Pháp thoại theo chủ đề

Nghệ thuật xây dựng hạnh phúc

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 09.01.2014 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kết Đông 2013-2014 – Phần 2)

Định sinh hỷ lạc

Trong Kinh cũng nói tới những phương pháp khác như: Định sinh hỷ lạc 定 生 喜 樂. Khi có thiền định (meditation) thì ta có rất nhiều an, hỷ và lạc. Trong thiền định có niệm, định và tuệ. Với ba loại năng lượng đó ta có thể chế tác ra an, hỷ và lạc. Với niệm, định và tuệ ta chế tác ra an, nghĩa là buông bỏ những căng thẳng, làm giảm thiểu những đau nhức trong hình hài của mình. Nếu biết cách thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm thì ta buông bỏ được nhiều sự căng thẳng trong thân và trong tâm, ta buông bỏ được sự căng thẳng trong cảm thọ hay trong cảm xúc. Ta chế tác được hỷ và lạc là nhờ định. Thiền định cũng làm phát sinh ra an, hỷ và lạc. Đây là một nghệ thuật (art of meditation).

 

 

Trong thiền môn, người ta nói: Niềm vui của thiền định là thức ăn (The joy of meditation as daily food). Thiền duyệt vi thực 禪 悅 為 食. Chữ duyệt giống như chữ hỷ, niềm vui của thiền định là thức ăn hàng ngày của người tu. Ta nuôi ta bằng hỷ, lạc và an mà không phải bằng danh vọng, quyền hành và sắc dục. Nếu có pháp thân (the practice) vững thì ta có thể nuôi được mình. Nuôi được mình rồi thì ta có thể nuôi được những người thương của mình.

Niệm sinh hỷ lạc

Trong định có niệm 念, và tại Làng Mai chúng ta học rất rõ niệm là một yếu tố để làm phát sinh ra an, hỷ và lạc (Mindfulness is the source of joy, happiness and peace). Đó không phải là lời nói suông. Biết chế tác ra năng lượng chánh niệm thì ta chế tác hỷ, lạc rất dễ. Ví dụ như tôi đứng trên bục giảng và làm những động tác chánh niệm. Tôi làm không phải để có sức khỏe mà là để có hỷ và lạc trong khi làm. Những động tác chánh niệm không phải là những phương tiện để đi tới cứu cánh là có thêm sức khỏe mà nó chính là cứu cánh. Tôi thấy có hỷ, lạc và an ngay trong khi làm. Ở Làng Mai, chúng ta phải học làm như vậy. Ngồi thiền, đi thiền, tụng kinh không phải là để có an lạc mà ngồi thiền, đi thiền, tụng kinh chính là an lạc. Đó là do niệm mà ra.

Có một năm nào đó tôi bị bệnh phổi, con vi khuẩn Pseudomonas aerogina làm phổi ra máu. Tôi thở không có hạnh phúc. Nhưng sau khi điều trị và phổi lành rồi thì tôi thở hay hơn. Mỗi khi muốn thở ngon tôi chỉ cần nhớ lại thời gian bị nhiễm trùng phổi thì tự nhiên tôi thấy hơi thở vào cũng ngon mà hơi thở ra cũng ngon. Chỉ cần có niệm thì muốn có hỷ, lạc là ta có hỷ, lạc ngay. Những người trẻ có hai chân rất khỏe, có thể đi, nhảy hay trèo được mà không có hạnh phúc thì rất uổng. Đợi tới khi già không nhảy, không trèo được nữa thì mới tiếc. Đó là do niệm. Niệm là nhớ rằng ta đang có tuổi trẻ, ta đang có hai mắt sáng, ta đang có buồng phổi tốt, có hai chân khỏe và ta có thể sử dụng được hai chân, hai mắt, hai buồng phổi của mình. Nếu ta không có hạnh phúc thì đó là tại vì ta không có niệm. Có niệm thì với hai mắt còn sáng đó, hai buồng phổi còn tốt đó, hai chân còn khỏe đó ta có thể có hỷ, lạc và an suốt ngày. Tùy ở chúng ta mà thôi. Ta phải tự nhắc mình và những người cùng tu có thể nhắc cho ta để ta có thể phát khởi niệm. Có niệm là có an, có lạc, có hỷ.

Ly đưa tới an, hỷ và lạc. Thiền định đưa tới an, hỷ và lạc và chánh niệm cũng đưa tới an, hỷ và lạc.

Tuệ sinh hỷ lạc

Tuệ cũng đưa tới an, lạc và hỷ. Tuệ sinh hỷ lạc 慧 生 喜 樂. Người nào trong chúng ta cũng đã có những cái thấy (insight). Ta biết chuyện đó không đáng để cho ta đeo đuổi, quan tâm và bị cuốn vào đó. Ta thông minh và có đủ tuệ giác, ta biết cái đó không quan trọng, không đáng để ta quan tâm và làm cho ta mất thì giờ tranh đấu. Cho dù như vậy nhưng ta vẫn quan tâm, vẫn tranh đấu, vẫn làm mất thì giờ vì ta không sử dụng cái tuệ mà ta có. Chúng ta, không ai là không có tuệ nhưng ta không biết sử dụng tuệ. Có tuệ thì ta buông bỏ rất dễ. Ta biết đa mang là khổ nhưng ta vẫn vướng vào như thường. Khi con cá biết được trong con mồi kia có sẵn một lưỡi câu thì nó có tuệ. Có tuệ thì con cá sẽ không cắn vào miếng mồi, tại vì nó biết nếu cắn vào thì nó sẽ bị lưỡi câu móc vào cổ họng và nó sẽ chết. Chúng ta có tuệ nhưng không chịu sử dụng tuệ, ta cứ để lưỡi câu móc vào cổ họng. Ta hành xử một cách dại dột, ta để mình vướng mắc vào một hoàn cảnh không đáng tại vì ta không biết sử dụng tuệ của mình. Chúng ta, ai cũng có tuệ, có nhiều hay có ít. Càng tu, càng có niệm và định thì tuệ càng lớn. Có định và tuệ mà không biết dùng thì ta bị kẹt vào những tình huống khó khăn, lầy lội. Vì vậy chúng ta phải biết sử dụng những yếu tố chúng ta có tức bốn yếu tố buông bỏ, thiền định, chánh niệm và trí tuệ để chế tác an, lạc và hỷ.

 

 

Nghệ thuật xử lý khổ đau

Trong Kinh dạy rất rõ, mỗi ngày chúng ta phải học theo lối điều kiện hóa (conditioning). Được nhắc nhở hay không được nhắc nhở chúng ta cũng phải làm cho được. Chế tác được hỷ, lạc và an bằng bốn yếu tố buông bỏ, thiền định, chánh niệm và trí tuệ thì ta cũng có khả năng xử lý được những nỗi khổ, niềm đau. Những nỗi khổ, niềm đau đó không quá lớn, nhưng vì ta không biết xử lý nên chúng trở thành lớn. Phương pháp ta học được trong Kinh là khi có nỗi khổ, niềm đau thì ta phải xử lý ngay. Nhưng đa số chúng ta trong xã hội lại tìm cách chạy trốn khi có nỗi khổ, niềm đau. Ta đi tiêu thụ để tìm quên lãng, ta mở ti vi ra xem, mở sách ra đọc, mở tủ lạnh tìm cái gì để ăn hoặc lên internet hay điện thoại cho một người bạn. Ta tìm đủ cách để đừng nhớ tới nỗi khổ niềm đau trong lòng. Đó là thái độ trốn chạy mà phần lớn những người trong xã hội đều làm theo. Vì vậy nỗi khổ, niềm đau đó chỉ bị khỏa lấp và nó tiếp tục ngày càng lớn lên cho đến khi nó bùng ra.

Trong Kinh Bụt đã dạy rất rõ là ta có thể xử lý được nỗi khổ, niềm đau nhờ bốn yếu tố buông bỏ, thiền định, chánh niệm và trí tuệ.

Nhận diện và ôm ấp khổ đau

Khổ đau là một sự thật và chánh niệm, chánh định, trí tuệ là một năng lượng khác. Ta dùng năng lượng niệm-định-tuệ để nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau thì ta có thể làm cho nó dịu xuống. Cũng giống như một bà mẹ ôm lấy em bé một cách rất trìu mến, thân thương thì em bé sẽ bớt khổ. Nhận diện và ôm lấy nỗi khổ, niềm đau của mình bằng chánh niệm và chánh định thì khổ đau sẽ giảm xuống. Đó là bước đầu.

Quán chiếu để chuyển hóa khổ đau

Bước thứ hai là quán chiếu để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau đó thành một cái gì tích cực hơn, giống như sử dụng bùn để nuôi sen. Nỗi khổ, niềm đau cũng có ích lợi, nó cũng giống như bùn có khả năng nuôi sen.

Người thực tập biết xử lý nỗi khổ niềm đau thì khổ đau rất ít. Người không biết cách xử lý thì khổ đau sẽ rất lớn. Hai người ở trong cùng một tình trạng mà một người khổ rất nhiều còn một người thì ít đau khổ hơn tại vì người này biết cách khổ đau. Biết cách khổ đau là gì?

Đừng khuếch đại khổ đau (exagerer)

Ta đừng để mũi tên thứ hai tới xâm nhập. Bụt dạy khi một người bị trúng một mũi tên thì người đó rất đau nhức. Nhưng nếu có một mũi tên thứ hai cắm đúng vào vết thương thì sự đau nhức sẽ lớn hơn gấp 10 lần hay nhiều hơn nữa. Mũi tên thứ hai đó là sự bực bội, giận dữ, phản kháng hay sự tưởng tượng của mình. Khi có một sự đau nhức trong cơ thể hay trong tâm hồn, ta đừng nên làm cho nó lớn ra thêm bằng sự tưởng tượng, lo sợ. Nó chỉ là một đau nhức nho nhỏ thôi nhưng ta nghĩ là mình bị ung thư (cancer) và mình sắp chết tới nơi. Ta sợ và chính cái sợ đó làm cho sự đau nhức tăng lên gấp mười. Đó là mũi tên thứ hai. Ta phải bình tĩnh và nhận diện nó là nó mà đừng tưởng tượng nó là một cái gì lớn hơn. Nếu cần thì ta đi gặp bác sĩ hay một vị thầy chứ đừng giận dữ, lo sợ, phản kháng. Sự giận dữ, lo sợ, phản kháng đó làm cho niềm đau lớn hơn gấp 10 lần.

Đó là bước thứ nhất: Tránh mũi tên thứ hai.

 

 

Đừng chạy trốn khổ đau

Ta phải có mặt đó để nhận diện, xử lý và ôm ấp nỗi khổ, niềm đau. Nếu biết dùng ly, niệm, định và tuệ để nhận diện, ôm ấp nỗi khổ niềm đau thì ta khổ rất ít. Người khác khổ 95% còn ta chỉ khổ 5%, hoặc ít hơn nữa.

Đó gọi là nghệ thuật khổ đau. Nếu có pháp thân khá vững thì ta có thể xử lý khổ đau một cách dễ dàng. Ta còn có thể đi xa hơn nữa là sử dụng những khổ đau một cách có ích lợi. Với khổ đau ta có thể chế tác ra hiểu, thương và hạnh phúc; cũng như với bùn ta có thể chế tác ra hoa sen.

(Phần 1: Ly sinh hỷ lạc)