Pháp thoại theo chủ đề

Cho tình thương đơm hoa

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai)

Có một phương pháp thở rất hay đó là nương vào tiếng tích tắc của đồng hồ. Hơi thở vào của mình có thể là hai giây hay ba giây, hơi thở ra thường là dài hơn, có thể là bốn hay năm giây. Có thể hơi thở của bạn dài hơn, nhưng cũng có thể là ngắn hơn. Vì vậy bạn có thể kết hợp thở với tiếng tích tắc của đồng hồ phù hợp với nhu yếu lá phổi của mình.

Trong lúc thở và đếm tiếng tích tắc của đồng hồ thì sự chú ý tới hơi thở sẽ dễ dàng hơn và những suy nghĩ lộn xộn trong đầu tự động sẽ ngưng lại. Khi nằm ngủ, bạn có thể để đồng hồ gần giường rồi thở theo, điều này sẽ giúp cho giấc ngủ của bạn nhẹ nhàng và sâu lắng.

Nếu không muốn đếm số bạn có thể sử dụng những câu thiền ngữ, ví dụ: thở vào ba giây ta có thể nói : “Bụt, Pháp, Tăng”, thở ra năm giây ta có thể nói: “Nương tựa Bụt, Pháp, Tăng” thay vì thầm nói 1 2 3 và 1 2 3 4 5.

 


 
Ngồi thiền
Trong khi ngồi thiền, đầu tiên là mình để ý tới hơi thở. Thở vào mình có thể nói: “Con mời Bụt thở bằng phổi của con”. Vừa mời xong thì lập tức Bụt sử dụng phổi của mình để thở liền. Trong khi thở như vậy, cơ thể của mình rất buông thư, và mình nếm được pháp lạc. Chỉ khi nào ngồi thiền mà có pháp lạc thì khi ấy bạn biết rằng mình đang thở đúng. Còn ngồi thiền mà không có pháp lạc tức là bạn đang thở sai rồi đó. Có thể là lúc ấy bạn đang cố gắng quá nhiều, dụng công quá nhiều, nên bạn cảm thấy cả thân lẫn tâm mình bị căng thẳng. Thở chứ có làm gì đâu mà phải dụng công?

Tiếp theo, mình mời Bụt ngồi bằng cái lưng của mình. Mời xong thì cái lưng của mình tự động thẳng lên, bởi vì một khi Bụt đã ngồi thì Bụt ngồi rất thẳng. Mình ngồi với cái lưng của Bụt chứ nhất định không chịu ngồi với cái lưng của bà ngoại.

Chúng ta bắt đầu ngồi thiền bằng việc điều thân và điều tức. Điều thân là điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho ngay ngắn, buông thư. Cái đầu không cúi quá cũng không ngước lên, thân buông thư thật mềm mại. Điều tức là điều hòa hơi thở. Hơi thở có ý thức làm cho cái tâm thấm vào trong cái thân và cái thân thấm vào trong cái tâm. Khi thân tâm đã nhất như, đã buông thư rồi thì trong người sẽ khoẻ nhẹ, dễ chịu. Mỗi khi ngồi thiền chúng ta đều phải làm việc này trước hết. Làm sao để mỗi khi ngồi thiền thân tâm phải buông thư, phải cảm thấy dễ chịu, thư thái trong giây phút ấy.

Bạn chỉ ngồi đó ý thức, để ý tới hơi thở mà không cần phải làm gì hết vì cuống óc đã phụ trách nhịp thở và nhịp đập của trái tim rồi. Còn nếu bạn muốn thì bạn có thể kéo dài nhịp thở của mình để có thêm pháp lạc. Thành ra, khi mình thở vào, thở ra có ý thức thì hai cánh tay, hai bờ vai rồi toàn thân từ từ được buông thư trọn vẹn. Khi thấy thân của mình đang thư giãn, nhịp đập của trái tim chậm lại, tức là khi ấy hệ thống miễn dịch đang được củng cố. Lúc này cơ thể của mình có khả năng tự trị liệu được những đau đớn trong thân cũng nhưng trong tâm.

Đi thiền

Khi đi thiền hành bạn cũng có thể đếm bước chân của mình. Nếu thở vào bước ba bước thì bạn thầm đếm 1 2 3, thở ra bước năm bước thì bạn thầm nói 1 2 3 4 5. Theo dõi hơi thở và đếm bước chân khiến cho cái đầu ngưng suy nghĩ. Khi những lao xao trong tâm lắng xuống thì sự chú tâm vào bước chân sẽ sâu sắc hơn, và mình nếm được sự bình an.

 

 

Nếu đi mà như đi chơi, mỗi bước chân đều có thảnh thơi, an lạc, không bước vội vàng, hối hả thì trong khi đi như vậy sự trị liệu sẽ xảy ra cho thân và tâm. Cho nên, mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều là trị liệu hết. Là người hành giả, mình phải biết lợi dụng bước chân, hơi thở để tự trị liệu. Thiền tọa giúp trị lành những căn bệnh mà thiền hành cũng có khả năng điều trị tương tự.

Đoạn đường từ bãi đậu xe tới siêu thị là một cơ hội cho mình thực tập thiền hành, từ phòng khách tới nhà bếp cũng là một cơ hội,… hàng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để đi thiền hành. Mỗi bước chân có ý thức thì đều là những bước chân thiền hành, đều là công phu tu tập.

Ôm ấp niềm đau

Trong chúng ta ai cũng có một chút bệnh, không bệnh nhiều thì bệnh ít. Theo dõi hơi thở, ngồi thiền, thiền hành có thể giúp điều trị làm giảm bớt và chấm dứt những căn bệnh đó, sự trị liệu này xảy ra trong từng giây phút. Khi theo dõi hơi thở và buông thư, hơi thở vào có thể là ba hoặc bốn giây, hơi thở ra có thể là năm hoặc bảy giây, thì ba bốn giây, hay năm bảy giây ấy đã là trị liệu rồi. Điều này đúng cho cả thân và tâm. Khi trong tâm có những buồn phiền, lo lắng, bực bội thì hơi thở chánh niệm sẽ ôm lấy tâm hành đó, làm cho tâm hành đó lắng dịu xuống.

Cảm xúc là một năng lượng, cảm thọ là một năng lượng, nó có thể dễ chịu hay khó chịu. Khi có một cảm xúc mạnh thì mình không có bình an, dù đó là cảm xúc vui hay cảm xúc buồn. Có nhiều người nghe tin trúng số độc đắc, rồi vì vui mừng quá mà lăn đùng ra ngất xỉu. Vì vậy, biết thực tập hơi thở thường xuyên thì mình sẽ có khả năng nhận diện và ôm lấy cảm xúc, ôm lấy cảm thọ khi gặp những chuyện bất ngờ xảy tới. Lúc ấy mình sẽ không bị những cảm xúc mạnh chi phối vì mình đã buông thư những cảm thọ đó rồi. Cái đó gọi là an tịnh tâm hành. Trong kinh “An ban thủ ý” có một bài thực tập gọi là “an tịnh thân hành”, tức là làm cho thân an tịnh và buông thư. Rồi lại có một bài thực tập khác nữa gọi là “an tịnh tâm hành”, tức là làm cho những cảm giác, cảm xúc của mình lắng dịu lại. Sau khi đã buông thư cái thân rồi thì tiến tới bước thứ hai là buông thư cái tâm.

Nếu bạn đang hờn giận, hay buồn phiền, thì phải trở về với hơi thở liền lập tức, biết trở về với hơi thở thì những cảm xúc mạnh ấy sẽ yếu dần đi. Nếu  cảm thọ khổ đau lớn quá thì mình quán chiếu thêm một chút nữa về người kia, cái người mà mình nghĩ rằng đã làm cho mình buồn khổ. Nếu nhìn sâu vào họ, mình sẽ thấy rằng chính người kia cũng đang đau khổ. Người ấy có những thói quen không tốt nhưng người ấy lại không có khả năng quản lý, điều phục được nó, cho nên người đó đang tự làm khổ chính mình và làm khổ những người chung quanh. Người đó là nạn nhân của chính người đó. Khi thấy ra người ấy đang khổ sở thì mình có thể phát khởi được tâm từ bi. Tại vì trong mình có sẵn hạt giống của tình thương. Hễ thấy ai khổ thì mình thương. Sở dĩ mình ghét người kia, mình không thể thương được họ là vì mình không thấy được nỗi khổ của họ. Một khi đã thấy rồi tự nhiên mình thương được, mà đã thương thì lòng sẽ trở nên mát mẻ không còn bị nóng bức nữa. Vì vậy cho nên cái nẻo về của tâm ý là nó vốn thay đổi.

 

 

Chúng ta thường có hai khuynh hướng tư duy, một là đi tới cái giận, hai là đi tới cái thương. Nhưng khổ nỗi cái tư duy của mình cứ thích chạy về phía giận hờn và trừng phạt. Mình vốn có sẵn cục giận ở trong lòng nên mỗi khi nghe điều gì không vừa tai, thấy cái gì không hợp mắt thì cái giận bị kích thích và chúng ta bị kéo đi theo lối giận hờn. Khi giận, mình muốn trừng phạt người kia – cái người dám làm cho mình khổ. Mình giận người ấy vì không biết rằng người ấy cũng đang đau khổ, vì họ đau khổ nên họ mới nói và làm cho mình đau. Khi quán chiếu và thấy được nỗi khổ của người kia rồi thì lập tức tâm của ta sẽ tự động rẽ sang một ngả khác, ngả của thương yêu. Lúc đó lòng mình khoẻ nhẹ và tâm hành được an tịnh mau chóng.

Tôi có viết một câu thiền ngữ : “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Nhìn lại để thương tức là nhìn lại để thấy cái người đã làm mình khổ, người ấy cũng đang đau khổ lắm. Vì họ đau khổ nên họ mới vung vãi khổ đau của họ lên mình. Và nhìn lại để thấy rằng trong quá khứ mình cũng đã từng chịu ơn người ấy. Thấy được hai điều này rồi thì tự nhiên cơn giận của mình tan biến và tình thương lập tức đơm hoa. Tâm hành giận hờn, cảm giác khổ đau trước đó từng làm cho mình điêu đứng, khốn đốn không sao trấn ngự được, vậy mà khi có cái thấy kia tự nhiên mình an tịnh được tâm hành.