn mơ ước gì không?

Ngày xưa, cách đây độ 10, 15 năm, có một cô thiền sinh hỏi tôi một câu:

–  Thầy ơi, thầy đã lớn tuổi rồi, thầy đã gần 80 tuổi rồi, thầy còn có mơ ước gì không trước khi thầy tịch?

Tôi trả lời:

–  Tôi nghĩ là tôi không còn ước mơ gì nữa.

Có người nói trong đời của một con người thì mình phải có ước mơ nào đó. Nghe câu hỏi đó tôi tìm xem thì thấy mình không có ước mơ nào cả, hay nói một cách khác là cái mình ước mơ đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Hồi còn là vị xuất gia trẻ, tôi có một ước mơ làm sao xây dựng được một đoàn thể tu học trong đó có tình huynh đệ, những người trong đó biết thương nhau, làm việc với nhau và chế tác niềm vui trong sự tu học. Tôi mang hoài bão đó rất lâu. Đến năm 1954, tức là vào khoảng giữa thế kỷ 20 thì tôi có cơ hội làm chuyện đó.

Hồi đó đất nước bị chia đôi, một nửa là cộng sản, một nửa là quốc gia và có một sự khủng hoảng tâm lý trong nước, nhất là trong giới trẻ. Người trẻ không biết là mình sẽ đi về đâu? Đất nước bị chia làm hai, một bên có khuynh hướng theo chủ nghĩa cộng sản vô thần, không tin vào tôn giáo; một bên có khuynh hướng hữu thần, tư bản, dựa vào Tây phương, nhất là dựa vào nước Mỹ. Việt Nam trở thành hình ảnh của sự đối lập trên thế giới, hai phe chống đối nhau: một phe yểm trợ chủ nghĩa cộng sản trong đó có Nga và Trung Quốc, một phe yểm trợ chế độ tư bản trong đó có Mỹ và các nước Tây phương.

Người trẻ không biết mình nên đi hướng nào, tại vì ít nhất mình phải có một hướng đi. Suốt trong cuộc chiến ở Việt Nam đã xảy ra chuyện khổ đau, dân Việt Nam đã chết vào khoảng 6 triệu người. Đó là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, người trong một nước đã sử dụng ý thức hệ từ bên ngoài đưa vào, ý thức hệ cộng sản và ý thức hệ tư bản, một bên là chủ thuyết Marx-Lenin và một bên là chủ nghĩa nhân vị do những người thiên chúa giáo chủ trương. Không những người Việt bị bắt buộc phải sử dụng những ý thức hệ mà còn phải sử dụng vũ khí của người ngoại quốc để chống đối nhau. Vũ khí miền Bắc sử dụng được nhập từ Trung Quốc và Nga, còn vũ khí miền Nam sử dụng được nhập từ các nước Tây phương, nhất là từ Mỹ. Những người trẻ Việt Nam phải sử dụng những ý thức hệ ngoại quốc và những vũ khí ngoại quốc để giết nhau. Đó là một bi kịch rất lớn. Dân tộc này có một đường hướng nào khác hơn là đường hướng đó hay không? Tại sao lại phải chấp nhận một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, lấy ý thức hệ và súng ống của ngoại bang để giết nhau. Có những người trẻ thấy được điều vô lý đó, trong đó có tôi, năm 1950 tôi còn trẻ lắm. Mình nghĩ tới con đường thứ ba, con đường thoát khỏi sự tranh chấp đó, mình phải có một hướng đi và hướng đi đó mình phải tìm trong đạo Bụt tại vì đạo Bụt không chấp nhận chiến tranh.

Tôi nhớ hồi đó tâm tư của người Việt rất hoang mang, giới trẻ cũng rất hoang mang. Gần một triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam và vài trăm ngàn người tập kết từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó có một nhà báo tên Vũ Ngọc Cát, ông làm chủ nhiệm tờ nhật báo Dân Chủ, ông tới chùa Ấn Quang, lúc đó chùa chưa được  xây dựng đồ sộ như bây giờ. Tôi là một trong những người đầu tiên lập ra chùa Ấn Quang cùng với thầy Trí Hữu, lúc chùa còn là một am tranh lợp lá dừa. Tôi là người dạy lớp học tăng đầu tiên ở chùa Ấn Quang. Ông Vũ Ngọc Cát nói:

–  Thầy ơi, thầy viết bài nói về đạo Phật như một con đường thoát, tại vì không lý nào mình lại đi theo một trong hai con đường dẫn tới chiến tranh? Mình phải có một con đường khác.

Tôi đã chấp nhận và đã viết cho tờ báo một loạt 10 bài mang tựa đề: “ Đạo Phật qua nhận thức mới“. Ông đã đăng loạt bài đó ở trang đầu, tựa bài được in bằng chữ đỏ, rất lớn. Báo bán rất chạy vì dân chúng đang hoang mang tìm một hướng đi. Trong loạt bài đó mình nói phải sử dụng tư tưởng của Phật giáo, tư tưởng không hận thù và có tình huynh đệ, tư tưởng hòa giải, vượt khỏi sự tranh chấp. Vì vậy trong suốt thời gian kéo dài của cuộc chiến mình có phong trào chống đối chiến tranh và những người trẻ đã tham dự vào rất nhiều. Họ biết con đường của họ không phải là con đường huynh đệ tương tàn mà là con đường hòa giải. Trong số người đó có thi sĩ Trụ Vũ. Trụ Vũ là một thi sĩ trẻ mà tôi đã khám phá ra cùng với thi sĩ Quách Thoại ở chùa Giác Nguyên. Đó là năm 1949, tôi vừa xuất bản tập thơ đầu ở Sài Gòn mang tên “Tiếng địch chiều thu“ với nhà xuất bản Long Giang. Trụ Vũ đọc được tập thơ đó, tập thơ có những bài thơ mới cảm hứng với đạo Bụt, và thi sĩ muốn tìm tác giả. Trụ Vũ tới nhà xuất bản hỏi thăm và cuối cùng tìm ra chùa Ấn Quang. Ở Sơn Hạ, trong thiền đường Thánh Mẫu Maya có bút tích của thi sĩ Trụ Vũ. Anh đã qua Làng Mai, đã có mở một cuộc triển lãm thư pháp và đã để lại cho mình Tâm Kinh Bát Nhã do chính anh viết treo trong thiền đường Thánh Mẫu Maya. Trụ Vũ làm nhiều bài thơ đi về hướng đó, bài thơ đầu tiên Trụ Vũ viết về đạo Bụt là do cảm hứng khi đọc “Tiếng địch chiều thu“. Đọc xong tập thơ anh mang vào vườn Tao Đàn, nằm xuống và làm một bài thơ tên là “Thi Tứ”, có nghĩa là ý thơ, bên dưới có đề: tặng thầy Nhất Hạnh để bắc cầu thông cảm giữa đạo và thơ, (làm như là đạo và thơ là hai cái khác nhau và phải bắc cầu môi giới để đưa đạo vào thơ!!!).  Các thiền sư Việt Nam đã làm thơ từ thời khởi thủy. Bây giờ các thầy, các sư cô cũng phải làm thơ, nếu không thì làm sao làm kệ truyền đăng cho đệ tử?

Ta gối đầu ta lên mộng ảo
Ta gói hồn thơ thiên địa ảo
Ta nằm giữa lá thu rơi
Mặt đất dâng cao thấu tận trời
Ai để mùa thu lên viễn vọng
Trong tiếng ca nào đang lên khơi
Ai đem mây xám vẽ lên không
Một lá vàng rơi xao xuyến lòng
Ta nắm trong tay mùa tạo vật
Đi vào kết bạn cùng trời đất
Cuộc đời say ngủ dưới chân ta
Chôn chặt thân ngươi mảnh đất già
Đây gió ngàn phương trời với biển
Thổi cánh chim trần về cao viễn
Ta về hòa hợp giữa hư không

Thi tứ ngàn năm thường hiển hiện.

(Thi Tứ -Trụ Vũ)

Trụ Vũ đã đem bài thơ lên chùa Ấn Quang tặng cho tôi. Nhờ mối duyên gặp gỡ đó mà thi sĩ đã viết nhiều bài thơ yểm trợ cho con đường Phật giáo xóa bỏ hận thù trong đó có bài thơ ”Bà mẹ Việt Nam”:

Thương bà mẹ già như đời dân tộc
Hình hài gầy đét Việt Nam
Đôi mắt nhỏ màu nâu long lanh hạt ngọc
Trán ai cày luống đất khai hoang
Thương bà mẹ già mảnh lòng xẻ nửa
Nửa gửi thằng hai nửa gửi thằng ba
Bà đâu biết đứa con nào cộng sản
Bà đâu biết đứa con nào quốc gia
Lệ tình yêu giăng màn che kín
Bà không nhìn thấy màu đỏ màu xanh
Bà chỉ thấy buổi chiều rất tím

Máu thằng em cũng đỏ như máu thằng anh

Bài thơ rất đơn sơ và nói rất đúng. Bà mẹ có hai đứa con, một đứa là cộng sản, một đứa là quốc gia và hai đứa đang giết nhau, trong khi đó đứa nào máu cũng đỏ, cũng là con của bà. Đó là tâm trạng của người trẻ thời đó. Trụ Vũ cũng có làm một bài thơ về giấc mơ:

Giấc mơ bé nhỏ vô cùng
Một căn nhà lá ba vồng khoai lang
Thế thôi mà lạy mười phương

Ba mươi năm lẻ chưa tròn giấc mơ

Vì chiến tranh nên giấc mơ đó không thành tựu được. Chỉ có một căn nhà lá và ba vồng khoai lang thôi, mà lạy mười phương ba mươi năm vẫn chưa thành tựu được.

Năm đó tôi được các thầy giao cho một trách nhiệm, tại vì tư tưởng của những người tu trẻ lung lay cực độ, họ không biết hướng đi. Làm sao họ có thể đi theo chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa tư bản được? Phải có một con đường đi và con đường đó phải được tìm trong gốc rễ của dân tộc. Tôi bắt buộc phải đứng ở chỗ vạch ra một con đường đi cho tuổi trẻ. Phong trào hòa bình chống chiến tranh hình thành từ sự kiện đó, trong phong trào có những người như Nguyễn Đắc Xuân, v.v… và chính sư cô Chân Không cũng đã tham dự vào. Hồi đó cuốn “Hoa sen trong biển lửa” được in chui ở Việt Nam. Đó là một áng văn chương nói về con đường hòa bình của Phật giáo, nó phải thoát ra khỏi quỹ đạo của cộng sản và tư bản. Sư cô Chân Không đem sách ra Huế bị công an bắt giải về khám Chí Hòa. Sự thật là thế hệ của tôi đã như vậy và thế hệ sau này cũng muốn đi vào con đường đó. Sư anh Nhất Trí đi về nông thôn làm công tác xã hội đã bị mất tích. Biết bao nhiêu người trẻ, xuất gia hay không xuất gia, chỉ vì muốn làm công việc thương yêu, hòa giải mà bị bên này hoặc bên kia ám sát. Hồi đó tôi thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để đào tạo những cán bộ xuất gia và tại gia đi vào nông thôn, đem thông điệp của thương yêu tới giúp nông thôn tổ chức lại đời sống và hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không phải là lý thuyết mà là một cánh tay. Chị Nhất Chi Mai là một trong 6 người Tiếp Hiện đầu tiên, chị đã tự thiêu cho hòa bình và là một trong những cánh tay đắc lực của phong trào. Mình có những người anh, người chị rất xứng đáng, họ đã mở cho mình con đường đi về hướng tình huynh đệ, về hướng thương yêu và hòa giải.

Trong tình trạng hoang mang đó tôi được các thầy lớn trong ban giám đốc Phật học đường Ấn Quang mời tới, tại vì họ biết chỉ có tôi mới ủy lạo được giới tăng ni trẻ tuổi. Tôi đã về chùa Ấn Quang và bắt đầu xây dựng tăng thân theo cái thấy của tôi. Sư bà Phước Hải, một vị tôn túc sắp sang đây dự Đại Giới Đàn, là học trò của tôi hồi đó, hòa thượng Minh Cảnh cũng là một vị học trò của tôi hồi đó. Lần đầu tiên tôi có cơ hội tạo dựng được một tăng thân có tình huynh đệ, có hạnh phúc. Năm nay chúng ta đã cố mời càng nhiều vị càng tốt sang tham dự Đại Giới Đàn, nhưng chỉ có một số đi được mà thôi. Câu hỏi là:

–  Thầy ơi, thầy có ước mơ gì chưa thành hay không? Thầy muốn thấy nó trước khi chết hay không?

Tôi trả lời rằng:

–  Tôi không còn một ước mơ nào nữa. Ước mơ xây dựng được một tăng thân đã thành công rồi.

Uớc mơ đó thành công hay không và nó có được tiếp tục hay không là do sự tu tập của mình. Mỗi khi thấy một sư chú đi một bước chân an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc thì tôi thấy ước mơ của mình đang trở thành sự thật. Khi thấy một số anh em ngồi uống trà với nhau để bàn chuyện giúp đời thì đó là hạnh phúc rồi. Những chuyện đó xảy ra hằng ngày. Ngày nào cũng được đi những bước chân như vậy, ngày nào cũng được ngồi với tăng thân như vậy, ngày nào cũng hướng tâm mình về phía đó, như vậy là đẹp lắm rồi, không cần phải đi tìm gì nữa, giấc mơ đã trở thành hiện thực. Đó là công phu của mình. Nếu mình không có hạnh phúc là mình rất dại, tại vì mình có đủ điều kiện để có hạnh phúc. Mình có tăng thân, có pháp môn, không ai có thể làm cho niềm tin của mình nơi pháp môn bị lung lay tại vì mình đã chứng thực được mỗi khi thở, mỗi khi đi, mỗi khi ngồi là có hạnh phúc liền. Ai lấy được niềm tin đó ra khỏi mình, tại vì niềm tin đó tới từ những kinh nghiệm trực tiếp của mình mà không phải do một người khác nhờ họ nói năng có tính cách thuyết phục. Niềm tin của mình không phải do người khác đưa tới mà do chính mình, vì vậy cho nên mình phải nhớ hai câu này:

Đến được động tiên sâu thẳm ấy

Linh đan đổi cốt mới ra về

Làm sao mà đổi xương? Mình đổi xương bằng từng bước chân, từng hơi thở. Mình đã học rất kỹ lưỡng là phải thở như thế nào để có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại, phải đi như thế nào để có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại. Mình không cần phải lôi nỗi khổ niềm đau ra đối diện mới có thể chữa trị được.