Pháp thoại theo chủ đề

Để Bụt thở, để Bụt đi

Trích pháp thoại ngày 09 tháng 02 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012.

Phương pháp niệm Bụt và phương pháp quán tưởng

Trong các phương pháp thực tập của chúng ta có phương pháp Niệm Bụt (the collection of the Buddha). Chúng ta có bài tụng “Tam Quy“:

Đoạn thứ nhất:

Con về nương tựa Bụt

Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời

Đoạn thứ hai:

Đã về nương tựa Bụt

Đoạn thứ ba:

Về nương Bụt trong con

Trong truyền thống Nam Tông thì chỉ đọc: Con về nương tựa Bụt, và vì thấy quá ngắn nên các thầy đọc ba lần”con về nương tựa Bụt. Nhưng ở Làng Mai thì có ba đoạn khác nhau và nhất là có câu: Về nương Bụt trong con. Bụt không phải là một thực thể ngoài mình, Bụt có ở trong mình. Có nhiều phương pháp niệm Bụt, trong đó có phương pháp gọi là ”trì danh”nghĩa là gọi tên, ví dụ như: Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni, Nam mô Quan Thế Âm bồ tát. Nhưng nếu không khéo thì miệng của mình đọc tên nhưng tâm của mình lại nghĩ tới chuyện khác.

Không những trong đạo Bụt mà trong các tôn giáo khác cũng có phương pháp trì danh như gọi tên Chúa, tên mẹ Maria, tên prophet Mohammed, v.v…Đó là trì niệm (anusmrti). Chúng ta gọi danh hiệu như thế nào mà trong khi gọi hạt giống của giác ngộ, giải thoát, hạnh phúc được tưới tẩm trong ta thì phương pháp trì danh mới có hiệu nghiệm. Nói “Nam mô A Di Đà phật” mà tâm của ta nghĩ tới chuyện khác thì chẳng khác nào như đọc 1, 2, 3, 4, không có ích lợi gì.

Trong đạo Bụt cũng như trong đạo Chúa chúng ta có tràng hạt, mỗi khi niệm một câu như “nam mô A Di Đà Phật” thì mình lần một hạt để đừng quên. Nhưng nếu không khéo thì tay mình sẽ lần hạt như cái máy và miệng của mình cũng phát âm như cái máy. Như vậy thì mình chỉ làm hình thức mà không có nội dung. Phương pháp trì danh có tất cả trong các truyền thống. Mình gọi tên như thế nào mà Bụt có thể biểu hiện ra trong mình,  còn nếu gọi tên hay lần tràng hạt như cái máy thì không có hiệu quả gì cả.

Phương pháp thứ hai là Quán Tưởng (visualize). Mình hình dung ra được Bụt là một người thánh thoát, nhẹ nhàng, tươi cười, mát mẻ và từ bi. Hoặc ngồi, hoặc đứng hoặc đi, mình hình dung ra một người đi, đứng, nói năng, hành xử rất chánh niệm và đầy từ bi. Đó là phương pháp quán tưởng.

Bụt và chúng sanh tương tức

Chúng ta đã học rằng Bụt và người dính với nhau, không có người thì không có Bụt, không có Bụt thì không có người. Đó là nhận thức bất nhị. Trong kinh Kim Cương có nói: Phải lấy đi ý niệm chúng sanh là ngược lại với Bụt, tại vì chúng ta thường hay so sánh đã là Bụt thì không thể là chúng sanh, mà là đã chúng sanh thì không thể là Bụt. Chúng sanh   (living being) có khi còn được gọi là hữu tình 有 情, tiếng Phạn là sattva, phiên âm là tát đỏa. Theo định nghĩa thì Bụt là một loài hữu tình có giác ngộ, giải thoát gọi là boddhisattva (bồ tát). Bồ tát là tên gọi tắt của chữ bồ đề tát đỏa, có nghĩa là giác hữu tình, là một con người đã giác ngộ.

Khi đã giác ngộ thì một chúng sanh trở nên có giá trị, trở thành một bậc đại nhân (great being). Boddhisattva is a great being. Trong một vị bồ tát có sự vĩ đại của một bậc giác ngộ nên chúng ta có chữ mahasattva. Maha là lớn, sattva là hữu tình, mahasattva là đại hữu tình. Bồ tát ma ha tát là boddhisattva mahasattva, khi một chúng sanh giác ngộ thì trở thành một con người lớn gọi là mahasattva, và con người lớn đó có thể gọi là boddhisattva nên chúng ta dùng chữ boddhisattva mahasattva.

Nhưng nếu không có người thì làm sao có bậc giác ngộ? Bậc giác ngộ từ người mà ra, vì vậy giữa người và bậc giác ngộ có sự liên hệ. Bụt không thể có mặt ngoài chúng sanh và chúng sanh không thể có mặt ngoài Bụt; cũng như bên trái và bên phải, nếu không có trái thì không có bên phải và không có bên phải thì không có bên trái. Đó gọi là tương tức, là tương đãi. Theo giáo lý của đạo Bụt thì trong chúng sanh có Phật tánh (Buddha nature), có hạt giống của Bụt. Hễ là chúng sanh là có Phật tánh tức là có khả năng giác ngộ, khả năng có niệm, định và tuệ. Chúng sanh nào cũng có khả năng có niệm-định-tuệ, cũng có khả năng giác ngộ.

Trong các tôn giáo khác sự liên hệ giữa Thượng đế và con người có như vậy hay không? Có những nhà mystic nói rằng Thượng đế cũng có ở trong ta, nhưng không phải tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Trong đạo Bụt nói rất rõ muốn tìm Bụt thì phải đi tìm trong chúng sanh, ngoài chúng anh thì không có Bụt. Không biết bên Cơ Đốc giáo có nói như vậy không: Muốn đi tìm Chúa thì phải nhìn vào con người, không có con người thì không thể tìm ra Thượng đế. Trong đạo Bụt thì Bụt và chúng sanh tương tức (inter-are), cũng như mặt trời và mình, mặt trời và mình tuy là hai nhưng là một. Mình có mặt trời trong con người của mình, tại vì những gì mình ăn là do mặt trời làm ra. Vì vậy mặt trời không chỉ có ngoài mình mà còn có trong mình.

Có tuệ giác bất nhị khi niệm Bụt, khi quán tưởng hay khi lạy Bụt

Phương pháp niệm Bụt là một phương pháp rất sâu.Mỗi khi lạy xuống, mình đọc bài:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riệng biệt nhau. The one who bows and the one who is bowed to are both empty of separate self. Trong Bụt có mình và trong mình có Bụt. Trước khi lạy xuống mình phải quán chiếu: Bụt ơi, con biết Ngài không ở ngoài con, Ngài đang ở trong con và con đang ở trong Ngài. Phải thấy được điều đó thì khi lạy xuống mình mới tiếp xúc được với Phật tánh trong mình. Nếu nghĩ Bụt là một cái gì hoàn toàn khác với mình và mình là một cái gì hoàn toàn khác với Bụt thì mình sẽ không có sự liên hệ (connnection) đó. Có được tuệ giác bất nhị “Bụt và chúng sanh không phải là hai thực thể riêng biệt, Bụt có trong chúng anh và chúng sanh có trong Bụt“ thì khi niệm Bụt hay lạy Bụt mới có kết quả. Nếu nghĩ Bụt là một vị thần linh hoàn toàn không phải là mình, mình chỉ toàn là xấu xa, yếu đuối, hèn kém còn Bụt là tất cả những cái gì tốt đẹp, giống như đêm với ngày không thể đi đôi với nhau thì đó là có sự kỳ thị, mình có cái thấy nhị nguyên giữa mình và Bụt. Trong kinh Kim Cương có nói: Phải lấy đi ý niệm chúng sanh là một cái gì ngược lại với Bụt. Đó là nguyên tắc đầu để phương pháp niệm Bụt được thành công. Khi gọi tên Bụt, quán tưởng Bụt, hay lạy Bụt thì mình phải có tuệ giác,phải có cái thấy là giữa Bụt và chúng sanh có sự liên hệ rất mật thiết. Ngoài chúng sanh không có Bụt và ngoài Bụt không có chúng sanh.

Là người thực tập mình phải thấy được trong mình có hạt giống của bồ đề, trong mình có hạt giống của niệm, định và tuệ. Đó là Bụt, vì vậy khi niệm Bụt hay khi lạy Bụt là mình phải làm thế nào cho hạt giống đó biểu hiện trong mình, hạt giống đó được tưới tẩm thì mình mới thành công. Chúng ta không gọi tên một vị thần linh để thần linh đó tới bảo vệ cho mình. Đọc cuốn“ Đường xưa mây trắng“, mình phải đọc mấy ngày mới xong. Theo hình thức thì đó không phải là niệm Bụt. Nhưng thật ra khi đọc“Đường xưa mây trắng“ thì mình tưới tấm hạt giống của trí tuệ, thương yêu và hạnh phúc. Như vậy đọc mình“ Đường xưa mây trắng“ là mình đang niệm Bụt mà mình không biết. Trong quá trình đọc thì niệm-định-tuệ và Bụt đã hiện ra rõ ràng trong mình, vì vậy đọc“Đường xưa mây trắng“ là một hình thái niệm Bụt. Nghe một bài pháp thoại, tuy mình không niệm“Nam mô A Di Đà Phật hay nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni“, nhưng những hạt giống của niệm, của định và của tuệ trong người mình được tưới tẩm thì đó là niệm Bụt. Mình phải hiểu niệm Bụt theo tinh thần đó chứ không phải niệm Bụt là gọi tên Bụt.

 

Để Bụt làm, để bồ tát làm

Nếu thực tập khá thì Bụt ở bên mình suốt cả ngày không rời, tại vì Bụt không phải là một thần linh ở ngoài mà Bụt là một năng lượng có trong mình.Quí vị hãy thử phương pháp này, tôi thấy nó rất hay, rất dễ. Khi đánh răng mình nói: Bụt đang chải răng, mình để Bụt chải răng cho mình. Khi Bụt chải răng thì Bụt không hấp tấp, Bụt làm rất thảnh thơi. Mình chải răng như thế nào để Bụt có cơ hội dùng bàn tay của mình, dùng bàn chải của mình để chải răng. Mỗi khi chải răng mình đừng làm với tư cách một sattva, mà mình chải răng với tư cách một boddhisattva, tức là chải răng có chánh niệm. Khi anh chải răng có chánh niệm tức là anh chải răng mà biết là mình đang chải răng, trong khi chải răng anh có thảnh thơi, không hấp tấp thì đó chính là Bụt đang chải răng và lúc đó anh đang niệm Bụt. Mình có hai cách chải răng: hoặc là mình để cho chúng sanh chải, hoặc là mình để cho Bụt chải. Chúng sanh có trong mình và Bụt cũng có trong mình. Tùy theo cách mình chọn, để cho Bụt hay bồ tát chải răng thì mình có hạnh phúc hơn.

Khi nâng ly trà lên, mình mời Bụt uống giùm cho mình, tại vì Bụt uống trà rất hay. Bụt nâng ly trà nhẹ nhàng, có chánh niệm và Bụt uống trà rất hạnh phúc. Vì vậy trong khi uống trà là mình niệm Bụt. Bụt đang có mặt trong giây phút đó, Bụt hiện ra với niệm, định và tuệ.

Hồi nãy đi từ Thất Ngồi Yên ra đây, tôi đã để cho Bụt đi trên tuyết. Bên Ấn Độ có ít tuyết, cho nên bây giờ Bụt đi trên tuyết rất vui. Chúng sanh không đi, chúng sanh nhường chỗ cho Bụt đi. Trong con người mình có sattva và boddhisattva, một là mình để cho sattva đi, hay là mình để cho boddhisattva đi, mà để cho boddhisattva đi thì thế nào mình cũng có hạnh phúc hơn. Tại sao mình không để cho hữu tình đi, để cho Bồ Tát đi thì phải có hạnh phúc hơn hay không?

Khi nấu cơm cho đại chúng mình đừng nên làm một cách hấp tấp. Làm với niềm vui và tình thương thì lúc đó là boddhisattva đang nấu cơm. Vì vậy niệm Bụt có thể xảy ra trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.

Đi tiểu, đi cầu là một việc rất dễ chịu. Mình để cho boddhisattva đi tiểu, đi cầu một cách nhẹ nhàng. Tại sao mình lại hấp tấp. Mình phải chọn để sattva đi tiểu hay để cho Bụt đi tiểu; để cho Bụt đi tiểu thì mình sẽ khỏe, sẽ nhẹ nhành và hạnh phúc hơn nhiều.

Trong đời sống hằng ngày hay trong thời gian ở Làng mình nên mời boddhisattva làm tất cả. Để boddhisattva làm, tại vì sattva và boddhisattva cộng trú trong con người của mình. Cũng lá phổi đó, cũng lổ mũi đó mà khi boddhisattva thở thì rất hạnh phúc, mà khi chúng anh thở thì không hạnh phúc bằng. Khi thở, chúng sanh không để ý tới hơi thở, không thưởng thức được hơi thở

Theo đạo Bụt, Phật và chúng sanh không phải là hai thực thể riêng biệt, Phật và chúng sanh cộng trú trong con người của mình. Mình phải chọn lựa, mình nên sống như một người tỉnh thức hay như một người mê ngủ, mình nên đi như một người tỉnh thức hay đi như một người mộng du, và hạnh phúc có liền lập tức mà mình không cần phải đi tìm ở chỗ khác.

Chỉ cần chải răng, uống trà, bước những bước trên tuyết, trên cỏ hay nấu ăn sáng cho đại chúng là mình có hạnh phúc. Phương pháp đó không khó, vấn đề là mình có muốn hay không muốn làm mà thôi. Chúng ta không coi Bụt là một thần linh mà ta gọi tên để tới giúp đỡ, cứu độ chúng ta mà Bụt có mặt trong ta dưới dạng năng lượng (năng lượng niệm, năng lượng định và năng lượng tuệ). Nếu biết sử dụng ba dạng năng lượng đó để chải răng, để đi cầu, v.v… thì tự nhiên ta có hạnh phúc. Chúng ta đừng sử dụng thì giờ một cách vô ích, đừng đi tìm giác ngộ, giải thoát, đừng đi tìm Bụt ở một chỗ khác trong một thời gian khác.

Quí vị thử niệm Bụt theo phương pháp này, để cho Bụt có mặt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, để Bụt thở, để Bụt đi, để Bụt ngồi, để Bụt chải răng là chuyện chúng ta có thể làm được tại vì tất cả chúng ta đều có khả năng có chánh niệm. Chúng ta có thể chải răng có chánh niệm, đi cầu có chánh niệm, giặt áo có chánh niệm và mỗi giây phút đem lại sự thảnh thơi, đem lại niềm vui . Như vậy mỗi giây phút có mặt trên trên trái đất này là một giây phút hết sức mầu nhiệm: Mặt trời lặn cũng đẹp, mặt trời lên cũng đẹp, mưa cũng đẹp mà tuyết cũng đẹp. Giây phút nào cũng mầu nhiệm và ta nên có mặt thật sự để sống mỗi giây phút cho đàng hoàng. Nếu mình làm được một ngày thì đã có sự khác biệt rất lớn.