Pháp thoại theo chủ đề

Trở về tiếp xúc với đất Mẹ

(Thầy Làng Mai giảng ngày 01-12-2011 trong khóa An Cư Kiết Đông)

Trở về tiếp xúc với cội nguồn

Thiền hành là một phép thực tập rất dễ chịu, nhất là vào lúc ban mai, khi không khí rất là trong lành. Trong khi đi thiền chúng ta phải hợp nhất thân với tâm và phối hợp hơi thở với bước chân.Thở vào ta có thể bước hai, ba hay bốn bước; thở ra ta có thể bước nhiều bước hơn. Ví dụ thở vào ta bước hai bước thì thở ra ta bước ba bước, nếu thở vào ta bước ba bước thì thở ra ta nên bước năm bước, nếu thở vào ta bước bốn bước thì thở ra ta có thể bước sáu bước, thở vào ta bước năm bước thì thở ra ta bước tám bước. Đó là kinh nghiệm của tôi.

Nếu có một cái đồng hồ tíc-tắc trên bàn ngủ, ban đêm khi nằm xuống chúng ta ngưng suy nghĩ, thở vào ta đếm ba giây, thở ra ta đếm năm giây, v.v… cho đến khi ngủ.  Tiếng tíc-tắc của đồng hồ giúp ta rất nhiều. Trong thiền đường, nếu có một cái đồng hồ thì ta có thể thở theo tiếng tíc-tắc của đồng hồ. Chúng ta chấm dứt sự suy nghĩ và chỉ thở thôi. Thở như vậy rất là dễ chịu.

Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ dùng để đi thiền hành.
Ví dụ như thở vào đi hai bước ta nói: Đã về,đã tới.
Thở ra đi ba bước ta nói: Con đã về, con đã tới.
Mình thật sự về, thật sự tới, mình không rong ruổi nữa và mình thích thú với giây phút hiện tại “đã về đã tới“.

Pháp môn Làng Mai rất đơn giản, bài thuyết pháp sâu và ngắn nhất của Làng Mai là: Đã về đã tới, đem thân tâm trở về hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại, những mầu nhiệm đang có trong mình và chung quanh mình để được nuôi dưỡng và trị liệu. Mình thấy thoải mái, an ổn, mãn ý với giây phút hiện tại. Mình không còn muốn chạy đi tìm gì khác nữa. Người nào trong khi ngồi hay khi đi mà thấy thích thú, mãn ý với giây phút hiện tại là người đó thành công. Mình không còn đi tìm gì nữa.

Thở vào, đi ba bước ta; thở ra, ta đi năm bước: Con đã về / con đã về thật sự
hoặc mỗi bước chân / con đi vào Tịnh độ
hoặc là mỗi bước chân / con trở lại suối nguồn.

Khi ngồi chúng ta cũng có thể nói: Mỗi hơi thở/ con đi vào Tịnh độ
hay là mỗi hơi thở / con trở lại suối nguồn.
Chúng ta đặt ra những câu thiền ngữ mình thích, khi mình dùng câu này, lúc mình dùng câu kia.

Thở vào đi bốn bước, thở ra đi sáu bước ta nói: Đã về đã tới, con đã về con đã tới.

 

 

Có những con đường thiền hành rất đẹp, một con đường đất, hai bờ cỏ xanh và màu đất hồng tươi. Ngày xưa tôi làm một bài thơ tựa là: Cẩn trọng

Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi

Thấy được vẻ đẹp, thấy được sự mầu nhiệm đó, tự nhiên mình tỉnh dậy, mình thấy mình đang sống trong một thế giới hết sức mầu nhiệm, mà nếu tâm bị vướng bận bởi những lo lắng, sầu khổ thì mình sẽ không thể thấy được. Khi tỉnh dậy mình thấy rất quí mỗi giây mà cuộc đời đã cho mình sống. Tôi trân quí từng bước chân đi và trong mỗi bước chân tôi đều có hạnh phúc .

Vì trái đất có lực hấp dẫn (gravity) nên bước chân nào mình cũng phải đi chấm đất, nếu không mình sẽ bay lơ lững trên không. Lực hấp dẫn làm cho bước chân của mình dính vào mặt đất. Với mỗi bước mình dính và tiếp xúc với đất Mẹ tức là mình tiếp xúc được với cội nguồn của mình.

 

Cái nhìn bất nhị

Ý thức của chúng ta có tính cách phân biệt, chia sự vật ra thành từng cặp đối lập. Ví dụ như chúng ta cho tay trái không phải là tay phải và tay trái có thể tồn tại ngoài tay phải, đó là sự phân biệt. Nhưng ta không biết rằng tay trái nương vào tay phải để thành lập. Chúng ta phân biệt tâm và vật, danh thân và sắc thân. Danh thân là tâm, tức là thọ, tưởng, hành, thức của mình của mình. Sắc thân là hình hài của mình. Chúng ta phân biệt một bên là hình hài (sắc) và một bên là tâm lý (danh), danh từ khoa học gọi là psychosoma. Psycho là tâm và soma là vật. Sự thật là tâm không thể có được nếu không có vật, tâm và vật là hai mặt của một thực tại. Không có vật thì không có tâm và không có tâm thì không có vật. Chúng ta phải tập nhìn bằng con mắt bất nhị.

Trong khi đó, khoa học chia thành hai ngành, một nghành chuyên về tâm gọi là tâm lý học và một nghành nghiên cứu về thân gọi là sinh lý học. Thực ra nếu lấy tâm đi thì không có thân và nếu lấy thân ra thì tâm cũng không còn. Thân và tâm dựa vào nhau mà thành lập như tay trái và tay phải, lấy một cái đi thì cái kia cũng không còn. Vì vậy chúng ta phải thấy tâm ở trong vật và vật ở trong tâm, đó gọi là vô phân biệt trí. Có vô phân biệt trí, chúng ta biết tâm và vật nương nhau mà có như trái và phải, như trên và dưới. Có khi vô phân biệt trí còn được gọi là bất nhịtrí (advaya-jñāna) tức tuệ giác không chia chẻ làm hai: trong và ngoài, vật chất và tinh thần.

Hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn còn vướng vào ý niệm: tâm thức là cái ở trong và thế giới được nghiên cứu là vật ở ngoài, tức: tâm thức là chủ thể và thế giới khách quan là đối tượng. Khi nào còn sự phân chia giữa chủ thể và đối tượng, giữa tâm và vật thì vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt. Muốn đi được xa, nhà tu cũng như nhà khoa học phải biết sử dụng bất nhị trí hay vô phân biệt trí. Trong lĩnh vực khoa học người ta đã bắt đầu thấy được điều đó. Nếu không buông bỏ sự phân biệt thì khó mà đi vào được sư tìm hiểu về thực tại.

 

 

Dẫm lên đất Mẹ

Khi đi thiền hành chúng ta không chỉ đi bằng thân mà phải đi bằng tâm của mình, gọi là thân tâm nhất như. Miệng (khẩu) của mình cũng phải đi theo, cho nên trong khi thiền hành mình không được nói chuyện. Thân, khẩu, ý hợp nhất gọi là tương ưng. Trong khi dẫm lên mặt đất, chúng ta không thấy đất là vật chất. Cho đất là vật chất tức theo chủ trương duy vật luận. Nếu thấy đất là ý niệm, là tâm như vị cố đạo Berkely thì đó là duy tâm luận. Duy vật luận là một cực đoan và duy tâm luận là một cực đoan khác, căn cứ trên ý niệm vật và tâm là hai cái khác nhau. Nhiều nhà khoa học cho rằng tâm là do vật chất tạo ra, thức là một sản phẩm của não bộ. Khuynh hướng này rất gần với chủ nghĩa duy vật. Nhiều người khác lại cho rằng chính tâm tạo ra vật chất.

Nhưng khi quán chiếu thân, mình thấy rằng hình hài của mình không phải chỉ là vật chất. Trong hình hài có tâm, có cái biết và có sự thông minh của nó. Một tế bào cơ thể là một thực tại linh động có cái tâm trong đó, mà nếu lấy cái tâm đi thì nó trở thành một tế bào chết. Trong cơ thể của chúng ta có hàng tỷ tế bào và mỗi tế bào có sự thông minh, có cái biết rất sâu sắc. Vì vậy nói hình hài chỉ là vật, chỉ là sinh lý là không đúng.

Nhìn vào thế giới, ví dụ như nhìn vào một cọng cỏ hay một cái cây, mình thấy đó không phải là vật chất vô tri, mà nó có cái biết trong đó. Mình không thể nói hạt bắp là vật chất, tại vì trồng hạt bắp xuống đất thì hạt bắp biết nẩy mầm, lên cây, làm lá, làm hoa và làm trái bắp. Như vậy, hạt bắp có cái biết và nói hạt bắp là vật chất là sai. Nhìn trái đất, mình thấy trái đất là một thực tại mầu nhiệm như tế bào trong cơ thể mình. Trái đất có cái biết trong nó. Hành tinh Đất có khả năng hiến tặng và nuôi dưỡng sự sống. Cho rằng hành tinh Đất là một khối vật chất là sai. Với trí bất nhị mình thấy rằng hành tinh Đất không phải là một khối vật chất, tại vì nó có sự thông minh, sự sáng tạo trong đó. Hành tinh này đã sản xuất ra những cái hết sức mầu nhiệm. Loài người là một trong bao nhiêu loài mà hành tinh này đã sản xuất ra. Bụt Thích ca hay Chúa Jésus cũng là con của hành tinh này. Mình và mẹ mình cũng là những đứa con của hành tinh này. Nếu thấy được mình là con của mẹ mình thì cũng thấy được mình và mẹ mình cũng là con của trái đất. Trái đất là một thực tại mầu nhiệm, tuy không phải là con người nhưng trái đất cũng là Mẹ, là đất Mẹ.

Rất nhiều nền văn minh đã nhìn trái đất như một bà mẹ. Nhà sinh vật học Mỹ, Thomas Lewis, viết một cuốn sách về hành tinh trái đất, cuốn sách có tên “The Lives of a Cell“ (sự sống của một tế bào). Trong đó ông nói rằng theo ông thì trái đất giống như một tế bào trong cơ thể con người. Trong trái đất có sự sống, có sự thông minh, tại vì khi nghiên cứu về tế bào trong cơ thể ông thấy mỗi tế bào mầu nhiệm vô cùng. Nhìn trái đất, ông thấy trái đất cũng là một sinh vật biết đau, biết buồn, biết suy tư, có thông minh, có trí tuệ, có tài năng.  Khi đi thiền hành chúng ta phải sử dụng trí bất nhị để thấy, mình đừng cho là mình đang dẫm lên trên vật chất. Mình phải thấy mình đang tiếp xúc với đất mẹ, tại vì đất mẹ là một thực tại rất mầu nhiệm.

 

Trái đất là một vị Bồ tát

Không hẳn là con người mới được gọi là mẹ, mình có thể nhìn trái đất như một vị bồ tát, bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Mình có thể chắp tay lại và niệm danh hiệu: Nam mô bồ tát Thanh Lương Đại Địa, tại vì vị bồ tát này là mẹ của muôn loài, có khả năng chuyên chở, nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi khi đau ốm hay đánh mất mình, mình phải trở về lại với bà mẹ này để được nuôi dưỡng và trị liệu

Vì vậy thiền hành là một phương pháp thực tập rất hay để chúng ta có thể trở về tìm sự nuôi dưỡng và trị liệu từ đất mẹ. Tuy không phải dưới hình thức của một con người, nhưng đất mẹ đích thực là một vị bồ tát, tại vì đất mẹ có những đức rất lớn như sự vững chãi, sự kiên nhẫn. Trong kinh Địa tạng có câu: Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng (đất có nghĩa là kiên cố, dày dặn và cất chứa được rất nhiều).

Đất có khả năng nuôi dưỡng, che chở, trị liệu và có khả năng cho ra đời biết bao nhiêu là mầu nhiệm. Nhiều vị Phật và bồ tát đã được đất sinh ra. Chính chúa Ki Tô cũng do đất sinh ra. Mình không biết chúa Ki Tô có phải do Thượng đế sinh ra thật hay không, nhưng mình biết chắc là chúa Ki Tô do trái đất sinh ra. Có những lúc mình lao đao, cô đơn, lạc hướng hay ốm đau thì mình phải trở về tiếp xúc đất Mẹ để được nuôi dưỡng.

Trong khóa tu mùa Đông này, chúng ta nên đưa vị bồ tát đất Mẹ vào trong danh sách đảnh lễ:
Nhất tâm kính lễ bồ tát Thanh Lương Đại Địa,
Mẹ của muôn loài, luôn luôn chở che, nuôi dưỡng và trị liệu cho chúng con.

 

 

Mặt trời cũng là một vị Bồ tát

Mặt trời cũng là một vị bồ tát lớn, là một vị Bụt. Không có mặt trời thì không có ánh sáng, sức nóng và không có sự sống. Mặt trời có tên là “Đại Nhật Như Lai“ (Vairochana Tathagata). Không có mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Chúng ta có thể xướng:
Nhất tâm kính lễ đức Tỳ Lô Giá na Như lai, Bụt Vô lượng thọ, Vô lượng quang
hiến tặng sự sống cho hành tinh đại địa.

Tiếp xúc với những vị bồ tát để được nuôi dưỡng và trị liệu

Đây là những vị Bụt, những vị bồ tát có thật mà mình phải lạy xuống. Những vị đó có ở trong mình chứ không chỉ có ở ngoài mình mà thôi. Đi thiền hành chúng ta phải tiếp xúc được với các vị bồ tát đó. Đất mẹ là một vị bồ tát, mặt trời là một vị bồ tát đã cho chúng ta sự sống và các vị đó không phải ở ngoài ta mà còn ở trong ta. Có được tuệ giác đó thì mình không còn thấy trái đất, mặt trời là vật chất và mình có thể tiếp xúc được thật sự với nó. Khi tiếp xúc được thật sự thì mình sẽ nhận được sự nuôi dưỡng và trị liệu.

Mỗi bước chân là nuôi dưỡng,
mỗi bước chân là trị liệu.

Con người hiện nay bị bệnh rất nhiều, chúng ta phải học cách chữa trị, và đi thiền hành là một trong những phương pháp chữa trị rất hay. Đang ở tại Làng Mai mình phải biết lợi dụng pháp môn thiền hành, tại vì đi thiền hành ở những thành phố lớn như Los Angeles hay thành phố Hồ Chí Minh không sướng chút nào. Ở đây chúng ta có không khí rất trong lành, có cây cối xanh tươi, có những con đường thiền hành rất mầu nhiệm. Vì vậy chúng ta đừng bỏ cơ hội, trong khi đi chúng ta dùng cả thân, khẩu, ý để tiếp xúc với đại đị, với bồ tát Thanh Lượng Địa. Trong đất có sức nóng, có không khí và có nước. Vòng khí quyển bao chung quanh trái đất cũng thuộc về bồ tát Thanh Lương Địa. Đất mẹ đã cho chúng ta nước để uống, không khí để thở; vì vậy đất cũng là nước, là không khí. Lớp ozon phía trên che chở cho chúng ta để những tia phóng xạ độc hại không thể đi vào trong trái đất. Đất mẹ chở che, nuôi dưỡng và trị liệu.

Trong khi đi thiền chúng ta có thể đạt tới những cái thấy rất sâu. Nhìn vào đất mẹ, ta thấy đất mẹ chứa cả tam thiên, đại thiên thế giới, có cả vũ trụ trong đất mẹ. Các nhà khoa học cũng có thể đóng góp cho cái thấy đó, tại vì họ có một vài ý niệm về sự thành lập của trái đất. Họ biết rằng trái đất được làm bằng những yếu tố không phải đất. Các hành tinh khác cũng đã gửi tới cho chúng ta những đóng góp, cũng như một bông hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Hành tinh Đất cũng là một bông hoa rất đẹp được làm bằng những yếu tố không phải Địa cầu. Nhìn vào hành tinh Đất mẹ ta thấy được cả vũ trụ. Nhìn vào bông hoa ta thấy cả vũ trụ như đám mây, mặt trời, v.v… Khi bước chân trên trái đất ta thấy đất Mẹ đang có mặt trong mình. Mình và đất mẹ không phải là hai thực tại tách rời nhau.

Trở về đất Mẹ trong từng giây từng phút

Có được tuệ giác đó chúng ta có thể đạt tới “không sợ hãi”, mình thấy mình với đất Mẹ là một. Nếu đất Mẹ đưa mình ra thì đất Mẹ sẽ tiếp nhận mình về, không có gì mất đi, không có sinh không có diệt. Mình không bị kẹt vào ý niệm “một cái ngã“, rồi đặt vấn đề: Sau khi xác thân này tan hoại mình sẽ đi về đâu? Còn hay không còn? Không phải chỉ khi nào xác thân mình tan hoại và những tác dụng tâm lý của mình không còn biểu hiện nữa thì mình mới về đất Mẹ. Sự thật là mình đang về đất Mẹ trong từng giây từng phút. Mỗi khi thở, mỗi khi bước đi là chúng ta đang trở về. Luôn luôn có những “input” và “out put” đang xảy ra, vì vậy chúng ta đừng nghĩ rằng sau khi xác thân tan hoại rồi ta mới trở về. Chúng ta đang trở về và trở ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày.

Tâm mình có thể làm thay đổi cục diện

Tuy đất Mẹ có sự vững chãi, có tài ba, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu nhưng có khi đất Mẹ cũng đau khổ. Cũng như bà mẹ của mình, tuy có rất nhiều tình thương nhưng có khi mẹ cũng đau khổ. Hành tinh Đất cũng có khi đau khổ giống như một bà mẹ, vì vậy có khi có núi lửa phun ra, có khi có bão tố, địa chấn hay hải chấn. Ta rất đau khổ mỗi lần xảy ra như vậy và ta cho đó là vì trời phạt. Nhưng thật ra chúng ta cũng có một phần trách nhiệm về những gì xảy ra cho trái đất.

Ví dụ như trong vùng đất này gần cả năm không có mưa, chúng ta than phiền tại sao đất Mẹ không cho mưa; còn ở Thái Lan thì mưa đến ngập lụt khiến cho 500-600 người chết. Chúng ta trách trời trách đất tại sao bất công như vậy. Đó là tại vì nghiệp, tại hành động của chúng ta đã làm mất đi thế thăng bằng. Hôm trước có một vị đề nghị chúng ta nên gửi năng lượng để cầu mưa cho vùng này. Chúng ta cầu mưa không phải bằng cách hướng về một vị thần ở đâu đó. Tôi nghĩ cầu mưa ở đây cũng rất khoa học: Chúng ta ngồi ở đây như một tăng thân, tập trung tâm ý và gửi năng lượng tập thể cho đất Mẹ. Trong năng lượng tập thể có chất liệu của từ bi, của tuệ giác, ý thức được rằng con người đã làm mất đi cái thăng bằng và có tâm niệm muốn hối cải, muốn sống lành mạnh.

Khi chúng ta ngồi với nhau và gửi năng lượng tới đất Mẹ thì đất Mẹ có thể sắp đặt trở lại để mưa có thể rơi xuống vùng này của trái đất. Chuyện đó có thể xảy ra được. Lực lượng tâm ý của chúng ta cũng là một năng lượng có thể làm thay đổi cục diện. Cầu mưa không phải là mê tín mà có thể rất khoa học, tại vì tâm của mình có thể thay đổi được tình trạng. Tâm mà có từ bi, có tuệ giác, có năng lượng an lành thì tâm có khả năng chữa trị, thay đổi. Nếu tâm có hận thù, bạo động, tuyệt vọng thì sẽ tạo ra những khổ đau trên thế giới.

 

 

Đây là cầu nguyện:

Lạy Mẹ, Bồ tát Thanh Lương Đại Địa, có những lúc chúng con đau khổ thật nhiều vì thiên tai xảy ra. Chúng con ý thức rằng trong lúc chúng con khổ thì mẹ cũng đang khổ. Có khi chúng con hướng về mẹ và hỏi: Chúng con có thể trông cậy và nương tựa vào mẹ hay không? Nhưng lúc ấy Mẹ không trả lời ngay cho chúng con. Sau đó mẹ nhìn chúng con bằng con mắt xót thương và nói: Cố nhiên là các con có thể nương tựa vào Mẹ, tại vì Mẹ sẽ luôn luôn có mặt đó cho chúng con, nhưng các con cũng nên tự hỏi câu hỏi này: Liệu Mẹ có thể tin tưởng và trông cậy vào các con hay không?

Lạy Mẹ chúng con đã thức nhiều đêm không ngủ vì cái công án đó. Và bây giờ đây với những khuông mặt đầm đìa nước mắt, chúng ta đến quỳ dưới chân Mẹ và dâng lên Mẹ câu trả lời chân thành này: Mẹ từ bi và thánh thiện của chúng con ơi, Mẹ có thể trông cậy và tin tưởng ở chúng con.

Khi đi thiền hành chúng ta cũng thấy được phần trách nhiệm của mình. Mình phải thức dậy, phải biết vai trò của mình và bảo hộ Mẹ chứ mình không thể hoàn toàn chỉ trông cậy ở Mẹ. Mình là một phần của Mẹ, mình là Mẹ. Khi có bất nhị trí, mình sẽ thoát khỏi phiền não như sợ hãi, hận thù, thèm khát và tuyệt vọng. Mình sẽ không gây đổ vỡ hay tàn hại cho chính mình, cho chủng loại khác và cho đất Mẹ.