Pháp thoại theo chủ đề

Truyền thông bằng niệm hương

Pháp thoại ngày 30.07.2012 tại Xóm Trung – Làng Mai trong Khóa tu mùa hè 2012

Tại sao sự truyền thông bị bế tắc?

Có những cặp cha con không nói chuyện được với nhau. Cha không muốn nhìn mặt con và con cũng không muốn nhìn mặt cha. Mỗi khi nghĩ tới con là người cha có sự bực tức, và đứa con khi nghĩ đến cha là có sự bực tức. Có những cặp vợ chồng cũng không nói chuyện được với nhau, không nhìn được mặt nhau. Mỗi khi nghĩ tới người kia thì không có hạnh phúc. Chúng ta đã làm ăn như thế nào để đi tới tình trạng này? Nếu đi tới tình trạng này rồi thì có thể có một đường thoát hay không?

Ngày xưa, khi biết tin vợ mình có mang em bé thì trong lòng mình có sự rung động kỳ diệu. Mình cảm thấy hạnh phúc khi sắp được làm cha. Và đối với người thiếu phụ, khi được bác sĩ báo tin mình có thai thì cũng có sự xúc động lớn. Tuy em bé chưa sinh ra, nhưng mình đã có tình thương rồi. Khi có em bé ở trong bụng,  mình cảm thấy đời đẹp hơn, tươi hơn, có niềm vui hơn, và mình có thể nói chuyện với em bé mỗi ngày không chán. Tình thương rất là mầu nhiệm. Khi ăn cái gì mình cũng nghĩ rằng thức ăn này sẽ đi vào trong em bé, khi uống cái gì cũng nghĩ rằng cái mình uống sẽ đi vào trong em bé nên mình hết sức cẩn thận. Khi lo lắng cái gì cũng nghĩ rằng cái lo lắng của mình sẽ đi vào trong em bé cho nên mình tìm cách không có lo lắng, sợ hãi, buồn phiền. Và người cha cũng vậy. Người cha biết rằng nếu mình làm cho người vợ khổ đau, lo lắng thì sẽ hại cho em bé, cho nên người cha trở thành nhẹ nhàng hơn, nói năng dịu dàng hơn. Có sự thay đổi như vậy là tại vì cả hai người đều thương con. Như vậy tình yêu, tình thương với đứa con bắt đầu rất là đẹp. Vậy thì  tại sao bây giờ mình không nhìn được mặt con, nghĩ tới chuyện từ con, hay mỗi khi thấy mặt nó là nổi cáu? Tại mình không biết tu!

Ngày xưa, khi thấy người thiếu nữ đó mình rất cảm động. Đó là một nàng tiên đẹp từ bên trong đẹp ra. Mình cứ luôn nghĩ rằng: nếu cưới được người này thì mình mới có hạnh phúc được, và nếu thiếu người này thì đời sống không có gì vui và mình không thể nào sống được. Chỉ cần nhìn người đó là mình có hạnh phúc, chỉ cần nghe giọng người đó nói, dù là qua điện thoại, cũng đủ để có hạnh phúc rồi. Nhưng bây giờ tại sao mình không nhìn mặt nhau được, mình không nói chuyện với nhau được? Tại sao truyền thông bị bế tắc và mình nghĩ tới chuyện ly dị? Đó là câu hỏi. Cho nên cần phải có một cách sống, một cách nói năng và suy tư nào đó để giúp mình tái lập được truyền thông và xây dựng lại tình thương, để tìm lại được hạnh phúc ngày xưa.

Sở dĩ mình không nhìn được mặt người kia, không nói chuyện được với người kia là tại vì trong lòng mình có những cái gọi là nội kết. Nội kết là một danh từ Phật giáo, có nghĩa là những nút thắt, tiếng Anh gọi là knots. Khi người kia nói hay làm một điều gì đó tạo ra nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình, mình không biết cách tháo gỡ nên đã để nó trở thành một cái cục, giống như cục sạn ở trong thận và nó còn đó hoài. Đó là nội kết, một nội kết khổ đau. Mình không có khả năng tháo gỡ nội kết đó, và người kia cũng không có khả năng giúp mình tháo gỡ cho nên cái nội kết đó còn mãi. Cái khổ đau do câu nói hay hành động của người kia tạo ra cứ còn mãi, và vài ngày hôm sau lại có thêm nội kết mới trong khi nội kết cũ chưa tháo gỡ được. Cứ như vậy sau nhiều tháng, nhiều năm thì mình có quá nhiều nội kết, và vì vậy cho nên mình không nhìn mặt người kia được. Mình sợ người kia sẽ nói, sẽ làm những điều gì nó tưới tẩm những nội kết cũ và nó sẽ tạo ra những cái nội kết mới. Trong chúng ta ít nhiều cũng có những nội kết. Nhiều nội kết do tự mình làm ra, do sự si mê của mình, người kia không làm mình khổ mà cứ tưởng rằng người kia muốn làm mình khổ. Và những nội kết do sự vụng về của người kia gây ra tạo thành những khối được kết tụ lại trong tâm mình và mình không tháo gỡ được, không chuyển hoá được.

Phép lạ của sự hòa giải

Trong những khóa tu mà mình tổ chức ở tại Âu Châu, Mỹ Châu, Á Châu, Úc Châu luôn luôn có những cặp vợ chồng và cha con hòa giải được với nhau sau bốn, năm ngày thực tập. Đau khổ kéo dài trong nhiều năm nhưng mà chỉ cần tu 5 ngày, 6 ngày là có khả năng tháo gỡ và hoà giải được. Mà phép lạ của sự hoà giải, của sự chuyển hoá luôn luôn xảy ra trong các khoá tu mà phần lớn người tới tu học không phải là Phật tử, họ là những tín đồ của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo… Mình là Phật tử, nhiều thế hệ đã theo đạo Bụt, nhưng tại sao mình không biết thực tập để thoát ra được mà chịu chết như vậy?

Vậy nên mình phải đứng dậy, phải nắm lấy giáo pháp để tu tập. Và mình cần thấy rằng: nếu người không phải là Phật tử sau năm ngày tu tập có thể chuyển hóa và tái lập được truyền thông thì tại sao mình là người Phật tử mà lại không làm được. Chắc chắn mình có thể làm được, và mình có thể làm hay hơn! Có niềm tin đó là bởi vì  mình đã từng tiếp nhận hạt giống của chánh pháp ở trong con người của mình rồi.

Và khi tu tập, mình có thể tháo gỡ và chuyển hoá được những nội kết trong mình. Phương pháp làm mới của Làng Mai nhằm mục đích không để cho nội kết tiếp tục được thành hình. Vì vậy nên mỗi tối thứ sáu, hai vợ chồng, hai cha con, cả gia đình cần ngồi xuống để làm mới. Làm mới là một phương pháp tháo gỡ nội kết. Mình ngồi với nhau, im lặng nghe chuông, mình thở để làm cho lắng dịu tâm và thân mình. Ở giữa vòng tròn của gia đình có một bình hoa, khi mình muốn chia sẻ thì bình hoa đó sẽ được đưa tới trước mặt mình, mình cầm bông hoa lên và thở ba hơi rồi nói, dầu chỉ có hai người cũng vậy. Chẳng hạn như nói : “Anh ơi, ngày hôm kia anh nói một câu làm cho em đau, em muốn anh biết cái điều đó. Em đau lắm! Em không hiểu tại sao anh lại nói một câu như vậy? Câu ấy nó có thể làm tan vỡ tình nghĩa của chúng ta. Đó là một nội kết mà em đã cất giữ hai ngày rồi. Trong hai ngày này em đã cố gắng để tháo nó mà chưa làm được. Anh giúp em đi, anh giúp em tháo cái nội kết đó đi, nếu anh không giúp thì ai giúp em bây giờ. Nói cho em biết tại sao anh đã nói một câu như vậy, anh đã làm một cái điều như vậy,…”.

Khi cầm bông hoa mình có thể nói như vậy, và nói bằng cái giọng không trách móc, không buộc tội, nói bằng giọng khẩn thiết yêu cầu người kia giúp đỡ. Tại khi mình thương nhau, mình cần đến nhau và khi mình nói như vậy thì người kia sẽ có cơ hội quán chiếu, nhìn lại. Và nếu người kia thấy rằng mình có lỗi thì xin lỗi, nếu người kia thấy đây là một chuyện hiểu lầm thì sẽ tìm cách cắt nghĩa. Có như vậy mới tháo gỡ được nội kết. Đừng để cho nội kết đó ở lâu trong con người của mình. Đó là phương pháp làm mới mỗi tuần. Các thầy, các sư cô có thể đã trình bày phương pháp làm mới để giải tỏa nội kết rồi, nhưng mà mình phải tiếp tục học thêm. Mình cần phải nắm cho vững pháp môn, và mỗi tuần đều thực tập làm mới thì mới giữ được hạnh phúc. Và như thế sẽ không đi tới tình trạng không nhìn được mặt nhau, không nói chuyện được với nhau, truyền thông bế tắc.

Giữa cha con cũng vậy. Nếu cha làm khổ con thì con cũng có thể dùng phương pháp ái ngữ để thưa với cha rằng: “Những điều ba nói đã làm cho con đau. Con đã cố gắng trong mấy ngày nay mà không tháo gỡ được. Có thể là con hiểu lầm ý của ba, ba không muốn nói như vậy nhưng con nghĩ đi nghĩ lại vẫn chưa thấy được điều đó. Cho nên ba phải giúp con, để con có thể nói chuyện được với ba và ba nói chuyện được với con”. Mình không dùng áp lực, dùng quyền hành làm cha của mình để bắt đứa con phải tuyệt đối vâng theo lệnh của mình. Tại vì làm như vậy thì có thể đánh mất truyền thông. Và khi giữa cha và con không còn truyền thông nữa thì không có hạnh phúc, cha cũng không có hạnh phúc và con cũng không có hạnh phúc. Con có thể nói ra tất cả những điều gì trong lòng của mình cùng cha, với điều kiện là mình nói lễ phép, nói sự thật những đau khổ của mình. Và cha phải có thì giờ và cho con một cơ hội để nó nói ra những nỗi khổ niềm đau của nó, để có thể giúp cho con thấy được sự thật, giúp cho con đi ra khỏi hiểu lầm, hoặc nếu cha có vụng về thì có thể xin lỗi con. Tôi là thầy nhưng mà nhiều khi tôi đã xin lỗi đệ tử của tôi.

Phương tiện truyền thông thực sự

Người ta nghĩ rằng điện thoại và internet có thể giúp cho người ta truyền thông với nhau tốt. Hiện bây giờ nơi nào cũng có điện thoại hết, ở bên Trung Quốc điện thoại nhiều hơn ở Âu Châu nữa. Khi mình muốn gửi một thông điệp, một cái thư thì chỉ trong một phút sau, nửa phút sau là người bên kia nhận được. Phương tiện truyền thông rất đầy đủ, rất phong phú nhưng trong khi đó cha không nói chuyện được với con, vợ không nói chuyện được với chồng thì những phương tiện truyền thông đó được dùng vào việc gì?

Khi những nhà sản xuất điện thoại nói về phương tiện truyền thông thì họ nói rằng: “We bring people together”, chúng tôi giúp cho mọi người tới gần nhau. Điều ấy chưa chắc đã đúng! Điện thoại hai ba cái, bên này hai cái điện thoại, bên kia hai cái điện thoại nữa, hai túi bốn cái điện thoại chưa hẳn là mình đã truyền thông được với người kia. Quí vị nên biết là bốn mươi năm qua, Thầy không có điện thoại cũng không dùng điện thoại, ấy vậy mà Thầy không bị cắt đứt truyền thông với các đệ tử hay là những người thân. Thầy chỉ viết thư thôi, có khi thư cả tháng mới tới được người kia. Thành ra mình đừng tưởng là khi có điện thoại trong túi là mình có thể truyền thông được. Trong truyền thông Phật giáo có một phương tiện truyền thông rất hay. Đó là thắp nhang, đốt trầm.

Tú Uyên – Giáng Kiều

Có một câu chuyện thật đã xảy ra tại thủ đô Thăng Long – Hà Nội. Hôm nay tôi xin kể lại cho quí vị nghe. Có một cặp vợ chồng đã từ lâu không nhìn mặt nhau, làm khổ nhau, vậy mà rốt cuộc họ truyền thông lại được với nhau và làm hoà với nhau. Mà phương pháp truyền thông của họ không phải là điện thoại. Tại vì thời đó chưa có điện thoại, đó là đời Lê Thánh Tông. Câu chuyện này được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (*) viết lại trong tác phẩm ”Truyền Kỳ Tân Phả”.

Trong “Truyền Kỳ Tân Phả”, Đoàn Thị Điểm có viết truyện của một anh chàng tên là Tú Uyên sống vào đời vua Lê Thánh Tông, đời hậu Lê, tức cách đó trên mấy thế kỷ. Tú Uyên là chàng sinh viên đẹp trai, thông minh nhưng có một vài tật xấu như không biết lắng nghe, không biết nói lời ái ngữ, lại ưa uống rượu. Tú Uyên học trường đại học. Hồi đó chưa gọi là trường đại học mà gọi là trường Đại tập, học để đi thi. Tú Uyên không phải là một người con trai có hạnh phúc, tại vì có những khó khăn với bố, với mẹ, không biết lắng nghe, không biết nói lời ái ngữ, và tánh rất nóng. Vì vậy trong lòng Tú Uyên có rất nhiều nội kết và gây ra những nội kết cho bố mẹ, thành ra anh không có hạnh phúc trong gia đình. Đến khi đi vào trường học thì cũng thói nào tật đó, cho nên chơi với ai cũng không chơi được lâu, vài ba tuần là la mắng người ta, chửi người ta, rốt cuộc là không có bạn, thành ra sống rất cô đơn.

Ban đầu Tú Uyên cũng có những người bạn rất dễ thương, những cô thiếu nữ rất xinh đẹp, nhưng chơi một hồi mấy người kia ngán bỏ đi hết tại vì cái tánh không chịu lắng nghe, không biết nói những lời ái ngữ, nổi nóng lên thì nói và làm những  điều mất tình, mất nghĩa. Cho nên anh chàng rất cô đơn, không có bạn.

Một hôm Tú Uyên đi chùa Ngọc Hà, tức là chùa Bà Ngô ở Hà Nội bây giờ. Tú Uyên đi chùa không phải để nghe pháp thoại, không phải để tụng giới, không phải là để thực tập thiền hành, thiền tọa, mà đi chùa chỉ hy vọng gặp một vài cô gái để kết làm bạn thôi. Bữa đó anh tới cổng tam quan của chùa thì thấy có một đoàn hành hương từ trong chùa đi ra, trong số đó có một cô rất xinh đẹp. Anh ta choáng váng. Anh đã từng thấy những cô gái đẹp nhiều lần rồi nhưng mà chưa bao giờ thấy có một cô đẹp như vậy. Vì vậy nên đi vào trong sân chùa rồi, anh quyết định quay trở ra để đi theo cô đó, nhưng mà rủi cho anh ta, những người đi hành hương tiếp tục đi vào, thành ra anh phải chờ những người kia đi vào hết rồi mới đi ra được, khi đi ra thì người thiếu nữ kia biến mất.

Từ đó về sau, hình ảnh của cô gái kia cứ lảng vảng trong đầu, anh không thể nào quên được. Đêm nằm mơ thấy hình bóng đó, và không ăn được, không ngủ được, lòng cứ tơ tưởng tới nét mặt của cô gái kia. Anh ta đi tới đền Bạch Mã để xin xăm bói quẻ, coi mình có duyên gì với cô gái đó hay không, làm thế nào để gặp lại. Đêm về, anh nằm mơ thấy một ông cụ nói: ”Sáng sớm mai đi ra ngoài cầu Đông thì sẽ có cơ hội” – Cầu Đông tức là phố Hàng Đường bây giờ ở Hà Nội. Mộng như thế anh chàng ngủ không được nữa, cứ thức đợi trời sáng. 6 giờ sáng trời còn chưa rõ, anh đã đi ngoài đó rồi. Và khi đi ra ngoài đó thì thấy có một tiệm bán giấy, bán bút, bán tranh nhưng mà chưa mở nên anh đứng đợi với hy vọng mình sẽ được gặp người đó ở trong quán sách. Khi tiệm sách đó mở cửa thì anh ta đi vào, trong lòng cũng có ý muốn mua một ít bút, một ít mực và một ít giấy. Lúc vào thì thấy có một bức tranh mà người trong tranh giống hệt cô gái anh đã gặp ngày hôm kia. Do đó anh đã bỏ hết tất cả tiền có trong túi để mua tấm tranh đó, không cần mua sách vở, bút mực gì nữa hết. Đem bức tranh về, anh chàng treo trên tường để ngắm cho đỡ nhớ. Đi học về, anh ta làm một tô mì gói để ăn, và vì nhớ cô gái đó thành ra mỗi bữa anh làm hai tô và để hai đôi đũa, một tô cho anh và một tô để mời cô kia.

Trong cuộc sống đời thường, có những chàng trai, những cô gái rất cô đơn. Đôi khi mình ngồi nói chuyện với chính mình, nói chuyện với cái bóng của mình, rất là cô đơn tội nghiệp. Xã hội đông đảo như vậy với biết bao nhiêu người trẻ nhưng mà mình vẫn hết sức cô đơn. Mà mình đâu phải là không đẹp trai. Mình rất đẹp trai mà vẫn cô đơn như thường, tại vì cái tánh của mình xấu, không biết lắng nghe, không biết nói ái ngữ, có nhiều đam mê, có nhiều tật xấu, có nhiều bạo động trong người. Trong xã hội có những người họ nói chuyện với con người không được, nên họ mua một con mèo hay một con chó để nuôi và để cưng con mèo, con chó đó. Họ mua những hộp thức ăn rất đắt tiền cho con mèo của mình và trút tình thương của mình vào con mèo đó hay là con chó hoặc con chim đó. Thương một con mèo dễ hơn thương con người, đôi khi mình nói tầm bậy tầm bạ, con mèo không có giận. Tội nghiệp như vậy đó!

Có một bữa anh ta buồn quá, nuốt mì không vô nên mới nhìn chăm chú lên cô gái thì tự nhiên thấy cô gái nháy mắt một cái. Lạ quá, người trong tranh mà sao nháy mắt được. Anh ta dụi mắt rồi nhìn lại thì thấy không có nháy gì hết. Một lát nhìn lên thì thấy cô ta mỉm cười. Khi người ta cô đơn, người ta có thể tưởng tượng ra như vậy. Nhưng mà sự thật thì anh rất ngạc nhiên, anh thấy cả thân hình cô động đậy, rồi cô bước từ trong bức tranh xuống thành ra một con người bằng xương, bằng thịt rõ ràng. Quí vị có biết, sau khi bước xuống, cô nói cái gì với anh không? Câu đầu tiên mà cô nói với anh chàng sinh viên đó là: ”Tô mì như vậy mà anh ăn được thì tôi cũng phục anh thiệt!”. Sau khi bảo anh đợi một chút cô biến mất, hai phút sau cô xuất hiện với một cái giỏ rau rất xanh và thơm, có rau ngò, hành hoa, có đủ thứ hết, rồi cô loay hoay chút xíu là có hai tô mì rất thơm ngon. Cô đúng là một nàng tiên xuất hiện trong cuộc đời của anh, anh ta hạnh phúc quá chừng.

Tôi ngưng kể chuyện này một chút để nhắc quý vị rằng: trong đời quý vị, nàng tiên của quý vị có thể đã hiện ra rồi đó. Nàng tiên đó có thể là mẹ của mình hay là bố hoặc bạn của mình. Chuyện này không phải là chuyện tưởng tượng, chuyện có thiệt. Mỗi người trong chúng ta đều có một nàng tiên hoặc là hai, ba nàng tiên; hoặc là một ông tiên, hay hai, ba ông tiên đã hiện ra rồi. Họ rất dễ thương. Có người đó, không khí trong nhà khác hẳn, rất hạnh phúc. Chúng ta có phước quá đi cho nên mới có một nàng tiên hiện ra trong cuộc đời của mình.

Nhưng mà mình biết điều gì sẽ xảy ra tiếp trong câu chuyện rồi. Vì tánh nào, tật đó khó thay đổi nên chỉ sống được mấy ngày có hạnh phúc, anh ta trở lại tánh cũ. Anh ta nói những câu rất nặng nề, rồi có những cử chỉ không dễ thương, và còn đi về trễ. Khi uống rượu say về anh chửi mắng, đánh đập cô tiên ấy. Cô tiên đó có tên là Giáng Kiều, một người đẹp từ trên trời đi xuống. Giáng Kiều hết lòng khuyên anh nên tu tập, nên đi chùa, và nên giữ giới, tụng giới. Ban đầu anh ta cũng nghe theo, anh ta cũng đi chùa, cũng nghe pháp thoại. Có bữa hai người cùng vào ngồi nghe pháp thoại. Trong khi tất cả mọi người chăm chú nghe Thầy giảng thì anh ta không nghe. Bài pháp thoại không đi vô trong người anh ta.

Hồi đó chưa có điện thoại, người ta chỉ có thể viết thư, mà viết thư bằng chữ Hán chứ chưa có tiếng Việt nữa, thì phương pháp duy nhất để truyền thông là viết lá thư, hoặc là nhắn một người đi tới để nói lại thông điệp ấy. Trong nghi lễ Phật giáo, trong truyền thống của dân tộc mình, khi muốn truyền thông thì phải thắp hương. Mình muốn có sự cảm thông giữa mình với tổ tiên thì mỗi ngày mình phải thắp hương. Mình thắp hương lên bàn thờ tổ tiên để giữ sự truyền thông giữa mình với tổ tiên. Người nào cũng có gốc rễ hết. Cây có cội, nước có nguồn và con người thì có tổ tiên, vì vậy văn hoá của người Việt là phải có một bàn thờ tổ tiên trong gia đình và người mà không truyền thông được với tổ tiên là một người mất gốc.

Vì vậy thắp hương lên bàn thờ tổ tiên là một sự thực tập của người Việt. Mỗi ngày phải thắp một nén hương và đứng im lặng trước bàn thờ tổ tiên. Mình liên hệ, tiếp xúc được với tổ tiên trong giây phút im lặng đó. Mỗi ngày phải lấy khăn để lau bàn thờ cho bụi đừng dính vào đó. Bề ngoài ngó vào giống như là mê tín dị đoan nhưng mà đó là một hành động rất văn minh. Tại vì sự thật là khi mình bị phóng thể thì mình không thể có hạnh phúc được, vì vậy cho nên mình phải có gốc rễ nơi tổ tiên, mình phải biết tổ tiên mình là ai, như vậy mới có sự truyền thông, khi đó mới có sự lưu thông trong con người của mình. Còn nếu không biết tổ tiên của mình là ai, không có sự truyền thông với tổ tiên của mình thì mình là một con người bị cô lập hoá trong xã hội, và mình cũng không thể tiếp xúc được với con, với cháu và với bạn bè của mình.

Theo truyền thống Việt Nam, tuy là không nói ra sách vở nhưng mà mỗi nhà đều phải có một bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên đó là văn minh chứ không phải là mê tín đâu. Mỗi ngày chỉ cần một phút, hai phút để lau bàn thờ ấy. Trong khi lau bàn thờ để cho khỏi bụi thì tâm mình hướng về tổ tiên, và khi thắp một cây nhang thì mình đừng nghĩ tới chuyện công ăn việc làm chỉ nghĩ tới tổ tiên thôi. Trong khi đứng nửa phút trước bàn thờ tổ tiên thì mình có sự tiếp xúc với tổ tiên. Điều này là một hành động rất thông minh, rất văn minh.

Sự thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa như vậy nên chúng ta cần phải học, chỉ cần như vậy thôi là mình không bị cắt đứt gốc rễ với tổ tiên. Cha mình cũng là tổ tiên, nhờ cha mà mình tiếp xúc được với quá khứ tổ tiên của mình; và con mình cũng là sự nối tiếp của mình, nhờ con mà mình đi được về tương lai, nhờ cha mẹ mà mình đi được về quá khứ. Khi cha và con cộng tác thì có cả tương lai và có cả quá khứ. “Ta vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ, nên hôm nay ta vẫn sống nhẹ nhàng”. Nếu quá khứ bị cắt đứt, tương lai bị cắt đứt thì không có hạnh phúc. Vì vậy cho nên cha giận con là một thảm họa trong gia đình. Khi cha với con truyền thông được với nhau thì cả hai cha con đều cùng có quá khứ và tương lai hạnh phúc. Đó là điều mà chúng ta cần phải thấy.

Đây là vấn đề văn minh chứ không phải là vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, cho nên phải gấp rút tái lập lại truyền thông giữa hai cha con thì mới có tương lai và quá khứ được. Do đó, dù mình có đi ra ngoại quốc thì mình cũng phải giữ bàn thờ của tổ tiên. Cho dù nhà mình có nhỏ, dù mình là sinh viên chỉ có một cái phòng rất nhỏ, mình cũng phải có một cái góc nào đó để thờ tổ tiên, để thắp một cây hương. Ở trong chùa cũng vậy, cũng thắp hương, cũng đốt trầm. Và riêng trong chùa thì người ta không phải chỉ đốt nhang, trầm mà thôi. Trong truyền thống Phật giáo thì có năm thứ nhang, năm thứ hương ấy nếu đốt được thì có công hiệu gấp ngàn lần chỉ đốt hương trầm thôi. Ngoài đời chỉ có hương chiên đàn, hương trầm, ở trong chùa ngoài những thứ đó còn có năm thứ hương nữa, đó là giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.

Giới hương tức mình đốt hương bằng sự trì giới, giữ gìn năm giới. Mình không nói dối, không la mắng và dùng lời ái ngữ đó là giới thứ tư. Mình không uống rượu, không sử dụng chất ma tuý, không có tiêu thụ những sản phẩm có độc tố, đó là giới thứ năm. Mình không có tà dâm, không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của mình. Rồi mình biết bảo hộ sinh mạng, bảo hộ môi trường, đó là giới thứ nhất, là bất sát. Khi mình sống như vậy là mình đang cúng dường một thứ hương gọi là hương giới, loại hương này quý hơn cả hương trầm. Vì vậy cho nên khi đứng trước đức Thế Tôn thì mình chắp tay mà nói rằng: “Con nay xin dâng hương lên đức Thế Tôn, và hương của con dâng lên là hương giới, hương định, hương tuệ, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương”. Là Phật tử, mình phải biết thắp loại hương đó chứ không phải chỉ thắp hương mua ở ngoài chợ.

Hôm ấy Thầy ở chùa Ngọc Hồ giảng về bài “Ngũ phần hương” ấy. Nhưng anh chàng Tú Uyên đâu chịu nghe, anh nghe anh chán, chỉ có Giáng Kiều ngồi nghe pháp thoại còn chàng ta cứ nghĩ chuyện gì đâu, nghĩ chuyện chiều nay mình uống rượu gì, mình đi chơi với ai. Vì vậy cho nên bài pháp cũng vô nhưng độ chừng một hai phần trăm thôi. Bởi chứng nào tật đó nên anh ta cứ uống rượu say, đi chơi về khuya và khi nói hơi toàn nồng nặc mùi rượu. Khi được Giáng Kiều khuyên, anh ta đã không nghe theo mà còn la mắng, đánh đập nàng nữa. Cho nên bữa sáng đó lúc thức dậy gần 12 giờ trưa thì thấy một mảnh giấy của Giáng Kiều để lại: “Thôi anh ở lại một mình, sống với anh khó quá! Em đi!” và Giáng Kiều bỏ đi.

Nhớ lại giờ phút đầu tiên, cái phút mà thấy Giáng Kiều, nháy mắt một cái, mỉm cười một cái và bước ra từ bức tranh thật hạnh phúc biết bao mà kể, cái mối tình lúc ban đầu nó đẹp như thế, vậy làm ăn sao mà đến nỗi bây giờ Giáng Kiều bỏ đi. Trước khi kể tiếp thì tôi xin hỏi quý vị: “Giáng Kiều của quý vị đang còn đó hay là đã bỏ đi rồi, hay sắp sửa bỏ đi?”, “Quý vị làm ăn sao mà bây giờ Giáng Kiều đã nghĩ tới chuyện ly dị, cha muốn từ con, con không có nhìn được mặt cha, vợ sắp bỏ chồng, chồng sắp bỏ vợ?”. Đây là một câu hỏi. Mình làm ăn như thế nào, đã nói những cái gì, đã làm những điều gì, đã gây nội kết cho người đó như thế nào, rồi người đó phản ứng ra sao, gây nội kết cho mình ra sao? Mình là con nhà Phật tử mình, mình có biết tu tập chuyển hoá, tháo gỡ nội kết hay không?

Khi Tú Uyên đọc thông điệp:”Thôi em đi, không thể nào sống được với anh nữa. Em chịu thôi!” thì nỗi đau, niềm tuyệt vọng trào lên, và Tú Uyên không muốn sống nữa, có ý muốn tự tử.

Trong xã hội bây giờ, số thanh niên thiếu nữ đi tự tử đông lắm. Ở Hồng Kong, số người nhảy từ cao ốc 40 tầng xuống để chết thật nhiều, ở bên Pháp mỗi ngày có khoảng 30 thanh niên tự tử, bên Anh nhiều hơn, Nhật Bản cũng rất là nhiều, Việt Nam cũng vậy. Tại sao như thế? Tại mình lâm vào tình trạng tuyệt vọng nên đôi khi mới mười mấy tuổi đã tự tử rồi. Cho nên Tú Uyên không phải chuyện ngày xưa, Tú Uyên là chuyện ngày hôm nay, đang xảy ra rất gần.

Trong khi đi kiếm sợi dây thòng lọng để treo cổ, thì tự nhiên anh ta nhớ lại kỷ niệm lúc hai người tới chùa Ngọc Hồ và nghe giảng. Sau khi nghe giảng xong lúc đi ra thì Giáng Kiều hỏi: ”Anh có thích bài pháp thoại nàykhông?”. Anh chàng nói: “thích” nhưng kỳ thực anh ta đâu có nghe. “Thầy nói là mình muốn truyền thông với nhau thì mình phải thắp nhang, mai mốt ví dụ em bỏ anh đi chỗ khác, anh muốn em trở về thì anh phải thắp nhang’” Khi nhớ lại được câu đó anh liệng cái thòng lọng đi, và chạy ù ra ngoài chợ rồi mua một bó nhang.

Vì nóng nảy nên thay vì thắp một cây nhang giống như mấy thầy ở đây, anh ta lại thắp hết cả bó nhang do đó khói bay lên mù mịt. Anh ta ngồi chờ mười lăm phút không thấy Giáng Kiều hiện ra trở về, nửa giờ rồi một giờ rưỡi, hai giờ cũng vậy, cứ ngồi đó mà chờ. Nhờ chờ đợi nên tự nhiên anh ta có cơ hội ngồi yên như vậy, đây là lần đầu tiên trong đời anh ta chịu ngồi yên, ngồi yên tức là ngồi thiền đó.

Trong khi ngồi yên, tâm anh ta lắng xuống nên không còn nghĩ tới chuyện chết nữa, và anh ta bắt đầu thấy được những điều ngày xưa anh ta không thấy. Anh ta đã đối xử với ba mẹ như thế nào, làm cho ba mẹ đau khổ ra sao, đã nói năng hành động nóng nảy như thế nào, đã đối xử tệ bạc với bạn bè ra sao? Tất cả những cuốn phim quá khứ đều lần lượt trở về, anh ta nhìn thấy lại hết, có sự phản quang đó là nhờ ngồi thiền. Mình bận rộn quá, không biết nhìn lại cách mình sống như thế nào trong quá khứ, và anh thấy rõ ràng mối tình của mình đối với Giáng Kiều quá đẹp. Trong đời mình có một người như Giáng Kiều xuất hiện rất là hiếm, vậy mà mình đã ăn ở như thế nào, đã đánh đập, chửi mắng ra sao để cho Giáng Kiều phải bỏ đi?

Hối hận quá đi, và lần đầu tiên hai giọt nước mắt của anh ta chảy xuống, lần đầu tiên anh ta biết hối hận. Tú Uyên nghĩ rằng: nếu Giáng Kiều trở lại, nếu phước đức ông bà còn mà Giáng Kiều trở lại thì nhất định là mình quyết sẽ sống một cách khác, mình sẽ giữ giới. Từ nay trở về sau, mình sẽ không uống rượu, đừng để say sưa, đừng đi chơi tối nữa; mỗi khi mình nói điều gì phải thở cho nó nhẹ rồi mới nói, không có nói những điều làm cho người kia đau lòng nữa. Khi lòng dặn lòng như vậy thì tự nhiên trong vòng nửa giờ đồng hồ, tâm của Tú Uyên lắng xuống, thanh tịnh trở lại và trong người thấy mát mẻ, khỏe khoắn, tìm thấy con đường đi. Vừa lúc đó anh ta nghe tiếng gõ cửa, Giáng Kiều xuất hiện trở lại.

Đó là hiệu lực của việc ngồi thiền. Ngồi thiền là để nhìn lại, để thấy con đường của mình đi, để tái lập lại được sự bình an trong lòng mình. Đó là nhờ đốt hương không phải mua ở ngoài chợ, mà là hương giới, hương định và hương tuệ. Tuệ tức là trí tuệ, là khả năng thấy được những lỗi lầm của mình, thấy được con đường mà mình phải đi. Vì vậy cho nên chúng ta là con nhà Phật tử, chúng ta đừng chỉ đốt nhang trầm mua ở ngoài chợ mà phải đốt hương giới, hương định và hương tuệ.

Năm giới nhiệm mầu

Chúng ta phải biết sử dụng năm giới, thực tập theo năm giới và mỗi hai tuần lễ phải tụng giới với nhau. Ở trên mạng Làng Mai có Nghi thức tụng năm giới bằng tiếng Việt, nếu quý vị muốn tụng giới, quý vị có thể lên mạng và cả gia đình mặc áo tràng cùng tụng giới với đại chúng Làng Mai. Bất cứ lúc nào muốn tụng giới là có thể tụng được. Trong nghi thức đó, Sư Ông Làng Mai làm chủ lễ, thầy Pháp Niệm dâng hương và có năm vị xuất sĩ tuyên giới.

Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống, giới thứ hai là hạnh phúc đích thực, giới thứ ba là tình yêu đích thực, giới thứ tư là ái ngữ lắng nghe để tái lập truyền thông và giới thứ năm là tiêu thụ trong chánh niệm, không sử dụng ma túy và rượu chè. Nếu mình thực tập theo đúng năm giới như vậy thì mình luôn luôn cúng dường và đốt lên ngũ phần hương, như thế đời sống của mình sẽ thay đổi và Giáng Kiều của mình sẽ không bao giờ bỏ mình đi hết.

Cho nên chiều hôm nay mình phải ngồi lại, sau chừng nửa giờ ngồi quán chiếu thì mình phải tới với Giáng Kiều của mình. Giáng Kiều này có thể là bố mình, có thể là mẹ mình, hoặc là anh, chị, em mình và cũng có thể là người bạn hôn phối của mình. Do đó mình phải biết nói lời ái ngữ, mình phải nói: “Này em, trong những ngày tháng vừa qua, anh đã có những vụng về; anh đã nói, đã làm những gây cho em những nỗi khổ niềm đau, những nội kết. Tại vì anh không thực tập chánh niệm nên anh đã tạo ra những nội kết như vậy, anh rất muốn em giúp anh tháo gỡ những nội kết đó. Anh hứa từ đây về sau anh sẽ không làm như vậy nữa. Và nếu khi anh nói một điều gì, làm một điều gì làm cho em đau thì xin em nhắc cho anh để anh có thể thay đổi, em phải giúp anh”.

Nói như vậy tức là sử dụng ái ngữ, và người chồng cũng có thể nói với người vợ như vậy, người cha phải nói với người con như vậy. Và theo Thầy người cha phải bắt đầu. Tại vì người cha, người mẹ lâu nay ưa sử dụng quyền hành làm cha, làm mẹ, cho nên khi để cho đứa con bắt đầu thì cũng hơi khó cho nó. Do đó người cha, người mẹ nên bắt đầu. “Con ơi, trong những năm tháng vừa qua, ba có hơi nặng nề với con. Ba chưa thấy được những nỗi khổ, niềm đau, khó khăn của con cho nên ba hay ép buộc con, hay áp đặt những điều ba muốn lên con. Ba đâu có muốn làm cho con khổ, vậy mà ba đã tạo ra những nội kết trong con. Con là tương lai của ba, chính con sẽ mang ba đi về tương lai, ấy vậy mà ba đã tạo ra những nội kết trong lòng con. Bây giờ ba rất hối hận. Con giúp ba, hai cha con mình sẽ tìm cách tháo gỡ những nội kết trong con và trong ba”.

Mình có pháp môn, mình là con nhà Phật tử, thành ra nếu mà cha nói được với con như vậy thì con sẽ mở lòng ra và hai cha con sẽ cộng tác, sẽ tu chung, sẽ tụng giới chung. Cho nên ngày hôm nay, tôi muốn quý vị phải dành một khoảng thời gian nào đó để ra ngồi dưới gốc cây một mình nửa giờ rồi nghĩ lại. Mình đừng có đánh mất Giáng Kiều vì Giáng Kiều ngày xưa rất đẹp, cho mình rất nhiều hạnh phúc. Mình có thể khôi phục lại được Giáng Kiều. Trước hết cần phải thay đổi chính mình, sau khi thay đổi được mình thì mình sẽ giúp cho Giáng Kiều của mình trở thành tươi mát, đẹp đẽ như ngày xưa. Không có cái gì mất hết!

Chúc quý vị thành công trong công trình tu học của mình.


(*) Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, tức là đầu thế kỷ thứ 18 và mất năm 1748. Bà có một người anh tên là Đoàn Doãn Luân, hai anh em rất giỏi về văn chương. Anh Luân lớn hơn em gái 5 tuổi, và cha của họ cũng rất giỏi về văn chương, thành ra Đoàn Thị Điểm tuy là con gái nhưng mà được học và làm thơ rất hay. Đoàn Thị Điểm là một nữ sĩ với tên Hồng Hà nữ sĩ. Bà thường làm thơ, đối họa với cha, với anh. Có bữa đó Điểm đang làm đẹp, ngồi trước một tấm kiếng và vẽ lông mày, lông mi để trang điểm thì anh trai đi ngang qua. Anh Luân ngừng lại thấy cảnh đó rất đẹp, em gái đang trang điểm, nên mới ra một câu đối: ”Đối kính họa mi, nhứt Điểm phiên thành lưỡng Điểm” rồi bảo em gái đối lại. “Đối kính họa mi”, tức là ngồi trước tấm gương mà vẽ lông mày. ‘Nhất Điểm phiên thành lưỡng Điểm”, tức là một em Điểm trở thành hai em Điểm. Tại vì trong kiếng cũng có một em Điểm, ở ngoài này cũng có một em Điểm. Cô Điểm nói: “em đang bận trang điểm, lát nữa ra ngoài chơi em sẽ đối”. Và sau khi trang điểm rồi thì hai anh em đi ra ngoài hồ, lúc đó trăng đã lên và đã chiếu xuống dưới mặt hồ, bây giờ Điểm mới đối lại: ”Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân”. “Lâm trì ngoạn nguyệt” tức là tới hồ để ngắm trăng. “Chích luân chuyển tác song luân” là một vầng trăng trở thành hai vầng trăng, có một vầng trăng ở trên trời và có một vầng trăng ở dưới hồ (vầng trong chữ Hán là luân), một anh Luân trở thành hai anh Luân. “Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân”, tức là ra ngoài hồ ngắm trăng, thì một vầng trở thành hai vầng, một anh Luân mà mình thấy có hai anh Luân.