Pháp thoại theo chủ đề

Người ngày xưa

Pháp thoại ngày 27 tháng 6 năm 1999, tại xóm Thượng, Làng Mai

 

Trong tiếng Việt, chữ cố nhân có nghĩa là người yêu cũ của mình. Cố nhân có thể được dịch là người cũ hay là người ngày xưa. Người ngày xưa khác với người đời xưa. Người đời xưa là những người sống cách đây hàng trăm, hàng triệu năm. Người yêu cũ thì ta gọi là người xưa hay là người ngày xưa. Thúy Kiều, sau mười lăm năm lưu lạc, được sư chị Giác Duyên cho gặp lại gia đình, có ba, mẹ, hai em và có một người gọi là người ngày xưa, đó là Kim Trọng.

Xem ra đủ mặt một nhà
Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi
Hai em phương trưởng hòa hai
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa.

Chữ người ngày xưa đã được dịch từ chữ cố nhân. Ta cũng có thể gọi tắt là người xưa.

Trong chúng ta ai cũng có một hoặc là nhiều người xưa. Mấy ngày hôm nay Thầy hay suy nghĩ tới chị của Thầy. Chị của Thầy bây giờ đang đau nặng, có thể qua đời bất cứ lúc nào. Chị đã 80 tuổi, chị cũng là người ngày xưa của Thầy vì chị em đã cùng sống trong gia đình mười mấy năm với nhau. Sau đó Thầy đi xuất gia còn chị đi lấy chồng. Hình ảnh về chị của Thầy là một hình ảnh rất tươi mát, trẻ trung và đẹp. Khi đi xuất gia rồi, mình đâu có cơ hội để sống chung hàng ngày với những người thân của mình nữa. Vì vậy cho nên những hình ảnh từ hồi nhỏ cho đến khi xuất gia còn rất rõ ràng và linh động. Mỗi khi nằm mơ thấy chị là chỉ thấy hình ảnh của người xưa thôi. Còn hình ảnh của người bây giờ, lớn lên có chồng, có con, rồi già đi, mặc dù thỉnh thoảng mình có thấy trực tiếp hay gián tiếp nhưng cũng không linh động và rõ ràng bằng hình ảnh của người xưa.

Tất cả những người nào đã đi vào trong cuộc đời ta và hiện giờ ta không được sống chung đều có thể gọi là người xưa, trong đó có ba, mẹ, anh, chị hay bạn của mình. Những người mà ngày xưa mình đã từng được sống chung, đã từng chia sẻ những giây phút hạnh phúc, những người đó đều có thể được gọi là người ngày xưa. Không hẳn phải là người mà mình luyến ái, người thuộc về giới khác phái. Thầy cố nhớ ở trong ký ức và vẫn không nhớ là Thầy đã từng giận chị Thầy bao giờ. Hai chị em chưa bao giờ giận nhau. Thầy thường coi chị như là một bà mẹ, một bà mẹ rất trẻ. Hễ không có mẹ là chị thay thế. Cho nên vào lúc có đau đớn trong cơ thể, Thầy vẫn hay gọi mẹ hay gọi chị. Thầy thường gởi sách và băng cassette về cho chị nghe, và Thầy có nói: Chị ơi, mỗi khi chị đau nhức quá thì chị có thể gọi tên em và thở thì chị sẽ bớt đau nhức.

 

Ánh trăng khuya

Trong những giấc mơ Thầy cũng thường gặp Sư Ông. Đó là thầy của Thầy, nghĩa là Sư Ông của quý vị. Thầy xa chùa từ năm 1966 và không được về chùa Tổ từ năm đó; nghĩa là cách đây 34 năm. Sư Ông tịch năm 1968, tức là 2 năm sau khi Thầy rời quê hương, đất nước. Mỗi khi nằm mơ về tới núi xưa (chùa nằm ở trên núi Dương Xuân), leo lên chùa, Thầy luôn luôn thấy Sư Ông ra chào đón. Hình ảnh của Sư Ông luôn luôn là hình ảnh đáng tôn kính. Mỗi lần mơ về tới chùa và được thấy Sư Ông trong giấc mơ, thức dậy Thầy có cảm tưởng là Sư Ông chưa bao giờ từng chết, Sư Ông chưa bao giờ đi và hình ảnh của Sư Ông cũng như hình ảnh của Mẹ vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Thầy.

Trong những năm đầu mất Mẹ, cảm tưởng mình không còn Mẹ rất rõ ràng. Năm, sáu năm sau, có một hôm Thầy thức dậy trong một tịnh thất, chung quanh trồng toàn cây trà. Tịnh thất ấy nằm trong khuôn viên chùa Bảo Lộc, trên Cao Nguyên. Thầy thức dậy lúc 3 giờ sáng và đi ra ngoài đồi để đi tiểu, vì trong thất không có phòng nhà vệ sinh. Thầy đi ra giữa những hàng chè. Trăng lúc 3 giờ khuya hiền dịu như sữa mẹ, tình mẹ. Lúc đó Thầy thấy rất rõ là Mẹ Thầy chưa bao giờ từng mất. Trước khi thức dậy, Thầy đã nằm mơ thấy Mẹ. Mẹ còn trẻ, tóc rất xanh, buông dài. Hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau rất đầm ấm và hạnh phúc. Lúc bước ra vườn chè, một nhận thức rất sâu sắc được nẩy ra trong Thầy: Mẹ chưa bao giờ chết. Và hình ảnh là hình ảnh của bản môn. Hình ảnh mà mình đã thấy ở trong giấc mơ là hình ảnh bản môn. Từ đó sự đau xót về mất mẹ không còn nữa. Mẹ cũng là người xưa, Mẹ cũng là cố nhân. Là cố nhân mà Mẹ không bao giờ mất.

 

 

Xôi đủ màu

Trong suốt 33 năm luân lạc tại quê người, thỉnh thoảng Thầy cũng nằm mơ thấy trở về Phật Học Viện. Phật Học Viện này không phải là nơi Thầy tu học, lớn lên, mà là nơi Thầy dạy. Đó là chùa Ấn Quang, được thành lập năm 1950. Thầy và thầy Trí Hữu là hai người đầu tiên sáng lập ra chùa Ấn Quang. Chùa làm bằng mái tranh, vách đất, hồi đó gọi là chùa Ứng Quang. Thầy bắt đầu dạy một lớp sa di, gồm có mười mấy chú, trong đó có chú Từ Mẫn, sau này làm giám đốc nhà xuất bản Lá Bối. Sau đó chùa Ứng Quang trở thành Phật Học Đường Nam Việt, có rất nhiều thầy và sinh viên tới học. Thầy giảng dạy tại Phật Học Viện này từ năm 1953 đến năm 1962.

Thầy đã dạy rất nhiều thế hệ Tăng sinh. Phần lớn tăng sinh mà Thầy dạy là các sư chú, vì họ là nội trú. Số lượng các sư chú, sư cô ngoại trú tới học rất ít, chừng hai chục người. Sư bà Tịnh Nguyện mà quý vị được gặp năm ngoái, ở đây, cũng là một trong những ni sinh ngoại trú trong những lớp Thầy dạy. Bây giờ có nhiều chú đã trở thành Thượng Tọa, Hòa Thượng. Ví dụ như Hòa Thượng Minh Thành, Viện Chủ chùa Ấn Quang, ngày xưa Ngài cũng là Tăng sinh của Thầy. Tăng sinh mà lại là tăng sinh rất trẻ vì hồi đó Thầy có nhiều học trò lớn tuổi hơn thầy Minh Thành.

Thỉnh thoảng Thầy nằm mơ về Phật Học Viện và thấy Thầy đang ngồi chung với các sư chú ở trong liêu phòng của họ. Mỗi khi gặp họ, Thầy đều rất vui mừng. Thầy hỏi: ‘‘Sao? Những ngày gần đây quý vị có được vui vẻ và mạnh giỏi không? Quý vị làm gì, kể cho tôi nghe với!’’ Có một điều lạ là thỉnh thoảng Thầy đã có gặp những vị ấy ở Hoa Kỳ; họ đang giữ những chức vụ rất lớn như hòa thượng, thượng tọa, trụ trì. Nhưng mỗi khi đi vào trong giấc mơ mà gặp họ thì luôn luôn Thầy chỉ gặp những hình ảnh của cố nhân, những hình ảnh xưa cũ mà thôi. Tại sao? Tại vì trong những ngày giờ ấy Thầy có nhiều hạnh phúc. Thầy trò có hạnh phúc với nhau, có được nhiều thì giờ ở chung với nhau. Bây giờ họ đã lớn, làm chức lớn nhưng Thầy không được sống chung với họ, vì vậy cho nên họ cứ trở thành cố nhân.

Trong những giấc mơ, gặp các thầy, các sư chú trẻ nói chuyện, Thầy vẫn cảm thấy sự thân thiết, và tình thầy trò đem lại rất nhiều hạnh phúc cho Thầy. Thầy là vị giáo thọ trẻ nhất trong Phật Học Viện, Thầy tự cho mình là người thương yêu và chăm sóc cho các tăng sinh nhiều nhất. Thầy đã tổ chức cho các sư chú đi picnic ở bãi biển, tổ chức ban y tế chăm sóc cho các sư chú, và rất gần gũi các sư chú. Trong khi các vị giáo thọ khác người nào cũng có thị giả, còn Thầy thì không cần thị giả. Không có thị giả nhưng trong phòng Thầy luôn luôn có từ 5 tới 7 sư chú một lần. Thầy gần gũi các sư chú và các sư chú rất thương mến Thầy. Tuy là thầy trò nhưng Thầy không lớn hơn họ bao nhiêu nên thầy trò cứ xem nhau như anh em. Xưng hô với nhau là thầy – con nhưng kỳ thực trong sự sống hàng ngày liên hệ giống như tình anh em.

Câu trả lời là nếu trong một thời gian nào đó, sống với những người kia và có hạnh phúc với nhau thì những giây phút hạnh phúc này sẽ trở thành vĩnh cửu, thiên thu. Tình trong giây phút mà thành thiên thu. Cái vĩnh cửu, cái thiên thu nằm trong giây lát. Thầy còn nhớ một hôm Thầy tới giảng và ngủ lại trong một ngôi chùa ở nhà quê tại Mỹ Tho, trong một cái thất nhỏ như thất Ngồi Yên của xóm Thượng bây giờ. Buổi sáng hôm đó, các thầy trong chùa, trong đó có thầy trụ trì ra chơi với Thầy để uống trà. Phía trước thất cũng có một chiếc sàn gỗ giống hệt như chiếc sàn gỗ ở cốc Ngồi Yên.

Trong lúc các thầy đang ngồi nói chuyện và uống trà thì có một chị bán xôi đi ngang qua. Thay vì mời mọi người vào chùa ăn sáng với các chú thì thầy trụ trì đề nghị: Chúng ta hãy ngồi lại đây, gọi chị bán xôi tới mua xôi để cùng ăn sáng. Gánh xôi rất đặc biệt, có đủ màu sắc; xôi gấc màu đỏ, xôi bắp màu trắng. Xôi bắp có những hạt bắp trắng tinh. Xôi đậu xanh, xôi đậu phụng, xôi nếp than. Rất nhiều màu. Lại có bánh phồng mì, dừa nạo, nhân đậu xanh. Các thầy ngồi ăn sáng bằng xôi đủ màu, không có đĩa, muỗng, đũa, mỗi người chỉ có một tờ lá chuối lớn và xôi ba màu, bốn màu, hoặc năm màu. Cho đến bây giờ, Thầy vẫn nghĩ rằng đó là bữa ăn sáng ngon nhất trong đời của Thầy.

Lâu lâu Thầy cũng kể lại chuyện này với các sư chú và các sư cô tại Làng Mai. Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ tổ chức một bữa ăn sáng như vậy. Đã có một số các sư chú và sư cô từng tổ chức một bữa ăn sáng như vậy. Giây phút mà các thầy ngồi với nhau trong tình huynh đệ và ăn sáng với nhau đã trở thành vĩnh cửu, thiên thu. Chính hạnh phúc đó làm cho mình nhớ lại bữa ăn và chi tiết của bữa ăn chứ không phải vì mình ham ăn nên mình nhớ những món ấy. Có những lúc các sư chú mời Thầy ngồi ăn bánh tráng. Chỉ có bánh tráng thôi. Bánh tráng nướng nhúng vào nước cho mềm, rồi lấy ba hoặc bốn cọng rau muống vừa mới hái ở dưới hồ lên, cuốn lại, chấm vào nước tương có ớt, ăn sao mà ngon quá. Cái ngon đó không hẳn là do rau muống hay bánh tráng mà do tình anh em tạo ra. Vì vậy không hẳn là phải có xôi đủ màu ăn mới ngon, mà chỉ có rau muống cuốn bánh tráng ăn cũng vẫn ngon như thường. Đó là những giây phút hạnh phúc. Những giây phút đó mà biết sống cho sâu sắc thì chúng sẽ được ghi lại trong tâm thức và trở thành bản môn sau này. Chúng ta sẽ có thể thấy lại chúng nhiều lần. Giống như cuốn phim sư em Pháp Dung đã thâu ở Trung Quốc, muốn mở ra coi lại lúc nào cũng được.

Đẹp cảnh đẹp người

 

 

Thầy thấy xóm Thượng bây giờ đẹp quá. Càng ngày càng đẹp. Cây cối lên rất xanh tươi. Mỗi khi đi xuống dốc để ra cốc Ngồi Yên là Thầy thấy đẹp. Chưa bao giờ mà không thấy đẹp. Không phải vì mỗi ngày đều nhìn thấy khung cảnh đó mà mình thấy nó ít đẹp hơn. Vẫn đẹp như thường, càng ngày càng đẹp. Càng ngày càng đẹp vì tâm mình đang để tại đó. Tâm mình để tại đó, không rong ruổi, không có ý muốn bỏ chạy nên mình có khả năng thấy được tất cả cái đẹp của nó. Thầy nói với sư anh Pháp Dụng và sư anh Pháp Ứng: ‘‘Xóm Thượng sao mà đẹp quá!’’. Khi Thầy nói như vậy chắc chắn là sư anh Pháp Dụng và sư anh Pháp Ứng cũng thấy xóm của mình đẹp. Đẹp thì đúng là đẹp rồi nhưng đôi khi mình quên, phải có người nhắc cho mình nhớ rằng mình đang ở trong một chỗ rất đẹp. Rồi Thầy nói: Ở xóm Hạ, chùa Cam Lộ cũng đẹp lắm. Ai cũng gật đầu. Xóm Hạ cũng đẹp và xóm Mới cũng vậy. Xóm Mới bây giờ có đồi Dương Xuân, ai lên đồi Dương Xuân cũng thấy quá đẹp; sư cô Chân Không còn nói là người xóm Mới cũng rất đẹp. Các sư cô và thiền sinh ở đó người nào cũng có nụ cười thật tươi và hạnh phúc. Thầy thấy đúng quá. Thầy quay qua nói với sư anh Pháp Dụng và sư anh Pháp Ứng: ‘‘Xóm Thượng đẹp không phải chỉ vì cảnh mà còn vì người’’. Khi chúng ta tu học mà có thảnh thơi và hạnh phúc thì chúng ta đẹp ra.

Thầy nhớ lại lúc ở Trung Quốc, khi đi vào những chùa rất lớn như là chùa Bách Lâm hay chùa Cao Mân với những Thiên Vương Điện, Quan Âm Điện, Đại Hùng Bảo Điện, những dãy cư xá vĩ đại thì Thầy hơi có mặc cảm. Mai mốt các hòa thượng ở bên đó qua bên này thì làm sao mà mình không mắc cỡ, vì ba, bốn chùa của mình không có chùa nào có được một tòa nhà xứng đáng; không có Thiên Vương Điện, không có Đại Hùng Bảo Điện, không có Quan Âm Điện. Không có cung vàng điện ngọc nguy nga như bên ấy. Nhưng sau đó sư cô Định Nghiêm nhắc Thầy: ‘‘Bạch Thầy, các xóm của mình đẹp lắm.’’ Và khi Thầy nhìn lại thì Thầy thấy quả nhiên là đẹp thật. Từ đó Thầy không còn có mặc cảm nữa. Trước khi các hòa thượng sang có lẽ mình nên gửi một tờ fax qua, nói ‘‘Bạch chư hòa thượng, bên này không có cung vàng và điện ngọc, nhưng bên này rất đẹp, vì có rất nhiều cây.’’ Bên đó tuy có nhiều cung vàng và điện ngọc nhưng chung quanh có một bức trường thành bao bọc, và ngoài trường thành là phố xá, làng xóm. Còn bên chúng ta thì không có bức trường thành nào bao bọc cả và chúng ta rõ ràng đang sống trong một khu rừng. Xóm Thượng là một khu rừng, xóm Hạ cũng là một khu rừng, mình có thể gọi đó là Tùng Lâm. Tùng Lâm là tên cũ của tu viện, A Lan Nhã cũng gọi là Tùng Lâm.

Ẩn đây hiện kia

Sở dĩ Thầy nghĩ đến chị Thầy mà không đau đớn và không xót xa là vì Thầy đã có chị ở trong bản môn. Sở dĩ Thầy nghĩ đến mẹ Thầy hay là thầy của Thầy, Sư Ông mà không xót xa vì trong Thầy đã có thầy của bản môn, đã có mẹ của bản môn. Thầy chưa bao giờ xa cách những người như vậy hết. Đức Thế Tôn dạy là các pháp ẩn chỗ này thì lại hiện ra chỗ kia, và thực tại vượt thoát cái có và cái không; cái tới và cái đi. Chỉ có cái ẩn tàng và cái biểu hiện mà thôi. Nếu ta sống có chánh niệm thì ta sẽ thấy tuy cái đó giống như đã ẩn tàng nhưng kỳ thực nó đã bắt đầu biểu hiện. Cái nên thơ nhất của Phật giáo Tây Tạng là chuyện đi tìm hậu thân của các vị đại sư. Người ta tin rằng khi một vị đại sư viên tịch thì vị đại sư đó sẽ đầu thai lại để tiếp tục sự nghiệp của mình. Và mấy năm sau người ta đi kiếm cho được đứa bé có khả năng nhận diện ra được những vật dụng mà vị đại sư kia đã từng dùng trong đời sống hàng ngày của ngài. Vị đại sư đó tịch đi nghĩa là vị đại sư đó ẩn nhưng sau khi ta tìm ra được em bé để tiếp nối rồi thì vị đại sư đó lại hiện. “Xuất thử một bỉ”, đó là bốn chữ ở trong Quy Sơn Cảnh Sách.

Xuất thử một bỉ là xuất hiện ở bên này thì lặn mất ở bên kia. Trong khi quán chiếu Thầy thấy sự ẩn hiện linh động vô cùng; không hẳn là ta phải ẩn thì ta mới xuất hiện lại được. Ví dụ trong trường hợp của Thầy. Quý vị có thể suy nghĩ theo lề lối tín ngưỡng của Tây Tạng là sau khi Thầy mất đi rồi, vài năm sau quý vị đi tìm thì sẽ thấy một chú bé chạy lon ton, nét mặt hơi giống Sư Ông ngày xưa, tới hỏi và đồng nhất hóa chú bé đó với Sư Ông. Quý vị đem chú bé đó về nuôi làm sư ông thứ hai. Điều đó cũng vui, nhưng Thầy thấy khác. Thầy thấy rằng đừng đợi khi Thầy ẩn rồi mới đi tìm chú bé đó, vì chú bé đó ngay bây giờ đã xuất hiện rồi, và đã xuất hiện không phải dưới hình thức của một chú bé mà của nhiều chú bé và nhiều cô bé. Điều này rất khoa học, vì Thầy đã đầu thai, Thầy đã được tiếp nối.

Nếu quý vị đi tìm thì quý vị có thể thấy được ngay bây giờ; khá nhiều, không cần đợi cho báo thân này hoàn toàn ẩn đi thì mới thấy được những báo thân kia xuất hiện. Không, quý vị có thể bắt đầu từ bây giờ và quý vị sẽ thấy những chú bé hay những cô bé đang chạy lúp xúp, và quý vị sẽ thấy rằng Thầy đã được tiếp nối, Thầy đã xuất hiện. Nhìn về phía này cũng thấy Thầy, mà nhìn về phía kia cũng thấy Thầy, nhìn về phía nọ cũng thấy Thầy. Đó là một sự thật rất khoa học.

Kho tàng hạnh phúc

Có thể có những người ngày xưa đã từng sống với ta, chia sẻ ngọt bùi với ta, đã cùng đi picnic với ta, đã cùng tập hát, tập tụng kinh với ta nhưng bây giờ vì duyên cớ gì đó, không còn ở với ta nữa. Và khi chúng ta nghĩ tới người đó đang luân lạc ở một phương trời nào thì ta gọi họ là người cũ, là cố nhân. Nếu chúng ta đã từng có hạnh phúc với người đó thì người đó bây giờ đã trở thành một hình bóng của bản môn trong tâm ta, và trong giấc mơ hoặc trong thiền quán ta sẽ thấy lại họ. Và người đó nếu đã từng sống những giây phút hạnh phúc với chúng ta; đã từng ăn xôi nhiều màu hoặc đã từng ăn bánh tráng cuốn rau muống và cười nói với chúng ta trong một buổi chiều nào đó, thì người đó cũng vậy, người đó cũng có những hình ảnh bản môn trong tâm; một đêm nào nằm mơ thấy lại hình ảnh cũ, người đó sẽ thấy là đã không mất mát gì.

 

 

Chúng ta cũng vậy, chúng ta không mất mát gì cả, vì người cũ không phải là người đã mất; dù người đó là mẹ, là chị, là thầy, là sư em, là sư anh, là sư chị của chúng ta. Giây phút mà chúng ta cuốn những cọng rau muống vào trong bánh tráng rồi chấm vào nước tương ớt ăn với nhau, giây phút đó là giây phút ta có thể tạo tác ra được bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày. Giây phút mà chúng ta ngồi với nhau trước sàn để cùng ăn một buổi ăn sáng gồm có xôi đủ màu, ta cũng có thể tạo tác ra bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày của ta. Và tất cả những giây phút đó đều trở thành bất diệt. Một gốc cây, một đóa hoa mới nở hoặc ở xóm Thượng, xóm Hạ hay xóm Mới đều mầu nhiệm; đều là chị, là mẹ, là thầy, là anh và là em của chúng ta. Ta phải nhận diện chúng cho được để chúng đừng bao giờ trở thành cố nhân, vì chúng sẽ trở thành bất diệt.

Ngày hôm nay chúng ta có phước duyên được sống với nhau trong một khung cảnh rất mầu nhiệm và đẹp đẽ. Thầy rất biết ơn là ngày hôm nay Thầy được sống trong khung cảnh này với các con của Thầy. Thầy rất hạnh phúc và rất trân quý từng giây phút của đời sống bây giờ. Thầy không rong ruổi, không trốn chạy, không đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Thầy an trú được, và vì vậy mỗi giây phút mà Thầy sống ở đây với quý vị là mỗi giây phút tương đương với những giây phút mà Thầy ngồi với các sư chú ngày xưa ở chùa Ấn Quang và với các thầy khác ở tịnh thất Mỹ Tho, buổi ăn sáng gồm có xôi đủ màu. Tất cả những giây phút đều có giá trị tương đương như vậy. Tất cả chúng ta đều có khả năng biến khoảnh khắc thành thiên thâu và như vậy chúng ta sẽ rất giàu có. Đi đâu với kho tàng giàu có đó của hạnh phúc và của tình thương thì chúng ta cũng sẽ đủ sức mạnh để đối phó với bất cứ một khó khăn nào mà chúng ta phải đối phó.

Chúng ta hãy sống trong giây phút hiện tại, đừng trốn chạy, đừng tìm tòi. Trở về với giây phút hiện tại là để tiếp xúc sâu sắc được với những gì mầu nhiệm, những gì đẹp đẽ và an lành. Sống với tình thương, tha thứ cho nhau, đùm bọc lấy nhau, nâng đỡ cho nhau, chúng ta tạo ra hạnh phúc rất lớn cho chính chúng ta. Hạnh phúc đó bao giờ cũng còn. Hạnh phúc đó không phải là một thứ hạnh phúc mong manh, trái lại nó càng ngày càng vững chãi. Với chính hạnh phúc ấy chúng ta có thể đi làm hạnh phúc cho người. Nếu chúng ta không có một kho tàng của hạnh phúc trong tâm thì chúng ta sẽ không có gì để phân phát, để chia sẻ với những người khác. Sự thực tập của chúng ta là sự thực tập hạnh phúc, vì trong mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày của chúng ta tại đây chúng ta đều có thể có hạnh phúc. Giáo lý của Đức Thế Tôn – hiện pháp lạc trú – rất mầu nhiệm. Những điều kiện của hạnh phúc đã có đầy đủ. Có thể hôm nay ta coi thường nhưng một mai này nhìn lại, chúng ta sẽ thấy những giây phút đó là những giây phút mầu nhiệm nhất của đời ta. Những giây phút đó không thuộc về quá khứ, chúng đang thuộc về hiện tại và chúng ta đang có chủ quyền. Sống như thế nào để những giây phút bây giờ đừng trở thành quá khứ; mà mãi mãi còn là hiện tại. Đó là sự thực tập của chúng ta.

Che chở và bảo hộ

Chúng ta tu tập nhưng kỳ thực chúng ta đang làm giàu. Làm giàu không phải với cái nghĩa của thế gian là chất chứa tiền của mà với cái nghĩa là chúng ta đang chất chứa hạnh phúc. Không cần gì nhiều, ta chỉ cần một vài cái bánh tráng và mấy cọng rau muống là có thể làm ra được rất nhiều hạnh phúc. Ta chỉ cần 15 phút hay 20 phút ngồi chơi với nhau, thấy được rằng chúng ta đang được sống bên nhau với khung cảnh mầu nhiệm này ta có thể làm được hạnh phúc. Mỗi giây phút hạnh phúc như vậy sẽ làm giàu cho kho tàng hạnh phúc của chúng ta. Ngày nào chúng ta cũng làm giàu cho kho tàng hạnh phúc ấy.

Chúng ta biết rằng chính với kho tàng hạnh phúc đó mà ta trở thành một vị bồ tát, có thể đem an lạc, hạnh phúc mà chia sẻ với mọi người và mọi loài. Đơn giản như vậy thôi. Tất cả có thể quy tụ về hai chữ: an trú. An trú tức là ở yên. Hạnh phúc có thể có mặt trong giây phút hiện tại.

 

 

Ta sống ở đây, chị của ta đang đau, mẹ của ta đang đau, ta biết rõ như vậy nhưng mẹ ta và chị ta, ta chưa bao giờ từng xa cách. Ta đã có những giờ phút hạnh phúc với mẹ, đã có những giờ phút hạnh phúc với chị, với thầy, với bạn, với anh. Ta tiếp tục sống như vậy. Tiếp tục dùng trái tim, dùng sự hiểu biết và hạnh phúc của ta để ôm lấy những người đó thì ta không cần phải xót xa, ta không cần phải hối hận vì ta chưa bao giờ từng bỏ những người đó, chưa bao giờ từng phụ những người đó. Dầu ta không được sống chung hai mươi bốn giờ đồng hồ với họ nhưng họ đã trở thành hình ảnh bản môn trong trái tim của ta. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi nụ cười của ta là để nuôi dưỡng ta nhưng đồng thời cũng là để nuôi dưỡng họ. Vì vậy Sư Ông được ta tiếp tục nuôi dưỡng, mẹ được ta tiếp tục nuôi dưỡng, chị được ta tiếp tục nuôi dưỡng và cả những sư chú và sư cô đã không còn cơ duyên ở đây nữa, chúng ta cũng tiếp tục nuôi dưỡng họ; chúng ta không mất đi một cái gì hết. Đây là một sự nhắc nhở.

Thầy nghĩ rằng ngày xưa Đức Thế Tôn cũng thường nhắc nhở các thầy, các sư cô: ‘‘Hạnh phúc luôn luôn có thể có được trong giờ phút hiện tại”. Đừng đánh mất nó bằng vọng tâm, bằng sự bất an của mình, ‘‘Hãy trở về an trú và sống cho sâu sắc đời sống ngày hôm nay’. Chúng ta tạo dựng hạnh phúc, chúng ta làm giàu được nội tâm và nối tiếp được sự nghiệp của Đức Như Lai, và ta không cần ẩn tàng mà vẫn có thể tiếp tục phát hiện, vì trong liên hệ duyên sinh thì hạnh phúc của chúng ta có liên hệ đến hạnh phúc của những người khác. Trong nếp sống như vậy, trong tinh thần như vậy, chúng ta che chở cho nhau, chúng ta đùm bọc lấy nhau; cũng như ngày xưa mẹ đã che chở cho ta, chị đã đùm bọc lấy ta.

Bây giờ ta cũng đùm bọc, che chở cho anh, cho chị, cho em ta. Chúng ta có thể làm hay hơn nữa là che chở cho nhau bằng uy nghi, bằng giới luật. Vì không có sự che chở và bảo hộ nào vững chãi và cao quý hơn là sự che chở và bảo hộ bằng giới luật và bằng uy nghi. Ta thương sư em và ta che chở cho sư em bằng giới luật và uy nghi – đó chính là tình thương cao cả nhất. Ta thương sư anh của ta thì ta cứ thương nhưng ta phải thương bằng cách bảo vệ và che chở sư anh của ta bằng giới luật và bằng uy nghi của chính ta. Được như vậy, đời đời ta sẽ có sư anh, đời đời ta sẽ có sư em và không bao giờ họ trở thành cố nhân của ta; mà họ sẽ trở thành người bạn đường của ta trong kiếp này và trong những kiếp sau này.