Pháp thoại theo chủ đề

Lượng Cả Bao Dung (nhẫn ba la mật)

Chịu và Đựng

Paramita dịch tiếng hán việt là Độ, có nghĩa là đi sang bờ bên kia, vượt bờ. Ta biết rằng ta có thể thực tập được chuyện vượt bờ bất cứ lúc nào trong ngày. Khi giận hờn thì ta đang ở bờ bên này, bờ của sự giận hờn, và ta muốn vượt qua bờ bên kia, bờ của sự thương yêu và tha thứ. Muốn qua bờ bên kia, ta phải sử dụng một chiếc bè nào đó mà ta đã tiếp nhận được từ Bụt, từ thầy, từ tăng thân. Đứng ở bờ bên kia nỗi buồn và cơn giận sẽ không còn nữa. Chúng ta biết rằng bờ bên kia không phải là chuyện xa vời. Bờ bên kia là cái có thể xẩy ra ngay trong giờ phút hiện tại.

Chữ nhẫn có nghĩa là chịu đựng. Danh từ “chịu đựng” là một danh từ rất hay. Nó dịch được chữ ksanti. Nó hay hơn chữ nhẫn nhục. Chữ nhẫn viết theo tiếng Hán có chữ tâm nằm dưới tức là tâm thức của ta, và trên chữ tâm có chữ nhận. Chữ nhận có nghĩa là mũi nhọn, giống như có một cây dao hay cái dùi có mũi nhọn đang làm chúng ta đau nhức. Tâm chúng ta phải làm thế nào để có thể ôm được, chấp nhận được sự nhức nhối đó. Đó là nghĩa của chữ nhẫn theo cảm nghĩ của người Trung Quốc. Trong khi đó tiếng Việt là chịu đựng. Chịu tức là chấp nhận. Chịu không, anh chịu không?” “Tôi chịu.” Cho dù có khó khăn, vất vả, cho dù có lao nhọc, dai dẳng, tôi vẫn gánh chịu được. Chữ chịu nầy là có nghĩa là sự chấp nhận (acceptance). Chúng ta biết rằng chấp nhận là một sự thực tập rất lớn. Khi chưa chấp nhận được chúng ta mới đau khổ nhiều. Giờ phút mà ta chấp nhận được thì ta đã có sự an bình trong lòng rồi. Một người bị ung thư, lần đầu tiên được tin mình đang có bệnh ung thư, không thể tin được rằng mình có thể có ung thư. “Oh, no!”, người ấy nói như vậy. Người đó đau khổ và chống đối. Trách trời, trách đất, giận mình, giận người, giận tất cả. Và người đó phải vật lộn rất lâu với sự thật. Sự đau khổ lên tới cùng cực, kéo dài một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, mười ngày, hai mươi ngày. Thời gian đó là thời gian người ấy học tập để chấp nhận sự thật. Khi chấp nhận rằng tôi có ung thư, đây là một sự thật không thể nào chối cãi được, thì lúc đó ở trong tâm sẽ phát sinh một sự bình an. Chúng ta phần lớn chưa có, hoặc không có ung thư, nhưng chúng ta cũng có thể đã có cái kinh nghiệm tương tự. Khi có một sự kiện bất như ý xảy ra trong đời sống, chúng ta thấy rằng chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta nghĩ: làm sao sống được với tình trạng này, với cái gì đang xảy ra? Tại sao ta như thế này mà lại phải gặp một hoàn cảnh như thế kia? Tại sao ta như thế mà người ta lại đối xử với ta như thế? Ta phản kháng, ta chống đối, ta không chấp nhận. Nhưng sự thật là như vậy. Cuối cùng ta cũng phải học chấp nhận. Đó là nghĩa chữ chịu của tiếng Việt. Chữ thứ hai là đựng. “Đựng” có nghĩa là chứa đựng. Chúng ta có những cái chén có thể đựng nước. Chén nhỏ thì đựng được ít nước. Chén lớn thì đựng được nhiều nước. Nếu niềm đau nỗi khổ của ta lớn thì ta phải có một cái tâm khá lớn thì mới đựng được nó. Nếu không nó sẽ tràn ngập và làm ta khổ vô cùng. Tâm càng lớn thì nỗi khổ đau càng nhỏ, khi mà tâm đạt tới cái mức rất lớn (cực quảng, thậm đại) thì cái đau khổ đó tuy có mặt nhưng không đủ sức làm cho ta đau khổ. Đây là một điều rất lạ lùng, nhưng rất dễ hiểu. Trong kinh Tăng Chi Bộ, Anguttara-Nikaya, Bụt có dùng một ví dụ rất hay. Bụt nói nếu trong một bát nước mà người ta thả vào một nắm muối thì nước ở trong bát đó uống không được. Nhưng nếu có một người đứng trên thuyền mà đổ một bát muối xuống dưới sông thì người ta vẫn có thể uống nước sông được như thường. Người ta uống nước sông được, không phải tại vì trong ấy không có muối, nhưng tại vì lòng sông quá lớn. Cho nên so với sông thì chút muối ấy không có nghĩa lý gì cả. Cũng vậy, khi ta có một nỗi khổ niềm đau, mà ta có một cái tâm quảng đại, thì nỗi khổ niềm đau đó không đủ sức làm cho ta đau khổ. Nó có đó chứ không phải là không có, nhưng vì ta có một sức chịu đựng rất lớn cho nên nỗi khổ niềm đau đó không có tác dụng gì trên cái tâm của chúng ta. Đó là nghĩa của chữ đựng.

Vì vậy cho nên Nhẫn Nhục Ba La Mật không phải là đè nén xuống, đè nén niềm đau, nỗi giận của mình xuống. Rất đông người học Phật không hiểu được chữ nhẫn, và nghĩ rằng nhẫn tức là ráng cắn răng đè niềm đau nỗi khổ xuống. Khi một dòng sông vĩ đại nhận một nắm muối nhỏ, nó đâu cần phải nghiến răng để đè niềm đau đó xuống đâu. Nó vẫn cười như thường, tại vì niềm đau nỗi khổ đó, nắm muối đó không có nghĩa lý gì hết. Vì vậy nhẫn nhục không có nghĩa là đè nén hay ức chế. Phương pháp cắn răng chịu đựng và cố nuốt đó rất nguy hiểm. Chúng ta đã từng thấy có nhiều người khi bị la mắng hay dày vò thì cố không có phản ứng, cố làm ra vẻ tươi cười. Chúng ta thấy được thiện chí của người đó. Nhưng mà sức người có hạn. Một tuần, hai tuần, ba tuần, bốn tuần…, cho đến một ngày nào đó, những cái mà chúng ta đè nén áp bức đó sẽ vùng dậy và giống như một dòng sông vỡ bờ, chúng sẽ làm ngập lụt cả vùng. Rất nguy hiểm. Chúng ta đã từng thấy, chúng ta đã từng chứng kiến cảnh đó. Vì vậy cho nên nhẫn nhục quyết không phải là sự đè nén, không phải là sự ức chế. Nhẫn nhục tức là mở lòng ra cho tâm càng ngày càng lớn. Nếu chúng ta đè nén chúng xuống, tiếng Pháp gọi là refouler hay là supprimer, thì đến một mức nào đó chúng sẽ trở thành quá nặng như một vùng năng lượng đen tối bị cất giữ lâu ngày, đến một lúc nào đó sẽ bùng dậy. Chúng ta thấy có một cái gì giống như một cơn bão và chúng ta không hiểu tại sao người đó hôm nay lại hành xử bạo động như vậy. Chúng ta không ngờ rằng người đó có thể nói những điều như vậy và làm những điều như vậy. Một người thường thường mình thấy là không có gì bạo động, không có gì hung hãn mà ngày hôm ấy trở thành một người rất bạo động, rất hung hãn. Ta không thể nào nhận ra được người đó. Đó là kết quả của sự ức chế. Bụt không dạy như vậy. Bụt không dạy chúng ta ức chế và đè nén. Bụt dạy ôm ấp niềm đau nỗi khổ đó và làm cho tâm của chúng ta lớn lên bằng phương pháp quán chiếu.

Đựng nghĩa là chứa đựng. Muốn chứa đựng thì chúng ta phải có một dụng cụ, một đồ đựng. Đồ đựng đó nhỏ thì mình đựng được ít. Đồ đựng đó lớn thì mình đựng được nhiều. Dung tích của đồ đựng đó, chúng ta gọi là lượng. Lượng này là lượng của cái gì? Không phải là lượng của một cái chén, cái ly hay một cái lu, cái chậu, mà là lượng của tâm, tại vì chúng ta đang nói tới nhẫn nhục. Vì vậy cho nên lượng của tâm gọi là tâm lượng. Chúng ta khổ đau nhiều hay ít là do cái tâm lượng của chúng ta lớn hay nhỏ. Và tu tập có nghĩa là làm cho cái lượng của tâm càng ngày càng lớn. Lượng tâm càng lớn thì càng ít đau khổ, càng nhiều hạnh phúc.

Lượng Cả Bao Dung

Khi nói chuyện với Từ Hải lần đầu, Thúy Kiều đã thấy được nơi Từ Hải một con người rất tốt, một lòng dạ khá lớn. Thúy Kiều nói: “Anh là người có lượng lớn!”

“Nàng rằng: lượng cả bao dung
Tấn dương được thấy mây rồng có phen.”

Lượng cả bao dung. Quí vị trẻ có thể không biết chữ cả là gì. Cả có nghĩa là lớn. Chữ cả tương đương với chữ đại. Lượng cả tức là đại lượng. Cả cười tức là cười lớn. Anh cả tức là anh lớn. Lượng cả bao dung tức là lượng của Ngài lớn quá cho nên nó bao dung được hết tất cả, dù người kia có lỗi lầm, dù người kia có hư hỏng, dù người kia có khó khăn, dù người kia có ác độc, Ngài vẫn có thể bao dung được, Ngài vẫn có thể thương được. Ngài thấy người đó cần được cứu giúp hơn là cần bị trừng phạt. Khi mình muốn trừng phạt là mình đang có đau khổ. Mình có đau khổ trong lòng cho nên mình mới muốn trừng phạt người kia, để cho người kia khổ, để cho đã cái khổ của mình, cái giận của mình. Khi tâm lượng của mình lớn rồi thì dù người kia không dễ thương với mình, ác độc với mình, tệ lậu với mình thì mình cũng không giận, trái lại mình biết thương xót. Do đó cho nên thay vì có ý định muốn báo thù hay muốn trừng phạt, mình lại có những biện pháp giúp người kia để người kia đừng làm như vậy nữa, tại vì làm như vậy thì chính người đó khổ và người đó làm cho những người khác tiếp tục khổ. Cái đó gọi là lượng cả, đại lượng. Những người lớn như là cha, mẹ, thầy, anh, chị, tỉnh trưởng, quận trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, hay vua… đều là những người cần có cái lượng lớn. Tại vì nếu không có cái lượng lớn thì mình không xứng đáng làm anh của người kia, không xứng đáng làm chị của người kia, không xứng đáng làm thầy của người kia, không xứng đáng làm cha, làm mẹ của người kia. Cha mẹ mà giận con, mà từ con, mà oán hờn con cũng tại vì cha mẹ chưa có lượng lớn.

Trong truyện Kiều có một câu khác của Nguyễn Du nói về lượng: “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Dung tức là dung chứa, là đựng. Nếu mình muốn là người trên thì mình phải có lượng. Người trên là ai? Người trên là anh, là chị, là thầy, là cha, là mẹ, là vua. Người trên thì phải có lượng, lượng lớn, cái đó gọi là lượng trên. Có lượng lớn thì mình mới có thể dung được kẻ dưới. Dung tức là ôm trùm được mà không có nhu yếu loại trừ, đá ra khỏi, đạp ra khỏi. Nhưng mà lượng lớn hay không là do ta thực tập chứ không phải mình muốn cái lượng của mình lớn mà tự nhiên nó lớn ra được. Ví dụ ở Làng Mai có một thiền sinh mới tới. Thiền sinh đó cần tu học lắm, nhưng thiền sinh đó không dễ chịu. Vậy thì cái lượng của tăng thân như thế nào? Người đó ở được hay không ở được một phần là tùy cái lượng của tăng thân. Cái sự khó chịu đó của người kia chúng ta đo được ví dụ một gang hoặc một gang rưỡi. Nếu cái lượng của tăng thân nhỏ hơn một gang thì tăng thân không bao dung được người đó. Tăng thân chỉ bao dung được một phần sự khó chịu của người đó thôi và người này sẽ không được ở trong chúng. Hội đồng sẽ nói: “Không!”. Hội đồng đại diện cho tất cả tăng thân. Nếu tăng thân giỏi, có hạnh phúc nhiều thì tăng thân dễ chấp nhận được những người khó chịu; nếu tăng thân không được hạnh phúc lắm, tăng thân vẫn còn những khó khăn trong nội bộ thì rất khó cho tăng thân khi nhận thêm một người khó chịu, nhất là người đó khó chịu quá. Cho nên khi hội đồng quyết định nói: “Không!”, đó không có nghĩa là hội đồng không có sự hiểu biết, không có sự thương yêu. Hội đồng không ác độc, hội đồng có hiểu biết, có thương yêu, nhưng tại tăng thân biết rằng cái lượng của mình chưa đủ lớn để chấp nhận người này. Tại vì chấp nhận người này thì tăng thân sẽ rối loạn. Tăng thân cũng cần thực tập như cá nhân, nghĩa là làm thế nào để cho cái lượng của mình càng ngày càng lớn. Nếu cái lượng của tăng thân lớn hơn, hai gang, ba gang mà người kia vẫn không được ở, thì trong trường hợp này chúng ta phải hiểu như thế nào? Chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu muốn đi tới một giải pháp êm đẹp cho cả hai bên thì phải có sự cố gắng của cả hai bên. Tăng thân phải cố gắng làm cho cái lượng của tăng thân lớn lên một chút, tăng thân phải hoan hỷ hơn, phải hiểu biết hơn, phải thấy được nỗi khổ của người kia hơn. Nghĩa là cái lượng của tăng thân phải lớn ra thêm. Người kia cũng phải cố gắng thực tập để làm giảm bớt sự khó chịu đi. Nếu người đó thực tập được, làm cho cái mức khó chịu của mình xuống dưới cái mức chịu đựng của tăng thân thì người đó sẽ được chấp nhận. Vấn đề là như vậy. Thành ra cần phải có sự cố gắng của cả hai bên. Điều này có thể được áp dụng ở tất cả trường hợp: cha với con, chủ hãng với người làm công, chị với em, anh với em. Vấn đề là vấn đề cái lượng của mình. Trong câu “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên” của cụ Nguyễn Du, ta thấy cụ Nguyễn Du đang nói về những người có lòng lớn, những người lớn, tức là những người anh, người chị. Mình là người lớn thì cái tâm của mình phải lớn. Nếu mình là anh mà cái tâm của mình không lớn hơn cái tâm của em mình thì mình chưa phải đích thực là anh. Nếu mình là chị mà cái tâm của mình chưa lớn bằng tâm em của mình thì mình chưa đích thực là chị. Nội dung câu này là như thế. Còn nếu ta nói: “Tao không chịu đựng được mầy nữa, tao hết chịu đựng được mầy rồi, mầy không phải là em tao. Đi đâu thì đi!” Cái đó là cái lượng của mình đang còn nhỏ. Mà nếu nó còn nhỏ là tại vì mình không chịu thực tập, không chịu quán chiếu để hiểu biết, để thương yêu. Tại vì thương yêu chỉ có mặt khi mà mình đựng được, khi mình chịu đựng được. Trong truyền thống thiền môn ta hay nói rằng một ông thầy giỏi, một ông thầy tốt, là một ông thầy vừa có ân vừa có uy. Cố nhiên làm thầy thì phải có uy quyền. Uy quyền này là uy quyền tinh thần. Nếu không có uy quyền tinh thần thì học trò không thể theo học được. Mà uy quyền đó là do sự thực tập mà có chứ không phải tự nhiên mà có. Nếu vị ấy không thực tập, nếu vị ấy ba nghiệp không được chăm sóc, nếu vị ấy không hành xử theo giới luật và uy nghi thì vị ấy không thể nào làm thầy người ta được, tại vì vị ấy không có uy. Không phải là do nạt nộ người ta mà mình có uy. Uy không có nghĩa là lấy tư cách chủ chùa để dọa nạt người ta, làm người ta sợ và phải vâng theo mình. Sử dụng uy quyền theo kiểu ấy thì đó là chỗ thấp nhất của sự thực tập. Người ta không cãi lại mình, người ta chịu nhịn mình là tại vì người ta sợ mình đuổi. Cái đó không phải là cái uy. Cái uy của một ông thầy có được là do ngôn ngữ, hành động và tư tưởng đều đúng theo chánh pháp. Được đặt trong giới luật và uy nghi thì tự nhiên vị thầy đó có uy và có uy thì học trò sẽ kính nể. Và uy đi đôi với ân. Ân tức là tình thương, ân là lượng cả bao dung. Vị thầy giỏi là vị thầy có lượng cả bao dung. Cái lượng cả bao dung đó đi đôi với cái uy của một vị đạo sư. Vì vậy cho nên chúng ta phải thực tập cả hai cái. Hai cái có dính líu tới nhau.

Trong đời sống chúng ta có thể gặp nhiều điều bất như ý. Ta có thể đau khổ cùng cực. Có lúc ta có thể nghĩ rằng thà chết mà khỏe hơn là sống. Nhẫn Nhục Ba La Mật là phương pháp thực tập để chúng ta có thể đối diện với tất cả những khó khăn, những khổ đau, những trắc trở, những tai nạn có thể xảy ra trong đời chúng ta, dù tai nạn đó là tai nạn lớn nhất. Phương pháp thực tập đó không có gì khác ngoài việc học tháo gỡ để làm cho tâm ta càng ngày càng lớn, để cho cái tâm lượng của chúng ta càng ngày càng lớn. Mà cái lượng của tâm thì chỉ có thể được làm bằng chất liệu của hiểu biết và của thương yêu. Trước hết chúng ta hãy nói về bệnh. Bệnh là một cái mà tất cả chúng ta đều phải chấp nhận. Chúng ta người nào cũng có một chút bệnh, ít hay nhiều. Chúng ta phải có cái lượng khá lớn để có thể chấp nhận được cái bệnh của chúng ta. Cố nhiên bệnh lớn thì phải thực tập nhiều. Và bốn cái bệnh lớn nhất là bệnh chết, bệnh già, bệnh sinh và bệnh bệnh.

Bệnh Chết

Trước hết chúng ta hãy quán chiếu về bệnh chết. Chết là một cái bệnh. Tất cả chúng ta đều đang mang cái bệnh đó ở trong người, tại vì chúng ta ai mà không phải chết. Người thì chết sớm, người thì chết trễ. Anh nói rằng anh có ung thư, anh sẽ chết trong vòng sáu tháng. Anh nói rằng tôi không có ung thư, tôi không chết. Cái đó không đúng. Tôi cũng đang chết như anh. Tôi chỉ chết trễ hơn anh thôi. Anh và tôi cùng mang chung một thứ bệnh, đó là bệnh chết. Có nhiều người tìm cách để quên rằng mình có cái bệnh chết đó. Các nhà triết học và đạo học đều đặt vấn đề: Tại sao ta sinh ra? Để rồi ta phải chết?

Có người đi tìm phép trường sinh bất tử, đi tu đạo Lão, tịch cốc, luyện đơn. Có người đi tu đạo Bụt. Có người đi uống rượu, tại vì uống rượu thì có thể quên được trong chốc lát sự thật là anh thế nào cũng phải chết. Cho đến những nhà nông dân nghèo khổ, đầu tắt mặt tối, cả ngày lo chuyện cơm áo nhà cửa, mà thỉnh thoảng cũng có một vài phút rỗi rảnh nghĩ đến thân phận của con người: tại sao mình phải chết. Ông láng giềng của tôi, ông Gerlin, ngày xưa nhà ở gần am Phương Khê, là người gốc Ý. Ông nói tiếng Pháp rất ít và ưa pha vào tiếng Ý. Ông không có học thức. Ông trồng nho. Ông phát cỏ. Chính ông đã tới dạy cho tôi cái phương pháp phát cỏ. Ông cũng biết điều hợp những cử động của hai tay với hơi thở, tại vì kinh nghiệm cho ông biết rằng làm như vậy thì không mệt. Một hôm ông ngưng phát cỏ và than thở với tôi là ông rất phẫn uất đối với sự thật đó của cuộc đời: tại sao một mai này mình phải chết.

Thiền sư Tiên Nhai của Nhật Bổn một hôm viết xuống một chữ Tử rất lớn. Rồi thầy viết thêm một hàng nhỏ: “Nếu người nào thấy được bản chất của cái này thì mới là bậc đại trượng phu”. Tất cả chúng ta ai cũng đều có cái bệnh chết. Đạo Lão, đạo Tiên cũng đi tìm cách chữa bịnh này, đạo Bụt cũng đi tìm cách chữa bệnh này. Chúng ta phải chịu đựng nó bởi vì nỗi sợ chết là cái ung nhọt do bệnh làm ra, nó luôn luôn nằm dưới đáy tâm thức. Sở dĩ chúng ta cười được, nói được, chạy chơi được là tại vì ta tạm quên nó thôi, chứ sự thật nó sờ sờ ra đó, và một ngày nào đó thì mình phải chết. Muốn để cho cái sợ chết không làm mình khổ thì mình phải thực tập. Mình phải có cái lượng. Đạo Bụt dạy mình nhiều phương pháp. Đạo Bụt không dạy mình phải tịch cốc luyện đơn như đạo Lão. Đạo Bụt dạy mình trong đời sống hằng ngày, trong những giây phút của đời sống hằng ngày, sống làm sao cho sâu sắc để đồng thời tiếp xúc được với bản môn. Chỉ có tiếp xúc được với bản môn thì ta mới có thể chữa được bịnh chết. Muốn tiếp xúc được với bản môn thì ta phải quán chiếu. Khi tiếp xúc được với bản môn rồi thì ta thấy sống và chết chỉ là sóng, trong khi ta là nước. Lúc đó cái lượng của mình rất lớn. Sống thì sống chết thì chết. Sống một triệu lần cũng được. Chết một triệu lần cũng được. Không sợ nữa. Cỡi trên sóng sinh tử mà đi. Đó là người đã đạt được tới sự siêu thoát sinh tử. Đó là cái công phu làm cho lượng mình lớn. Không những ta gọi nó là đại lượng mà còn gọi nó là vô lượng. Vô lượng thọ, tức là tên của Bụt A Di Đà. Vô lượng thọ là gì? Là sống hoài sống mãi. Làm sao có thể có được chuyện này? Có ai sống hoài đâu? Ai có thể tự xưng mình là vô lượng thọ? Không ai tự mình xưng mình là vô lượng thọ cả. Nhưng đối với người đã tiếp xúc được với bản môn thì người đó có vô lượng thọ. Chúng ta cũng vậy. Sư chú, sư cô tuy còn trẻ, nhưng nếu tiếp xúc được với bản môn thì sư chú và sư cô đã là một bậc vô lượng thọ.

Bệnh Sinh

Sinh là một cái bệnh. Điều này mới nghe thì thấy lạ lùng. Tại vì sinh, la naissance, thường được người ta cho là một hiện tượng rất vui, rất hy hữu. Khi sinh con, người ta làm tiệc ăn mừng và tới ngày sinh nhật người ta thường làm một cái bánh và đốt lên bao nhiêu ngọn nến. Người ta ăn mừng sự sống. Không ai ăn mừng sự chết cả. Mình muốn thoát ly khỏi sự chết, chứ mình đâu có muốn thoát ly khỏi sự sống. Vì vậy cho nên giữa hai cái sinh và tử, mình chỉ muốn chọn một cái. Chọn sinh thôi, còn tử thì bỏ ra ngoài. Nhưng quán sát lại ta sẽ thấy có những người đã từng trải qua rất nhiều khổ đau. Niềm vui rất ít, mà nỗi khổ thì vô lượng. Có những người sống ngay trong thế kỷ này mà mỗi ngày đã tìm cách tự tử ba, bốn lần, tại vì họ chịu đựng không nổi sự sống, họ không có Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chúng ta đã từng đọc hồi ký của những người trong tù, của những người gian nan, vào sinh ra tử. Chúng ta hiểu được tại sao có những người cảm thấy rất mệt mỏi với sự sống. Ngay trong giới những người còn trẻ cũng có người muốn chết, muốn tìm giải thoát trong cái chết. Nhưng đức Thế Tôn dạy rằng chết không phải là giải pháp. Tại vì sau khi chết rồi, anh lại phải sinh ra trở lại. Con đường tự tử là con đường dại dột. Anh nghĩ rằng chết là để chấm dứt, nhưng theo tuệ giác của tôi thì chết không phải là chấm dứt mà là một khúc quanh để chuyển sang một giai đoạn mới. Chết là để sinh ra trở lại. Điều này không phải chỉ đúng trong giờ phút lâm chung mà đúng ở trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, anh luôn luôn chết để sinh trở lại. Nếu thực tập thì anh sẽ sinh vào một cõi nhẹ nhàng hơn, nếu anh không thực tập thì anh sẽ sinh vào địa ngục, ngay trong giờ phút hiện tại. Trong một ngày mình có thể sinh ra và chết đi rất nhiều lần, và cõi mình sinh ra tùy thuộc ở cách mình chết. Vì vậy cho nên ngày xưa, và cả bây giờ cũng vậy, có rất nhiều người sợ sinh, tại vì sinh ra là phải chịu đựng những cái mà mình đã chịu đựng trong suốt cuộc đời mình. Giải thoát tử rồi lại còn muốn giải thoát sinh nữa. Nếu không giải thoát sinh thì ta còn phải chết hoài, chết trăm lần, ngàn lần, vạn lần. Ở địa ngục, người ta nói rằng mỗi ngày người ta phải chết cả triệu lần. Đúng như vậy. Trong địa ngục, giây phút nào ta cũng đau khổ, vì vậy cho nên giây phút nào ta cũng muốn chết. Nhưng chết đâu có phải là yên, là hết. Chết là để sinh ra lại. Cho nên giải thoát không phải là giải thoát tử, mà là giải thoát sinh tử. Mục tiêu đó trong đạo Bụt gọi là vô sinh. Cửa vô sinh mở rồi. Vì vậy tìm cách giải thoát ra khỏi cái chết, mà không tìm cách giải thoát ra khỏi cái sinh thì đó là một điều mơ ước viển vông. Làm sao có cái sinh mà không có cái chết. Sự thật rất đơn giản là có sinh thì phải có tử, có ngày thì phải có đêm, có trái thì phải có phải, có trên thì phải có dưới. Tại sao anh muốn có một cái mà không muốn có cái kia? Anh muốn có phải mà không muốn có trái thì làm được, làm sao có thể có trái mà không có phải? Nếu anh chấp nhận sinh thì anh phải chấp nhận tử. Chúng ta đã hiểu rằng tại sao ở trong kinh điển có câu giải thoát sinh tử. Nếu thấy được điều đó, quí vị mới bắt đầu hiểu được mười hai nhân duyên trong đạo Bụt. Người ta tu đạo Lão để trốn thoát cái tử. Người ta tu đạo Bụt để giải thoát cả sinh lẫn tử. Cái khác là ở chỗ đó. Giả dụ có người đau khổ tới mức cùng cực, trong đời không có điều gì vui hết, đời không đáng sống. Như Thúy Kiều có lúc nói: “Đã không biết sống là vui, tấm thân nào biết thiệt thòi là thương”. “Sống mà đã không vui thì tại sao không chết đi?”. Có rất nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng may mắn là ta còn có thể chết được. Giả dụ có người tuyên án rằng: anh phải sống mãi mãi, hoài hoài, không bao giờ được chết. Đó là một cái án ghê gớm. Cái án đó nặng bằng muôn ngàn án tử hình. Lâu nay anh có tự do muốn chết thì chết, nhưng bấy giờ vì có bản án đó rồi nên anh bắt buộc phải sống hoài. Có những lúc anh mệt quá chừng, mệt tới mức nghĩ rằng chỉ có cái chết mới giúp anh được nghỉ ngơi. Thành ra trường sinh bất tử có thể không phải là cái mà chúng ta đi tìm. Cái chúng ta đi tìm không phải là trường sinh bất tử. Cái chúng ta đi tìm là giải thoát sinh tử. Tức là ta có khả năng coi sinh và tử nhẹ như một sợi tóc, một chiếc lông hồng, một sợi tơ. Chỉ có thực tập đạo Bụt và tiếp xúc với bản môn ta mới giải thoát được sinh và tử. Cho nên người ngộ đạo thì sinh ra cũng được, chết đi cũng không sao. Gọi là ra vào sinh tử. Nhưng ra vào với cái lượng của một vị bồ tát. Cỡi trên sóng sinh tử mà đi. Sinh hả, cũng được! Tử hả, cũng được! Tại vì mình có một cái thấy lớn, một tình thương bao la, một tâm lượng bao la, cho nên sinh và tử không thực sự đụng chạm tới mình. Vì vậy cho nên thiền sư Tuệ Trung đời Trần, trong bài Phóng Cuồng Ca đã thốt lên: “Cái sống và cái chết tới ép uổng ta, vây hãm ta, nhưng làm sao động tới ta được?” (Sinh tử tương bức hề, ư ngã hà thương). Đó là câu thơ của một người ngộ đạo có thể xem sinh tử nhẹ như chiếc lông hồng.

 

Bệnh Già

Già là một cái bệnh, và tất cả chúng ta đều có mang hạt giống của bệnh già. Có ai mà sẽ không già? Thế nào ta cũng sẽ phải già. Ta có chịu đựng được không? Giờ này đây sư em Tuệ Nghiêm đâu có chấp nhận được sự kiện sau này mình sẽ trở thành một sư bà móm. Nhưng thế nào một ngày mai sư bà cũng móm, không thể nào tránh thoát được. Sư cô có thể là không tin rằng chuyện đó sẽ xảy ra cho mình. Sự thật là tất cả chúng ta đều sẽ phải trở thành những ông già móm, những bà già móm. Chúng ta đều sẽ phải chống gậy để đi. Chúng ta đều sẽ không còn có hai chân khỏe để chạy. Quí vị hãy nhớ đi thiền hành mỗi ngày, nếu không thì uổng lắm đó. Đến khi hai chân run rồi thì dù ta có muốn đi thiền hành nữa cũng không đi được. Tôi cũng đang mang bệnh già và tôi đang thực tập quán chiếu rất nhiều về cái bệnh già của tôi. Ngày xưa ký ức tôi rất tốt. Đến khi về già rồi, tự nhiên có những cái tiếng, có những cái chữ mình muốn nhớ lại mà chúng không chịu nhảy lên, và dù có đi tìm tòi lục lạo trong tàng thức mình cũng khó nhớ lại. Ban đầu tôi không chấp nhận được điều đó. Tôi không chấp nhận được cái chuyện là mình đang già. Có một lúc, vào hai ba giờ khuya, tôi quên một chữ. Quên một chữ mà không ngủ được nữa. Mà chữ ấy đâu có quan trọng gì lắm, đến nỗi mình phải bỏ giấc ngủ. Mình bỏ giấc ngủ đi tìm là tại vì mình giận. Mình giận vì không chấp nhận được sự kiện là mình đã già. Chữ đó là chữ salpêtre. Salpêtre là một thứ muối mọc ra ở những chân tường đá ẩm thấp. Tôi tự bảo: “A lại gia thức ơi, chữ đó là chữ gì, giúp tôi với!” Tàng thức không giúp tôi được. Tất cả mọi người đều ngủ hết rồi. Điện thoại cho ai được. Mà mở tự điển ra thì mình đâu có biết rằng chữ ấy phải bắt đầu bằng chữ “S”? Có một lần cả cái tên của thành phố Darwin tôi cũng quên mất. Đi trên xe buýt tôi nghĩ tới cái thành phố mang tên nhà bác học đó mà không nhớ được cái tên ấy. Nhà bác học đã sáng tạo ra thuyết tiến hóa. Sự thật là tôi đã già. Mỗi ngày có nhiều tế bào óc chết. Những phản kháng và bực mình của ta chỉ là do vô minh tạo ra thôi. Chúng ta nhiều người có trí tuệ, nhưng không chịu đem trí tuệ của mình ra để sử dụng. Mình biết chứ không phải không biết đâu, nhưng mình vẫn không chịu đem trí tuệ ấy ra sử dụng. Vì vậy trong khi còn trẻ, ta hãy làm những gì mà người trẻ có thể làm được. Điều này rất quan trọng. Thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, ngày xưa ưa ở Côn Sơn. Có mấy sư chú ở chung với Ngài. Mùa đông này chúng ta sẽ được học về thầy Huyền Quang trong khóa tu về chủ đề Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập. Thầy Huyền Quang lúc đó đã già và vì vậy rất ưa sống với các sư chú. Tại vì thầy nghĩ rằng sống với các sư chú thì mình có cảm tưởng là mình ít già hơn. Thầy Huyền Quang rất ưa hoa cúc. Thầy để rất nhiều thì giờ chăm bón hoa cúc. Thỉnh thoảng đến mùa hoa mai nở, thầy cũng đi vào núi cắt một vài cành mai về cắm. Thầy nói rằng sở dĩ thầy cắt cành mai về là để cho cái bệnh già của Thầy được thuyên giảm chút đỉnh đó mà thôi.

Ngửa mặt trời cao hỏi lý do
Hiên ngang trong núi mọc thành hoa
Hái về không để chưng vui mắt
Chỉ mượn màu xuân đỡ bệnh già.

Tôi có cái bệnh già, vì vậy cho nên tôi cắt một cành mai về cắm ở trong phòng để ngắm nhìn và cảm thấy bớt già. Khi đọc thơ thầy Huyền Quang, tôi mới hiểu tại sao tôi ưa ngồi chơi với các sư cô và các sư chú trẻ. Tại khi ngồi với các người trẻ, ta thấy là ta không già. Nếu quán chiếu, mình có thể làm hay hơn. Mình có thể vượt được cái bệnh già chứ tại sao không. Nếu quán chiếu vào bản thân, nếu quán chiếu vào bông hoa, vào cành mai, nếu quán chiếu vào các sư chú và các sư cô ta sẽ thấy rằng ta đâu có già. Ta là một với họ. Ta đang trẻ mà, ta sẽ trẻ mãi mãi. Tất cả đều do sự quán chiếu. Quán chiếu như vậy, cái thấy lớn lên và cái bệnh già sẽ tiêu mất. Vì vậy cho nên bốn câu thơ mới đọc kia cũng chưa có gì gọi là siêu việt lắm.

Ngửa mặt trời cao hỏi lý do
Hiên ngang trong núi mọc thành hoa
Hái về không để chưng vui mắt
Chỉ mượn màu xuân đỡ bệnh già.

Đó chỉ mới là thoa kem cho bớt đau nhức thôi, chứ chưa phải là sự trị liệu.

Bệnh Bệnh

Cái bệnh thứ tư gọi là bệnh bệnh. Bệnh sinh, bệnh chết, bệnh già và bệnh bệnh. Bệnh bệnh có nghĩa là chúng ta không ai tránh khỏi cái bệnh. Nous sommes tous sujets à la maladie. Anh nói anh không có bệnh gì hả, nhưng mà anh cũng có bệnh bệnh. Nghĩa là anh có thể bị bệnh bất cứ lúc nào. Sự kiện chúng ta có thể bị bệnh, cái đó gọi là bệnh bệnh. Chúng ta phải quán chiếu. Bụt không muốn chúng ta trốn chạy. Cho nên Ngài mới nói rằng mỗi ngày ta đều phải thực tập: “Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào chạy thoát khỏi cái bệnh.” Luận Bảo Vương Tam Muội có nói: ”Tu học đừng có cầu cho không có bệnh. Không có bệnh thì tham dục dễ sanh.” Mình phải học làm thế nào để chấp nhận được cái bệnh của mình. Mình phải làm quen với nó. Mình phải cười với nó. Mình phải ôm lấy nó. Mình phải đồng nhất với nó. Cuối cùng mình và nó cùng siêu việt. Mà con đường thực tập cũng là một con đường làm cho cái lượng của ta lớn lên. Có những người bệnh ít thôi, nhưng cũng chịu đựng không nổi. Bệnh chưa ghê gớm gì mấy, nhưng đã hốt hoảng và xuống tinh thần. Đôi khi mới tưởng tượng là mình có cái bệnh đó thôi, chứ chưa thực sự có bệnh mà đã hoảng lên, và đã bị trầm cảm (depression). Những người ấy có cái lượng rất nhỏ. Có một vị nữ thiền sư ở Boston biết bà ta có ung thư. Trong những năm chót của đời bà, bà thực tập rất sâu sắc. Có thể cái bệnh đó là một trong những nguyên do khiến cho vị nữ đạo sư đó thực tập rất vững chãi, rất êm ả. Đến ngày lâm chung, thị tịch, người nữ đạo sư đó có rất nhiều an bình. Ai cũng công nhận như vậy. Ngày xưa tôi đã từng giảng dạy ở trong thiền viện của vị nữ đạo sư đó. Từ khi được nghe tin rằng mình có ung thư, vị nữ đạo sư đó đã đi qua một cơn sóng gió. Nhờ sự thực tập cho nên sau một thời gian ngắn bà chấp nhận được. Biết rằng mình còn có bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm để thực tập, nên bà đã đem hết tất cả con người của mình để thực tập. Do đó bà không còn chạy theo những cái danh, những cái lợi tầm thường nữa. Sự có mặt của một người như vậy rất có ích lợi cho những người xung quanh. Đâu có cần phải sống một trăm năm. Chỉ cần sống một năm thôi, hay là sáu tháng thôi, mà sống đúng với cái phong thái của một bậc thầy, còn hơn là sống năm mươi năm, bảy mươi năm mà phong thái của mình và đời sống của mình không phản ảnh được những ngôn từ mà mình nói ra. Những người như thế, như vị nữ đạo sư kia, đã có thể vượt ra khỏi cái bệnh gọi là bệnh bệnh. Thấy được rằng bệnh là một chuyện tất nhiên. Nếu mình không bệnh thì người khác bệnh. Mà người khác cũng là mình thôi. Cho nên, nếu mình thấy người khác bệnh mà mình mừng: “May quá, không phải mình!” tức là cái lượng của mình còn rất nhỏ. Trong sự thực tập hàng ngày, mình phải thấy cái bệnh của người kia là cái bệnh của mình. Do đó mình có thể lân mẫn, giúp đỡ và chăm sóc người đó như là chính mình bệnh. Những người như vậy có tâm lượng lớn. Nếu có rủi ro mà người như vậy mắc bệnh, thì người đó không đau khổ nhiều như những người khác. Cùng gặp những biến cố như nhau mà một người thì đau khổ cực kỳ, một người có thể mỉm cười được. Cái gì làm ra sự sai khác đó? Đó là Ksantiparamita, Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chúng ta phải học hỏi. Chúng ta phải thực tập trong đời sống hằng ngày.

Trái Tim Ôm Trọn Thái Hư

Chúng ta đã nói tới danh từ chịu đựng. Chịu có nghĩa là chấp nhận và đựng có nghĩa là ôm lấy. Ôm lấy có nghĩa là không phải vứt bỏ ra ngoài, không liệng ra ngoài. Nếu chúng ta có thể ôm lấy được, thì đó là vì dung tích của trái tim chúng ta lớn. Còn nếu trái tim chúng ta nhỏ thì chúng ta sẽ không ôm lấy được. Nếu chúng ta ôm được và ôm hết lòng thì đối tượng ấy sẽ được chuyển hóa. Ở Việt Nam, ta có truyền thống quý khách; mỗi khi có khách, nhà tuy chật nhưng ta vẫn mời khách ở lại, dù khách và ta phải nằm dưới đất, dù phải trải chiếu nằm bên nhau như cá hộp. Vì có lòng thương mến những người khách cho nên chúng ta chấp nhận. Chúng ta nói “chật là chật bụng chứ không phải là chật nhà.” Khi trái tim của chúng ta không chật, thì dù cái nhà có chật cũng không sao. Đó là tại vì cái lượng của chúng ta lớn. Bài chúc tán có câu: “Bậc đại giác viên mãn xuất hiện nơi cõi Ta bà, tấm lòng ôm trọn cả thái hư.” Tấm lòng ôm trọn cả thái hư là được dịch từ câu: “Tâm bảo thái hư”. Mấy chữ đó cho chúng ta thấy trái tim của đức Thế Tôn rất lớn. “Lượng châu sa giới”: lượng Từ Bi của Ngài ôm được cả vũ trụ. Thái hư là vũ trụ, the great cosmos, the immense space. Thái là lớn. Hư là không gian. Bốn chữ này là bốn chữ ca ngợi đức từ bi và nhẫn nhục của Bụt. Trái tim của Bụt, tình thương của Bụt có thể bao trọn và ôm hết được tất cả các loài chúng sanh với tất cả những gai góc khó khăn; ôm lấy được hết, ôm mà không đau khổ. Khi trái tim mình còn nhỏ, mà mình phải ôm thì mình đau khổ, nhưng khi trái tim đã lớn, có nghĩa là khi tình thương đã mở rộng, thì mình không còn đau khổ nữa. Cho nên sự thực tập của chúng ta là phải làm cho tim ta lớn lên hơn mỗi ngày.

“Lượng”, chữ này chúng ta đã học rồi. Lượng tức là sức dung chứa, là sự bao dung của ta. Trong thơ Kiều có câu: “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Châu là bao trùm, là đi giáp một vòng xung quanh. Sa giới tức là những thế giới nhiều như cát ở sông Hằng. Trái đất của chúng ta chẳng qua chỉ là một phần rất nhỏ của thái dương hệ, của một tiểu thế giới thôi, và ngoài kia còn có biết bao nhiêu tinh hà, còn có biết bao nhiêu thế giới trong vũ trụ nhiều như số cát sông Hằng. Vì vậy thế giới được gọi là sa giới. Cái lượng của đức Thế Tôn bao trùm hết tất cả mọi cõi. “Tâm bảo thái hư, lượng châu sa giới”, tám chữ rất hay. Tám chữ nói lên được cái từ bi vô lượng, lòng thương và sức dung chứa vô lượng của một trái tim. Người ấy là ai mà có một trái tim rộng lớn như vậy? Chúng ta là học trò của người, chúng ta phải thực tập thế nào để trái tim của chúng ta cũng càng ngày càng lớn để có thể nhìn những người khác bằng một cặp mắt ít khắt khe hơn, ít hẹp hòi hơn. Chúng ta phải nhìn bằng con mắt rộng rãi. Chúng ta phải có không gian bên trong thật nhiều thì tự nhiên con mắt chúng ta sẽ sáng ra. Con mắt đó có thể nhìn mọi loài với tình thương. Nhìn mọi loài với tình thương là năm chữ ở trong kinh Pháp Hoa, “từ nhãn thị chúng sinh.” Không phải là hễ chúng ta muốn nhìn bằng tình thương mà nhìn được đâu. Ai lại không muốn nhìn bằng tình thương, nhưng nếu trái tim ta đang còn nhỏ thì ta nhìn cách ấy không được. Do đó sự thực tập của chúng ta là phải nuôi cho trái tim lớn lên. Mà muốn nuôi cho trái tim lớn lên thì ta phải thực tập quán chiếu để thấy. Khi có thấy thì mới có hiểu, và có hiểu rồi thì mới có thương.

Bậc Đại Giác Viên Mãn
Xuất hiện nơi cõi Ta bà
Tấm lòng ôm trọn cả thái hư
Trí giác soi cùng đại thiên thế giới

Ngay đối với cái bệnh của chúng ta, dù là một chứng bệnh ngặt nghèo, nan y hay là một chứng bệnh tầm thường mỗi ngày của chúng ta, mà nếu chúng ta có một trái tim lớn, có một cái nhìn lớn thì những chứng bệnh đó không còn làm khổ chúng ta nữa.

Kỳ trước chúng ta đã học tới bốn cái bệnh lớn mà người nào cũng đang mang ở trong con người, là bệnh sinh, bệnh già, bệnh bệnh và bệnh chết. Bốn cái đó làm cho chúng ta đau nhức. Mỗi khi nghĩ tới bốn cái đó, chúng ta thấy nhức nhối tại vì thân của chúng ta đã bị điều kiện hóa bởi chúng. Ta thế nào cũng phải già, ta thế nào cũng phải bệnh, ta thế nào cũng phải chết, và tệ hơn nữa là chết rồi ta lại phải sanh ra trở lại để mà tiếp tục chịu khổ. Đó là chứng bệnh trầm kha mà đức Thế Tôn đã đi tìm những phương thuốc để trị liệu.

Thế và Xuất Thế

Trong giới Phật học, người ta có ý niệm về hai loại nhẫn, tức là hai loại chịu đựng. Thứ nhất là nhẫn thế gian và thứ hai là nhẫn xuất thế gian. Nhẫn thế gian nghĩa là cái nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của người phàm, còn nhẫn xuất thế gian là một loại nhẫn được làm bằng chất liệu của tuệ giác. Có những người có một khả năng nhẫn nhịn nào đó, nhưng trong khi nhẫn nhịn họ cảm thấy đau khổ và thấy rằng mình phải nghiến răng chịu khổ. Khi thực tập nhẫn xuất thế gian, chúng ta vượt tới một bờ bến rất xa lạ: trong khi nhẫn, chúng ta không còn thấy chúng ta nhẫn nữa, chúng ta không cần chịu đựng nữa, tại vì chúng ta đã có tuệ giác, đã tiếp xúc được với bản môn. Học Bụt, chúng ta phải học cho được nhẫn xuất thế gian. Chính cái nhẫn của xuất thế gian mới đem lại cho ta an lạc thực sự. Nhẫn của thế gian chẳng qua chỉ có thể giúp ta tránh khỏi một ít những đổ vỡ và lầm lỗi. Nhẫn tới một mức nào đó thì người đời hết nhẫn được nữa và họ sẽ nổ tung. Ngày xưa có một đại gia đình, cả trăm người, suốt trong chín thế hệ, nổi tiếng là ăn ở với nhau vô cùng hòa thuận. Đó là gia đình Trương Công Nghệ. Vua nghe đồn là gia đình đó ăn ở với nhau rất hòa thuận nên mới ngự giá tới thăm. Tất cả mọi người trong gia đình đều ra quỳ xuống để đón tiếp vua. Vua hỏi: “Bí quyết của các vị là gì mà có thể sống với nhau có hạnh phúc, không có sự xáo trộn, không có sự mâu thuẫn và không chia rẽ?” Ông tộc trưởng mới dâng lên một tờ biểu để trả lời. Trong tờ biểu đó chỉ có viết một trăm chữ “nhẫn”. Vua gật đầu khen phải và thưởng cho gia đình kia mấy tấm lụa. Đó là bài học thuộc lòng trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư mà tôi được học hồi còn nhỏ. Và đây là cái nhẫn gọi là nhẫn thế gian.

Mũi Tên Thứ Hai

Khi một người bị trúng tên thì người đó cảm thấy đau nhức. Nhưng giá dụ có một mũi tên thứ hai được bắn tới và trúng ngay chỗ mũi tên đầu, thì nạn nhân của hai mũi tên không phải cảm thấy đau nhức gấp hai lần mà có thể đau nhức gấp trăm lần. Bụt nói: “Khi có một sự đau nhức trong cơ thể, chúng ta phải thực tập như thế nào để thấy rằng đó chỉ là một đau nhức của cơ thể mà thôi, và ta thấy được tầm vóc chính xác của sự đau nhức đó. Đừng đánh giá nó một cách sai lầm”. Nói như vậy có nghĩa là khi có một đau nhức ở trong cơ thể, ta phải quán sát cho kỹ để thấy đó chỉ là một sự đau nhức trong cơ thể có giới hạn của nó thôi, và đừng tưởng tượng rằng sự đau nhức đó quá trầm trọng. Tưởng tượng như vậy thì ta sẽ lo lắng. Ta không nên nghĩ: “có thể là ta đang bị ung thư”. Và khi chúng ta hoảng sợ tức là mũi tên thứ hai đã lao tới, đã cắm vào chỗ của mũi tên thứ nhất, và sự đau nhức đó sẽ tăng lên gấp trăm lần. Một lần trước, chúng ta có nói tới chuyện một người chỉ bị một chứng bệnh thường thôi nơi cuống trái tim, có thể chữa được dễ dàng. Nếu sống cho đàng hoàng, ăn uống ngủ nghỉ cho đàng hoàng, thì người ấy sẽ không sao cả. Nhưng nếu người ấy quá sợ hãi thì những cơn chấn động tâm thần sẽ làm cho ông ta đau khổ gấp cả trăm lần. Chính người đó đã dại dột để cho mũi tên thứ hai bay tới. Bụt dạy đừng để cho mũi tên thứ hai bay tới. Khi có một khổ đau nào đó, ta phải biết nhận diện tầm quan trọng của nó và đừng cường điệu, đừng tưởng tượng. Mũi tên thứ hai có thể là sự giận dữ hay sự oán hờn. Ta có thể oán trách những người khác, ta có thể oán trời trách đất là tại sao ta là người phải gánh chịu cái bệnh đó mà không phải là một người khác? Thường thường chúng ta hay nghĩ là ung thư hoặc AIDS thì người khác bị chứ tại sao mình lại bị. Người khác bị thì ta chấp nhận được còn ta bị thì đó là vô lý, là không đúng, là bất công, là không thể chấp nhận được. Cái khuynh hướng suy nghĩ như vậy có mặt trong tất cả mọi người. Các chứng bệnh, những tai nạn xe hơi, nước, lửa, bão tố, v.v.., những cái đó chỉ có thể xảy ra cho ai khác thôi. Điều đó chứng tỏ ta không thấy được rằng ta đang mang trong ta đủ bốn thứ bệnh, cũng như tất cả mọi người khác. Ai cũng có thể bị bệnh và có thể bệnh ấy sẽ bộc phát ra bất cứ lúc nào. Đó là một sự thật đơn giản. Người nào, trẻ hay già, cũng có thể bị bệnh và có thể bị bệnh bất cứ lúc nào. Chúng ta phải học chấp nhận chuyện đó. Đó gọi là chịu. Vì không chấp nhận được nên khi bị bệnh ta mới phản kháng, mới nổi giận, mới oán trời trách đất. Vì không có trí tuệ cho nên ta mới không chấp nhận được cái chuyện là có thân thì có bệnh. Người có trí tuệ và có quán chiếu chấp nhận được sự thật một cách dễ dàng. Người không có trí tuệ và không có quán chiếu thì tiếp tục lồng lộn phản kháng. Và sự đau khổ đó, sự bực bội đó, hoặc sự thất chí đó chính là mũi tên thứ hai.

Hố Thẳm Và Đất Liền

Khi có một nỗi đau nhức hay một chứng bệnh trong cơ thể, ta phải nhận diện nó và học phương cách để chấp nhận nó. Chấp nhận được thì chúng ta bắt đầu khỏe. Đó là điều kiện nền tảng để chúng ta có thể đi tới, ôm lấy nó và chuyển hóa nó. Có nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cái mà họ cần nhất là sức khỏe, sức khỏe toàn hảo. Khi ta cầu nguyện Bụt hay cầu nguyện Chúa, chúng ta muốn Chúa hoặc Bụt sẽ cho ta một sức khỏe toàn hảo. Nhưng đó không phải là một lời cầu nguyện được soi sáng bởi trí tuệ, tại vì cái gọi là sức khỏe toàn hảo ấy không bao giờ có mặt, đó là cái không thể có. Perfect health là một cái gì không có thật. Chúng ta phải học sống với cái bệnh của chúng ta, phải làm hòa với cái bệnh của chúng ta và phải ôm lấy cái bệnh của chúng ta, đó gọi là nhẫn. Nhẫn là ôm lấy một cách vui vẻ, chấp nhận và chịu đựng. Sở dĩ chúng ta còn sống đây là vì hồi còn bé chúng ta đã bệnh lên bệnh xuống liên miên, hết cơn bệnh này tới cơn bệnh kia. Chính nhờ em bé bệnh lên bệnh xuống như vậy, cơ thể em mới phát sinh ra khả năng chống cự được với những con virus, với những con vi khuẩn, với những loại nấm độc. Nếu em bé không trải qua những cơn bệnh như vậy, thì em bé không khỏe mạnh được như bây giờ chúng ta thấy. Thành ra chúng ta phải học để chấp nhận cái bệnh và phải ôm lấy cái bệnh chúng ta, phải sống an lạc và hòa bình với nó. Bệnh của quý vị, nếu là bệnh ruột, bệnh tim, bệnh nhức mỏi, bệnh thận hay bệnh tiểu đường cũng vậy, quý vị phải chấp nhận nó và phải ôm lấy nó.

Trong kinh Tương Ưng Bộ S.IV, 207, Bụt dạy: “Người phàm phu chưa được học Phật pháp không có khả năng đối phó với cái đau khổ của họ. Trong đại dương có một hố sâu thăm thẳm không có đáy. Hố sâu thăm thẳm không đáy đó tượng trưng cho cái khổ. Cái khổ có thể là không có đáy.” Trong kinh, Bụt có dạy là cơ thể của chúng ta giống như bầu hư không. Và trong bầu hư không đó có nhiều loại gió thổi tới: gió Đông, Nam, Tây và Bắc… Có những ngọn gió mang theo cát bụi rất nóng, có những ngọn gió mang theo hơi lạnh căm căm, có những ngọn gió làm cho mình nóng điên lên và có những ngọn gió làm cho mình mát mẻ. Cơ thể của mình là không gian và những cảm thọ khác nhau là những luồng gió thổi trong bầu không gian cơ thể ấy của chúng ta. Bụt cũng dạy rằng cơ thể chúng ta giống một quán trọ có đủ thứ người: người dễ thương, người dễ ghét, người da đen, người da trắng, người giàu, người nghèo… từ phương đông tới hoặc từ phương tây, phương nam và phương bắc tới, lưu trú một thời gian rồi đi. Cơ thể của chúng ta cũng là nơi mà mọi loại cảm thọ có thể xảy ra. Trong đại dương mênh mông có một cái hố thẳm không đáy. Đại dương đó là cơ thể chúng ta, là con người chúng ta. Cái hố sâu thăm thẳm đó được tượng trưng cho cái khổ của chúng ta. Kẻ phàm phu, người không biết chánh pháp và không biết tu tập thì rất sợ hãi khổ đau. Đối với họ, khổ đau là hố sâu thăm thẳm, họ không nghĩ rằng họ có thể chịu đựng được. Nhưng người có trí, biết tu tập, biết quán chiếu và biết thực tập nhẫn Ba La Mật, thì sẽ cảm thấy mình đang đứng trên đất liền mà không phải là đang đứng trong đại dương hay đứng trên bờ vực của hố thẳm khổ đau. Vì vậy khi thực tập nhẫn Ba La Mật, chúng ta sẽ có cảm tưởng an toàn là chúng ta đứng trên đất liền chứ không phải đứng trong hố thẳm của đại dương khổ đau. Khi ta thực tập thì trái tim của ta rộng mở, trí giác của ta rộng mở và ta có thể mỉm cười với tất cả mọi nỗi khổ đau. Ta bao trùm được hết. Nếu ta khổ đau quá, nếu ta không chịu đựng được thì ta sẽ phải tự tử. Vì ta chưa có cái lượng của các bậc Thánh Nhân, của các vị Bồ Tát và của các vị Bụt, vì trái tim của ta chưa có dung tích lớn như vậy, cho nên ta phải tu tập để cho cái thấy cũng như là trái tim của ta lớn lên. Ta phải làm như Bụt, trái tim ta phải ôm được thái hư và trí giác ta phải bao trùm đại thiên thế giới. Nếu chúng ta liệng vào dòng sông mênh mông đó một chậu nước dơ, thì nước của dòng sông đó vẫn có thể trong và ta vẫn có thể lấy nước sông uống được như thường, tại vì dòng sông mênh mông quá, nó dung chứa được chậu nước dơ đó và chuyển hóa được nó một cách rất là dễ dàng. Còn nếu chúng ta đổ chậu nước dơ đó vào trong một thùng nước, hay trong lu nước trước nhà chúng ta thì chắc chắn là lu nước đó ta không thể uống được nữa, tại vì lu nước đó nhỏ quá và nước trong lu ít quá. Dòng sông mênh mông đã ôm lấy chậu nước dơ và chỉ trong vòng một, hai giờ đồng hồ đã làm cho nước dơ đó chuyển hóa, tất cả những cái dơ lặn xuống dưới đất, dưới đáy sông, trộn lẫn với đất, với cát và nước của nó trở thành ra trong trở lại. Dòng sông đâu có làm gì nhiều đâu, ấy vậy mà chậu nước dơ chúng ta đổ vào dòng sông tự nhiên biến thành nước trong là tại vì đất ở dưới dòng sông rất lớn và nước trong dòng sông rất nhiều. Bụt và Bồ Tát cũng vậy, nên quý vị không cần “cắn răng chịu đựng”. Chỉ có những người trong phạm vi thế gian mới phải cắn răng chịu đựng, đó gọi là nhẫn thế gian. Khi trái tim mình đã lớn, khi tâm lượng mình đã trở nên vĩ đại thì mình đâu cần phải cắn răng chịu đựng nữa, đó gọi là nhẫn xuất thế gian. chúng ta biết rằng đè nén và chịu đựng một hồi thì chúng ta cũng sẽ bùng nổ, cho nên phương pháp nhẫn thế gian không đáng để chúng ta học theo. Chúng ta phải học theo nhẫn xuất thế gian.

Trái tim chúng ta lớn chừng nào thì ta dung nạp càng dễ chừng đó, mà dung nạp được một hồi thì sẽ có chuyển hóa. Chúng ta hãy bắt chước dòng sông, tập nhìn bằng con mắt không hẹp hòi, không khắt khe, tập nhìn bằng con mắt độ lượng và bao dung thì chúng ta sẽ không còn khổ nữa. Nhẫn Nhục, ở đây, không đòi hỏi một sự cắn răng chịu đựng, vì nhẫn xuất thế gian rất khác với nhẫn thế gian. Khi nói: “Tôi không muốn thấy mặt anh nữa, tôi không muốn nghe đến tên anh nữa, tôi muốn anh ra khỏi cuộc đời tôi…” là chúng ta đang làm ngược lại với tinh thần đựng. Chúng ta chỉ muốn đổ ra ngoài. Ta nghĩ rằng người đó đã làm cho ta đau khổ, ta không chịu đựng nổi và ta quyết tâm đẩy người đó ra ngoài trái tim của ta. Ngay cái ý định đẩy người đó ra ngoài trái tim của mình đã là một nguyên do của khổ đau rồi. Trái tim của Bụt là trái tim có dung lượng rất lớn. Bụt không muốn đẩy ai, bỏ ai ra ngoài dung lượng của trái tim ấy cả. Nếu ta không có khả năng đựng, không có khả năng ôm lấy một người em, một người anh, một người chị, đó là tại vì sao? Tại vì trái tim ta chưa lớn. Trái tim ta chưa lớn là tại vì sao? Tại vì ta đang còn ngu si, tại vì ta không thực tập quán chiếu, ta không biết rằng người đó chính là ta và người đó cần ta. Ta vẫn coi người đó là kẻ thù, và đó là nguyên do của đau khổ trong ta. Khi ta nhìn người bằng con mắt khắt khe, khi ta nói với người bằng những lời trách cứ, khi ta làm khổ họ bằng những cử chỉ, những lời nói và những ánh mắt của ta, tức là ta không có khả năng ôm, ta không có khả năng đựng. Sự thực tập của ta là phải quán chiếu để có thể ôm, có thể chịu, đó là Nhẫn Nhục Ba La Mật.

Khi một tai nạn hay một khổ đau xảy đến cho ta, ta thường hay có khuynh hướng nghĩ rằng: “Ta đang là nạn nhân của sự bất công. Tại sao người kia không bị như vậy mà ta lại bị như vậy? Tại sao người đó được thương mà ta lại không được thương? Tại sao người đó không có bệnh mà ta lại bị bệnh?” Ta thấy ta là nạn nhân của một sự bất công, sự bất công đó có thể từ xã hội hay Thượng đế đưa tới. Đó cũng là vô minh. Chính vô minh đã làm cho chúng ta khổ.

Đầu Xanh Đã Tội Tình Gì

Chuyện Quan Âm Thị Kính là một chuyện nói về sự oan ức của một thiếu phụ có nhan sắc và có khả năng nhẫn nhục lớn là Thị Kính. Thị Kính lấy chồng tên là Thiện Sĩ và rất thương mến chồng. Có một bữa đó, chồng học bài buồn ngủ. Đang may vá, thấy chồng có mấy sợi râu mọc ngược, Thị Kính nghĩ thầm: “Bây giờ sẵn tay cầm dao, mình cắt mấy sợi râu cho chàng”. Nàng vừa đưa dao lên cắt thì anh chàng thức dậy. Thấy vợ cầm dao đưa vào mặt mình, Thiện Sĩ hoảng hồn và trong trạng thái hoảng hốt đã nghĩ rằng vợ có ý định muốn ám sát mình, chàng la lối lên. Hai ông bà, cha mẹ chồng, vốn sẵn không thích Thị Kính, đã làm lớn chuyện này. Họ đuổi Thị Kính về nhà, Thị Kính rất đau khổ. Đó là nỗi oan. Về nhà rồi, Thị Kính nói: “Cuộc đời là như thế, ta phải đi tu mới được. Chỉ có đi tu ta mới vượt ra khỏi những thói thường cạn cợt của người đời”. Nhưng vào thời đại đó chưa có chùa sư nữ, Thị Kính phải giả làm con trai và đi vào một ngôi chùa gọi là Vân Tự. Cô giả trang khéo lắm. Thầy trụ trì thấy người thanh niên ăn mặc rất gọn ghẽ, mặt mày sáng sủa mà muốn đi tu nên hỏi: “Tại sao cậu lại muốn đi tu?” Thị Kính nói: “Bạch thầy, con thấy cuộc đời vô thường quá, không có cái gì đáng cho con theo đuổi, cho nên con muốn được giải thoát mà không còn muốn chạy theo những hình ảnh hư vọng”. Thầy trụ trì bèn nói: “Được, như vậy là con đã thấy được đạo, thầy bằng lòng cho tu”. Và sư chú được thầy đặt tên là Kính Tâm, tức là người có trái tim đầy sự cung kính.

Trong thời gian Thị Kính tu học, có một cô con gái nhà giàu trong làng, mỗi ngày rằm và mồng một đều lên chùa với cha mẹ để dâng hương. Thấy sư chú đẹp quá, cô cảm động và đã đem lòng yêu sư chú. Cô tìm cách để nói chuyện với sư chú nhưng sư chú rất đoan nghiêm, chỉ trả lời những câu hỏi về Phật Pháp thôi, còn những câu ngoài đời sư chú nhất định không nói. Vì vậy cô lại càng mê say sư chú hơn nữa. Cô về tương tư sư chú, ban đêm cứ nằm mơ tới sư chú. Có một bữa bị sinh lý thúc đẩy, cô nằm ngủ với người đầy tớ trai. Và trong khi nằm ngủ, cô tưởng tượng người kia là sư chú. Ta thấy chuyện này rất kỳ cục nhưng chuyện này thật ra rất có tính người.

Thị Mầu có mang. Thị cố tình giấu, nhưng giấu làm sao được. Từ từ bụng cô lớn ra, và người trong làng bắt đầu bàn tán. Hôm đó có tiếng mõ của làng triệu tập một buổi họp để xét về vụ cô gái chưa lấy chồng mà đã có thai. Trong buổi họp ở đình làng, bị chất vấn thì Thị Mầu nói: “Con đã ngủ với sư chú Kính Tâm.” Lúc tin được đồn ra, người nào cũng bàn tán và nhà chùa mang tiếng rất nhiều: thầy không biết dạy đệ tử để đệ tử phạm giới. Vì danh dự, Thị Mầu nhất định không tiết lộ sự thật là mình đã ngủ với một người đầy tớ trai, nàng chỉ đổ riết cho sư chú Kính Tâm. Khi cô khai cho sư chú Kính Tâm là tác giả của cái thai trong bụng mình thì thầy trụ trì bị mời tới. Tội nghiệp thầy, tội nghiệp cả thầy cả trò. Có nhiều chùa bổn đạo tới chỉ để dâng hương, họ đâu có thực tập tu học. Thấy các sư chú và các sư cô an lạc và thảnh thơi, mặt mày sáng rỡ thì họ đem lòng thương, cái đó rất người. Cho nên người xuất gia phải tạo cơ hội cho người tới chùa được có cơ hội tu học. Tới chùa là để thực tập nữa chứ không phải chỉ để lễ bái. Đó là điều ta phải học từ chuyện Quan Âm Thị Kính.

Kính Tâm bị tra khảo, đánh đập, nhưng đã chịu đựng được và không khai rằng mình là gái. Thầy trú trì bảo lãnh cho Kính Tâm về. Kính Tâm đã thực tập nhẫn, đã thấy rằng đời quá nhiều khổ đau và có những khổ đau đã tự nhiên xảy tới như vậy thôi, mình không có phần trách nhiệm gì cả, mình đã làm nên tội tình gì để phải gánh chịu những khổ đau ấy? Tuy nhiên sư chú tu hành rất đàng hoàng, ngày nào cũng ngồi thiền, ngày nào cũng tụng niệm và nghĩ rằng sự thành công của mình là ở chỗ mình có thể vượt thắng được niềm đau nỗi khổ này hay không, có thể vượt thắng được nỗi oan này hay không. Nhưng đã hết đâu. Khi Thị Mầu sinh em bé thì bị cha mẹ nhiếc mắng: “Con của đứa nào thì mầy phải trao trả cho đứa đó!” Thay vì đem trả đứa bé cho tên đầy tớ trai, thì cô lại đem tới chùa và nói một cách tỉnh bơ: “Đây, con của sư chú đây, sư chú nhận đi!” Và cô để em bé ở lầu chuông mà chạy về. Vì sợ mất mặt mà người ta đã đành lòng dầy vò và gây khổ đau oan ức cho một người khác. Sư chú đã thấy được điều đó. Nhưng sự thật rõ ràng trước mắt là có một em bé bị bỏ rơi. Nếu ta không ẵm lấy để nuôi thì nó sẽ chết. Vì vậy sư chú đã nói: “Đưa đây, đưa nó đây!” và sư chú đưa hai tay ẵm lấy đứa bé. Từ đó về sau sự nuôi con trở thành ra phép thực tập của sư chú. Mỗi ngày sư chú đi vào trong làng để xin sữa cho đứa bé, xin những miếng vải may những cái tả và những chiếc áo cho đứa
bé. Trong làng có người cảm động giúp cho sư chú, nhưng cũng có người cười: “Tu như vậy mà cũng tu. Tu như vậy làm sao mà thành được.” Nhờ có trái tim lớn, nhờ có hiểu biết lớn cho nên sư chú chấp nhận được và sư chú không khổ, hoặc nếu sư chú có khổ thì sư chú cũng khổ ít thôi. Nói tới niềm oan ức to lớn của Kính Tâm, tác giả Quan Âm Thị Kính đã viết:

Mười phương Phật chín phương Trời
Chưa nghe đến sự dưới đời oan ru ?

Năng Lượng

Chúng ta hãy tự hỏi là trong lúc bị tra khảo tơi bời, sư chú có căm hận người hay không? Sư chú có lòng từ bi, biết rằng có những người họ rất u mê, ích kỷ và hẹp hòi, họ làm khổ chính họ, rồi họ làm vung vãi nỗi khổ ấy lên những người khác. Họ đã làm lầm lỗi và họ không có can đảm chấp nhận lầm lỗi của họ. Những cái oan đó có thật trong cuộc đời. Trong khi bị đánh đập và hành hạ như vậy, sư chú chỉ niệm Bụt thôi. Bởi vì mỗi khi niệm Bụt thì sư chú có được cái năng lượng để chịu đựng. Và nếu sư chú hận thù thì sư chú sẽ đau khổ hơn nhiều. Nhờ niệm Bụt để được tiếp xúc với năng lượng của từ bi, cho nên sư chú đã chịu đựng được và đã đi qua được những cơn khó khăn như vậy. Từ khó khăn này tới khó khăn khác, sư chú đã vượt thắng được. Trong khi thỉnh đại hồng chung, sư chú đọc những bài thi kệ:

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư nguyện hướng về.

Sư chú biến thi kệ đó thành bài ru con và thêm vào những tiếng à ơi. Thành ra dân làng mỗi khi nghe tiếng kệ thì thỉnh thoảng cũng lại nghe tiếng à ơi và ù ơ trong gió. Đó là một phép thực tập của sư chú. Sư chú có thể là không tụng Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, không thực tập tứ thiền và tứ vô sắc định, mà chỉ thực tập nuôi con, ru con, đi xin sữa cho con và làm những công việc mà sư chú cần phải làm thôi. Nhưng sư chú đã thành công.

Khi đứa bé đã lớn, sư chú lâm bệnh. Nghĩ rằng mình không tiếp tục sống được, sư chú mới ngồi xuống viết một lá thơ để kể hết sự thật cho thầy. Trước đây, nếu ta nói ra sự thật thì thầy sẽ không cho ta tiếp tục ở trong chùa. Bây giờ ta có thể nói ra sự thật được rồi. Sư chú cũng viết một lá thơ cho cha mẹ, và dặn con sau tang lễ thì đi tìm về quê mà đưa lá thơ này cho ông bà. Sau khi sư chú thị tịch, đứa bé đem lá thơ lên trình thầy. Thầy lập tức cho một sư chú đi báo tin cho làng. Mọi người đều xôn xao. Những nhà chức trách tới khám nhận tử thi và đã chứng xác sự thật: đây là một cô gái. Vậy mà lâu nay làng đã đọa đày, đã làm tội làm tình người ta. Làng lập tức đòi cha con của Thị Mầu ra để trị tội. Gia đình đó ngoài việc nạp khoán cho làng, còn phải xuất tiền ra để làm tang lễ cho sư chú. Khi mà em bé cùng với một vài người khác đi tìm được về quê quán của Thị Kính thì ông bà lập tức lên đường về dự tang lễ. Sau tang lễ, mọi người nhìn lên thấy ở trên trời có mây năm sắc, đức Như Lai hiện ra và báo tin rằng Thị Kính đã thành đạo. Đó là đức Quan Âm của Việt Nam, đức Quan Âm Thị Kính, người đã thực hành hạnh Nhẫn Nhục Ba La Mật.

Tại sao Thị Kính chịu đựng được? Ta sẽ hỏi, đứng về phương diện tâm lý, tại sao Thị Kính không nói ra sự thật và đi chỗ khác cho rồi? Tại sao cứ bám lấy cái ý muốn làm sư chú? Tại sao Thị Kính lại có khả năng chịu đựng được những nỗi khổ lớn như vậy? Cái gì đã giúp cho Thị Kính chịu đựng được? Chỉ có một câu trả lời mà thôi: tại vì Thị Kính muốn được tu quá. Nếu muốn người ta không còn làm tình làm tội mình thì chỉ cần nói ra: tôi là con gái. Nhưng mà Thị Kính đã không nói tại vì ý chí muốn tu hành lớn quá đi. Chỉ vì muốn được tu cho nên sư chú có thể chịu đựng được bất cứ một cái gì. Năng lượng giúp sư chú chịu đựng được, đó là bồ đề tâm. Nếu Thị Kính không có bồ đề tâm thì Thị Kính đâu đã làm được chuyện đó. Đời nay vừa mới bị gánh chịu một vài khó khăn và oan ức là người ta đã muốn bỏ tăng thân mà đi rồi. So với Thị Kính, ta sẽ thấy cái sức nhẫn và bồ đề tâm của ta lớn tới mức nào.

Cỗ Đầu Người

Những người đi làm cách mạng khi bị bắt và bị tra khảo cũng cắn răng chịu đựng và không chịu khai báo. Họ biết nếu họ khai báo thì những người đồng chí của họ cũng bị bắt, cũng bị tra khảo và mục tiêu cách mạng sẽ không đạt tới được. Họ cũng phải thực tập nhẫn. Tại sao họ nhẫn được? Vì họ có tình thương, họ có chí hướng lớn. Những người đi làm cách mạng sống độc thân không có gia đình thì có khác gì người tu đâu! Sống độc thân không có gia đình là để có thể làm được cái chuyện mà người thường không làm được. Người tu, cũng vậy, sống độc thân không có gia đình là để làm cái chuyện mà người khác không có thể làm được. Người đi làm cách mạng bị tra khảo mà không nói, không hé răng tiết lộ những bí mật của tổ chức mình là vì thương lý tưởng và thương những người bạn đồng chí. Là người tu, ta có làm được như vậy không? Sức nhẫn của ta đã tới mức nào? Trong thời ông Diệm có một sư chú bị bắt và bị tra vấn. Người tra vấn mời sư chú ngồi, pha trà mời sư chú uống, rồi mở ra một cái hộp nhỏ trong đó có hai con gián đã chết khô. Ông ta mời sư chú ăn nếu sư chú không nói ai là những người chủ chốt trong đoàn sinh viên Phật tử và trong đoàn thanh niên Tăng Ni. “Nếu thầy không chịu nói thì tôi sẽ mời thầy ăn con gián này để uống trà.” Quí vị có thể ăn được một con gián để uống trà không? Vậy mà sư chú đã ăn con gián, đã uống trà và nhất định không nói ai là những người chủ chốt vì sư chú có tình thương đối với đạo pháp, đối với dân tộc và đối với các bạn đồng tu. Đây là chuyện có thật! Ngày xưa, ta có một vị anh hùng tên là Nguyễn Biểu bị quân giặc bắt. Để thử đảm khí của người con trai này, khi dọn cơm ra, quân giặc chỉ dọn trong mâm cơm một cái đầu người vừa mới bị chặt. Nguyễn Biểu đã móc con mắt của người đó để vào miệng nuốt và cười ha hả, để chứng tỏ rằng dân Việt có những con người hào hùng không thể nào dùng bạo lực mà khuất phục được. Quân giặc rất kính phục, đã thả ông ra, nhưng khi ông đi nửa đường thì họ cho người chạy theo bắt lại và giết đi.

Ngọn Đèn Dù Tắt Đừng Nghe Trẻ

Thiếu phụ Nam Xương cũng là đối tượng và nạn nhân của một sự oan ức lớn. Mình rất trinh liệt và đoan chính, vậy mà chồng mình nghĩ rằng mình đã ăn ngủ với một người khác. Chàng Trương đi lính và trong thời gian xa vắng đó thiếu phụ Nam Xương đã sinh ra một đứa con trai. Khi chàng Trương trở về thì đứa con trai đã được hai tuổi mấy. Trong khi thiếu phụ Nam Xương đi chợ để mua thức ăn về làm một mâm cơm cúng thì chàng Trương chơi với đứa bé và bảo đứa bé tập kêu chàng là “Bố”. Đứa bé nói: ” Ông đâu phải bố tôi nào!” “Tại sao không phải?” “Bố tôi khác, bố tôi đêm nào cũng tới và nói chuyện với mẹ tôi. Nhiều khi mẹ tôi còn khóc với bố tôi nữa. Rồi mỗi khi mẹ tôi ngồi xuống thì bố tôi ngồi xuống, và khi mẹ tôi nằm xuống thì bố tôi cũng nằm xuống.” Nghe những lời nói của em bé, chàng Trương có tri giác sai lầm, nghĩ là vợ mình đã ngoại tình. Khi vợ trở về, anh không thèm nhìn mặt vợ, không thèm nói chuyện với vợ nữa. Anh lạnh lùng như một tảng băng. Người vợ không hiểu tại sao mình lại bị đối xử như thế, cho nên đau khổ một mình. Khi mâm cơm cúng đã được đặt lên rồi, chàng Trương thắp nhang khấn vái. Lạy bốn lạy xong anh cuốn chiếu lại không cho vợ lạy, nghĩ rằng người đàn bà này không có tư cách để trình diện trước tổ tiên. Thiếu phụ Nam Xương cảm thấy nhục nhã và khổ đau nhưng không nói ra được. Chàng Trương sau khi cúng xong không ở lại ăn cơm mà bỏ đi vào trong làng, la cà suốt ngày trong quán rượu. Anh cũng đau khổ lắm. Tất cả hạnh phúc đều đã tan biến đối với anh. Anh đi tìm sự khuây khỏa bằng rượu, rượu là phương pháp duy nhất, uống say rồi thì không còn nhớ tới niềm đau đó nữa. Và ba bốn giờ khuya anh mới về nhà để rồi sáng mai dậy lại đi vào trong xóm. Sau ba bốn ngày như vậy thì thiếu phụ Nam Xương chịu không nổi nữa. Và khi chịu đựng không nổi nữa, người đàn bà ấy đã đâm đầu xuống sông tự tử. Chúng ta chỉ biết nhẫn thế gian mà chưa biết đến nhẫn xuất thế gian, cho nên sức chịu đựng của chúng ta rất có giới hạn. Thiếu phụ Nam Xương đã đâm đầu xuống sông tự tử sau ba ngày khổ đau. Sau khi biết tin vợ chết rồi, anh Trương mới về nhà để chăm sóc đứa con. Đêm ấy, sau khi anh thắp đèn lên thì đứa bé reo: “Bố tôi đây này, ông! Bố tôi đây này, ông!” và nó chỉ vào cái bóng của bố nó ở trên vách tường. Bây giờ tri giác sai lầm của anh không còn nữa nhưng đã quá trễ, vợ anh đã chết rồi!

Nếu không thực tập quán chiếu và truyền thông để giúp nhau thấy được sự thật thì chúng ta sẽ tạo ra cho nhau những nỗi oan. Chị làm oan cho em, em làm oan cho anh, em làm oan cho chị, chuyện đó đang xảy ra hàng ngày. Và do đó bản chất của Nhẫn Nhục Ba La Mật được làm bằng sự quán chiếu chứ không phải là sự đè nén. Quán chiếu thì phải có chánh niệm. Có niệm mới có định và có định mới có tuệ. Nếu không thực tập hơi thở ý thức mỗi ngày, không thực tập thiền đi, thiền ngồi và ăn cơm im lặng mỗi ngày để nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm thì ta sẽ lấy gì mà quán chiếu, vốn liếng đâu mà quán chiếu. Cho nên tôi cứ nhắc đi nhắc lại hoài: “Con nên đi từng bước cho chánh niệm, con nên ngồi cho chánh niệm, con nên làm việc trong chánh niệm.” Để làm gì? Để mình có cái vốn liếng và năng lượng mà thiền quán, mà quán chiếu. Cái hiểu của ta sẽ làm cho trái tim ta lớn lên và bao trùm được những khổ đau và khó khăn. Còn nếu không thì ta sẽ tiếp tục giận hờn, trách móc, la mắng, làm tình làm tội bản thân ta và làm tình làm tội những người sống xung quanh ta.

Tu nghĩa là đừng để cho cái lầm lỗi của thiếu phụ Nam Xương được lặp lại. Chàng Trương trong khi làm khổ vợ thì có sung sướng gì đâu. Anh ta cũng đau đớn lắm. Cả hai người đều khổ. Đừng tưởng rằng người làm khổ mình đang vui sướng nhởn nhơ. Người làm khổ mình cũng đang rất khổ. Thấy được điều đó tự nhiên ta ôm được người ấy, ta ôm được người đang làm khổ ta. Mà thấy tức là tuệ. Tuệ tức là hoa trái của quán chiếu.

Vạch Trời Kêu Lên

Chúng ta thường quen oán trời và trách đất mỗi khi bị oan ức. Thúy Kiều là nạn nhân của những nỗi oan rất lớn. Bố của Thúy Kiều đi thăm gia đình bên ngoại về, thì bị lính tới bao vây. Người ta vu oan cho ông buôn lậu và chứa chấp hàng hóa bất hợp pháp. Người ta đã treo ngược ông lên để tra khảo ngay trong nhà của ông và cuối cùng bỏ tù ông. Thúy Kiều phải bán mình để có bốn trăm lạng vàng chuộc cha, mua cha ra khỏi tù tội. Người đến mua Thúy Kiều nói rằng mua nàng về để làm vợ cho một người đàn ông có địa vị trong xã hội, nhưng kỳ thật Tú Bà với Mã Giám Sinh mua Kiều về để làm gái giang hồ mà kiếm lời. Sau khi người ta làm lễ rước Kiều ra ở riêng, Mã Giám Sinh đã tới để phá trinh của Thúy Kiều. Mã đóng vai chàng rể nhưng kỳ thật đó là một anh bợm già. Trong cuộc chung đụng đầu tiên, Thúy Kiều biết ngay rằng anh chàng này không phải là một anh chàng đàng hoàng mà là một tay bợm già. Một người đàn ông đàng hoàng không bao giờ cư xử phũ phàng như vậy. Thúy Kiều nghi Mã không phải là một chàng rể. Lắng nghe xung quanh Kiều biết là mình đã lọt vào một ổ nhền nhện. Khi vào chào mẹ để đi, Thúy Kiều đã nói sự thật và Vương bà ngã ngửa: nỗi oan thứ nhất là chồng bị vu oan giá họa, bị bắt và bị đánh, nỗi oan thứ hai là con gái phải bán mình và bây giờ nỗi oan thứ ba là con gái bị trở thành một cô điếm. Cụ Nguyễn Du viết:

Vương bà nghe bấy nhiêu lời
Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên!

“Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên”, tại vì những đau khổ và oan ức của mình lớn quá, mình không nói được với ai hết, chỉ có một cách là ngửa mặt lên trên trời để kêu than; nhưng vạch trời kêu lên cũng không biết trời có nghe được cái nỗi oan của mình hay không. Sao ông trời cứ nín thinh như thể là ông không biết là mình đang đau khổ và oan ức. Tác giả Quan Âm Thị Kính cũng nói:

Mười phương Phật chín phương trời
Chưa nghe đến sự dưới đời oan ru ?

Khi đau khổ quá chúng ta thường hay ngửa mặt lên trời, chúng ta cần một vị trọng tài, chúng ta cần Thượng Đế, chúng ta cần Trời, tại vì chúng ta hết chỗ cầu cứu rồi, tất cả các ngõ ngách đều đã bị đóng kín mít lại, nỗi khổ của chúng ta không ai biết được. Mà chúng ta có thể vạch trời ra được hay không, hay là cửa trời lại cũng đóng im ỉm?

Vương ông, Vương bà, Thúy Kiều, Thúy Vân và Kim Trọng, năm người đó đã có cơ hội đến chùa không, đã được học Phật Pháp không và đã được trao truyền phương pháp thở, phương pháp đi, phương pháp ngồi, phương pháp mỉm cười và phương pháp quán chiếu không? Hình như là không. Vì vậy những khổ đau của họ rất lớn. Có lúc bố của Thúy Kiều đã lao đầu vào bức tường vôi để tự tử, tại vì ông khổ quá không chịu đựng được nổi sự oan ức. Tất cả gia đình đều ngăn lại và nói: “Nếu bố làm như vậy thì khổ thêm các con. Xin bố thương các con mà giữ gìn mạng sống.” Vương ông dừng lại không tự tử nữa. Đó cũng là nhờ tình thương. Ông thấy được rằng mình chết thì mình hết khổ nhưng mà bốn người kia lại khổ thêm. Đó là một thứ tuệ giác, nhưng tuệ giác đó chưa đủ lớn để giúp cho ông hết khổ. Thúy Kiều còn đi qua những oan ức khác nữa. Có lần Thúy Kiều đã rút cây dao dấu trong người ra để tự tử. Lát dao đâm rất sâu đến nỗi tính mạng của Thúy Kiều bị đe dọa trầm trọng. Nhờ một phước đức nào đó của Kiều thành ra Tú Bà chạy chữa được và Thúy Kiều sẽ phải sống mười lăm năm trong cuộc đời lênh đênh đau khổ.

Khổ đau ở ngoài đời đầy dẫy; nếu chúng ta không được trang bị bằng những pháp môn tu học và bằng cái thấy của tuệ giác thì chúng ta không thể nào đương đầu nổi với những khổ đau lớn lao như vậy. Bụt dạy: “Trong đại dương mênh mông có một cái hố thẳm. Cái hố thẳm không đáy đó là tượng trưng cho khổ đau của cuộc đời. Kẻ phàm phu không biết, không học, không có phương pháp thì chết chìm trong cái hố thẳm đó. Người có trí, người có tu, người có học sẽ thấy mình đang đứng ở trên đất liền và cảm thấy có an ninh.” Đó là phương pháp của Nhẫn Nhục Ba La Mật.

Thượng Đế Ơi! Đừng Thử Con Tội Nghiệp

Có khi chúng ta tự hỏi: “Tại sao mình phải gánh chịu cái tai nạn này, tại sao mình lại bị bệnh sida, tại sao mình bị khuyết tật từ ngay khi cha mẹ sanh ra, tại sao con mình mới sanh ra có hai tuổi thôi mà đã bị bệnh nan y?” Có nhiều trường hợp ta không thể nào hiểu được. Không hiểu tại sao những người ăn hiền ở lành mà lại gặp phải những tai nạn ghê gớm như vậy.

Nhìn vào xã hội, vào loài người, vào hoàn cảnh xung quanh để tìm ra một lý do và một nẻo thoát, người ta không tìm ra được và vì vậy người ta phải ngửa mặt lên trời để hỏi.

Vương bà nghe bấy nhiêu lời,
tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên.

Trời là cái hướng duy nhất còn lại để mình có thể vạch ra mà kêu oan. Ở trong Cựu Ước có một thi phẩm rất hay, đó là “The book of Job”. Job là một con người hạnh phúc, một ông nhà giàu có hàng ngàn con bò, con cừu và những đứa con xinh đẹp, lại có một địa vị lớn trong xã hội. Người ta nói rằng Job rất kính trọng Thượng đế, nghe lời Thượng đế, sợ hãi Thượng đế và có niềm tin nơi Thượng đế một cách vững chãi. Một hôm đó, Sa Tăng xuất hiện nơi thượng giới và Thượng đế hỏi: “Ngươi là ai? Ngươi đi đâu?” Thì Sa Tăng nói: “Tôi là người hay lui tới trái đất, đi ra đi vào.” Thượng đế hỏi tiếp: “Sa Tăng, ngươi có thấy Job là một người tín cẩn, một người có đức tin mãnh liệt đang sống trên thế gian không? Người này sẽ không bao giờ mất đức tin nơi ta cả, dầu có gì xảy ra cho người này thì người này cũng sẽ không mất đức tin nơi ta.” Sa Tăng nói: “Đó là Thượng đế chưa biết, Thượng đế cho phép tôi thử đi, tôi mà tạo ra một vài tai nạn, một vài khổ đau cho Job thì có thể Job sẽ trách móc Thượng đế, sẽ lên án đấng Tạo hóa.” Thượng đế trả lời: “Anh cứ thử đi, nhưng anh đừng động tới sinh mạng của người đó.”

Hôm ấy, trong khi Job đang ngồi trong phòng khách ấm cúng của mình thì có một người đầy tớ về báo cáo rằng tất cả những con trâu, bò, lạc đà, cừu của ông ta đều chết hết. Mấy đứa con gái yêu quý của ông ta đi ăn đám giỗ ở nhà đứa em út cũng bị tai nạn chết hết không còn một mống. Lúc đó Job chắp tay lại, nói: “Nếu những cái này xảy ra đó là tại vì có lý do sâu sắc nào đó mà mình chưa hiểu”. Và Job từ chối không trách móc Thượng đế, không lên án Thượng đế. Sa Tăng thất bại. Sa Tăng lên trên Thiên Đình một lần nữa và nói với Thượng đế là tại vì mình chưa chạm vào con người anh ta, nếu chạm vào người anh ta thì có lẽ là anh ta sẽ trách móc Thượng đế, sẽ oán hờn Thượng đế. “Thượng đế cho phép tôi làm vậy đi, cho tôi thử đi. Ngài nói Job là người trung kiên với Chúa một cách tuyệt đối mà, nếu tôi không thử thì làm sao ta biết được sự trung kiên ấy có hay là không có?” Thượng đế chịu thua. Ngài bảo Sa Tăng: “Như vậy thì ta cho phép anh thử nhưng đừng làm cho người đó chết.” Lần này Sa Tăng bắt Job phải đau những chứng bệnh rất ngặt nghèo, cả người đều bị lở lói, không di chuyển được, nằm một đống, đau khổ vô cùng. Sự sản tan nát, các con đều chết, bây giờ thân hình mình bị tật bệnh rất nặng. Lúc đó, Job mới mở miệng ra nguyền rủa, nhưng không phải là nguyền rủa Thượng đế mà là nguyền rủa cái ngày sanh của mình, nguyền rủa cái huyền ước của mình. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để cho tôi phải khổ như ngày hôm nay? Tại sao tôi phải sinh ra để gánh chịu tất cả những đau khổ này?” Tuy Job không nguyền rủa Thượng đế, nhưng ông đã nguyền rủa cái ngày sanh của ông. Lúc đó có bốn người bạn của Job tới. Thấy Job đau khổ như vậy họ không biết làm gì cả. Khổ đau lớn quá khiến cho họ không thể mở lời ra được, chỉ biết ngồi đó mà chịu trận thôi. Sau đó, họ bắt đầu nói chuyện với Job: “Có lẽ là trong quá khứ mình cũng đã có gây tạo những tội lỗi nào đó mà không biết cho nên bây giờ mình mới phải gánh chịu những khổ đau cùng cực như vậy.” Nhưng Job nhất định không chấp nhận. Job nói: “Tôi chưa từng gây tạo một nỗi khổ đau, một tội lỗi nào hết. Tôi đã sống theo đường lối của Thượng đế đã dạy. Tôi chưa làm điều gì thất đức thì tại sao tôi phải gánh chịu những tai ương như thế này? Tôi không nguyền rủa Thượng đế, nhưng tôi không thể nào không nguyền rủa cái ngày sanh của tôi”. Người bạn thứ tư an ủi không được mới nói: “Đau khổ cần thiết cho con người. Có lẽ đau khổ giúp cho ta học một bài học của sự sống và ta sẽ lớn lên từ sự đau khổ đó.” Nhưng Job cũng không vừa ý. Cuối cùng thì Thượng đế xuất hiện trong tiếng gió và Thượng đế nói những câu như thế này: “Cái ngày mà ta tạo thiên lập địa có mặt ngươi đó hay không? Ai thắp mặt trời lên buổi sáng, ai thắp mặt trăng lên buổi chiều, có mặt ngươi đó không? Có nhiều cái ngươi chưa biết.” Và Job nhận ra rằng quả thật có nhiều cái mình không biết. Chính sự chấp nhận có những cái mình chưa biết làm cho Job bớt đau khổ và Job quỳ xuống để hối lỗi. Lúc đó, Thượng đế hoàn trả lại cho Job tất cả những gì mà Job đã mất, nào lạc đà, nào ngựa, nào trâu, nào bò, nào con. Tác phẩm này là một tác phẩm thi ca rất nổi tiếng trong Thánh kinh.

Trời Đất Bất Công

Đứng trước những bất công xã hội, khi nhận chịu những khổ đau cùng cực, cảm thấy có sự bất công, người ta thường ngửng mặt lên để hỏi: “Có một đấng thiêng liêng nào ngự trị ở trên đó để giữ quyền thưởng phạt hay không? Nếu có một đấng thiêng liêng tại sao để cho sự bất công đó xảy ra? Tại sao một em bé hai tuổi lại bị bệnh nan y? Tại sao một em bé vừa sanh ra đã mang khuyết tật? Tại sao những người ăn hiền ở lành suốt đời mà phải chịu những đau khổ cùng cực?” Tất cả những câu hỏi đó con người không trả lời được và người ta phải đặt ra cho Thượng đế. Có khi người ta trách móc Thượng đế. Trong ngôn ngữ Việt Nam, đôi khi người ta ngửng mặt lên người ta trách rằng: “Trời già độc địa”. Đó là câu nói của những người đã đau khổ quá nhiều. Người ta không hiểu tại sao ông trời lại cho phép những chuyện đau khổ bất công như vậy xảy ra. Có nhiều người uất ức, có nhiều người đặt câu hỏi tại sao đấng Tạo hóa, tại sao Thượng đế, tại sao Phật trời lại để cho chuyện đó xảy ra được? Nếu chúng ta quán sát sự sống trong đời sống hàng ngày thì chúng ta thấy đau khổ đầy dẫy: những đau khổ về thiên tai, về bão lụt, về bệnh tật, về chiến tranh đã đành, nhưng cũng có những đau khổ thật sự trình bày ra tính cách bất công. Tại sao những người ăn ở hiền lành, những người không làm nên tội tình gì lại khổ đau như vậy? Tại sao những người ác độc vẫn sống phây phây, tiếp tục thừa hưởng sự giàu sang phú quý? Khi nhìn thấy sự đau khổ đó người ta nói rằng Thượng đế bất công, Thượng đế không có trái tim. Tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử có câu này: “Thiên địa bất công, thị vạn vật như sô cẩu”, nghĩa là “trời đất bất công coi vạn vật như con chó rơm”.

Sô cẩu là một con chó làm bằng rơm. Thân phận con người, thân phận muôn loại, không hơn gì thân phận một con chó làm bằng rơm, muốn làm gì thì làm, muốn đày đọa như thế nào thì đày đọa. Đó là lời từ Đạo Đức Kinh. Sau đó, Đạo Đức Kinh còn có thêm một câu nữa là “Thánh nhân bất nhân”. Bất nhân là inhuman. “Thánh nhân bất nhân, thị vạn vật như sô cẩu”. Tại sao thiên địa bất nhân rồi mà thánh nhân cũng bất nhân? Thánh nhân là các bậc thánh. Mình đã có trí tuệ, đã có từ bi, mình là bậc thánh, tại sao mình cũng bất nhân? Thánh nhân đây có thể là để chỉ cho những ông vua. Bởi vì thông điệp của vua gọi là thánh chỉ, đạo dụ của vua gọi là thánh dụ và thân thể của vua gọi là thánh thể. Tại vì thánh nhân là ông vua, dù là vua Nghiêu, vua Thuấn hay vua Trụ thì cũng là một thứ Thượng đế trong phạm vi loài người. Và trong chương trình của ông vua cũng có những mục như xây Vạn Lý Trường Thành hay xây Kim Tự Tháp, hoặc quyết định đem quân đi xâm phạm một nước láng giềng. Tất cả những quyết định đó làm rơi rụng xương máu của biết bao nhiêu là thần dân, trong khi đó thánh nhân đã nhân danh tổ quốc, nhân danh hạnh phúc cho muôn loại.

Một em bé lớn lên không biết cha mình là ai, mẹ mình là ai, không biết được gốc gác mình thì em bé cảm thấy lạc lõng. Em bé không thấy mình thuộc về nguồn gốc nào cả. Em bé cũng có thể phẫn uất nói tại sao những em bé khác có cha, có mẹ, có gốc gác văn hóa mà mình không có? Và ai là người chịu trách nhiệm? Nói Thượng đế chịu trách nhiệm về tất cả những cái đó thì tại sao một người, một nhân vật, một vị thần linh như Thượng đế lại có thể để cho những cái bất công ghê gớm như vậy xảy ra? Có những nước sống thanh bình trăm năm này qua trăm năm khác. Có những nước luôn luôn bị xâm chiếm, bị đô hộ cả ngàn năm. Tại sao có thân phận nhược tiểu? Đó là những câu hỏi mà người ta có thể hỏi Thượng đế. Có những cô gái sinh ra không có nhan sắc, nhìn chị em, thấy chị em có nhan sắc, nhìn vào gương lấy làm tủi, trách móc cha mẹ không được, trách móc xã hội cũng không được thì chỉ biết trách móc ông trời mà thôi. Ngày xưa, vào khoảng những năm 1960 có một tập thơ xuất hiện ở thị trường Sài Gòn với nhan đề “Em là gái trời bắt xấu.” Thi sĩ Victor Hugo của Pháp trong một bài thơ viết về cái chết của đứa con gái yêu là Léopoldine cũng có nói rằng loài người chỉ có thể trông thấy được một phần nhỏ của sự việc và loài người không thể nào hiểu được, tại vì phần kia nó chìm trong bí mật, chỉ có Thượng đế mới hiểu mà thôi. Cho nên mình phải bằng lòng với sự ngu dốt của mình và mình phải chấp nhận rằng tất cả những gì xảy ra nằm trong chương trình của Thượng đế. Nếu ta phải đau khổ là tại vì Thượng đế muốn ta đau khổ, để chúng ta có thể lớn lên trong quá trình đau khổ đó. Ông viết như thế này: “Lạy Thượng đế, con tới với Ngài là một đấng mà tất cả mọi người đều phải tin tưởng. Con đến đây đặt trái tim đã tan nát của con trước mặt Thượng đế. Và chính Thượng đế đã đập nát trái tim của con. Con đến đây, trước mặt Thượng đế, công nhận rằng Thượng đế là nhân từ, Thượng đế là rộng lượng. Con phải tỏ lộ với tâm con là chỉ có Thượng đế mới biết rõ được những cái Thượng đế đang làm, con người chẳng qua chỉ là một cọng lau sậy phất phơ bay trong gió. Con người chỉ có thể thấy được một đầu của sự vật thôi và đầu kia lại chìm trong đêm tối hãi hùng không ai có thể thấy được. Con người phải gánh chịu những tai ương ách nạn mà không biết tại sao mình phải gánh chịu những tai ương ách nạn đó. Tất cả những gì mà con người nhận thức đều vô thường và đều mong manh”. Đó là những lời than thở của thi sĩ Pháp khi phải gánh chịu cái chết của cô con gái đang còn trẻ.

Cha Ăn Mặn Con Khát Nước

Ở trong đạo Bụt, khi được hỏi tại sao những người ác độc vẫn sống phây phây và những người nhân từ lại khổ đau thì có nhiều vị pháp sư trả lời: “Đó là tại vì những người đang đau khổ ấy tuy bây giờ hiền lành nhưng trong kiếp trước đã làm những điều dữ. Nếu có những người dữ đang sống phây phây bây giờ là vì trong kiếp trước họ đã biết làm điều lành.” Nói như vậy để chúng ta có thể chấp nhận được khổ đau của chúng ta. “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”. Muốn biết những cái nhân của kiếp trước mình gây tốt hay không, thì mình chỉ cần nhìn những kết quả mà mình thu nhận trong đời sống ngày hôm nay. Nếu mình bây giờ có hạnh phúc, được đoàn tụ gia đình, có công ăn việc làm đàng hoàng, thiên hạ đối xử với mình tử tế, mình không bị bệnh tật là tại vì sao? Nhìn vào những cái mà mình thọ hưởng ngày hôm nay, mình biết ngày xưa mình đã gây ra những nhân tốt. Còn nếu nhìn vào những cái khổ đau trong đời sống bây giờ, mình biết rằng tại vì trong quá khứ, trong đời trước, mình đã làm những việc ác đức.

Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thọ giả thị

Đó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao người ác độc vẫn sống phây phây, còn người hiền lành thì tiếp tục chịu đau khổ.

Dục tri lai thế quả
Kim sinh tác giả thị

Nếu muốn biết rằng đời sau mình có được hạnh phúc hay không, nếu muốn biết cái quả của đời vị lai thì mình chỉ cần nhìn vào những hành động của ngày hôm nay. Kim sinh tác giả thị là những cái gì mình tạo tác ra trong đời sống hiện tại. Nếu trong đời này mình làm những chuyện thất đức thì kiếp sau mình sẽ khổ đau, mình sẽ lãnh đủ. Đó là cách giải thích cho những người quá đau khổ để họ có thể chấp nhận được số phận của họ: “Tại vì trong quá khứ ta đã làm những chuyện thất đức, vì vậy hôm nay ta phải ráng chịu, và tìm cách làm ra những nhân tốt để cho đời sau ta sẽ có hạnh phúc hơn”. Lối giải thích đó tuy cũng đúng với luật nhân quả nhưng chỉ đúng có một phần nào thôi. Tại sao? Cố nhiên theo luật nhân quả: trồng ngô thì hái ngô, trồng đậu thì hái đậu, gieo gió thì gặt bão. Nếu quá khứ làm nhân ác độc thì bây giờ phải chịu quả khổ đau. Nếu bây giờ làm nhân lành thì kiếp sau sẽ được hưởng quả tốt đẹp. Vậy tại sao không nói là đúng hết mà chỉ nói đúng một phần ? Đúng một phần là tại vì lối giải thích về nhân quả này còn vướng vào ý niệm ngã. Vì vậy lối giải thích ấy chưa phải là nhân quả đích thực của đạo Bụt. Đạo lý nhân quả đích thực của đạo Bụt phải đi đôi với giáo lý vô ngã. Khi ta hiểu được giáo lý vô ngã theo nguyên lý vô ngã, khi ta hiểu được giáo lý nhân quả trong ánh sáng của vô ngã, thì lúc đó ta mới bắt đầu hiểu được thực sự tại sao cha ăn mặn mà con lại khát nước. Tại vì cha ăn mặn mà con khát nước cũng là một sự thật. Người này làm mà người kia chịu, như vậy nó có phải là một điều trái chống với lý nhân quả không? Không, nó không trái chống với lý nhân quả, nó đúng là lý nhân quả trong đạo lý vô ngã, tại vì cha với con không phải là hai thực thể riêng biệt. Cha với con cùng chung một dòng sinh mạng, vì vậy cho nên những điều gì mà cha ông ta làm ngày xưa, bây giờ ta sẽ tiếp tục thừa hưởng hoặc lãnh đủ. Có thể ta không biết nhưng mỗi khi ta hút một điếu thuốc hay uống một ly rượu, thì hành động này chắc chắn là có tác động tới cháu chắt của ta trong nhiều đời về sau. Khi được thừa hưởng một cơ thể lành mạnh không bệnh tật, chúng ta đừng nói rằng cái đó là chỉ do kiếp trước ta đã trồng những nhân tốt cho nên trong kiếp này ta được thừa hưởng một thân thể lành mạnh không có tật bệnh. Có những em bé mới sinh ra đã có một cái cơ thể bèo nhèo rất tội nghiệp. Nếu nói rằng vì kiếp trước em đã làm ác nên kiếp này em mới khổ như vậy thì chúng ta tàn nhẫn quá. Trong sự thật “cha ăn mặn, con khát nước”  vừa có lý nhân quả vừa có lý vô ngã. Nếu ngày hôm nay ta được thừa hưởng một cơ thể lành mạnh không bệnh tật thì ta biết rằng đó là nhờ cha, nhờ mẹ, nhờ ông nội, nhờ bà nội, ông ngoại, bà ngoại và những thế hệ khác đã sống như thế nào, đã giữ gìn cơ thể họ như thế nào nên hôm nay ta mới có được cơ thể này. Vì vậy không phải chỉ có ta gieo hạt trong quá khứ mà ông cha chúng ta cũng đã gieo hạt trong quá khứ. Như vậy cũng có nghĩa ông cha ta tức là ta, ta là sự tiếp nối của ông cha. Đây là đạo lý vô ngã.

Thi sĩ Nguyễn Du chẳng hạn, đã viết nhiều tác phẩm trong đó có truyện Kiều. Hồi đó người Việt chưa có đức tin mãnh liệt nơi ngôn ngữ Việt. Người ta nghĩ rằng chỉ có chữ Hán mới có thể diễn tả được những cái sâu sắc nhất của tâm tư và nhiều học giả chỉ làm thơ chữ Hán. Nhưng có những người như thi sĩ Nguyễn Du lại có đức tin rất vững nơi tiếng Việt. Vì vậy họ đã sáng tác bằng tiếng Việt và gởi tất cả tâm hồn mình vào tác phẩm. Thi sĩ Nguyễn Du sáng tác cho ai? Cái nhân đó, cái hạt giống đó gieo xuống cho ai, để cho kiếp sau thi sĩ được hạnh phúc hay là để cho cả dân tộc được thừa hưởng? Trong ánh sáng của đạo lý vô ngã, Nguyễn Du không có một cái ngã riêng biệt. Cái ngã của Nguyễn Du là cái ngã của con cháu Nguyễn Du ngày hôm nay. Vì vậy, nếu ngày hôm nay những người trẻ có đức tin nơi tiếng Việt, cái đó không phải chỉ vì những người trẻ đó đã trồng nhân lành quá khứ, mà tại vì họ đã có những bậc cha ông biết gieo những nhân lành. Cho nên khi gánh chịu một khổ đau, ta phải thấy rằng khổ đau này là ta đang gánh chịu cho cả dòng họ, cho cả dân tộc ta. Khi thấy như vậy thì ta sẽ đỡ đau khổ nhiều lắm, và trong khi gánh chịu ta có thể có rất nhiều nghị lực và nhiều niềm vui vì ta đang gánh chịu với tình thương và trách nhiệm của một thành phần trong dòng sinh mạng. Trong khi chùi cầu tiêu, sư chú biết rằng sư em mình đang nói pháp thoại trên thiền đường. Tuy vậy, sư chú vẫn chùi cầu tiêu một cách rất hạnh phúc, và thấy rằng việc chùi cầu tiêu là một việc rất cao cả, quan trọng không thua gì việc nói pháp thoại. Sư chú biết rằng nhờ sư chú đang chùi cầu tiêu nên sư em mới có cơ hội để nói pháp thoại. Như vậy chùi cầu tiêu là một hình thức nói pháp thoại. Trong khi sư em mình nói pháp thoại có lợi lạc cho sư em và cho những người khác, thì sư chú chùi cầu tiêu cũng có rất nhiều lợi lạc và cũng đem lợi lạc này lại cho rất nhiều người. Vì vậy không có sự kỳ thị giữa việc chùi cầu tiêu và việc nói pháp thoại. Đó là vô ngã. Ta biết rằng đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã thành Bụt từ vô lượng kiếp rồi, nhưng trong pháp hội của Bụt Thích Ca, đức Quan Âm vẫn đóng vai trò của một người đệ tử. Chúng ta biết rằng Bụt Thích Ca cũng có thể làm chuyện đó. Có thể trong một hoàn cảnh khác, đức Quan Thế Âm Bồ Tát đóng vai trò của một bậc Chúng Trung Tôn và Bụt Thích Ca Mâu Ni lại đóng vai trò của một người đệ tử. Tất cả đều là thị hiện. Thị hiện trong tuệ giác tôi với anh không phải là hai thực thể: anh làm chuyện này, tôi làm chuyện khác; anh vo gạo, tôi rửa bát, tất cả đều mầu nhiệm như nhau. Vì vậy cho nên dù ngồi trên pháp tọa hay đang làm vua thì mình cũng không thấy mình bị tách rời ra khỏi những thực thể khác ở chung quanh mình.

Vì vậy mình có khả năng hạnh phúc và nếu cần đau khổ mình cũng có thể chấp nhận được, tại vì mình đang gánh chịu cho anh mình, cho chị mình, cho em mình, cho dân tộc, cho dòng họ của mình. Đó là nhẫn. Nhẫn tức là có một trái tim rất lớn có thể chứa đựng được những cái mà những trái tim khác không thể chứa đựng. “Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”, đó là một câu ở trong truyện Quan Âm Thị Kính. Chứa đựng những cái không thể chứa đựng được, đó mới gọi là chân tu. Mà tại sao trái tim mình đã lớn lên được tới cái mức đó, có thể chứa đựng được tất cả những đau khổ, những bất công như thế? Đó là tại vì mình đã có dụng cụ của sự quán chiếu. Dụng cụ của sự quán chiếu ấy tháo tung được trái tim mình ra và làm cho trái tim mình có thể ôm trọn cả được thái hư. Còn nếu không thì mình vẫn còn trách trời, trách đất, nguyền rủa thiên địa, nguyền rủa chính quyền, nguyền rủa xã hội, nguyền rủa cha mẹ, nguyền rủa đủ thứ và mình tiếp tục đau khổ.

Hãy Gọi Đúng Tên Tôi

Khi em bé thuyền nhân bị hãm hiếp trên Vịnh Thái Lan nhảy xuống biển tự tử, người cha của em bé đau khổ vô cùng. Người cha đó tới can thiệp nhưng đã bị những tên cướp biển đánh cho bị thương tích, quỵ xuống không làm gì được và cuối cùng phải tận mắt chứng kiến cảnh con gái mình bị hãm hiếp. Đó là một oan ức lớn và hận thù cao ngút. Hận thù là một khối đau rất lớn. Đó là địa ngục, đó là lửa cháy. Càng đau khổ thì càng hận thù và càng bị oan ức thì hận thù càng lớn. Chữ oan biến thành chữ oán, chỉ cần thêm một dấu sắc. Khi ta cảm thấy bị oan ức thì ta dễ sinh tâm oán hận. Và khi có oán hận trong lòng thì trái tim bốc cháy và ta càng đau khổ hơn. Vì vậy cho nên ta phải thực tập Nhẫn Ba La Mật. Nhẫn Ba La Mật không phải là sự đè nén mà là sự quán chiếu. Buổi chiều hôm đó, sau khi được tin em bé nhảy xuống biển, tôi đã không ăn cơm được. Tôi đi thơ thẩn vào rừng, trái tim đầy khổ đau, đầy phẫn uất. Đêm đó, trong giờ thiền quán, tôi thấy tôi là người hải tặc được sinh ra ở miền duyên hải Vịnh Thái Lan. Tôi thấy tôi là một em bé trai được sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo. Cha tôi là một ngư phủ, dốt nát không biết chữ, đêm nào cũng say rượu và về đánh đập vợ. Mẹ tôi là một người đàn bà không có học thức, không biết cách nuôi con, cứ để tôi lêu lổng chơi bời với những đứa trẻ hàng xóm không có giáo dục. Từ mười lăm, mười sáu tuổi, tôi đã phải theo cha ra biển để đánh cá. Cuộc sống rất khó khăn, nghèo khổ. Dòng họ của tôi, bao nhiêu đời rồi, đã từng sống một cuộc sống nghèo khó như vậy. Thành ra sau khi cha tôi mất, tôi phải đi ra làm nghề biển. Rồi một hôm đó, một vài người đồng nghiệp nói với tôi: “Có những người thuyền nhân vượt biển mang theo vàng, mình chỉ cần đi ăn cướp một chuyến thôi là mình có thể tự giải phóng mình ra khỏi thân phận nghèo đói và khổ đau đã kéo dài trong bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp.” Nghe lời mấy kẻ đó, tôi tự nói: “Một lần thôi nhé”, và tôi đã đi theo những tên hải tặc khác. Khi ra tới biển khơi đón đường một chiếc thuyền, chúng tôi đã không cướp bóc được gì. Không ai có vàng. Người ta phải lấy áo, lấy quần, lấy dây chuyền của những người thuyền nhân. Rốt cuộc tôi thấy một đứa bạn, cũng làm nghề đánh cá, hãm hiếp một cô bé. Nhìn quanh tôi thấy không có ai, không có cảnh sát, tôi nghĩ rằng ở đây không có ai thấy ai biết và tôi đã bắt chước bạn tôi hãm hiếp cô bé. Tôi nói: “Chỉ một lần thôi.” Bấy giờ, nếu anh có súng, anh sẽ bắn tôi chết và anh hất tôi xuống biển sâu. Tôi chết thì cũng vậy thôi. Từ khi tôi sanh ra tới giờ, đâu có ai dạy cho tôi biết thương, biết yêu và biết quán chiếu. Chưa ai dạy tôi làm thế nào để thoát ra khỏi thân phận nghèo đói và áp bức của một kiếp người. Chưa ai tìm cách mở trái tim của tôi ra để cho tôi biết thương và biết cảm. Vì vậy, nếu anh giết tôi thì tôi chết thôi. Anh cũng không giúp được tôi. Trong giờ thiền quán, tôi đã thấy như vậy và tự nhiên bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu trách móc đối với người hải tặc đó tan biến hết. Cũng trong buổi thiền quán đó, tôi thấy được hàng trăm em bé đang sinh ra rải rác trên miền duyên hải Thái Lan. Tôi biết rằng những em bé này nếu không có ai dạy, không có ai thương, không có ai chăm sóc; nếu các nhà văn hóa, các nhà giáo dục, các nhà kinh tế và các nhà chính trị tiếp tục bỏ bê các em thì hai mươi năm sau, có nhiều đứa trong số đó sẽ trở nên hải tặc. Chúng ta đã cùng với nhau tạo nên những tên hải tặc. Chúng ta chịu trách nhiệm về cái chết của em bé gái, không phải chỉ riêng người hải tặc kia. Đó là quán chiếu theo lý vô ngã. Nếu không quán chiếu theo lý vô ngã thì ta sẽ đổ tội một trăm phần trăm cho tên hải tặc. Nhưng nếu chúng ta đã được sanh ra trong gia đình tên hải tặc đó, đã được nuôi nấng, được giáo dục theo cách đó thì lớn lên chúng ta sẽ trở thành một tên hải tặc như nó. Vì vậy cho nên nó không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm mà chúng ta cũng liên đới chịu trách nhiệm. Chúng ta, ở gần hay ở xa, khi thấy bi kịch đó, hãy nói lên được và kêu gọi dư luận thế giới làm thế nào để ngăn ngừa không cho những em bé sanh ra tối hôm nay, hai mươi năm sau trở thành một tên hải tặc. Đó là bổn phận của tất cả chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta quán chiếu và thấy được nguyên do tại sao những người tàn bạo kia đã làm như vậy thì lửa hận thù, lửa hờn oán trong ta mới bắt đầu lắng xuống và tiêu diệt. Chỉ lúc đó, giọt nước thanh lương trong trái tim mới có thể ứa ra và ta cảm thấy êm dịu, dễ chịu. Trong Thánh Kinh có lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin Cha tha cho người đó, bởi vì người đó không biết họ đang làm gì”. Đúng như vậy. Nếu người ta nói điều ác, nếu người ta làm điều ác, đó là vì người ta vô minh và không có chánh niệm. Người ta không biết rằng lời nói đó hay hành động đó đang gây ra đau khổ cho người khác và cho chính mình. Một em bé bắt một con bướm cầm trong hai tay và xé con bướm ra làm hai mảnh. “Này bé, có phải em ác độc không?” Đó là câu hỏi. Trẻ em có thể chơi ác như vậy. Có một hôm, tôi nói với một em bé: “Con có biết rằng con bướm này nó có anh, có chị, có mẹ, có cha hay không? Con hãy tưởng tượng tối nay con bướm nó không về nhà thì anh chị nó sẽ lo lắng như thế nào? Mẹ nó sẽ lo lắng như thế nào? Cha nó sẽ lo lắng như thế nào?” Em bé hiểu. Từ đó, em bé không còn bắt bướm xé ra thành hai mảnh nữa và mỗi khi đi chơi với Sư Ông gặp một con sên, thay vì đạp lên thì bé cúi xuống nâng con sên lên để vào trong bụi cây và nói: “Nếu không thì nó sẽ bị người ta đạp và tối nay nó về nhà với ba má nó không được.” Đó là cái thấy. Cái thấy đó làm cho trái tim ta lớn lên, làm cho tình yêu trở nên một cái gì có thật.

Vì vậy cho nên tu là quán chiếu. Quán chiếu nghĩa là thiền tập. Nếu anh lo tu tạo công đức mà không thực tập quán chiếu thì công đức đó sẽ không phải là công đức đích thực. Năng lượng dùng để quán chiếu là chánh niệm, tại vì không có niệm thì không có định, mà không có định thì không thể nào quán chiếu. Cho nên trong khi ăn, uống, đi, ngồi, ta phải chế tác chánh niệm. Cố nhiên phải nấu cơm ta mới có cơm ăn. Người đời nấu cơm là để có cơm ăn thôi. Còn chúng ta, người tu, nấu cơm không phải chỉ là để có cơm. Hành động nấu cơm của chúng ta phải là hành động quán chiếu, cho nên ta phải nấu cơm trong chánh niệm. Đó là chìa khóa của tất cả mọi thành công.

Giải Oan

Đọc truyện Thúy Kiều, chúng ta rất thương cô nàng long đong mười lăm năm lưu lạc. Thúy Kiều đã đau khổ vô cùng. Và Thúy Kiều, có khi cũng làm như mẹ, cô ngửng mặt lên trời để hỏi: “Tại sao thân phận của con như vậy, hai lần làm đầy tớ, hai lần làm gái giang hồ, bị dày xéo, đánh đập và hành hạ đủ cách?” Ai gây ra những khổ đau đó cho Thúy Kiều? Thúy Kiều chịu khổ vì ai? Cố nhiên có thể là vì xã hội bất công và có thể là vì cha ông đã từng gieo những hạt giống không lành trong quá khứ, nhưng chính Thúy Kiều cũng chứa chấp trong lòng những vô minh, những hận thù và những dại dột. Chúng ta biết rằng sau khi Từ Hải trở nên một vị tiểu vương hùng cứ một địa phương, Thúy Kiều đã được Từ Hải rước về và hạnh phúc gần như được coi là hoàn toàn. Một gái thanh lâu, một con thanh y bị người khác hành hạ bây giờ đã trở nên một bà mệnh phụ có quyền uy rất lớn. Nhưng trong địa vị đó, Thúy Kiều vẫn không có hạnh phúc, vẫn tiếp tục đau khổ, vì Thúy Kiều vẫn còn cảm thấy nỗi oan ức canh cánh trong lòng. Ngày xưa đã là nạn nhân của Tú Bà và Mã Giám Sinh, sau này nàng còn là nạn nhân của Bạc Hạnh, Bạc Bà, Ưng, Khuyển và Sở Khanh. Bao nhiêu người đã làm tình làm tội, đã dày xéo lên trên cuộc đời của nàng. Cho nên một hôm Thúy Kiều năn nỉ với Từ Hải: “Làm sao Tướng công cho người đi bắt hết tất cả những người đã làm khổ em trong quá khứ đem về đây cho em trừng trị.” Từ Hải vì thương Kiều quá nên đã chiều theo. Ông ta cho một đạo quân đi bắt hết tất cả những người đã làm khổ Kiều, từ Tú Bà, Mã Giám Sinh cho đến Bạc Hạnh, Bạc Bà, Khuyển và Ưng. Thúy Kiều cũng đã nói: “Có những người đã làm ơn cho em ngày xưa thì cũng xin Tướng công mời về để em có thể trả ơn.” Trong số những người mà Thúy Kiều mời về để trả ơn, có ni sư Giác Duyên là người đã cho Thúy Kiều tỵ nạn một thời gian dưới hình thức sư cô ở chùa Chiêu Ẩn và một bà quản gia. Bà quản gia này đã săn sóc những vết thương của Thúy Kiều sau khi Thúy Kiều bị đánh đập, đã từng sắc thuốc cho Thúy Kiều uống để lấy lại sức khỏe. Vì vậy Thúy Kiều đã mời hai người ấy về, và sẵn có vàng có ngọc, có lụa là trong cung, Thúy Kiều đã đem ra tặng hai người. Trong khi đó, một dãy tội phạm kia được dẫn tới. Thúy Kiều nói: “Nhìn lên đây. Quý vị có thấy ai đây không? Quý vị có thấy đây là cái người mà quý vị đã từng làm tình làm tội, là người mà quý vị đã từng đánh từng đập và hành hạ trong quá khứ?” Mọi người đều hoảng hốt và sợ hãi tại vì “không ngờ con nhỏ đó bây giờ làm lớn quá và giờ đây bị nó bắt về thì thôi, chắc là mình chết.” Thúy Kiều đã ra lệnh là người nào ngày xưa thề bồi như thế nào thì bây giờ bị trừng phạt như thế đó. Đó là sự trả thù của Thúy Kiều. Trong con người của Thúy Kiều còn nhiều hạt giống của vô minh và ác độc có thể là đã được thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ hay là từ quan điểm về công bình xã hội của giai cấp như trong xã hội của Thúy Kiều.

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà
Bên là Ưng Khuyển, bên là Sở Khanh
Tú Bà với Mã Giám Sinh
Các tên tội ấy đáng tình còn sao?
Lệnh trên truyền xuống khai đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình
Máu rơi thịt nát tan tành
Ai trông thấy cũng hồn kinh phách rời.

Thúy Kiều chịu được cảnh trả thù. Quý vị khi bắt được những người đã làm khổ mình trong quá khứ, quý vị có khả năng ngồi nhìn những người đó bị hành hình như vậy hay không? Nàng Thúy Kiều của chúng ta đã ngồi để chứng kiến sự đau khổ của những kẻ thù mình. Hèn gì con người đó đã phải gánh chịu biết bao nhiêu là đau khổ trong vòng mười lăm năm. Thời gian mà Kiều tu với sư chị Giác Duyên tại chùa Chiêu Ẩn chẳng qua chỉ là thời gian tỵ nạn thôi, chứ chưa phải là tu hành đàng hoàng. Mười lăm năm sau, sau khi đã nếm đau khổ đến chỗ cùng cực, rồi nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử và được sư chị vớt lên, Kiều mới thực sự tu hành nghiêm chỉnh. Và tu hành chỉ một thời gian ngắn thôi, Trạc Tuyền đã có thể chuyển hóa. Đó là vì bây giờ sư cô tu thiệt, còn trước đó sư cô tu là để tỵ nạn thôi. Oan, tiếng Anh là injustice. Oan là một sợi dây trói mình, xiết chặt mình lại; mình đau khổ và rên siết trong sợi dây oan nghiệt đó. Chừng nào mình còn cảm thấy oan thì chừng đó mình còn cảm thấy đau khổ. Mình cảm thấy mình có nhu yếu cần phải giải oan. Giải oan tức là mở nỗi oan ra. Giải oan là một danh từ được sử dụng rất nhiều ở Việt Nam. Ở dưới chân núi Yên Tử có dòng Giải Oan. Ở trên chùa Hương cũng có chùa Giải Oan. Chúng ta đi chùa cầu Bụt và các vị Bồ Tát để giải oan. Chúng ta thiết lập những đàn tràng để giải oan, gọi là Đàn Giải Oan. Chúng ta ra biển làm lễ vớt những vong hồn của các thuyền nhân bị đắm trên biển cả, chúng ta tụng kinh siêu độ, chúng ta thí thực và chúng ta giải oan là tại vì chỉ khi nào cái oan của mình được giải thì mình mới có hạnh phúc. Nhưng ai là người giải oan được cho mình bây giờ? Thúy Kiều đã nhờ Từ Hải giải oan cho nàng. Thúy Kiều đã trông cậy vào một thế lực chính trị, một thế lực quân sự để mà giải oan. Chúng ta có thể đi tìm những phương tiện quân sự và chính trị để giải oan. Nhưng trong trường hợp của Thúy Kiều, oan kia không biết đã giải được hay không mà lúc ấy Thúy Kiều đã tạo thêm ra những tội trạng. Thúy Kiều không thấy rằng nếu Tú Bà và Mã Giám Sinh làm như vậy là vì xã hội đã dung dưỡng những thành phần như vậy. Tú Bà và Mã Giám Sinh làm nghề chứa gái điếm là một trong những nghề làm được rất nhiều tiền. Có thể là Tú Bà và Mã Giám Sinh không có nghề nào khác hơn, và không ai giúp cho họ có một nghề lương thiện hơn. Vì vậy Tú Bà và Mã Giám Sinh cũng là nạn nhân của xã hội như Thúy Kiều. Không những Thúy Kiều cần phải giải oan, mà Tú Bà và Mã Giám Sinh cũng cần được giải oan. Tại sao phải đi làm nghề đó? Ai đặt Tú Bà và Mã Giám Sinh vào hoàn cảnh đó nếu không phải là xã hội, nếu không phải là hạt giống của cha ông? Cho nên Tú Bà với Mã Giám Sinh cũng là nạn nhân như Thúy Kiều. Nếu chúng ta thương Thúy Kiều thì tại sao trái tim của chúng ta không mở rộng hơn lên để có thể thương được Mã Giám Sinh và Tú Bà? Tất cả những người đang ngồi trong tù vì đã làm những hành động bạo động trong xã hội, những người đó cần bị trừng phạt hay là cần được giúp đỡ? Quán chiếu theo đạo lý duyên sinh và vô ngã của đạo Bụt, chúng ta thấy rằng tất cả những người đang bị giam giữ trong tù đều là những người cần được giúp đỡ, cần được thương yêu. Họ là những người cần được thương yêu hơn là những người khác. Họ đã thiếu thương yêu và thiếu hiểu biết, cho nên họ đã làm giống như em bé cầm một con bướm xé ra làm hai mà không thấy trái tim rung động gì hết. “Lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho kẻ kia tại vì kẻ kia không biết họ đang làm gì.”  Cái gì đã xui khiến kẻ kia làm ra điều ác đó? Cái đó là vô minh. Vì ngu dốt và vì không có tình thương cho nên kẻ kia đã làm như vậy. Vì thế, cái mà kẻ kia cần là một ít tình thương và một ít trí tuệ. Nếu họ có một ít tình thương và một ít trí tuệ thì họ sẽ không làm như vậy. Tình thương và trí tuệ là hai tặng phẩm lớn nhất và quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho đời, nhất là những người cần được tiếp nhận hai chất liệu đó. Nhốt một người bạo động lại là chuyện bất đắc dĩ để người ấy đừng tiếp tục giết người, đánh người và đốt nhà. Chúng ta phải có lòng thương. Tuy nhốt người ấy lại nhưng ta phải làm thế nào để cho người ấy đừng phát điên và có cơ hội để có thể học, có thể thực tập, có thể mở được trái tim và có thể thấy được một hướng đi trong cuộc đời. Chúng ta phải có một chương trình thương yêu những người bị giam giữ. Cũng vì vậy cho nên sự có mặt của các sư cô, sư chú đến thăm viếng các trại giam là chuyện rất quan trọng. Chúng ta không thể chỉ giao phó số mạng của những người bị giam giữ cho những ông cai tù, tại vì những ông đó có thể chưa biết thương, chưa biết hiểu. Những thiếu niên phạm pháp, chúng ta đâu có muốn nhốt các em lại. Nhốt các em lại là chuyện bất đắc dĩ để các em đừng tiếp tục phạm pháp. Nhưng chúng ta phải có chương trình để giúp các em thoát ra khỏi tình trạng trái tim trở thành một thoi sắt và trí tuệ trở thành một tảng đá. Ai là người có thể giúp được các em để các em có chất liệu của hiểu biết và thương yêu nếu không phải là những người đã thực tập hiểu biết và thương yêu? Cho nên chúng ta phải có mặt. Chúng ta thương ai? Chúng ta thương thầy, thương bạn, thương cha và thương mẹ. Điều đó rất đúng, nhưng có thể những người đó ít cần tình thương của chúng ta hơn là những người ác độc kia. Thúy Kiều đã không có cái nhìn như vậy. Thúy Kiều đã không thấy được Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh và Bạc Bà cũng đều là nạn nhân như là Thúy Kiều vậy. Chính những người đó cần được giúp đỡ. Nếu Thúy Kiều có được từ bi, có được trí tuệ thì sau khi mời những người đó về, Thúy Kiều sẽ cho họ gia nhập một khóa tu mười ngày hay là hai mươi ngày.

Quý vị đừng tưởng Thúy Kiều đã chết. Thúy Kiều đang còn sống, đang còn ngồi đó giữa chúng ta ngay trong ngày hôm nay. Không trễ đâu. Khi Thúy Kiều đã có chương trình giúp cho người thù trong quá khứ, để những người này có thể tu học được một khóa mười ngày hay là hai mươi ngày thì trái tim của Thúy Kiều đã mở ra rồi. Từ Hải không thể nào giải oan được cho Thúy Kiều. Giải pháp quân sự, giải pháp bạo động và giải pháp chính trị không đủ để giải oan cho chúng ta với tư cách một cá nhân, một dòng họ, một gia đình và một dân tộc. Chúng ta phải tự giải oan lấy cho mình bằng phương pháp thực tập. Chỉ khi nào trí tuệ bừng nở và cam lộ của từ bi ứa ra trong trái tim, thì lúc đó oan ức của chúng ta mới bắt đầu dịu lại và chúng ta mới được chuyển hóa thật sự. Đừng mong ước giải oan bằng những phương tiện quân sự hay chính trị. Đừng mong ước giải oan bằng một thế lực ngoài ta, dù đó là Thượng đế, là Bụt hay là Bồ tát. Nếu quán chiếu sâu sắc thì chúng ta thấy rằng Thượng đế chính là ta, Bụt chính là ta, Bồ tát chính là ta và cái năng lượng kia chúng ta phải sử dụng trong tâm ta để ta có thể thực sự giải oan cho ta. Tất cả mọi người hôm nay ngồi đây ít nhiều cũng đã bị oan ức trong quá khứ, đã bị dèm pha, đã bị ganh ghét và đã bị vu oan giá họa. Nếu nỗi oan trong lòng ta chưa tiêu thì ta biết rằng ta phải thực tập. Một tờ báo, một bài báo hay là một lời xin lỗi không đủ để giải tỏa những nỗi oan cừu đó. Muốn thực sự giải tỏa những nỗi oan cừu đó và những nỗi khổ đau đó thì chúng ta phải thực tập Nhẫn Ba La Mật. Nghĩa là chúng ta phải làm thế nào cho trái tim ta lớn lên và trí tuệ ta lớn lên để trái tim chúng ta có thể đi về hướng trái tim Đức Thế Tôn. Chúng ta có khả năng ôm được, chứa đựng được những niềm đau nỗi khổ đó và chứa đựng luôn được cái người, ngày xưa hoặc bây giờ, đang làm cho ta đau khổ. Và nếu trái tim ta đã lớn thì những cái kia không còn đủ sức làm cho chúng ta đau khổ nữa. Một đêm quán chiếu làm cho trái tim mình mở ra, làm cho người hải tặc kia không còn là kẻ thù của mình mà trở thành một người thương của mình. Người hải tặc phải là một người cần được giúp đỡ. Và những người hải tặc trong tương lai mình phải thấy ngay từ bây giờ, để mình có thể giúp đỡ và để cho ngày mai em bé trai sinh ra đêm nay sẽ không trở nên hải tặc. Đó là cái thấy của sự quán chiếu và đó là lòng từ bi. Tình thương là một cái gì không thể có nếu không có sự quán chiếu. Vì vậy cho nên nói bi tức là nói trí và nói trí tức là nói bi, hai cái không thể tách rời nhau.

Sinh Nhẫn Và Pháp Nhẫn

Hôm trước chúng ta đã học về hai loại nhẫn tức là nhẫn thế gian và nhẫn xuất thế gian. Hôm nay chúng ta học về hai cái nhẫn khác là sinh nhẫn và pháp nhẫn. Sinh tức là chúng sinh. Trước hết là loài người, tức là loài làm ta khổ đau nhiều nhất. Các loài khác như loài vi trùng hay là loài cọp beo cũng làm ta khổ, nhưng không làm cho ta cay đắng quằn quại như loài người. Sinh nhẫn tức là nhẫn chúng sinh. Nếu cha mẹ mình làm khổ mình thì cha mẹ mình cũng là chúng sinh, mình phải làm thế nào để có thể ôm được cha mẹ, hiểu được cha mẹ và thương được cha mẹ, đó gọi là sinh nhẫn. Nếu con mình làm khổ mình thì mình phải thực tập như thế nào để con mình hiểu được mình, để trái tim mình lớn lên và ôm được con mình, mình không còn giữ ý muốn từ con mình nữa tại vì con mình cũng là một chúng sinh, đó gọi là sinh nhẫn. Nếu giai cấp kia đàn áp, bóc lột mình và mình đau khổ cùng cực, thì mình phải làm thế nào để trái tim mình lớn lên và ôm được trọn những người đó, thương được những người đó tại vì những người đó cũng là chúng sinh, đó gọi là sinh nhẫn. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ để cho sự đàn áp và bóc lột tiếp tục. Chúng ta cũng phải làm như là đối với em bé phạm pháp. Hễ em bé phạm pháp thì chúng ta phải bắt nhốt lại và xét xử. Nếu em bé bạo động, bắn người, giết người thì chúng ta phải bắt em bé lại và ngăn không cho em tiếp tục bạo động. Đối với một giai cấp bóc lột và đàn áp chúng ta cũng phải làm như vậy. Chúng ta phải tìm tất cả các biện pháp để có thể ngăn ngừa không cho họ bóc lột và đàn áp. Ta hành động không phải vì hận thù mà vì tình thương, tại vì những người kia cũng đang đau khổ. Họ tuy đứng về một giai cấp phú quí, tư bản và bóc lột nhưng họ cũng đau khổ. Họ không thấy được cái đau khổ của đồng loại và của những giai cấp khác. Vì vậy cho nên trái tim của họ rất cần tình thương và đầu óc của họ rất cần trí tuệ. Và khi ta chấp nhận được họ và ôm được họ rồi, ta sẽ có thể giúp đỡ cho họ có một cái thấy và có một trái tim. Trong khi đó, ta vẫn làm hết sức tất cả những gì ta có thể làm để ngăn chặn không cho họ tiếp tục chuyện bóc lột và đàn áp. Ta hành động nhưng không hành động trên cơ bản căm thù. Ta hành động trên cơ bản tình thương và từ bi. Đó là phương châm của đạo Bụt. Chúng ta có thể tranh đấu trong lãnh vực xã hội, chúng ta có thể tranh đấu trong lĩnh vực kinh tế và chúng ta phải tranh đấu, vì tự do dân chủ không thể nào có được nếu không có sự tranh đấu. Chúng ta quả quyết là điều này nằm trên đường hướng thực tập của chúng ta. Nếu chúng ta tới nước Pháp mà được hưởng quyền tự do và dân chủ ở nước Pháp là tại vì trong quá khứ người Pháp đã đau khổ, đã tranh đấu cho nền dân chủ và tự do của họ. Vì vậy cho nên chúng ta quả quyết rằng muốn có dân chủ, muốn có tự do là phải tranh đấu. Nhưng phương tiện của đạo Bụt để tranh đấu không phải là hận thù, tại vì tranh đấu với một trái tim hận thù thì chúng ta sẽ tạo ra rất nhiều đau khổ, không phải cho những người kia thôi mà còn cho chính chúng ta. Một người có hận thù và đau khổ trong lòng thì có thể mù quáng, có thể gây ra những đau khổ không cần thiết. Trong khi đó thì năng lượng cần thiết cho những người tranh đấu là cái thấy, cái hiểu và cái thương. Cái hiểu và cái thương là hai nguồn năng lượng vô cùng tận, gọi là đại bi và đại trí. Mà đại bi và đại trí đi với đại dũng cho nên các em trong gia đình Phật tử đã học bi, trí và dũng (đại hùng, đại lực, đại từ bi). Chúng ta biết rằng mỗi khi chúng ta có căm thù trong trái tim thì chúng ta nhìn không rõ, chúng ta bị mù quáng. Vì mù quáng, chúng ta hành động sai lầm và gây đau khổ rất nhiều. Cho nên thay vì sử dụng chất liệu hận thù làm năng lượng thì chúng ta dùng một năng lượng khác, đó là năng lượng của tình thương, năng lượng của hiểu biết. Năng lượng hiểu và thương rất mạnh. Năng lượng đó có thể thay đổi được thế giới, có thể thay đổi được trái tim ta.

Chúng ta đã nói tới sinh nhẫn, bây giờ chúng ta nói tới pháp nhẫn. Pháp tức là các pháp. Đại Trí Độ Luận có nói tới hai loại pháp. Trước hết là tâm pháp và hai là sắc pháp. Tâm pháp tức là những trạng thái tâm lý của ta như là: buồn, giận, thất vọng, ganh tị, lo lắng, sợ hãi… tất cả đều thuộc về phạm vi tâm pháp. Làm thế nào để chúng ta có thể ôm được và chuyển hóa những cái đó. Rồi tới những sắc pháp như là: bệnh tật, thiên tai, nước lụt, lửa cháy, nóng, lạnh, tai nạn xe hơi… Tất cả những cái đó chúng ta cũng phải làm thế nào để ôm lấy và chịu đựng được chúng. Chúng ta đã biết rất rõ, chúng ta đã nghe nhiều lần rằng chúng ta chỉ có thể ôm chúng khi nào chúng ta có một trái tim lớn và một nhận thức lớn. Mà muốn có một trái tim lớn và một nhận thức lớn, chúng ta phải thực tập quán chiếu theo tinh thần vô ngã. Vì vậy cho nên vô ngã là chiếc chìa khóa độc nhất vô nhị mà Đức Thế Tôn đã trao truyền cho chúng ta. Nó có thể mở toang ra tất cả những nhà tù chật hẹp, nhà tù của thành kiến, của nghi kỵ và của hận thù. Vô thường và vô ngã là chìa khóa để mở cửa thương yêu. Tuy nhiên cũng trong tác phẩm đó, Đại Trí Độ Luận, có chỗ lại giải thích sinh nhẫn và pháp nhẫn hơi khác. Sinh nhẫn ở đây là tất cả những bức hại, những bức bách và những ác độc của các loại chúng sanh. Nó cũng giống như cách giải thích trước, nhưng đến khi nói tới pháp nhẫn thì pháp ở đây là tất cả các pháp. Tất cả các pháp không những là tâm pháp và sắc pháp, mà trong đó còn có chứa đựng chúng sinh nữa. Nghĩa là cái nhẫn này bao trùm cái nhẫn đầu là sinh nhẫn. Và theo tinh thần đạo Bụt đại thừa thì pháp nhẫn là phép thực tập quán chiếu. Quán chiếu để thấy được tự tính vô ngã và không của mọi pháp. Chỉ khi nào chúng ta quán chiếu được tự tánh vô ngã, tương tức và không của vạn pháp thì chúng ta mới giải oan cho chúng ta được.

Tại sao tuệ giác về vô ngã, và tương tức lại giải oan cho ta được? Quý vị đã biết nguyên tắc “cha ăn mặn, con khát nước”. Người hải tặc kia sở dĩ làm như vậy là vì những nguyên do nào, chúng ta phải quán chiếu. Chúng ta không qui tội vào cho một người, mà chúng ta thấy được tất cả những nguyên do gần xa chằng chịt đã đưa tới cái hiện tượng bức bách, hãm hại và giày xéo kia. Và khi thấy được chúng sanh cũng như thấy được các pháp trong sự liên hệ tương tức của chúng thì tự nhiên trái tim chúng ta mở ra. Chúng ta có thể chứa đựng và ôm lấy được tất cả những gì đang xảy ra cho chúng ta và chúng ta không còn đau khổ. Cũng như là người sư anh trong khi chùi cầu tiêu có cảm giác rất hoan lạc là tại vì biết rằng mình đang làm việc này cho tất cả tăng thân. Nhờ mình đang làm chuyện này cho nên tăng thân mới có thể đang làm chuyện kia và chuyện nọ. Đó là cái nhìn tương tức, đó là cái nhìn vô ngã. Nếu chúng ta không thực tập quán chiếu vô ngã và tương tức thì cái nhẫn của chúng ta chưa phải là Nhẫn Ba La Mật. Trong kinh luận, chúng ta thường nghe lặp đi lặp lại ý “chỉ có quán chiếu tự tánh vô sinh của các pháp mới thực sự là Nhẫn Nhục Ba La Mật”. Vô sinh có nghĩa là không sanh không diệt, cũng có nghĩa là tương tức. Mà bất sinh bất diệt, cũng như tương tức, là những đóa hoa nở trên sự quán chiếu vô ngã. Nắm được vô ngã tức là thấy được vô sinh. Vì vậy cho nên kinh luận nói rằng chỉ có quán chiếu vô sinh mới là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chúng ta lại có một danh từ rất nổi tiếng là “vô sinh pháp nhẫn”. Vô sinh pháp nhẫn tức là cái nhẫn đạt được do quán chiếu tự tánh vô sinh của các pháp.

Sinh nhẫn tiếng Anh gọi là patience, nghĩa là chịu đựng được. Nếu sức mình không lớn, nếu trái tim mình không lớn thì làm sao mình chịu đựng. Nếu cha mà không chịu đựng được con là tại vì trái tim cha và sự hiểu biết của cha còn nhỏ. Nếu con mà không chịu đựng được mẹ là tại vì trái tim cũng như cái thấy của con chưa đủ lớn để có thể ôm được mẹ. Khi mình đủ sức để ôm rồi thì mình không còn khổ nữa, mình có thể chịu đựng được. Nếu mình chịu đựng mà thấy không được thoải mái lắm là tại vì mức chịu đựng của mình còn nhỏ, và mình phải thực tập để có thể chịu được mà không khổ thì mới hay. Thí dụ như mình có một đứa học trò cứng đầu, làm và nói những điều không cho mình hạnh phúc thì mình cũng có thể chịu đựng được. Mình nói là phải cho nó thời gian để nó thực tập. Tùy theo chiều sâu của sự quán chiếu mà mình chịu đựng đứa học trò đó dễ hay khó. Hoặc hơi cồng kềnh nếu mình có một sư anh, một sư em hay là một sư chị hơi khó ôm thì mình đừng nói: “anh ơi, chị ơi, nhỏ lại một chút đi để tôi ôm cho dễ.” Thay vì nói như vậy thì mình phải làm sao để trái tim mình lớn lên, lớn lên thêm nữa để mình có thể ôm được anh mình, chị mình hoặc em mình. Và tự nhiên tuy không đòi hỏi ở người kia một sự thay đổi nào cả mà mình vẫn có hạnh phúc như thường. Cái đó là Nhẫn Ba La Mật. Đây không phải là chuyện xa vời trên trời dưới đất, mà là chuyện hàng ngày của chúng ta. Chúng ta phải nên tự hỏi và mỗi ngày phải trở về trái tim để hỏi thăm: “Trái tim của ta ơi, hôm nay em có lớn lên chút nào không? Sự quán chiếu của ta có giúp em trưởng thành không?” Vô sinh pháp nhẫn rất mầu nhiệm. Ôm giữ được mà không bị nứt rạn, bao trùm được mà không thấy chật vật. Chữ Nhẫn có thể diễn dịch một phần nào chữ chịu đựng trong tiếng Việt. Và tôi đề nghị dùng tiếng inclusiveness để dịch chữ nhẫn, thay vì dùng các tiếng patience và forbearance.

________
Pháp thoại các ngày ngày 7, 11, 14 tháng 7năm 1996