Pháp thoại theo chủ đề

Sư Ông Làng Mai kể chuyện: “Tú Uyên và Giáng Kiều”

“Trích Pháp thoại tại Washington D.C. ngày 15.10.1995”

 

Mì gói Giáng Kiều

Quý vị chắc đã nghe câu chuyện chàng Tú Uyên. Tú Uyên là một chàng sinh viên khá đẹp trai nhưng nhiều đau khổ. Tú Uyên có vấn đề với bố, với mẹ, không nói chuyện được với bố, với mẹ. Tú Uyên cứ nghĩ rằng tất cả những niềm đau và nỗi khổ của chàng là do bố mẹ gây ra. Tú Uyên cũng không nói chuyện được với anh, với chị và với em. Tú Uyên sống một cuộc sống rất cô đơn. Nghĩ rằng không ai hiểu được mình, nhưng Tú Uyên không biết rằng chàng không hiểu được ai. Chàng nghĩ rằng chàng là người đau khổ duy nhất ở trên đời và người làm chàng đau khổ là những người khác. Người đó có thể là bố, mẹ, anh, chị, em, bạn bè và xã hội. Tú Uyên học đại học và sống côi cút một mình trong cư xá đại học. Không truyền thông được với cha mẹ và với anh em đã đành, chàng ta cũng không truyền thông được cả với thầy, với bạn.

 

 

Tú Uyên rất thèm có được một người bạn, nhưng Tú Uyên không có khả năng sống được với bạn, vì trong lòng chàng đầy những thói quen giận hờn, thù hận, khổ đau. Tú Uyên không có khả năng nói với ngôn ngữ hòa ái. Tú Uyên cũng không có khả năng lắng nghe bạn. Bạn của Tú Uyên chỉ có thể chơi với chàng chừng một hai tuần là bỏ chàng, rốt cuộc Tú Uyên một mình một bóng sống trong cư xá đại học. Niềm đau, nỗi khổ chất chứa trong tâm nhiều quá, không chịu nổi, cho nên Tú Uyên đi tìm những phương tiện làm khuây khỏa những niềm đau của chàng. Tú Uyên nghiện rượu. Tối nào chàng cũng ra quán rượu uống cho say mèm mới về. Mỗi khi say chàng nói và làm những điều có thể làm tan nát tình nghĩa.

Sáng hôm đó, Tú Uyên cảm thấy cô đơn. Chàng muốn lên chùa, mong gặp được một người bạn mới. Chùa là nơi duy nhất mà Tú Uyên hy vọng có thể gặp được một người bạn mới. Tới cổng chùa, Tú Uyên thấy một đoàn người ở trong cổng chùa đi ra, rất sang trọng, và trong đám đó có một thiếu nữ xinh đẹp lạ thường. Hình bóng của thiếu nữ va chạm mạnh vào tâm thức Tú Uyên. Chưa bao giờ chàng thấy một cô thiếu nữ xinh đẹp như vậy. Tự nhiên anh chàng nảy sinh một ao ước: nếu mình có được một người bạn như vậy thì mình sẽ đem hết tất cả những khéo léo, những thiện chí của mình để giữ người bạn này lại với mình. Chúng ta biết rằng cái mà Tú Uyên đói và thiếu nhất ở trên đời là một người bạn, một người để tâm sự, trao đổi những khổ đau và những ước vọng của mình. Tú Uyên vốn là người hoàn toàn bị cô lập trong xã hội của chàng.

Tú Uyên quyết định không vào chùa nữa mà quay lại đi theo đám người kia. Nhưng rủi cho chàng, chỉ trong vài phút sau cô thiếu nữ xinh đẹp kia biến mất trong đám đông. Từ đó về sau, hình bóng của cô thiếu nữ cứ lảng vảng trong đầu chàng, Tú Uyên không thể nào quên được. Đi cũng nhớ, ngồi cũng nhớ, nằm cũng nhớ, đọc sách chàng cũng không đọc được. Một đêm, Tú Uyên nằm mơ thấy một cụ già tóc bạc phơ. Cụ nói với chàng: ‘‘Ngày mai vào lúc sáu giờ sáng, con đi ra chợ cửa Đông con sẽ gặp lại cô thiếu nữ.’’ Chàng thức dậy đúng một giờ khuya. Trời còn tối quá. Đợi tới sáu giờ sáng thì quá lâu, nhưng chàng ngủ không được nữa. Tới năm giờ sáng, chàng đi ra nhắm hướng chợ cửa Đông. Ra tới, thấy chợ chưa đông, chàng ghé vào tiệm sách để mua vài cuốn sách. Ngước đầu lên nhìn, chàng thấy cô thiếu nữ mình gặp hôm trước trong một bức tranh treo trên tường. Đó chỉ là một bức tranh nhưng người trong tranh đúng là cô thiếu nữ đó. Cũng hai con mắt đó, cái mũi đó, cái miệng đó, và cô thiếu nữ như đang mỉm cười với Tú Uyên. Chàng đổ hết tất cả tiền ở trong túi ra mua bức tranh ấy về treo ở phòng chàng trong cư xá đại học.

Từ đó về sau, ngày nào chàng cũng nói chuyện với người đẹp trong tranh. Chúng ta thấy trên cõi đời này có những người rất cô đơn, họ không có ai để trò chuyện, đôi khi phải nói chuyện một mình. Có những người vì cô đơn quá nên phải nuôi một con mèo hay một con chó để rồi đem tất cả tình thương của mình dồn vào con mèo hay con chó ấy, và chỉ nói chuyện được với nó. Rất tội nghiệp. Sống với một con mèo cố nhiên là dễ hơn sống với một con người. Khi chúng ta nói một điều gì không dễ thương thì con mèo không la mắng và trả đũa trở lại, nhưng nếu chúng ta nói một câu không dễ thương với một người thì chưa chắc người đó sẽ để cho chúng ta yên thân. Chúng ta không trách móc Tú Uyên, chúng ta chỉ thấy tội nghiệp cho anh chàng sinh viên đó mà thôi. Tuy đẹp trai nhưng anh chàng hết sức cô đơn. Tú Uyên không có hạnh phúc, tại vì chàng không có bạn, không có khả năng truyền thông. Mỗi ngày Tú Uyên chỉ biết ăn mì gói. Mì gói tức là mì ăn liền. Buổi trưa cũng mì gói, buổi tối cũng mì gói. Chỉ cần bỏ mì vào một cái tô, đổ nước sôi vào, đợi vài phút là ăn thôi. Tú Uyên không biết sử dụng các thứ rau tươi và rau thơm cho nên ngày nào chàng cũng chỉ ăn mì gói suông như vậy.

Hôm ấy Tú Uyên làm hai tô mì gói, một tô để dành cho người đẹp ở trong tranh và một tô để chàng ăn. Tú Uyên đặt ra hai đôi đũa. Ăn mì gói một hồi chán quá, chàng nuốt không trôi nữa. Chàng buông đũa, nhìn lên bức tranh. Tự nhiên chàng thấy người trong tranh mỉm cười với chàng. Rồi từ bức tranh nàng thiếu nữ bước xuống và trở nên một con người bằng xương bằng thịt. Nàng tự xưng là Giáng Kiều. Giáng Kiều nghĩa là người đẹp từ trên trời đi xuống. Quý vị có biết câu nói đầu tiên mà Giáng Kiều nói với Tú Uyên là câu gì không? ‘‘Mì nấu như thế này mà anh ăn được thì tôi cũng phục anh thiệt.’’ Rồi nàng mỉm cười: ‘‘Anh đợi một chút!’’ Và Giáng Kiều biến mất. Chỉ trong vài phút sau, Giáng Kiều lại xuất hiện với một cái xách trong đó có rau thơm, rau ngò, đủ thứ. Cô nàng rất tài tình. Chỉ trong ba phút thôi cô đã làm xong được hai tô mì rất hấp dẫn, rất thơm tho. Chúng ta hãy tưởng tượng niềm hạnh phúc lớn lao của Tú Uyên. Tự nhiên có một người đẹp xuất hiện trong đời mình, tự nhiên có những thức ăn rất mầu nhiệm. Hạnh phúc của Tú Uyên không thể nào tả được.

Nhưng chắc quý vị đã dư biết cái gì sẽ xảy ra cho Tú Uyên sau đó vài tháng. Một con người như Tú Uyên thì luôn luôn có quá nhiều niềm đau và nỗi khổ trong lòng. Tú Uyên không có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái. Tú Uyên không có khả năng lắng nghe. Tú Uyên say rượu mỗi bữa tối, và thường nói những lời làm cho tan nát cả tình nghĩa. Vì vậy cho nên ba tháng sau Giáng Kiều đã bỏ Tú Uyên mà đi. Có thể là có những buổi tối say rượu về Tú Uyên đã đánh đập Giáng Kiều. Giáng Kiều đã làm hết cách để đem lại hạnh phúc cho Tú Uyên, nhưng Tú Uyên không có khả năng sống hạnh phúc. Cuối cùng thì Giáng Kiều đã bỏ đi. Một ngày nọ, Tú Uyên thấy cuộc đời không có ý nghĩa gì nữa, chàng muốn treo cổ tự tử.

Nếu quý vị có đọc báo, có nghe ngóng về tin tức của thanh niên ở Hoa Kỳ thì quý vị đã biết rằng số thanh niên ở Hoa Kỳ tự tử như Tú Uyên nhiều lắm. Hầu hết đó là những người đã chống báng gia đình, đã mất gốc trong gia đình cũng như trong xã hội. Nếu muốn gặp Tú Uyên không khó. Chỉ cần đưa mắt nhìn xung quanh là quý vị sẽ gặp vô số những chàng Tú Uyên. Và những nàng Tú Uyên nữa. Họ thù hận cha mẹ, họ không có gốc rễ hạnh phúc trong gia đình. Họ đi bơ vơ trong cuộc đời, họ không có bạn, họ chỉ có những niềm đau nỗi khổ trong lòng mà thôi. Họ không có cái gì đẹp để tin tưởng, không có cái gì thật để tin tưởng, họ sống một cách không trách nhiệm và họ tàn phá thân thể họ và tâm hồn họ. Không những họ sử dụng rượu mà còn sử dụng đủ các loại ma túy.

Nếu để tâm thì quý vị sẽ thấy rằng cái số lượng các chàng Tú Uyên và các nàng Tú Uyên sử dụng ma túy trong thời đại chúng ta lớn lắm. Chính quyền có thể dùng quân đội, dùng máy bay, dùng trực thăng để kiểm soát việc nhập cảng những chất liệu ma túy, nhưng những biện pháp dữ dằn ấy cũng vô hiệu quả là tại vì số lượng các chàng Tú Uyên ở trong nước quá đông đảo. Số lượng các nàng Tú Uyên ở trong nước cũng quá đông đảo. Tại sao họ phải đi tìm rượu? Tại sao họ phải đi tìm các chất ma túy? Tại vì nỗi khổ niềm đau trong lòng họ quá lớn, họ không thể nào gánh chịu được nổi, cho nên họ phải tìm bất cứ cách thức nào để có thể quên đi trong chốc lát những khổ đau ấy trong lòng họ.

Xã hội của chúng ta tổ chức như thế nào mà cứ chế tạo ra hàng trăm ngàn Tú Uyên mỗi tuần lễ? Chúng ta có nên trách móc hay là la mắng Tú Uyên hay không? Cha mẹ Tú Uyên đã làm gì cho Tú Uyên và đã dạy dỗ Tú Uyên như thế nào? Cha mẹ Tú Uyên có khả năng lắng nghe con hay không? Có khả năng nói với con bằng những lời hòa ái hay không, hay là chỉ biết dùng quyền uy cha mẹ để đàn áp và la mắng mà thôi? Nếu con chúng ta không có khả năng lắng nghe chúng ta và không có khả năng nói những lời hòa ái với chúng ta, thì chúng ta có khả năng lắng nghe con của chúng ta hay không và khả năng nói những lời hòa ái với con hay không?

 

Tâm hương

 Sau khi Giáng Kiều bỏ đi, Tú Uyên đau khổ lắm. Chàng biết chàng đã đánh mất cơ hội chót của chàng. Giáng Kiều đi rồi, mình sống làm gì nữa? Tú Uyên bị trầm cảm (depression) nặng. Chàng không chịu đựng nỗi đau khổ nữa. Chàng muốn tự tử. Và chàng quyết định treo cổ tự tử.

Đột nhiên trong khi chuẩn bị tự tử, Tú Uyên nhớ lại một câu mà Giáng Kiều nói với chàng một buổi sáng khi hai người từ trên chùa đi về nhà. Hôm ấy Giáng Kiều rủ chàng đi chùa dâng hương và nghe thuyết pháp. Thầy trú trì đã thuyết pháp về ngũ phận hương: hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến. Tú Uyên đã nghe pháp bằng nửa lỗ tai thôi, vì chàng không có đủ định tâm. Buổi thuyết pháp chấm dứt, hai người ra về. Ra tới cổng, Giáng Kiều nói với chàng: ‘‘Thầy đã giảng về hương như là một phương tiện truyền thông. Thắp hương là để truyền thông với tổ tiên, tổ tiên tâm linh cũng như tổ tiên huyết thống. Nếu một ngày kia anh thấy thiếu vắng em mà muốn nhắn em điều gì thì anh có thể thắp hương lên. Em sẽ trở về.’’

 

 

Nhớ tới đó, Tú Uyên lập tức bỏ sợi dây xuống, chạy ù ra phố, mua một bó nhang. Về tới phòng, chàng thắp luôn một lượt mấy chục cây hương, mong cho Giáng Kiều trở về lập tức với chàng. Khói hương xông lên mờ mịt cả gian phòng, nhưng chàng không thấy động tĩnh gì hết. Mấy giờ đồng hồ sau vẫn chưa thấy Giáng Kiều trở về. Tú Uyên ngồi ngay ngắn trở lại. Chàng ngồi yên bất động. Trong tư thế ngồi yên ấy, một hồi lâu chàng thấy được Giáng Kiều quả thật là một người hiếm có. Giáng Kiều có một trái tim biết thương và biết cảm. Giáng Kiều kiên nhẫn, có lắng nghe, có chịu đựng. Giáng Kiều đã làm đủ mọi cách để giúp Tú Uyên, nhưng chàng đã vẫn chứng nào tật ấy, không chịu chuyển hóa. Tú Uyên thấy rằng nếu sống với một người như Giáng Kiều mà chàng không sống được thì chàng sẽ không có thể sống với bất cứ một ai khác. Chàng bắt đầu thấy lỗi của mình, và chàng để rơi những giọt nước mắt hối hận và thương cảm.

Những giọt nước mắt ấy làm trái tim Tú Uyên êm dịu và mát mẻ lại. Chàng nhớ lại những điều thầy trú trì đã giảng trên chùa. Thầy nói: ‘‘Thứ hương mà mình đốt lên để cúng dường phải là tâm hương: hương giới, hương định, hương tuệ…’’ Chàng chưa bao giờ đốt được hương giới. Chàng đã quen để cho tập khí lôi kéo, chàng chưa biết hành trì giới luật. Giới thứ tư dạy về cách lắng nghe và sử dụng ngôn ngữ từ ái. Chàng đã từng trách móc mẹ cha, anh chị, từng nghĩ rằng những người ấy đã gây khổ đau cho chàng, nhưng chính thực thì chàng chưa từng biết lắng nghe họ và biết sử dụng ngôn ngữ từ ái với họ. Chàng đã gây khổ đau cho họ rất nhiều mà chàng không biết.

Thấy được điều này, tự dưng niềm xót thương dâng lên trong lòng chàng: chàng bắt đầu thấy hối hận, thấy thương mẹ, thương cha, thương anh, thương em, thương thầy, thương bạn. Chàng thấy mọi người đều đã khổ vì chàng, và chàng không còn có khuynh hướng trách móc họ, lên án họ, phê phán họ. Tự dưng ngồi đó mà chàng cảm thấy một niềm bình an dâng lên trong trái tim. Chàng thấy khỏe. Chàng thấy chàng không còn có nhu yếu đi vào quán rượu để nhấn chìm những nỗi khổ niềm đau của mình trong những ly rượu. Và chàng có cảm tưởng là chàng có thể thực tập được không khó khăn giới thứ năm là giới không sử dụng các chất ma túy. Chàng biết mỗi khi say rượu, chàng đã gây đổ vỡ rất nhiều và sau đó tình trạng không thể hàn gắn được nữa.

Tú Uyên ngồi yên như vậy trong căn phòng của chàng, chỉ mới trên một tiếng đồng hồ mà đã đạt tới những cái thấy rất sâu sắc. Chàng đã thực sự đốt được ba thứ tâm hương: giới, định và tuệ. Chàng bắt đầu hiểu tại sao Giáng Kiều đã từng khuyên nhủ chàng thọ trì năm giới. Nếu không thực tập năm giới, chàng sẽ không chuyển hóa được tập khí và khổ đau, và sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Chàng rơi nước mắt. Chàng nói: ‘‘Giáng Kiều, em ở đâu? Sao em không về với anh?’’

Chính vào lúc ấy thì có tiếng gõ cửa, và Giáng Kiều bước vào. Tâm hương đã giúp chàng tái lập được sự truyền thông. Tú Uyên đã thay đổi. Giáng Kiều rất mừng. Nàng nói: ‘‘Anh mới chỉ thực tập có một giờ đồng hồ mà đã chuyển hóa nhiều như thế thì em tin rằng sau một thời gian thực tập vài tháng anh sẽ có rất nhiều hạnh phúc, anh sẽ có thể hòa giải lại được với ba má anh, với các anh, chị và em của anh. Em sẵn sàng tha thứ cho tất cả những lầm lỗi của anh trong quá khứ.’’

 

Em ở đâu?

Thưa quý vị, tôi xin mời quý vị cùng quán chiếu. Trong giờ phút này, nàng Giáng Kiều của quý vị đang ở đâu, khổ đau hay là hạnh phúc? Người ấy đã từ trong một bức tranh bước xuống, đi vào cuộc đời của quý vị, nguyền chia sẻ cuộc đời với quý vị. Quý vị đã đối xử với Giáng Kiều của quý vị như thế nào? Quý vị đã từng làm cho người ấy khóc bao nhiêu lần? Người ấy còn sống với quý vị, hay đã bỏ đi? Người ấy hiện giờ ở đâu? Quý vị có khả năng truyền thông với người ấy hay không? Quý vị đã từng chửi mắng và hành hạ nàng Giáng Kiều của quý vị hay không? Quý vị có biết lắng nghe để hiểu được những niềm đau nỗi khổ của nàng hay không? Quý vị có biết sử dụng ngôn ngữ hòa ái với người ấy hay không? Nàng Giáng Kiều của quý vị có thể là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là con trai, con gái của quý vị. Hạnh phúc của quý vị tùy thuộc vào hạnh phúc của những người đó. Quý vị đã làm gì để cho họ có hạnh phúc, hay quý vị chỉ lên án, trách móc và hành hạ những nàng Giáng Kiều của quý vị?

Tôi biết trong trái tim của Giáng Kiều bao giờ cũng có thương yêu và tha thứ. Nếu quý vị biết nhìn sâu, biết nhận diện gốc rễ của những niềm đau và nỗi khổ của mình, quý vị sẽ thấy rằng những khổ đau của chúng ta đã được tạo tác ra vì tập khí không lành mạnh của chúng ta: chúng ta không biết lắng nghe, không biết nói lời từ ái, chúng ta chỉ lên án, trách móc và đàn áp. Thấy được như thế là ta đã đốt lên được hương tuệ. Nguyện thực tập hạnh lắng nghe và ái ngữ, đó là thực tập hương giới. Có giới thì sẽ có định. Có định thì có tuệ. Và có tuệ tức là có hiểu biết. Hiểu biết đưa tới chấp nhận và thương yêu. Nếu quý vị không chấp nhận và thương yêu được nàng Giáng Kiều của quý vị thì làm sao quý vị có hạnh phúc?

 

 

Chuyện Tú Uyên và Giáng Kiều là chuyện của mỗi chúng ta, chuyện đang xảy ra cho chúng ta trong giờ phút hiện tại. Chúng ta ai cũng là Tú Uyên, ai cũng là Giáng Kiều. Mỗi người trong chúng ta phải đóng vai Tú Uyên và Giáng Kiều của mình cho khéo léo, cho hết lòng, thì hạnh phúc là một cái gì có thể nắm bắt được ngay trong phút giây hiện tại.

Hiện có những Tú Uyên và Giáng Kiều trong pháp hội này. Xin chúc quý vị thực hiện được những gì mà đức Thế Tôn mong mỏi: chúng ta hãy đốt lên tâm hương giới, định và tuệ để thiết lập lại sự truyền thông giữa chúng ta. Hạnh phúc tùy thuộc ở sự thành công này của liệt vị.