Pháp thoại theo chủ đề

Tiếp xúc với hạnh phúc

(Trích pháp thoại Sư Ông Làng Mai giảng về kinh “Tam Di Đề” tại Xóm Thượng ngày 14/9/1994)

Tiếp xúc với hiện tại là tiếp xúc với hạnh phúc

Ngày xưa lúc Bụt sắp nhập diệt, thầy A Nan rất đau buồn. Thấy vắng thầy A Nan nên Bụt hỏi, các thầy mới bạch cho Bụt biết thầy A Nan đang đứng khóc ở sau một gốc cây. Bụt liền kêu thầy A Nan đến và an ủi rằng: “Nếu chư Bụt quá khứ có những thị giả giỏi, thì họ cũng chỉ giỏi bằng thầy A Nan mà thôi”. Thầy A Nan lo cho Bụt hết lòng. Kinh Du Hành và Kinh Niết Bàn có ghi lại những câu Bụt khen thầy. Tuy nhiên, trong những kinh khác, ta thấy thỉnh thoảng thầy A Nan cũng được Bụt nhắc nhở là đừng có lo chuyện thị giả quá mà quên những điều mầu nhiệm đang xảy ra chung quanh mình. Dưới mắt của người thị giả thì chỉ có Thầy thôi, còn tất cả những chuyện khác đều như không có. Như vậy chưa phải là thị giả giỏi. Bằng chứng là Bụt thường nhắc thầy A Nan nhìn và sống với những cái mầu nhiệm đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong kinh có rất nhiều câu nhắc nhở của Bụt:

– Này thầy A Nan, thầy có thấy những thửa ruộng trải dài dưới chân đồi, những cánh đồng lúa chín vàng, trải tận chân trời, đẹp mầu nhiệm như thế nào không?

– Đẹp lắm, đẹp lắm, thưa Đức Thế Tôn.

Nếu Bụt không nhắc thì thầy đâu có thấy! Rồi Bụt lại nói:

– Cái áo Tăng Già Lê của các thầy nếu may theo kiểu của những đám ruộng này thì chắc đẹp lắm.

– Dạ để về con bàn với mấy sư huynh, chế cách may áo Tăng Già Lê theo mô thức của những đám ruộng đó.

Có lúc Bụt lại hỏi:

– Thầy A Nan thầy có thấy núi Linh Thứu đẹp không?

– Bạch Đức Thế Tôn đẹp lắm!

Đến năm thầy trò an cư lần cuối ở thành phố Vaisali, Bụt nói:

– Thành phố Vaisali đẹp quá hả thầy A Nan?

– Dạ bạch Đức Thế Tôn đẹp lắm.

– Cái đền này đẹp không?

– Dạ đẹp lắm.

– Cái đền kia cũng đẹp phải không?

– Dạ bạch Đức Thế Tôn cũng đẹp lắm.

Khi tới vùng có suối nước nóng, Bụt cũng khen và thầy A Nan cũng nhớ những vùng có suối nước nóng là rất đẹp. Đức Thế Tôn luôn luôn nhắc nhở như vậy vì Ngài thấy thầy A Nan mải lo cho Bụt mà quên hái những bông hoa tươi thắm trong đời sống hàng ngày.

Tại Làng Mai những vị đã từng làm thị giả cho thầy, chắc đã thấy thầy học được rất kỹ bài học này của Bụt. Khi nào thầy thấy ngôi sao mai lấp lánh trên nền trời thì thầy nói “Con! Con có thấy ngôi sao mai lấp lánh kia không?” hay “Con có thấy hoàng hôn rực rỡ hay không?” và luôn luôn thầy nhắc như vậy. Đó là một sự thực tập. Ta phải sống như thế nào để những hạt giống của hạnh phúc được tưới tẩm trong ta. Khi được tiếp xúc với hạnh phúc mà ta có khả năng tiếp nhận được hạnh phúc thì ta mới có thể giúp được sư em, sư chị, sư anh và sau này, học trò của ta. Cái đó gọi là “La culture de là joie”, “La culture du bonheur”, tu tập hạnh phúc, tu tập niềm vui, tu tập thương yêu.

 

 

Mình chỉ có thể làm được những điều đó khi mình có cái năng lượng gọi là chánh niệm. Nếu không có chánh niệm thì làm sao thấy được núi Linh Thứu đẹp? làm sao thấy được trời mưa là đẹp? Làm sao nhận ra mưa là một phần phải có của quê hương đích thực của ta, và làm sao thấy chính ta đang ở trong quê hương đích thực, không cần phải đi tìm ở đâu cả? Thở vào tôi biết là trời đang mưa, thở ra tôi mỉm cười với mưa, thở vào tôi biết mưa là một phần phải có của quê hương đích thực của tôi, thở ra tôi mỉm cười với quê hương của tôi hiện đang có mặt.

Cái thiên đường mình nghĩ rằng đã mất, ai sẽ giúp mình khôi phục được nó? Chánh niệm! Chánh niệm có thể giúp khôi phục lại cái quê hương mình đã đánh mất. Muốn phát ra cái năng lượng chánh niệm đó, chúng ta cần có một bầu không khí, một môi trường để tu tập cùng với tăng thân.

Ngồi cho yên, đứng cho vững

Chúng ta thường có khuynh hướng muốn đi tìm hạnh phúc và phủ nhận, chối từ cái quê hương đang có trong hiện tại vì nghĩ rằng hiện tại chỉ là khổ đau. Ta nghĩ hạnh phúc chỉ có thể có được ở trong tương lai và quê hương đích thực chỉ có mặt trong quá khứ mà bây giờ thì đã mất rồi! Cái khuynh hướng trốn chạy và chối từ đó đã trở thành một tập khí, nên bây giờ ta không đứng yên, không ngồi yên được nữa, ta chỉ có thể chạy thôi! Người Việt thường nói ngồi như ngồi trên đống lửa! là vì ta đã mất cái khả năng gồi yên, cái khả năng an tọa. Xin mời sư huynh an tọa, nghĩa là mời anh ngồi xuống trên một đóa sen, đừng ngồi như ngồi trên một đống lửa. Người không tu tập không tu tập thì không có khả năng ngồi yên. An tọa có nghĩa là ngồi yên và ngồi yên an lạc thì đó là ngồi trên một đóa sen. Dầu ngồi trên một tảng đá, dưới một gốc cây, hay trên một đồi cỏ, nếu ta biết an tọa thì chỗ ngồi đó sẽ biến thành một đóa liên hoa. Ta thường vẽ Bụt ngồi trên đóa sen là vì Bụt biết an tọa. Bụt ngồi ở đâu cũng là ngồi trên đóa hoa sen là vì Ngài am tường nghệ thuật an tọa.

Khi về tới quê hương là ta đã trở về nơi ta thương yêu nhất, thoải mái nhất, thì ta còn phải đi tìm gì nữa? Gia đình Phật tử Việt Nam có bài hát “Kính mến Thầy”, trong đó có một câu rất ngộ:

            Hôm nay Thầy về đây,

            Chúng con xin kính chào Thầy,

            Trong giờ phút vui này,

            Chúng con biết làm gì đây?

Thương thầy và được gặp thầy thì mình ngồi yên, an tọa với thầy là chuyện phải làm. Cái gì mà thương mến nhất, điều gì khiến ta cảm thấy thoải mái nhất, khi đã đạt rồi thì ta đâu cần làm gì nữa? Tại sao gặp được người mình thương, tới được chỗ ta coi là quê hương mà còn phải lăng xăng “không biết làm gì đây”? Vì vậy tôi đề nghị với các cháu sửa câu này lại là:

            Trong giờ phút vui này,

            Chúng con quyết lòng ngồi đây.

Người Việt có nhiều câu rất hay để diễn tả những người không có khả năng đi đứng, nằm, ngồi yên ổn. Ví như trong truyện Kiều:

            Vậy nên những chốn thong dong,

            Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng,

            Ma đưa lối, quỉ dẫn đàng,

            Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.

Ở những chỗ thong dong như mái chùa, như tại Làng Mai, xóm Thượng, xóm Hạ, mà mình vẫn không an trú được, thì đúng là ta bị ma quỉ nó xúi đi về những nẻo đường tăm tối, những nẻo tạo nên trạng huống đau buồn đứt ruột. Những nẻo đường đó do đâu mà có? Chính là do những tập khí năm xưa, và tập khí đó là ma, là quỉ.

Một câu ví von khác là “Như bắt cóc bỏ vào đĩa!” Con cóc sống mà đạt lên cái đĩa thì nó ngồi yên được bao lâu? Nếu ta ngồi không yên, đi không vững ngay tại những nơi đáng lý ta phải có an lạc, thì đó là những năng lượng tiêu cực của tập khí, những năng lượng phát sinh từ tư tưởng ta đã đánh mất quê hương, đánh mất thiên đường, và từ ý tưởng rằng quê hương ấy chỉ có trong quá khứ hoặc trong tương lai. Nếu chuyên tâm và khôn khéo tu tập, ta có thể tạo được, khôi phục lại được cái quê hương ấy ngay bây giờ và ở đây.

 



Đi cho thảnh thơi

Giới bình dân mô tả những người không thể đi một cách thong thả, thảnh thơi bằng những câu rất hay như “chân đi không dính đất”, “chạy như chó đạp lửa”. Đi mà chân không dính đất là đi mà không biết mình đi, là đi như ma đi, còn chó mà đạp phải lửa thì nó chạy cuống quít, vừa chạy vừa kêu la, tâm thần tán loạn. Cái khả năng có thể tìm ra quê hương, an trú trong quê hương, hái được bông hồng trong quê hương, nghe được tiếng mưa trên quê hương là một hạt giống tích cực. Cái tập khí trốn chạy, làm thân cùng tử là một loại năng lượng tiêu cực. Nhờ tu tập chánh niệm, mỗi khi hạt giống tiêu cực này phát hiện, ta nhận diện được nó, mỉm cười với nó và nói “biết rồi, ta biết ngươi rồi”. Ngay giây phút ta nhận thức được cái tập khí đó, thì nó không còn làm gì được ta nữa, tự nhiên ta an trú được liền trong chánh niệm. Có rất nhiều kinh đề cập đến việc ma vương xuất hiện trong thời gian Bụt ngồi dưới cội Bồ Đề, nhưng mỗi lần ma vương xuất hiện, Bụt biết là ma vương và Ngài nói “Ta biết ngươi là ma vương”, thì ma vương vội vàng biến đi. Những bậc tu hành thâm hậu họ có khả năng ngồi yên, ngồi yên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hòa Thượng Thích Quảng Đức là một điển hình, Ngài đã ngồi yên trên tòa sen giữa đường Phan Đình Phùng trong khi lửa bốc cháy, thiêu đốt nhục thân của Ngài. Đó là một hình ảnh có thể dùng để cực tả cái khả năng an trú trong hiện tại của một con người. Vì vậy mà ta gọi Ngài là Bồ Tát Quảng Đức.

Kinh Samiddhi dạy ta những phương pháp tu tập để tận hưởng được nguồn hạnh phúc có ngay trong giây phút hiện tại. Kinh cũng dạy ta đừng chạy trốn, đừng lìa bỏ quê hương mà ta đang có để đi tìm một quê hương, một thiên đường, một bóng dáng của hạnh phúc vốn chỉ là ảo mộng mà thôi. Ta có thể nghiên cứu Kinh Samiddhi rất sâu để tìm được giáo lý mầu nhiệm của Bụt tiềm tàng trong từng câu, từng chữ trong Kinh.