Pháp thoại theo chủ đề

Âm thanh của sự tĩnh lặng

(Trích đoạn được chuyển ngữ từ cuốn “Silence” của Sư Ông Làng Mai)

 

 

“Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là sự rối loạn mà thôi“- (TrịnhCông Sơn). Khi chúng ta ngồi yên với một người bạn mà không nói gì cả, điều đó quý giá và quan trọng như những dấu lặng cần thiết trong âm nhạc. Những người bạn ngồi yên lặng được với nhau có thể hay hơn là nói chuyện.

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ được nhiều người mến mộ. Ông sinh năm 1939. Ông được gọi là Bob Dylan của Việt Nam. Người ta nói rằng khi ông qua đời năm 2001, hàng ngàn người đến tham dự buổi hoà nhạc tự phát trong lễ tang của ông.

Trịnh Công Sơn rất mệt mỏi với những tiếng ồn, cho dù đó là những tiếng kêu gào khen ngợi hay vỗ tay hoan hô. Ông trân quý những giây phút tĩnh lặng. Ông viết: “Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta sự thoải mái, thảnh thơi tựa hồ như là niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng câu chuyện gắng gượng và nhạt nhẽo.” Trịnh Công Sơn thích những lúc ngồi im lặng với bạn bè mà không cần nói năng hay làm gì cả, chỉ nuôi dưỡng bởi tình bạn. Tất cả chúng ta đều cần những tình bạn như thế.

Ở Làng Mai, chúng tôi thích ngồi thiền, đặc biệt là ngồi với tăng thân, ngồi như một gia đình tâm linh. Trong suốt buổi ngồi thiền, ta không nói gì cả. Ấy vậy mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy ngồi ba, bốn người hay nhiều hơn thì vui hơn là ngồi một mình. Ngồi yên với nhau như thế, mỗi người đều được nuôi dưỡng bởi sự có mặt của nhau.

Trong tác phẩm Tỳ bà hành có kể một câu chuyện về một người phụ nữ đang chơi đàn Tỳ bà, bỗng dưng ngưng bặt không chơi nữa. Nhưng giây phút mà người chơi đàn Tỳ bà ngưng đàn thì tuy không có tiếng đàn mà còn hay hơn có tiếng đàn nữa. “Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay.” (Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.” Thử thời là ngay bây giờ. Vô thanh nghĩa là không có âm thanh. Thắng là chiến thắng. Hữu thanh là có âm thanh. Vô thanh thắng hữu thanh, hay nói cách khác là âm thanh nhường cho sự im lặng. Không gian giữa các nốt nhạc rất hào hùng và rất có ý nghĩa. Nó hùng hồn hơn bất cứ loại âm thanh nào. Sự im lặng có thể dễ chịu, sâu sắc hơn âm thanh. Trịnh Công Sơn cũng thấy như vậy.

Một trong những học trò người Mỹ của tôi nói với tôi là ông David Sanborn người Mỹ, chơi kèn Xắc-xô, cũng nói những điều tương tự như vậy trong một cuộc phỏng vấn. Khi nhắc đến người bạn cũng chơi kèn Xắc-xô là Hank Crawford, và Miles Davis, người sáng tác và chơi kèn trumpet nổi tiếng, Sanborn nói: “Hank hiểu rằng khoảng lặng mà ta ngưng lại cũng quan trọng như âm thanh ta phát ra… Và khi nghe Miles Davis, tôi đã bị cuốn hút bởi sự đơn giản và cách sử dụng khoảng lặng của anh ta để làm đầy những khoảng không gian kia.”

Mối quan hệ và sự truyền thông cũng giống như một loại âm nhạc. Ngồi với bạn bè, ta không cần phải nói gì cả. Chỉ cần có sự hiểu biết cảm thông và trân quý sự có mặt mà chúng ta hiến tặng cho nhau là đủ rồi. Tôi tin là trong những năm khổ cực của chiến tranh Việt Nam, điều an ủi lớn nhất của Trịnh Công Sơn là những giây phút ngồi yên với bạn bè. Tuy nhiên, nếu một người không biết cách ngồi như thế, nếu anh ta chỉ biết rót rượu hết ly này qua lý khác thì những giây phút ấy sẽ mất đi.

 

 

Một lần nọ, khi Bụt đang ở tu viện Jetavana Ấn Độ, trong khi 200 vị khất sĩ thường trú chuẩn bị cho khoá an cư hàng năm thì có 300 thầy từ Kosambi đến. Các vị khất sĩ rất vui mừng khi gặp nhau và họ nói chuyện với nhau rất lớn. Từ phòng của mình nghe ồn, Bụt hỏi vị đệ tử lớn Shariputta: “Có chuyện gì mà ồn dữ vậy?”

Thầy Shariputta trả lời: “Có quý thầy từ Kosambi đến, gặp nhau họ mừng rỡ, nói cười lớn tiếng và đánh mất uy nghi. Xin Đức Thế Tôn tha lỗi cho họ.”

Bụt nói: “Nếu họ ồn ào, thô tháo như vậy thì mời họ đi nơi khác. Không thể ở lại đây được.” Đức Bụt muốn dạy cho quý thầy sử dụng năng lượng của mình có ý thức và chánh niệm hơn.

Thầy Shariputta thông báo cho quý thầy nghe những gì Bụt nói. Quý thầy im lặng và dời đi một nơi khác gần đó để an cư. Trong suốt 90 ngày an cư, quý thầy nhớ lại lời Bụt dạy, không đánh mất mình trong những cuộc chuyện trò vô bổ. Họ hết lòng thực tập chế tác niệm định, và cuối mùa an cư họ chuyển hoá được rất nhiều. Điều này không làm cho họ trở nên nặng nề, nghiêm trọng mà trái lại khuôn mặt của họ sáng ngời, nụ cười họ rất tươi.

Vào ngày tự tứ, kết thúc mùa an cư, quý thầy muốn trở lại cảm ơn Bụt đã chỉ dạy cho họ. Khi tin này đến tai thầy Shariputta, thấy nói với Bụt: “Bạch Đức Thế Tôn, các thầy đã hoàn tất ba tháng an cư và muốn đến bày tỏ niềm cung kính đối với Đức Thế Tôn.” Bụt cho gọi các thầy đến và chắp tay xá chào.

Lúc đó vào khoảng 7 giờ tối. Ba trăm thầy đến từ Kosambi và vài trăm thầy thường trú ngồi với Bụt trong thiền đường. Thầy trò ngồi với nhau im lặng từ 7 giờ tối cho đến nửa đêm, không ai nói với ai lời nào.

Thầy Ananda, thị giả của Bụt, đi đến bên Bụt và bạch: “Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ đã là nửa đêm, Đức Thế Tôn có gì nói cho quý thầy nghe không?” Bụt không trả lời, và mọi người ngồi với nhau như thế cho đến 3 giờ sáng, ngồi với nhau mà không nói một lời nào. Thầy Ananda hơi lúng túng, vì vậy thầy đi đến bên Bụt và nói: “Bây giờ là 3 giờ sáng rồi. Đức Thế Tôn có nói gì với quý thầy không?” Bụt vẫn tiếp tục ngồi yên im lặng với mọi người.

Đến 5 giờ sáng, thầy Ananda trở lại và năn nỉ: “Bạch Đức Thế Tôn, mặt trời lên rồi, Ngài không nói gì với quý thầy chăng?”

Cuối cùng Bụt lên tiếng: “Thầy muốn ta nói điều gì? Thầy trò ngồi với nhau hạnh phúc, bình an như vậy không đủ hay sao?”

Có khả năng hiểu và trân quý sự có mặt của người kia là một hạnh phúc rất lớn. Đơn giản như vậy thôi. Mặc dù không nói gì, không có một âm thanh nào phát ra, nhưng hoàn toàn có giá trị hơn bất kỳ một âm thanh nào khác.