Pháp thoại theo chủ đề

Trở về và trị liệu

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 15.12.2012)

 

Muốn chữa trị cho xã hội thì trước hết phải chữa trị cho bản thân mình

Năm 2007 tôi tiếp ký giả của báo “Time Magazine“ tại chùa Pháp Vân Sài Gòn. Cô ký giả này đã từng phỏng vấn tôi vài lần rồi. Năm đó tôi về tổ chức những trai đàn chẩn tế để cầu nguyện cho những người đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi hoàn tất buổi phỏng vấn cô ký giả hỏi:

  • Thầy còn có điều gì muốn nhắn đặc biệt với đọc giả của tuần báo “Time Magazine“ không?

Tôi thở và trả lời:

  • Có. Go home and take care yourself.

Có nghĩa là: Hãy trở về đi và lo chữa trị bản thân mình. Câu trả lời đó làm cho cô ký giả xúc động cho đến nỗi cô không viết bài phỏng vấn đó nữa. Cô lấy máy bay về lại Mỹ để lo chữa trị cho mình. “Go home and take care yourself”, đó là thông điệp tôi gửi cho đọc giả của cô. Nhưng cô không hiểu sâu những điều tôi nói. Cô tưởng phải bỏ tất cả, mua vé máy bay về Mỹ mới gọi là “go home” (trở về nhà). Thật ra chữ “go home” của tôi sâu hơn. Mình không cần phải mua vé máy bay về Hoa Kỳ, về Đức, về Ấn Độ hay về Hòa Lan mới là “go home”. Theo giáo lý của Làng Mai, “home” nằm ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây.

Lâu nay chúng ta cứ đi vòng quanh, ta đi tìm hạnh phúc. Ta nghĩ mình có nhiều chuyện phải làm và ta không dừng lại được. Vì ta không dừng lại được nên sự trị liệu không thể xảy ra. Ý của tôi là chúng ta đừng đi tìm nữa, đừng đi vòng quanh nữa, hãy về hãy tới trong giây phút hiện tại. Trong khi thực tập thiền đi mỗi bước chân có đủ sức đưa ta về nhà, ta không cần phải mua vé máy bay.

 

Quê hương đích thực (true home) của chúng ta là ở nơi giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Mỗi bước chân có chánh niệm có khả năng đưa ta về lập tức nơi quê hương đích thực. Nếu có chánh niệm thì một hơi thở vào cũng đủ đưa ta trở về với giây phút hiện tại, với quê hương đích thực. Mỗi hơi thở đưa tâm trở về với thân để thiết lập thân tâm hợp nhất trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Ta cảm thấy rằng ta đã về, ta đã tới, ta không cần phải làm gì nữa, không cần phải đi đâu nữa. Trong trường hợp đó thì sự chữa trị mới có thể xảy ra.

Xã hội chúng ta có bệnh và mỗi người ta cũng có bệnh một phần nào đó. Mỗi chúng ta phải tự chữa trị cho mình nếu ta muốn góp phần vào sự chữa trị cho xã hội.

Quí vị đã nghe vụ thảm sát ở Newtown vừa mới xảy ra hôm qua. Một chàng thanh niên 20 tuổi, bề ngoài có vẻ hiền lành, tự nhiên nổi cơn điên lấy súng giết mẹ, rồi vào trường tiểu học Newtown bắn chết khoảng 26 người, trong đó có 20 em bé. Đó là bệnh, không chỉ là bệnh của một người mà là bệnh của xã hội. Chúng ta có rất nhiều nhà thương, bệnh viện, chúng ta có rất nhiều nhà tâm lý trị liệu. Nhưng liệu chúng ta có chữa được được chứng bệnh đó của thời đại hay không? Tuyệt vọng, hận thù, mất hướng đi, tội nghiệp cho người trai trẻ đó đã không có nẻo thoát. Anh ta cảm thấy không ai hiểu được mình và những vết thương trong tâm hồn của anh quá lớn. Có thể người trai trẻ đó giết người không phải vì hận thù, mà tại vì trong tâm hồn anh không có sự bình an. Làm sao hận thù được những em bé 7, 8 tuổi dễ thương, hiền lành như những thiên thần như vậy? Làm sao có thể đang tâm lấy súng giết chết những em bé nhỏ như vậy? Trưa nay khi ăn cơm chúng ta sẽ gửi năng lượng cho các em bé. Nhưng chúng ta phải nghĩ rằng đây là một chứng bệnh của thời đại. Nếu muốn chữa trị cho xã hội của ta thì ta phải biết chữa trị cho bản thân của mình trước.

 

Dừng lại, tìm về quê hương đích thực để chữa trị cho bản thân

Theo pháp môn chúng ta học thì sự chữa trị không thể xảy ra nếu ta không dừng lại được, ta không tìm về được quê hương đích thực của mình. Quê hương đích thực của chúng ta là hải đảo tự thân, về tới đó thì ta không còn đi quanh nữa, ta có cơ hội chăm sóc và chữa trị cho bản thân, trong đó có hình hài và tâm hồn của mình. Trong hình hài và tâm hồn mình có những vết thương để lại từ thế hệ trước của cha ông.

Khi làm những động tác chánh niệm như đưa tay lên, mà nếu quả thực ta đang có mặt trong giây phút hiện tại, thì ta thấy đây không phải là cử động để đem tới một sức khỏe nào đó. Trong khi chúng ta đưa tay lên thì tất cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu (dù chưa biểu hiện) của ta đều đưa tay lên. Ta thấy mình không có một cái ta riêng biệt. Trong khi đưa hai tay lên ta có niềm vui, có giác ngộ. Ta có hạnh phúc thấy được rằng có một hình hài là một chuyện rất mầu nhiệm. Đưa được hai tay lên là một mầu nhiệm vô cùng và ta cảm thấy niềm vui tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Như vậy thì tất cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu, bạn bè của ta cũng đều cảm thấy được niềm vui tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được như vậy nếu ta trở về với giây phút hiện tại. Chúng ta làm không phải để có sức khỏe trong tương lai, mà để có niềm vui, sự buông thư, tại vì khi đưa tay lên thì ta có sự “đã về đã tới”.

 

Thực tập pháp môn “đã về đã tới”

Có ít nhất hai thầy Việt Nam dạy về thiền. Thầy Thanh Từ dạy: Biết vọng không theo. Còn thầy Nhất Hạnh thì dạy: Đã về đã tới. Đã về đã tới là sự thực tập của chúng ta. Trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân, ta đều phải về, đều phải tới. Trong khi đánh răng, xúc miệng, đi tiểu, v.v…ta đều phải về phải tới. Ta không được làm gấp gáp, ta phải tìm thấy niềm vui trong khi làm. Khi chải răng ta phải chải như thế nào để có niềm vui, ta đang sống trong giây phút hiện tại. Ta không làm cho mau xong để đi làm chuyện khác. Đó là một sự thực tập. Đi tiểu hay đi cầu cũng vậy; đi tiểu, đi cầu là một hạnh phúc rất lớn, tại sao ta phải làm gấp gáp cho xong. Đi ra thiền đường ta cũng không cần phải gấp gáp, mỗi bước chân đi đã là thiền đường rồi. Đó là pháp môn của chúng ta. Ta đừng nói là mình làm không được? Tại sao ta không làm được, chuyện đó rất dễ, không những dễ mà nó còn đem lại cho ta niềm vui ngay lập tức. Bước một bước chân mà ta về, ta tới được trong giây phút hiện tại, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cơ thể và của sự sống, không có năng lượng thúc đẩy ta đi vòng vòng nữa thì lúc đó có sự buông thư và với sự buông thư, sự trở về giây phút hiện tại đó sự chữa trị sẽ xảy ra liền lập tức. Sự chữa trị xảy ra trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Đó mới là trở về quê hương đích thực, chứ không phải lên ngồi trên máy bay mới về được quê hương. Dù có mua vé máy bay, lên ngồi 10 tiếng trên máy bay, tới phi trường, thuê xe taxi về nhà, vô phòng nằm xuống và đóng cửa lại thì chưa chắc là ta đã về được tới nhà. Ta có thể nói “home sweet home” (ngôi nhà thân yêu) trong thời gian vài ngày, rồi thì ta không còn cảm thấy “sweet home” nữa và ta lại muốn ra đi. Ta chưa có quê hương, ta chưa có nhà tại vì ta chưa biết thực tập theo lời Bụt dạy: Quê hương của mình, nhà của mình nằm ngay trong hải đảo tự thân.

 

Cô ký giả hiểu thầy nhưng cô hiểu chưa sâu nên sau buổi phỏng vấn thì cô không viết bài mà cô mua vé máy bay về lại Mỹ ngay. Không biết khi về rồi cô có tự chữa trị được cho mình hay không nếu cô không biết “true home” là gì.

Hôm qua ở Sơn Hạ, tôi đã viết câu: Go home and heal (Trở về và trị liệu). Chữ “home” ở đây không có nghĩa là nhà của mình ở Mỹ hay ở Đức hay ở Thái Lan. Nhà của mình là bây giờ và ở đây. Being home here and now, đó là sự thực tập chánh niệm. Khi lái xe ta cũng không lái gấp gáp, trong mỗi giây phút lái xe là ta đã về đã tới. Trong khi đi bộ từ bãi đậu xe tới văn phòng làm việc mỗi bước chân của ta là quê hương, là nhà (home). Như vậy mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều có công năng chữa trị.

Làng Mai chúng ta đã có giáo lý “đã về đã tới” trên 30 năm. Nếu có ai hỏi chúng ta thực tập gì ở Làng Mai thì ta có thể trả lời một cách đơn giản: Ở Làng Mai chúng tôi thực tập “đã về đã tới”. Đây không phải là lý thuyết mà là lối sống. Có những người trong chúng ta đã chứng được quả “đã về đã tới”. Khi nhìn một người đi, đứng, ngồi, ăn cơm, ta biết người này đã chứng quả “đã về đã tới” hay chưa. Người đó có sự an lạc, sự mãn ý trong giây phút hiện tại, không còn muốn đi tìm vòng quanh nữa. Chứng được quả “đã về đã tới” hay không, ta không thể nói dối được tại vì người ta nhìn mình thì sẽ nhận ra ngay lập tức. Nếu một người đã về, đã tới, đã an trú được trong quả vị đó thì ta thấy người đó có bình an, có hạnh phúc, có sự mãn ý và người đó đã được chữa trị. Quí vị không cần phải học nhiều mà chỉ cần học “đã về đã tới” là đủ. Chúng ta phải làm cho được và trong khi làm thì ta đã có hạnh phúc. Mỗi bước chân hay mỗi hơi thở đều có hạnh phúc, rửa rau hay xắt cà rốt đều có hạnh phúc, chùi cầu tiêu cũng có hạnh phúc, tại vì ta thấy tất cả đều là mầu nhiệm. Thiền là như vậy, mầu nhiệm nằm ở những cái thông thường như đi đốn củi, đi gánh nước, đi nấu cơm cho chúng, v.v…Ta có tự do, ta đã về đã tới nên sự chữa trị trở thành thực tại trong mỗi giây mỗi phút. Nếu không cảm thấy có đủ bình an trong cơ thể, trong tâm hồn thì chúng ta phải thực tập pháp môn “đã về đã tới”. Pháp môn này đủ đơn giản để ta có thể học, và hơn nữa ta có tăng thân để yểm trợ cho ta. Các bạn ta, nam cũng như nữ, già cũng như trẻ đều đang thực tập “đã về đã tới” để có an lạc, hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Có những người đã thành đạt, nhìn vào họ ta thấy có niềm tin là ta cũng sẽ làm được như họ. Nếu thực tập hết lòng trong ba ngày thì ta thấy đã có sự thay đổi.

Quê hương trong từng bước chân, quê hương trong từng hơi thở. Sự chữa trị trong từng bước chân, sự chữa trị trong từng hơi thở. Chúng ta làm cho mình, cho gia đình mình, cho những em bé vừa bị thảm sát ngày hôm qua ở Connecticut. Những em bé đó là con của chúng ta, là cháu của chúng ta, là chúng ta. Xã hội hiện nay đang bị bệnh và chúng ta, người nào ít hay nhiều, cũng bị bệnh. Chúng ta phải lo chữa trị cho chính mình, mà muốn chữa trị thì ta phải thực tập pháp môn “đã về đã tới”. Là Phật tử hay không là Phật tử thì ta cũng phải thực tập. Nếu không thì ta vẫn tiếp tục đi vòng quanh tìm kiếm và không bao giờ ta có thể chữa trị được cho mình. Như vậy thì làm sao ta có thể chữa trị cho xã hội và cho thế giới.