Pháp thoại theo chủ đề

Biển khổ thuyền đi cứu độ người

Học về nghi thức thí thực

Cúng thí thực ở Việt Nam cũng được gọi là cúng cháo. Khi tổ chức trai đàn ta dùng nghi thức Đại Mông Sơn. Còn nghi thức này gọi là Tiểu Mông Sơn. Mông Sơn là tên của một ngọn núi ở Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên. Vào đời Tống có một thiền sư cư trú trên núi ấy tên là Bất Động, thầy đã chế tác ra nghi thức Đại Mông Sơn và Tiểu Mông Sơn. Nghe nói ở trên núi Mông có những cây trà rất ngon, và vì leo lên đỉnh hái trà khó lắm nên người ta đã phải nuôi khỉ để chúng leo lên hái lá trà và liệng xuống. Trà ngon lắm. Mỗi năm người ta lấy trà Mông sơn gửi về dâng vua, nhưng số lượng trà rất ít. Dưới chân núi cũng có trà tuy không ngon bằng. Trà Mông sơn gọi là Mông trà, nghe nói uống vào rất dễ tiêu hóa. Có một thiền sư đem trà Mông sơn rót vào chén bánh lọt, và vài giờ sau bánh lọt biến thành nước. Trong nghi thức cúng linh có câu:

Dương Tử giang tâm thủy
Mông Sơn đỉnh thượng trà
Hương linh tam ẩm liễu
Tảo sinh pháp vương gia.

Nước lấy ở giữa lòng sông Dương. Trà lấy ở đỉnh núi Mông. Hương linh được uống ba ngụm thì có thể sanh ra trong nhà đức pháp vương. Pháp vương là Bụt, là vua pháp (King of the Dharma). Thiền sư Mông Sơn đã nghiên cứu những kinh Mật tông có từ đời Đường và đã sáng chế ra nghi thức cúng cô hồn. Nghi thức này đã được áp dụng trong các đàn trai chẩn tế và được tụng mỗi ngày trong các chùa. Đối tượng của sự cúng dường này trước hết là cô hồn. Cô hồn là những linh hồn không nơi nương tựa, không ai thờ tự. Cô có nghĩa là cô đơn, cô độc; hồn là linh hồn. Thường thường khi một người chết đi thì được gia đình thờ cúng, người ấy biết chỗ để về nên những linh hồn này không phải là những linh hồn cô độc. Những người có một gia đình huyết thống và một gia đình tâm linh thì khi chết đi không cảm thấy bơ vơ tại vì họ biết rằng họ thuộc vào một nền văn hóa, một nhà thờ, một ngôi chùa, một xã hội, một gia đình. Những linh hồn đó không phải là những linh hồn cô độc. Còn những người khi sống có cảm tưởng là mất gốc, không thuộc về một gia đình tâm linh hoặc huyết thống nào, văn hóa nào, những người như vậy cô đơn trong khi sống và khi chết đi cố nhiên cũng sẽ trở thành những linh hồn bơ vơ. Đối tượng đầu của sự cúng kiếng này là những linh hồn bơ vơ. Nhưng không phải chết rồi người ta mới trở thành cô hồn. Khi còn sống chúng ta cũng có thể là những cô hồn và nhìn quanh chúng ta cũng thấy rất nhiều cô hồn, nhất là trong thế giới hiện tại. Phần lớn những cô hồn của thế kỷ thứ 20 và 21 là những cô hồn rất trẻ. Biết bao nhiêu người thanh niên không thấy mình thuộc về một nguồn gốc tâm linh nào, một gia đình huyết thống nào, một nền văn hóa nào. Họ đi lang thang vất vưởng giữa cuộc đời, cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Đó là những cô hồn mà chúng ta có thể tiếp xúc được bằng nhận thức của chúng ta, bằng mắt, bằng tai. Những cô hồn đó đầy dẫy chung quanh ta. Ngay chính trong tăng thân chúng ta cũng có một vài cô hồn vất vưởng. Hy vọng rằng sau một thời gian thực tập những cô hồn ấy có thể tìm ra mái ấm của gia đình, tìm ra chỗ nương tựa tâm linh. Khi những cái rễ mọc ra và bám được vào tăng thân thì những phần tử đó sẽ không còn là cô hồn nữa. Năm nào cũng có những cô hồn tìm tới với tăng thân Làng Mai, và chúng ta cố gắng hết sức để làm cho những cô hồn đó có thể cắm rễ được trong tăng thân này. Khi còn là một cô hồn vất vưởng thì ta đau khổ vô cùng vì ta có sự trống vắng lớn trong trái tim. Hạnh phúc là một cái gì xa vời, ta có cảm tưởng bị lạc lõng. Chung quanh ta có bao nhiêu là người, là cây cối và thú vật, vậy mà ta cảm thấy hoàn toàn không dính líu gì với tất cả mọi người chung quanh, với thiên nhiên, cây cối, cầm thú, … và sự trống trải đó làm ta đau khổ. Có thể là trên bề mặt trí tuệ ta biết rằng trong cuộc đời có những cái rất mầu nhiệm nhưng trên thực tế thì ta lại không tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó của cuộc đời. Cuộc đời trống vắng và bơ vơ và vì vậy cô hồn là những linh hồn bơ vơ và đói khát. Đói khát ở đây không hẳn là đói khát cơm áo hoặc một mái nhà mà đói khát tình thương, đói khát một nơi nương tựa, đói khát hiểu biết, tại vì đối với những cô hồn ấy chưa ai từng hiểu mình, chưa ai từng thương mình và mình chưa bao giờ thuộc về một mái nhà ấm cúng, dầu đó là một mái nhà huyết thống hay một mái nhà tâm linh. Xã hội chúng ta được tổ chức như thế nào mà đã chế tác ra không biết bao nhiêu là cô hồn vất vưởng, những cô hồn còn xương còn thịt đàng hoàng, chứ không phải chỉ là những người chết. Vì vậy trong khi trì tụng nghi thức thí thực này chúng ta đừng nghĩ là ta chỉ cúng cho những chúng sanh đã chết. Chúng ta phải biết rằng trong cuộc sống chung quanh ta có rất nhiều những cô hồn đang đi vất vưởng, đói khát hiểu biết, đói khát thương yêu. Hơn nữa, tất cả chúng ta người nào cũng có hạt giống cô hồn ở trong tâm tư, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn muốn bỏ nhà mà đi, bỏ thầy, bỏ tăng thân mà đi. Nếu ta để cho hạt giống đó lớn lên thì một này nào đó chúng ta cũng sẽ trở thành cô hồn. Hơi tủi thân một chút là hạt giống cô hồn đã được tưới tẩm và nếu không cẩn thận, một ngày kia ta sẽ bỏ thầy và tăng thân mà đi. Chúng ta đừng tưởng cô hồn là những người khác. Cô hồn có thể là chính mình. Vũ Hoàng Chương có một bài thơ trong đó có bốn câu:

Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Biển vô tận xá gì phương hướng nữa?
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh…

Đó là bốn câu thơ có chất cô hồn. Thấy rằng đất nước này và xã hội này đã từ khước, đã ruồng bỏ ta, vậy thì ta đâu có cần gì nữa. Đâu cần phải giữ gìn thân thể này nữa, đâu cần phải giữ gìn tâm hồn này nữa, đi đâu cũng được! Nếu nghe bốn câu thơ ấy mà ta thấy rung động trong lòng tức là ta đã có hạt giống cô hồn ở trong ta rồi, không còn chối cãi gì được. Và cô hồn là trống trải, cô hồn là khổ đau. Tại vì sự cô độc bao giờ cũng đưa đến sự khổ đau và sự đói khát. Chúng ta đói cơm áo, đói một mái ấm gia đình, đói sự hiểu biết, đói sự thương yêu. ‘‘Chưa ai hiểu ta cả!’’ Trong chúng ta có nhiều người hay than phiền như vậy, đó là hạt giống cô hồn. Chưa ai thương mình mà chưa chắc mình đã thương mình. Niềm tủi thân là dấu hiệu của hạt giống cô hồn trong lòng mỗi người. Chúng ta đừng đi tìm cô hồn ở đâu xa. Cô hồn ở ngay trong tâm chúng ta. Khi ta thương được cô hồn ấy thì ta có thể thương được vạn loài tại vì ai cũng có thể là một cô hồn tương lai cũng như ai cũng có thể một đức Bụt trong tương lai. Thành thử mỗi người nên tự hỏi: mình có phải là một cô hồn không, cô hồn trong hiện tại, hay là cô hồn trong tương lai?

Ở Làng Mai ta thường hay chắp tay lại chào người khác và nói ‘‘Sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai.’’ Nhưng nếu chúng ta ăn ở với nhau không đàng hoàng thì người kia đã thành một cô hồn tương lai rồi tại vì hạt giống cô hồn trong hiện tại đang lớn. Cô hồn nếu không được cứu độ lâu ngày thì thành ma đói, gọi là ngạ quỷ. Ngạ quỷ thường được mô tả là có một cái bụng phình ra rất lớn và một cái cổ họng nhỏ như cây kim. Bụng rất lớn nghĩa là sự đói khát rất nhiều, cổ họng nhỏ như kim nghĩa là không có khả năng tiếp nhận. Đó là một hình ảnh thi ca rất rõ. Ở Đông phương mỗi khi nghĩ tới cô hồn là ta nghĩ tới những chúng sanh có nhu yếu rất lớn nhưng khả năng tiếp nhận rất nhỏ. Những cô hồn ấy tuy đói khát hiểu biết và thương yêu nhưng dầu được người ta hiến tặng hiểu biết và thương yêu họ cũng còn nghi ngờ, không tiếp nhận được. Nghi rằng đây là hiểu biết giả, là thương yêu giả, tại vì cô hồn đã từng bị lừa gạt nhiều lần rồi. Cha mẹ nói thương ta mà không thực sự thương, xã hội nói thương ta mà chưa bao giờ thực sự thương, những nhà lãnh đạo chính trị, văn hóa từng nói thương ta mà chưa bao giờ thực sự thương mà chỉ làm cho ta đau khổ. Cô hồn giống như những con chim đã bị trúng tên cho nên thấy cành cong nào cũng sợ và vì vậy khi nghe ai mà nói rằng tôi thương anh, tôi sẽ giúp anh thì cô hồn liền phát tâm nghi ngờ, không tin. Nghi ngờ là bản chất của cô hồn và vì vậy nếu muốn giúp cô hồn ta phải hết sức kiên nhẫn, biết trước rằng lời nói của ta tuy thành thật và ta thật sự có tình thương và sự hiểu biết để hiến tặng nhưng ta đừng tưởng là cô hồn có thể chấp nhận ngay được. Đó là vì khả năng tiếp nhận của cô hồn rất bé nhỏ, đó là vì cổ họng của cô hồn nhỏ bé như cây kim. Ngay giữa chúng ta cũng có những cô hồn như vậy. Thầy thương ta, sư anh, sư chị và sư em thương ta nhưng ta không tiếp nhận được. Ta nghi ngờ đó là lời nói suông ngoài miệng và ta không thể tiếp nhận. Khả năng tiếp nhận tình thương và sự hiểu biết của ta rất nhỏ bé. Có thể là ta chịu trách nhiệm về điều đó, mà xã hội, gia đình và cha mẹ cũng chịu một phần trách nhiệm về điều đó. Vì vậy một trong những dấu hiệu của tình thương đích thực là kiên nhẫn; thương là phải kiên nhẫn. Ngày hôm nay người kia chưa thấy được tình thương của ta nhưng hy vọng mai mốt, tháng sau hoặc năm sau người ấy sẽ thấy được tình thương của ta và sẽ chấp nhận. Thương mà bị hiểu lầm hoặc bị lên án là không thương, đó là chuyện cơm bữa. Vì vậy tình thương chân thật thường được biểu hiện bằng sự kiên nhẫn. Ta hãy cứ thương và cứ tiếp tục thương.

Trong nghi thức này có một câu thần chú có thể giúp cho cổ họng của cô hồn lớn lên, trở lại được kích thước bình thường của một con người, đó là câu thần chú Khai Yết Hầu. Khai yết hầu chơn ngôn tức là chơn ngôn mở rộng cổ họng ra, đọc là Án bộ bộ đế, rị dà rị đa rị, đát tha nga đa da. Không phải chỉ đọc suông câu thần chú đó mà ta có thể làm cho cổ họng cô hồn trở về bình thường. Ta phải có thật nhiều kiên nhẫn, thương yêu và thông minh mới có thể giúp cho cô hồn kia phục hồi khả năng tiếp nhận hiểu biết và thương yêu. Nghi thức này dựa trên giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm là tất cả đều do tâm biểu hiện. Tâm như là một họa sĩ, có thể vẽ ra tất cả mọi sự mọi vật. Thế giới của chúng ta là do tâm sáng tạo ra. Tâm cọng đồng và tâm cá nhân. Địa ngục cũng do lòng người, tịnh độ cũng do lòng người mà phát hiện. Nếu muốn có địa ngục ta chỉ cần vẽ ra địa ngục, nếu muốn có tịnh độ ta chỉ cần vẽ ra tịnh độ và ông thợ vẽ ấy là tâm chúng ta. Tâm như họa sư (mind as painter) và cùng với nhau chúng ta có thể sáng tạo ra một tịnh độ cho chúng ta và cho những người tới với chúng ta. Cùng với nhau ta có thể sáng tạo ra một địa ngục để cùng chịu khổ với nhau và để làm khổ những người tới với chúng ta. Đó là giáo lý đầu của Hoa Nghiêm. Giáo lý thứ hai là trùng trùng duyên khởi, nghĩa là không có một hiện tượng nào chỉ biểu hiện từ một nhân duyên, phải có nhiều lớp duyên khởi trùng trùng với nhau thì mới có thể làm cho một hiện tượng biểu hiện ra được. Cái một được làm bằng cái tất cả, và cái tất cả được thấy trong cái một. Ví dụ trong một bông hoa nếu nhìn kỹ thì ta sẽ thấy tất cả vũ trụ.

Nam mô Bụt và Bồ Tát trên hội Hoa Nghiêm
Nam mô Bồ Tát Diện Nhiên Vương

Diện Nhiên Vương là một vị Bồ tát có khuôn mặt rất dữ. Diện Nhiên là bộ mặt có lửa cháy bừng. Trong những lễ cúng cô hồn người ta rất cần tới Bồ tát Diện Nhiên Vương. Thường thường một Bồ tát như Bồ tát Quán Âm thì mặt mày rất phúc hậu, tươi mát và dễ thương tại vì Bồ tát Quan Âm tượng trưng cho tình thương và sự lắng nghe. Nhưng Diện Nhiên bồ tát lại là một vị bồ tát có khuôn mặt dữ dằn. Lửa cháy từ hai con mắt, lửa bốc ra từ miệng và hai tai bồ tát cũng đang bốc lửa. Vẻ mặt bồ tát rất dữ. Tại sao một vị bồ tát lại có vẻ dữ dằn như vậy? Tại vì ở đây ta cần tới một nhân vật có thể điều phục được những thành phần thuộc vào hàng ác đạo như địa ngục và ngạ quỷ. Vì vậy cho nên phải có một nhân vật rất cứng và rất hùng mới có thể nhiếp phục được những giới đầu trâu mặt ngựa kia. Nhưng nhìn vào trong chiều sâu, người ta thấy có một tình thương rất rộng lớn và ta khám phá ra rằng bồ tát Diện Nhiên không phải là ai ngoài đức Quán Thế Âm. Đức Quan Thế Âm có thể hiện ra thành một người phụ nữ rất hiền dịu, tươi mát nhưng chính Quán Thế Âm bồ tát thỉnh thoảng cũng phải hiện ra như một Diện Nhiên dữ dằn mới có thể trị nổi những âm binh, những chúng sanh đầu trâu mặt ngựa. Hiện giờ đây chung quanh chúng ta có những thanh niên thuộc vào các băng đảng mang theo trong người những chất liệu có thể giết người. Những người ấy có cảm tưởng chưa bao giờ được thương được hiểu. Những người đó khó mà có lòng từ bi và vì vậy họ đã và đang tạo ra biết bao nhiêu tội ác, bao nhiêu là bạo động trong xã hội. Khi tới với họ ta tới bằng một khuôn mặt rất từ bi nhưng thỉnh thoảng ta cũng tới với tính cách của một người rất cứng rắn, mang luật pháp tới để cho họ được nhiếp phục. Vì lý do đó tình thương khoác nhiều hình thức khác nhau, và Diện Nhiên Vương là một hình thức rất đặc biệt. Ở Việt Nam có những người lái xe hàng thuộc về giới anh chị Cầu Muối, không sợ ai hết ‘dọc ngang nào biết trên đầu có ai’, chửi hết tất cả mọi người từ trên xuống dưới. Nhưng khi lái xe từ Sài Gòn lên Đà Lạt, đi ngang qua những khúc quanh trên núi, thấy những miếu thờ sơn đỏ họ biết rằng tại các khúc quanh này đã có nhiều chiếc xe đổ và rất nhiều người chết. Người ta đã lập miếu để thờ họ và người ta nói rằng nếu anh cứng đầu ương ngạnh thì các thần linh và những oan hồn uổng tử kia đó sẽ vặn cổ anh. Khi đi ngang những nơi ấy tự nhiên anh sẽ choáng váng hoa mắt rồi anh bẻ tay ngược để rơi xuống đó và anh cũng sẽ chết như nạn nhân đi trước đó. Vì vậy những anh chàng thiên lôi đánh không chết ấy mỗi khi lái xe ngang các nơi ấy là dở nón xuống và cúi đầu một cách rất cung kính. Miếu thờ cô hồn ở các khúc quanh đó chính là một Diện Nhiên Vương, vì vậy có thể điều phục được những tay anh chị kia mà thôi. Ngoài ra, công an, tỉnh trưởng, quận trưởng và thầy tu không điều phục được những anh chàng đó. Vậy thì Diện Nhiên Vường bồ tát là hiện thân của chúa tể các loài quỷ có khả năng điều phục được giới cô hồn ngạ quỷ, đây là một hành động gọi là đồng sự. Bồ tát nói ‘‘mày lôi thôi thì mày biết tao’’ nhưng bồ tát không nói bằng cái tâm giận hờn, trách phạt và ghét bỏ. Trong lòng bồ tát có một niềm thương rất lớn và biết rằng điều phục bọn này bồ tát phải dùng những hình thức rất kiên cường mới được. Chúng ta cần tới những nhà tù, những ông cai tù và những người cảnh sát tại vì trên thế giới có những người bạo động, gây ra án mạng, gây ra tội ác và đối với những người ấy ta phải dùng đến những biện pháp như còng tay hoặc nhốt vào trong tù, hoặc áp dẫn hoặc đưa ra tòa án. Nhưng chúng ta cũng biết rằng những người cai tù và cảnh sát khi làm những công việc như vậy phải biết sử dụng một trái tim bồ tát. Chừng nào họ làm được như thế thì ta mới yên tâm. Khi vị bồ tát hành động dưới hình thức của một người cai tù, một ông tòa, một cảnh sát thì thế giới này mới thực sự giúp đỡ được cho những thành phần bất hảo của xã hội. Tại sao họ đã trở thành những thành phần bất hảo? Tại vì họ đã không được chấp nhận bởi cha mẹ, bởi nhà thờ, bởi gia đình, bởi bè bạn, bởi xã hội.Vì họ không có cơ hội cho nên họ đã phản kháng, đã đi tìm ma túy, đã đi tìm bạo động. Chúng ta phải có những biện pháp rất cứng rắn để có thể ngăn ngừa những phần tử đó không gây thiệt hại và tội ác trong xã hội. Nhưng trong khi xử dụng những biện pháp mạnh đó ta phải có trái tim của vị bồ tát. Ta phải trao trái tim ấy cho các giới quan tòa, cảnh sát, cai tù. Hình ảnh của bồ tát Diện Nhiên Vương là hình ảnh mẫu mực của người hành động cứng rắn trong xã hội. Anh có thể là người cai tù nhưng anh vẫn có thể là một vị bồ tát. Anh có thể là một chánh án tòa thiếu nhi hay là tòa thượng thẩm nhưng anh vẫn là một vị bồ tát. Anh có thể là người cảnh sát có súng nhưng anh vẫn có thể là một vị bồ tát và súng của anh không bao giờ được sử dụng để giết người. Chúng ta phải đưa giáo lý hiểu và thương của Bụt vào trong tất cả ngõ ngách của cuộc sống xã hội. Đêm qua hồi 11 giờ khuya, Mỹ và Anh đã oanh tạc Iraq trong sáu giờ đồng hồ liên tiếp và có một số thường dân bị thương đã phải chở vào trong nhà thương. Cuộc oanh tạc này có thể tiếp tục trong những ngày tới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bạo động này chấm dứt sớm. Chúng ta cầu nguyện cho giọt nước cam lồ của bồ tát Quán Thế Âm có thể giọt xuống trong trái tim của tổng thống Clinton, của thủ tướng Tony Blair, và của nguyên thủ Sadam Hussein.

‘‘Cứu khổ Quán Âm thị hiện Tiêu Diện quỷ’’, đó là hai câu trong một bài tán trạo của nghi thức chẩn tế. Đức Quán Âm cứu khổ thị hiện ra quỷ Tiêu Diện. Quỷ Tiêu Diện tức là một quỷ sứ lãnh đạo quỷ sứ, cái mặt của Tiêu Diện cháy rần rần và chỉ có một vị lãnh đạo quỷ sứ mới có thể cai trị được quỷ sứ, cũng như chỉ có một thủ lĩnh của băng đảng mới cầm đầu được băng đảng. Cho nên đức Quán Thế Âm bồ tát đã thị hiện ra là một vị lãnh đạo của quỷ sứ. Tiêu Diện là ông Tiêu. Ở các chùa chúng ta thường thấy tượng của Tiêu Diện đại vương cầm một lá cờ và thống lãnh các đoàn quỷ sứ đi sau. Chỉ có Tiêu Diện đại vương mới giữ được cho bọn quỷ sứ ở phía sau lưng đi đứng có trật tự để tới tham dự vào Pháp hội cúng dường tổ chức tại chùa, để cho các giới ngạ quỷ và cô hồn được dịp nghe kinh, tiếp nhận những thức ăn nhà chùa cúng dường để mà chuyển hóa và sanh về tịnh độ. Vai trò của Tiêu Diện đại vương hay là của quỷ Tiêu Diện rất quan trọng. Tiêu Diện hình thức rất dữ dằn nhưng nội dung là tình thương.

Lửa dữ bừng bừng cháy bốn bên
Cô hồn nóng bức khổ triền miên
Cô hồn nếu muốn sinh tịnh độ
Hãy lắng nghe đây kệ Bụt truyền

Đây là cảnh của địa ngục. Địa ngục có lửa, không những lửa cháy ở một bên mà cháy luôn cả bốn bên. Sự thực là lửa đang cháy ở lòng người, tất cả chúng ta những người nào đã từng trải qua những giai đoạn khổ đau thì đã biết thế nào là địa ngục, và địa ngục kia không phải chỉ cháy một bên mà cháy luôn bốn phía và ta không có đường thoát. Nó như một lòng chảo và dù có muốn thoát ta cũng không thoát được. Những lúc đó chúng ta hết sức cô đơn. Chúng ta mong có một vị bồ tát đi xuống để kéo ta ra khỏi biển lửa kia. Đó là hỏa ngục. Có một Phật tử từ Việt nam viết thư cho thầy ‘‘Bạch Thầy, hồi khuya con thấy Thầy tới và Thầy bắc một chiếc thang cho con leo ra khỏi cái chỗ mà con đang bị giam hãm.’’ Người Phật tử đó đã từng gặp Thầy ba mươi mấy năm về trước. Đã từng được dịp tu học nhưng sau đó lại đã rơi xuống địa ngục của đau khổ, và trong giấc mơ anh đã thấy thầy đem thang tới để anh có thể leo lên. Chúng ta cũng vậy, trong những khi bị bủa bây bởi khổ đau, bởi lửa dữ, chúng ta thường mong có một vị bồ tát tới thả một sợi dây hoặc bắc một cái thang để chúng ta có thể thoát ra. Vị bồ tát đó là ai? Đó là một câu hỏi. Và chúng ta có thể là vị bồ tát đó đối với một người khác hay đối với chính ta. Khổ triền miên là khổ không bao giờ chấm dứt. Địa ngục là nơi ngược với tịnh độ. Những vùng trong đó chúng ta bị kẹt vào. Kẹt không hẳn là do người khác lùa ta vào mà chính là do ta đã tìm tới những chỗ đó. Những vùng xì-ke ma túy, những vùng hận thù, băng đảng, tất cả những vùng đó có thể là chính chúng ta đã tìm tới. Chúng ta đã tự muốn tìm tới những chỗ đó chứ không phải là người ta đã lùa và nhốt chúng ta vào những vùng đó. Một cuộc nhân duyên, một sự kết hợp giữa hai người với nhau có thể đã trở thành ra một vùng hỏa ngục và vùng hỏa ngục đó là do chính hai người tạo tác. Bây giờ chúng ta muốn thoát ra và đi tới một nơi không có lửa cháy như vậy, một nơi mà ta có thể bước những bước nhẹ nhàng, an nhiên, thảnh thơi, vững chãi: đó là tịnh độ. Khi đang ở trong hỏa ngục người ta rất khao khát tịnh độ và tìm mọi cách để thoát ra khỏi hỏa ngục để có thể bước vào tịnh độ. Và cô hồn nếu muốn sinh lên tịnh độ thì phải lắng nghe và hiểu một câu nói của Bụt. Đó là bài kệ mở đầu nghi cúng cháo. Lời kệ này rất quan trọng. Quan trọng cho đến nỗi trước khi đọc kệ ta phải có một lời khai thị. Tới bài kệ ấy thì phải tụng với tất cả tâm hồn của chúng ta. Bài kệ ấy được trích trong kinh Hoa Nghiêm nên chúng ta đã bắt đầu nghi thức này bằng câu: Nam mô Bụt và Bồ Tát trên hội Hoa Nghiêm.

Nếu ai muốn thấy và muốn hiểu
Chư Bụt có mặt trong ba đời
Người ấy phải quán chiếu pháp giới
Tất cả đều do tâm mà thôi

Người đem sợi dây hay là cái thang tới để cứu ta ra khỏi hỏa ngục là ai? Là Bụt. Nếu muốn thấy Bụt, hiểu Bụt thì phải nhìn cho kỹ tất cả những gì xung quanh ta và trong ta để thấy được sự thật là tất cả đều do tâm ta sáng tạo ra hết, trong đó có địa ngục của ta. Địa ngục của ta là do ai tạo tác? Do tâm ta tạo tác ra. Đó gọi là duy tâm. Nguyên văn chữ Hán:

Nhược nhân dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo.

Bài kệ 28 chữ của tiếng Việt là được dịch từ bài kệ 20 chữ trong kinh Hoa Nghiêm. Liễu tri là biết cho tận gốc, biết tường tận. Người nào muốn biết một cách tường tận thế nào là các đức Bụt trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai thì cần phải nhìn sâu vào bản chất của pháp giới. Thường thường chúng ta phân biệt thế giới (lokadhatu) và pháp giới (dharmadhatu). Thế giới cũng là pháp giới, nhưng thế giới là cái mà người phàm trông thấy còn Pháp giới chỉ người giác ngộ mới trông thấy. Trong thế giới của người thường thì cái này nằm ở ngoài cái kia, và vạn vật có có có không, có tới có đi, có sanh có diệt. Còn người giác ngộ nhìn vào trong thế giới thì không thấy thế giới mà chỉ thấy Pháp giới, tức là thấy được tính duyên sinh của mọi sự mọi vật. Cái này không nằm ngoài cái kia mà cái tất cả nằm trong cái một và cái một trong cái tất cả. Thấy được như vậy là thấy được Pháp giới. Còn nếu thấy có sự chia rẽ, có sự cô đơn, có sự kỳ thị thì cái đó còn là thế giới. Tâm không giác ngộ thì chỉ thấy thế giới, còn tâm giác ngộ thì thay vì thấy thế giới ta thấy được Pháp giới. Chúng ta phải biết rằng địa ngục mà trong đó chúng ta đang sống là một sáng tạo của tâm thức cá nhân và cộng đồng và chúng ta có thể thoát ra được. Nếu tâm tạo ra địa ngục thì tâm cũng có thể làm ngưng địa ngục. Nếu chúng ta làm cho tâm tịnh độ phát hiện thì tự nhiên tịnh độ sẽ phát hiện. Chán ghét hỏa ngục, mong ước tịnh độ thì tự nhiên tâm ta sẽ hướng về tịnh độ. Quay lưng lại địa ngục và xoay mặt về tịnh độ, thì thế nào tịnh độ cũng hiện tiền. Đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm. Là người cúng cháo, là người hành trì, ta phải nắm cho vững giáo lý này, tại vì chính tâm thức của ta mới khai thị được nẻo thoát cho cô hồn. Cô hồn là những người đói khát, khổ đau và cô đơn và vì thế ta phải làm thế nào để giúp cho cô hồn mở mắt ra được và mở cổ họng ra được. Vai trò của chúng ta rất quan trọng, vai trò của chúng ta phải là vai trò của bồ tát Quan Thế Âm. Chúng ta phải có kiên nhẫn, phải có định lực. Trong nghi thức cúng cháo ta phải tụng với tất cả tâm chí thành của mình. Ta phải hoàn toàn có mặt, phải đọc những câu kinh và những câu chú hết sức vững chãi, và an trú trong định. Trong khi cúng cháo nếu tâm ta vướng bận sự buồn giận thì rất tội nghiệp cho cô hồn và nhất là tội nghiệp cho chúng ta. Tại vì chúng ta đang làm như một cái máy, chỉ làm được phần hình thức mà thôi.
Trên đây là phần khai thị giáo lý siêu tuyệt của Bụt trong kinh Hoa Nghiêm. Bây giờ đến phần trì chú. Câu thần chú đầu tiên là chân ngôn phá địa ngục. Chúng ta biết rằng địa ngục này đã được sáng tạo bằng tâm thì muốn phá địa ngục đó ta cũng phải phá bằng tâm chứ không phải bằng bom đạn.

Chân Ngôn Phá Địa Ngục
Án dà ra đế da ta bà ha

Đang ở địa ngục thì ta phải tham gia vào việc phá địa ngục. Người thương của ta đang ở địa ngục thì ta phải tới phá địa ngục và đưa người ấy ra. Địa ngục không phải là chuyện trong tương lai, địa ngục là chuyện hiện tiền, vì khi chúng ta rơi vào trong giận dữ, ganh tị và tuyệt vọng là chúng ta đã rơi vào địa ngục lửa cháy. Chúng ta phải tìm cách thoát ra địa ngục liền lập tức và thoát bằng nẻo của tâm vì chính tâm đã làm ra địa ngục thì chính tâm sẽ phá được địa ngục. Địa ngục Hỏa Lò, khám Chí Hòa cũng từ tâm mà ra cả. Trong liên hệ giữa ta với người kia nếu ta đã tạo ra một hỏa ngục thì cả hai phải biết dùng tâm để phá hỏa ngục đó mà thoát về tịnh độ. Và ta có những vị bồ tát trong ta và chung quanh ta để giúp ta làm chuyện đó. Địa ngục đó ở ngay trong tâm ta, ta đừng than vãn là địa ngục đó đã được xây dựng bởi một người khác. Chính ta đã góp phần chủ động xây dựng địa ngục đó cho ta. Người ta đã cảnh cáo, nhưng ta đã cứ khăng khăng đi vào đó, nghĩ rằng chỉ có đi về hướng đó mới có hạnh phúc. Cái không phải là hạnh phúc mà ta gọi là hạnh phúc, cái không phải là tự do mà ta tưởng là tự do, đó gọi là điên đảo. Sau khi phá địa ngục rồi thì ta tụng chân ngôn tiếp theo là Chân

Ngôn Phổ Triệu Thỉnh:
Nam mô bộ bộ đế rị dà rị đa rị đát tha nga đa da

Phổ triệu thỉnh là mời hết, không chừa ai. Tất cả những người khổ, tất cả những loài đang khổ đau, dù là trong địa ngục nào, ta cũng thỉnh mời hết tại vì cúng dường đây là cúng dường không phân biệt. Da trắng cũng mời, da đen cũng mời, da vàng cũng mời, da đỏ cũng mời, không kỳ thị. Tinh thần của buổi cúng cháo là tinh thần vô già. Vô già là không ngăn, không tạo ra một trở lực nào cho bất cứ ai. Mở hết cửa, tất cả mọi người đều được vào hết, đều có cơ hội như nhau. Khi chúng ta tổ chức một đàn chay hay một cuộc chẩn tế thì đàn chay đó và cuộc chẩn tế đó được gọi là Vô Già Hội. Cũng như hiện bây giờ các thầy và các sư cô đang cứu trợ nạn lụt ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi với sự hợp tác của Làng Mai. Sự cứu trợ đó mở rộng ra cho tất cả mọi người. Người Phật tử cũng được cứu trợ, người Thiên chúa cũng được cứu trợ, đàn ông, đàn bà, trẻ em đều được cứu trợ hết không chừa ai, đó gọi là vô già. Sau đó ta

tụng đến Chân Ngôn Mở Oan Kết:
Án, tam đà ra già đà ta bà ha.

Oan kết là những sợi dây oan ức. Giải oan là một danh từ rất phổ thông trong đạo Bụt. Ta đang lái xe một cách thảnh thơi thì bị một người say đụng vào xe ta. Ta chết, con ta chết, vợ ta chết, để lại cha mẹ không ai chăm sóc, đó là một cái oan. Chúng ta không làm nên tội lỗi gì mà tự nhiên bị lên án chung thân khổ sai. Những cái oan như vậy xảy ra khắp nơi. Chúng ta đang còn trẻ mà tự nhiên bị lâm vào vòng ma túy, tiêu diệt cả cuộc đời, cả thân tâm chúng ta, đó là một cái oan. Những oan ức trong cuộc đời rất nhiều. Những oan ức đó không phải là không có lý do. Chúng ta đã vì dại dột, chúng ta đã không có điều kiện tốt cho nên những thống khổ, những sợi dây oan nghiệt kia đã tới cột vào, và chúng ta không thoát ra được nữa. Thần chú này là để cởi ra những sợi dây oan. Chúng ta đã tạo ra những nhân gì trong quá khứ để bây giờ chúng ta tiếp nhận oan khổ. Khi tạo ra những oan khổ cho người chúng ta thường không biết, bây giờ đây những sợi dây oan khổ đó trở lại cuốn vào chúng ta. Oan khổ này tiếp nối oan khổ khác. Oan oan tương báo. Bất cứ một hành động nào, một lời nói nào hay một cử chỉ nào gây đau khổ cho người cũng đã lên đường tiếp tục gây đau khổ cho người kia, và gây đau khổ trở lại cho chúng ta, rồi gây đau khổ liên tiếp cho con cháu người kia và cho con cháu chúng ta. Cứ như vậy nỗi oan kéo dài. Hận thù tiếp diễn, hận thù đó chúng ta có thể thấy ngay trong thế giới hiện tại. Giữa những người Palestine và những người Israel, giữa những người Hindu và những người Muslim, giữa người da trắng và da đen, giữa dòng họ này và dòng họ khác, giữa dân tộc này và dân tộc khác. Bên Anh, Mỹ, Âu Châu, Á Châu, Phi Châu nơi nào cũng có những oan ức triền miên kéo dài từ đời này sang đời khác. Bụt dạy rằng nếu muốn chấm dứt oan khổ phải dùng từ bi, nếu giải quyết oan khổ bằng oan khổ thì oan khổ không bao giờ chấm dứt được. Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng, lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan. Nếu chúng ta lấy sự oán hận để đáp lại oán hận thì oán hận ấy sẽ kéo dài bất tuyệt, còn nếu biết lấy đức từ bi và hiểu biết mà đáp ứng với cái oán thì oán đó sẽ tiêu tan, đó là giáo lý của Bụt. Dĩ đức báo oán. Lấy tình thương đối lại hận thù thì ta có thể chấm dứt được luân hồi của hờn oán và đó là chân ngôn mở oan kết. Chúng ta phải dùng sự hiểu biết và thương yêu để đáp ứng lại hận thù và bạo động thì đó mới đúng với lời Bụt dạy và chỉ khi nào chúng ta nghĩ được và làm được như vậy thì câu thần chú này mới thành ra hiện thực mà thôi. Ba câu thần chú này phải tụng lên bằng tất cả tuệ giác của chúng ta mới được. Khi chúng ta tụng ba câu thần chú đó thì hạt giống từ bi, hiểu biết và thương yêu trong chúng ta được tưới tẩm và từ trong chúng ta tỏa ra năng lượng của Bụt và của các vị bồ tát. Lúc đó các cô hồn mới có thể tiếp nhận được mà thôi. Quyền quyết định là ở người cúng cháo. Trước hết ta phải có năng lực định cho thật mạnh để có thể phá địa ngục, nếu người cúng cháo đang ở trong địa ngục thì không có cách gì mà phá được địa ngục cho người khác. Cũng như khi đang đứng trong một cái lu thì ta không thể vần cái lu đi chỗ khác được. Muốn vần cái lu đó đi thì chúng ta phải nhảy ra ngoài cái lu. Đó là một hình ảnh thường dùng của người Việt. Cũng vậy, anh là người muốn phá địa ngục cho người khác thì anh phải thoát ra khỏi địa ngục của anh trước. Muốn mở những sợi dây oan của người khác thì những sợi dây oan khổ của mình ta phải mở ra trước. Nghĩa là chúng ta phải có từ bi và không chất chứa hận thù nữa. Không hận thù cha, mẹ, không hận thù cuộc đời thì lúc đó ta mới có thể mở miệng ra đọc được câu thần chú giải oan.

Nam mô Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm

Đây là niệm Pháp, vì kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra) là cơ bản của sự thực tập cúng dường này. Thay vì niệm Bụt trước thì ta niệm Pháp trước. Phương Quảng (Vaipulya) là rộng lớn, ‘‘Đại Phương Quảng’’ là rất rộng lớn. Phương Quảng đối với A-hàm. A-hàm thường được gọi là bước đầu, dạy cho những người tân học, Phương Quảng là mở rộng ra, chỉ bày những chân trời giáo pháp rộng lớn hơn. Hoa Nghiêm tức là làm cho đẹp, làm cho trang nghiêm bằng hoa, trang điểm Bụt bằng hoa.

Nam mô Bụt thường trú mười phương
Nam mô Pháp thường trú mười phương
Nam mô Tăng thường trú mười phương

Những câu niệm Bụt này là để hướng dẫn cho các cô hồn biết hướng về Tam Bảo, tại vì địa ngục đã phá rồi, cô hồn đã được triệu thỉnh tới đầy đủ rồi, những nỗi oan kết đã có thể mở ra và bây giờ niệm Bụt để cho tâm tư cô hồn thanh thản lại. Thường trú nghĩa là luôn luôn có mặt. Bụt không phải chỉ có mặt trong quá khứ và ở một địa phương. Bụt có mặt trong hiện tại và ngay trong địa phương này. Bụt đã vậy, mà Pháp và Tăng cũng vậy, luôn luôn có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây.

Nam mô Đức Bụt Thích Ca Mâu Ni
Nam mô Đức Bồ Tát Đại Bi Quán Thế Âm
Nam mô Đức Bồ Tát Cứu Khổ Địa Tạng Vương
Nam mô Đức Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà

Địa Tạng Vương là một vị bồ tát có nguyện lớn là nơi nào có địa ngục thì nơi đó bồ tát phải có mặt. Danh hiệu của bồ tát là Địa Tạng Vương. Minh tức là cõi u minh, nghĩa là cõi âm, minh này không có nghĩa là sáng. Dương tức là cõi trần thế. Người cứu độ cho cả cõi âm và cõi dương được gọi là Minh Dương Cứu Khổ Địa Tạng Vương. Hình ảnh của bồ tát Địa Tạng Vương là một hình ảnh tiêu biểu, vì chính ở đây sự đối tượng cúng dường, đối tượng của tình thương và của sự thực tập là những người cô hồn. Vì vậy bồ tát Địa Tạng Vương đóng một vai trò quan trọng. Sự đau khổ đó có mặt trong cả cõi dương và cõi âm. Cõi dương nằm trong cõi âm và cõi âm nằm trong cõi dương. Đó là giáo lý tương tức. Cõi dương cũng như cõi âm đều nằm trong cõi dương hết. Trong chùa mỗi khi thỉnh chuông đại hồng chúng ta hay xướng bài kệ:

Hồng chung sơ khấu
Bảo kệ cao âm
Thượng triệt thiên đường
Hạ thông địa phủ.

Nam mô u minh giáo chủ Địa Tạng Vương Bồ Tát!

Hồng chung sơ khấu tức là chuông lớn vừa mới khua lên. Bảo kệ cao âm là bài kệ quí báu đã được xướng lên. Thượng triệt thiên đường là phía trên thì tiếng chuông lên tới thiên đường. Hạ thông địa phủ là phía dưới tiếng chuông đi thẳng tới địa ngục. Chúng ta dịch bài kệ trên là:

Chuông đại hồng mới vọng
Tiếng kệ xướng đã vang
Trên vọng tới thiên đường
Dưới thông về địa phủ.

Nam mô Đức Bồ Tát Địa Tạng giáo chủ cõi u minh!

Chúng ta làm như thỉnh chuông chỉ là để cho cõi trời và cõi âm nghe thôi, còn với chúng ta thì chuông này không có hiệu lực gì. Thỉnh chuông như vậy là chỉ thỉnh cho cõi trời và cõi địa ngục. Chúng ta biết rằng trên cõi thiên nghe tiếng chuông thì chư thiên rất lấy làm hạnh phúc. Vì sao? Vì họ biết rằng họ đang ở trong một hoàn cảnh rất may mắn. Dưới cõi âm mà nghe tiếng chuông thì người ta thức tỉnh, bớt khổ đau, người ta biết niệm Bụt và có hy vọng thoát ra khỏi khổ đau. Còn chúng ta người cõi dương tại sao không nói tới? Bây giờ có những nơi đạo Phật chỉ phục vụ cho người chết. Người ta tới chùa không phải để tu tập mà chỉ để làm đám. Người ta gọi đó là funeral Buddhism, chuyện đó đã xảy ra mọi nơi nhất là ở Nhật Bản. Đạo Phật không phục vụ nhiều cho người sống, chỉ chuyên phục vụ cho người chết. Điều này ta cần để ý. Câu Nam Mô Minh Dương Cứu Khổ rất quan trọng. Minh dương tức là cả cõi âm và cõi dương. Tiếng chuông trước hết là được thỉnh cho cõi dương và nghi thức cúng cháo này tuy gọi là cúng cho cô hồn nhưng kỳ thực những cô hồn sống cũng rất cần tới chúng ta. Quanh ta có biết bao nhiêu cô hồn đang đói khát, đang khổ đau, đang ở trong địa ngục, cho nên chúng ta phải trở về, phải thấy địa ngục ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Cúng cháo không phải chỉ là hướng về cõi u minh mà còn là để nhận thấy tình trạng hiện tại của thế giới. Đừng đi tìm cô hồn đâu xa, ta hãy nhận ra cô hồn ngay trong bản thân ta và chung quanh ta. Khải giáo tức là mở ra giáo pháp. Tại vì đức A Nan đã là một nguồn cảm hứng để Bụt tuyên dạy nhiều giáo lý mầu nhiệm trong đó có giáo lý cứu bạt diệm khẩu cô hồn. Trong kinh Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni Thần Chú do thầy Bất Không đời Đường dịch có câu chuyện sau đây: một hôm thầy A Nan đang ngồi thiền trong chỗ vắng, có một con quỷ hiện ra, mặt cháy bừng bừng. Con quỷ đó tên là Diện Nhiên. Quỷ nói ‘‘Thầy biết không, trong ba ngày nữa thầy sẽ chết và thầy sẽ rơi xuống hỏa ngục.’’ Thầy A Nan sợ quá, tự hỏi bây giờ phải làm sao? Tại sao thầy A Nan phải sợ? Thầy là đệ tử Bụt, nghe giáo pháp mỗi ngày, tu tập mỗi ngày nhưng tại sao lại bị một con quỷ Diện Nhiên dọa nạt như vậy? Thầy A Nan hồi đó còn trẻ. Khi còn trẻ ta cứ nghĩ rằng ta sẽ trẻ hoài, sẽ không bao giờ già đâu, thành ra ta buông thả, không chịu tu tập cho đàng hoàng, phụ lòng thầy, phụ lòng tăng thân, vì vậy quỷ Diện Nhiên đã hiện ra cho biết là nếu tu hành kiểu đó thì mai mốt chết đi rơi xuống địa ngục đó là chuyện rất thường. Quỷ nói có cách là thầy phải tu tập rất nhiều từ bi, phải cúng dường cho kẻ đói khát. Thầy A Nan về bạch Bụt, Bụt nói: ‘‘Không sao đâu, để thầy chỉ cho.’’ Rồi Ngài dạy về phương pháp cúng dường và độ cho giới ngạ quỷ, từ đó về sau ta có truyền thống cúng cô hồn. Vì vậy thầy A Nan đã có được công đức khải giáo, nghĩa là mở bày được ra giáo pháp đó. Khải là mở ra. Như vậy trong phần niệm danh hiệu ta cần niệm kinh Hoa Nghiêm, niệm Tam Bảo thường trú trong mười phương, niệm các đức Thích Ca, Quán Âm và Địa Tạng và cuối cùng là đức A Di Đà nghĩa là tất cả những người có liên hệ trực tiếp tới nghi thức cúng cháo. Bây giờ đến phần sám hối và phát nguyện nghĩa là phần chuyển hóa. Chúng ta hướng dẫn cô hồn sám hối, vì sám hối và chuyển hóa là tiếp tục tháo mở những sợi dây oan kết đang thắt chặt trái tim của chúng ta và giam giữ chúng ta trong địa ngục. Và chúng ta biết rằng đối tượng của sự khai thị này không phải chỉ là cô hồn mà còn hai giới khác là giới Phật tử và giới hữu tình. Cô hồn là giới thứ ba nhưng không phải là giới ít quan trọng nhất (last but not least). Nghi thức này không quên những giới không phải cô hồn nhưng cũng khổ gần như cô hồn vậy, trong đó có giới Phật tử. Là Phật tử nhưng không tu hành đàng hoàng. Phật tử tức là những người có gia đình huyết thống và gia đình tâm linh nhưng không tu hành đàng hoàng, vì vậy đau khổ của Phật tử có thể sâu đậm như đau khổ của cô hồn.
Phật tử đã tạo ra nghiệp xấu

Có những Phật tử thành công trong sự tu tập nhưng có những Phật tử không thành công và cũng gánh chịu nhiều đau khổ. Vì vậy họ cũng cần cũng được khai thị để sám hối, phát nguyện, chuyển hóa và lìa xa địa ngục. Bởi vì Phật tử cũng có thể rơi vào địa ngục nếu không tu hành đàng hoàng. Nguyên văn là ác nghiệp, dịch là nghiệp xấu. Nghiệp xấu là những hành động, những tư duy và những lời nói tạo ra sự đổ vỡ. Khi giận, khi ghen, khi tức, khi u mê, ta nói những điều thất nhân ác đức, nghĩ và làm những điều rất tiêu cực. Đôi khi chúng ta muốn người kia chết đi cho khỏe và ta có thể giết người bằng tư tưởng của chúng ta. Không phải chỉ có cô hồn đã làm như vậy mà Phật tử thỉnh thoảng cũng đã làm như vậy. Chúng ta tự nhận là đệ tử của Bụt nhưng vì tham sân si, thỉnh thoảng chúng ta cũng tạo tác những nghiệp nhân như vậy. Chúng ta làm như vậy đối với cha mẹ, với thầy, anh, chị, em của chúng ta bằng nghiệp xấu.

Cũng vì tâm niệm tham sân si

Vì thèm khát, vì giận hờn và u mê mà chúng ta đã tạo những nghiệp xấu. Khi tụng câu này ta phải thấy rằng chính ta cũng có thể làm như vậy và trong khi ta trì tụng không những giới cô hồn với giới Phật tử được chuyển hóa mà chính trong chúng ta cũng chuyển hóa. Có sự chuyển hóa trong tâm chúng ta thì mới có được sự chuyển hóa ở chung quanh ta.

Từ thân, miệng, ý mà sinh ra
Tất cả Phật tử đều sám hối.

Phật tử là giới trong đó có ta. Vì vậy cho nên người cúng cháo cũng phải sám hối đồng thời với giới Phật tử. Bây giờ chúng ta lặp lại câu kệ đó với các loài hữu tình, nghĩa là tất cả mọi loài. Hữu tình (sentient being) là tất cả những hình thức của sự sống. Chúng ta không phải chỉ cúng cho giới Phật tử. Tuy ta không kỳ thị, nhưng vì thuộc về gia đình Phật tử cho nên chúng ta mời gọi giới Phật tử trước.

Mọi loài đã tạo ra nghiệp xấu
Cũng vì tâm niệm tham, sân, si
Do thân, miệng, ý phát sinh ra
Tất cả mọi loài đều sám hối.

Hữu tình ngược với vô tình. Tiếng phạn là satva. Bây giờ ta khai thị cho và sám hối với cô hồn.

Cô hồn đã tạo ra nghiệp xấu
Cũng vì tâm niệm tham, sân, si
Do thân, miệng, ý phát sinh ra
Tất cả cô hồn đều sám hối.

Chúng ta tụng bài kệ này là để hướng dẫn cho cả ba giới sám hối và trong khi đó chúng ta cũng phải chí thành sám hối thì mới thành công được. Nghi thức này không phải chỉ để cho cô hồn, mà còn cho chúng ta và cho những người khác đang nghe kinh, những người chung quanh chúng ta. Sau khi sám hối rồi chúng ta thực tập phát nguyện.

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Phát nguyện tức là đem một nguồn năng lượng vào trong cơ thể và trong tâm hồn của mình. Khi chúng ta là những cô hồn vất vưởng thì chúng ta không có nguồn năng lượng nào hết. Không có sức sống, ta thấy thân tâm rã rời vì đối với ta cuộc đời không nghĩa lý gì cả. Ở đây người hành giả tìm cách tạo tác ra một nguồn năng lượng. Trông thấy cái đau khổ của mọi loài như vậy ta muốn thoát ra, muốn vươn lên, muốn cứu trợ, vì vậy mục đích của câu này là làm phát khởi bồ đề tâm trong mỗi cô hồn, mỗi chúng sanh. Vì sao vậy? Tuy cô hồn dữ dằn như vậy, đầy dẫy nghi ngờ như vậy nhưng trong lòng họ vẫn có hạt giống của Phật pháp, của bồ đề tâm và ta phải đại diện cho Bụt và các vị bồ tát để chỉ cho họ biết rằng trong tâm họ cũng có những hạt giống tốt lành đó. Khi họ tiếp xúc được hạt giống bồ đề tâm thì tự nhiên một nguồn năng lượng ở trong con người họ bừng dậy và chính nguồn năng lượng đó sẽ làm cho họ thoát ra khỏi cảnh địa ngục và đi về các cõi tịnh độ. Đây là bốn lời nguyện lớn gọi là Tứ Hoằng Thệ Nguyện (the four great vows). Bốn lời thề lớn này làm cho năng lượng bồ đề tâm sung mãn và chính năng lượng này đưa chúng ta ra khỏi thế giới của địa ngục. Chúng ta thấy địa ngục này dày, rộng, không thể nào thoát được, nhưng chính năng lượng của bồ đề tâm sẽ đưa chúng ta thoát ra khỏi địa ngục đó. Chúng ta thấy rất rõ rằng giáo lý duy tâm trong này: tất cả đều do tâm. Nhiều khi ta có khuynh hướng chịu thua và buông xuôi nhưng khi được khai thị thì hạt giống của bồ đề tâm được tưới tẩm và chúng ta lại có năng lượng lớn và chính năng lượng đó đẩy chúng ta ra khỏi địa ngục.

Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ
Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn
Tự tánh pháp môn thệ nguyện học
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.

Cô hồn có thể nghi ngờ tại sao họ lại có thể làm được chuyện đó? Tại sao tôi có thể độ hết chúng sanh, đoạn hết phiền não, học được tất cả các pháp môn, thành tựu được cái vô thượng chánh đẳng chánh giác? Mọi người ai cũng có hạt giống nghi ngờ trong tâm. Chúng ta phải khai thị rằng khả năng đó, hạt giống của bốn hoằng thệ nguyện đó có sẵn trong tự tánh của mọi chúng sanh. Chúng ta không cần đi kiếm cái đó ở đâu xa. Chính trong mỗi người, mỗi cô hồn đều có tự tánh của sự thành Phật, của sự độ tha. Vì vậy ngay trong nghi thức cúng cháo này giáo lý đại thừa được thể hiện rất sâu sắc.

Sau khi hướng dẫn cho các giới cô hồn sám hối và phát nguyện rồi ta thực tập đến phần cúng dường. Chú đầu là chú diệt định nghiệp.

Chân Ngôn Diệt Định Nghiệp:
Án bát ra mạt lân đà nảnh ta bà ha

Diệt định nghiệp tức là phá bỏ cái nghiệp coi như là tiền định. Nghiệp riêng và nghiệp chung mà chúng ta đã gây ra và đã đưa chúng ta tới nẻo đường đen tối và khổ đau của hôm nay. Và chúng ta nghĩ rằng đó là định nghiệp, một hoàn cảnh không thể nào thoát ra khỏi được. Nhưng khi có sự can thiệp của chánh pháp, của tăng đoàn và của chư Bụt thì nghiệp quả đó lại có thể phá bỏ được và chúng ta có thể thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Nghiệp có hai thứ, một là nghiệp nhân, hai là nghiệp quả. Nghiệp nhân là những gì chúng ta tạo tác ra và nghiệp quả là những gì chúng ta phải gặt hái. Gieo gió thì phải gặt bão. Nhưng nếu có sự can thiệp của Bụt, Pháp, Tăng vào đó thì có thể có sự thay đổi. Giống như khi trồng bắp mà trời cứ tiếp tục nắng thì bắp sẽ cháy, sẽ khô, nhưng nếu chúng ta can thiệp bằng cách tưới thì cũng có thể tránh được tình trạng đồng bắp bị khô cháy. Đó là sự can thiệp của yếu tố từ bên ngoài, mà sự can thiệp đó là sự can thiệp của tăng đoàn, của giáo pháp và của đức Thế Tôn.

Chân Ngôn Diệt Nghiệp Chướng
Án a lỗ lặc kế ta bà ha

Chướng tức là những trở ngại, những chướng ngại. Trên bước đường tu tập giải thoát chúng ta thấy có những chông gai và chướng ngại thiết lập ra trước mặt ta. Ví dụ chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ, không có cơ hội để tới với tăng thân, với sự tu tập. Chúng ta bị cái này hay cái khác kéo đi và điều ao ước lâu ngày của chúng ta là tới với tăng thân để tu tập đã không thực hiện được qua bao nhiêu tháng năm. Đó là một trong những yếu tố làm chướng ngại sự tu học, sự thành công, sự chuyển hóa của chúng ta. Những chướng ngại đó có thể vượt qua được để chúng ta có cơ hội thành tựu được những ước muốn sâu sắc của chúng ta. Câu chân ngôn này là câu chân ngôn diệt nghiệp chướng, tức là tháo bỏ tất cả những chướng ngại trên con đường đi của mình. Chân ngôn là những thần chú khi đọc lên có tác dụng thay đổi được tình trạng. Những linh chú như câu gate gate paragate parasamgate bodhi svaha là những chân ngôn rất phổ cập. Nguyên tắc của sự thực tập là khi chúng ta đọc lên một câu chân ngôn thì ba nghiệp ta phải thanh tịnh và hợp nhất. Thân khẩu ý hoàn toàn phối hợp với nhau trong một trạng thái thiền định vững chãi thì câu chân ngôn đó mới có kết quả. Nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn có mặt, thân tâm hợp nhất thì câu chân ngôn đó mới có hiệu quả. Có một tông phái gọi là Chân Ngôn Tông. Tông phái này cho sự thực tập chân ngôn là quan hệ nhất. Đó cũng là Mật Tông.

Chân Ngôn Mở Rộng Yết Hầu:
Án bộ bộ đế rị dà rị đa rị đát tha nga đa da

Chúng ta đã biết rằng các cô hồn và quỷ đói bụng rất lớn mà cổ họng rất nhỏ. Trong buổi cúng cháo, chúng ta phải đọc câu chân ngôn mở rộng yết hầu với tất cả lòng từ bi. Người kia đầy nghi kỵ và ta phải làm thế nào cho người kia có niềm tin rằng tình thương là một cái gì có thiệt, sự hiểu biết và cảm thông cũng thế. Vì vậy câu chân ngôn này rất quan trọng.

Chân Ngôn Tam Muội Da Giới
Án tam muội da tát đỏa phạm

Chúng ta nên biết rằng nghi thức cúng cháo này đã phát sinh từ truyền thống Mật tông, vì vậy các câu chú này đều mang màu sắc Mật giáo. Tam muội da giới là một phép tiếp nhận năng lượng chánh niệm trước khi chúng ta có thể tiếp nhận phép quán đỉnh. Trong Mật tông phép quán đỉnh rất quan trọng, tức là phép rót nước tịnh lên đầu. Muốn tiếp nhận phép quán đỉnh thì trước hết phải tiếp nhận phép tam muội da giới. Đây cũng là mở cửa để cho các cô hồn và quỷ đói có thể có cơ hội gia nhập vào trong đoàn thể của những người tu học.

Chân Ngôn Biến Thực:
Nam mô tát phạ đát tha nga đa phạ lồ chỉ đế.
Án, tam bạt ra, tam bạt ra hồng

Chân ngôn biến thực tức là chân ngôn nương vào thần lực của Bụt và Bồ Tát để làm cho số lượng thức ăn đang dâng cúng trở thành ra đầy đủ cho mọi thành phần tới tham dự. Đọc ngang đây chúng ta nhớ tới câu chuyện trong thánh kinh Cơ Đốc Giáo. Một lần kia có nhiều người tới trình diện mà chúa Kitô chỉ có hai ổ bánh mì và năm con cá. Nhưng Chúa đã xử dụng hai ổ bánh mì và năm con cá đó để làm cho tất cả mọi người có mặt đều có đủ thức ăn. Trong kho truyện truyền kỳ của Việt Nam có một anh chàng tên là Thạch Sanh. Anh chàng có một nồi cơm rất nhỏ và không biết anh ta đã học được phương pháp nào đó và với cái nồi cơm nhỏ như vậy mà anh có thể xới cơm cho biết bao nhiêu binh lính ăn mà không hết, và đó cũng là khả năng biến thực, nghĩa là khả năng làm cho no đủ tất cả mọi người với một số lượng thực phẩm giới hạn.

Pháp Bụt thật phi thường
Bảy hạt đầy mười phương
Cúng dường khắp tất cả
Từ bi không biên cương.

Bài kệ này thường được dùng để chú nguyện trước khi xuất sinh trong các buổi cơm nghi lễ quá đường. Thần lực của Bụt rất phi thường, chỉ cần bảy hạt cơm thôi mà thực phẩm được biến thành vô số. Pháp giới rộng vô lượng nhưng bảy hạt cơm đó có thể là thức ăn cho tất cả chúng sanh, lý do là lòng thương không ngằn mé, không bờ bến. Chúng ta biết rằng hễ có tình thương thì cái gì cũng giải quyết được hết, mà không có tình thương thì cái gì cũng giới hạn hết. Khi ta có tình thương thì nhà chật ta cũng có thể nhận được hai ba chục người ngủ. Ngủ như cá hộp mà cũng vui lắm. Khi không có tình thương thì hai người ngủ cũng đã cho là chật và ta chê người này ngáy, người kia làm ồn. Cho nên tất cả đều tùy thuộc vào lòng từ bi. Hai ổ bánh mì, năm con cá cũng đủ cho cả làng ăn, nhưng nếu không có tình thương thì cả xe thức ăn cũng vẫn là ít như thường và người ta vẫn sợ hãi, tranh giành và xâu xé nhau. Vì vậy câu trả lời là ‘‘từ bi không biên cương’’, từ bi không ngằn mé thì cái gì cũng thực hiện được hết trong đó có thực phẩm.

Chân Ngôn Biến Thủy:
Nam mô tô rô bà gia, đá tha nga đá gia,
đát điệt tha, án, tô rô, tô rô, bạt ra tô rô,
bạt ra tô rô, ta bà ha.

Giới quỷ đói rất khát nên cần uống nước. Trong nghi thức cúng cháo thế nào cũng phải có nước, tốt nhất là nước lọc. Thường thường chúng ta hay cúng cháo là tại vì nếu lâu quá không được ăn thì những thức ăn cứng sẽ khó mà nuốt vào, vì vậy bắt đầu bằng cháo và nước trong thì rất hay. Cháo gạo nấu rất loãng là một phẩm vật cúng dường trong truyền thống. Nước này tuy chúng ta cúng có mấy chén thôi, nhưng nhờ câu chân ngôn biến thủy mà nước trở thành vô lượng cho tất cả các cô hồn. Uống nước này vào họ cảm thấy những khát khao và khổ sở của họ được tiêu tán. Trong khi tụng các chân ngôn biến thực và biến thủy chúng ta phải có định và phải làm cho lòng từ bi phát hiện. Phải thấy được những loài chúng sanh đói khát bao quanh đang chờ đợi lòng thương của chúng ta. Còn nếu trong khi tụng hai thần chú này mà không có định, mà suy nghĩ vẩn vơ, sầu não, giận hờn thì rất tội cho các loài chúng sanh. Có một chú điệu buổi chiều cúng cháo, nhưng không có định tâm vì hồi trưa chú đã làm mất chùm chìa khóa của thầy. Vì sợ thầy rầy nên trong khi tụng niệm đầu óc chú nghĩ toàn là chìa khóa. Tối hôm đó thầy trụ trì nằm mơ thấy các chúng sanh tới và than phiền rằng chiều hôm qua chỉ được cúng dường toàn chìa khóa bằng sắt thôi, không có gì cho họ ăn hết. ‘‘Chúng con thấy chìa khóa biến hiện ra rất nhiều, chỗ nào cũng có, đầy cả không gian, nhưng chúng con làm sao ăn chìa khóa được.’’ Chuyện này không biết có thật không nhưng là để nhắc các sư cô, sư chú khi cúng cháo tâm phải định chứ đừng nghĩ tới những chuyện ngoài chuyện cúng cháo với lòng từ bi, như chuyện chìa khóa chẳng hạn. Phải có lòng từ bi, và phải thực sự quán chiếu rằng đây là thức ăn, đây là nước. Chúng ta nhân danh đại chúng mà cúng dường cho các loài đang đói khát.

Chân Ngôn Nhất Tự Thủy Luân:
Án, noan noan noan noan noan

Trong khi ta đọc câu chân ngôn này thì nước dâng cúng trở thành ra nước có tám công đức (bát công đức thủy). Nước tám công đức là thứ nước có thể làm cho thỏa mãn mọi khát khao của con người. Nước tám công đức có thể rửa sạch được những phiền lụy và khổ đau của con người và cũng có thể làm cho thỏa mãn những ước vọng và khát khao của họ.

Chân Ngôn Biển Sữa:
Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, án noan

Nước ta cúng dường đã trở thành ra sữa để cho những chúng sanh thiếu dinh dưỡng và đói khát lâu ngày có thể có được chất đạm. Nhũ hải là biển sữa. Tiếp ngay sau đó là ta đọc lên hồng danh của bảy vị Bụt. Bảy vị Bụt có liên hệ tới nghi thức cúng dường này.

Nam mô Đa Bảo Như Lai
Nam mô Bảo Thắng Như Lai
Nam mô Diệu Sắc Thân Như Lai
Nam mô Quảng Bát Thân Như Lai
Nam mô Ly Bố Úy Như Lai
Nam mô Cam Lồ Vương Như Lai
Nam mô A Di Đà Như Lai

Đa Bảo Như Lai ở về phía Đông, Bảo Thắng Như Lai ở phía Nam. Diệu Sắc Thân Như Lai cũng thuộc về phía Đông, Quảng Bát Thân cũng là Đại Nhật Như Lai. Ly Bố Úy Như Lai ở về phía Bắc, Cam Lộ Vương Như Lai về phía Tây, và A Di Đà Như Lai cũng về phía Tây. Đọc lên tên các vị Như Lai như vậy là để cho những chúng sanh có mặt được nghe danh hiệu các Ngài để họ có thể phát sinh ra lòng cảm mến quy thuận và ta tạo được nhiều công đức.

Thần chú gia trì thức ăn tịnh
Cúng khắp mười phương chúng Phật tử

Đây là lời tâm sự của người thí giả tức là người đang cúng cháo. Đoạn này để ta nói chuyện với chúng Phật tử tu hành không thành công đang ở trong vòng đau khổ. Phật tử tuy gặp Bụt, Pháp, Tăng nhưng không được hướng dẫn tu tập đàng hoàng, học hiểu Phật pháp không đúng phương pháp. Không phải khi ta trở thành Phật tử là ta được thừa hưởng giáo lý của đức Thế Tôn đâu. Nếu ta không gặp được minh sư, không gặp được tăng thân thì cái học Phật của ta không thành công. Chúng ta có thể học được một mớ khái niệm hay lý thuyết, và những cái đó chúng ta không đem áp dụng vào cuộc đời được. Khái niệm lý thuyết đó đôi khi hỗn tạp, không được thuần chất Phật giáo. Nó bị pha trộn với những yếu tố mê tín, và người dạy chúng ta có thể cũng không nắm được tinh yếu của Phật pháp và không thành công trong sự tu tập. Cho nên dầu trở thành Phật tử rồi mà ta có thể vẫn không thành công trong sự tu tập như thường. Không phải khi thành Phật tử là tự nhiên có sự chuyển hóa và an lạc. Chúng ta cần phải có dịp may mắn được gặp thầy giỏi, bạn lành, tăng thân vững thì mới có thể thành công. Giới Phật tử có thể vẫn đói khát như các giới khác. Thức ăn tôi đang cúng dường cho quý vị đây là những thức ăn rất thanh tịnh, thức ăn không tạo ra khổ đau trong cơ thể và tâm hồn quý vị. Thần chú là những câu chân ngôn. Thần chú đưa vào những thức ăn tịnh và biến thức ăn tịnh này từ ít thành nhiều. Có bao nhiêu Phật tử là có bấy nhiêu thức ăn.

Nguyện đều no đủ bỏ xan tham
Mau thoát u minh sinh tịnh độ

Người nào cũng sẽ có đủ thức ăn và thức uống không cần tranh nhau. Bỏ xan tham tức là bỏ sự ham hố, thói quen ăn uống không chừng mực. Đôi khi con mắt lớn hơn bao tử. Chúng ta tưởng rằng ta cần ăn nhiều, nên thường lấy một bình bát khá đầy. Khi lấy thức ăn, ta thường lấy bằng sự tham lam của mình hơn là lấy bằng trí tuệ. Trí tuệ của ta biết lấy chừng nào thì vừa, biết cơ thể ta cần chừng nào thực phẩm. Đức Thế Tôn có nói là nên ăn ít lại, đừng sợ thiếu chất dinh dưỡng. Ăn ít mà ăn cho đàng hoàng thì khỏe mạnh hơn. Ngài có một người bạn thân là vua Ba Tư Nặc, vị vua này ăn uống không biết chừng mực. Vua ăn cơm và cari nhiều quá, mỗi khi tới Kỳ Viên nghe pháp thoại thường hay ngủ gục. Bụt nói: đại vương nên ăn ít lại. Vua dạ và hứa, nhưng vua không ăn ít được. Vua càng ngày càng mập. Có một hôm đi trong tu viện Kỳ Viên tìm Bụt, vua gặp Bụt mà không biết tại vì đang buồn ngủ và đi đụng nhằm Bụt. Sau đó chính Bụt phải sắp đặt để có người phụ trách lo về chất lượng thực phẩm hàng ngày của vua, và nhờ đó vua mới phục hồi được sức khỏe và sự nhanh nhẹn. Ăn như thế nào để thấy rõ được tập khí tham lam, giận hờn và si mê của mình. Thấy được như vậy tức là thoát khỏi cõi u minh. U minh tức là tối tăm. Thoát để sinh về tịnh độ. Đó là ước mong sâu sắc nhất, tại vì ta đã sống trong địa ngục, trong chìm đắm, hệ lụy quá lâu, nên giờ đây ta muốn sinh về tịnh độ.

Quy y Tam Bảo phát bồ đề
Rồi sẽ đạt thành đạo vô thượng

Đây là những lời khai thị cho Phật tử, chúng sanh và cô hồn. Nếu muốn thoát u minh và sanh tịnh độ thì phải quy y Tam Bảo, phải nương nhờ các bậc giác ngộ, nương nhờ vào giáo pháp và tăng đoàn. Phát bồ đề tức là phải có nguyện vọng lớn, phải ước ao giải thoát và tự do. Ước ao giúp người, giúp đời và phát bồ đề tâm, điều đó làm phát sinh trong ta một nguồn năng lượng rất lớn, cái đó gọi là tư niệm thực. Thực phẩm chúng ta ăn gọi là đoàn thực, thực phẩm về ý chí nguyện vọng là tư niệm thực. Quy y Tam Bảo và phát tâm bồ đề thì không những trong khi ăn ta tiếp nhận thức ăn đoàn thực thanh tịnh mà còn tiếp nhận luôn một loại tư niệm thực rất là thanh tịnh, đó là bồ đề tâm. Có hai điều kiện căn bản là quy y Tam Bảo và phát bồ đề tâm thì chắc chắn sớm muộn gì mọi người cũng có thể chứng được đạo vô thượng, tức là chánh giác.

Công đức đi về cõi vị lai
Tất cả Phật tử cùng tiếp nhận

Tất cả những công đức của sự cúng dường, sự ăn uống trong chánh niệm, của sự quy y và phát bồ đề sẽ đi về cõi vị lai, sẽ không bao giờ mất đi như những cái chúng ta thường chắt bóp để dành cho tương lai. Tất cả Phật tử có mặt ngày hôm nay trong buổi cúng cháo được tiếp nhận thức ăn, tiếp nhận giáo pháp và sự hướng dẫn quy y Tam Bảo và phải phát tâm bồ đề. Sau khi hướng dẫn cho giới Phật tử ta lại hướng dẫn cho các loài khác không phải là Phật tử. Chữ Phật tử thì đổi thành chữ mọi loài. Trong khi tụng bài cúng cháo này thì hạt giống từ bi nơi sư chú được tưới tẩm và người cúng cháo nuôi lớn lòng từ bi của mình, tiếp xúc được với những loài đang khổ đau, đem lòng mình hướng tới những loài khổ đau và khai thị cho những loài đó biết trở về quy y Tam Bảo phát lòng bồ đề và nhờ đó tấm lòng mình cũng mở rộng ra. Lúc đó những hạt giống lành được gieo vào và được tưới tẩm trong tâm người thí giả. Vì vậy tụng kinh trong khi cúng cháo đem lại rất nhiều phước đức cho người hành giả. Điều này là một điều rất khoa học tại vì động lực đưa tới sự thực tập cúng cháo này là lòng từ bi và trong suốt thời gian ta tụng bài cúng cháo hạt giống từ bi trong ta được tưới tẩm. Có từ bi là có tất cả, không có từ bi thì sẽ không có gì hết.

Thần chú gia trì thức an tịnh
Cúng khắp mười phương cả mọi loài
Nguyện đều no đủ bỏ xan tham
Mau thoát u minh sinh tịnh độ
Quy y Tam Bảo phát bồ đề
Rồi sẽ đạt thành đạo vô thượng
Công đức đi về cõi vị lai
Tất cả mọi loài cùng tiếp nhận.

Thần chú gia trì thức an tịnh
Cúng khắp mười phương chúng cô hồn
Nguyện đều no đủ bỏ xan tham
Mau thoát u minh sinh tịnh độ
Quy y Tam Bảo phát bồ đề
Rồi sẽ đạt thành đạo vô thượng
Công đức đi về cõi vị lai
Tất cả cô hồn cùng tiếp nhận.

Tuy là giới thứ ba được thỉnh mời và hướng dẫn ở đây là giới cô hồn nhưng đó không phải là giới ít nhất mà giới đông nhất. Trong khi tụng bài kệ ta được đối thoại với các loài, vì vậy nên ta hãy tụng thong thả, cảm nhận rõ ràng rằng ta đang nói chuyện với họ, đang khai thị cho họ. Trái tim của ta mở ra. Đây là những lời nhắn nhủ, khai thị và đối thoại với cô hồn với tất cả lòng từ bi. Những người ngồi nghe những lời kinh này sẽ cảm động lắm. Họ thấy họ đang được khuyên nhủ nhẹ nhàng để có cơ hội quay về nương tựa Tam Bảo, phát tâm bồ đề và nguyện sanh về cõi tịnh độ.

Này các vị Phật tử
Tôi nay xin dâng cúng
Thức ăn biến mười phương
Phật tử đều tiếp nhận
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng về tất cả
Phật tử và chúng tôi
Đều cùng thành Phật đạo.

Những lời nói này là những lời nói rất thành thật. Đây là những lời nói rất đơn sơ, đầy thân tình đối với các giới Phật tử và bài này cũng được lập lại cho mọi loài và cho giới cô hồn.

Chân Ngôn Thí Vô Già Thực:
Án mục lực lăng ta bà ha

Vô già tức là không ngăn cấm một ai, không bít lấp đường của bất cứ một ai. Vô già ở đây nghĩa là bình đẳng.

Chân Ngôn Phổ Cúng Dường:
Án nga nga nẳng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng

Đây cũng biểu lộ sự bình đẳng trong khi thực hành bố thí. Hiến tặng thì phải có tâm bình đẳng, đừng phân biệt đừng nghĩ rằng ta chỉ ưa bố thí cho người ta thích và không bố thí cho người ta không thích, để cho những người kia chết đói cho bõ ghét. Cái đó không phải là bình đẳng. Nghi thức được kết thúc bằng một bài kệ:

Phụng hiến cam lồ vị
Phân lượng như thái hư
Xin mọi loài đạt nguyện
Về nương bóng Đại Từ.

Cam lồ vị là thức ăn nuôi dưỡng cơ thể nhưng mà quan trọng nhất là thức ăn nuôi dưỡng được tinh thần, làm cho những đau khổ tiêu tán, làm cho êm dịu mát mẻ thân tâm. Phân lượng của vị cam lồ này rất lớn, nhiều như thái hư và nhờ công đức cúng dường này mà mọi loài đạt được nguyện vọng của mình. Tất cả đều trở về nương nhờ vào đức Thế Tôn nên gọi là về nương bóng Đại Từ.

Đây là nghi thức cúng cháo tại chùa, nhưng ở tư gia các Phật tử cư sĩ cũng có quyền thực tập, với điều kiện là phải luyện tập trước để khi cúng cháo mình có đủ năng lượng của định và của tuệ. Nghi thức này đã được in trong sách Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000 và trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.