Pháp thoại theo chủ đề

Đất Mẹ là một vị đại Bồ tát

(Phiên tả pháp thoại của Sư Ông Làng Mai trong khoá An cư kiết đông 2011-2012)

 

 

 

Mặt trời là một pháp, hành tinh trái đất cũng là một pháp. Nếu mặt trời là một vị Bồ tát thì hành tinh của chúng ta cũng là một vị Bồ tát, Đất Mẹ là một vị Bồ tát. Là những người hành trì, chúng ta phải bắt đầu nhìn trái đất như một vị Bồ tát, một vị Bồ tát rất xinh đẹp. Các nhà khoa học đã dùng kính viễn vọng để tìm kiếm, nhưng cho tới nay họ chưa tìm được một hành tinh nào xinh đẹp như trái đất. Chiếc áo khoác lên người của Đất Mẹ là một chiếc áo rất xinh đẹp, chiếc áo có màu xanh của đại dương, màu xanh của cây cỏ. Nhìn cho kỹ, ta thấy có biết bao nhiêu mầu nhiệm biểu hiện trên mặt đất, trong đó có con người. Con người tự hào mình giỏi về toán học, nhưng khi nhìn một cánh hoa anh đào hay nhìn một vỏ ốc thì con người phải cúi đầu khâm phục. Phải rất giỏi toán mình mới làm ra được một cánh hoa anh đào hay một vỏ ốc như vậy. Muốn xây một ngôi nhà hay một cây cầu vững chãi, chúng ta phải nhờ kiến thức của toán học. Đất Mẹ cũng là một nhà toán học tài tình, đã tạo ra những cái rất mầu nhiệm.

Những nhạc sĩ đã tạo ra những bản nhạc rất hào hùng. Nhưng nếu lắng nghe tiếng hải triều, tiếng gió, tiếng chim, tiếng thông reo thì chúng ta sẽ thấy rằng Bồ tát Thanh Lương Địa của chúng ta là một nhạc sĩ rất tài tình. Không bản nhạc nào hào hùng hơn bản nhạc của đất trời, của mưa, của gió, của hải triều sớm tối. Các họa sĩ đã sáng tạo ra những bức tranh thật tuyệt vời, nhưng không họa sĩ nào có thể sáng tạo ra những bức tranh tuyệt vời như Đất Mẹ. Buổi sáng khi mặt trời lên, đứng trên núi nhìn xuống, chúng ta thấy bức tranh mà trái đất thực hiện đẹp hơn những bức tranh của con người rất nhiều.

Không hẳn chỉ con người mới được gọi là Mẹ. Ta có thể nhìn trái đất như một vị Bồ tát, gọi là Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Ta có thể chắp tay lại niệm: Nam mô Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Vị Bồ tát này là Mẹ của muôn loài, có khả năng chuyên chở, nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi khi đau ốm, ta đánh mất mình thì ta phải trở lại với bà Mẹ này để được nuôi dưỡng, trị liệu. Vì vậy, thiền hành là một phương pháp thực tập rất hay để chúng ta có thể trở về tìm sự nuôi dưỡng và trị liệu từ Đất Mẹ. Tuy không mang hình thức của một con người, nhưng Đất Mẹ đích thực là một vị Bồ tát, tại vì Đất Mẹ có những đức tính rất lớn như vững chãi và kiên nhẫn. Trong kinh Địa Tạng có câu: Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng (có nghĩa là đất kiên cố, dày dặn và cất chứa được rất nhiều). Đất có khả năng nuôi dưỡng, che chở, trị liệu và có khả năng cho ra đời biết bao nhiêu là mầu nhiệm. Nhiều vị Bụt và Bồ tát đã được đất sinh ra. Chính Chúa Kitô cũng do đất sinh ra. Ta không biết Chúa Kitô có phải do Thượng đế sinh ra thật hay không, nhưng ta biết chắc Chúa Kitô do trái đất sinh ra. Có những lúc ta lao đao, cô đơn, lạc hướng hay ốm đau thì ta phải trở lại Đất Mẹ để được nuôi dưỡng.

Trong khóa tu mùa Đông này, chúng ta nên đưa vị Bồ tát Đất Mẹ vào trong danh sách để lạy: Nhất tâm kính lễ Bồ tát Thanh Lương Đại Địa, mẹ của muôn loài luôn luôn chở che, nuôi dưỡng và trị liệu cho chúng con.

Bồ tát là tên gọi tắt của chữ bồ đề tát đỏa. Bodhisattva, đọc phiên âm ra là bồ đề tát đỏa. Bodhi là bồ đề, sattva là tát đỏa. Sattva nghĩa là một sinh vật, một hữu tình (being), bodhi nghĩa là giác ngộ (enlightened). Bồ đề tát đỏa là giác hữu tình (enlightened being).

Bồ tát là một sinh vật có hạnh phúc, có giác ngộ, có chánh niệm, có hiểu và có thương. Bất cứ sinh vật nào có sự tỉnh thức, có bình an, có hiểu và thương thì được gọi là một vị Bồ tát. Không phải chỉ có con người mới làm được Bồ tát. Trong những câu chuyện tiền thân, có khi Bồ tát là một con nai, một con khỉ, một tảng đá hay một cây xoài, tại vì nhìn vào cây xoài đó ta thấy có hạnh phúc, có sự tươi mát. Cây hiến tặng cho đời vẻ đẹp của nó và nuôi dưỡng sự sống, làm chỗ nương tựa cho bao nhiêu chim muông. Ta có thể thấy cây là một vị Bồ tát, vì vậy Bồ tát không hẳn phải là con người. Bồ tát không phải là cái gì xa xôi ở trên mây, mà là những cái ở ngay chung quanh mình. Một người trẻ hơn ta nhưng có tình thương, có sự hiểu biết, có sự tươi mát và hiến tặng cho ta nhiều niềm vui thì người đó là một vị Bồ tát. Cây thông ngoài vườn có thể tạo cho ta nhiều niềm vui, hiến tặng cho ta dưỡng khí và làm đẹp cho cuộc đời. Cây thông đó là một vị Bồ tát.

 

 

Vì vậy, chúng ta có thể nói trái đất của chúng ta là một vị Bồ tát. Đích thực địa cầu là một vị Bồ tát rất lớn. Địa cầu có nhiều đức tính rất tốt. Trước hết là sự vững chãi. Đất chuyên chở ta, đất có sức chịu đựng rất lớn, rất kiên nhẫn. Đất không kỳ thị. Ta có đổ nước thơm, hương hoa hay đổ phân, nước tiểu xuống, đất cũng chấp nhận được. Đất hiến tặng cho ta không biết bao nhiêu là phẩm vật. Đất đưa ta ra đời, nuôi nấng ta, cho ta không khí để thở, cho ta nước để uống. Như vậy rõ ràng đất là một vị Bồ tát. Khi bước trên mặt đất là ta tiếp xúc với một vị Bồ tát.

Ta đừng nên cho đất là vật chất, tại vì vật chất làm sao giỏi như vậy được? Đất là một vị Bồ tát lớn đã đưa ra đời nhiều vị Bụt và nhiều vị Bồ tát khác. Đất là Mẹ của nhiều vị Bụt và nhiều vị Bồ tát. Đức Thích Ca, thầy của ta, cũng là con của đất. Cha ta, mẹ ta cũng là con của đất. Nhờ mẹ ta, ta nhận diện ra đất cũng là một bà Mẹ, một bà Mẹ lớn. Đất đưa mẹ ta ra đời, đưa ta ra đời qua mẹ ta; vì vậy đi trên mặt đất là ta tiếp xúc được với bà Mẹ đó và ta phải có hạnh phúc. Bà Mẹ này rất xinh đẹp. Trong Thái Dương hệ, đất là hành tinh đẹp nhất. Trái đất là vị Bồ tát xinh đẹp nhất trong các vị Bồ tát mà ta thấy, gọi là Bồ tát Thanh Lương Địa, một vị Bồ tát vừa trong, vừa mát, vừa xinh đẹp. Vì vậy được bước đi trên địa cầu này là một hạnh phúc rất lớn.

Có những người dại dột xúi ta phải phát tâm nhàm chán trái đất này để cầu sinh sang một cõi nào đó không biết có thực hay không. Ta đừng nên nghe họ, ta phải quay về nương tựa nơi đất, ta phải quy y đất. Ta phải thương Đất Mẹ, mỗi bước chân ta biểu lộ tình thương đối với Đất Mẹ, và bước đi như vậy ta không thể không có hạnh phúc. Hạnh phúc là chuyện có thể có được.

Chúng ta phải tập nhìn địa cầu của ta không như một vật vô tri vô giác, địa cầu của ta là một sinh vật (living-being). Nhiều nhà khoa học, nhất là các nhà sinh vật học như Thomas Lewis, thấy rằng trái đất là một sinh vật. Ông viết một cuốn sách với tựa đề “The Lives of a Cell“ (Sự sống của một tế bào), ông xem trái đất như một tế bào của vũ trụ, một tế bào rất xinh đẹp trong đó có rất nhiều sự sống, rất nhiều mầu nhiệm.

Khi nhìn trái đất, chúng ta thấy trái đất là một hành (formation), tại vì trái đất được làm bằng những yếu tố trong vũ trụ trong đó có Mặt trời và các vì sao. Các vì sao đã gửi tới trái đất rất nhiều yếu tố. Nhìn vào bông hoa ta thấy bông hoa được làm bằng nhiều yếu tố, bông hoa là một hành. Ta thấy cả vũ trụ trong một bông hoa, trong đó có mặt trời, có trái đất. Trái đất cũng là một bông hoa rất xinh đẹp, ta thấy trong trái đất sự có mặt của toàn vũ trụ (the whole cosmos in the Earth).

 

 

Nhìn vào ta, ta thấy Đất Mẹ ở trong ta. Ta đừng tưởng Đất Mẹ ở ngoài ta. Ta mang Đất Mẹ trong ta. Mẹ sinh ra ta ở trong ta và trái đất, mẹ của mẹ ta cũng ở trong ta. Ta đừng tưởng trái đất ở ngoài ta, trái đất cũng ở trong ta. Những người có gốc Cơ Đốc giáo biết rằng trong Thánh Kinh cũng có những câu như vậy. Chính Chúa Jésus đã nói: I am my father, my father is in me(Tôi là cha tôi, cha tôi có trong tôi). Đó là giáo lý tương tức rất gần với đạo Bụt.

Trong trái đất có cả vũ trụ. Nhìn vào trong hình hài của mình, ta thấy Đất Mẹ, nghĩa là có đủ cả vũ trụ trong ta. Đó là tuệ giác. Trong khóa tu cho người Việt ở Washington, có người hỏi:

  • Chúng con tu theo Tịnh độ. Khi niệm Bụt A Di Đà chúng con biết khi chết chúng con sẽ về đâu. Tăng thân Làng Mai tu chỉ biết thở ra thở vô, không biết mai mốt chết rồi sẽ đi về đâu? Các thầy, các sư cô trả lời như thế nào?

Có một điều rất rõ ràng là: ta được biểu hiện ra từ trái đất thì ta sẽ về với trái đất. Đất Mẹ đưa ta ra một lần thì Đất Mẹ đón ta trở về, rồi ta sẽ đi-về hàng nghìn lần như vậy, ta có chỗ về rõ ràng. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta chối bỏ giáo lý Tịnh độ. Tịnh độ không phải là cái gì mơ hồ, chỉ có ở nơi khác hay trong tương lai. Tịnh độ có mặt trong giây phút hiện tại. Trong mỗi hơi thở vào và hơi thở ra, ta trở về tiếp xúc với giây phút hiện tại ngay bây giờ, tại vì Đất Mẹ là một Tịnh độ. Đức Thích Ca là con của Đất Mẹ, Đức Thích Ca nhận đây là quê hương, “xin nhận nơi này là quê hương”. Là học trò của Đức Thích Ca, không lý chúng ta lại đi tìm một chỗ nào khác? Tại sao ta không nhận quê hương của thầy mình là quê hương của mình mà lại đi tìm một chỗ nào khác chưa chắc đã có thật? Chỗ này đang có thật, đang là một hiện thực rất mầu nhiệm. Đi vào thiền đường, chúng ta đi bằng những bước chân có cái thấy đó, có hạnh phúc và có tình thương đó.

Trên xóm Thượng, sau khi ngồi thiền nửa giờ, chúng ta đi kinh hành, thở vào ta đi một bước và thở ra ta đi một bước. Chúng ta đi như vậy để tiếp xúc với đại địa, với Đất Mẹ. Khi tiếp xúc với Đất Mẹ bằng tuệ giác thì mỗi bước chân có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Đi 30 bước là chúng ta có 30 cơ hội để nuôi dưỡng và trị liệu, vì vậy chúng ta đừng đi hình thức mà phải đi cho có nội dung. Mỗi bước chân phải có chánh niệm, phải đem lại sự bình an cho thân và tâm, phải đem lại cái thấy. Cái thấy đó không khó, chỉ cần một chút chánh niệm là ta có thể thấy Đất Mẹ là Mẹ của mình, Mẹ của mẹ mình, Mẹ của thầy mình.

Khi giẫm lên Đất Mẹ chúng ta đừng nghĩ đất là vật chất, đất cũng là tâm thức, có tâm thức trong mỗi hạt bụi. Trong hạt bụi có vô số Bụt, mỗi vị an trú chúng hội mình, đó là lời dạy của kinh Hoa Nghiêm. Đi thiền hành với tuệ giác đó, chúng ta đi vào thế giới của Hoa Nghiêm, chúng ta tiếp xúc với một sự sống linh động, đó là Đất Mẹ. Chúng ta là một phần của Đất Mẹ, Đất Mẹ có trong ta, cũng như mặt trời, tức đức A Di Đà, một vị Bụt lớn, cũng có trong ta. Chúng ta phải thực tế, đừng nên viển vông đi tìm Bụt hay Bồ tát ở một nơi xa nào. Bụt và Bồ tát có mặt trong giây phút hiện tại, và Tịnh độ cũng có mặt trong hiện tại. Đi thiền hành như vậy đem lại sự dừng lại, sự bình an, sự vui sống để nuôi dưỡng chúng ta và nuôi dưỡng cả thế giới.

Mỗi bước chân con đi vào Tịnh độ
Mỗi bước chân con trở lại suối nguồn

Thở vào chúng ta đi ba bước: mỗi bước một từ, mỗi-bước-chân. Thở ra đi năm bước: con-đi-vào-Tịnh-độ. Đi thiền hành một mình tôi thường làm như vậy. Mỗi bước chân con đi vào Tịnh độ, tôi tiếp xúc với đất. Mỗi  bước  chân  con  trở  lại  suối  nguồn, tôi  tiếp  xúc với trời.

Hôm nay đi thiền hành, ta nhớ tiếp xúc với đất, đừng cho đất là vật chất, đất cũng là tâm. Vật và tâm là hai mặt của một thực tại, cái này nương vào cái kia mà có mặt, không có cái này thì không có cái kia. Đi thiền như vậy chúng ta có hạnh phúc, mỗi bước chân đều có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu, mỗi bước chân đều có thể chế tác được niềm vui và năng lượng bình an. Ta đi cho ta và cho cả thế giới, đi cho bản thân và làm cho trái đất được an lành. Con người có thể trở nên độc ác, có khả năng phá hủy hình hài của mình và phá hủy trái đất là do cái thấy phân biệt nhị nguyên: tâm và vật khác nhau, sinh và diệt khác nhau. Vượt thoát được cái thấy nhị nguyên, chúng ta không còn phân biệt, chúng ta có sự chấp nhận, bình an.

 

 

Nếu tu tập, con người sẽ trở thành những vị Bụt và Bồ tát có khả năng bảo vệ, không những bảo vệ cho con người mà còn bảo vệ cho các chủng loại khác trên trái đất và bảo vệ cho Đất Mẹ. Vì vậy sự tu tập của chúng ta rất cần thiết cho sự sống hằng ngày của thế giới. Ta đi thiền hành không cho riêng ta mà đi cho thế giới và cho Đất Mẹ. Chúng ta đã tổ chức đi thiền hành ở các thành phố lớn trên thế giới.

Khi đi thiền hành, chúng ta không chỉ đi bằng thân mà phải đi bằng cả tâm của mình, gọi là thân tâm nhất như (the oneness of body and mind). Miệng (khẩu) của ta cũng phải đi theo. Cho nên trong khi thiền hành ta không được nói chuyện. Thân, khẩu, ý hợp nhất gọi là tương ưng. Trong khi giẫm lên mặt đất chúng ta không thấy đất là vật chất. Cho đất là vật chất tức là theo chủ trương duy vật luận (matérialisme). Nếu thấy đất là ý niệm, là tâm thì đó là duy tâm luận (idéalisme). Duy vật luận là một cực đoan và duy tâm luận là một cực đoan khác, căn cứ trên ý niệm vật và tâm là hai cái khác nhau. Nhiều nhà khoa học cho rằng tâm là do vật chất tạo ra, thức là một sản phẩm của não bộ. Khuynh hướng này rất gần với chủ nghĩa duy vật. Nhiều người khác lại cho rằng chính tâm tạo ra vật chất. Nhưng khi quán chiếu về thân thể, ta thấy rằng hình hài của ta không phải chỉ là vật chất. Trong hình hài có tâm, có cái biết và có sự thông minh của nó. Một tế bào cơ thể là một thực tại linh động có tâm trong đó, nếu lấy tâm đi thì nó trở thành một tế bào chết. Trong cơ thể của chúng ta có hàng tỷ tế bào và mỗi tế bào có sự thông minh, có cái biết rất sâu sắc. Vì vậy nói hình hài chỉ là vật chất, hay chỉ là sinh lý là không đúng.

Nhìn vào thế giới, ví dụ như một cọng cỏ hay một cái cây, ta thấy đó không phải là vật chất vô tri mà trong đó có cái biết. Ta không thể nói hạt bắp là vật chất, tại vì trồng hạt bắp xuống đất thì hạt bắp biết nẩy mầm, lên cây, làm lá, làm hoa và làm ra trái bắp. Như vậy, hạt bắp có cái biết. Nếu nói hạt bắp là vật chất là sai. Nhìn trái đất, ta thấy trái đất là một thực tại mầu nhiệm như những tế bào trong cơ thể. Trái đất có cái biết trong nó. Hành tinh đất có khả năng hiến tặng và nuôi dưỡng sự sống. Cho rằng hành tinh đất là một khối vật chất là sai. Hành tinh đất có sự thông minh, sáng tạo trong đó. Hành tinh này đã sản xuất ra những điều hết sức mầu nhiệm. Loài người là một trong bao nhiêu loài mà hành tinh này đã sản sinh ra. Bụt Thích Ca hay Chúa Jésus cũng là con của hành tinh này. Ta và mẹ ta cũng là những đứa con của hành tinh này. Nếu thấy được ta là con của mẹ ta thì ta cũng thấy được ta và mẹ ta cũng là con của trái đất. Trái đất là một thực tại mầu nhiệm, tuy không phải là con người nhưng trái đất cũng là một bà mẹ, gọi là Đất Mẹ.

Rất nhiều nền văn minh đã nhìn trái đất như một bà mẹ. Nhà sinh vật học người Mỹ, Thomas Lewis viết một cuốn sách về hành tinh trái đất, trong đó ông nói: theo ông thì trái đất giống như một tế bào trong cơ thể con người. Trong trái đất có sự sống, có sự thông minh, tại vì khi nghiên cứu về tế bào trong cơ thể, ông thấy mỗi tế bào đều mầu nhiệm vô cùng. Nhìn trái đất ông thấy trái đất cũng là một sinh vật biết đau, biết buồn, biết suy tư, có thông minh, có trí tuệ, có tài năng. Khi đi thiền hành chúng ta phải sử dụng trí bất nhị để thấy, đừng cho là ta đang giẫm lên trên vật chất. Ta phải thấy ta đang tiếp xúc với Đất Mẹ, với một thực tại vô cùng mầu nhiệm.