Pháp thoại theo chủ đề

Áp dụng pháp môn vào đời sống

(Trích pháp thoại ngày 14 tháng 08 năm 1997 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Trong các pháp môn thực tập, chúng ta có thiền tọa, thiền hành và nhiều pháp môn khác. Khi tới Làng Mai, quý vị học được cách ngồi thiền, đi thiền, cách ăn cơm, lắng nghe và nói năng có chánh niệm. Những phương pháp đó chúng ta phải học và phải nắm cho vững. 

Theo kinh nghiệm của những người thực tập ở đây thì ngồi thiền không đủ sức để chuyển hóa tập khí của mình, dù cho mỗi ngày mình ngồi 4-5 giờ. Đó là điều chắc chắn. Vì nếu ngồi 5 hoặc 6 giờ một ngày mà những giờ còn lại không thực tập thì những tập khí vẫn thúc đẩy, dẫn dắt mình đi theo những nẻo xấu như thường. Có những người ngồi thiền rất gắt, rất nghiêm túc, ngồi như một tảng đá, nhưng đến khi hết ngồi thiền thì họ lại lăng xăng như cũ. Dường như sự sống trong giờ ngồi thiền không ảnh hưởng gì đến sự sống trong những giờ không ngồi thiền. Muốn cho sự thực tập có chuyển hóa, chúng ta phải thực tập cả 24 giờ một ngày và thiền tọa chỉ là một phần nhỏ của sự thực tập mà thôi. Cơ thể chúng ta có nhiều tư thế. Chúng ta có thể đặt cơ thể trong tư thế ngồi, nằm, đứng, đi hay làm việc. Bất kể trong tư thế nào cũng phải có sự thực tập. Chỉ thực tập cả ngày mới chuyển hóa được bởi vì tập khí và thói quen trong ta rất mạnh. 

Thực tập trong mỗi giây phút

Những người học trò biết thực tập cả ngày là những học trò thương của tôi. Đó là những người trong khi đi, đứng, làm việc đều theo dõi hơi thở, có thực tập quán chiếu cảm thọ, tri giác của mình. Tôi không tin lắm vào những người chỉ ngồi thiền mà không thực tập trong các giây phút khác của đời sống hằng ngày. Những người nào nghe lời Thầy mà thực tập thiền hành, theo dõi hơi thở trong lúc làm việc trong bếp, ngoài vườn hay trong văn phòng thì những người đó là những người được Thầy tin cậy nhất tại vì người đó sẽ đi tới chuyển hóa được. Có những người có thể rất đảm đang, làm việc rất giỏi, ngồi thiền và tụng kinh rất nghiêm túc, nhưng nếu những người đó không thực tập trong đời sống hằng ngày thì tôi không tin tưởng những người đó mấy. Vì tôi biết rằng thực tập 2, 3 hay 5 giờ đồng hồ một ngày không đủ để chuyển hóa. Vậy nên nếu quý vị muốn đi tới sự chuyển hóa trong chiều sâu tâm thức của mình thì không thể nào thực tập sơ sơ, mỗi ngày ngồi thiền nửa giờ, một giờ hoặc là hai giờ được. Quý vị phải thực tập lái xe, nấu cơm, quét nhà, rửa chén, lên hay xuống cầu thang trong chánh niệm thì mới có thể đạt tới sự chuyển hóa.  

 

 

Nếu may mắn có một tăng thân hay một gia đình cùng thực tập với mình thì quý vị có thể đi đến chuyển hóa rất mau chóng. Còn nếu quý vị “đơn thân độc mã”, thực tập một mình thì trong một vài tuần hoặc vài tháng, quý vị sẽ rơi vào quên lãng và bị kéo theo nếp sống gọi là thất niệm của xã hội mà thôi. Quý vị đã tới Làng, sau một tháng những tâm tư trong lòng đã nhẹ đi rất nhiều và nghĩ rằng về nhà mình có thể giữ được sự nhẹ nhàng, sự chuyển hóa đó nhưng cũng chưa chắc. Ở đây mọi thứ đều dễ dàng vì người nào cũng biết đi thiền hành, thiền tọa và giữ năm giới. Không ai buông lung cho những hình ảnh hay âm thanh trái với chánh pháp xâm nhập lỗ tai và con mắt của mình, thành ra mình thực tập giống như chơi. Khi về tới nhà, năng lượng mình có do thực tập với tăng thân có thể giúp mình an trú được trong vài tuần nhưng từ từ mình bị những thứ trong đời sống hằng ngày kéo đi. Mình đánh mất sự thực tập trong vài tháng sau. Cho nên thực tập với tăng thân rất quan trọng.

Chúng ta phải tổ chức đời sống sao cho cả gia đình cùng thực tập và duy trì sự thực tập thì mới mong đạt tới sự chuyển hóa lâu bền và sâu đậm. Mình biết rằng phải hiểu mới thương được nhưng đâu phải chỉ muốn là được. Muốn hiểu được người kia mình phải có công phu, phải sống ngày này qua ngày khác, phải quán chiếu, tìm tòi và nhìn sâu để hiểu tại sao người đó có tật xấu, có thói quen đó và nó bắt đầu từ lúc nào. Mình nhận diện những thói quen, tật xấu của người kia và đồng thời thấy được những thói quen, tật xấu của chính mình. Mình phải nói với người kia rằng: “Em đang có những thói quen, tật xấu như vậy và em đang cố gắng để chuyển hóa. Mỗi lần anh thấy thói quen, tật xấu đó của em hiện ra thì anh hãy giúp em bằng cách giơ ngón tay lên và mỉm cười thì em sẽ biết. Em cũng rất muốn chuyển hóa nó nên thay vì trách móc thì xin anh hãy làm như vậy để giúp em ngừng lại. Em sẽ trở về ôm lấy nó để chuyển hóa.” Đó là phương pháp rất hay. Mình là người thương của nhau, muốn giúp cho nhau thì mình phải làm một cách thông minh như vậy. “Em cũng hứa rằng khi thói quen, tật xấu của anh bắt đầu hiện ra thì em sẽ không buồn, không la lối hay phản đối mà em sẽ giơ ngón lên và mỉm cười để giúp anh”.

Đem tuệ giác áp dụng vào đời sống 

Khi nghe Thầy giảng, ta có thể hiểu và bớt khổ liền lập tức. Điều đó có thể xảy ra vì chúng ta bắt đầu có tuệ. Tuệ tức là những cái thấy sáng. Nhưng mà chỉ thấy thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đem chúng áp dụng vào đời sống hằng ngày. Những cái thấy đó phải được sống trong lúc mình rửa chén, nấu cơm, làm vườn hay lái xe. Nhờ sự thực tập trong đời sống hằng ngày mà mình đi tới sự chuyển hóa vững chãi. Không chỉ nghe và hiểu được những lời Thầy giảng, cởi mở được trái tim là đã đủ. Tập khí có thể trở lại và làm mất đi tuệ giác, mất đi sự giác ngộ của mình. Trong lúc mình đọc kinh, nghe băng giảng, nghe Thầy giảng hay đi thiền hành mà có một cái thấy nào đó đi lên thì mình phải lập tức viết cái thấy của mình lại. Tuệ giác đó là một điều rất cụ thể. Ví dụ mình đang có khó khăn, khổ đau khi sống với một người nào đó. Hôm nay đi thiền hành, mình thấy ra rằng nếu mình nói năng, hành xử với người đó theo cách khác thì sẽ bớt khó khăn cho đôi bên, giúp người đó và mình bớt khổ. Thấy được như vậy thì mình phải lập tức viết cái thấy đó xuống một trang giấy. Cái thấy đó có thể cứu mình ra khỏi tình trạng khó khăn của bản thân. Mỗi buổi sáng mình có thể đem nó ra đọc hoặc trong giờ ngồi thiền có thể đem ra để ôn lại. Mình quyết tâm sống ngày hôm nay theo đúng tuệ giác mà mình đã thấy khi đọc kinh hay ngồi thiền. 

 

 

Nhiều khi sự giác ngộ đó có thể không phải do Thầy nói mà do chính mình tìm ra. Nhưng dù cho cái thấy đó là từ tâm phát ra mà mình không đem áp dụng vào đời sống hằng ngày thì cũng không có sự chuyển hóa. Thấy đạo nhưng phải hành đạo. Thấy thôi thì chưa đủ. “Kiến đạo” cần đi kèm với “tu đạo” rồi mới “chứng đạo” được. Ví dụ khi sống với một người, thỉnh thoảng mình hay bực bộivới lời nói và việc làm của người đó. Hôm nay, lúc đang rửa chén trong chánh niệm mình tìm ra cách là mỗi khi người đó nói mà mình thấy hơi bực thì mình lập tức thở, không tiếp tục suy nghĩ đến lời nói của người đó nữa. Chỉ thở và mỉm cười. Có những bài hát có thể giúp mình thực tập như bài “Quay về nương tựa”. Khi thấy sự bực bội bắt đầu nhen nhóm trong tâm, mình có thể thở theo bài hát:

               Quay về nương tựa hải đảo tự thân

                 Chánh niệm là Bụt soi sáng xa gần…

Hay:        Thở vào, thở ra là hoa tươi mát..

Nếu nắm được lời của bài hát mà thở thì mình không nói ra những điều tai hại có thể làm đổ vỡ mối liên hệ của mình và người đó. Trong khi rửa chén mình quyết định như vậy thì lúc rửa chén, lau tay xong, mình viết và bỏ vào trong túi, để nó làm vật tùy thân như là chiếc đồng hồ của mình vậy. Mỗi khi người đó nói hay làm một điều gì khiến mình bực thì mình lấy nó ra, nhìn vào những gì đã viết và mỉm cười. Người đó không biết là tại sao mình mỉm cười và mỉm cười với cái gì. Người đó chỉ thấy rằng sau khi mỉm cười thì mình bắt đầu thực tập thở. “Thở vào, thở ra là hoa tươi mát”. Chúng ta có thể ngồi đó hay là đi ra ngoài vườn để thực tập. Thực tập như vậy là thực tập Ba La Mật và mình vượt ra khỏi sự bực bội trong tâm. Nếu làm được thành công một lần rồi thì mình có thể làm lần thứ hai. Mình có thể bỏ miếng giấy đó trở lại vào túi để mỗi khi cần thì lấy ra lại. Giống như mỗi khi đi làm về, mình lấy chìa khóa ra mở cửa và vào nhà, miếng giấy nhỏ đó cũng là một loại chìa khóa giúp mình mở cửa bước vào căn nhà “vô sân”, nghĩa là căn nhà của sự không sân giận. Cái đó gọi là tụng kinh. Mỗi khi người đó tưới hạt giống giận của mình thì mình nhắc người kia: ”Anh đã được nghe Thầy giảng rồi mà, nếu anh thương em thì đừng tưới hạt giống đó của em”. Sau khi nhìn vào tờ giấy, sự sân giận đã dịu bớt, mình ngẩng đầu lên, vừa cười vừa nói như vậy với người kia thì mình tước khí giới của người kia liền lập tức vì người kia cũng đã được nghe giảng, cũng đã biết sự thực tập rằng thương nhau thì không nên tưới tẩm hạt giống tiêu cực của nhau. Sống với nhau mà mỗi ngày mình tưới tẩm hạt giống giận cho nhau thì không thể ở với nhau lâu dài được. 

Thiền lái xe và thiền rửa chén

Những cái thấy, những tuệ giác đó nhiều khi mình có nhưng mình không sống được với nó. Lâu lâu tới chùa để nghe Thầy giảng cho bớt khổ nhưng nếu chùa hơi xa, Thầy hơi xa thì mình than phiền rằng mười mấy năm nay Thầy hứa mà Thầy không trở về nước Úc gì cả. Kỳ thực Thầy nằm ở trong túi mình đó. Mỗi khi muốn có Thầy thì lấy tờ giấy ấy ra, nhìn vào, thở và mỉm cười thì Thầy có mặt với mình ngay lập tức và mình giải quyết được vấn đề. Mình không cần phải chạy đến Làng Mai mới giải quyết được. Làng Mai nằm trong túi của mình, nằm trong trái tim của mình. Vì vậy phải tổ chức đời sống một cách thông minh. Khi từ Làng về tới thành phố, về tới nơi ở rồi, mình ngồi xuống và làm ra một phương án để áp dụng những gì đã học được vào đời sống. Ví dụ mỗi khi lái xe đến ngã tư, gặp đèn đỏ, thay vì bực bội, mình ngả lưng ra ghế, buông thư hai chân và hai tay, mỉm cười với đèn đỏ và thở theo bài “Quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Thầy đã dạy như vậy rồi mà. Có những người nhìn đèn nhấp nháy của xe trước mặt thấy như là Thầy đang nháy mắt với mình, đang ra hiệu cho mình thở. Có những người thực tập được như vậy thì tại sao mình không thực tập như vậy. Ban đầu khi chưa nhớ thực tập, mình có thể dán một tờ giấy với dòng chữ “Đèn đỏ thì thở” trên vô lăng hay trên kính xe. Mỗi lúc gặp đèn đỏ, nhìn miếng giấy đó, mình nhớ thở. Mình làm cho đến khi nào việc thở khi gặp đèn đỏ trở thành một thói quen thì mình lấy miếng giấy đó xuống và bỏ đi. Mỗi khi tới một cái đèn đỏ là mình có cơ hội để thở. Những lúc như vậy thì Thầy ngồi bên cạnh mình chứ không đâu xa.

Thầy cũng dạy cho mình cách rửa chén sao cho có an lạc và hạnh phúc ngay trong khi rửa chén. Mình có thể rửa chén lâu hơn một chút nhưng trong đó có sự sống, có an lạc. Nếu trong lúc đó mà bực bội, giận hờn, buồn bã thì mình đang đánh mất và tiêu diệt sự sống, đánh mất sự an lạc của mình. Như vậy là mình chưa học được gì từ Thầy. Khi đã ý thức rồi thì mình bắt đầu rửa chén một cách kính cẩn như là đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh. Mình có an lạc, hạnh phúc ngay trong khi rửa chén. Ngày xưa Thầy rửa chén cho đại chúng một trăm người mà không có nước nóng hay xà phòng, chỉ có tro bếp và xơ dừa thôi. Bây giờ mình rửa chén có xà phòng, nước nóng, có đủ thứ hết mà tại sao không có hạnh phúc trong lúc đó. Nếu mình tự hỏi câu hỏi đó thì rửa chén trở thành ra một phương pháp thực tập. Mình có thể viết một mảnh giấy nhỏ “Rửa chén cho có hạnh phúc” ngay nơi rửa. Chỉ khi nào đạt tới thói quen rửa chén có hạnh phúc rồi, mình mới gỡ tờ giấy ấy ra. Thực tập được như vậy thì bất cứ lúc nào mình mở nước ra chuẩn bị rửa chén thì Thầy, Bụt cũng đứng đó rửa chén với mình và mình có hạnh phúc.

 

 

Thiền điện thoại

Thầy đã dạy và mình đã học được phương pháp nghe chuông điện thoại. Mỗi khi có người gọi đến là một cơ hội cho mình dừng lại để thở, mỉm cười. Khi về nhà, mình nên tìm cách thuyết phục mọi người thực tập chánh niệm khi nghe chuông điện thoại. Nếu thực tập được điều này trong gia đình thì chỉ nội trong vài ngày không khí gia đình đã dễ chịu hơn rồi. Khi chuông điện thoại vang lên thì tất cả mọi người đều ngồi yên tại chỗ của mình. Người nào cũng thở và mỉm cười hết. Và nếu trong nhà của mình đang có một người khách, người đó có thể sẽ ngạc nhiên và hỏi rằng tại sao tiếng chuông điện thoại vang lên mà ai cũng ngồi yên, không nói năng gì cả. Mình có cơ hội giải thích cho người đó về thiền điện thoại. Lần tới, khi người đó gọi đến, nghe tiếng đổ chuông thì biết là mọi người trong gia đình đang thở. Vào lúc ấy, người ấy cũng sẽ thở vì biết rằng trước khi ba tiếng chuông kết thúc thì sẽ không ai nhấc máy lên. Ai cũng thở và mỉm cười thì tại sao mình không làm tương tự? Và sự thực tập sẽ lan tới những người khác.

Trong một khóa tu trước, Thầy có kể chuyện về cái cầu thang. Nhiều sư cô, sư chú ở Làng đã kí Hiệp ước với cái cầu thang. Mỗi khi đi lên hay xuống cầu thang là họ đi trong chánh niệm. Đi từng bước thong thả để có sự sống, an lạc, thanh tịnh và sự dừng lại. Nếu đi nửa chừng mà biết rằng mình đã bước một, hai bước trong thất niệm thì không bước tiếp nữa, đi trở lui xuống để bước lên lại. Nếu nhà mình không có cầu thang, mình có thể kí hiệp ước với một đoạn đường nào đó. Mỗi khi đi trên đoạn đường đó, mình phải đi những bước có chánh niệm, thảnh thơi và vững chãi. Nếu đi được nửa chừng mà mình thấy phẩm chất của những bước chân không được như vậy thì mình không đi tiếp nữa mà quay trở lui lại về nơi bắt đầu để bước lại những bước chân thật sự có ý thức. Sau một thời gian thực tập, đi bất cứ đâu mình cũng bước được những bước chân vững chãi như vậy, nắm được thân và tâm của mình. Thầy cũng kí hiệp ước với cầu thang và thực tập đi như vậy trong suốt hai mươi năm mà chưa bao giờ phản bội lời ước nguyện của mình với cái cầu thang cả. Đi đâu Thầy cũng đi thảnh thơi, an lạc, không chạy như bị ma đuổi nữa vì Thầy đã thành công trong hiệp ước với cái cầu thang. Nhà nào không có cầu thang, ít nhất cũng có con đường đi từ ngoài cổng vào nhà. Tại sao mình không dùng để làm nấc thang cho con đường chuyển hóa của mình? Đừng nói rằng ở chỗ của tôi không tu được. Chỗ nào cũng tu được.

Chúng ta để cho ai quản lý cuộc đời của mình? Cuộc đời chúng ta, chúng ta phải tự quản lý. Chúng ta phải dùng hết tài năng, sự thông minh để tổ chức cuộc đời của mình. Chúng ta không thể đi tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác. Trong gia đình không có hạnh phúc nên mình tìm tới học đường. Ở học đường không có hạnh phúc, mình tìm tới nhà thờ. Tới nhà thờ không có hạnh phúc, mình tìm đến chùa. Nếu tới chùa không có hạnh phúc nữa thì mình đi đâu? Bất cứ trong một trường hợp hay hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải phá một đường thoát, tìm nó ngay trong hoàn cảnh đó chứ đừng chạy trốn. Nếu chúng ta chạy quanh thì chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ không đi về đâu hết. Khi về tới nhà chúng ta tổ chức như thế nào để có thể tiếp tục áp dụng những pháp môn mà chúng ta học được ở Làng Mai như thiền điện thoại, thiền lái xe, thiền hành vào trong đời sống hằng ngày. Nếu biết tu thì bất kì một gốc cây, tảng đá, một con đường hay một mảnh trời xanh đều có thể trở thành ra một phương tiện cho mình tu học cả.