Pháp thoại theo chủ đề

Mỗi lời là châu ngọc

(Trích trong pháp thoại ngày 16 tháng 12 năm 1993 của Sư Ông Làng Mai dạy về chánh ngữ)

Chánh ngữ tức là lời nói chân chính. Đây là một phép thực tập rất quan trọng. Chúng ta biết rằng chánh tư duy cũng là một hình thức của chánh ngữ, tư duy là loại ngôn ngữ thầm ở trong tâm. Tuy người khác không nghe thấy nhưng trong tâm, ta thường thường vẫn đang nói. Tầm và từ là hai hình thức ngữ ngôn ở trong tâm. Như có một cuốn băng ghi âm phát thanh ở trong đầu mình một cách liên tục, ta nghĩ cái này rồi nghĩ qua cái khác. Tư duy ở trong ta, như con tầm tự giam mình trong kén, lúc nào cũng tự nói mình nghe. Nếu có chánh tư duy thì tầm và từ sẽ soi sáng cho ngôn ngữ và cho hành động, và làm giàu cho chánh kiến. Ngược lại, tà tư duy sẽ làm giảm bớt chánh kiến, đánh mất chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, v.v.. Có những tư duy bị che dấu, thỉnh thoảng tự nhiên ta bật nói ra. Bởi vậy chánh tư duy sẽ đưa đến chánh ngữ. Về tư duy có tầm và từ, còn về chánh ngữ có ngôn và luận. Ngôn tương đương với tầm (vitarka), còn luận tương đương với từ (vicara). Ngôn chỉ là nói, còn luận là có phân tích, chứng minh, mổ xẻ.

 

 

Ái ngữ

Kinh Tạp A Hàm số 785 định nghĩa chánh ngữ bằng cách nêu ra bốn đặc tính: không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu và không nói thêu dệt. Thứ nhất là không vọng ngữ, nghĩa là không nói dối. Vọng là sai. Có nói là không, không nói là có, trắng nói đen, đen nói trắng, nói không đúng sự thật, là vọng ngữ.

Thứ hai là không lưỡng thiệt. Lưỡng thiệt tức là hai lưỡi, với người này nói thế này, với người khác thì nói khác. Đôi khi nói cho vừa ý một người, rồi lại nói khác đi để làm vừa ý một người khác, kết quả là nói lời không đúng sự thật. Cố nhiên cách nói có thể thay đổi cho người ta dễ tiếp nhận, nhưng chánh ngữ là phải nói đúng sự thật.

Thứ ba là không ác khẩu. Ác khẩu tức là nói to tiếng, thô tục, quát mắng, chửi thề, nói lời tạo đau khổ, bực tức, hận thù cho người khác. Có những người tâm rất tốt, không muốn làm hại ai, nhưng khi nói ra thì như châm trích và tàn hại người ta vậy. Đó là khẩu xà tâm Phật. Tuy gọi là tâm Phật, nhưng thực sự bên trong còn có quá nhiều nội kết cho nên cái miệng mới nói lời ác. Nếu có thói quen ái ngữ thì ta sẽ không nói như vậy. Dầu là tâm ta không có ý hại ai nhưng nếu ta bị tập khí ác ngữ miệng ta vẫn gây ra những đổ vỡ. Lời nói có thể làm cho người khác thêm mặc cảm, lời nói có thể làm cho người ta mất hết ý chí, và có khi lời nói có thể làm cho người khác đi tự tử. Khi cha mẹ mắng con: ‘‘Mày là đồ vô dụng, không ra cái tích sự gì cả! Nói như vậy cũng là ác khẩu, vì câu nói đó tiêu diệt niềm tin của em bé, làm cho nó có mặc cảm tự ti. Cho nên tu tập chánh ngữ rất quan trọng.

Thứ tư là không ỷ ngữ. Ỷ ngữ tức là nói những lời thêu dệt. Thêu dệt là vẽ vời ra cho sự việc thêm đẹp đẽ hơn gấp bội, hoặc xấu xa hơn gấp bội. Như nói thế nào làm cho mọi chuyện thê lương hơn, hay mỹ miều hơn, giật gân hơn hoặc hấp dẫn hơn mà không cần đúng với sự thật.

Nhiều kinh điển định nghĩa chánh ngữ là không nói dối mà phải nói lời chân thật, không nói hai lưỡi mà chỉ nói một lời thôi, không ác khẩu mà chỉ nói những lời dịu dàng, không ỷ ngữ, chỉ nói sự thật không thêm không bớt. Khi nói về chánh ngữ, chúng ta trở về với giới thứ tư trong năm giới: “không được nói dối, không được nói để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không được nói lời gây chia rẽ căm thù, không loan truyền những tin mà mình không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều mình không biết rõ. Phải có can đảm nói ra sự thật về những điều bất công, và phải dùng lời nói của mình để thực hiện hòa giải và thương yêu”. Giới thứ tư nhằm duy trì chánh ngữ.

Khi dùng điện thoại, chúng ta có thể thực tập chánh ngữ. Thiền điện thoại không những là phép thực tập chánh ngữ, mà còn thực tập chánh tư duy. Trước khi bấm số, chúng ta thở theo một bài kệ:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm, 

Xây dựng niềm tin yêu, 

Mỗi lời là châu ngọc, 

Mỗi lời là gấm thêu.

Lúc bắt đầu thực tập, chưa thuộc những câu kệ, chúng ta viết kệ xuống một mảnh giấy, dán vào chỗ điện thoại. Mỗi khi ta dùng điện thoại ta lại nhìn thấy bài kệ, và bắt đầu tập hơi thở chánh niệm: thở vào đọc câu đầu (tiếng đi ngoài ngàn dặm), thở ra đọc câu thứ hai (xây dựng niềm tin yêu). Thở vào đọc câu thứ ba (mỗi lời là châu ngọc), thở ra đọc câu thứ tư (mỗi lời là gấm thêu). Trong khi thực tập thở ra và thở vào, ta lặp lại lời nguyện ái ngữ, nguyện sẽ nói những lời xây dựng, bồi đắp thương yêu và hiểu biết. Trong lúc đó, ta cũng đang thực tập chánh tư duy, nhờ vậy lòng ta an tĩnh hơn, ta nhìn thấy mọi chuyện sáng rõ hơn. Người bên kia cầm ống điện thoại lên sẽ được tiếp xúc với một con người tươi mát, nghe những lời xây dựng, êm đẹp, không làm họ đau khổ, có thể giúp họ đạt được an tịnh trong giây lát.

Dùng ái ngữ, chúng ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác. Lời nói của mình có thể khơi dậy những hạt giống của niềm tin và an vui nơi người khác. Đó là một hành động phát xuất từ tình thương yêu.

 

 

Khi thấy hai người không hòa hợp với nhau, ta có thể dùng lời nói hòa giải để đưa họ tới gần nhau. Quán chiếu vào tâm trạng, hoàn cảnh và nỗi đau khổ của mỗi người, ta có thể luôn luôn tìm ra những điểm tích cực. Nói những sự thật tích cực về người này cho người khác nghe sẽ giúp họ hiểu lẫn nhau. Chỉ cần nói sự thật thôi, khi hai bên hiểu nhau hơn họ sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau, sẽ dễ dàng hoà giải với nhau hơn. 

Như ở Nam Phi, có một cộng đồng da trắng, một cộng đồng da đen thường thù ghét, kỳ thị và chống đối nhau từ lâu. Ta biết rất rõ là cả hai cộng đồng, dù đen hay trắng đều đau khổ, vì cả hai đều sống trong sợ hãi, lo lắng. Người thực tập chánh ngữ trình bày những nỗi khổ đau, sợ hãi, mặc cảm, những ước vọng của cộng đồng này cho người trong cộng đồng kia nghe. Mỗi bên bắt đầu thấy an ninh và hạnh phúc của mình liên hệ tới hạnh phúc của bên kia. Nhờ vậy lòng họ có thể chuyển hóa. Nếu ta đứng về một phe thì sẽ chỉ làm cho tình trạng càng căng thẳng, càng khó khăn hơn.

Muốn thành công trong việc hòa giải ta cần biết nói năng khéo léo. Nhưng bản chất nội tâm của con người hoà giải rất quan trọng. Con người đó cần chứa đựng sự hiểu biết, thương yêu, cần được cả hai bên tin cậy, thì lời nói mới có ảnh hưởng lớn lao hơn. Vì lời nói phát xuất từ chánh tư duy, chánh ngữ, chứ không phải là do mưu mẹo, và những khéo léo bên ngoài mà thôi.

Chánh ngữ là nói sự thật, nhưng sự thật nhiều khi cũng có thể cũng gây ra đau khổ. Cho nên sự thật phải được diễn tả bằng ngôn ngữ khôn ngoan để giúp cho người nghe dễ chấp nhận. Nói một sự thật mà gây tan vỡ và hư hại thì không phải là chánh ngữ. Khi nói phải biết tâm lý, dùng thứ ngôn ngữ thích hợp với người nghe, chọn thời gian và hoàn cảnh thuận tiện, và diễn tả cách nào để họ hiểu được, chấp nhận được, thì mới nên nói.

Vì vậy chánh ngữ cần chất liệu của chánh tư duy, lại cần chất liệu của nghệ thuật nói năng khôn ngoan. Chúng ta phải học hỏi nghệ thuật truyền thông và diễn đạt. Nhưng hình thức khéo léo có nghệ thuật phải chứa đựng chánh tư duy. Nịnh nọt, tán dương, tâng bốc sai sự thật, hoặc chỉ làm tăng thêm ngã mạn của người, đều là tà ngữ.

 Hạt giống của Chánh Ngữ

Không thể hiểu được chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không biết rằng tất cả chúng ta đều có hạt giống của những chánh đạo này trong tâm thức. 

Nhắc lại, năm yếu tố tạo thành con người là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Sắc là phần sinh lý. Thọ là cảm giác. 

Tưởng là tri giác. Tri giác gồm có hai phần: chủ thể của tri giác, và đối tượng của tri giác. 

Chúng ta thấy một cái bàn, cái bàn mà chúng ta đang thấy và đang sờ vào là đối tượng của tri giác, của tưởng. Còn tự thân cái bàn có thể rất khác. Đối với một con mọt đang ăn cái bàn thì đó là một kho thức ăn. Cũng một dòng sông, đối với con cá là nhà cửa, là lâu đài của nó mà đối với chúng ta đó là cái nơi để lấy nước tắm và giặt. 

Khi hai người ghét nhau, thì trước hết họ ghét cái đối tượng tri giác, cái tưởng của họ về người kia. Nhưng tự thân người kia so với ý niệm mình có về người kia thường rất khác nhau. Hai kẻ yêu nhau cũng vậy. Người được yêu khác với hình ảnh trong tri giác người đang yêu. (Cưới về ba, bốn năm sau mới thấy được một phần sự thật!). Vậy tri giác có thể rất sai lầm. Ví dụ như ta chụp ảnh cây bồ đề. Nhìn hình ảnh ta thấy cây bồ đề, nhưng đó chỉ là hình ảnh cây bồ đề thôi. Cây bồ đề thật ở ngoài không phải là cây bồ đề in trên phim ảnh. Chánh kiến tùy thuộc vào tưởng. Vì thế luôn luôn ta phải dùng chánh niệm, phải trở về khám phá những thiếu sót, sai lầm của tưởng. Đó là phương pháp duy nhất để cho cái thấy của ta bớt sai lầm, để tăng thêm phần chánh kiến. Chánh kiến mạnh thì tư duy mới vững vàng được.

Uẩn thứ tư là Hành. Hành tức là những hiện tượng tâm lý phát khởi trong ta. Vui, buồn, giận, ghen, thương, ghét, đều là hành. 

Uẩn thứ năm là Thức. Tất cả những cảm thọ và tri giác của chúng ta đều có hạt giống chứa ở trong thức. Thức ở đây phải hiểu là tâm địa, là đất tâm, tức là mảnh vườn trong đó có sẵn tất cả những hạt giống của tâm hành. Chúng ta có hạt giống của tình thương, của sự ghét bỏ, chúng ta có hạt giống của sự trung kiên, hạt giống của sự phản bội. Chúng ta có đủ các loại hạt giống, tốt cũng như xấu. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của chánh kiến. Có chánh kiến, không phải tại vì Bụt trao cho ta, thầy trao cho ta, mà vì chúng ta có sẵn nó trong tâm rồi. Khi chúng ta nói ‘‘Phật tại tâm” là nghĩa như vậy. Tuệ giác đó đã có sẵn ở trong tâm thức của ta. Tuệ giác ấy chỉ cần người hay hoàn cảnh giúp khơi mở ra thôi. Có thể đó là Bụt, là thầy, là bạn, có thể là một nỗi đau khổ cùng cực của ta. Khi ta đau khổ nhiều tự ta cũng có thể khơi mở được chánh kiến.

Ngày Bụt thành đạo, Ngài ngồi thiền suốt đêm. Và buổi sáng tinh sương, nhìn lên thấy sao mai đã mọc, Ngài đạt được quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác (giác ngộ hoàn toàn). Những lời đầu tiên mà Bụt thốt ra chứa đựng một chút ngạc nhiên. Ngài nói: ‘‘Lạ quá, tất cả mọi người đều có tuệ giác trong lòng. Vậy mà đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác, con người cứ trôi lăn trong biển trầm luân, khổ ải”. Câu nói của Ngài có nghĩa rằng tuệ giác Ngài đạt tới không phải từ bên ngoài mang vào mà đã từ trong chiều sâu tâm thức phát hiện lên. Hạt giống của trí tuệ, hạt giống của từ bi đều có sẵn trong tâm thức mỗi người.

 

 

Hạt giống chánh kiến ở trong tâm thức ta gọi là giác tánh. Tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, nên ta vẫn nói rằng Bụt ở trong lòng. Phật tức tâm là một sự thật có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là lý thuyết. Vì nếu không sẵn hạt giống giác tánh thì có tu, có học gì chúng ta cũng sẽ không thành công. Tu học có nghĩa là tạo những điều kiện tưới tẩm cho hạt giống tuệ giác nở ra. Khi hạt giống của chánh kiến nẩy mầm rồi, tự nhiên tư duy sẽ đi vào đường chánh. Càng thực tập chánh tư duy, chúng ta lại càng giúp cho những hạt giống chánh kiến khác nẩy nở thêm. Chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy và chánh tư duy khơi mở thêm chánh kiến. Rồi nhờ sự phát triển của chánh kiến và chánh tư duy mà chánh ngữ biểu hiện. Bởi vậy khi lời nói của chúng ta còn gây ra đau khổ thì ta phải biết là cái thấy của chúng ta chưa sáng, và tư duy của chúng ta chưa đúng.

Ngôn ngữ có hạt giống trong đất tâm. Những lời nói, kho ngữ vựng, những hình thức diễn tả ngôn ngữ đều có hạt giống ở đấy cả. Tu tập chánh ngữ bắt đầu từ tâm, bắt đầu từ tưởng, tức là tri giác. Tri giác sai lầm sẽ sinh nhiều tà kiến. Tri giác càng đúng thì càng thêm chánh kiến. Tri giác sai lầm, tư duy chúng ta sẽ sai lầm. Giữa chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy có liên hệ mật thiết. 

Sự tu tập chánh ngữ phải căn cứ trên chánh kiến và chánh tư duy. Những hạt giống của tri giác nằm sâu trong tâm thức, và tư duy cũng ở sâu trong tâm thức, những hạt giống ngữ ngôn cũng vậy, ba loại hạt giống đó có liên hệ với nhau. Trong tương giao giữa mọi người, chúng ta cần tập nhìn đúng, nghĩ đúng về người khác. Muốn tập chánh ngữ, ta phải bắt đầu bằng sự quán chiếu về người và về mình. Xung đột giữa vợ chồng, cha con hay bạn bè có khi xảy ra chỉ vì lời nói. Tu tập chánh ngữ là một yếu tố rất quan trọng để xây dựng niềm thông cảm.