Pháp thoại theo chủ đề

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai

Pháp thoại ngày 09.01.2014 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kết Đông 2013-2014

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai

Sáng hôm nay thầy Pháp Tuyển hô canh bằng tiếng Anh: The Dharma Body is bringing morning light, nguyên văn bằng tiếng Việt là: Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai. Câu này có nghĩa là: vào buổi ban mai thì pháp thân của ta tỏa sáng, dịch cho sát nghĩa: The Dharma Body shines realmly in the morning.

Trước hết chúng ta phải hiểu pháp thân là gì mà lại tỏa sáng trong buổi ban mai? Pháp thân, tiếng Hán là , tiếng Phạn là dharmakāya. Chữ pháp thân đã có nguồn gốc ngay từ hồi Đức Thế Tôn còn tại thế. Một hôm Đức Thế Tôn tới thăm một vị đệ tử đang bị bệnh nặng sắp chết. Đó là thầy Vakkali. Đức Thế Tôn hỏi thầy Vakkali:

– Thầy có tiếc nuối gì không?

Thầy Vakkali nói:

– Con không có tiếc nuối gì, nhưng có một chuyện là vì con bệnh quá nên không lên được núi Thứu mỗi ngày để ngắm nhìn Đức Thế Tôn.

Bụt nói:

–  Thầy ơi, nhục thân của tôi không có quan hệ gì. Thầy đã có pháp thân của tôi rồi thì thầy cần gì nhục thân của tôi nữa.

Ngay vào thời của Bụt đã có hai danh từ nhục thânpháp thân. Nhục thân của Đức Thế Tôn có thể tiêu hoại nhưng pháp thân của Ngài sẽ còn hoài. Khi đã có pháp thân thì ta đâu cần phải dính vào nhục thân nữa.

Pháp thân, trước hết có nghĩa là: Thân của giáo pháp (the teaching Dharma)

Thân của giáo pháp đó, Bụt đã trao lại cho các đệ tử. Mỗi người đã mang pháp thân theo mình. Chúng ta biết có hai loại pháp:

  • Pháp linh động (the living Dharma)
  • Pháp nói, pháp nghe hay pháp được chép xuống (the spoken Dharma)

Nhưng pháp nói không hay bằng pháp linh động. Mỗi khi ta thở mà có an lạc mới là pháp linh động. Mỗi khi đi thiền hành mà mỗi bước chân có an lạc thì đó là pháp linh động.

Pháp thân còn có nghĩa thứ hai là: Sự thực tập của chúng ta (the practice Dharma)

Mỗi người chúng ta đều có nhục thân (physical body). Nhưng nếu là đệ tử của Bụt thì ta có một thân thứ hai gọi là pháp thân. Pháp thân là sự thực tập của ta. Sự thực tập được vững chãi thì ta có nhiều hạnh phúc, ta có khả năng xử lý được những khổ đau của mình, ta có khả năng chế tác niềm vui và hạnh phúc. Đó là tùy theo ta có pháp thân vững chãi hay không.

Buổi sáng, khi ngồi thiền ta phải làm cho pháp thân tỏa sáng. Khi mới thức dậy ta khỏe khoắn và tỉnh táo nên pháp thân của ta có thể tỏa sáng. Những học trò cũng biết buổi sáng mới thức dậy là học hay nhất vì học sẽ thấm nhiều. Cuối ngày mệt mỏi ta học sẽ không vô. Buổi sáng thức dậy ta thực tập liền thì rất hay nên gọi là: "Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai” (My practice is shining in the morning). Mỗi người chúng ta có hình hài (physical body) và pháp thân (Dharma body), và mỗi ngày ta phải nuôi lớn pháp thân của mình.

Pháp thân của anh lớn mạnh hay èo uột? Nếu pháp thân của anh còn yếu kém thì nó không làm cho anh vững chãi, không giúp anh tạo được niềm vui và hạnh phúc cho mình. Pháp thân của anh yếu thì anh không có khả năng xử lý được nỗi khổ niềm đau của mình và giúp cho người khác xử lý được nỗi khổ niềm đau của họ. Là người tu, mỗi ngày ta phải nuôi lớn pháp thân của mình.

Mùa Đông cây cối lớn rất chậm, nhưng tới mùa xuân thì chúng lớn lên rất mau. Những loại cây như cây tre, có đêm nó mọc  cao lên tới hai phân. Vì vậy ở Tây phương người ta gọi mùa xuân là springing up, tức là mùa tuôn dậy. Chúng ta phải làm sao để pháp thân của mình cũng lớn mau như vậy. Các thầy, các sư cô, các đạo hữu cư sĩ hãy tự hỏi xem pháp thân của mình có lớn lên mỗi ngày hay không; hay vẫn đứng nguyên tại chỗ? Tôi thấy pháp thân của mình đều lớn lên mỗi ngày, có sự tiến bộ trong khi đi, ngồi, thở, làm việc và tiếp xử. Pháp thân phải lớn lên mỗi ngày và buổi sáng là cơ hội để pháp thân có thể lớn mau. Khi ngồi thiền nửa giờ hay 45 phút ta phải ngồi như thế nào để pháp thân của mình lớn mạnh lên. Pháp thân có thể chế tác hỷ và lạc trong khi ngồi, trong khi thở.

Pháp thân cũng được nuôi bằng những sự thực tập khác như sự thực tập trong khi đi, ăn cơm, rửa bát hay làm việc. Nếu không được nuôi dưỡng và củng cố (consolidate, reinforce) thì pháp thân sẽ yếu đi. Pháp thân cũng cần phải có điều kiện để lớn. Khoa sinh học hiện nay thường dùng chữ điều kiện hóa (conditioning). Học và thực tập đều được hiểu theo nghĩa điều kiện hóa (operant conditioning), tức là ta phải chủ động làm cho nó lớn. Ví dụ như ta nghe tiếng chuông. Tiếng chuông là một cái gì xảy ra. Tiếng chuông không có nghĩa gì đối với những người không thực tập. Nó chỉ là một thứ tiếng động như những tiếng động khác. Nhưng đối với những người thực tập ở Làng Mai thì khi nghe tiếng chuông ta có phản xạ (reflex) ngay lập tức. Ta tự động ngưng suy nghĩ ngay mà không cần phải cố gắng im lặng ngay lập tức.

Lúc mới thực tập ta chưa làm được như vậy, có người nhắc thì ta mới im lặng, ngưng suy nghĩ và thở. Nhưng vì ở Làng Mai được hai, ba tuần nên ta có cơ hội để điều kiện hóa. Mọi người trong đại chúng đều làm như vậy. Đang ăn cơm mà nghe tiếng chuông đồng hồ thì mọi người đều ngưng lại và trở về với giây phút hiện tại để thấy mình đang có mặt, đang sống và thở nhẹ nhàng. Ban đầu ta cảm thấy hơi ngỡ ngàng, nhất là khi mới tới Làng Mai lần đầu. Nhưng rồi ta quen từ từ và sau bốn, năm ngày thì trở thành thói quen. Nghe tiếng chuông đồng hồ thì tự nhiên ta dừng lại mà không cần người nhắc nhở. Đó là điều kiện hóa.

Tiếng chuông hay hình ảnh của những người đang đi thiền hành là những điều kiện giúp ta trở với chính mình để thực tập. Khi đã trở thành thói quen thì ta chỉ tiếp tục thực tập mà không cần người nhắc nhở. Nếu ta không tiếp tục thực tập thì từ từ thói quen đó sẽ yếu đi và tới một lúc nào đó, khi nghe tiếng chuông ta không ngừng suy tư và vẫn còn nói chuyện. Thực tập đều đặn là một điều kiện, gọi là reinforcement, consolidation. Pháp thân muốn lớn lên thì phải cần được củng cố. Nếu xa tăng thân, ta ít có điều kiện để củng cố pháp thân của mình. Ba, bốn năm sau ta sẽ buông bỏ sự thực tập và pháp thân của ta càng ngày càng yếu.

Đến khi không có những điều kiện như tiếng chuông, tăng thân hay thời khóa, ta vẫn tiếp tục đi tới trong sự thực tập tại vì ta cần có hỷ, lạc và khả năng xử lý những niềm đau, nỗi khổ của mình. Ta vẫn quyết tâm thực tập dù không có ai khuyến khích hay nhắc nhở. Đó gọi là điều kiện hóa (operant conditioning). Ta tự làm lấy, tự củng cố sự thực tập của mình. Đó là nghĩa thứ hai của chữ pháp thân.

Những mầu nhiệm của hiện hữu

Sau này đạo Bụt đại thừa dùng chữ pháp thân trong ý nghĩa khác hơn. Pháp thân có nghĩa là những mầu nhiệm của hiện hữu, của vũ trụ, như: trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây bạc, chim hót, thông reo. Tất cả đều là những mầu nhiệm của pháp thân. Pháp thân biểu hiện ra thành những mầu nhiệm. Nhìn vào một chiếc lá, một đóa hoa, một đám mây, một dòng suối, nhìn vào con mắt hay não bộ thần kinh ta thấy tất cả đều là mầu nhiệm và tất cả đều đang thuyết pháp về vô thường, vô ngã, Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Nhìn bông hồng và lắng nghe ta thấy bông hồng đang thuyết pháp, vì vậy bông hồng là pháp thân. Nhìn và nghe một con chim đang hót, ta thấy con chim cũng đang thuyết pháp. Pháp thân của Bụt còn sống mãi, và Bụt chưa bao giờ ngưng thuyết pháp. Ý nghĩa cuối cùng của chữ pháp thân trong Đại thừa Phật giáo rất đẹp! Vì vậy cho nên các thiền sư đều trở thành thi sĩ, họa sĩ tại vì pháp thân là một nguồn cảm hứng cho thi ca. Trong Thiền chúng ta thấy những người tu đều trở thành nghệ sĩ, tại vì pháp thân biểu hiện cái đẹp của vạn hữu.

Pháp thân, trước hết là những lời dạy của Đức Thế Tôn (the teaching Dharma). Sau đó pháp thân có nghĩa là sự thực tập của chúng ta (the practice Dharma). Và cuối cùng, chữ pháp thân có nghĩa là những mầu nhiệm của vũ trụ đang thuyết pháp cho ta nghe. Nếu có lỗ tai ta có thể tiếp tục nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp qua một bông hồng, một dòng suối.

Tóm lại, sự thực tập của ta là làm thế nào để ít nhất có thể chế tác được hỷ, lạc và an. Ta chế tác hỷ, lạc và an cho mình rồi mới có thể giúp cho người kia cũng làm được như vậy. Làm chưa được thì ta không thể giúp cho người khác. Một tăng thân gồm những người có khả năng chế tác hỷ, lạc và an thì có thể giúp được rất nhiều người. Đó là vốn liếng của một tăng thân, vốn liếng đó là lượng hỷ, lạc và an trong tăng thân. Ta đánh giá một gia đình bằng phẩm chất an, lạc và hỷ trong gia đình đó. Một gia đình có hạnh phúc thì những đứa con lớn lên trong gia đình sẽ có hạnh phúc. Trong một lớp học hay trong một đoàn thể như quốc hội, hội đồng tỉnh hay trong một nhà thương, một xí nghiệp cũng vậy. Nếu có hỷ, lạc và an thì gia đình đó, tổ chức đó, cộng đồng đó có thể giúp được cho đời. Trước hết chúng ta phải học như thế nào để pháp thân của ta có thể chế tác được hỷ, lạc và an cho mình. Rồi ta mới bắt đầu giúp cho những người trong gia đình và những người thân cận trước khi ta có thể giúp được cho xã hội.

 

Nghệ thuật xây dựng hạnh phúc

Pháp thân phải có khả năng xử lý những khổ đau, trước hết là những cảm thọ đau buồn (khổ thọ). Ta tới Làng Mai để học làm chuyện đó. Nếu giỏi ta có thể học được rất nhiều trong một ngày, không phải chỉ học trong bài pháp thoại mà còn phải học trong sự thực tập. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều có thể chế tác hỷ, lạc và an. Không chỉ trong mùa xuân pháp thân của ta lớn nhanh mà trong mùa đông, nếu có chí thì pháp thân của ta cũng lớn rất mau. Mỗi ngày pháp thân ta đều lớn lên. Người Pháp có câu: “Silence, ça pousse!" (Im lặng đi, nó đang lớn lên).

Trong kinh dạy cho chúng ta phương pháp chế tác hỷ, lạc và an. Là người tu chúng ta phải chế tác được hỷ , lạc và an . Không chế tác được thì ta chưa phải là người tu, ta chưa có pháp thân mạnh. Kỹ thuật, cách luyện tập để chế tác hỷ, lạc trong kinh đã dạy rất rõ. Trước hết là:

Ly sinh hỷ lạc

Buông bỏ, chữ Hán là ly . Buông bỏ có khả năng đem lại hỷ, lạc và an.

Ly sinh hỷ lạc . Hỷ là niềm vui (joy), lạc là hạnh phúc (happiness). Hỷ và lạc có thể được sinh ra bởi sự buông bỏ (By the practice of letting go you can create joy and happiness). Ly sinh hỷ lạc, câu này xuất hiện rất nhiều trong các kinh Phật giáo. Ta không có hỷ, lạc tại vì ta chưa có khả năng buông bỏ. Ta đang ghì chặt, ta nghĩ không có cái đó thì ta sẽ chết. Ví dụ ta đang ở thành phố Los Angeles, ta quá bận rộn. Thành phố vừa ồn vừa bụi, ta muốn có hai ngày cuối tuần ra khỏi thành phố đi về miền quê. Ta đang ở Frankfurt, ta muốn về Làng Mai nhưng nói hoài mà ta không đi được vì ta không có khả năng buông bỏ. Cũng như nhiều người không bỏ được Paris, dù họ biết rằng ở Paris rất ồn ào, bụi bặm và ít khi thấy được ánh trăng hay các ngôi sao. Hôm đó một người bạn tới nói:

– Thôi, ngày mai chiều thứ sáu mình đi về Làng Mai đi. Tôi có xe hơi, tôi sẽ chở anh đi.

Người đó thuyết phục rất hay và ta chịu đi. Xe chạy độ 45 phút là ra khỏi Paris. Ta bắt đầu thấy miền quê, cảnh vật rất xanh và tươi mát. Ta có niềm vui lâng lâng, niềm vui đó có được là nhờ ta bỏ lại Paris phía sau lưng. Đó gọi là ly sinh hỷ. Ta tới Làng Mai và ngồi được ở đây là nhờ ta buông bỏ được cuộc sống của ta ở Paris. Có nhiều người vùng vẫy năm này sang năm khác cũng không tới được Làng Mai. Ta tới được Làng Mai có nghĩa là ta có khả năng buông bỏ. Nhưng ta phải buông bỏ cái gì? Đó là vấn đề. Ta phải lấy một tờ giấy và ngồi viết xuống những gì ta có thể buông bỏ được. Ta bị kẹt vào rất nhiều thứ và sở dĩ ta không có niềm vui và hạnh phúc là vì ta chưa buông bỏ được những thứ đó.

Trước hết là ý niệm của ta về hạnh phúc. Mỗi người chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ phải có cái đó hoặc phải loại trừ cái kia thì mới có hạnh phúc. Ta nghĩ phải có cái nhà đó, cái xe đó, phải có người đó sống với mình thì mới có hạnh phúc. Ta đặt ra những điều kiện, những quan niệm về hạnh phúc của mình. Những người theo đảng cộng sản nghĩ chỉ có chủ nghĩa Mác-xít mới đem lại hạnh phúc cho mình và cho dân. Những người theo tư bản chủ nghĩa thì nghĩ chỉ có kinh tế thị trường mới đem lại hạnh phúc. Chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc mà ta không buông bỏ được. Vì vậy ta phải ngồi xuống để xét lại ý niệm về hạnh phúc của mình. Có thể lâu này ta chưa có hạnh phục là vì ta chưa buông bỏ được ý niệm về hạnh phúc đó. Letting go ist the source of happiness. Trong Kinh có ví dụ thả bò: Hôm đó Đức Thế Tôn ngồi với các thầy trong một khu rừng. Sau khi đi khất thực về, thầy trò sắp sửa ăn cơm trong chánh niệm thì một bác nông dân đi ngang qua. Bác hớt hơ hớt hải hỏi:

–  Các thầy ơi, các thầy có thấy mấy con bò của tôi đi qua đây không? Không biết tại sao sáng nay mấy con bò của tôi chạy đi đâu mất hết! Không có mấy con bò thì làm sao tôi sống được? Chắc là tôi phải chết quá!

Thấy Bụt lắng nghe, bác than phiền thêm:

–  Tôi có mấy sào đất trồng hột mè, nhưng không biết tại sao năm nay lại bị sâu ăn hết, không gặt hái được gì. Như vậy thì làm sao tôi sống được? Chắc là tôi tự tử quá!

Đức Thế Tôn nói:

–  Bác ơi, tôi ngồi đây đã hơn nửa giờ mà chưa thấy con bò nào đi ngang qua. Chắc bác phải đi tìm phía bên kia.

Sau khi bác nông dân đi rồi, Bụt quay lại nhìn các thầy mỉm cười và nói:

–  Mấy thầy ơi, mấy thầy hên quá, mấy thầy đâu có bò đâu mà sợ mất.

Mục đích của câu chuyện là: Nếu có bò thì phải thả đi. Ý niệm về hạnh phúc là một con bò. Chính vì ý niệm đó mà ta chưa bao giờ có hạnh phúc (Your idea about happiness may be the main obstacle to your happiness). Liên bang Xô viết (the Soviet Union) cứ tin rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại sự cường thịnh của đất nước, và ngoài chủ nghĩa Marx-Lenin ra thì không có con đường nào đưa tới hạnh phúc cho nước Nga. Họ đã bị kẹt vào vào ý niệm đó trong 70 năm. Nếu người công dân nào chống đối lại ý niệm đó thì bị bỏ  tù. Họ đã gây ra khổ đau rất nhiều. Chủ thuyết đó là một trong những con bò mà họ chưa thả được.

Tu là phải có thì giờ ngồi xuống, lấy giấy viết ra tất cả tên của những con bò mà ta chưa thả được, trong đó có ý niệm về hạnh phúc của mình. Ta cứ vướng víu, khổ đau, chật vật, bức xúc với chúng. Ta không có khả năng buông bỏ chúng ra. Ta ngồi xuống, hồi tưởng và viết ra trên một tờ giấy tên của những con bò. Có khi một trang giấy cũng chưa đủ vì ta có quá nhiều bò. Sự thật là thả được một con bò thì ta nhẹ đi rất nhiều, thả được hai con thì ta nhẹ đi thêm nữa. Thả hết những con bò thì ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc.

Trong thời của Đức Thế Tôn, ông thống đốc của một tiểu bang đi xuất gia. Một đêm ngồi thiền ông cảm thấy hạnh phúc quá tại vì ông đã thả hết những con bò của mình. Ông hứng chí nói lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!" (Oh, my happiness!) Một thầy khác ngồi cách đó vài thước có tri giác sai lầm, nghĩ rằng ông thầy này chắc tiếc thời kỳ làm thống đốc, tại vì làm thống đốc thì có quân đội, có tiền nhiều, có kẻ hầu người hạ. Thầy ra mách lại với Đức Thế Tôn:

– Bạch Đức Thế Tôn, hồi hôm ngồi thiền con nghe sư anh đó la lên hai lần trong khi ngồi thiền: Ôi, hạnh phúc của ta! Ôi, hạnh phúc của ta! Con không biết tâm lý sư anh ra sao? Chắc là sư anh hối tiếc.

Bụt biết thầy này có tri giác sai lầm nhưng Ngài cứ gọi thầy Badya và một số các thầy tới. Bụt hỏi:

– Này thầy Badya, có phải tối hôm qua trong giờ ngồi thiền thầy đã thốt ra hai câu: “Ôi, hạnh phúc của ta"  không?

– Dạ! Bạch Đức Thế Tôn, có. Đêm qua trong khi ngồi thiền con có thốt hai lần câu đó.

– Tại sao thầy làm như vậy, thầy nói cho chúng tôi nghe đi!

Thầy Badya nói:

– Bạch Đức Thế Tôn, hồi còn làm thống đốc con có đủ hết, có lính gác, có chức tước, có người hầu hạ, có châu báu, tiền bạc rất nhiều, nhưng con luôn luôn sống trong sợ hãi. Con sợ người ta lén vào giết con để lấy những thứ đó. Con thật sự không có hạnh phúc. Bây giờ đi xuất gia con buông bỏ hết. Ngồi thiền con thấy rất rõ là mình có tự do rất lớn, mình có sự vô úy, mình không còn sợ ai tới giết mình. Trong trạng thái hạnh phúc, có nhiều tự do đó con chịu không nổi nên đã thốt ra hai lần câu: “Ôi, hạnh phúc của ta".

Bây giờ các thầy khác mới hiểu hạnh phúc của thầy Badya không phải là gom góp, tích lũy thêm tiền bạc, của cải, danh vọng, mà là buông bỏ. Trong kinh có nói: Buông bỏ là phương pháp đầu tiên để tạo dựng hỷ, lạc và an.

Quý vị có thể hỏi: “Tôi cũng muốn buông bỏ, nhưng bây giờ tôi phải buông bỏ cái gì đây?" Chúng ta phải nhận diện những con bò của mình rồi mới thả chúng được. Vì vậy chúng ta phải viết xuống tên của những con bò mà lâu nay ta không có can đảm để buông bỏ. Buông được một con thì hạnh phúc tăng lên mấy mươi phần trăm. Đó là phương pháp đầu tiên: Ly sinh hỷ, ly sinh lạc, ly sinh an. Thầy Badya có rất nhiều an nên thầy có nhiều hỷ và lạc.

Khi sư chú hay sư cô đi xuất gia thì có người bảo là sư chú hay sư cô dại dột. Nhưng thật ra thì sư chú hay sư cô rất khôn, tại vì mình buông bỏ hết để được cái quý nhất là an, lạc và hỷ. Mình nhẹ lâng lâng, không còn sị hãi hay lo lắng gì nữa.

Định sinh hỷ lạc

Trong Kinh cũng nói tới những phương pháp khác như: Định sinh hỷ lạc . Khi có thiền định (meditation) thì ta có rất nhiều an, hỷ và lạc. Trong thiền định có niệm, định tuệ. Với ba loại năng lượng đó ta có thể chế tác ra an, hỷ và lạc. Với niệm, định và tuệ ta chế tác ra an, nghĩa là buông bỏ những căng thẳng, làm giảm thiểu những đau nhức trong hình hài của mình. Nếu biết cách thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm thì ta buông bỏ được nhiều sự căng thẳng trong thân và trong tâm, ta buông bỏ được sự căng thẳng trong cảm thọ hay trong cảm xúc. Ta chế tác được hỷ và lạc là nhờ định. Thiền định cũng làm phát sinh ra an, hỷ và lạc. Đây là một nghệ thuật (art of meditation).

Trong thiền môn, người ta nói: Niềm vui của thiền định là thức ăn (The joy of meditation as daily food). Thiền duyệt vi thực . Chữ duyệt giống như chữ hỷ, niềm vui của thiền định là thức ăn hàng ngày của người tu. Ta nuôi ta bằng hỷ, lạc và an mà không phải bằng danh vọng, quyền hành và sắc dục. Nếu có pháp thân (the practice) vững thì ta có thể nuôi được mình. Nuôi được mình rồi thì ta có thể nuôi được những người thương của mình.

Niệm sinh hỷ lạc

Trong định có niệm , và tại Làng Mai chúng ta học rất rõ niệm là một yếu tố để làm phát sinh ra an, hỷ và lạc (Mindfulness is the source of joy, happiness and peace). Đó không phải là lời nói suông. Biết chế tác ra năng lượng chánh niệm thì ta chế tác hỷ, lạc rất dễ. Ví dụ như tôi đứng trên bục giảng và làm những động tác chánh niệm. Tôi làm không phải để có sức khỏe mà là để có hỷ và lạc trong khi làm. Những động tác chánh niệm không phải là những phương tiện để đi tới cứu cánh là có thêm sức khỏe mà nó chính là cứu cánh. Tôi thấy có hỷ, lạc và an ngay trong khi làm. Ở Làng Mai, chúng ta phải học làm như vậy. Ngồi thiền, đi thiền, tụng kinh không phải là để có an lạc mà ngồi thiền, đi thiền, tụng kinh chính là an lạc. Đó là do niệm mà ra.

Khi tôi đứng và đưa tay lên, tôi không phải chỉ đưa tay lên thôi mà tôi còn đưa niệm của tôi lên. Tôi thấy rất rõ là nhiều thầy cùng một thế hệ với tôi đã chết rồi và vài vị đang còn sống nhưng ngồi xe lăn. Tôi thì còn làm được những động tác này nên trong khi làm tôi hạnh phúc vô cùng. Đó là niệm, niệm là nhớ, là so sánh. Niệm sinh hỷ lạc . Thầy Minh Châu, thầy đã phiên dịch tạng Pali ra tiếng Việt, bây giờ thầy không còn nữa. Hòa thượng Thanh Từ, bạn thân của tôi, bây giờ đi phải có hai người đỡ hai bên. Tôi thì vẫn còn đi được một mình nên mỗi bước chân của tôi đều có hạnh phúc. Muốn thở có hạnh phúc thì tôi chỉ cần niệm rằng: Có một năm nào đó tôi bị bệnh phổi, con vi khuẩn Pseudomonas aerogina làm phổi ra máu. Tôi thở không có hạnh phúc. Nhưng sau khi điều trị và phổi lành rồi thì tôi thở hay hơn. Mỗi khi muốn thở ngon tôi chỉ cần nhớ lại thời gian bị nhiễm trùng phổi thì tự nhiên tôi thấy hơi thở vào cũng ngon mà hơi thở ra cũng ngon. Chỉ cần có niệm thì muốn có hỷ, lạc là ta có hỷ, lạc ngay. Những người trẻ có hai chân rất khỏe, có thể đi, nhảy hay trèo được mà không có hạnh phúc thì rất uổng. Đợi tới khi già không nhảy, không trèo được nữa thì mới tiếc. Đó là do niệm. Niệm là nhớ rằng ta đang có tuổi trẻ, ta đang có hai mắt sáng, ta đang có buồng phổi tốt, có hai chân khỏe và ta có thể sử dụng được hai chân, hai mắt, hai buồng phổi của mình. Nếu ta không có hạnh phúc thì đó là tại vì ta không có niệm. Có niệm thì với hai mắt còn sáng đó, hai buồng phổi còn tốt đó, hai chân còn khỏe đó ta có thể có hỷ, lạc và an suốt ngày. Tùy ở chúng ta mà thôi. Ta phải tự nhắc mình và những người cùng tu có thể nhắc cho ta để ta có thể phát khởi niệm. Có niệm là có an, có lạc, có hỷ.

Ly đưa tới an, hỷ và lạc. Thiền định đưa tới an, hỷ và lạc và chánh niệm cũng đưa tới an, hỷ và lạc.

Tuệ sinh hỷ lạc

Tuệ cũng đưa tới an, lạc và hỷ. Tuệ sinh hỷ lạc . Người nào trong chúng ta cũng đã có những cái thấy (insight). Ta biết chuyện đó không đáng để cho ta đeo đuổi, quan tâm và bị cuốn vào đó. Ta thông minh và có đủ tuệ giác, ta biết cái đó không quan trọng, không đáng để ta quan tâm và làm cho ta mất thì giờ tranh đấu. Cho dù như vậy  nhưng ta vẫn quan tâm, vẫn tranh đấu, vẫn làm mất thì giờ vì ta không sử dụng cái tuệ mà ta có. Chúng ta, không ai là không có tuệ nhưng ta không biết sử dụng tuệ. Có tuệ thì ta buông bỏ rất dễ. Ta biết đa mang là khổ nhưng ta vẫn vướng vào như thường. Khi con cá biết được trong con mồi kia có sẵn một lưỡi câu thì nó có tuệ. Có tuệ thì con cá sẽ không cắn vào miếng mồi, tại vì nó biết nếu cắn vào thì nó sẽ bị lưỡi câu móc vào cổ họng và nó sẽ chết. Chúng ta có tuệ nhưng không chịu sử dụng tuệ, ta cứ để lưỡi câu móc vào cổ họng. Ta hành xử một cách dại dột, ta để mình vướng mắc vào một hoàn cảnh không đáng tại vì ta không biết sử dụng tuệ của mình. Chúng ta, ai cũng có tuệ, có nhiều hay có ít. Càng tu, càng có niệm và định thì tuệ càng lớn. Có định và tuệ mà không biết dùng thì ta bị kẹt vào những tình huống khó khăn, lầy lội. Vì vậy chúng ta phải biết sử dụng những yếu tố chúng ta có tức bốn yếu tố buông bỏ, thiền định, chánh niệm và trí tuệ để chế tác an, lạc và hỷ.

Nghệ thuật xử lý khổ đau

Trong Kinh dạy rất rõ, mỗi ngày chúng ta phải học theo lối điều kiện hóa (conditioning). Được nhắc nhở hay không được nhắc nhở chúng ta cũng phải làm cho được. Chế tác được hỷ, lạc và an bằng bốn yếu tố buông bỏ, thiền định, chánh niệm và trí tuệ thì ta cũng có khả năng xử lý được những nỗi khổ, niềm đau. Những nỗi khổ, niềm đau đó không quá lớn, nhưng vì ta không biết xử lý nên chúng trở thành lớn. Phương pháp ta học được trong Kinh là khi có nỗi khổ, niềm đau thì ta phải xử lý ngay. Nhưng đa số chúng ta trong xã hội lại tìm cách chạy trốn khi có nỗi khổ, niềm đau. Ta đi tiêu thụ để tìm quên lãng, ta mở ti vi ra xem, mở sách ra đọc, mở tủ lạnh tìm cái gì để ăn hoặc lên internet hay điện thoại cho một người bạn. Ta tìm đủ cách để đừng nhớ tới nỗi khổ niềm đau trong lòng. Đó là thái độ trốn chạy mà phần lớn những người trong xã hội đều làm theo. Vì vậy nỗi khổ, niềm đau đó chỉ bị khỏa lấp và nó tiếp tục ngày càng lớn lên cho đến khi nó bùng ra.

Trong Kinh Bụt đã dạy rất rõ là ta có thể xử lý được nỗi khổ, niềm đau nhờ bốn yếu tố buông bỏ, thiền định, chánh niệm và trí tuệ.

Nhận diện và ôm ấp khổ đau

Khổ đau là một sự thật và chánh niệm, chánh định, trí tuệ là một năng lượng khác. Ta dùng năng lượng niệm-định-tuệ để nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau thì ta có thể làm cho nó dịu xuống. Cũng giống như một bà mẹ ôm lấy em bé một cách rất trìu mến, thân thương thì em bé sẽ bớt khổ. Nhận diện và ôm lấy nỗi khổ, niềm đau của mình bằng chánh niệm và chánh định thì khổ đau sẽ giảm xuống. Đó là bước đầu.

Quán chiếu để chuyển hóa khổ đau

Bước thứ hai là quán chiếu để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau đó thành một cái gì tích cực hơn, giống như sử dụng bùn để nuôi sen. Nỗi khổ, niềm đau cũng có ích lợi, nó cũng giống như bùn có khả năng nuôi sen.

Người thực tập biết xử lý nỗi khổ niềm đau thì khổ đau rất ít. Người không biết cách xử lý thì khổ đau sẽ rất lớn. Hai người ở trong cùng một tình trạng mà một người khổ rất nhiều còn một người thì ít đau khổ hơn tại vì người này biết cách khổ đau. Biết cách khổ đau là gì?

  • Đừng khuếch đại khổ đau (exagerer)

Ta đừng để mũi tên thứ hai tới xâm nhập. Bụt dạy khi một người bị trúng một mũi tên thì người đó rất đau nhức. Nhưng nếu có một mũi tên thứ hai cắm đúng vào vết thương thì sự đau nhức sẽ lớn hơn gấp 10 lần hay nhiều hơn nữa. Mũi tên thứ hai đó là sự bực bội, giận dữ, phản kháng hay sự tưởng tượng của mình. Khi có một sự đau nhức trong cơ thể hay trong tâm hồn, ta đừng nên làm cho nó lớn ra thêm bằng sự tưởng tượng, lo sợ. Nó chỉ là một đau nhức nho nhỏ thôi nhưng ta nghĩ là mình bị ung thư (cancer) và mình sắp chết tới nơi. Ta sợ và chính cái sợ đó làm cho sự đau nhức tăng lên gấp mười. Đó là mũi tên thứ hai. Ta phải bình tĩnh và nhận diện nó là nó mà đừng tưởng tượng nó là một cái gì lớn hơn. Nếu cần thì ta đi gặp bác sĩ hay một vị thầy chứ đừng giận dữ, lo sợ, phản kháng. Sự giận dữ, lo sợ, phản kháng đó làm cho niềm đau lớn hơn gấp 10 lần.

Đó là bước thứ nhất: Tránh mũi tên thứ hai.

  • Đừng chạy trốn khổ đau

Ta phải có mặt đó để nhận diện, xử lý và ôm ấp nỗi khổ, niềm đau. Nếu biết dùng ly, niệm, định và tuệ để nhận diện, ôm ấp nỗi khổ niềm đau thì ta khổ rất ít. Người khác khổ 95% còn ta chỉ khổ 5%, hoặc ít hơn nữa.

Đó gọi là nghệ thuật khổ đau. Nếu có pháp thân khá vững thì ta có thể xử lý khổ đau một cách dễ dàng. Ta còn có thể đi xa hơn nữa là sử dụng những khổ đau một cách có ích lợi. Với khổ đau ta có thể chế tác ra hiểu, thương và hạnh phúc; cũng như với bùn ta có thể chế tác ra hoa sen.