Pháp thoại theo chủ đề

Đoàn thanh niên Phật tử Âu châu

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 3.04.2008 chúng ta đang ở tại Xóm Mới, Làng Mai, Pháp Quốc.

Trong chuyến đi Ý vừa qua tăng thân có tổ chức buổi sinh hoạt cho những người trẻ tuổi thuộc thành phố Napoli. Có khoảng 500 thanh niên từ 16 tới 19 tuổi đã tụ họp tại một nhà hát, một  rạp xi nê tại thành phố để sinh hoạt với tăng đoàn và có một số thầy, cô giáo của các em cũng tới tham dự. Buổi sinh hoạt đó rất vui, rất hào hứng. Các em thanh niên đã đáp ứng một cách rất là nồng nhiệt, có rất nhiều hứng khởi, có rất nhiều niềm tin. Các em đã có cơ hội đặt những câu hỏi và phát biểu những cảm tưởng của mình.

Trong phần mở đầu, tôi có nói đến sự có mặt của những hạt giống giận hờn, khổ đau, bạo động trong tâm mỗi người nhưng cũng có những hạt giống của thương yêu, của niềm tin, của hạnh phúc trong mỗi người. Khi mình sống trong môi trường không thuận tiện, những hạt giống tốt thì không được tưới tẫm, còn những hạt giống xấu có cơ hội phát triển ngay trong khung cảnh của gia đình, học đường, xã hội. Vì vậy cho nên hạnh phúc của mình tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh.

Trong trường mình học đủ thứ từ địa lý, toán học, lịch sử cho đến văn chương nhưng thầy giáo, cô giáo không dạy mình những phương pháp để đối trị với những giận hờn, bạo động trong tâm của mình. Vì vậy trong tương lai cần có những giảng dạy, huấn luyện như vậy tại học đường để cho người trẻ có cơ hội học hỏi phương pháp đối xử lại với năng lượng bạo động, buồn chán, bực bội và thèm khát ở trong con người của họ và đồng thời  cũng học được những phương pháp để nuôi lớn những hạt giống của tình thương, của hiểu biết, của niềm vui. Như vậy Bộ quốc gia giáo dục phải đào tạo ra một số các thầy, các cô biết dạy về thương yêu, biết dạy về chuyển hóa. Môn học đó chưa có.

Những tệ nạn xã hội đó đã xảy ra rất nhiều trong hoàn cảnh mới của chúng ta. Bạo động, ma túy, sự đổ nát của gia đình đã xảy ra quá nhiều cho nên đã có những tiếng chuông báo động. Ngay chính ở trên nước Pháp, người ta báo cáo rằng trong năm 2007, những người trẻ bỏ nhà ra đi, chỉ trong một năm thôi là 45.000 em, sáu phần trăm những em đó đã đi theo, đi gặp gỡ một người (ở trên mạng lưới) mà các em chưa bao giờ từng gặp.

Tổng thống Pháp Sarkozy đã đề nghị đưa vào trong lớp học một môn học mới gọi là công dân giáo dục, luân lý và đạo đức. Ngày xưa có môn đó nhưng lâu nay môn học đó không còn nữa. Các nhà giáo dục không biết là trong môn đó mình sẽ dạy cái gì? Công dân giáo dục dạy cái gì? Đạo đức dạy cái gì? Tại vì đạo đức đã bị thất truyền từ lâu lắm rồi.

Buổi sinh hoạt với các người trẻ tại thành phố Napoli đã gây cảm hứng cho các thầy và các sư cô rất nhiều, tại vì tuổi trẻ đã đáp ứng lại giáo lý của sự thực tập này bằng tất cả sự nhiệt tình của họ nên các thầy, các sư cô nghĩ là mình có thể làm được một cái gì.

Ngồi trên máy bay trở về Pháp, Thầy có ý định là mình nên lập một đoàn thanh niên. Một đoàn thanh niên sử dụng pháp môn của đạo Bụt để xây dựng một xã hội lành mạnh, một xã hội có tình thương. Chúng ta đã có thanh niên như vậy rãi rác khắp các nước và nếu chúng ta tổ chức được thì chúng ta có thể quy tụ được những thành phần cốt cán mà chúng ta đã đào tạo ra được. Chúng ta sẽ thành lập một đoàn thanh niên như vậy, mở thành một phong trào tại Âu Châu.

Ngày xưa vào những năm 1930 ở tại Huế, bác sĩ Lê Đình Thám, người có công rất lớn trong việc thành lập hội An Nam Phật Học, đã thành lập  đoàn thanh niên Phật tử, gọi là đoàn Phật Học Đức Dục. Đoàn Phật Học Đức Dục đã hoạt động và đã cho ra đời gia đình Phật Hóa Phổ, sau này trở thành gia đình Phật tử của Việt Nam. Cái tên đoàn Phật Học Đức Dục nghe cũng hay. Giáo dục gồm có : thể dục, trí dục và đức dục. Thể dục để có sức khỏe. Trí dục là đào tạo để có thêm hiểu biết, thêm trí tuệ. Đức dục đào tạo về phương diện đạo đức. Đức ở đây là đạo đức, là cái mà Tổng thống Sarkozy nói tới, tức là Công dân giáo dục và đạo đức (Instruction civique và Morale)  Đức dục là như vậy.

Đoàn Phật Học Đức Dục tức là đoàn thanh niên Phật tử thực tập và truyền bá những phương pháp tu tập để cho đức hạnh của con người ngày càng lớn. Ngồi trên máy bay, Thầy có suy nghĩ cái tên thích hợp với thời đại mình. Ngày xưa vào năm 1950, Thầy có thành lập một đoàn Thanh Niên Tăng Ni ở tại thành phố Sàigòn, gọi là đoàn Liên Lạc Văn Hóa Học Tăng, có Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết yểm trợ, cố vấn. Đến năm 1964, Thầy thành lập đoàn Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và bây giờ mình tìm tên nào cho nó phù hợp. Thầy cần các vị cộng tác để tìm ra cái tên như vậy.

Tại phi trường Rome, Thầy có nói chuyện với sư cô Gina và Thầy có đề nghị tên bằng tiếng Anh là Buddhist Youth for a Healthy and Compassionate Society. Ý là mình cần phải có một  đường lối, một đường hướng xây dựng xã hội lành mạnh. Tại vì xã hội mình có quá nhiều thác loạn, tật bệnh. Tiếng Pháp có chữ sain tức là lành mạnh, healthy là lành mạnh. Chữ healthy cũng hay, trong chữ healthy có chữ heal là làm cho nó lành, health là sức khỏe. Trong tiếng anh có chữ sane, sober.

Trong xã hội chúng ta quá nhiều bạo động, quá nhiều căm thù, rất là thiếu lòng thương. Lòng thương mình dùng chữ tình thương, chữ Love thì nó không rõ ràng. Compassion, từ bi, rất là đạo Phật, rất là rõ ràng. Chúng ta đối xử với nhau làm sao có chút từ bi trong đó, thành ra chữ Compassion rõ rất là rõ. Dịch ra tiếng Việt là đoàn Thanh Niên  Phật tử Âu Châu hoạt động, xây dựng cho một xã hội  lành mạnh và có từ bi… dài lòng thòng. Thành ra các thầy và các sư cô trẻ, các phật tử trẻ phải ngồi lại với nhau để tìm cho Thầy một cái tên cho rõ, cho gọn. Nhân tiện mình thành lập viện Phật Học Ứng Dụng Âu châu rồi mình thành lập luôn đoàn thanh niên đó. Mình đã có một số yếu tố có sẵn, mình gom lại, mình làm thôi.

Mình cần ngồi lại, giở tự điển ra, tìm những chữ thích hợp để đặt tên cho đoàn thanh niên đó. Thầy muốn là những thầy cô trẻ của mình và các thanh niên phật tử cư sĩ của mình ngồi lại để làm chuyện này cho Thầy, càng sớm càng tốt. Sở dĩ mình dùng chữ Âu Châu là tại vì Liên hợp Âu châu  là cái đang thành hình,  còn là một giấc mơ đang từ từ được thực hiện. European Union bắt đầu từ một buổi họp tại Rome, có  ước mơ là làm sao cho các nước Âu châu  tới với nhau  để làm thành một khối kinh tế và chính trị. Trên bước đường thành lập Cộng Đồng Âu Châu, có rất nhiều khó khăn, cho đến bây giờ thì quy ước, hiến pháp của Âu Châu cũng chưa được chấp nhận hoàn toàn. Âu châu là một giấc mơ đang được thực hiện từ từ và người ta đang còn thương Âu châu lắm, chưa ghét.

Ngày xưa Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một giấc mơ rất  đẹp, được rất nhiều người, nhiều nước trên thế giới tin tưởng nhưng bây giờ hình ảnh của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ không còn đẹp bằng ngày xưa nữa. Có rất nhiều người họ ghét Hoa Kỳ nhưng mà Âu châu thì chưa. Âu Châu là một giấc mơ, giấc mơ đang thành hình và nhiều nước rất là mong ước được đi vào trong tổ chức Âu Châu. Các nước ngày xưa theo Liên bang Sô viết rất là mong ước được đi vào Âu châu. Giấc mơ Âu châu còn đẹp, chưa làm người ta bị vỡ mộng.

Thay vì để International Buddhist Youth (for Healthy and Compassion), mình để European Buddhist Youth (for Healthy and Compassion), để mình nương theo giấc mơ đó mình đi lên. Chừng nào người ta ghét Âu Châu rồi thì mình sẽ đổi tên, bây giờ người ta vẫn còn thương Âu Châu thì mình còn dùng tên Âu châu. Đó là lý do khiến cho Thầy đặt tên cho viện Phật học của mình là Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu mà không đặt là Quốc tế. Tại vì Âu Châu vẫn còn đẹp, giấc mơ Âu châu còn chưa bị hoen ố.

Hướng đạo sinh, họ chào như thế này (hình), là vì ba châm ngôn của họ là phụng thờ Tổ quốc, giúp ích mọi người và tuân theo luật đoàn:

 

 

 

 

 

 

 

Còn gia đình Phật tử chào như vầy (hình): Ấn Cát Tường:

 

 

 

 

 

 

 

Ngày xưa đảng Cộng sản Việt Nam khi lên cầm quyền thì đưa ra cách chào: nắm tay lại chào như thế này (hình). Bây giờ bỏ rồi.

 

 

 

 

 

 

 

Theo cái thấy của mình là thanh niên phải có lý tưởng mà lý tưởng này là lý tưởng thương yêu, mình phải làm sao cho cơ thể mình có sức khỏe và về tinh thần có từ bi. Mình có khổ đau, mình chuyển hóa được con người của mình. Mình có được niềm vui, hạnh phúc, lúc đó mình mới xây dựng được xã hội. Vì vậy cho nên căn bản thực tập của chúng ta là năm giới. Sư cô Trang Nghiêm (ngày hôm nay lấy vé máy bay đi về Việt Nam), có nói với Thầy là ngày mà Trang Nghiêm đọc được năm giới, Trang Nghiêm rất là thích, nói là: trên thế giới này nếu ai cũng thực tập năm giới thì chắc chắn trên thế gian này sẽ có hòa bình và hạnh phúc. Vì vậy cho nên năm giới là thực tập căn bản của đoàn thanh niên này và năm giới được diễn tả như sự thực tập của thương yêu, của tình thương. Chỉ có tình thương mới được biểu hiện một cách cụ thể bằng sự hành trì năm giới. Nếu mình có thể xây dựng xã hội, làm cho những tệ nạn xã hội, những bạo động, căm thù biến mất là cũng nhờ  thực tập năm giới.

Mỗi khóa tu của chúng ta tổ chức tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á có những lúc có năm trăm, sáu trăm người cùng quỳ xuống để thọ năm giới, đó là những hình ảnh tuyệt đẹp, rất là tuyệt vời. Năm giới là con đường thoát, trong đó mỗi giới đều là châm ngôn của sự bảo hộ sức khỏe của mình, nuôi dưỡng lòng từ bi và thiết lập lại được những liên hệ giữa mình với những người khác. Chúng ta có con đường, chúng ta có sự thực tập và thanh niên thực tập như vậy thì sẽ đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, cho chính gia đình mình. Với tư lương đó, với vốn liếng đó thì sẽ đi vào cuộc đời sẽ xây dựng được xã hội lành mạnh, không có ốm đau, một xã hội có tình thương. Vì vậy mình làm sao trao truyền cho người thanh niên thời đại một lý tưởng.

Bây giờ có những tổ chức thanh niên  lo chuyện cứu trợ, xóa đói, giảm nghèo, công bằng xã hội, cách mạng nhiều rồi. Nhưng mà đoàn thể thanh niên lo làm đẹp cho cuộc đời bằng con đường đạo đức tinh thần thì mình chưa có nhiều. Các thầy, các sư cô và các bạn trẻ cư sĩ, đây là lúc mình nên ngồi lại với nhau để mình đặt viên đá nền tảng cho đoàn thanh niên Phật tử như vậy.

Thầy tức cười, mỗi khi Thầy nghĩ đoàn thanh niên này gặp nhau thì phải chào như thế nào, không lý, năm giới thì mình đưa năm ngón tay ra:

 

 

 

 

 

 

 

Ở Làng Mai, mình có Ấn gọi là Ấn an trú trong hiện tại như thế này cũng hay lắm. Trong những Ấn của Bụt, khi Bụt đưa tay như vầy  (hình) gọi là vô úy (abhaya), không sợ hãi.

 

 

 

 

 

 

 

Tăng thân khi nghe bài giảng này, dầu là ở Việt  Nam, Hoa Kỳ hay là các nước khác thì các thầy, các sư cô, các Phật tử phải ngồi lại để bắt đầu viết những bài nói về nhu yếu, về phương pháp tạo dựng cho đoàn thanh niên này tại các nước. Chiều nay sau khi xem xong phim Pompei (thành phố ở Ý) rồi, nếu có thì giờ, mình nên ngồi bàn tới chuyện này, ngồi pháp đàm trong lúc đề tài còn đang nóng hổi.

 

Thầy Làng Mai giảng ngày 03.04.2008