Pháp thoại theo chủ đề

Cô Hạnh Phúc

(Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai, ngày 20.04.2013 trong khóa tu xuất sĩ tại Làng Mai, Thái Lan)

Đi tìm hạnh phúc

Có một bài thơ của Xuân Diệu có lẽ ít người biết đến, nói về hạnh phúc. Hạnh phúc được diễn tả bằng một cô gái trẻ: Cô Hạnh Phúc (Mademoiselle Bonheur). Những câu cuối của bài thơ như thế này:

Cô Hạnh Phúc, gớm, đợi chờ cô mãi

Chữ gớm ở đây có nghĩa là: Trời đất ơi, mèn đét ơi, ối giời ơi, dữ không, tức là chờ hoài chờ mãi.

Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu. Bao nhiêu bàn tay đã sứt mẻ vì cố công xây dựng hạnh phúc!

Trật bả vai, rỏ máu những lông mày

Đi kiếm hạnh phúc gian nan, bị thương tích rất nhiều.

Nhưng cô đến, cả huy hoàng trên trán

Cô đến là đến chứ không phải do ta đi tìm hay xây dựng. Ta hình dung cô Hạnh Phúc xuất hiện, trán phóng hào quang.

Dẫu đã muộn rồi, hãy còn sớm chán

Cô đến hơi trễ, bây giờ răng tôi đã long, đầu tôi đã bạc, chân tôi đã yếu. Thấy như là đã hết hy vọng. Nhưng nghĩ cho cùng, may mà có cô tới trước khi mình thở hơi thở cuối cùng.

Hội loài người hỷ lạc lắm hôm nay

Tôi sẽ xin Đời về một buổi mai

Đời là sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó, nhưng ta quá bận rộn nên không có thì giờ để tiếp xúc. Được ra đời và đáng lý được sống một cuộc đời, nhưng con người không có cơ hội, con người quá bận rộn nên không được sống cuộc đời của mình. Trong lo toan, chạy chọt, tìm kiếm, chúng ta đánh mất sự sống, đánh mất cuộc đời. Bây giờ xin lại, dầu là hơi trễ, nhưng cũng chưa trễ lắm. Buổi mai ở đây là một buổi mai hồng.

Cũng bởi vì tôi nhớ tôi mong

Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại

Trở lại đâu? Trở lại sự sống đích thực mà chúng ta đã đi lạc, đã nhầm lẫn, đã đánh mất. Sự sống đẹp đẽ, mầu nhiệm là cái ta nhớ, ta mong. Và vì còn nhớ mong nên ta còn có cơ hội để trở về.

Rất nhiều người đang trên hành trình đánh mất tự thân và đánh mất luôn sự sống mầu nhiệm. Ta bị những danh vọng, quyền hành, tiền bạc, sắc dục kéo đi mà tưởng chúng là hướng của hạnh phúc. Nhưng cái thật sự sâu thẳm ta mong muốn là sự sống mầu nhiệm. Cái mong muốn đó vẫn còn trong con người của ta, cho nên ta đi xuất gia. Bồ đề tâm, tâm ban đầu đó vẫn còn sống. Đó là một khối lửa, là một nguồn năng lượng có khả năng giúp cho người xuất gia sống trọn đời tu của mình và có hạnh phúc trong từng phút từng giây. Đó là bồ đề tâm, là tâm ban đầu, là cái nhớ mong sâu nhất mà không phải là những cái nhớ mong tầm thường. Người xuất gia không nhớ mong những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Người xuất gia nhớ mong cái lý tưởng, lời đại nguyện phát ra khi quỳ xuống để thầy cắt tóc chấp nhận ta trở thành một sư chú, một sư cô. Tâm ban đầu, khối lửa lúc ban đầu đó là cái nhớ, cái mong.

Cũng bởi vì còn cái nhớ, cái mong đó nên chúng ta có cơ hội quay ngược trở lại (U-turn) để tìm sự sống đích thực. Ta đã đánh mất hầu hết cuộc đời của mình, tại vì ta tìm theo ảo ảnh của hạnh phúc. Có khi đã sứt mẻ hai bàn tay, đã trầy hai vai và đã rỏ máu trên lông mày mà vẫn chưa thấy có hạnh phúc. Chỉ cần có sự tỉnh thức thì hạnh phúc tới rất huy hoàng. Cái người tu cần không phải là tiền bạc hay địa vị, dù là địa vị trong giáo hội, mà là sự tỉnh thức. Tỉnh thức là đủ để cho ta trở về và trở về rồi thì ta liền có hạnh phúc rất lớn. Tự nhiên cô Hạnh Phúc đến.

Xuân Diệu nói: “Thầy ơi, tôi dùng chữ vui vẻ chứ đâu có dùng chữ hỷ lạc trong thơ, tại sao thầy cho vào trong đó?”. Vui tức là hỷ. Bây giờ chúng ta trả lại chữ của Xuân Diệu cho Xuân Diệu:

Hội loài người vui vẻ lắm hôm nay

Ta nên trở về với sự sống đích thực của mình, nếu không trở về được thì thật đáng tiếc! Một ngày nào đó ta sẽ nằm trên giường bệnh và lúc ta sắp thở hơi thở cuối cùng thì mọi thứ đã trễ quá rồi, không thể nói “hãy còn sớm chán“ được nữa. Khi đó, cho dù có muốn đứng dậy để đi một bước thiền hành cũng không được. Trong Quy Sơn cảnh sách, Thiền sư Quy Sơn đã gióng lên một tiếng chuông: “Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách” (Một mai nào đó ta nằm hấp hối trên giường, tất cả những khổ đau bao vây chung quanh). Lúc ấy dù có muốn trở về cũng không còn kịp nữa, có muốn tìm hỷ lạc trong một bước chân cũng không còn được nữa. Bấy giờ, khi đã không còn đủ sức để ngồi dậy hay bước một bước chân, ta mới nuối tiếc rằng tại sao cả một cuộc đời chưa bao giờ ta thử đi một bước chân mà trong bước chân đó có hỷ và lạc. Tại sao? Có phải tại vì thầy không cho đi, hay tại chùa cấm không cho ta đi những bước thảnh thơi. Mới đi khóa tu về, ta tập đi những bước thảnh thơi nhưng thầy nói: “Đi gì mà như người thất tình vậy! Không được đi như vậy, phải đi cho xăng xái! Công việc thì nhiều mà đi rờ rờ như vậy thì làm sao được?”. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội. Nếu khéo léo, chúng ta có thể đem năng lượng của khóa tu về chùa.

Tôi đã từng viết nhiều truyện ngắn như: Bưởi, Tố, Hồng v.v. Một câu chuyện tôi đã có ý lâu rồi nhưng chưa viết ra, đại ý như thế này:

Trong một ngôi chùa đó có hai thầy trò. Chú tiểu rất thông minh. Nếu có được một đệ tử thông minh thì người thầy cảm thấy rất may mắn. Một đệ tử thông minh, rất muốn tu và nhất là hiểu được thầy, đó là niềm vui rất lớn cho một vị thầy.

Ngôi chùa nằm dưới chân núi. Một hôm hai thầy trò đi lên núi. Thầy khám phá ra một vùng đẹp kỳ lạ trên sườn núi. Khoảng đất rất thanh thoát và xanh tốt. Có tiếng chim hót hết sức mầu nhiệm. Hai thầy trò thường đi thiền lên đó, ngồi xuống và không làm gì hết. Một hôm người thầy tâm sự với đệ tử:

– Này con, chùa của thầy là ở đây chứ không phải ở dưới kia!

Ở dưới đó bổn đạo tới đòi hỏi cái này, cái kia. Họ đòi hỏi sự chú ý, họ muốn chụp hình với thầy. Người nào cũng muốn chụp hình riêng với thầy, muốn uống một ly trà với thầy, muốn thầy cho họ thì giờ. Họ đòi hỏi rất nhiều. Họ đóng góp vào chuyện xây chùa, chuyện trả tiền điện, nước, telephone, tiền rau đậu nên họ nghĩ họ có quyền.

Chú tiểu rất thông minh, hiểu được câu nói của thầy. Đây mới đích thực là chùa của thầy, nơi không có ai tới quấy rầy hay đòi hỏi gì cả. Nhiều hôm thầy lên trên núi ngồi rất lâu. Sáng hôm đó trời sương mù, có một ông bổn đạo tới tìm thầy. Sư chú gặp ông ở cội tùng ngoài sân. Ông hỏi, hình như có chuyện gì gấp gáp lắm:

– Sư chú, thầy ở đâu?

Sư chú nói:

– Thưa, thầy con đang ở trên chùa.

Và sư chú tiếp tục quét lá. Ông bổn đạo đi lên chùa mà không thấy thầy, ông đi tìm quanh nhà khách, tới tăng phòng, lên chánh điện cũng không thấy thầy. Ý của sư chú là thầy đang ở trên chùa thật kia, đang thảnh thơi ngồi thiền chứ không phải dưới chùa giả này. Ông khách hình như là trưởng ban quản trị của chùa.

– Chú nói thầy ở trên chùa, tại sao tôi lên tìm không ra? Thầy ở đâu vậy chú?

Sư chú đáp:

– Từ sáng sớm thầy đi vào núi hái thuốc. Tôi cũng ráng tìm thầy nhưng tôi nghĩ khó mà tìm được, sương mù nhiều quá, làm sao mà tìm thầy được.

Câu chuyện đó tôi lấy cảm hứng từ bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộ của thi sĩ Giả Đảo đời Đường:

Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn sư thái dược khứ

Chỉ tại thử sơn trung

Vân thâm bất tri xứ.

Dịch là:

Dưới cội tùng chú bảo

Thầy vừa đi hái thuốc

Chỉ tại núi này thôi

Mây mù không thấy được.

Chú nói: “Thầy con đi hái thuốc. Chắc cũng quanh quẩn trong núi này thôi, không xa đâu. Nhưng mây mù như vậy làm sao mà tìm cho được”. Đó là cách sư chú bảo vệ thầy mình, không để thầy bị quấy rầy nhiều quá. Nhu yếu của thầy cũng là nhu yếu của sư chú. Thương thầy nên sư chú muốn bảo hộ cho thầy.

Tiếp xúc với hạnh phúc thật sự

Khi học hỏi kinh điển và giáo lý, ta sử dụng rất nhiều khái niệm như giác ngộ, giải thoát, niệm, định và tuệ. Tuy vậy, thường thì đó chỉ là những danh từ và ý niệm. An lạc hay Tịnh độ có thể cũng chỉ là những ý niệm mà chưa phải là thực tại. Ta nói tới trái kiwi, nhưng có thể chỉ là cái tên và một ý niệm về nó chứ chưa bao giờ nếm trái kiwi, chưa bao giờ biết mùi vị của nó. Khi mới học những khái niệm ấy, chúng ta hồ hởi, phấn khởi, muốn tiếp cận, muốn có kinh nghiệm về những thực tại đó. Nhưng thật ra chúng có thể chỉ là những danh từ hay những ý niệm không thật, trong đó có Tịnh độ hay Phật. Phật đối với ta có thể chỉ là danh từ và ý niệm. Ý niệm về Phật không phải là Phật, ý niệm về Tịnh độ không phải là Tịnh độ, cũng như ý niệm về trái kiwi không phải là trái kiwi.

Sáng nay chúng ta đã tụng Bài Bốn phép tùy niệm, trong đó có đoạn:

Tự thân của đức Như Lai, người từ chân như tới, thầy của chúng con

Là bậc xứng đáng nhất để được cúng dường

Là bậc có trí giác chân thực và toàn diện

Là bậc có đầy đủ công hạnh và tuệ giác

Là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu

Là bậc hiểu thấu thế gian

Là bậc nhân sĩ cao tột có khả năng điều phục con người

Là bậc thầy của cả hai giới thiên và nhân

Là bậc tỉnh thức toàn vẹn

Là bậc được tôn sùng quý trọng nhất trên đời.

Chúng ta ca ngợi Bụt đêm ngày, tán dương Bụt bằng những bài tán rất hay. Rồi ta lạy Bụt rất nhiều, lạy 108 lạy và thỉnh thoảng còn thực tập nhất bộ nhất bái, đi 300 cây số. Có thể ta làm như vậy trong mười năm, hai mươi năm mà vẫn chưa tiếp xúc được với Bụt bởi vì đối với ta, Bụt vẫn còn là một ý niệm, một danh từ. Chúng ta sống bằng danh từ. Hầu hết chúng ta đều sống với danh từ, với ý niệm. Giải thoát, giác ngộ, an lạc là những danh từ đầu môi chót lưỡi. Chúng ta chưa có khả năng tiếp xúc với những thực tại ấy. Như nói cam mà chưa bao giờ được ăn cam, nói lê mà chưa bao giờ được ăn lê. Mỗi ngày chúng ta tôn kính, gọi Hồng danh của Bụt một trăm lần, một ngàn lần. Chúng ta gọi tên Ngài ra rả mà không tiếp xúc được với Ngài. Chúng ta không cho mình có cơ hội để tiếp xúc đích thực với Bụt, với Tịnh độ, với an lạc, trong khi Bụt, Tịnh độ hay an lạc đã có sẵn và có thật. Nếu biết cách, ta có thể tiếp xúc được với Bụt bây giờ và ở đây mà không cần phải kêu tên hay lễ lạy. Tịnh độ cũng vậy, ta có thể tiếp xúc được ngay bây giờ và ở đây mà không cần phải cầu xin đi sang bên đó. Chính giải thoát, an lạc cũng có mặt bây giờ và ở đây. Phải có khả năng lột hết và liệng đi những danh từ, những ý niệm thì lúc đó chúng ta mới có thể tiếp xúc được với những cái mình đang đi tìm, trong đó có Bụt hay Tịnh độ.

Trong khi sư chú đi thiền thì mỗi bước chân là một cơ hội để Bụt được biểu hiện trong tự thân của sư chú, và để cho hỷ, lạc, giải thoát được biểu hiện ngay trong giây phút hiện tại.

Nguyện thấy được tịnh độ dưới mỗi bước chân mình

Nguyện tiếp xúc bản môn trong mỗi khi hành xử

Bước trên thật địa

Thở giữa chân không

Đó là chuyện ta có thể làm được bây giờ và ở đây mà không cần phải đợi năm năm, tám năm, mười năm hay hai mươi năm mới làm được. Chỉ cần nhìn sư chú bước đi một bước, tôi có thể thấy được trong bước chân của sư chú có an, có lạc, có tiếp xúc với những mầu nhiệm của Tịnh độ hay không. Những mầu nhiệm được diễn tả trong kinh A Di Đà như những đóa sen lớn, những hàng cây phát ra âm thanh vi diệu trong đó có thể nghe được Tứ đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực… đều có thể tiếp xúc được ngay bây giờ và ở đây. Sư chú chỉ cần bước một bước, và nếu bước chân ấy chế tác được năng lượng của niệm, của định, tiếp xúc được với thực tại bây giờ và ở đây thì sư chú đang an trú trong Tịnh độ hiện tiền, hỷ lạc hiện tiền. Đức A Di Đà, đức Thích Ca đều hiện tiền trong bước chân đó. Nhưng có thể sư chú đã không cho Bụt, không cho Tịnh độ, không cho hỷ và lạc một cơ hội. Sư chú đi như bị ma đuổi. Ta không cho Bụt có cơ hội biểu hiện mà cứ gọi tên Ngài nhiều lần trong ngày và có khi còn lạy tới sói đầu. Ta có thể đang làm những chuyện ngược lại với mong muốn của ta ngày xưa.

Trong bài thơ, Xuân Diệu nói: Không trễ lắm đâu!

Dẫu đã muộn rồi, hãy còn sớm chán

Hai chân ta còn khỏe, mỗi bước chân có thể giẫm vào Tịnh độ. Nếu có niệm và định thì chắc chắn là ta giẫm được vào Tịnh độ ngay trong phút giây hiện tại. Chúng ta không cần phải cầu xin được sinh về Tịnh độ và cũng không cần phát tâm nhàm chán cõi Ta bà, mà mỗi hơi thở chính là một cơ hội, mỗi bước chân cũng chính là một cơ hội. Ta đòi hỏi gì nữa? Tại trung tâm tu học, chúng ta được ngồi, được thở. Ông trưởng ban quản trị không thể cấm ta thở, không thể cấm ta ngồi. Giáo hội cũng không thể cấm ta thở, cấm ta ngồi, cấm ta nghe chuông. Đảng cũng không thể cấm ta thở, cấm ta ngồi hay cấm ta nghe chuông. Mỗi người tu phải có cơ hội để đi những bước chân như vậy, thở những hơi thở như vậy, ngồi những buổi ngồi như vậy. Mỗi hơi thở, mỗi lúc ngồi, mỗi bước chân là một cơ hội để ta tiếp xúc với cái mà ta đang tìm. Đó là hạnh phúc chân thật, là cô Hạnh Phúc. Trán cô rất huy hoàng, cô có sẵn đó, không cần phải đi tìm, không cần phải xây dựng hay lao động khó nhọc.

Hôm qua, một vị đã phát biểu rằng, pháp môn này chỉ có thể tu tập với tính cách cá nhân thôi, chứ mang về chùa chắc chắn là không tu được. Phải chăng trong chùa đó mọi người không được đi thảnh thơi, không được ngồi thảnh thơi? Phải chăng trong chùa ấy mọi người không được thở, không được nghe chuông hay ăn cơm chánh niệm? Một ngôi chùa lập ra là để làm những chuyện đó chứ không phải để cấm người ta làm chuyện đó. Nếu không được thực tập những pháp môn ấy thì người ta phải viết lên bảng: “Chùa này cấm đi thảnh thơi, cấm nghe chuông và cấm mỉm cười”. Có danh sách những điều cấm như thế trong chùa, có nghĩa là cấm Bụt không được ở chùa, cấm đạo Bụt không được thực tập ở chùa.

Câu chuyện được tiếp tục thế này:

Một hôm có một vị khách tăng tới chùa của hai thầy trò. Vị khách tăng này không đòi gặp thầy. Sư chú ra thưa:

– Để con đi tìm thầy.

Khách tăng nói:

– Thôi khỏi. Tôi tới đây để tham quan, lễ Phật và đi thiền.

Vị đó không cần đón tiếp, không cần chào hỏi. Vị ấy thảnh thơi đi thiền lên núi và tình cờ gặp thầy ở đó. Cuộc gặp gỡ là cái duyên để thầy trụ trì học được phương pháp thiền đi. Hôm sau là ngày rằm, trước khi lên khóa lễ, thầy nói ra ước muốn của thầy với đạo tràng, thầy mong người nào cũng nếm được pháp lạc khi đi thiền. Và thầy dạy cho đạo tràng đi thiền lần đầu tiên trong chùa. Nhờ sự viếng thăm của vị khách tăng thảnh thơi kia mà thầy trụ trì biết cách chuyển hóa một ngôi chùa thực tập tín mộ trở thành một ngôi chùa thực tập đích thực, có thể mang lại hỷ, lạc, hạnh phúc, Tịnh độ hiện tiền, không phải chỉ cho người xuất gia mà cho tất cả mọi người.

Đó là nội dung của truyện ngắn tôi muốn viết mà chưa viết được. Những người viết văn hay, xin viết thành truyện đàng hoàng giùm tôi.

Mỗi bước chân là một bài pháp thoại

Chúng ta có nói rằng mỗi bước chân cũng là pháp thoại. Đây là quà tặng cho các vị giáo thọ tập sự, các vị giáo thọ đã được trao đèn và cả các vị giáo thọ lớn hơn. Trong khi đi mà mỗi bước chân tiếp xúc được với Tịnh độ thì ta không cần phải sinh qua bên đó, bởi vì Tịnh độ đã có bên này. Cõi này là Tịnh độ hay Ta bà đều do mình. Nếu tâm tư còn đầy lo lắng, buồn khổ và sợ hãi thì cõi này là cõi Ta bà. Nhưng nếu ta có vô úy, giải thoát, tự do thì cõi này là Tịnh độ. Tịnh độ không phân chia Nam Bắc, không phân chia Đông Tây. Tịnh độ ở phương Tây chỉ là một cách nói. Bởi vì nếu Tịnh độ chỉ có ở phương Tây thôi thì ở phương Đông không có Tịnh độ hay sao? Bụt A Súc ở phương nào? Đó là giáo lý vô đắc, không cần phải đi tìm một cái gì nữa cả, tất cả đều có đó. Vấn đề là chúng ta có tiếp xúc được hay không mà thôi. Cũng không có gì khó lắm và hãy còn sớm chán! Những ngày còn lại của đời ta, mỗi ngày có thể là một ngày hạnh phúc, mỗi giờ có thể là một giờ hạnh phúc, mỗi giây phút có thể là một giây phút hạnh phúc.

Khi ấy, nếu có khổ đau thì chúng ta cũng không sợ, bởi vì đã biết thực tập thì ta sẽ xử lý khổ đau rất dễ dàng. Khổ đau rất cần thiết. Cũng như bùn rất cần thiết để chế tác ra sen, khổ đau là chất liệu cần thiết để chế tác hạnh phúc. Chúng ta là chủ chứ không phải khổ đau là chủ, ta biết cách không để khổ đau tràn ngập. Chúng ta sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc như người nông phu sử dụng bùn đất để chế tác hoa màu. Khi đi một bước chân chánh niệm thì trong bước chân đó có đủ cả, có Tịnh độ, có Bụt A Di Đà, có Bụt Thích Ca, có tất cả các vị Bụt trong quá khứ, có hỷ, có lạc, có giải thoát.

Đây là hai câu sau cùng trong bài tụng cuối của Duy thức tam thập tụng:

An lạc giải thoát thân

Đại Mâu Ni danh pháp

Mỗi người có nhục thân, tức hình hài bằng xương, bằng thịt. Nhưng nếu là người tu thì phải có an lạc thân và giải thoát thân, và các thân này sinh ra từ sự thực tập. Đi đến đâu người tu cũng đem thân đó theo. Người tu không chỉ đem theo thân xương thịt mà còn đem theo cả thân an lạc, thân giải thoát. Nếu thân giải thoát mà ốm yếu, èo uột thì nó không đủ nuôi chính ta, nói gì tới chuyện nuôi được người khác. Ta phải làm cho thân giải thoát lớn lên, nghĩa là phải có nhiều tự do hơn.

Chúng ta có được bao nhiêu tự do? Đó là vấn đề. Chúng ta có rất nhiều ràng buộc, không những bị ràng buộc bởi vật chất bên ngoài mà còn bị ràng buộc bởi sự sợ hãi, lo lắng, giận hờn. Chúng ta thiếu không gian, thiếu tự do, thiếu giải thoát. Giải thoát của chúng ta èo uột, ốm yếu. Vì vậy mỗi bước chân, mỗi hơi thở là để nuôi lớn thân giải thoát, để có thêm tự do. Tự do không phải là một ý niệm. Người đời nói tới tự do như một ý niệm, nhưng là người tu thì ta phải có tự do thật sự. Khi ta mỉm cười được trước một nghịch cảnh thì ta thấy rõ ràng là ta đang có thân giải thoát, có tự do, có không gian trong lòng. Những nghịch cảnh, những thách đố có thể làm cho người khác khổ nhưng không thể làm cho ta khổ. Ta có tự do với những bực tức, bất mãn và lo sợ trong ta.

Người tu phải chế tác tự do, nhưng chế tác bằng cách nào? Khi bước một bước chân thì bước chân đó phải giúp ta buông xuống những lo lắng, buông hết quá khứ, buông hết tương lai, buông hết những dự án. This is it, tức là cái ta tìm kiếm, cái mà Xuân Diệu gọi là Đời, là Cô Hạnh Phúc, đang có ngay trong mỗi bước chân. Bước chân như thế có công năng nuôi dưỡng đời tu, tháo gỡ những ràng buộc và cho ta thêm tự do. Đó gọi là thân giải thoát. Thân giải thoát đi đôi với thân an lạc. Không thể nào có an lạc nếu không có giải thoát. Freedom is the foundation of happiness and peace. Đi được những bước chân như vậy, thở được những hơi thở như vậy, quán chiếu được những giờ phút như vậy thì ta có an lạc và giải thoát. Đó là mục đích của giáo pháp mà bậc thầy chúng ta (Mahamuni) trao truyền lại. Muni nghĩa là ông thầy tu tĩnh lặng, là danh hiệu đẹp nhất của đức Thích Ca. Mahamuni là Đại Muni, tức ông thầy tu có tĩnh lặng lớn. Tôi thấy gọi đức Thích Ca là Ông Thầy Tu Tĩnh Lặng hay hơn là gọi Pháp Vương hay đức Thế Tôn. Chính Ngài cũng muốn làm một ông thầy tu bình thường và tĩnh lặng mà thôi. Muni là ông thầy tu không ồn ào, không khoa trương.

Mỗi bước chân như vậy đích thực là một bài pháp thoại. Dù ta không nói gì và chỉ đi thôi thì bài pháp thoại đó cũng làm chấn động những người chung quanh. Đi ở phi trường, ở bờ sông hay đi trên hè phố, cách mình đi có thể làm thay đổi cả thế giới, làm thay đổi những người chung quanh. Lúc tăng thân 300 người về Hà Nội, chúng ta có tổ chức một buổi thiền hành quanh hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên trong lịch sử 1000 năm Thăng Long, có một đoàn người đi như vậy quanh bờ hồ Gươm. Xuất sĩ và cư sĩ, người nào cũng đi thảnh thơi, an lạc. Đó là một cống hiến của Làng Mai cho thủ đô. Ta không đem về tiền bạc hay danh vọng mà đem về năng lượng của hạnh phúc, tự do.

Vì vậy mỗi bước chân là một bài pháp thoại. Sư chú, sư cô đang nói pháp thoại một cách hùng hồn trong khi bước đi. Và không đợi tới ngày mai mà chính ngay hôm nay, sư chú, sư cô đã có thể làm được. Nếu có niệm và định hùng hậu thì mỗi bước chân của ta sẽ tỏa ra năng lượng thảnh thơi, giải thoát, an lạc và bước chân ấy sẽ nuôi được thân giải thoát, thân an lạc của ta. Là một vị sư trưởng, ta phải cho đồ chúng một cơ hội được thực tập. Dù ta ăn ít hơn, ở nghèo nàn hơn, nhưng ta phải được thực tập đầy đủ bởi vì đó chính là cái ta mong muốn nhất. Ngày xưa, mỗi buổi sáng các thầy chỉ đi khất thực, khỏi phải đi chợ nấu cơm nên có thì giờ để thực tập đi như vậy, ngồi như vậy. Chúng ta cần phải tổ chức đời sống trong chùa như thế nào để có thể nối tiếp được người xưa. Nếu ta quá bận rộn đến nỗi không có thì giờ để đi những bước thảnh thơi, không có thì giờ để ngồi trong yên lặng, không có thì giờ để nghe chuông và chế tác hỷ lạc thì đó không phải là bản hoài của đức Thế Tôn.

Mỗi bước chân là tình thương

Mỗi bước chân là pháp thoại, mỗi bước chân là tình thương. Người thầy nào cũng muốn đệ tử của mình đi được những bước chân như vậy. Nếu thương thầy thì ta phải đi như vậy. Và đại chúng cũng muốn ta đi như vậy. Thầy và đại chúng trông chờ ta đi những bước chân như là pháp thoại, đầy đủ tình thương. Vì thương thầy nên ta đi như vậy và đi như vậy thì tự nhiên ta thương luôn cả mình, thương cả Bụt, thương cả cha mẹ. Cha mẹ để ta đi tu nên ta phải biết ơn. Nếu không thành công được trong những bước chân thì ta không có hiếu với cha mẹ.

Trong mỗi bước chân có tình thương, có sự hiếu đễ, có ân nghĩa. Tôi nhớ có lần người ta dành cho tăng thân một đại lộ vinh dự nhất trong buổi thiền hành ở New Dehli. Tôi đã đi cho Sư Ông, cho Sư Cố, mỗi bước chân tràn đầy tình thương và Sư Ông đã đi bằng hai chân của tôi trên đại lộ Maharaja ấy. Rồi tôi đi cho mẹ. Mẹ của tôi đã đi bằng hai chân của tôi. Tôi cũng đã đi cho cha, đi cho tổ tiên và đi cho các vị đệ tử. Mỗi bước chân tràn đầy tình thương. Mỗi bước chân tràn đầy nuôi dưỡng. Chuyện này không khó.

Khi nghĩ tới mẹ suốt đời tất tả ngược xuôi, không có những giờ phút thảnh thơi, lo cho chồng, lo cho con những lúc con ốm không có thuốc, ta thấy thương quá. “Mẹ ơi, con đang đi cho mẹ. Mời mẹ đi với con, mẹ đi cho thảnh thơi”. Sự thật rất rõ ràng là mẹ đang có trong từng tế bào cơ thể của mỗi chúng ta. Chúng ta tưởng mẹ đã qua đời, nhưng kỳ thực mẹ đang còn sống trong từng tế bào cơ thể ta. Vì vậy mỗi bước chân là đi cho mẹ, cho cha. Lúc thực tập, ta có thể thấy mẹ mỉm cười trong mỗi tế bào của ta. Mẹ được đi thiền. Trong khung cảnh mầu nhiệm đó, ta trở thành một đứa con có hiếu nhất trong những đứa con có hiếu. Ban đầu vì thương thầy mà đi, nhưng sau một lúc thì tình thương lớn lên và ta ôm được cả tổ tiên, cha mẹ cùng các thế hệ tương lai trong mỗi bước chân của ta.

Chế tác năng lượng của niệm, định và tuệ

Niệm, định và tuệ là trái tim của sự thực tập đạo Bụt. Trong chúng ta có người không thật sự biết niệm là gì. Ta có một ý niệm về nó, ta biết danh từ niệm nhưng ta không thấy được sự mầu nhiệm của năng lượng đó. Bằng mỗi hơi thở, bằng mỗi bước chân chúng ta có thể chế tác năng lượng niệm. Khi uống nước, chúng ta phải uống với năng lượng niệm. Uống trong niệm là như thế nào? Trước hết chúng ta phải có mặt. Có thể là ta đang suy nghĩ tới chuyện quá khứ, chuyện tương lai hay đang băn khoăn về những dự án chưa thực hiện được. Tâm của chúng ta không có đó. Ta cần mang tâm về với thân, để tâm nơi hơi thở và bắt đầu thở vào. Chỉ trong vòng hai hay ba giây đồng hồ, ta liền đem được tâm về với thân, không để cho tâm rong ruổi nữa. Tâm ta như con khỉ chuyền từ cành này sang cành khác không bao giờ ngừng nghỉ. Ta cũng thế, phiêu lưu, trôi lăn, rong ruổi suốt ngày. Dù đang nằm trên giường hay ngồi trên ghế ta cũng rong ruổi, cũng trôi lăn trong cõi thất niệm, cõi quên lãng. Với hơi thở chánh niệm, xin mọi loài từ bỏ cõi lãng quên. Chỉ trong hai hay ba giây đồng hồ, ta có thể đem tâm trở về với thân, khiến cho tâm được giải thoát khỏi những lo lắng, sợ hãi về tương lai hay những ưu sầu, tiếc nuối về quá khứ.

Giải thoát không phải là chuyện của mười năm, hai mươi năm sau. Giải thoát có thể có được bây giờ, ở đây, và một hơi thở có thể đem tới giải thoát. Khi hoàn toàn nương vào hơi thở, tâm ta buông xuống hết những cái khác, lúc ấy, đối tượng duy nhất của tâm là hơi thở, những cái khác tan rã ra và ta có tự do, tự do trong một tích tắc. Tự do là giải thoát, giải thoát trong giây phút đó. Nếu giỏi thì ta có thể duy trì giây phút giải thoát ấy liên tục hơn. Khi thân và tâm hợp nhất thì ta mới có mặt. Đó là năng luợng của niệm. Niệm là năng lượng giúp ta có mặt bây giờ và ở đây. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân trong chánh niệm đều có khả năng đưa ta trở về với chính ta. Khi thực tập nghe chuông ta cũng có thể đưa thân tâm về một mối, có mặt bây giờ và ở đây. Khi có mặt bây giờ và ở đây, tự nhiên ta nhận diện được sự có mặt của ly trà. Ta có mặt thì những mầu nhiệm của sự sống cùng có mặt. Lý như vậy và sự cũng như vậy. Ta có mặt thì mây trắng, trời xanh, thông reo, chim hót là của ta. Có mặt là một sự thực tập. Ta có mặt cho ai? Ta có mặt cho sự sống. Có mặt là tự do, không còn bị giam hãm bởi quá khứ hay bị lôi cuốn theo tương lai.

Giải thoát là vấn đề bây giờ và ở đây chứ không phải là vấn đề tương lai. Không phải tu mười năm hay hai mươi năm mới có giải thoát. Khi ta thật sự có mặt thì cái kia cũng thật sự có mặt. Cái kia là sự sống, là Cô Hạnh Phúc, là đời sống mầu nhiệm. Không còn là một ý niệm, một bóng ma, ta là một thực tại mầu nhiệm. Tự nhiên ly trà trong hai tay cũng là một thực tại mầu nhiệm. Sự tiếp xúc giữa người uống trà với ly trà là một sự tiếp xúc mầu nhiệm. Một thực tại tiếp xúc với một thực tại. Ly trà không phải là một ảo tưởng, một hình ảnh trong giấc mơ. Nếu bị cuốn theo những suy tư, lo lắng thì ly trà, dù là trà Cao Sơn, cũng chỉ là một ảo ảnh, một bóng ma.

Chánh niệm giúp cho ta có thật và giúp cái trước mặt ta có thật, như trời xanh, mây trắng. Trong giây phút đó sự sống có mặt thật sự. Cử chỉ uống trà là một cử chỉ chánh niệm. Chánh niệm làm cho sự sống có thật và giúp ta sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày. Không có chánh niệm thì ta sống như những bóng ma, ta đi như người mộng du. Ta không sống được cuộc đời của ta. Chánh niệm là năng lượng có thể chế tác được bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày. Khi rửa bát, ta cũng có thể chế tác được năng lượng chánh niệm và ngay khoảnh khắc ấy, có thể tìm thấy niềm vui và an lạc. Rửa bát trở thành một cái gì thiêng liêng chứ không phải chỉ có thắp hương cắm lên bàn thờ, hay tụng kinh mới là thiêng liêng. Rửa bát, lau bàn mà có chánh niệm thì đều trở thành thiêng liêng. Không có cái gì quí hơn cái gì. Tất cả đều quí như nhau. Đi tiểu hay đi cầu mà có chánh niệm thì cũng là những giây phút linh thiêng. Chính vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần cũng nói rằng đi tiểu, đi cầu đều là Phật pháp. Không phải ngồi nghe pháp thoại hay tụng kinh mới là Phật pháp. Chúng ta có những người cha, người anh giỏi như vậy thì không lý do gì mà ta không làm được như cha anh của mình.

Niệm không nên chỉ là một danh từ suông. Danh từ không nuôi cuộc đời mình được. Danh từ có thể làm cho ta hồ hởi, phấn khởi một lúc nhưng sau đó ta thấy chúng chỉ là những danh từ. Ta vẫn đói tự do, đói hạnh phúc, đói tình huynh đệ. Trong Kinh Bách dụ có câu chuyện rất hay.

Có một người bị bệnh, ông thầy thuốc rất giỏi nói với người đó:

– Bệnh của anh chỉ cần ăn cháo chim trĩ là lành. Con chim này có dược tính rất hay.

Ông thầy có rất nhiều chuyện phải làm nên nói như vậy rồi đi. Người bệnh hiểu lầm, suốt ngày chỉ ngồi lặp lại hai chữ “chim trĩ”. Anh ta có lặp lại 100 lần, 1000 lần, 100000 lần cũng không lành được bệnh. Hôm đó có một anh bạn tới thăm, thấy anh kia cứ ngồi nói “chim trĩ”, “chim trĩ” giống như sắp bị bệnh tâm thần nên hỏi:

– Tại sao anh cứ ngồi lặp đi lặp lại hai chữ “chim trĩ” như vậy?

– Ông thầy đó nói chim trĩ mới chữa được bệnh, vì vậy tôi phải lặp đi lặp lại hai chữ đó.

Cũng giống như người ta lặp đi lặp lại Hồng danh của chư Bụt, chư Bồ tát bên đạo Bụt, hay lặp đi lặp lại Hồng danh của mẹ Maria và chúa Kito bên đạo Chúa, gọi là trì danh niệm Phật, trì danh niệm Chúa.

Anh bạn nói:

– Không phải thế. Chim trĩ không phải là một danh từ mà là một thực tại. Tôi sẽ vẽ cho anh coi con chim trĩ như thế nào.

Rồi anh bạn, là họa sĩ, vẽ ra một con chim trĩ giống như thật. Anh bạn đi rồi, anh kia nghĩ:

– Mình ngu quá! Cái này mới thật là chim trĩ.

Anh ta liền lấy kéo cắt hình chim trĩ ra, nhai và nuốt vào bụng. Thấy chưa lành, anh ta thuê thợ tới vẽ thêm nhiều chim trĩ nữa. Mỗi ngày anh ta ăn chim trĩ giấy nhưng cũng không thấy lành bệnh.

Ta đừng nên cười anh chàng này vì có thể chúng ta cũng đang làm giống như anh. Chúng ta tưởng cái đó sẽ đưa tới giải thoát, ta cứ lặp đi lặp lại những cái mà người ta bảo mình phải làm.

May cho anh chàng là có một người bạn thứ hai tới thăm. Thấy anh cứ nhai chim trĩ giấy hoài nên nói:

– Anh làm trò gì thế? Sao lại có người cứng đầu như vậy? Anh đi với tôi!

Người bạn dắt anh ta ra chợ mua một cặp chim trĩ, nấu cháo và bắt anh ta ăn trước mặt mình. Anh chàng lành bệnh.

Đây là một trong 100 chuyện hài hước mà đức Thế Tôn đã dùng để dạy các đệ tử. Chúng ta đừng nghĩ làm sao mà có người ngu đến mức đó? Sự thật là ở trên đời có rất nhiều người như vậy. Dù biết niệm, định và tuệ là hạt nhân của sự tu tập, nhưng có thể đối với ta chúng chỉ mới là những ý niệm, là những danh từ suông, là những ảo ảnh mà chưa phải là năng lượng thật. Trong khi đó người tu có thể chế tác được năng lượng niệm trong khi đi, trong khi ngồi, trong khi uống nước, trong khi rửa bát. Người có thực tập thì biết niệm quan trọng ra sao. Người nào cũng có hạt giống niệm trong lòng, thực tập ba bốn ngày thì hạt giống đó sẽ lớn lên và chế tác thành năng lượng chánh niệm.

Hễ có niệm là có định. Định là chuyên chú vào một đối tượng và kéo dài sự chuyên chú ấy. Định là đẳng trì, tức là làm cho kéo dài. Đẳng là đều đều, trì là giữ, đẳng trì là giữ mãi trên bình diện của sự chuyên chú. Khi thở vào và để ý trọn vẹn nơi hơi thở vào thì gọi là niệm hơi thở. Ý thức được hơi thở vào, hơi thở ra, và nếu duy trì được ý thức ấy từ đầu tới cuối thì niệm sinh ra định. Ta không những ý thức được sự có mặt của hơi thở vào mà còn chuyên chú vào hơi thở vào. Định chính là niệm được thực hiện sâu sắc và liên tục.

Hễ có niệm và định là có tuệ. Tuệ không phải là vấn đề tương lai. Tuệ có thể có ngay lập tức. Ví dụ câu “Breathe, you are alive” (Thở đi, anh đang còn sống). Đó là tuệ, tức cái thấy có khả năng chuyển hóa, khai phá, giải phóng, đó là Bát nhã (prajña). Người tu có thể chế tác tuệ mỗi ngày nhiều lần, trong từng giây phút. Tuệ không phải là cái hy vọng đạt được ở tương lai. Trong khi thở vào, nếu thật sự để ý và tập trung nơi hơi thở thì chúng ta khám phá ra rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện chúng ta đang có mặt ở đây, trên thế giới này. Đó là chuyện tương đối dễ làm, tại vì ai cũng biết rằng, người đã chết thì không làm sao thở vào được nữa. Đang thở vào thì rõ ràng là đang còn sống. Đang còn sống là một phép lạ! Có phép lạ nào mầu nhiệm hơn phép lạ là ta đang có mặt và đang sống đây không? Một người đã chết thì dù có 100 triệu dollars hay có quyền hành trên tổng thống đi nữa, họ cũng không thể thở vào, dù chỉ một hơi. Đang thở vào là một phép lạ, là một sự mầu nhiệm mà ta phải hết sức trân quý. Chỉ cần một hơi thở vào trong ba giây là ta có thể đạt tới cái thấy đó, một cái thấy hết sức đơn giản: “Ta đang còn sống và ta đang phung phí sự sống. Ta không biết sống, ta không biết trân quý giây phút của sự sống!”. Thở vào và biết ta đang có mặt, đang có tuổi trẻ, có hai chân khỏe, có hai mắt sáng. Cái thấy đó đều là tuệ. Tuệ đưa tới hạnh phúc ngay lập tức.

Pháp thừa tự

Niệm, định, tuệ là ba loại năng lượng có thật mà người tu phải chế tác mỗi ngày. Chế tác được ba loại năng lượng này thì ta sẽ có hỷ, có lạc, có hạnh phúc và giải thoát. Không có gì thần bí, không cần phải cầu nguyện, không cần phải lạy sói trán mà ta vẫn có thể có được hỷ lạc, hạnh phúc và giải thoát. Nếu sự thực tập hàng ngày của ta chế tác được hỷ lạc và giải thoát, tức là nếu có thân an lạc và thân giải thoát thì ta trở thành một người rất giàu có, có rất nhiều cái có thể để lại cho con cháu. Vũ Hoàng Chương có viết một bài thơ bắt đầu bằng câu: “Ta còn để lại gì không?”.

Là những người tu, chúng ta có thể hỏi câu hỏi đó: “Ta còn để lại gì không?”. Có, chúng ta để lại kho tàng giải thoát, an lạc mà ta chế tác trong suốt một đời tu. Chúng ta để lại thân an lạc, thân giải thoát. Thân thể xương thịt này của ta sẽ tan biến, nhưng thân an lạc và thân giải thoát của ta sẽ được truyền lại cho con cháu, cho các thế hệ tương lai. Trong kinh có danh từ Pháp thừa tự. Thừa tự là tiếp nhận gia tài của ông, của cha, của anh. Pháp thừa tự, tiếng Phạn là Dharmadayada. Bụt rất giàu, Ngài là một bậc cự phú đứng về phương diện hạnh phúc và tự do. Chúng ta là những đứa con rất may mắn được tiếp nhận gia tài vô tận của an lạc và giải thoát ấy. Chúng ta đi tu không phải để tiếp nhận ngôi chùa từ bổn sư của mình. Đó không phải là thừa tự! Chùa không phải là gia sản của thầy để lại. Thầy để lại một cái gì lớn lao hơn nhiều, đó là thân an lạc, thân giải thoát của thầy mà người học trò giỏi phải kế thừa cho được. Nếu không, ta chỉ là một kẻ cùng tử đi xin chút hạnh phúc từ chỗ này tới chỗ kia. Tại sao là con nhà giàu mà ta lại cư xử như một tên cùng tử, đi ăn mày hạnh phúc?

Pháp thừa tự là chữ mà chính đức Thế Tôn đã dùng. Kinh Hải đảo tự thân, đức Thế Tôn nói: “Trong đại chúng có người rất giàu, ví dụ như thầy Xá Lợi Phất, thầy có một gia tài kếch sù để lại cho con cháu gọi là pháp tài”. Tài là tài sản. Tài sản ở đây không phải là dollar, euro hay pound mà là an lạc, là giải thoát. Cũng trong kinh này, Bụt lại dạy: “Người đi tìm sự giàu sang về chánh pháp thường hay tới các thầy lớn như thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, thầy Phú Lâu Na”.

Nhờ có phước đức lớn và nhân duyên lớn ta mới được làm người xuất gia cho nên mỗi sư chú, mỗi sư cô phải biết rằng mình là con nhà giàu, mình xứng đáng để thừa tự cái gia tài vô tận ấy, đó chính là pháp thừa tự.