Pháp thoại theo chủ đề

Ba yếu tố làm nên chất thánh

Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 15.11.2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013

Tứ như ý túc

Như ý có nghĩa là vừa ý, là thỏa mãn ước vọng của mình. Tứ y như túc, tiếng Phạn là rddhi-pāda, còn được gọi là Tứ thần túc tức là bốn phép thần thông (the four psychic powers).

1. Dục 欲 (chanda)

Dục là muốn. Dục thần túc là sức mạnh của ý muốn, phải muốn thật nhiều mới thành công. Muốn đi xuất gia mà chỉ muốn 70% thì không thể thành công được. Ta phải muốn 100% hay 120% thì mới đi xuất gia. Dục là một sức mạnh tâm linh. Muốn ở đây không phải là chuyện xấu, không phải ta muốn danh, muốn lợi hay muốn sắc dục. Muốn là một sức mạnh, tại vì nếu cái muốn đó đủ mạnh rồi thì ta có thể buông bỏ được những cái khác. Nếu cái muốn quá yếu thì ta không buông bỏ được những hệ lụy. Ví dụ như mình đang coi ti vi, đang nghe nhạc Trịnh Công Sơn hay mình đang coi phim trên internet tại vì mình thấy buồn và trống trải và mình chìm đắm trong đó. Nhưng những cái đó rất giả tạo. Mình đang rong chơi trong thế giới internet, mình tìm cái này cái kia cho đỡ buồn tại vì trong lòng mình có một khối u sầu. Trong lòng mình có một khoảng trống mà mình không biết cách lấp nên mình tìm tới những chỗ đó để giải sầu, để bớt trống trải. Khi mở ti vi ra xem không hẳn là tại mình thích xem ti vi, khi nghe nhạc không hẳn là mình thích nghe nhạc. Nhưng tại vì cảm thấy trống trải, buồn khổ, cô đơn nên mình đi tìm chỗ để khỏa lấp.

Trong khi đó thì sự sống tràn đầy những mầu nhiệm. Cơ thể của mình đây là một mầu nhiệm lớn. Khoa sinh học đã đi khá xa nhưng vẫn chưa thấy hết được sự mầu nhiệm của cơ thể con người. Một lá cây, một bông hoa, một hành tinh hay một giọt sương chứa trong nó bao nhiêu là mầu nhiệm. Nhưng mình không tiếp xúc được, mình không thấy được hết những mầu nhiệm của sự sống. Vì trống trải, buồn khổ, sầu đau nên mình tìm vào trong thế giới của giả tạo như internet, nhạc tình sầu, v.v..

Làm thế nào để giúp cho người kia ra khỏi thế giới giả tạo đó? Mình phải làm cho người kia muốn, muốn trở về với sự sống trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm đang có trong giây phút hiện tại. Ví dụ như thay vì nghe nhạc thì mình tắt nhạc để theo dõi hơi thở. Hơi thở của tôi vô cùng mầu nhiệm. Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào và tôi thấy là tôi đang có một hình hài. Hình hài này rất mầu nhiệm, nó mang theo tất cả tổ tiên và các thế hệ tương lai. Tổ tiên đã trao cho tôi hình hài này và tôi sẽ trao nó lại cho con cháu tôi. Mình được có mặt trong sự sống mà mình không biết sống, mình không biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Mình cứ nói đời là khổ trong khi đời rất mầu nhiệm. Trong cuộc đời có chiến tranh, đói nghèo, áp bức nhưng cũng có những mầu nhiệm của sự sống như là bốn mùa rất đẹp, không khí rất trong, biển xanh rất hùng tráng. Mình phải nuôi dưỡng mình để mình có khả năng làm giảm thiểu những khổ đau trên trái đất. Và để làm được chuyện đó mình phải thực tập. Mình thực tập trở về với hơi thở, tiếp xúc với hình hài và làm hình hài lắng dịu. Mình thực tập xử lý những niềm đau nỗi khổ để có an lạc và niềm vui mà giúp đời. Đó là cái muốn, mà nếu cái muốn đó quá yếu thì mình chẳng làm gì được cả. Vì vậy thần thông đầu tiên là phải có cái muốn.

Mỗi người hãy tự hỏi: Mình có cái muốn hay không? Cái muốn của mình ít hay nhiều? Ở Làng Mai chúng ta nói: Nếu tâm muốn đi xuất gia chưa được tới 100% thì mình đừng nên xuất gia. Không ai có thể ép mình đi xuất gia. Siddharta có cái muốn rất lớn. Siddharta đã thấy những đau khổ trong cuộc đời. Siddharta đã thấy rằng làm một nhà chính trị thì không thể giúp được đời, cho nên Siddharta có cái muốn đi tìm đạo để tự chuyển hóa mình và giúp đời. Là một vị hoàng tử sống trong nhung lụa xa hoa nhưng Siddharta đã bỏ tất cả để sống một cuộc sống đơn sơ của một đạo sĩ, sống một mình trong rừng. Đó là thần thông. Thần thông này mình cũng có thể có mà không cần phải tu luyện lâu ngày.

Đang đi mà mình suy nghĩ vớ vẩn chuyện quá khứ, tương lai. Mình nói chuyện này chuyện nọ với người kia. Đó không phải là hạnh phúc. Nếu mình tiếp xúc với giáo lý đạo Bụt, thấy được phép thiền hành là mầu nhiệm thì mình ngưng lại sự suy tư, ngưng lại câu chuyện, mình để ý tới hơi thở và bước chân. Mình thấy rõ là mình đang còn sống và mình đang đặt những bước chân lên mặt đất. Đó là một phép lạ, đó là thần thông. Đi trên mặt đất, đó là đang làm phép thần thông. Thiền sư Lâm Tế nói đó là “địa hành thần thong” 地 行  神 通 (the miracle of walking on earth). Tất cả chúng ta đều có thể làm được phép địa hành thần thông. Ta đừng tưởng chỉ có tiên mới làm được phép lạ. Địa là đất, hành là đi, địa hành là đi trên mặt đất. Ta không cần đi trên lửa hay trên mây, ta chỉ cần đi trên đất thì đã là thần thông rồi. Mỗi bước có an lạc, có hạnh phúc, có tình thương. Nhờ có niệm, định và tuệ mình có thể tạo ra một thần thông.

Mình đừng nên mặc cảm là mình không biết làm phép lạ. Mình có thể làm được phép lạ. Người kia đang ở trong trạng thái buồn khổ, chán đời. Mình tới ngồi với người đó, mình mỉm cười và nói một vài câu giúp cho người ra khỏi địa ngục. Nhiều thiền sinh tới đây trong trạng thái buồn khổ, chán nản. Một thầy hay một sư cô ngồi đó với họ và trong vòng 10 hay 15 phút đã có thể giúp cho họ thoát ra khỏi địa ngục. Đó là thần thông. Nếu muốn, mỗi sư chú, mỗi sư cô, mỗi thầy đều có thể làm được như vậy. Giúp đời, cứu người là chuyện mình có thể làm được. Nhưng trước đó mình phải giúp mình và cứu mình.

Sư cô Chân Không là người chuyên tham vấn cho xóm Mới. Sư cô báo cáo rằng nhiều khi chỉ trong vòng 20 phút là mình có thể biến đổi được một con người, làm cho mắt họ sáng lên, họ nở được một nụ cười và họ ra về trong hạnh phúc. Đó gọi là giáo hóa thần thông tức là phép lạ của sự giáo hóa. Là người xuất gia mình làm thần thông cho mình rồi mình làm làm thần thông cho người khác. Khi cho một bài pháp thoại hay hướng dẫn một buổi pháp đàm có thể là mình đang làm phép thần thông. Mình nói pháp thoại hay hướng dẫn pháp đàm không phải là để chứng tỏ rằng mình có kiến thức về Phật pháp, mà là mình đang làm phép thần thông, tức là mình đang giúp cho người ta thoát ra khỏi nỗi khổ niềm đau của họ.

2. Tâm 心 (citta)

Tâm của mình rất mầu nhiệm. Tâm của mình bao gồm cả vũ trụ. Tất cả đều do tâm mà ra. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm mà ra. Mình đừng cho rằng tại người kia làm mình khổ hay là tại vì không có người kia nên mình mới khổ. Hạnh phúc hay khổ đau là do mình mà ra.

Theo đạo Bụt thì có mười cảnh giới: thiên, người, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Bụt. Mười cảnh giới này đều có trong tâm mình. Muốn đi tìm Bụt thì mình đi tìm trong tâm mình mà muốn đi tìm địa ngục thì mình cũng đi tìm trong tâm mình. Địa ngục đi lên từ tâm mình chứ không phải là mình rớt xuống địa ngục. Mình phải chọn lựa, cũng như một đài truyền hình có mười kênh mình muốn kinh nào thì bấm kênh đó. Mình có phép thần thông để chọn lựa, tại sao mình lại chịu chết trong một cảnh giới trong khi mình có thể thoát ra khỏi nơi đó rất mau.

3. Cần 勤 (virya)

Cần là sự siêng năng, là năng lượng của sự tinh tấn. Chúng ta biết Tứ chánh cần là một phương pháp rất hay. Ở Làng Mai Tứ chánh cần là phương pháp tưới tẩm hạt giống. Chúng ta chỉ tưới tẩm hạt giống tốt mà không tưới tẩm hạt giống không tốt. Ta tưới tẩm những hạt giống tốt nơi ta và đừng tưới tẩm những hạt giống không tốt nơi ta thì tự nhiên hạnh phúc có mặt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Ta chỉ tưới tẩm hạt giống tốt nơi người kia và đừng tưới tẩm những hạt giống không tốt nơi người kia. Đó là sự tưới tẩm có chọn lọc (selective watering). Người kia có hạt giống thiên đường, hạnh phúc; mình tưới tẩm hạt giống thiên đường, hạnh phúc thì người đó sẽ có hạnh phúc. Người kia có hạt giống xuất gia, mình tưới tẩm hạt giống xuất gia thì người kia sẽ đi xuất gia. Người kia có hạt giống Phật, mình tưới tẩm hạt giống Phật thì người đó sẽ thành Phật.

Cần là bốn phương pháp thực tập: đừng tưới tẩm những hạt giống xấu trong mình và trong người, nếu những hạt giống xấu đã lên rồi thì tìm cách mời nó xuống và mời những hạt giống khác lên. Với phương pháp tưới tẩm chọn lọc mình có thể làm cho sự sống hạnh phúc theo như ý mình. Mình biết cách xử lý nỗi khổ niềm đau để không bị nó làm cho tràn ngập. Mình cũng biết cách giúp cho người không bị tràn ngập bởi nỗi khổ niềm đau của họ. Mình kéo họ ra khỏi ngục tù của quá khứ và sự lo lắng cho tương lai, cho họ thấy được trời xanh, mây trắng và chim hót, thông reo, hoa nở để người đó có thể có cơ duyên được trị liệu và nuôi dưỡng. Đó là mình có thần thông, mình có thể làm được, mình đừng nên có mặc cảm.

4. Quán 觀 (mimamsa)

Quán là năng lượng giúp cho mình nhìn sâu và nghe thật sâu để hiểu. Khi có cái hiểu thì mình sẽ phá tung được mạng lưới của sự khổ đau, sự u mê. Ví dụ như mình quán về vô thường, vô ngã, về cái giận, về cái chết, về cái sống. Nhờ sự quán chiếu mà mình vượt thoát khỏi ý niệm có hay không, sống hay chết và mình có tự do, hạnh phúc.

Chúng ta không phải là thần linh hay Thượng đế nhưng ta có quyền năng trong tay của mình, ta có thể làm phép lạ. Ta có thần túc là dục như ý túc, tâm như ý túc, cần như ý túc và quán như ý túc. Và chúng ta phải thực tập, cũng như muốn chơi tennis hay chơi đánh bóng bàn thì chúng ta cũng phải tập.

Niệm, định, tuệ – ba yếu tố làm nên chất thánh

Chúng ta đã học về Bốn thần túc (the four psychic powers), và chúng ta biết rằng dù còn đang là phàm phu nhưng mình cũng làm được phép lạ.

Phàm phu là những con người chưa có chất thánh. Phàm phu tục tử là những người đời không có chất thánh. Nhưng theo đạo Bụt thì chất thánh được làm bằng chất phàm cũng như hoa sen được làm bằng bùn. Nếu biết cách chúng ta có thể sử dụng chất phàm để làm thành chất thánh.

Trong kinh có danh từ thánh đệ tử tức là những đệ tử có chất thánh. Ai biết tu chánh niệm, chánh định đều có chất thánh trong người, tại vì năng lượng niệm-định-tuệ là năng lượng của những bậc thánh. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của niệm-định-tuệ, nếu biết tiếp xúc với hạt giống đó và làm chúng biểu hiện ra thành năng lượng thì ta có chất thánh trong con người của mình. Có chất thánh thì chúng ta có thể làm phép lạ, chúng ta không cần phải có mặc cảm. Đức giáo hoàng được gọi là “His Holiness“ tức là người ta nói Đức giáo hoàng có chất thánh. Chúng ta gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là “His Holiness“, có nghĩa là Đức Đạt Lai Lạt Ma có chất thánh.

Chúng ta cũng có chất thánh. Mỗi khi thở vào có chánh niệm là mình đã có chất thánh. Nếu sư cô, sư chú thở vào có chánh niệm thì sư cô, sư chú là “your Holiness“. Có chánh niệm, chánh định thì bước đi từng bước là địa hành thần thông. Nếu mỗi bước chân được soi sáng bởi chánh niệm và chánh định, ta sẽ thấy được những mầu nhiệm của đất trời và ta thấy đời sống thật là quí giá. Ta bước đi như một vị bồ tát, một vị Phật ngay trên trái đất này. Mỗi bước chân đó có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa. Chúng ta ai cũng có thể làm được chuyện đó. Ta có những cơ hội và những điều kiện để làm, nếu ta không làm thì rất uổng.

Luân lý học Phật giáo được căn cứ trên sự thực tập niệm, định và tuệ. Chúng ta, mỗi người đều có hạt giống của niệm, định và tuệ. Ta phải tin rằng chất thánh có trong ta, ta không cần phải mặc cảm.

Niệm 念  (smŗti) là trái tim của sự thực tập tại Làng Mai. Chúng ta biết cách đi như thế nào để chế tác năng lượng của niệm. Có năng lượng của niệm trong mình thì mình có chất thánh, mà có chất thánh thì mình bớt đau khổ ngay. Trong Cơ đốc giáo cho rằng khi có Chúa thánh thần (holy spirit) trong mình thì tự nhiên có sự nuôi dưỡng, trị liệu. Đó là năng lượng chánh niệm.

Trong niệm có năng lượng thứ hai là định. Khi ta chú tâm vào cái gì đó thì có sự tập trung tư tưởng. Sự tập trung tâm ý gọi là định 定 (samādhi). Định làm cho ta chỉ chú ý tới một hướng gọi là tâm nhất cảnh, tức là tâm ta chỉ chú vào một đối tượng. Khi có niệm và định thì ta có tuệ 慧  (prajña), nghĩa là ta có cái thấy. Cái thấy này làm thay đổi tất cả, giúp cho ta chuyển hóa rất mau.

Niệm, định và tuệ thường đi với nhau. Có được niệm thì có cơ hội có được tuệ. Có khi cả ba niệm, định và tuệ tới như một chớp nhoáng. Ví dụ như ta bước một bước có chánh niệm, ta chú tâm vào bước chân thì tự nhiên ta có mặt bây giờ và ở đây và ta tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ đang có mặt. Ta biết ta đang còn sống, ta đang có mặt. Ta là một thực thể mầu nhiệm và thế giới chung quanh ta như cây cỏ, suối đồi cũng là một thực thể mầu nhiệm. Tại sao ta lại muốn tìm hạnh phúc ở một nơi khác trong tương lai? Cái thấy đó tới ngay và làm cho ta hạnh phúc liền lập tức. Đó là tuệ, là giác ngộ, tuy chưa phải là sự giác ngộ hoàn toàn nhưng đó đã là giác ngộ. Giác ngộ lớn hay đại giác (maha-boddhi) được làm bằng những giác ngộ nhỏ hay tiểu giác (hina-boddhi), mà giác ngộ nhỏ được làm bằng hơi thở, bằng bước chân. Không có tiểu giác thì làm sao có đại giác?

Đạo đức học Phật giáo là làm sao cho bớt khổ, có được niềm vui, căn cứ trên niệm, định và tuệ mà không hẳn căn cứ trên niềm tin về luân hồi, nghiệp và quả báo. Những ý niệm về luân hồi, nghiệp và quá báo đã có sẵn trước khi Phật giáo ra đời. Bụt cũng chấp nhận những ý niệm đó nhưng Ngài không để nguyên mà đã sửa nó lại rất hay. Ý niệm về luân hồi, nghiệp và quả báo của Áo Nghĩa Thư và Phạm Thư trở thành một dụng cụ rất hay ở trong tay của Bụt. Niệm, định và tuệ mới là yếu tố đặc biệt của Phật pháp, nó có thể mở ra tất cả các cánh cửa của hạnh phúc và chuyển hóa được tất cả khổ đau của con người. Niệm-định-tuệ có công năng giải phóng con người, kéo con người ra khỏi ngục tù của khổ đau.