Pháp thoại theo chủ đề

Năm cánh tỏa kỳ hương

(Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 14.02.1999)

 

 

Hôm nay chúng ta học về Nghi thức chúc tán Tổ Sư. Xin quý vị mở cuốn Nhật tụng Thiền môn. Nghi thức Chúc Tán này hướng về các vị Tổ Sư tức là tổ tiên tâm linh của chúng ta. Sư là thầy. Các vị Tổ Sư tức là các bậc thầy trong quá khứ thuộc về nhiều thế hệ. Nghi thức này xưa nay chỉ được sử dụng trong thiền môn. Nhưng lễ Chúc Tán Tổ Sư chưa bao giờ được tổ chức tại gia đình. Theo tôi thì chúng ta cũng có thể áp dụng nghi thức Chúc Tán Tổ Sư trong phạm vi gia đình, tại vì người cư sĩ cũng có tổ tiên tâm linh của họ.

Trong ta có sự có mặt của tổ tiên huyết thống. Ông bà tổ tiên của bao nhiêu thế hệ đã đi trước đều đang có mặt trong ta từng giây từng phút và chúng ta là sự tiếp nối của các vị. Điều này cũng đúng đối với phương diện tâm linh, bởi vì trong ta có sự có mặt của Bụt và của các vị Tổ Sư từ thầy Ca Diếp cho đến Thầy của chúng ta. Khi ta được Thầy trao truyền chánh pháp, ta biết rằng sự trao truyền đó đã tới từ tất cả những thế hệ tổ tiên tâm linh. Và nếu sự trao truyền và tiếp nhận thành công thì trong mỗi tế bào của ta đều có sự có mặt của Bụt và của các vị Tổ Sư. Sự có mặt của các vị tổ tiên tâm linh cũng hiện thực rõ ràng như sự có mặt của tổ tiên huyết thống. Tất cả những tuệ giác, hạnh phúc, kinh nghiệm và tình thương của các thế hệ tổ tiên tâm linh cũng được trao truyền cho ta. Ta phải biết trân quý và sử dụng gia tài quý báu đó. Nhìn vào cách sống, cách hành xử của các sư anh, sư chị và sư em của ta, ta cũng thấy được sự trao truyền nếp sống tâm linh đó và ta thấy rõ ràng họ là sự tiếp nối của Bụt, của chư Tổ qua các thời đại và của Thầy. Thấy được như vậy rồi thì ta cảm nhận có một sự liên hệ giữa ta với sư anh, sư chị và sư em của ta, từ đó ta có sự giao cảm, liên đới, đoàn kết và hiểu biết và ta quyết tâm thiếp lập và xây dựng Tăng thân để làm chỗ nương tựa cho hải chúng mười phương.

Tiếp xúc với chiều dọc đồng thời cũng là tiếp xúc với chiều ngang. Chiều dọc là biểu tượng của hai dòng sinh mạng tổ tiên tâm linh và huyết thống và chiều ngang là biểu tượng của dòng sinh mạng của mọi người và mọi loài có mặt cùng thời với ta giờ này trong giây phút hiện tại. Tất cả đều là tổ tiên của ta và anh chị em của ta. Ta là một với họ. Nếu ta thất bại trong sự tiếp xúc với chiều dọc thì ta sẽ thất bại trong sự tiếp xúc với chiều ngang và nếu ta đã thất bại trong sự tiếp xúc với chiều ngang thì đó cũng có nghĩa là ta cũng đã thất bại trong khi tiếp xúc với chiều dọc. Sự thật là như vậy. Khi ta giận hờn người anh, người chị hoặc người em của ta và ta muốn bỏ đi, hoặc khi liên hệ giữa ta với họ có khó khăn thì ta biết rằng liên hệ giữa ta với tổ tiên tâm linh của ta cũng đã không thành công. Sự thất bại của cái này chứng tỏ sự thất bại của cái khác. Nếu ta thực sự tiếp xúc được với tổ tiên tâm linh, thì ta sẽ không có khó khăn gì trong sự tiếp xúc, xây dựng sự truyền thông với những người bạn đồng tu trong Tăng thân. Đây là điểm rất quan trọng mà chúng ta phải đem ra quán chiếu để thực tập.

Sau khi xướng kệ dâng hương xong, ta xướng tiếp bài Chúc Tán Tổ Sư.

Một đóa hiện linh thoại
Năm cánh tỏa kỳ hương
Pháp tạng trao truyền từ Tây Vức
Tâm tông nối tiếp ở Đông Phương
Xin các thế hệ cao tăng
Trong niết bàn diệu tâm
Cao tọa pháp bảo đàn
Với tuệ giác siêu trần
Đưa mắt nhìn xuống đàn cháu con
Đem lòng thương chứng giám:

Các thế hệ tổ sư đã mở rộng con đường thảnh thơi và vững chãi
Làm khuôn thước và suối nguồn cho các thế hệ tương lai
Chúng con đây là tăng thân chùa ….., quận …..,
tỉnh ……, nước Việt Nam
Hôm nay ngày kỷ niệm Sư Tổ …..
Tập họp bốn chúng
Đi lên tổ đường và bảo điện
Thiền tọa công phu
Phúng tụng kinh văn
Xưng dương công hạnh của liệt vị tổ sư
Đem hết lòng thành kính ngưỡng
Mong tỏ lộ được niềm biết ơn thầm kín của chúng con.

Chúng con kính lạy các vị Bồ tát tổ sư
Tây Phương và Đông Độ
Hòa thượng khai sơn bổn tự
Tất cả các thế hệ cao tăng đi trước
Đã khai đường mở lối cho đàn hậu tiến chúng con
Xin nguyện nỗ lực tiến tu
Chuyển hóa phiền não
Nuôi dưỡng bồ đề
Làm cho tông phong mãi mãi được chấn chỉnh
Tổ ấn càng ngày càng rạng rỡ quang huy
Hoa giác ngộ nở khắp trong thiền lâm
Mưa diệu pháp thấm nhuần nơi học địa
Đệ tử chúng con nhớ ơn huấn giáp của liệt vị tổ sư
Nguyền chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau
Thương yêu nhau như con một nhà
Cho tăng thân lớn mạnh
Cho hạnh phúc vững bền
Làm chỗ nương tựa cho hải chúng mười phương
Nguyền noi gương các bậc tổ sư như Ca Diếp, A Nan, Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Nghĩa Huyền, Liễu Quán
Cùng các bậc long tượng trong sơn môn
Các bậc có tâm chí đại hành
Các bậc Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

Một đóa tức là một bông hoa, một đóa hoa. Linh Thoại tiếng Bắc là linh thụy, đó là tên của hoa Ưu Đàm hay Ưu Bát Đa La (udumbara)- hoa Ưu Đàm mấy ngàn năm mới nở một lần, vì vậy người ta ví Bụt như hoa Ưu Đàm, lâu lắm mới nở trong vườn hoa nhân loại. Sự xuất hiện của một bậc giác ngộ hoàn toàn như Bụt là điềm rất hiếm có; cũng như hoa Linh Thoại, mỗi ba ngàn năm mới nở một lần. Bây giờ đã 2600 năm rồi và có người nghĩ là 400 năm nữa chúng ta sẽ có một đóa hoa Ưu Đàm mới, một vị Bụt mới.

Một đóa hiện linh thoại tức là Bụt, là Thế Tôn, là đấng giác ngộ cao tột đã xuất hiện trên đời. Năm chữ trong câu này đưa ra một hình ảnh rất đẹp. Năm cánh tỏa kỳ hương, là đóa hoa ấy có năm cánh và năm cánh đó tỏa ra mùi hương rất kỳ diệu. Kỳ tức là lạ lùng, mầu nhiệm. Năm cánh này chỉ cho năm tông phái thiền đã tiếp nối được dòng tuệ giác của Bụt. Đây là lời xưng tụng truyền thống của các phái thuộc về thiền tông. Ở Trung Quốc có năm phái thiền; và người Trung Quốc thường đồng nhất năm phái thiền đó với năm cánh của bông hoa. Đó là các thiền phái Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn. Năm phái thiền này rất nổi tiếng ở Trung Quốc trong đó phái Lâm Tế và phái Tào Động là hai phái mạnh nhất. Hai phái này đã được truyền sang Nhật Bản và Cao Ly và cũng có truyền sang Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta cũng có năm phái thiền và trong năm phái thiền của Việt Nam cũng có yếu tố của các phái Lâm Tế và phái Tào Động. Nhưng năm phái thiền ở Việt Nam không phải là năm phái thiền của Trung Quốc. Vì vậy chúng ta có cùng một câu tán dương là một đóa hiện linh thoại, năm cánh tỏa kỳ hương.

Phái thiền được thành lập đầu tiên ở Việt Nam là phái thiền Tăng Hội. Phái thiền này được thiết lập vào thế kỷ thứ III. Còn các phái thiền như phái Lâm Tế và phái Tào Động thì mới được du nhập từ thế kỷ thứ XII trở về sau. Tổ Bồ Đề Đạt Ma qua Trung Quốc vào thế kỷ thứ V; nhưng vào thế kỷ thứ III, tại Việt Nam thiền sư Tăng Hội đã lập được phái thiền đầu tiên rồi, tức là trước tổ Bồ Đề Đạt Ma gần ba trăm năm. Điều lạ lùng nhất là Sư Tổ Tăng Hội không phải là một vị tăng sĩ từ Ấn Độ đi sang mà đã được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Tăng Hội là đứa con lai giữa một người cha gốc Bắc Ấn và một người mẹ Việt Nam. Ngày xưa tổ tiên của thầy Tăng Hội sống ở một nước miền Bắc Ấn Độ gọi là nước Khương Cư (Sogdian). Thân phụ của thầy Tăng Hội là một nhà buôn trẻ sinh ra ở miền Nam Ấn Độ chứ không phải sinh ra ở nước Khương Cư. Ông cùng đi với các thương gia khác tới Việt Nam và thấy đất Việt rất dễ chịu cho nên đã ở lại và định cư tại đó. Người thương gia trẻ đó đã cưới một người thiếu nữ Việt Nam và đã sinh được một đứa con. Khi đứa con vừa mới lên mười một tuổi thì cả cha mẹ đều qua đời. Đứa bé đã đi vào chùa sống, tu tập và sau này đã trở thành một vị cao tăng rất lỗi lạc tên là Tăng Hội.

Thiền sư Tăng Hội sống vào nửa đầu thế kỷ thứ III, vì vậy chúng ta biết rằng Đạo Bụt đã được truyền sang Việt Nam từ Ấn Độ trước thầy Tăng Hội và tới đời thầy Tăng Hội, Việt Nam mới bắt đầu có một thiền phái. Phái thiền này không phải là đã được truyền từ Ấn Độ sang mà đã được thầy Tăng Hội sáng lập. Đạo Bụt sang Việt Nam vào khoảng thế kỷ đầu. Trong thế kỷ thứ II, chúng ta có những nhân vật như Mâu Bác – Mâu Bác có thể là một trong những giáo sư của thầy Tăng Hội. Thầy Tăng Hội là người đã lập ra một môn phái thiền đặc biệt sử dụng các kinh thiền nguyên thỉ nhưng sử dụng theo tinh thần Đại Thừa. Ví dụ kinh An Ban Thủ Ý là một kinh Nguyên Thỉ, nhưng đã được thầy Tăng Hội giảng theo tinh thần Đại Thừa. Câu đầu tiên mà thiền sư Tăng Hội viết trong bài tựa là: An Ban Thủ Ý là cỗ xe lớn (Đại Thừa) mà các vị Bụt dùng để cứu độ cho chúng sanh đang lênh đênh chìm nổi. Câu này rất hay tại vì trong lúc chúng ta đang lênh đênh chìm nổi trong biển sầu, thương, giận, ghét ghen mà chỉ cần biết thở vào, thở ra có chánh niệm thôi thì tự nhiên chúng ta không còn bị lênh đênh chìm nổi nữa. Đó là sự thực tập tại đạo tràng Làng Mai. Phép thực tập ở Làng Mai đã theo sát với truyền thống của thiền tông Việt Nam ngay từ lúc ban đầu, và đã sử dụng những kinh điển nguyên thỉ nhưng đã nhìn với con mắt của Đại Thừa.

Sách Thiền Uyển Tập Anh (Uyển tức là khu vườn thiền, Tập tức là gom lại, Anh tức là đẹp; là sự tập hợp những bông hoa đẹp nhất từ trong vườn thiền) nói rằng tới đời Trần, tức là vào khoảng thế kỷ thứ XII, phái thiền Tăng Hội vẫn còn hiện hành và người đại diện cho thiền phái đó là thiền sư Lôi Hà Trạch. Tăng Hội không phải chỉ là tên của một vị thiền sư mà cũng là tên của một thiền phái và thiền phái đó do người Việt sáng lập chứ không phải là một thiền phái được đem từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc sang.

Tới thế kỷ thứ VI chúng ta có một thiền phái thứ hai xuất hiện, đó là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) là người Ấn Độ. Thầy đã sang Trung Quốc và lưu trú ở đó khoảng hai năm. Trong thời gian tu tập và hành đạo tại Trung Quốc, Thầy đã gặp tổ Tăng Xán, tức là người kế thừa tổ Bồ Đề Đạt Ma. Thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi được gặp gỡ tổ Tăng Xán và sau đó Thầy đi về miền Nam và cư trú tại chùa Pháp Vân. Ở đây Thầy đã sáng lập ra phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi như vậy không hẳn là do từ Trung Quốc truyền vào mà là từ Ấn Độ truyền sang. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi có ảnh hưởng tư tưởng của Mật Giáo. Thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã ở tại chùa Pháp Vân, thủ đô Giao Châu ngày xưa. Thầy đã dịch nhiều kinh thuộc về Mật Giáo, cho nên phái thiền của thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một tổng hợp giữa Thiền và Mật Tông. Chúng ta có thể nói rằng phái thiền thứ hai của Việt Nam là một phái thiền từ Ấn Độ truyền sang, tại vì chi tiết Thầy có gặp tổ Tăng Xán ở Trung Quốc tuy được ghi chép nhưng không có gì quan trọng. Chuyện tổ Tăng Xán bảo thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi phải đi về phương Nam để hành đạo có thể là do người đời sau thêm vào để cho rằng phái thiền này cũng có gốc gác Trung Quốc. Chúng ta biết rằng Giao Châu thời bấy giờ là một nước nhỏ, cho nên cái gì xảy ra ở Trung Quốc mới được xem là quan trọng.

Đến thứ kỷ thứ IX, có một thiền sư tên là Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc qua Việt Nam và thành lập một phái thiền thứ ba tên là Vô Ngôn Thông. Vô Ngôn Thông nghĩa là sự truyền thông siêu việt cả ngôn từ và lời nói. Thầy Vô Ngôn Thông có liên hệ với tổ Bách Trượng, tức là vị tổ đã sáng lập ra những thanh quy rất nổi tiếng gọi là Bách Trượng Thanh Quy. Tổ Bách Trượng cũng là người chủ trương rằng làm việc chấp tác cũng là tu như làm vườn, tưới rau, cày ruộng… Bất tác bất thực là câu châm ngôn của tổ Bách Trượng. Một hôm có một vị thủ tọa thấy Tổ già yếu rồi mà ngày nào cũng vác cuốc ra làm việc, thấy thương quá nên đem giấu cái cuốc của Tổ đi để Tổ khỏi phải ra ngoài vườn trồng rau nữa. Hôm đó vì không có cuốc để đi làm việc thành ra Sư Tổ không chịu ra ăn cơm. Vị Thủ Tọa đến hỏi: Bạch Hòa Thượng, sao hôm nay Ngài không ra dùng cơm? Sư Tổ đáp: Hôm nay tôi không được làm việc nên tôi không ăn cơm (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực). Bất tác bất thực từ đó đã trở thành một câu châm ngôn nổi tiếng. Từ truyền thống đó ta bắt đầu có một mẫu mực tổ chức thiền viện gọi là nông thiền, tức là những trung tâm tu học trong đó mọi người đều làm việc như cày ruộng, làm vườn, trồng trọt. Làm việc là để sản xuất nhưng cũng là tu tập, nghĩa là phải có chánh niệm trong khi làm chứ không phải chỉ là để tăng gia sản xuất mà thôi. Cố nhiên theo tinh thần nông thiền chúng ta phải trồng trọt như thế nào đó để tránh gây tổn hại tới sinh mạng của các loài chúng sanh và đất đai.

Vào thế kỷ thứ XI, ta lại có một phái thiền khác được thành lập, đó là phái thiền Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường là vị tổ đã sáng lập ra thiền phái này. Đây là một thiền phái mang nhiều tính chất trí thức. Thiền sư Thảo Đường là một thi sĩ, một nhà văn rất lỗi lạc. Văn chương và thơ phú của Thầy rất hay. Thầy Thảo Đường đến Đại Việt từ nước Chàm (Champa). Nhưng trước đó Thầy đã từ Trung Quốc tới nước Chàm, rồi từ nước Chàm mới qua Đại Việt. Thời đó Champa còn là một lãnh thổ riêng. Ngày xưa miền Nam Việt Nam được chia ra hai phần; một phần là đất Champa và một phần là đất Thủy Chân Lạp. Giữa hai nước Đại Việt và Champa thường có những cuộc tranh chấp về biên giới và người Chàm là những người chiến sĩ rất hùng dũng, họ có hải quân rất tài giỏi và thường đem hải quân sang đánh phá nước ta. Có lần họ đem hải quân ra tới Thăng Long và đánh chiếm được cả thủ đô Đại Việt. Vì vậy giữa hai nước thường có những tranh chấp và ở biên giới không có ngày nào được yên ổn. Cho nên vào đời Lý, ở thế kỷ thứ XI, vua Lý đã đem quân sang đánh Chiêm Thành và đã bắt đem về một số tù binh. Vua đem chia các tù binh đó cho mỗi quan trong triều để sử dụng như là những người giúp việc trong nhà. Chúng ta nên nhớ rằng đây không phải là chế độ bắt người làm nô lệ vì nước Việt Nam ta chưa bao giờ có chế độ nô lệ.

Hồi đó, ở triều đại nhà Lý có chức quan gọi là Tăng lục. Tăng lục là một vị quan trông coi văn phòng giữ hồ sơ của tất cả các tăng sĩ và sự phát triển của Phật Giáo qua các niên đại. Vị quan này thường phải là người am tường về Phật pháp. Vị Tăng lục cũng đã nhận được một người tù binh để giúp chăm lo việc nhà. Một hôm vào triều chầu vua về ông thấy bản thảo viết về lịch sử Phật Giáo của mình ở trên bàn bị một người nào chữa lại rất đặc. Ông giận dữ và tìm hỏi cho ra kẻ đã to gan chữa bản thảo của ông. Người tù binh đó đã thú nhận là mình đã tự ý sửa chữa. Ông quan Tăng lục vừa ngạc nhiên vừa khâm phục. Sau khi tra hỏi và chuyện trò một hồi thì ông mới khám phá ra rằng người tù binh mà vua trao tặng cho mình là một vị thiền sư. Vị thiền sư này đã từ Trung Quốc đi qua Champa để hoằng pháp độ sanh, nhưng không may trong thời cuộc chiến tranh đã bị bắt làm tù binh và cuối cùng đã bị chia cho vị Tăng lục để giúp việc nhà. Văn chương đã giỏi hơn vị Tăng lục, mà Phật pháp còn uyên thâm hơn. Trong khi quan tăng lục đi vắng người giúp việc kia (thiền sư Thảo Đường) đã có cơ hội đọc trộm bản thảo ở trên bàn, đã thấy rằng những điều ghi chép trong bản thảo đó có nhiều chỗ sai lầm và người giúp việc kia đã tự ý chữa những chỗ sai lầm đó. Vị Tăng lục đi công tác về, nhìn vào bản thảo, chợt giật mình vì thấy rằng người chữa bản thảo là một nhân tài, là một người có kiến thức về Phật Pháp rất thâm uyên và văn chương lưu loát. Vị Tăng lục đã đem mọi việc tâu lên vua. Biết được điều ấy, vua cho mời vị tù binh vào chầu và sau một cuộc đối đáp vua khám phá ra rằng đây không phải là một tên tù binh mà là một vị thiền sư. Thiền sư đã đối đáp rất hay và rất thông suốt khiến cho vua hết sức khâm phục và vua đã tôn thiền sư làm thầy của mình, làm vị Quốc Sư. Đây là sự kiện làm cho chúng ta cảm phục và hãnh diện vì thái độ cởi mở biết cầu hiền của cha ông chúng ta. Một vị hoàng đế đã dám cả gan tôn một tên tù nhân của mình làm thầy và đưa kẻ đó lên làm vị Quốc Sư cho cả nước. Và từ đó chúng ta có thêm một thiền phái nữa, gọi là thiền phái Thảo Đường. Sau này phần nước Chàm được sát nhập vào nước Việt, và hiện bây giờ nếu đi về những tỉnh như Khánh Hòa, Phan Rang và Phan Thiết thì chúng ta còn thấy những di tích của văn hóa Chàm và những làng của người Chàm đang ở. Thiền phái Thảo Đường tuy thế đã không phát triển mạnh vì thiền phái này gồm toàn những người trí thức, trong đó có vua và quan.

Đến thế kỷ thứ XIII, chúng ta lại có một thiền phái khác nữa do người Việt thành lập, đó là thiền phái Trúc Lâm. Người thành lập phái này là thiền sư Hiện Quang. Phái Trúc Lâm sau này có một ông vua đi tu, tên là vua Trần Nhân Tông được chính thức nhìn nhận là tổ thứ nhất của thiền phái. Sau đó có các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, và phái Trúc Lâm này được tiếp nối mãi cho đến ngày nay. Núi Yên Tử là nơi xuất phát của thiền phái Trúc Lâm này.

Thiền phái Lâm Tế đã được truyền vào sau đó từ thời Tống. Vua Trần Thái Tông là đệ tử của thiền sư Hiện Quang là một trong những người đầu tiên tiếp nhận trao truyền từ thiền phái Lâm Tế. Sau này một số đông trong chúng ta đều đã tiếp nhận nguồn năng lượng của thiền phái Lâm Tế, nhưng trước đó chúng ta vẫn thuộc về các thiền phái của bản xứ rồi.

Những thiền phái ở Trung Quốc đi vào giống như những dòng sông khác đổ vào trong những dòng sông đã có sẵn. Năm thiền phái Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Trúc Lâm là năm thiền phái Việt Nam. Các thiền phái này được tập hợp thành một dòng sông, và các dòng Lâm Tế và Tào Động từ Trung Quốc đi qua đã chảy vào trong dòng sông lớn đó.

Trong khi chúng ta xướng

Một đóa hiện linh thoại
Năm cánh tỏa kỳ hương

Thì ta nghĩ tới năm thiền phái ở Việt Nam, nhưng khi người Trung Quốc đọc năm cánh thì họ nghĩ tới năm thiền phái ở Trung Quốc. Chúng ta phải nhớ điều đó.

Vào đời Trần, thế kỷ thứ XIII, các thiền phái Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Trúc Lâm có khuynh hướng tìm tới với nhau thành một nền Phật giáo thống nhất để không có sự kỳ thị giữa các tông phái khác nhau nữa, và vì vậy cho nên thời đại Trần Thái Tông chúng ta đã có một vị quốc sư tên là Nhất Tông Quốc Sư. Năm thiền phái hợp chung với nhau như là một dòng sông và chính trong dòng sông đó mà các dòng Lâm Tế và Tào Động đã đi vào. Phật giáo nhất tông là Phật giáo thống nhất. Trong thế kỷ XX, chúng ta có một giáo hội gọi là Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất. Chuyện này không phải là chuyện mới, đó chỉ là sự tiếp nối tinh thần thống hợp các tông phái lại để tu chung với nhau, làm việc chung với nhau. Tinh thần này đã có từ đời Trần. Nhất Tông Quốc Sư, Phật Giáo Nhất Tông, những cái tên rất hay.

Những tài liệu này về Phật Giáo Việt Nam, hiện bây giờ, trên thế giới còn ít người biết, vì vậy chúng ta phải cố gắng phiên dịch các cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận ra Anh văn. Chúng ta phải cố gắng phổ biến những tài liệu đó cho quốc tế biết, tại vì nhiều người còn nghĩ rằng Phật Giáo Việt Nam chỉ là Phật Giáo truyền vào từ Trung Quốc và vì thiền Việt Nam chẳng qua chỉ là thiền Lâm Tế, thiền Tào Động. Phật Giáo Việt Nam có tiếp nhận từ Phật Giáo Trung Quốc nhưng trước đó đã trực tiếp tiếp nhận từ Phật Giáo Ấn Độ.

Pháp tạng trao truyền từ Tây Vức
Tâm tông nối tiếp ở Đông Phương

Pháp tạng tức là kho tàng chánh pháp. Kho tàng chánh pháp đã được trao truyền từ Tây Vức. Tây Vức hoặc là Tây Vực là chỉ cho Ấn Độ. Tâm tông là tông phái của trái tim, ám chỉ thiền tông, tại vì thiền tông là một tông phái truyền từ trái tim này tới trái tim khác. Gọi là dĩ tâm ấn tâm. Lấy trái tim để mà in vào trong trái tim. Nối tiếp tức là chưa bao giờ bị đứt đoạn. Dòng tổ tiên tâm linh của chúng ta chưa bao giờ bị đứt đoạn.

Xin các thế hệ cao tăng
Trong niết bàn diệu tâm
Cao tọa pháp bảo đàn
Với tuệ giác siêu trần
Đưa mắt nhìn xuống đàn cháu con
Đem lòng thương chứng giám

Những câu này có mục đích gọi tên, giúp ta hướng về các thế hệ cao tăng và xin các nhìn lại đàn cháu con để chứng giám cho lòng thành của con cháu. Chúng ta xin các vị tổ tiên tâm linh nhìn xuống chúng ta nhưng kỳ thực chúng ta đang thực tập nhìn về tổ tiên tâm linh. Tổ tiên tâm linh đang cao tọa pháp bảo đàn tức là đang ngồi trên cao, trên đài cao của pháp bảo. Có một kinh gọi là Pháp Bảo Đàn. Chỗ ngồi của quý vị tức là cái đàn chánh pháp. Các ngài ngồi trong niết bàn diệu tâm tức là ngồi trong bản môn và có trái tim rất mầu nhiệm. Các ngài có tuệ giác siêu trần, siêu trần tức là vượt thoát khỏi những tư duy và ham muốn của cuộc đời hệ lụy.

Các thế hệ tổ sư đã mở rộng con đường thảnh thơi và vững chãi

Công nghiệp của các ngài là mở rộng con đường thảnh thơi và vững chãi. Con đường đó ngày xưa còn nhỏ và hẹp nhưng nhờ các ngài con đường đã trở thành xa lộ, đi rất là mau và rất dễ.

Làm khuôn thước và suối nguồn cho các thế hệ tương lai

Khuôn thước tức là những quy tắc, thanh quy và pháp môn rõ ràng, có hiệu quả. Suối nguồn cho các thế hệ tương lai. Chúng ta là những người uống nước và biết rằng sở dĩ có nước là tại vì có suối, có nguồn, có sông.

Chúng con đây là tăng thân Chùa Làng Mai, quận Duras, tỉnh Lot et Garonne, nước Pháp
Hôm nay nhân ngày kỷ niệm Sư Tổ Huệ Minh
Tập họp bốn chúng
Đi lên tổ đường và bảo điện

Bốn chúng gồm có người xuất gia nam, người xuất gia nữ, người cư sĩ nam và người cư sĩ nữ. Tổ đường tức là nơi thờ Tổ, bảo điện tức là nơi thờ Bụt, Bụt cũng là Tổ nhưng chúng ta lại có Phật đường và Tổ đường. Nếu chùa chưa có tổ đường thì chúng ta phải xây cất tổ đường, nếu chùa chưa có Phật đường thì chúng ta phải xây Phật đường. Nếu chưa có tăng đường thì ta xây dựng tăng đường. Trong chùa phải có Phật đường, pháp đường, tổ đường và tăng đường. Trong sự thực tập của chúng ta tiếp xúc với tổ tiên là một pháp môn hành trì rất quan trọng. Nếu không tiếp xúc được với Tổ thì chúng ta cũng không tiếp xúc được với anh, chị, em trong tăng thân của chúng ta.

Tập họp bốn chúng
Đi lên tổ đường và bảo điện
Thiền tọa công phu
Phúng tụng kinh văn
Xưng dương công hạnh của liệt vị tổ sư
Đem hết tâm thành kính ngưỡng
Mong tỏ lộ được niềm biết ơn thầm kín của chúng con

Những câu này chúng ta đã được học ở trong bài Chúc Tán kỳ trước cho nên ở đây khỏi nghe giảng lại.

Chúng con kính lạy các vị
Bồ Tát tổ sư
Tây Phương và Đông Độ

Các vị tổ sư đều là những vị bồ tát tại vì các vị đã mở rộng con đường thảnh thơi và vững chãi. Tây Phương ở đây có nghĩa là Ấn Độ, Đông Độ là những vùng đất về phương Đông, Đông có nghĩa là đối với Tây. Đông tức là Trung Quốc và Việt Nam, còn Tây nghĩa là Ấn Độ.

Hòa thượng khai sơn bổn tự

Ngày chúc tán chúng ta cũng phải nghĩ tới vị cao tăng lập ra đạo tràng này, gọi là hòa thượng khai sơn bổn tự. Công trình khai sơn chùa Làng Mai không phải là công trình của một người. Tất cả chúng ta đều là hòa thượng khai sơn bổn tự.

Tất cả các thế hệ cao tăng đi trước

Người mà chúng ta tiếp xúc dễ dàng nhất là người đã sáng lập ra trung tâm tu học trong đó ta đang thực tập. Rồi qua vị đó ta tiếp xúc với tất cả các thế hệ cao tăng đi trước.

Đã khai đường mở lối cho đàn hậu tiến chúng con
Chúng con là những đàn hậu tiến, những thế hệ đi sau.
Xin nguyện nỗ lực tiến tu

Nỗ lực là đem hết sức mình, tiến tu là tu hành có tiến bộ.

Chuyển hóa phiền não
Nuôi dưỡng bồ đề
Làm cho tông phong mãi mãi được chấn chỉnh
Tổ ấn càng ngày càng rạng rỡ quang huy.

Ở đây có hai chữ tông phong và tổ ấn. Tông phong là phong thái của truyền thống mình, cách thức sống, làm việc, vẻ đẹp của cách sống hàng ngày, vẻ đẹp của cách thức chấp trì công việc và giải quyết mọi vấn đề. Tổ ấn nghĩa là khuôn dấu của tổ, chứng minh rằng chúng ta thuộc về truyền thống đó một cách đích thực, có đầy đủ nội dung chứ không phải là chỉ có danh từ mà thôi. Nhìn vào cách đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc và cách hành xử của chúng ta với nhau, người ta thấy được Tổ ấn, chứ không phải Tổ ấn chỉ là khuôn dấu in trên một tấm giấy chứng chỉ hoặc giới điệp. Tổ ấn có thể được nhìn thấy trong cách chúng ta sống với nhau giữa anh chị em, có sự thương yêu, nhường nhịn, có hạnh phúc, có hòa thuận, có vững chãi và thảnh thơi. Chúng ta thấy được cái ấn của Tổ trong mỗi bước chân, trong mỗi cách hành xử. Tổ ấn rất thơm tho, đẹp đẽ và quý giá.

Tông phong được mãi mãi chấn chỉnh.

Chấn chỉnh có nghĩa là vững mạnh hơn, hùng vĩ hơn, đẹp đẽ hơn. Quang huy tức là sáng rỡ. Quang là ánh sáng, huy là rạng rỡ, sáng chói.

Hoa giác ngộ nở khắp trong thiền lâm
Mưa diệu pháp thấm nhuần nơi học địa

Làm thế nào để cho ở chốn rừng thiền chỗ nào cũng thấy bừng nở những đóa hoa giác ngộ, hoa giác ngộ thấy nơi sư anh, nơi sư chị, nơi sư em. Mưa diệu pháp thấm nhuần nơi học địa. Học đây có nghĩa là tu tập, chứ không phải là tiếp thu và trao truyền kiến thức. Học địa là trung tâm thực tập. Trong chốn học địa ngày nào cũng có mưa pháp rơi xuống để thấm nhuần những hạt giống của thương yêu, của hiểu biết, của giác ngộ.

Đệ tử chúng con nhớ ơn giáo huấn của liệt vị tổ sư
Nguyền chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau
Thương yêu nhau như con một nhà

Đây là sự cam kết của chúng ta đối với chư Tổ. Tiếp xúc được với chư Tổ mà thành công thì ta tiếp xúc được với nhau thành công. Cho nên chiều dọc và chiều ngang liên hệ với nhau. Không thương được anh, thương được em, thương được chị có nghĩa là mình chưa kính được Tổ. Chấp nhận nhau tại vì người kia có những yếu kém mà ta có thể chấp nhận được. Còn nếu người kia có yếu kém mà ta muốn đẩy người kia đi hay là ta bỏ đi là ta đã thất bại hoàn toàn trong sự tiếp xúc với các vị Tổ sư. Chấp nhận nhau, thương yêu nhau như con một nhà là sự thực tập hàng ngày của chúng ta.

Tại Làng Mai, sự thực tập của chúng ta được hướng về liên hệ giữa người với người. Chúng ta tin rằng sự chuyển hóa chỉ có thể xảy ra khi ta có cơ hội sống chung với những người khác. Khi sống chung với những người khác thì những vụng về, dại dột hoặc khó khăn trong liên hệ giữa con người với con người xảy ra. Ta sẽ thấy những tâm hành như buồn, giận, ganh, nản, v.v.. phát hiện. Còn nếu ta đóng cửa lại sống một mình trong thất hay trong hang núi năm năm hoặc ba năm thì làm gì có cơ hội để cho những tâm hành như vậy phát hiện. Tu tập chánh niệm để có thể nhận diện những tâm hành tiêu cực trong ta. Nhận diện xong rồi nhìn sâu vào trong bản chất của những tâm hành đó để mà chuyển hóa, dùng sức của cá nhân và lợi dụng tuệ giác cùng sự yểm trợ của tăng thân mà chuyển hóa những phiền giận, ganh tỵ ở trong ta. Thực tập không phải là vấn đề cá nhân, sự thực tập phải xảy ra ở trong chúng. Cho nên nếu ta thất bại trong liên hệ hàng ngày giữa anh em trong chúng là ta đã thất bại trong sự thực tập. Ta sống không vui với sư anh và sư em, điều đó chứng tỏ ta thất bại và cũng chứng tỏ rằng tăng thân chưa thành công trong sự giúp đỡ cho ta. Nếu quả thật ta đã chấp nhận được các vị tổ sư là tổ sư của mình thì ta phải cố gắng để có thể chấp nhận được người chị hay là người em của chúng ta. Ta không thể nói rằng: Tại vì chị hay em không tu, không làm đúng như sự mong ước của tôi cho nên tôi không còn liên hệ gì ở đây nữa, tôi muốn đi. Chỉ có tôi mới có lý tưởng, có từ bi thôi, chị không có lý tưởng và từ bi, chị chỉ có thể làm một người quản lý doanh nghiệp thôi, chị không thể nào đóng vai trò của người sư chị hay người sư em được. Nói như vậy là ta chịu thua, ta thất bại, tại vì người anh, người chị kia cũng là ta, là tăng thân của ta, mà nếu ta không làm gì được để giúp người đó, không liên hệ được với người đó, không nói chuyện được với người đó thì sự thực tập của ta đã thất bại. Ta không thể nói chỉ có ta mới thật tâm phụng sự cho chúng, không thể nói chỉ có ta mới có lòng từ bi. Tại vì sự thực là trong chúng, người nào cũng đang làm hết sức mình để mà phụng sự cho đại chúng, mỗi người một cách khác nhau nhưng ai cũng có làm. Có thể người kia làm cách khác và mình làm cách khác và nếu ta nghĩ rằng có thể có cách làm hay hơn thì ta phải biết thiết lập một cuộc đối thoại với người kia để có thể bàn bạc. Khi người kia làm những điều có thể gây ra những thương tích trong ta và trong đại chúng thì ta phải tự hỏi: Tại sao người ấy lại làm như vậy? Tại sao người ấy lại không làm được hay hơn? Ta phải hiểu rằng cái gì cũng có nguyên do. Trong đó có nguyên do là ta chưa bao giờ giúp người ấy cả, ta chưa bao giờ nói chuyện được với người đó. Chúng ta là ai mà có thể đóng vai quan tòa đối với một người khác? Chúng ta là anh em của nhau, chị em của nhau và người kia cũng chính là mình. Những yếu kém của người kia cũng là những yếu kém của mình, những yếu kém của mình cũng là những yếu kém của tăng thân. Cho nên ta phải nương vào nhau để mà thực tập. Sự thất bại của người kia là thất bại của ta và sự thất bại của ta là sự thất bại của người kia. Khi ta có sự chán nản, đầu hàng, muốn bỏ đi thì không những tuệ giác ở trong ta khô cạn mà từ bi trong ta cũng khô cạn nữa. Nếu quả thật năng lượng từ bi còn có mặt trong ta thì những năng lượng của sự giận hờn, bực bội và chán nản không thể phát hiện được. Năng lượng của từ bi là năng lượng hóa giải năng lượng giận hờn và chán nản.

Nếu ta có nhận xét rằng người kia trước khi đi tu dễ thương hơn bây giờ thì ta phải đem điều đó ra để quán chiếu, để xem điều đó có thật hay không. Nếu quả thật điều đó đã xảy ra thì vì những nguyên nhân nào, và ta đã đóng vai trò gì ở trong này. Ta đã thành công hay không trong vai trò một người anh hay một người chị của người đó? Ta không thể nói: Tôi không chấp nhận người đó được! Người đó không có gì được hết! Nếu ta quán chiếu và thấy được phần trách nhiệm của ta, thấy được rằng ta cũng có những yếu kém, những tiêu cực thì ta rất dễ dàng chấp nhận những yếu kém và tiêu cực của người khác, để rồi hai bên cùng bắt đầu nâng đỡ cho nhau. Lúc mà ta có thể thiết lập được truyền thông với người đó và hai bên cùng giúp đỡ được cho nhau thì tự nhiên sự cảm thông của ta với chư tổ được hình thành một cách dễ dàng. Tại vì chư tổ đang nằm ở ngay trong con người của sư em, sư anh hay là sư chị của ta. Nếu không liên hệ được với người sư anh, sư chị và sư em của ta thì thử hỏi làm sao ta liên hệ được với Tổ và với Bụt, vì Bụt cũng là một vị Tổ của chúng ta. Cho nên những câu xướng này quan trọng lắm. Trong lễ chúc tán, chúng ta có dịp thật sự nhìn lại hoàn cảnh và bản thân của chính chúng ta.

Đệ tử chúng con nhớ ơn giáo huấn của liệt vị tổ sư

Các vị Tổ sư đã ban cho ta những lời giáo huấn, cho nên chúng ta phải nguyền chấp nhận nhau. Chấp nhận những yếu kém của nhau tức cũng là chấp nhận những yếu kém của chính mình, nghĩa là biết tha thứ cho nhau. Dầu người kia đã gây ra lỗi lầm và vụng về ta cũng tha thứ. Có tha thứ thì ta mới giúp cho người kia được. Nếu ta không tha thứ được cho người kia thì làm sao ta có thể tha thứ cho chính ta? Ta đâu có phải là toàn hảo, toàn bích?

Thương yêu nhau như con một nhà
Cho tăng thân lớn mạnh
Cho hạnh phúc vững bền
Làm chỗ nương tựa cho hải chúng mười phương

Thương yêu là sự thực tập hàng ngày. Người kia có thể đi đứng chưa có chánh niệm, người kia có thể còn hời hợt, ham những cái vui còn có vẻ thế tục, nhưng vì có lòng từ bi nên ta có thể tới ngồi gần người ấy được. Khi ta có lòng từ bi và có thể ngồi gần được người đó thì sự truyền thông sẽ dễ dàng. Ta có thể nói, cười và giúp được người ấy. Còn nếu ta tiếp tục trách cứ thì ta sẽ thất bại hoàn toàn. Sự tu học của ta có thành công hay không, tự ta ta có thể biết được. Nếu ta không có hạnh phúc với những người trong tăng thân thì ta biết rằng ta thực tập chưa thành công. Ta đừng nói Trong quá khứ tôi đã bị vết thương ấy và bây giờ vì vết thương vẫn còn nên tôi không thực tập gì được. Nói như vậy không có đúng, vì nếu ta hết lòng thực tập thì pháp môn sẽ đem tới hiệu quả ngay tức khắc. Nếu ta có liên hệ tốt với tăng thân bây giờ và ở đây thì đó đã là hạnh phúc lớn. Hạnh phúc này có thể chữa lành những vết thương quá khứ. Vậy thì khi có những liên hệ khó khăn với đại chúng, ta đừng đổ lỗi cho những vết thương ngày xưa. Ngày xưa giả dụ ta đã từng bị người lớn lạm dụng tình dục thì cố nhiên là ta đã có những vết thương. Nhưng nếu ta tu tập và thiết lập được liên hệ tốt giữa ta với những người trong chúng thì tự nhiên những vết thương ngày xưa sẽ từ từ thuyên giảm và cuối cùng sẽ lành hẳn. Chính hạnh phúc mà ta có với thầy và anh em trong đời sống hàng ngày là yếu tố làm lành vết thương. Sở dĩ vết thương ngày xưa vẫn còn chưa lành là vì ta vẫn chưa thực tập được để làm hòa và để sống hạnh phúc với tăng thân ngay bây giờ. Chúng ta phải luôn luôn tự nhắc mình điều đó.

Nếu ta có khó khăn với sư anh, sư chị, sư em, nếu ta chưa nói chuyện được với họ thì ta phải cầu cứu Tăng thân, phải cầu cứu Thầy, phải làm ngay một cái gì đó. Chứ không thể nào để cho tình trạng kéo dài từ ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác và chỉ đứng trên cương vị của một ông quan tòa để phán xét người khác. Tại sao ta không ngồi lại quán chiếu và viết cho người kia một lá thư về những điều ta nghĩ về người đó, về những yếu kém đã từng làm cho ta đau khổ, và ta thực tập viết bằng cái tâm thành thật và bằng phép ái ngữ của ta. Người đó đọc và quán chiếu xong, có thể chỉ cho ta những tri giác sai lầm của ta có về người đó. Chắc chắn thế nào ta cũng vì vậy có tri giác sai lầm, đừng bao giờ tin chắc rằng ta là hoàn hảo trong nhận thức. Phải cẩn thận lắm mới được.

Nguyền noi gương các bậc tổ sư như Ca Diếp, A Nan, Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Nghĩa Huyền, Liễu Quán…

Những danh xưng trên đây là những danh xưng tiêu biểu. Ca Diếp, A Nan là những vị tổ sư đã sống đồng thời với Bụt. Long Thọ, Đề Bà là những vị tổ sư đã sống vào khoảng thế kỷ thứ II, thứ III. Vô Trước, Thế Thân là những vị tổ sư đã sống vào khoảng thế kỷ thứ IV và thứ V. Nghĩa Huyền là tên của tổ Lâm Tế. Liễu Quán là tên của một vị tổ sư đã cách chúng ta tới chín thế hệ.

Cùng các bậc long tượng trong sơn môn

Trong sơn môn tức là trong đại chúng, vì Tăng thân ngày xưa cư trú trong vùng rừng núi. Long là rồng, tượng là voi, tức là những cao tăng có kích thước lớn như Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước. Các vị được gọi là long tượng trong sơn môn.

Các bậc có tâm chí đại hành
Các bậc Bồ Tát Ma Ha Tát
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. (CC)

Đại hành tức là đang đi trên con đường lớn và đang có hành động lớn, mà không mơ ước những chuyện nho nhỏ. Chỉ phát tâm làm những chuyện rất lớn như cứu đời giúp người, mà không để tâm mơ ước những chuyện nho nhỏ như đi lập chùa, học để có một bằng cấp, tìm một nguồn lợi tức nào đó để sống cho yên, để đừng có ai tới quấy phá mình. Có tâm chí đại hành ta sẽ không đặt những câu hỏi như tại sao ta phải ở trong một cái chúng rất đông, phải lo cho nhiều người, rồi bị người này nhìn, người kia ngó, không có tự do làm cái gì mình thích, thức dậy lúc nào mình thích, đi ngủ giờ nào mình muốn ngủ. Nếu chỉ ưa những chuyện nho nhỏ như vậy thì mình không phải là một bậc long tượng, không phải là những bậc có tâm chí đại hành, không thể nào làm đệ tử của bồ tát Phổ Hiền hay bồ tát Quan Âm được.

 

PHẦN II

Lời Khấn Bạch

Chúng con, tăng thân xuất gia, hôm nay vào ngày giỗ Sư Tổ … đã tập họp tại chùa … thôn … xã … quận … tỉnh … nước Việt Nam, kính cẩn trình diện trước tổ đường với tất cả lòng dạ chí thành của chúng con, cúi xin các thế hệ tổ sư của chúng con từ bi chứng giám:

Chúng con ý thức cây có cội, nước có nguồn; chúng con biết Bụt và các thế hệ tổ sư là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị. Chúng con nguyện tiếp nhận tuệ giác, từ bi và an lạc mà Bụt và chư tổ đã trao truyền; nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh quý giá ấy. Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sinh của liệt vị, nguyện chuyển hóa những khổ đau trong chúng con, giúp được người đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ và mở ra cho các thế hệ tương lai những pháp môn thích hợp có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng được vào trong mọi lĩnh vực của sự sống. Chúng con nguyện thực tập để sống an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, để nuôi dưỡng chất liệu vững chãi và thảnh thơi trong chúng con và để giúp được những người chung quanh.

Chúng con nguyện nhìn nhận nhau là anh chị em trong một gia đình tâm linh, bởI vì chúng con biết rằng tất cả chúng con đều là con cháu của liệt vị. Chúng con nguyện sẽ chăm sóc cho nhau, thấy được những khó khăn và khổ đau của nhau để hiểu, để thương và để giúp nhau trong công trình chuyển hóa. Chúng con xin hứa sẽ tập sử dụng các hạnh ái ngữ và lắng nghe để nuôi dưỡng tình huynh đệ trong tăng thân, nguyện chấp nhận sự soi sáng của tăng thân để nhận diện những khả năng cũng như những yếu kém của mình mà vun trồng hoặc chuyển hóa, nguyện xóa bỏ mọi hiềm hận để có thể nương vào nhau mà đi trên con đường thành tựu đạo nghiệp. Chúng con biết chỉ khi nào chúng con làm được như thế thì chúng con mới xứng đáng là con cháu của Bụt và của liệt vị tổ sư.

Chúng con cúi xin Sư Tổ cùng tất cả liệt vị tổ sư từ bi chứng minh cho tâm thành kính và hiếu thảo của chúng con như phẩm vật quý giá nhất của sự cúng dường trong ngày giỗ tổ. (lạy ba lạy)

Lời khấn bạch có tác dụng thiết lập và quán chiếu về những liên hệ giữa ta và các vị tổ sư tâm linh. Các vị tổ sư tâm linh không những chỉ có mặt trong tâm thức ta mà còn có mặt trong cơ thể ta nữa, cũng như các vị tổ tiên huyết thống. Ta cảm thấy được sự có mặt của Bụt, của các vị bồ tát, của các vị tổ sư, của sư ông và của thầy ở ngay trong tâm thức và trong thân thể ta, tại vì thân và tâm là hai thực thể không tách rời ra được. Có mặt ở trong thân thì cũng có mặt ở trong tâm. Thực tập là để thấy được tổ tiên huyết thống và tâm linh trong cơ thể và tâm hồn. Mỗi khi ta cầu cứu tổ tiên huyết thống hay tổ tiên tâm linh thì ta có thể tiếp xúc được với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh ngay trong giờ phút chúng ta cầu cứu. Trong truyền thống Việt Nam vào những lúc nguy ngập chúng ta hay tới bàn thờ tổ tiên cầu nguyện ông bà và cha mẹ đã qua đời. Khi cầu nguyện, ta cảm thấy năng lượng của tổ tiên ông bà phát sinh trong ta. Cũng như vậy mỗi khi có những đau buồn, có khó khăn mà ta cầu cứu tới các bậc tổ tiên tâm linh như Bụt là các vị sư tổ, thì ta cũng cảm thấy những năng lượng của các vị phát hiện trong ta. Đó là vì thân và tâm ta đang chứa đựng năng lượng của những gì mà các vị tổ tiên tâm linh đã trao truyền. Vì vậy cho nên chúng ta phải học tiếp xúc với tổ tiên. Trong đời sống hàng ngày có những lúc ta phải cầu cứu tới năng lượng của quý vị. Nếu chúng ta biết cách cầu cứu và tiếp xúc thì tự nhiên những năng lượng của tổ tiên tâm linh ta sẽ phát hiện trong ta và ta sẽ vững chãi hơn, sẽ an bình hơn, sẽ có nhiều trí tuệ hơn và ta sẽ không làm những điều sai lạc. Ta biết con đường của ta đi, ta biết nên làm những gì và không nên làm những gì. Ngày giỗ sư tổ là một cơ hội để chúng ta có thể tiếp xúc được với năng lượng của sư tổ và qua sư tổ ta tiếp nhận được năng lượng của các vị sư tổ khác trong quá khứ. Lời khấn bạch giúp chúng ta quán chiếu và thấy được sự liên hệ giữa ta và các vị tổ sư tâm linh của ta.

Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn.

Cội tức là gốc. Cây có cội, nước có nguồn, đó là sự thật khoa học.

Chúng con biết Bụt và các thế hệ tổ sư là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị.

Nếu không có Bụt, không có các vị tổ sư thì không có ta và ta sẽ đi trong bóng tối, sẽ không biết những giá trị đạo đức, không biết con đường tâm linh cho nên ta biết các vị tổ sư là cội nguồn của mình. Và nguồn cội là các mà mình có thể tiếp xúc ngay được. Mỗi cái lá, mỗi cái cành phía trên đều được liên hệ trực tiếp với cái cội và những cái rễ bên dưới. Lá và cành biết rất rõ rằng cội rễ là nền tảng của mình. Và giọt nước trong dòng sông biết rằng khởI nguyên của nó là dòng nước từ trên núi chảy xuống, chưa từng có sự đứt đoạn. Mỗi giọt nước khi tiếp xúc sâu sắc với bản thân thấy mình có liên hệ rất mật thiết rất mầu nhiệm với dòng suối đã từ trên núi cao chảy xuống. Chúng ta cũng vậy. Nếu biết tiếp xúc thì ta liên hệ được với Bụt, với các bậc bồ tát và các vị tổ sư một cách rất mật thiết, và niềm tin đó làm cho năng lượng của các vị Bụt, các vị bồ tát và các vị tổ sư phát hiện trong ta. Rất quan trọng.

Chúng con nguyện tiếp nhận tuệ giác, từ bi và an lạc mà Bụt và chư tổ đã trao truyền.

Đây là một điều rất khoa học. Bụt có tuệ giác, từ bi, an lạc và các vị tổ sư, học trò của Bụt, cũng đã thực tập và vì vậy các vị tổ sư qua các thời đại cũng có tuệ giác, từ bi và an lạc. Chúng ta là con cháu quý vị thì thế nào chúng ta cũng đã tiếp nhận những cái đó, nghĩa là tuệ giác, từ bi và an lạc. Có thể chúng ta đã tiếp nhận mà chưa biết đem ra sử dụng, và bây giờ đây là lúc chúng ta học cách đem ra sử dụng những nguồn tuệ giác, từ bi và an lạc ấy của Bụt, bồ tát và các vị tổ sư. Những gì mà thầy ta đã trao truyền có thể rất hay nhưng ta đã chỉ cất chứa mà chưa đem ra sử dụng. Nếu ta biết rằng ta giàu có và ta quyết đem ra sử dụng thì đời đời ta có hạnh phúc.

Nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh quý giá ấy.

Chúng ta đã tiếp nhận gia tài của các tổ tiên tâm linh và bổn phận của ta là nắm giữ, đừng để cho rơi rụng mất mát và bồi đắp cho cái gia tài đó càng ngày càng thêm giàu có. Hai danh từ nắm giữ và bồi đắp rất quan trọng vì chúng nói lên được thực chất sự thực tập của chúng ta. Thứ nhất là nắm giữ đừng để cho rơi rớt ra ngoài, và thứ hai là phải bồi đắp để cho nó càng ngày càng vững. Nắm giữ cái gia tài mà chúng ta đã tiếp nhận và bồi đắp cho nó, nếu không thì chúng ta sẽ là những đứa con, những đứa cháu bất hiếu với tổ tiên, bất hiếu với Bụt và các vị bồ tát.

Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sinh của liệt vị

Chí nguyện của quý vị tổ tiên tâm linh, Bụt và các vị tổ sư là độ sinh, làm thế nào để đưa những chúng sinh đang đau khổ và chìm đắm từ bờ hệ lụy đi sang bờ giải thoát. Sở dĩ chúng ta liên hệ được với các vị là nhờ chúng ta cũng có chí nguyện độ sinh kia, là giúp đời, giúp người, giúp chúng sanh. Nếu ta không có tâm độ sinh thì ta không có dính líu gì tới Bụt, bồ tát và với các vị tổ sư. Nếu ta không có tiếp tục cái chí nguyện độ sinh đó thì ta không trung thành với tổ tiên tâm linh của chúng ta.

Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sinh của liệt vị, nguyện chuyển hóa những khổ đau trong chúng con, giúp được người đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ…

Nội dung sự thực tập được diễn đạt một cách rõ ràng. Chúng ta là những người có hiếu. Ta muốn được trung kiên với các vị tổ tiên tâm linh của chúng ta. Nhưng làm thế nào để thực sự có hiếu? Phải nói ra một cách rất cụ thể. Thực tập thế nào, sống thế nào để cái hiếu hạnh của chúng ta được biểu lộ? Đó là chuyển hóa những khổ đau trong tự thân của chúng ta và giúp được người đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ. Người đương thời tức là người đang sống với ta trong thời đại này, trong năm 1999, trong những ngày cuối cùng của thế kỷ XX và bắt đầu những ngày mới của thế kỷ XXI. Nhìn ra xung quanh ta thấy những người đang sống với chúng ta, đó là những người đương thời. Những người đương thời có những khổ đau của họ, có những loại khổ đau mới mà ngày xưa không có, và chúng ta phải hiểu được, phải nhận diện được những loại khổ đau mới. Thời của Bụt và của các vị tổ sư đã có những khổ đau và những khổ đau đó chúng ta có thể thấy được trong thời hiện tại, nhưng trong thời đại hiện tại chúng ta lại thấy có những khổ đau mới và chúng phải nhận diện chúng. Những chứng bệnh như ung thư, những hệ lụy mới như ma túy, xì ke, những khổ đau gây ra do gia đình tan nát, môi trường sinh sống bị tàn phá, niềm tuyệt vọng vì đánh mất niềm tin. Có rất nhiều nỗi khổ mới ở trong xã hội của chúng ta, và chúng ta phải nhận diện được những khổ đau đó và mở ra cho các thế hệ tương lai những pháp môn mới có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng vào mọi lĩnh vực của sự sống. Độ sinh có nghĩa là giúp cho các loài chúng sanh được bớt khổ, được có an lạc. Trong số những chúng sinh cần được độ có bản thân chúng ta. Chúng ta biết rằng không chuyển hóa được những khổ đau trong tự thân ta thì chúng ta không thể chuyển hóa những khổ đau của người khác. Vì vậy chúng ta luôn luôn bắt đầu bằng việc tự độ và khi thành quả của sự tự độ đã khá thì hành động độ tha mới có kết quả. Cũng như một người đứng trong cái lu thì không thể vần cái lu đi chỗ khác được. Phải nhảy ra ngoài cái lu thì mới vần cái lu đi chỗ khác. Chúng ta cũng vậy, nếu còn bị kẹt trong những khổ đau của bản thân thì chúng ta không thể nào giúp người khác được, không thể độ sinh được.

Đây là tinh hoa của sự thực tập đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Tại vì trong xã hội mới có những khổ đau mới, những khó khăn mới của con người đương thời. Nhìn sâu vào những khổ đau và những khó khăn ấy chúng ta phát kiến ra được phương pháp đối trị với chúng. Nghĩa là khi nào chúng ta chưa thực sự hiểu được sự thật thứ nhất là khổ đế thì ta vẫn chưa thấy được sự thật thứ tư là đạo đế. Cho nên phải thấy được khổ đau thì mới thấy con đường thoát khổ. Đây là một câu kinh, một lời cầu nguyện chứng tỏ rằng chúng ta nắm vững được nguyên tắc của tứ diệu đế. Phải thấy được, hiểu được bản chất của những khó khăn và khổ đau mới thì mới cống hiến được những pháp môn đưa con người hiện đại ra khỏi tình trạng khổ đau và khó khăn. Sự thật thứ tư chỉ có thể thực hiện được khi mà chúng ta nắm vững được sự thật thứ nhất. Đạo đế phát sinh từ sự quán chiếu khổ đế. Pháp môn thích hợp là những phương pháp tu mà khi đem áp dụng thì ta thấy có hiệu quả liền. Tu không có nghĩa là bắt chước và làm theo một cách không thông minh. Tu là phải thấy được những khổ đau của mình, phải chọn những pháp môn thích hợp. Nếu chúng ta nhận diện được những khổ đau và những khó khăn của chúng ta, nếu chúng ta tìm ra được những pháp môn thích hợp thì chỉ nội trong vài ba ngày thực tập là chúng ta đã bắt đầu thấy được sự chuyển hóa trong thân tâm của chúng ta. Vì vậy bốn chữ pháp môn thích hợp rất quan trọng. Chúng ta thấy có những người trẻ đi chùa mà không thấy thoải mái, tại vì những giáo lý được trao truyền cho họ, họ không hiểu được và những pháp môn đưa ra cho họ thực tập, họ thực tập không có hiệu quả. Họ thấy những gì trao truyền cho họ không thích hợp với thân và tâm của họ, và vì vậy họ không muốn đi chùa nữa. Họ thấy đạo Bụt không phải là một cái gì có thể chuyển hóa khổ đau và đem tới sự an lạc cho họ. Tại sao? Tại vì những giáo lý và pháp môn đó không phải là những giáo lý và pháp môn thích hợp. Do đó người tu phải tu tập, học hỏi như thế nào để cống hiến được cho những người đương thời – nghĩa là những người trẻ – những pháp môn tu thích hợp, có khả năng chuyển hóa những khổ đau hiện thực ở trong thân và trong tâm của họ. Đó là chìa khóa. Khi ta tiếp xúc với những người xung quanh, thấy được những khổ đau, những bế tắc, những khó khăn của họ và hiểu được những khổ đau, bế tắc và khó khăn đó thì ta mới có thể thấy được những phương pháp hữu hiệu mà ta có thể đem ra hiến tặng cho họ. Và nhờ đó họ có thể thực tập vượt thoát những khổ đau, bế tắc và khó khăn của họ. Điều này rất quan trọng.

Chúng ta biết rằng trong đạo Bụt có nhiều pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tại sao lại phải có nhiều pháp môn như vậy? Tám vạn bốn ngàn pháp môn chưa đủ hay sao mà phải mở ra những pháp môn mới? Tại vì chừng nào còn có những khổ đau, bế tắc và khó khăn mới thì chúng ta còn cần mở ra những pháp môn mới, những pháp môn thích hợp để có thể cứu người cứu đời.

… những pháp môn thích hợp có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng được vào trong mọi lãnh vực của sự sống.

Sự sống có nhiều lĩnh vực như là kinh tế, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, … Làm thế nào những pháp môn của đạo Bụt đi được vào tất cả các lĩnh vực đó. Người làm chính trị cũng phải tu học, nếu không họ sẽ gây đau khổ cho họ và gây đau khổ cho những người khác. Nhà thương mại cũng thế. Vì vậy có bao nhiêu lĩnh vực của sự sống là có bấy nhiêu lĩnh vực của sự hành đạo và đạo Bụt mà chúng ta đang nói đây là đạo Bụt nhập thế, đi vào cuộc đời và có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của sự sống, từ kinh tế tới chính trị, xã hội, giáo dục, thương mại và khoa học.

Chúng con nguyện thực tập để sống an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, để nuôi dưỡng chất liệu vững chãi và thảnh thơi trong chúng con và để giúp được những người chung quanh.

Trong lời khấn nguyện này chúng ta tiếp xúc được với giáo lý hiện pháp lạc trú. Chúng ta đã được nghe rằng giáo pháp của đức Thế Tôn là vượt thoát thời gian, là đến để mà thấy, là có hiệu nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại. Vì vậy tu tập không phải là để cho một hạnh phúc mơ hồ viễn vông nào trong tương lai, mà là để có sự bớt khổ ngay trong hiện tại, và bắt đầu có được hạnh phúc vá an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Giáo pháp mà chỉ hứa hẹn hạnh phúc trong tương lai mà không có khả năng làm vơi bớt sầu khổ trong giờ phút hiện tại thì giáo pháp đó không phải là giáo pháp đích thực của đức Thế Tôn. Giờ phút mà chúng ta biết thở vào và mỉm cười, thở ra và buông thả thì giờ phút đó chúng ta đã bắt đầu bớt khổ rồi. Giờ phút mà chúng ta mở cửa đi thiền hành thì ngay những bước đầu đã đem lại sự thư thái buông thả cho chúng ta. Vì vậy giáo pháp có khả năng đem lại sự chuyển hóa ngay từ khi chúng ta bắt đầu sự thực tập, và sự an lạc đó chúng ta có thể thừa hưởng được ngay trong giờ phút hiện tại. Chúng ta phải đem giáo lý này truyền bá bằng cách tự mình thực tập và khuyên những người xung quanh thực tập. Thực tập như thế nào để mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày chúng ta có thể tiếp nhận được những chất liệu nuôi dưỡng ta. Đó là chất liệu vững chãi và thảnh thơi. Nếu không có sự vững chãi và thảnh thơi thì chúng ta không có hạnh phúc. Có thêm yếu tố vững chãi và thảnh thơi chúng ta mới làm chỗ nương tựa cho chính ta, và làm chỗ nương tựa cho những người ta thương được. Còn nếu ta thay đổi hoài như cái chong chóng, nếu ta không có sự bình an và vững chãi trong thân tâm thì ai có thể nhờ cậy được ta. Chính ta cũng không có thể nhờ cậy được ta nữa. Vì vậy phải bước những bước vững chãi, ngồi cho vững chãi, thở cho vững chãi, phải thực tập sự vững chãi đó trong khi nấu ăn, quét dọn, lái xe, làm việc, tưới rau, tiếp khách. Mỗi giây phút của đời sống hàng ngày là để chúng ta thực tập nuôi dưỡng sự vững chãi trong ta. Yếu tố thứ hai là thảnh thơi. Ta không bận rộn quá, không xoay như một con chong chóng, không bị cuộc sống hàng ngày xô đẩy như là một cái nút chai nằm trên mặt nước bị những đợt sóng xô đẩy. Chúng ta phải có tự do. Tự do này không phải là tự do chính trị, mà tự do đối với những sự ràng buộc như là sự tham đắm, vướng mắc, giận hờn, ganh tỵ và si mê. Có những sự bận bịu hàng ngày có tính cách vô ích, không đáng để cho ta bận tâm. Nếu ta đem tâm lực và thì giờ của ta để vào những cái vô nghĩa đó thì rất uổng. Tự do có nghĩa là ta biết cái gì là quan trọng nhất, cái gì có thể đem lại hạnh phúc và an lạc cho ta và cho những người chung quanh và những cái gì thật sự không có ích lợi gì cả, chỉ làm mất thì giờ và năng lượng của ta. Không để bị chìm đắm và lôi cuốn trong những cái đó, thì lúc đó ta bắt đầu có tự do.

Chúng con nguyện nhìn nhận nhau là anh chị em trong một gia đình tâm linh.

Chúng ta gọi nhau là sư anh, sư chị và sư em. Tuy chúng ta đã rời gia đình huyết thống để trở thành người xuất gia nhưng chúng ta vẫn còn một gia đình, đó là gia đình của những người xuất gia cũng gọi là gia đình tâm linh. Sự thực tập của chúng ta là phải làm thế nào để đối xử với người sư anh, sư chị và sư em của ta giống như một người ruột thịt. Thầy của ta cũng như là một người cha hay một người mẹ của ta. Sư anh ta cũng là anh ruột của ta, sư em ta cũng là em ruột của ta. Tu tập như thế nào để cho Tăng thân trở thành một gia đình ấm áp và hạnh phúc, lúc đó chúng ta mới có khả năng tiếp độ và làm chỗ nương tựa cho bao nhiêu người ở bên ngoài. Nếu thất bại trong sự thực tập này thì ta không thể nào làm chỗ nương tựa cho hải chúng mười phương. Vì vậy sự thực tập chuyển hóa liên hệ giữa ta và sư anh, sư chị và sư em là đối tượng trực tiếp của sự tu học. Chúng ta ngồi thiền, thiền hành, nghe pháp thoại, dự pháp đàm, tập thở và tụng kinh là để làm cho liên hệ giữa ta và sư anh, sư chị và sư em trở thành tốt đẹp hơn mỗi ngày. Chúng ta đã biết rằng trong khi tiếp xúc và chung đụng có thể có những khó khăn xảy ra. Người kia có thể có những vụng về, có thể nói những câu thiếu chánh niệm, có thể có những hành động không chánh niệm, và trong ta có thể phát sinh ra một cảm thọ không dễ chịu, cảm thọ đau buồn, hờn tủi. Tu tập là có ý thức về những cảm thọ đang có trong ta và để nhìn sâu vào trong chiều sâu của cảm thọ đó để thấy rõ được những nguyên do nội tại và những nguyên do ngoại tại của chúng. Chúng ta phải nhận diện những nguyên do đó, để có thể chuyển hóa, tu tập, bằng bản thân mình và với sự yểm trợ của tăng thân. Sống trong tăng thân ta phải nhờ tới sư anh, sư chị và sư em của ta. Chuyển hóa một tâm hành phát hiện trong tâm là điều quan trọng nhất, đó là bản chất của sự tu. Tu không có nghĩa là làm việc suốt ngày. Làm việc suốt ngày trong vườn, trong thiền đường, trong bếp hay với máy vi tính đó chưa phải là tu, đó chỉ mới là lao động thôi. Tu như vậy là để cầu phước, nhưng cái phước đó còn rất nhỏ so với cái phước lớn là sự chuyển hóa những tâm hành tiêu cực ở trong ta và giúp những người bạn đạo của ta là các sư anh, sư chị và sư em của ta chuyển hóa được những tâm hành tiêu cực ở trong họ. Khi chuyển hóa được rồi thì đau khổ giảm thiểu, hạnh phúc tăng tiến, điều này chúng ta phải thực hiện mỗi ngày. Khi trong tăng thân đã có sự chuyển hóa, đã có nụ cười và mắt người nào cũng sáng, bước chân của người nào cũng vững chãi thì lúc đó tăng thân trở thành chỗ nương tựa cho hải chúng mười phương và lúc đó chúng ta xứng đáng để tiếp nối sự nghiệp của Bụt, bồ tát và các vị tổ sư. Vì vậy tổ chức có khéo cách mấy đi nữa mà trong tăng thân không có hòa điệu và hạnh phúc thì trung tâm tu học vẫn được xem là thất bại như thường. Tài tổ chức cũng cần, nhưng không phải là căn bản. Căn bản là thiết lập được liên hệ tốt giữa ta và người bạn đồng tu, những người sư anh, sư chị và sư em của ta. Đó là mục tiêu đầu của sự tu tập. Chung đụng với nhau, sống với nhau hai mươi bốn giờ một ngày thì có thể có những tâm hành tiêu cực phát hiện. Nắm lấy những tâm hành tiêu cực ấy, nhận diện và nhìn sâu vào chúng để thấy được những nguyên do nội tại và ngoại tại, những nguyên nhân gần và những nguyên nhân xa. Thấy được rồi thì có thể hiểu, hiểu được rồi thì có thể tha thứ, có thể thương yêu. Cái hiểu đưa tới sự chấp nhận và thương yêu. Thương yêu ở đây là năng lượng từ bi, tha thứ và ý hướng muốn đem lại hạnh phúc cho người kia và cho chính mình.

Người kia rất dễ thương, tu tập rất đàng hoàng, nói năng hòa nhã, ánh mắt dịu hiền. Thương người đó là chuyện quá dễ. Nhưng nếu người kia ánh mắt còn chưa được dễ thương, lời nói còn chưa được dễ thương và hành động cũng chưa được dễ thương mà ta thương được, chấp nhận được thì điều đó chứng tỏ rằng ta thực tập giỏi và đã có thành công. Khi chấp nhận được và thương được người đó thì người ấy bắt đầu có sự chuyển hóa, đó là một sự thành công lớn. Có khi người thương không dễ thương nhưng nếu ta thương được thì trong lòng ta sẽ thấy khỏe và người thương sẽ trở thành thực sự dễ thương. Ta có thể viết trong nhật ký Người thương ơi! Hôm nay em không dễ thương nhưng mà tôi vẫn thương! Nếu tôi không thương được em thì đó là một sự thất bại của chính tôi trong sự tu tập.

Chúng con nguyện nhìn nhận nhau là anh chị em trong một gia đình tâm linh.
Điều này tôi hay lặp lại trong các trung tâm tu học mà tôi đã viếng thăm. Ở Âu châu cũng như Mỹ châu có nhiều trung tâm tu học, nhiều thiền viện thuộc nhiều truyền thống khác nhau. Họ tổ chức rất giỏi và Làng Mai đã học được nhiều phương pháp tổ chức của họ. Nhưng tổ chức giỏi không có nghĩa là ta đã thành công được trong sự tu tập. Mỗi người sống trong trung tâm tu học có thể vẫn còn là mỗi ốc đảo không có liên hệ được với nhau nhiều. Sự truyền thông giữa người thực tập này với người thực tập kia nếu không có thì sự thương yêu, chấp nhận và niềm vui không được tỏa rạng. Sự thực tập bề ngoài có thể được coi như rất nghiêm chỉnh nhưng sự thực tập đó không có kết quả, tại vì khi bước vào thiền viện ta không thấy được niềm vui, sự thương yêu và không thấy được không khí hạnh phúc của một gia đình. Dầu được tổ chức khéo, trung tâm ấy vẫn là một sự thất bại lớn. Cho nên tôi thường nhắc quý vị phải tổ chức trung tâm tu học của mình như thế nào để nó trở thành một gia đình thì mới thành công. Chừng nào chúng ta không sống được với nhau như là một gia đình thì chừng đó sự thực tập của chúng ta còn thất bại.

Chúng con nguyện nhìn nhận nhau là anh chị em trong một gia đình tâm linh, bởI vì chúng con biết rằng tất cả chúng con đều là con cháu của liệt vị.

Điều này là một sự thật, vì tất cả chúng ta đều là con cháu của Bụt và các vị tổ sư.

Chúng con nguyện sẽ chăm sóc cho nhau, thấy được những khó khăn và khổ đau của nhau để hiểu, để thương và để giúp nhau trong công trình chuyển hóa.

Ta có những khó khăn và khổ đau, và ta muốn người khác thấy được những khó khăn và khổ đau của ta. Người khác cũng có những khó khăn và khổ đau của họ, chúng ta phải làm thế nào để thấy được những khó khăn và khổ đau của họ. Muốn đưọc như vậy ta phải quán chiếu và xin người đó nói cho ta nghe những khó khăn và khổ đau của người đó. Nếu người ấy không nói được thì ta phải hỏi, phải nhờ người khác ở trong tăng thân giúp ta, và mỗi khi ta thấy được những khó khăn và khổ đau của người đó rồi thì ta có thể thực tập hiểu và thương, giúp người đó trong công trình chuyển hóa. Người đó chuyển hóa được thì ta có hạnh phúc thêm và lại giúp được người đó chuyển hóa thêm nữa. Nói luôn luôn phải dùng phép ái ngữ và nghe thì nên thực tập phép bi thính, tức là nghe với lòng từ bi, nghe bằng năng lượng chánh niệm nằm sau lỗ tai. Hai hạnh đó có thể nuôi dưỡng tình huynh đệ trong tăng thân.

Nguyện chấp nhận sự soi sáng của tăng thân để nhận diện những khả năng cũng như những yếu kém của mình mà vun trồng hoặc chuyển hóa.

Tại Làng Mai, chúng ta có pháp môn soi sáng. Tăng thân họp lại để soi sáng cho ta, soi sáng với tất cả từ bi. Trong những lá thư soi sáng, tăng thân rất cẩn thận, nói rằng cái thấy của tăng thân là như vậy, có thể có một vài khuyết điểm, có thể tăng thân chưa thấy hết được những điểm tích cực của đương sự và tăng thân có thể còn có một vài tri giác chưa hoàn toàn chính xác. Lá thơ chứng tỏ rằng tăng thân có đức khiêm cung và làm việc soi sáng cho ta với tất cả sự thương yêu. Soi sáng không có nghĩa là chỉ trích, tại vì trong công trình thực tập soi sáng này tất cả mọi người đều được soi sáng. Đại chúng họp lại để soi sáng cho một sư anh, một sư chị hay một sư em về những ưu điểm và khuyết điểm trong sự tu tập của người đó. Và mỗi khi nói tới một ưu điểm của đương sự thì mọi người trong đại chúng lại có cơ hội nhìn lại xem thử mình có ưu điểm ấy trong tự thân mình hay không. Nếu có thì ta phát tâm hân hoan, và ta tự hứa rằng sẽ cố gắng để làm cho ưu điểm đó lớn lên nữa. Nếu thấy ưu điểm đó của đương sự không có ở trong ta thì ta cảm thấy hổ thẹn và tự dặn lòng là ta sẽ làm thế nào để phát triển ưu điểm đó trong bản thân của mình. Soi sáng là soi sáng cho cả hai phía. Soi sáng ở đây không có nghĩa là phán xét, lên án hoặc chỉ trích. Khi ta nói đến một khuyết điểm của đương sự thì ta cũng có cơ hội để nhìn vào bản thân để xem có khuyết điểm đó hay không. Nếu ta cũng có khuyết điểm đó thì ta cũng nói như vậy: sư em có khuyết điểm đó nhưng trong tăng thân cũng có người có khuyết điểm đó. Và khi ta thấy có khuyết điểm đó thì ta phải biết tu tập để chuyển hóa điểm tiêu cực ấy trong bản thân.

Nguyện chấp nhận sự soi sáng của tăng thân, nguyện xóa bỏ mọi hiềm hận để có thể nương vào nhau mà đi trên con đường thành tựu đạo nghiệp

Không những ta chấp nhận mà ta còn cần phải lạy xuống để cầu tăng thân soi sáng thêm cho ta. Tại Làng Mai pháp môn soi sáng đã trở thành một pháp môn rất quan trọng, không những các sư em mới tu được soi sáng, mà các sư anh và sư chị đã tu lâu năm cũng được soi sáng. Chính sư cô Chân Đức một vị giáo thọ lớn của Làng, hiện làm trú trì của đạo tràng Thanh Sơn, làm thầy của tất cả các sư em cũng đã quỳ xuống để cầu tăng thân soi sáng cho mình. Vậy thì chúng ta biết rằng pháp môn soi sáng là để cho tất cả mọi người, chứ không phải là chỉ để cho những người mới tu mà thôi. Tại đạo tràng Mai Thôn cũng như đạo tràng Thanh Sơn, những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những buổI soi sáng rất đầm ấm, hạnh phúc, chúng ta cũng đã chứng kiến cảnh tượng những người được tiếp nhận soi sáng và thấy được đối tượng chính của sự hành trì chuyển hóa của họ và đạt tới sự chuyển hóa rất mau chóng sau khi được soi sáng.

Tu tập là để chuyển hóa những buồn phiền, ganh tức và phiền não trong ta. Sự chuyển hóa này có công năng tạo ra không khí đầm ấm vì hạnh phúc có công năng nuôi dưỡng mọi người. Ta phải quyết tâm chuyển hóa buồn phiền để nương vào nhau mà đi trên con đường thành tựu đạo nghiệp. Nếu ta thất bại trong tăng thân của ta thì ta sẽ thất bại trong sự nghiệp hoằng pháp sau này. Cho nên ta phải thành công trong sự tạo ra hạnh phúc và hòa điệu trong tăng thân. Hòa điệu và hạnh phúc ấy là cái mà người ta tới có thấy ngay được. Nếu ta không có hòa điệu thì ta có giấu cách mấy thì người ta cũng thấy. Nếu ta không có hạnh phúc mà giả bộ có hạnh phúc thì nội trong một vài giờ người ta cũng thấy. Hòa điệu và hạnh phúc là những cái ta có thể chế tác ra trong mỗi giờ phút của đời sống hàng ngày. Tất cả chúng ta ở đây, vị nào cũng có tâm niệm tu tập chuyển hóa để cho mọi hiềm hận của mình đối với người khác được chuyển hóa, và để cho tăng thân được an lạc, để cho hạnh phúc và hòa điệu trở thành niềm vui cho tăng thân và cho những người tới với tăng thân.

Chúng con biết chỉ khi nào chúng con làm được như thế thì chúng con mới xứng đáng là con cháu của Bụt và của liệt vị tổ sư.

Câu này là câu kết luận, rất quan trọng. Trong Thánh kinh cũng có một câu tương tự: trước khi anh dâng lễ vật lên bàn thờ của Thượng Đế thì anh phải trở về hòa giải với người anh em của anh. Nếu anh chưa hòa giải được với người anh em của anh thì hãy khoan dâng lễ vật của anh lên bàn thờ Thượng Đế. Ở đây chúng ta cũng có một tuệ giác tương tự. Nếu chúng ta không tha thứ cho nhau, không chấp nhận nhau, nếu chúng ta sống không có an lạc với nhau thì chúng ta lạy trước Bụt và các vị tổ sư là không có ý nghĩa. Điều này tôi thấy rất rõ trong tăng thân. Vị nào trong tăng thân có hòa hợp, có hạnh phúc với đại chúng thì liên hệ giữa vị đó với Thầy trở thành tự nhiên, rất dễ dàng, không cần phải có một cố gắng nào cả. Trong khi đó vị nào có khó khăn với chúng, liên hệ với chúng không dễ dàng thì tự nhiên cũng cảm thấy với Thầy có một cái gì ngăn cách. Cái ngăn cách đó không phải do Thầy tạo ra, mà tại vì đương sự cảm thấy như vậy. Có chánh niệm một chút quý vị sẽ thấy khi nào mình có liên hệ tốt với tăng thân thì cũng cảm thấy rất gần với Thầy, và tới với Thầy một cách rất là dễ dàng. Tại sao? Tại vì Thầy cũng là tăng thân, tăng thân cũng là Thầy. Không phải là gần gũi Thầy, nấu cơm cho Thầy, pha trà, giặt áo cho Thầy mà mình gần Thầy hơn đâu. Có thể là mình mỗi tháng chưa được gặp Thầy một lần, nhưng mình vẫn cảm thấy rất gần gũi Thầy. Có những vị vì công vụ tăng thân giao phó khá nhiều, không có thì giờ để gần gũi Thầy, nhưng những vị đó đối với Thầy luôn luôn cảm thấy rất gần gũi. Vì vậy sự gần gũi Thầy không phải được đo bằng thời gian ở bên Thầy, mà được đo bằng sự liên hệ giữa mình với những thành phần khác của tăng thân. Dầu mình ở rất xa như là bên Úc, không được nói chuyện với Thầy, không được gần gũi Thầy, nhưng nếu đối với tăng thân mà có hạnh phúc thì mình cũng có cảm tưởng Thầy với mình ở trong gang tấc mà thôi. Xin quý vị quán chiếu thì sẽ thấy. Khi ta lạy xuống trước các vị tổ sư mà cảm thấy có hạnh phúc thì ta biết rằng liên hệ giữa ta với tăng thân của ta đã tốt. Còn nếu liên hệ giữa ta với tăng thân không tốt thì dầu có lạy xuống 108 lạy ta vẫn không có hạnh phúc.

Chúng con cúi xin Sư Tổ cùng tất cả liệt vị tổ sư từ bi chứng minh cho tâm thành kính và hiếu thảo của chúng con như phẩm vật quý giá nhất của sự cúng dường trong ngày giỗ tổ.

Cố nhiên là trong ngày giỗ tổ ta dâng hoa, hương, trái cây và thực phẩm nhưng mà phẩm vật cúng dường quý báu nhất là tâm thành kính và hiếu thảo của ta. Tâm thành kính và hiếu thảo đó được biểu lộ một cách rõ ràng ở chỗ ta sống hài hòa và hạnh phúc với những người trong tăng thân.
Bây giờ chúng ta đi sang phần tán dương vị tổ sư.

Nâng hoa ngộ chỉ
Nối gót tôn sư
Lâu đài pháp nhiệm diễn chân thừa
Thiền đạo nhiếp tâm tu
Hiện pháp lạc cư
Chánh pháp sáng hơn xưa.

Nam mô liệt vị Bồ Tát tổ sư qua các triều đại (C)

Đây là một bài tán, và ta có thể tán theo điệu truyền thống của thiền môn.
Nâng hoa ngộ chỉ, là nói về truyền thuyết về đức Thế Tôn một hôm ở trong hội Linh Sơn, đến giờ thuyết pháp ngài nâng trên tay một đóa hoa. Thay vì nói, ngài chỉ mỉm cười rồi nhìn đại chúng. Đó là nâng hoa (niêm hoa). Ngài giữ nụ cười của ngài rất bền, trong một lúc ngài không nói một tiếng nào hết. Đại chúng không biết tại sao đức Thế Tôn im lặng lâu như vậy. Trong đại chúng có một thầy tên là Ca Diếp thấm được nụ cười đó và hiểu được tông chỉ của đức Thích Ca. Đó gọi là ngộ chỉ, tức là bừng tỉnh, và thấy được nội dung của sự trao truyền của đức Thế Tôn, gọi là nâng hoa ngộ chỉ. Đức Thế Tôn đang trao truyền một tông chỉ gì đó, mà ngài trao truyền bằng sự im lặng, bằng một bông hoa và một nụ cười. Chúng ta có thể hiểu rằng bông hoa là tượng trưng, là đại diện cho sự mầu nhiệm của sự sống. Đức Thế Tôn có mặt, tất cả mọi người trong tăng thân đều có mặt, giờ phút này quý báu. Đức Thế Tôn đưa cành hoa lên. Nếu an trú trong hiện tại thì ta sẽ thấy rõ đây là một cảnh tượng rất mầu nhiệm. Đức Thế Tôn còn sống, đang nâng cành hoa lên và tất cả đại chúng đang có mặt đó. An trú trong hiện pháp thì mọi người sẽ thấy đó đã là một sự mầu nhiệm lớn lao rồi. Nếu ta có khuynh hướng suy nghĩ thì ta sẽ đặt ra hàng ngàn câu hỏi trong đầu: Hôm nay Đức Thế Tôn làm gì lạ vậy? Có ý nghĩa gì trong sự nâng hoa đó không? Chìm đắm trong suy tư về siêu hình và triết học và như vậy ta đánh mất hết sự mầu nhiệm. Ta không thấy rằng Đức Thế Tôn là một mầu nhiệm và bông hoa là một mầu nhiệm, nụ cười của ngài là một mầu nhiệm, và sự có mặt của đại chúng trên núi Thứu cũng là một mầu nhiệm. Chừng đó không đủ sao? Nếu ta có khả năng sống trong giây phút hiện tại thì trong giây phút đó ta không cần phải suy nghĩ, phải đặt câu hỏi. Vì vậy cái người đứng trong chúng mà hiểu được nụ cười của Bụt cũng đã đáp ứng lại bằng một nụ cười, đức Thế Tôn cầm hoa mỉm cười thì mình cũng mỉm cười lại với đức Thế Tôn. Đâu có cần làm gì khác. Người đó là người khôn khéo nhất ở trong đại chúng. Người đó không suy nghĩ về quá khứ, về tương lai, người đó tiếp xúc được với cảnh tượng đẹp đẽ mầu nhiệm nhất ở trong hiện tại. Đó là tông chỉ của thiền. Và cũng vì lẽ đó trong thiền tông người ta nhận thầy Ca Diếp làm vị tổ đầu tiên của thiền tông là tại vì thầy không cần nói, không cần nghe mà vẫn tiếp nhận được giáo chỉ của Bụt.

Nâng hoa ngộ chỉ
Nối gót tôn sư.

Có nghĩa là đi theo các bậc thầy tôn kính của mình. Các bậc thầy của chúng ta đi trước và ta cứ chỉ đi theo thôi. Đó là nối gót tôn sư.

Lâu đài pháp nhiệm diễn chân thừa
Thiền đạo nhiếp tâm tu

Truyền thống đó kéo dài từ thời của đức Thế Tôn cho đến bây giờ, không bao giờ bị đứt đoạn, đó là sự truyền thừa tu tập. Pháp nhiệm tức là giáo pháp mầu nhiệm, diễn chân thừa là trình bày ra được cái giáo lý, cái cỗ xe chân chính. Chân tức là chính thống, không hỗn tạp, không phải tà đạo mà là chánh tông. Thừa tức là cỗ xe, là con đường, mà cỗ xe đó chở được rất nhiều người từ bến mê tới bờ giác, con đường đó đưa ta từ chỗ khổ đau tới hạnh phúc. Giáo pháp diễn đạt được con đường chân chính của đức Thế Tôn, giáo pháp đó được kéo dài là nhờ ta thực tập thiền đạo, nhiếp tâm tu. Đem hết tâm tư đi vào con đường thiền gọi là thiền đạo nhiếp tâm tu. Chúng ta cần hiểu chữ thiền ở đây không có nghĩa là phe phái, không phải là thiền công án hay là thiền mặc chiếu, không phải là thiền Trung Quốc, không phải là thiền Tổ Sư. Thiền ở đây là nói chung cho sự thực tập của tất cả các Phật tử, tức là sự thực tập của đức Thế Tôn dạy. Khi nào ta thực tập giới, định và tuệ (tam học), tức là ta đã thực tập thiền rồi. Có tông phái nào trong Phật giáo mà không thực tập giới, niệm, định và tuệ không? Trong Tịnh Độ cũng có sự thực tập giới, niệm, định và tuệ, và như vậy Tịnh Độ cũng là thiền. Khi nào có giới, niệm, định và tuệ thì lúc đó là có thiền rồi. Thiền được hiểu theo nghĩa rộng đó. Lâu nay chúng ta đã tranh chấp, đã nói vào ra, qua lại về sự khác nhau giữa thiền và không phải thiền là tại vì chúng ta nghĩ thiền đó là thiền tổ sư ở Đông Độ, nhưng chữ thiền ở đây có nghĩa là sự thực tập giới, niệm, định và tuệ. Ngay trong đạo Bụt nguyên thỉ chúng ta đã có thiền Tứ Niệm Xứ là phương pháp thực tập giới, niệm, định và tuệ và phương pháp An Ban Thủ Ý. Tất cả những pháp đó đều thuộc về thiền nguyên thỉ cả mà thiền nguyên thỉ có thể được nhận diện trong các hệ phái truyền thiền khác như là thiền Mặc Chiếu, thiền Công Án, thiền Tào Động, thiền Lâm Tế, thiền Pháp Nhãn, thiền Vân Môn, v.v.. Vì vậy chúng ta phải hiểu chữ thiền ở đây không phải là một cái gì đối lập với Tịnh Độ mà nó bao trùm được cả Tịnh Độ, bao trùm được cả Mật Tông, bao trùm được cả Thiên Thai tông, tức là bao trùm tất cả các tông phái Phật giáo. Không có giới, niệm, định và tuệ, không có tam học thì không phải là Phật giáo, và thiền ở đây chỉ có nghĩa là sự thực tập giới, niệm, định và tuệ mà thôi. Thiền đạo là con đường thiền ta phải nhiếp tâm để tu học.

Hiện pháp lạc cư tức là sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Bản in đầu của sách Thiền Môn Nhật Tụng đã bỏ sót bốn chữ hiện pháp lạc cư này, chúng ta nên thêm vào cho đủ.

Chánh pháp sáng hơn xưa

Nhờ sự tu tập hết lòng mà giáo pháp của đức Thế Tôn càng ngày càng sáng và cung cấp rất nhiều ánh sáng cho thế giới đầy khổ đau và bế tắc của chúng ta trong hiện tại.