Pháp thoại theo chủ đề

Nuôi lớn bốn vị bồ tát

(Trích trong pháp thoại ngày 15-01-1998 của Sư Ông Làng Mai)

Bốn lời quán nguyện hướng về bốn vị bồ tát lớn: bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù, bồ tát Phổ Hiền và bồ tát Địa Tạng là để đánh động những hạt giống vững chãi, thảnh thơi và hiểu biết trong mỗi chúng ta. Ban đầu những vị bồ tát lớn như Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền và Địa Tạng có thể được nhìn nhận như những vị bồ tát ở ngoài ta. Nhưng nếu thực tập tinh chuyên và vững chãi ta sẽ thấy được những vị bồ tát đó đang ở trong ta và ta cũng có những hạt giống của các vị bồ tát ấy.

 

 

Đức Bồ tát Quán Thế Âm

Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ“. Khả năng lắng nghe của con đang còn yếu kém. Mỗi khi buồn giận, con không có khả năng lắng nghe người kia một cách sâu sắc được. Vậy nên những lúc như vậy con rất cần tới ngài, con cần thực tập như ngài. Chúng ta biết chỉ cần lắng nghe người khác trong vòng một giờ đồng hồ với tất cả trái tim thì người kia đã bớt khổ nhiều rồi. Vậy mà ta không biết cách nuôi dưỡng khả năng lắng nghe của mình. Thực tập lời quán nguyện này là thực tập khả năng lắng nghe. “Con xin học theo hạnh bồ tát“, nghĩa là con xin bắt chước bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. “Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu“. Nghe ở đây không phải là nghe bằng hai tai mà nghe bằng trái tim. Nghe như vậy thì mới có thể hiểu được, và khi hiểu được rồi thì khổ đau của người kia sẽ tự nhiên nhẹ bớt. Người đau khổ nhất trên đời là người có cảm tưởng rằng không ai hiểu được mình. Giờ phút có một người chứng tỏ là đã hiểu được mình, và nghe được mình, thì cái khổ đau đó không còn lớn lao như trước nữa. Cho nên trong số chúng ta nếu ai tìm ra được một người có thể nghe mình và hiểu được mình thì người đó được xem như là đã có hạnh phúc. Ta phải tự đào luyện mình thành một hành giả biết nghe và biết hiểu.

Khả năng biết nghe và biết hiểu là khả năng của đức bồ tát Quan Thế Âm và của bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Câu này cho chúng ta thấy đức Văn Thù Sư Lợi nằm ở trong đức Quan Thế Âm. Biết nghe tức là biết hiểu, biết hiểu tức là biết nghe, Quan Âm và Văn Thù không phải là hai thực thể riêng biệt. Văn Thù là hiểu mà Quan Âm là nghe. Trong Quan Âm có Văn Thù, trong Văn Thù có Quan Âm. Đó là sự tương tức của hai vị bồ tát lớn. “Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con“. Chú tâm ở đây là định. Nghe thì thân và tâm phải nhất như, mình phải có mặt thật sự. Hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại để lắng nghe một cách đích xác. Thành khẩn ở đây cũng chỉ có nghĩa là có mặt hoàn toàn. Mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có thể làm được như vậy, nhưng chúng ta chưa chịu làm đấy thôi. Chúng ta ai cũng biết thở. Khi thực tập thở có ý thức ta đưa thân và tâm về một mối, để ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Ta không đánh mất ta trong tương lai, trong quá khứ, ta có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại để lắng nghe người kia.

Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến“. Thành kiến là những ý kiến đã có sẵn trước. Vì có những ý kiến có sẵn trước rồi nên những điều đang nói không lọt được vào tâm hồn mình. Mình bóp méo tất cả những điều người kia nói. Đức Quan Thế Âm là người biết nghe với tâm không thành kiến. Chúng ta còn có những thành kiến. Khi nghe chúng ta thường bị những thành kiến đó bít lấp và vì vậy ta không chấp nhận và không hiểu được người kia. Thành kiến ở đây là những vọng tưởng mà ta đã chứa chấp sẵn. Tu tập thiền quán là để đả phá những thành trì của thành kiến và cố chấp. Nếu không phá được thành trì của thành kiến và cố chấp thì ta sẽ khổ, và ta sẽ làm cho người khác khổ. Do đó thực tập nghe với tâm không thành kiến là một phương pháp tu hành rất sâu sắc. “Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng“. Chúng ta có tập khí muốn làm quan tòa. Nghe cái gì là muốn phán xét liền, giống như một bức tường hất trái bóng trở lại. Đó là một tập khí xấu. Chúng ta đừng làm một bức tường. Chúng ta phải làm không gian để khi trái bóng được liệng tới thì ta có thể tiếp đón được. Phạm Duy có một bài hát “Em là khoảng trống cho tình đong vào”. Nếu mình là bức tường thì làm sao trái bóng có thể đi vào được. Phải làm khoảng trống thì mới có thể lắng nghe.

Có một câu chuyện thiền: Một ông giáo sư triết học tới tham vấn với một vị thiền sư. Trong khi vị thiền sư pha trà, thì ông giáo sư cứ nói liên tục không ngừng. Vị thiền sư muốn dạy cho ông giáo sư một bài học. Ngài rót trà vào ly, và không ngừng rót làm nước trà tràn ra ngoài chén, để trà tràn ra khay, rồi tràn ra bàn. Lúc đó ông giáo sư mới ngừng nói lại và la lớn: “Thôi đừng rót nữa! Thầy không thấy sao, nước tràn ra ngoài như vậy mà cứ rót hoài”. Thiền sư ngưng lại, nhìn lên vị khách quý mỉm cười và nói: “Ông giáo sư cũng đầy như chén trà vậy, làm sao tôi có thể rót thêm trà vào được nữa. Làm sao tôi có thể nói cho ông nghe chút gì về thiền được?”

Chúng con xin tập ngồi nghe để hiểu“. Mục đích ngồi nghe là để hiểu. Ta có những cái mê muội trong ta. Khi biết nghe thì nghe những lời nói đúng ta hiểu, mà nghe những lời nói sai ta cũng hiểu. Nghe điều gì ta cũng quán chiếu điều đó. Người ta nói đúng mình cũng học được, nói sai mình cũng học được. Mình học được trong chiều sâu, mình biết tại sao người ta nói như vậy. “Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói“. Có những điều người kia nói ra không được, tại vì họ không có khả năng nói. Khi một thiền sinh có những nỗi khổ niềm đau tới với chúng ta, lúc đầu họ làm như không có nỗi khổ niềm đau nào hết. Nhưng khi đã thực tập vài ngày, cảm được tình thân của ta thì họ bắt đầu nói ra được những khổ đau của họ. Tuy nhiên, họ vẫn giấu không dám nói tới điểm chính, mà chỉ nói những điểm xung quanh thôi. Họ ít dám nói thẳng niềm đau của họ. Ta phải lắng nghe rất kỹ để không những nghe được điều họ đang nói mà còn nghe được những điều họ chưa dám nói. Nếu ta khéo léo hỏi đúng một câu thì họ òa lên khóc và nói cho ta tất cả sự thật. Một cặp vợ chồng nọ có khó khăn với nhau, người vợ tới không nói thẳng là mình có khó khăn với chồng, chỉ nói tới những khó khăn của riêng mình và của các con thôi. Bởi vì cảm thấy ngại ngùng khi phải thổ lộ với một người ngoài rằng tôi có khó khăn với chồng tôi. Chỉ khi tin tưởng lắm thì họ mới dám nói. Do đó khi  ngồi nghe, nếu ta không nghe bằng tất cả trái tim thì  không thể hiểu được, không thể hỏi được những câu hỏi khiến cho người kia bật ra sự thật.” Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi“.

Bồ tát lắng nghe làm cho người bớt khổ. Lắng nghe là một phương pháp mầu nhiệm để thiết lập lại sự cảm thông. Trong thời đại chúng ta có những phương tiện truyền thông rất hiện đại như email, fax, điện thoại,… Chỉ cần nửa phút thôi là có thể gởi tin tức tới những nơi rất xa, trong khi đó sự truyền thông giữa những người thân trong gia đình đã trở nên khó khăn. Truyền thông giữa cha con, anh em, vợ chồng hầu như bị cắt đứt. Nền văn minh của chúng ta đang bị phá sản về phương diện đó. Đời sống gia đình không hạnh phúc, giao hảo quốc tế giữa nước này và nước khác trở nên khó khăn, những sắc tộc khác nhau trong một thành phố chống báng và kỳ thị nhau. Cá nhân cũng như đoàn thể không có khả năng truyền thông với nhau nên nảy sinh ra những chống đối, những hiểu lầm. Do đó hạnh tu của bồ tát Quan Thế Âm rất thiết yếu. Ai cũng phải học hạnh lắng nghe để có thể thiết lập lại sự truyền thông.

 

 

Đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi

Lạy đức bồ tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh bồ tát biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người”. Trong đời sống hiện nay, chúng ta chỉ quen “chạy”. Chúng ta chạy trong lòng, chạy như bị ma đuổi. Tuy đang ngồi uống trà hoặc đang ăn cơm ta vẫn tiếp tục chạy, vì thế ta không thấy được sự thật đang xảy ra. Muốn nhìn sâu và hiểu rõ thì chúng ta thì phải dừng lại. “Dừng” là chỉ, “thấy” là quán. Đức bồ tát Văn thù là người thực tập thiền quán, ngài biết dừng lại và biết nhìn sâu. Biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Lòng người là lòng mình và lòng những người xung quanh mình. Lòng đây là những tâm hành như ghét, thương, vui, buồn, giận, sợ hãi, chán nản, hy vọng… tất cả những tâm tư ấy là đối tượng của cái nhìn. Thực tập nhìn như thế nào để thấy được chiều sâu của các tâm hành. Muốn nhìn sâu thì phải dừng lại.

Trong khi ngồi, khi đi, khi đứng, khi ăn cơm ta phải thực tập dừng lại. Có thể là mình đang ngồi ăn cơm cùng với đại chúng cả trăm người. Trong số đó có những người đã thực sự dừng lại được để ăn cơm, nhưng một số khác vẫn tiếp tục rong ruổi. Chúng ta chạy đi đâu mà chạy dữ như vậy? Vào giờ ăn mà vẫn còn chạy nữa? Nếu không có khả năng dừng lại thì làm sao có khả năng có hạnh phúc? Hãy dừng lại trong khi ăn cơm. Trong khi ăn cơm ta chỉ ăn cơm mà thôi. Anh có thể làm được chuyện đó không, chị có làm được chuyện đó không? Chúng ta đã chạy trong bao nhiêu đời, trong bao nhiêu kiếp rồi? Bây giờ có cơ hội này, vậy mà ta cũng còn chạy nữa. Tại sao ta không ngồi ăn cơm cho đàng hoàng, tại sao ta không ngồi uống trà cho đàng hoàng, tại sao ta không ngồi thiền cho đàng hoàng, không đi thiền cho đàng hoàng? Thiền hành tuy là đi nhưng mà cũng một pháp môn thực tập để dừng lại.

Thiền chỉ và thiền quán là bản chất của sự thực tập. “Chúng con xin tập nhìn bằng tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con“. Chú tâm và thành khẩn tức là có mặt thật sự. Thân, khẩu và ý hợp nhất. “Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến“. Phải phá đổ hàng rào của thành kiến và cố chấp thì ta mới có thể thấy được. Một người Do Thái khi nhìn một người Palestinien thì phải nhìn bằng cách ấy mới thấy được những sợ hãi, khổ đau và ước mơ của người Palestinien. Một người Palestinien khi nhìn một người Do Thái cũng phải nhìn bằng cách ấy mới thấy được những sợ hãi, đau khổ và những ước mơ của người Do Thái. Nếu cả hai bên đều có thể nhìn nhau một cách sâu sắc như vậy thì sẽ thấy rằng bên nào cũng tội nghiệp, bên nào cũng có sợ hãi, hận thù, cũng bị trấn ngự bởi cảm giác không có an ninh. Và khi cả hai bên đều thấy được như vậy thì mới phát kiến ra được sự thật là nếu cứ tiếp tục trừng phạt nhau thì tình trạng sẽ không đi đến đâu. Chi bằng cùng nắm tay nhau ngồi xuống để tìm ra một giải pháp thiết lập lại truyền thông. Nếu người Do Thái và người Palestinien chưa làm được thì chúng ta-những người không phải là Do Thái hay Palestinien, chúng ta phải làm được với nhau. Để rồi chúng ta có thể tới với họ và giúp họ. Nếu có hai người không tới được với nhau, không hiểu nhau thì ta phải đến với cả hai người để giúp cho hai người đó dừng lại việc làm khổ nhau, và tập lắng nghe nhau, nhìn nhau bằng con mắt không thành kiến. Lắng nghe bằng lỗ tai không thành kiến và nhìn bằng con mắt không thành kiến là một phương pháp thực tập rất quan trọng.

Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng“. Chúng ta không nhìn bằng con mắt của quan tòa, chúng ta phải nhìn bằng con mắt của người thương. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau. Đây là thực tập Tứ diệu đế. Khổ đau có mặt. Nhìn sâu vào khổ đau để thấy và để hiểu được gốc rễ của nó. Để thấy được tự tính vô thường và vô ngã của vạn vật. Khi thấy được tự tánh vô thường và vô ngã là tự nhiên ta có thể thay đổi cái nhìn và ta chấp nhận được người khác một cách dễ dàng. Tôi với anh không phải là hai thực thể riêng biệt. Nếu anh còn khổ thì tôi còn khổ, nếu tôi còn khổ thì anh còn khổ. Vì vậy chúng ta phải nương vào nhau và giúp đỡ nhau thay vì trách móc hay trừng phạt nhau. “Chúng con xin học theo hạnh bồ tát dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não“. Phiền não tức là tham, sân, si, mạn, nghi và tà kiến. Phiền não ở đây chỉ có thể bị chặt đứt bằng thanh gươm của trí tuệ. Đức Văn Thù có thanh gươm ấy. Ngày xưa dưới cây bồ đề đức Thế Tôn đã dùng thanh gươm ấy. Và giờ đây chúng ta đã được trao truyền thanh gươm ấy. Đó là phương pháp chỉ và quán. Tức là dừng lại và nhìn sâu. Nhìn sâu để thấy bản chất của khổ đau. Nếu không dùng thanh gươm chỉ và quán chúng ta sẽ không đoạn trừ được những sợi dây phiền não đang trói buộc ta. Nếu ta đang khổ, đó là tại vì ta đang bị trói buộc bởi những sợi dây của thèm khát, của giận hờn, của thù oán, của ngã mạn. Và ta phải thực tập ngày đêm để chuyển hóa những tập khí đó.”Dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới“. Nếu mình không có khả năng tự cởi trói cho mình được thì làm sao mong cởi trói cho người khác?

 

 

Đức bồ tát Phổ Hiền

Lạy đức bồ tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của bồ tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống“. Ta đi vào cuộc sống với hành trang nào, nếu không phải với con mắt và trái tim của ta? Con mắt nào có thể đem vào cuộc đời nếu không phải là con mắt của Văn Thù Sư Lợi? Nếu không có con mắt ấy, đi vào cuộc đời ta sẽ bị cuộc đời kéo theo như một dòng nước lũ. Anh đã có con mắt ấy chưa, em đã có con mắt ấy chưa? Nếu chưa có con mắt ấy thì đừng nên vội vã đi vào trong cuộc đời để trở thành chàng dũng sĩ trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài. Ta phải có con mắt của bồ tát Văn Thù và trái tim của bồ tát Quan Thế Âm để đi vào đời. Mà có con mắt của Văn Thù và trái tim của Quan Thế Âm thì ta cũng trở thành bồ tát Phổ Hiền, nghĩa là mình có bàn tay hành động của bồ tát Phổ Hiền. Trong bồ tát Phổ Hiền có bồ tát Quan Âm và bồ tát Văn Thù. Các vị bồ tát có mặt trong nhau. Chúng con nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Đạo pháp không phải là vấn đề miệng lưỡi, đạo pháp là vấn đề thực tập. Anh làm sao để buổi sáng có thể đem đến niềm vui ít nhất cho một người, và buổi chiều ít nhất làm cho một người bớt khổ. Những điều anh nói không đủ để tạo ra sự chuyển đổi. Ta đâu cần làm gì nhiều. Chỉ cần đi, đứng, nằm, ngồi, ăn sáng cho có chánh niệm là đã có thể mang đến niềm vui cho rất nhiều người. Khi trả lời cho anh, cho em, ta trả lời với một nụ cười, đó đã là trái tim của sự thực tập.

Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự“. Đây là một câu nói diễn tả được giáo lý của Làng Mai: “hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân”. Trong liên hệ giữa mình và người kia, nếu kẻ kia khổ đau thì sao mà mình có hạnh phúc cho được. Làm cho người kia nở được nụ cười là mình đã thấy nhẹ trong lòng. Trên con đường lý tưởng, phải làm sao cho con đường ta đi trở thành  con đường vui, bởi nếu không vui thì tu để làm gì? Điều này phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ngoài đời người ta đã rầu rĩ khổ đau rồi, mình đi tu mà cũng rầu rĩ khổ đau nữa thì đâu có thể giúp đỡ được ai? Trong bài Quy Nguyện có câu: “Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui”. Ngày nào cũng cần chế tác niềm vui. Nếu chưa biết làm cho mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày trở thành một giây phút an lạc thì mình chưa nắm được phép tu. Tu cùng nhau là hợp tác với nhau để tạo ra niềm vui trong đời sống hằng ngày. Ta sẽ được nuôi nấng bởi những niềm vui ấy. Tu là nghệ thuật chế tác niềm vui và chuyển hóa khổ đau. Phải đem tài năng và sáng kiến của mình ra để áp dụng trong sự tu tập. Làm sao để mỗi ngày là mội hội vui, mỗi ngày là một ngày tết.

Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.” Chúng ta giàu có hơn chúng ta nghĩ. Mỗi cử chỉ đều có thể đem lại hạnh phúc cho người, vậy mà mình cứ quen thói hà tiện. “Chúng con biết rằng nếu chúng con siêng năng tu tập thì tự thân chúng con là một nguồn an lạc bất tuyệt cho mọi người và cho cả muôn loài“. Ta rất giàu có, ta có thể bố thí, có thể đem lại niềm vui cho rất nhiều người, có thể ban tặng hạnh phúc cho mọi loài. Chỉ cần sống tỉnh thức để bồ tát Quan Âm có mặt trong trái tim, để bồ tát Văn Thù có mặt trong đôi mắt, thì tự nhiên những cử chỉ, những hành động, những lời nói của ta sẽ tạo ra niềm vui cho mình và cho mọi người.

 

 

Đức bồ tát Địa Tạng

Lạy đức bồ tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh bồ tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự để có thể đem đến nơi ấy niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai không còn lối thoát, những ai còn bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình nhân phẩm và quyền được làm người“. Có những người đang ngồi dưới đáy vực thẳm nhưng không có cách nào để có thể truyền thông được với bên ngoài, có những người đang bị kẹt vào những tình huống khó khăn và tuyệt vọng. Hiện giờ trên thế giới có rất đông những người như vậy. Nếu không có bồ tát Địa Tạng thì ai có thể đem ánh sáng tới những vùng đó? Trong thế giới chúng ta có rất nhiều người trẻ muốn làm những vị bồ tát Địa Tạng, muốn đem ánh sáng tới những vùng xa xôi và sâu thẳm như vậy. Ở trong một hoàn cảnh đầy đủ về vật chất, có nhân quyền, có tự do, vậy mà chúng ta lại giận hờn nhau, ganh tị với nhau, rồi xâu xé nhau. Chúng ta đau khổ mà không biết rằng cái đau khổ của chúng ta không thấm gì so với đau khổ của những người hiện đang ở trong những  tình huống của địa ngục. Chúng ta phải tu tập như thế nào để trở thành một Địa Tạng trong vô số các vị Địa Tạng? Cánh tay của ta phải với tới được những tình trạng khổ đau và tuyệt vọng đó.

Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế.” Địa ngục có thật. Có những vị Địa Tạng đang tìm tới những nơi ấy. Có những địa ngục vắng Địa Tạng, nhưng cũng có những địa ngục bắt đầu có mặt Địa Tạng. Chúng ta phải nhận diện sự có mặt của những địa ngục như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Không cần phải đi tới một cõi nào xa xôi mới thấy được địa ngục. Địa ngục nằm ngay bên cạnh chúng ta. Trong những thành phố lớn như Chicago, như New York, như Manila, như thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc ngay ở Paris cũng có những vùng địa ngục. Chúng ta phải khám phá ra những địa ngục đó, để đưa bàn tay Quan Thế Âm tới. Ta phải nhờ bồ tát Địa Tạng dẫn ta tới. Đôi khi tưởng rằng ta không góp phần tạo ra các địa ngục ấy, nhưng kỳ thật có thể là ta đã tiếp tay xây dựng chúng. Ta là đồng lõa. Ta bận rộn tiêu thụ. Và trong cuộc sống hằng ngày, ta kẹt vào những nhỏ mọn, ganh tị, buồn chán mà không biết rằng có những địa ngục đang được dựng lên chỗ này hay chỗ khác. Thái độ thờ ơ bất cần của chúng ta là một yếu tố góp phần xây dựng lên những địa ngục như vậy trên trần gian. Chúng ta phải nói rất rõ là :”Con không muốn tiếp sức vào sự xây dựng những địa ngục ấy. Trái lại chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt tới đức vững chãi và kiên trì của đất. Bồ tát“. Địa Tạng có hai đức lớn là đức vững chãi và đức kiên trì. Có vững chãi thì mới kiên trì được. Kiên trì là không dễ dàng bỏ cuộc, dù khó khăn cách mấy cũng bám lấy. “Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng”. Đất “kiên” và “hậu” nghĩa là vững và dày. “Quảng hàm tàng” là có khả năng chứa đựng lớn. Trong ấy có tình thương, có sự hiểu biết, có thể nâng đỡ, có thể làm chỗ nương tựa. Đó là lời ngợi khen bồ tát Địa Tạng. “Chúng con nguyện tu học để đạt tới đức vững chãi và kiên trì của đất, để trở thành trung kiên và không kỳ thị như đất, và cũng được như đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.” Đất không kỳ thị, dù đổ phân rác vào đất thì đất cũng chấp nhận, đổ sữa lên đất thì đất cũng chấp nhận. Vì đất chuyển hóa được sữa, đất cũng chuyển hóa được phân rác. Đất có khả năng xả, nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt, chấp nhận được tất cả để có thể chuyển hóa. Ta hãy tự hỏi mình là ta có khả năng làm chỗ nương tựa cho người khác hay không. Nếu thấy ta còn mong manh, đức còn mỏng, chưa có đủ vững chãi thì ta phải thực tập như thế nào để nuôi lớn thêm đức vững chãi mà làm chỗ nương tựa cho những người xung quanh.