Pháp thoại theo chủ đề

Truyền thông với chính mình

Trích Pháp thoại ngày 26.01.2014 tại thiền đường Hội Ngàn sao, chùa Cam Lộ, xóm Hạ, Làng Mai, trong khóa An Cư Kết Đông 2013-2014

Trở về nhận diện chính mình bằng hơi thở chánh niệm

Chúng ta phải làm thế nào khi có khó khăn trong sự truyền thông với một người khác? Tại sao ta có những khó khăn đó? Tại sao ta không truyền thông được với người đó? Thường thì chúng ta nghĩ tại vì người đó chứ không phải tại mình.

Chúng ta thường có hành động trốn chạy. Trong bản thân mình có thể có những cô đơn, đau buồn, giận hờn, trống trải mà ta không chịu đựng nổi. Ta đi tìm sự khỏa lấp ở những phẩm vật mà ta muốn tiêu thụ như internet, phim ảnh, âm nhạc, sách báo, v.v…Điều này chứng tỏ rằng ta không bình an với chính mình, ta không truyền thông được với chính mình. Vì vậy ta không truyền thông được với người kia là chuyện rất bình thường. Chính mình còn không truyền thông được với mình thì làm sao mình truyền thông được với người kia? Nếu ta trách người kia thì cũng tội cho họ. Nội cái thấy đó cũng làm cho ta nhẹ nhàng đi nhiều. Cái thấy đó là cái thấy nào? Cái thấy rằng người kia đang có những khó khăn. Người kia không truyền thông được với chính họ và ta cũng đang có những khó khăn, ta không truyền thông được với chính mình cho nên có sự khó khăn trong sự truyền thông giữa hai người. Thấy được như vậy đã đỡ khổ lắm rồi. Ta không trách móc người kia, ta không trách móc mình mà tự nhiên ta có ước muốn trở về để tìm hiểu chính mình, để truyền thông được với chính mình.

Phần lớn chúng ta đều không có ý muốn trở về bản thân tại vì ta sợ phải đối diện với những trống trải, cô đơn, lo lắng, buồn phiền. Trở về là một hành động rất can đảm. Nhiều khi ta cần một người bạn tu, một tăng thân, một đoàn thể tu học yểm trợ cho ta để ta có thể trở về với chính mình. Những nỗi khổ niềm đau và sự trống trải đó lớn và nếu về một mình thì ta có thể bị tràn ngập. Phải có sức mạnh của bạn đồng tu hay của đoàn thể yểm trợ ta mới có thể về để nhận diện nỗi khổ niềm đau của mình.

Khi ta để tâm vào hơi thở thì ta đem tâm trở về với thân. Đó là một hành động trở về, trở về bằng con đường chánh. Nếu có những người bạn tu cùng ngồi, cùng đi, cùng thở với ta thì họ sẽ yểm trợ cho ta trong chuyến đi về. Ta thở có chánh niệm để trở về và những người bạn tu cùng thở với ta, khuyến khích ta nên trở về. Ta có sự yểm trợ sau lưng. Phương pháp này đủ đơn giản để mọi người có thể làm được. Nếu thật sự chú tâm vào hơi thở thì ta đã có được sức mạnh gọi là định (concentration). Ta thở và biết là mình đang thở, đó là niệm. Ta thở và chú tâm vào hơi thở, tập trung tất cả tâm ý vào hơi thở, đó là định. Ta bắt đầu xây dựng một sức mạnh gọi là niệm và định. Trước hết ta nhận diện được hình hài của mình: Thở vào tôi biết rằng tôi có một hình hài. Đó là bài tập thứ ba trong kinh An Ban Thủ Ý:

Thở vào tôi ý thức về hình hài của tôi.

Trong hình hài của ta có thể có những đau nhức hay những căng thẳng và ta không có sự bình an. Trong khi thở vào và thở ra có ý thức ta có cơ hội buông bỏ những căng thẳng trong hình hài của mình ở trong tư thế ngồi, tư thế đi hay tư thế nằm. Hơi thở có thể giúp ta buông thư và đem lại một ít bình an cho thân của ta. Ta phải lo cho thân trước, còn những tâm như tâm giận hờn, cô đơn, trống trải, ta sẽ lo sau. Đó gọi là niệm thân (mindfulness of the body). Hơi thở là một phần của hình hài. Trong khi thở vào mà ta tập trung vào hơi thở thì hơi thở là đối tượng chính của tâm. Ban đầu hơi thở không được bình an lắm, hơi thở có thể hổn hển, gấp gáp vì trong thân ta có sự căng thẳng, trong tâm ta có những đau buồn. Nếu đem hết tâm ý nhìn vào hơi thở, ta thấy lúc đầu hơi thở của mình chưa được bình an, chưa được sâu, chưa được nhẹ. Phẩm chất của hơi thở còn yếu. Nhưng nếu ta giữ được niệm và định, ta chỉ để ý tới hơi thở và thở thì chỉ ba phút sau là hơi thở sẽ mềm ra và dịu xuống.

Thở vào tôi biết là tôi thở vào
Thở ra tôi biết là tôi thở ra

Đây là sự thực tập đầu: nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra. Chuyện này làm rất dễ, như một trò chơi của trẻ em. Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào mà không phải là hơi thở ra. Thở ra, tôi biết đây là hơi thở ra mà không phải là hơi thở vào. Nhưng nếu ta làm được thì tự nhiên tình trạng tán loạn của tâm ý sẽ chấm dứt. Ta chú ý tới hơi thở, ta biết đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. Ta làm công việc nhận diện. Khi làm công việc nhận diện thì ta có định mà định là ngược lại với tán loạn. Tâm của ta đang tán loạn, chỉ cần thở và nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra thì tự nhiên tình trạng tán loạn sẽ trở thành định. Công việc này đủ dễ để cho bất cứ người nào cũng có thể làm được. Niệm, định, tuệ không phải là chuyện trên trời mà là chuyện bây giờ và ở đây và ai cũng có thể làm được. Ta cứ thở như vậy và không suy nghĩ gì cả. Đó là bài tập nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu ta thở như vậy được hai phút thì phẩm chất của hơi thở vào và hơi thở ra của ta sẽ tốt hơn. Ta không cố gắng hay ép buộc mà tự nhiên hơi thở vào sẽ sâu hơn và hơi thở ra sẽ chậm hơn.

Thở vào tôi nhận thấy hơi thở của tôi đã sâu hơn
Thở ra tôi nhận thấy hơi thở ra của tôi đã chậm hơn

Phẩm chất của hơi thở đã tăng lên. Ta chỉ cần thở trong một phút thì có thể làm cho phẩm chất của hơi thở cao hơn. Hơi thở của ta có bình an hơn, dễ chịu hơn. Hơi thở bình an và dễ chịu sẽ ảnh hưởng lên thân của ta tại vì thân và tâm dính với nhau. Lúc này ta có thể can thiệp vào thân, có chút bình an trong hơi thở thì ta có thể lấy bình an đó hiến tặng cho thân và thực tập bài kệ thứ ba trong kinh An Ban Thủ Ý:

Thở vào tôi có ý thức về hình hài tôi
Thở ra tôi buông bỏ những căng thẳng trong hình hài tôi

Chúng ta đã làm được với hơi thở, ban đầu hơi thở hổn hển không có bình an nhưng thở được một lúc thì hơi thở dịu xuống và có bình an. Hình hài của ta cũng vậy, ban đầu nó có sự căng thẳng, nhưng nếu ta tiếp tục thở và ôm lấy cơ thể bằng hơi thở thì những căng thẳng được buông bỏ và ta có sự bình an trong cơ thể.

Lúc tôi mới tới giảng tại đại học Cornell, ông giáo sư chính trị học George Mc Turnan Kahin hỏi tôi: Thầy ơi, trong khi ngồi thiền thì thầy làm gì? Ông rất tò mò muốn biết mình làm gì trong khi ngồi thiền. Trong khi ngồi thiền có những việc làm rất cụ thể mà trước hết là điều tức hay điều hòa hơi thở. Khi ngồi xuống công việc đâu tiên ta làm là điều tức, chăm sóc hơi thở để nó dịu xuống và có bình an. Sau đó thì ta điều thân tức điều chỉnh thế ngồi của mình. Thế ngồi của ta phải thẳng, không cứng, không có sự căng thẳng. Ta ngồi thật thẳng nhưng vẫn mềm và thoải mái. Hơi thở và thế ngồi phải đi đôi với nhau. Người ngồi thiền quen có thể điều tức và điều thân chỉ trong một vài phút. Sau đó ta đi sâu vào sự quán chiếu để có nhiều bình an và pháp lạc. Pháp lạc là niềm vui và hạnh phúc của chánh pháp (Dharma joy, Dharma happiness). Nếu ta ngủ đủ thì trong khi ngồi thiền thế nào ta cũng có pháp lạc, có hạnh phúc và niềm vui trong khi ngồi thiền. Niềm vui đó không phải do người khác đem tới mà do chính sự thực tập của mình.

 

Bình an trong ta là điều quan trọng nhất

Ta bắt đầu điều phục hơi thở, rồi sau đó ta điều phục thân, và tự nhiên ta sẽ có an trong thân và trong hơi thở. Ta có thể ở lại với thân lâu bao nhiêu cũng được. Trong đời sống hàng ngày ta đã bỏ bê thân của mình. Khi ngồi với máy tính trong hai giờ đồng hồ ta đã quên hẳn là ta có một hình hài. Trong thời gian đó những căng thẳng dồn lên và chứa lại. Nhưng vì ta mê, ta bị máy tính hút hồn nên ta không không ý thức được sự căng thẳng đang bị dồn chứa. Ta bỏ bê cơ thể của ta nên nó mất đi sự bình an. Ở Làng Mai chúng ta có tiếng chuông chánh niệm gài vào trong máy tính. Mỗi 15 phút thì có một tiếng chuông để ta ngưng làm việc, bắt đầu thở vào có ý thức và đem tâm trở về với thân. Ta mỉm cười với hình hài và nhớ rằng ta có một hình hài. Ta có cơ hội buông bỏ những căng thẳng trong hình hài. Nói như vậy không có nghĩa là khi ngưng để thở là ta mất thì giờ. Ta quen nghĩ rằng thì giờ là tiền bạc. Thật ra thì giờ quí hơn tiền bạc rất nhiều tại vì thì giờ là sự sống. Vì vậy khi nghe tiếng chuông, trở về với hơi thở và ý thức rằng mình có một hình hài mầu nhiệm thì đó là sự sống. Nếu có niệm lực và định lực hùng hậu thì ta thấy hình hài của mình là một cái gì rất là mầu nhiệm. Nó mang trong nó tất cả trăng sao, vũ trụ. Đất Mẹ có mặt trong hình hài của ta. Ta mang theo trong hình hài sự có mặt của tất cả tổ tiên. Tổ tiên của ta chưa bao giờ chết, tổ tiên vẫn tiếp tục sống trong ta và có mặt trong từng tế bào cơ thể ta. Nếu ta có bình an, có niềm vui thì tổ tiên cũng có bình an và niềm vui. Câu thiền ngữ ”Thở vào tôi biết là tôi có một hình hài, thở ra tôi mỉm cười với hình hài của tôi” có thể rất sâu, đó là một sự giác ngộ. Ta biết là ta có một hình hài và hình hài đó rất quí. Ta đã không biết quí hình hài của mình, ta đã từng đày đọa tấm thân. Bây giờ ta biết nó rất quí giá, ta biết tất cả tổ tiên đang có mặt trong hình hài của mình. Nếu ta sống nhẹ nhàng, thảnh thơi, hạnh phúc thì tổ tiên trong ta cũng nhẹ nhàng, thảnh thơi, hạnh phúc. Cái thấy đó là giác ngộ. Giác ngộ này tiếp theo giác ngộ khác, vì vậy giác ngộ là chuyện của ngày hôm nay chứ không phải ta tu 10 năm, 20 năm nữa mới có giác ngộ. Những cái thấy có thể đến một cách tới tấp, cho ta tuệ giác để gỡ ra những hệ lụy, những ràng buộc.

Ta đang buồn, đang giận, đang tranh đấu. Tâm của ta bị ràng buộc bởi những lo lắng, giận hờn, ganh tị, và ta có thể ở trong trạng thái đó giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác. Trong khi đó thì sự sống hết sức mầu nhiệm. Nếu ta tập trung vào hơi thở, ta thở vào và thấy hình hài của mình là một sự mầu nhiệm thì ta sẽ thấy rằng không có gì là quan trọng, chỉ có sự bình an trong ta là quan trọng mà thôi. Cái thấy này người nào cũng có thể đạt tới được. Không cần phải là một vị bồ tát hay một vị la hán mà bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể đạt được cái thấy đó. Những giận hờn, khổ đau, bức xúc làm cho ta trôi lăn trong đời sống hàng ngày. Trong khi đó thì sự sống rất là mầu nhiệm, ta có một hình hài, ta chỉ cần thở, ngồi và buông hết thì tự nhiên ta có sự bình an. Sự bình an này quí hơn bất cứ một chức vị nào hay một sự tìm cầu nào. Có gì quan trọng đâu? Quan trọng nhất là sự bình an trong hình hài và trong tâm của ta. Sự bình an đó ta có thể có được nếu ta biết buông bỏ những giận hờn, đau khổ, bức xúc kia. Và với cái thấy đó ta có thể buông bỏ được một cách dễ dàng. Mỗi bước chân sẽ đem lại cho ta niềm vui. Ta có một hình hài, ta có hai chân còn khỏe, ta đang còn bước đi những bước thong dong trên hành tinh xinh đẹp này. Điều này rất là mầu nhiệm, rất là hạnh phúc. Ta còn đòi hỏi gì nữa?

Tự do đối với những ràng buộc của quá khứ và tương lai

Tại sao ta bước được những bước như vậy? Tại vì ta có tự do, thân tâm ta không bị ràng buộc bởi những bức xúc, lo lắng, giận hờn, bực bội kia. Tự do là cái quí nhất mà hơi thở và bước chân có chánh niệm có thể đem lại cho ta. Mỗi bước chân giúp cho ta đạt tới một tự do, bước chân nào cũng giúp cho ta có thêm tự do. Tự do không phải là chuyện nói ngoài miệng, tự do đó có thật. Ta đang lo lắng, sợ hãi về tương lai hay ta đang buồn khổ, tiếc thương về quá khứ và ta không thấy được những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Như vậy là ta không có tự do. Có những người trong chúng ta cứ ở mãi trong ngục tù quá khứ, hay đang ở trong ngục tù tương lai mà không ra khỏi được. Trong khi đó thì trong giây phút hiện tại có vũ trụ, trăng sao, cây cối, chim chóc rất đẹp. Sở dĩ ta không tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống là vì ta không có tự do. Đây không phải là tự do chính trị mà là tự do đối với những sầu thương, tiếc nuối về quá khứ hay những lo lắng, sợ hãi về tương lai. Nếu thở vào mà ta đem hết tâm ý đặt vào hơi thở vào thì tự nhiên ta buông bỏ được. Một hơi thở vào có thể kéo dài chừng ba hay bốn giây, mà nếu ta tập trung tâm ý vào hơi thở vào thì ta buông hết quá khứ và tương lai, ta có tự do trong ba hay bốn giấy đó.

Định có nghĩa là nhất tâm hay tâm nhất cảnh. Tâm nhất cảnh là tâm chỉ tập trung vào một cảnh mà thôi. Nhất cảnh ở đây là hơi thở vào của ta. Nếu ta thật sự tập trung hết tâm ý vào thở vào thì ta buông được những lo lắng về tương lai và những sầu đau về quá khứ. Ta có tự do trong khi thở vào. Muốn duy trì tự do đó thì ta tiếp tục tập trung tâm ý vào hơi thở ra, và ta muốn duy trì tự do đó bao lâu cũng được. Thở ba phút có ý thức thì trong ba phút đó ta có tự do. Tự do này ta phải tranh đấu, ta phải luyện tập mới có.

Không bị những lo lắng, giận hờn chế ngự thì ta sẽ làm những quyết định hay hơn. Trong ta có những lo lắng, bực bội, giận hờn thì quyết định của ta sẽ không sáng suốt tại vì ta không có tự do. Nếu ta thở và tập trung tâm ý vào hơi thở thì ta có tự do và chính trong tình trạng có tự do đó mà ta có thể làm được những quyết định hay hơn nhiều. Tự do là chuyện có thể có được bất cứ lúc nào ta muốn. Bằng phương pháp thở, ngồi và đi trong chánh niệm ta đem lại sự an bình, sự nhẹ nhàng và niềm vui trước hết là cho hơi thở và sau đó là cho hình hài của mình.

 

Làm lắng dịu những cảm thọ đau buồn

Nếu có hơi thở an và thân an thì ta đứng trên một mảnh đất vững vàng để có thể điều tâm. Bây giờ ta có thể nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu xuống những cảm thọ buồn khổ, lo lắng, ưu sầu.

Đó là những bài tập có sẵn trong kinh An Ban Thủ Ý. Khi có một cảm thọ đau buồn đi lên thì ta thở và nói:

Thở vào tôi biết trong tôi có một cảm thọ đau buồn

Thở ra tôi ôm lấy cảm thọ đau buồn đó và làm cho nó lắng dịu xuống

Trước đó chúng ta đã thực tập với hơi thở và với hình hài của mình. Bây giờ với cảm thọ đau buồn ta cũng thực tập như vậy, nhận diện, ôm lấy và làm cho lắng dịu. Đó là phép tu của mình. Nếu được ở trong một môi trường có nhiều người thực tập thì ta được hưởng năng lượng tập thể và đạt được tiến bộ mau chóng và dễ dàng hơn.

Cái đó là cái gì? Nó đang làm cho ta bực bội, giận hờn, lo lắng. Nó ngăn cản không cho ta có niềm vui trong giây phút hiện tại. Ta phải gọi tên nó ra. Tại sao nó có sức mạnh như vậy? Tại sao ta để nó làm cho ta hệ lụy? Cái đó có đáng để ta phí bỏ cuộc đời của mình hay không? Có biết bao mầu nhiệm trong cuộc đời mà sao ta lại bỏ đi vì cái đó? Cái đó quan trọng tới mức đó sao? Ta phải hỏi mình câu hỏi: Cái đó có đáng để ta làm mất cuộc đời của mình hay không? Nếu ta thấy cái đó không đáng thì đó đã là sự giác ngộ rồi. Và khi thấy được sự sống hết sức là mầu nhiệm và bình an, hạnh phúc có thể có trong từng bước chân, trong từng hơi thở thì ta có đủ sức mạnh để buông bỏ cái đó. Có cái đó hay không có cái đó cũng không quan trọng. Hạnh phúc của ta không tùy thuộc vào cái đó.

 

Sự thực tập ở Làng Mai

Sự thực tập ở Làng Mai cũng đơn giản:

1. Ta phải sử dụng hơi thở, bước chân để chế tác hỷ, lạc và an.

Năng lượng niệm cho ta biết có những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Ta có đủ những điều kiện để có niềm vui và hạnh phúc. Vì vậy chế tác hỷ, lạc và an là chuyện có thể làm được ngay sáng hôm nay, ngay chiều hôm nay. Ta phải học làm cho được để nuôi dưỡng mình. Đó là nghệ thuật chế tác hạnh phúc.

2. Biết nhận diện những căng thẳng, lo âu, buồn khổ để làm cho nó lắng dịu xuống.

Sự thực tập hơi thở có ý thức và bước chân có ý thức có thể giúp cho ta làm được việc nhận diện và làm lắng dịu như ta đã làm đối với hơi thở và với hình hài của mình. Tới Làng Mai ta gặp được những người bạn tu. Có những người đã tu lâu năm và có kinh nghiệm. Họ có thể chia sẻ với ta những kinh nghiệm hành trì của họ.