Pháp thoại theo chủ đề

Xây Dựng Quá Khứ

(Pháp thoại ngày 02.12.2008, tại nội viện Phương Khê)

Khi nói xây dựng tương lai ta thường có cảm tưởng tương lai là một không gian thênh thang phía trước. Ta cũng đã được học, được nghe rằng muốn xây dựng tương lai thì phải sử dụng hiện tại, bởi vì hiện tại là chất liệu làm nên tương lai.

Người ta thường nói xây dựng tương lai chứ không ai nói xây dựng quá khứ, tại vì quá khứ đã đi qua. Nhưng kỳ thực quá khứ có thể xây dựng được và quá khứ là cái rất cần thiết để làm chỗ nương tựa cho tương lai. Có những người trong chúng ta có quá khứ rất đẹp, chúng ta có một tuổi thơ hạnh phúc với những kỷ niệm êm đềm cùng gia đình và bè bạn. Đó là những người rất may mắn. Nhờ có quá khứ đẹp mà chúng ta có được niềm vui trong hiện tại và niềm tin trong tương lai. Nhưng cũng có những người trong chúng ta kém may mắn hơn, không có được một quá khứ như vậy. Có thể trong gia đình, chúng ta đã phải chứng kiến cảnh ba mẹ, anh chị em làm khổ nhau. Có khi phải chứng kiến gia đình mình tan nát, chia rẽ. Bạn bè thì thù oán hoặc chơi xấu nhau. Những nỗi đau đó chúng ta đã mang trong mình, và những vết thương của quá khứ ấy cứ ám ảnh chúng ta, nó như một bóng ma làm cho ta không có khả năng an trú trong giây phút hiện tại và không cho ta xây dựng tương lai một cách dễ dàng. Trong một bài hát của Tịnh Thủy có câu: “Ta vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ, nên hôm nay ta vẫn sống nhẹ nhàng”. Câu đó có nghĩa là ngày mai rất có triển vọng nhưng ngày hôm qua của mình cũng đẹp lắm và mình muốn giữ lấy ngày hôm qua để nuôi dưỡng hôm nay và ngày mai. Nếu ta không có một quá khứ đủ đẹp, đủ hạnh phúc thì ta phải biết sử dụng hiện tại để xây dựng cho mình một quá khứ đẹp.

Sống trong tăng thân, trong gia đình, hay trong cộng đồng chúng ta có thể xây dựng tình thầy trò, tình gia đình, tình anh chị em. Xây dựng được thâm tình với những người xung quanh thì ta sẽ có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Sống mỗi ngày được như vậy là chúng ta đang xây dựng cho mình một quá khứ đẹp rồi. Sống được một trăm ngày như vậy thì chúng ta sẽ có một trăm ngày quá khứ rất đẹp. Điều này chúng ta có thể làm được ngay bây giờ.

Tôi nhớ những năm sống ở nước ngoài, không được về quê hương, xa cách thầy tổ, xa cách bạn bè và tăng thân, một mình một bóng đi trên con đường vận động hòa bình, nhiều đêm tôi nằm mơ được trở về chùa sống với thầy, với huynh đệ. Tôi nằm mơ về Phật học viện, được gặp lại những học tăng, học ni mà tôi đã dạy dỗ, thương yêu. Những hình ảnh đó rất đẹp. Thời thơ ấu của tôi rất hạnh phúc, khi lớn lên được sống với Thầy cũng có hạnh phúc, và thời gian ở Phật học viện dạy dỗ cho các thầy, các sư cô có tình huynh đệ tôi cũng hạnh phúc. Đó chính là vốn liếng. Trên quãng đường lưu lạc nơi xứ người, thường thì mình dựa vào quá khứ ấy để đi tới, cho nên có một quá khứ là rất quan trọng. Nhưng nếu mình không có một quá khứ đẹp thì mình có thể bắt đầu xây dựng cho mình một quá khứ đẹp, và mỗi ngày là một cơ hội để mình làm điều đó. Bảy ngày tu học là có thể có một quá khứ rồi, bảy tháng tu học sẽ có một quá khứ lớn, và bảy năm tu học cho đàng hoàng, có tình huynh đệ thì mình có một vốn liếng quá khứ khá vững vàng. Mỗi ngày tu tập với tăng thân, nếu nắm được giây phút hiện tại, thấy được mình đang có may mắn tức là mình có thể xây dựng được quá khứ. Quá khứ như một trương mục tiết kiệm mà mình đang nuôi. Khi quá khứ đã hùng mạnh rồi thì lúc đó hiện tại và tương lai sẽ sáng ngời.

Nếu nhìn cho sâu ta sẽ thấy quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một, nó tương tức với nhau. Nhìn hiện tại chúng ta sẽ biết được cả quá khứ và tương lai. Cho nên xây dựng hiện tại cũng là xây dựng quá khứ và tương lai. Giây phút hiện tại chính là đầu dây mối nhợ mà mình cần phải nắm lấy để chuyển hóa cả tương lai và quá khứ.

Nhờ có phước đức của ông bà, tổ tiên để lại nên hôm nay mình gặp được giáo pháp, được học hỏi và hành trì những pháp môn chuyển hóa khổ đau. Dù là người xuất gia hay tại gia, nếu mình đã có thầy, có tăng thân cùng tu học nâng đỡ nhau thì điều này đã chứng tỏ rằng tình trạng của mình không đến nỗi nào. Nếu bản thân và tổ tiên, cha mẹ của các thầy, các sư cô không tạo phước đức trong quá khứ thì hôm nay làm sao các thầy, các sư cô được ngồi đây dưới hình tướng một người xuất gia có đủ điều kiện để tu học, để chuyển hóa? Đối với các vị cư sĩ cũng vậy, nếu hôm nay mình có niềm tin với Tam Bảo, có cơ hội hành trì theo con đường tâm linh, biết thực tập năm giới để gìn giữ hạnh phúc gia đình, thực tập mười bốn giới để làm đẹp cho xã hội tức là trong quá khứ cha mẹ, tổ tiên của mình đã từng gieo trồng rất nhiều căn lành nên mình mới có ngày hôm nay.

Tại Làng Mai, có những vị thiền sinh phải dành dụm tới hai ba năm mới có thể tới tham dự một khóa tu năm ngày hay bảy ngày. Trong mấy ngày ngắn ngủi ấy họ có rất nhiều hạnh phúc.

Nếu như mình đã có phước lớn được làm người xuất gia, có đầy đủ điều kiện để tu học, muốn tu bao lâu cũng được, không bị giới hạn về thời gian, thì mình phải biết trân quý sự may mắn đó, phải thấy rằng bên ngoài có biết bao nhiêu người đang mơ ước có được những điều kiện mà mình đang có, cho nên phải tu cho hết lòng, đừng để tháng ngày trôi qua oan uổng.

Khi ngồi chơi, ngồi pháp đàm chúng ta có thể chia sẻ để biết về quá khứ của nhau, để hiểu và nâng đỡ cho nhau. Và nhất là chúng ta biết được trong hiện tại chúng ta phải sống như thế nào để tất cả mọi người đều sẽ có một quá khứ vững vàng, một tương lai tươi đẹp. Quá khứ của ta sẽ là quá khứ của tăng thân, và quá khứ của ta cũng sẽ là quá khứ của gia đình. Để một ngày nào đó khi tới tuổi năm mươi, sáu mươi hay bảy mươi, nhớ về những tháng ngày mình đang ở bên nhau, bên những người thương thì chúng ta sẽ thấy đó là những ngày tháng tuyệt vời, những ngày tháng bằng vàng, bằng ngọc mà ngày xưa chúng ta không biết trân quý lắm. Bấy giờ tóc đã bạc, răng đã long. Nhưng nếu ngày xưa chúng ta đã sống với nhau sâu sắc, đầy tình nghĩa thì chúng ta không có gì để phải tiếc nuối cả, tại vì quá khứ ấy không bao giờ mất đi. Khi giảng pháp chúng ta thường nói “quá khứ đã qua rồi không còn nữa”, đó chỉ là một cách nói thôi. Nếu ta xây dựng được một quá khứ đẹp đẽ thì quá khứ đó vẫn còn mãi để mỗi khi nghĩ tới ta sẽ mỉm cười: “à, trong quá khứ ta đã có nhiều hạnh phúc như vậy, ta đã được sống trong tình thương như vậy, ta đã được làm việc chung hòa hợp như vậy và ta rất bằng lòng”. Điều đó có được hay không là do trong giây phút hiện tại ta biết trân quý những điều kiện mà ta đang có hay không.

Ngoài đời, người ta thường hay đứng núi này trông núi nọ, đứng một chỗ nhưng ao ước có thêm một chỗ khác, tốt đẹp hơn. Còn với những người xuất gia thì phải có cách nhìn khác, phải thấy rằng ở đâu mà có những điều kiện xây dựng quá khứ, xây dựng tương lai thì chúng ta mãn ý. Sống ở Làng Mai, Bát Nhã… hay ở trung tâm nào cũng được, miễn là chúng ta biết sống hết lòng, sống sâu sắc trong giây phút hiện tại, trân quý những điều kiện mình đang có, đó là tăng thân, là tình anh chị em. Có thể chúng ta không trân quý những gì mình đang có bằng những người đứng bên ngoài. Có nhiều người đang đứng ngoài và họ thấy ta rất đẹp, họ cũng mơ ước trở thành một phần tử của tăng thân, nhưng có khi chúng ta đang đứng ở trong mà chúng ta không biết trân quý bằng họ, đó là một điều đáng tiếc.

Đẹp hay không đẹp, đẹp nhiều hay đẹp ít, hạnh phúc nhiều hay hạnh phúc ít hoàn toàn do sự tu học của chúng ta, chứ không tùy thuộc vào một đấng tối cao nào hết, không tùy thuộc vào một đảng phái chính trị nào bên ngoài hết. Ai cấm chúng ta nhìn những người xung quanh mình bằng một cặp mắt tha thứ bao dung? Khi nhìn như thế chúng ta thấy khỏe, ta không trách móc, giận hờn. Mà người nhận được ánh mắt đó cũng cảm thấy thoải mái. Vậy tại sao ta không học để có thể nhìn những người xung quanh bằng con mắt từ ái? Nếu chúng ta không có con mắt tha thứ bao dung thì chính chúng ta sẽ khổ trước và người bị nhìn sẽ khổ theo. Bụt, Tổ đâu có cấm mình nhìn với con mắt thương yêu, chính Bụt đã dạy từ nhãn thị chúng sinh (mắt thương nhìn cuộc đời).

Khi trái tim mở ra, phiền não sẽ rơi rụng và cách mình nói, mình nhìn sẽ biểu lộ tâm trạng an lành đó, lúc ấy sự có mặt của mình sẽ giúp người khác vơi đi khổ đau liền lập tức. Cho nên mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi bước chân của mình mà đem lại được hạnh phúc, thảnh thơi cho tự thân, thì đều ảnh hưởng tốt tới những người xung quanh. Mình tu không chỉ có lợi lạc riêng mình mà cho tất cả thế giới. Mình có chủ quyền, thầy không cấm mình bước những bước chân như vậy, xã hội không cấm mình bước những bước chân như vậy, tại sao mình không bước mỗi bước chân an lành để đầu tư cho tương lai. Mỗi bước chân là một sự xây dựng quá khứ, mỗi nụ cười, mỗi hơi thở cũng vậy. Chúng ta đã được học và học rất nhiều lần là làm thế nào để thở cho có hạnh phúc trong khi thở và đem lại sự lắng dịu trong thân và tâm. Làm thế nào để thở mà thấy được mình đang có mặt thật sự trong cuộc đời mầu nhiệm này. Làm thế nào để trong khi đi mình có sự thảnh thơi, an lạc, thoải mái. Làm thế nào để trong khi đi mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm nơi mình và nơi người khác. Làm thế nào để trong khi đi mình có thể đi cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên, cho thầy cho bạn và cho Đức Thế Tôn. Làm thế nào để bước chân của mình nối tiếp được bước chân của Bụt. Những cái đó mình đều làm được cả dù mình mới xuất gia hay mình là cư sĩ.

Mỗi buổi sáng thức dậy ai cũng có hai mươi bốn giờ đồng hồ để làm những việc đó. Đó là chuyện quan trọng nhất của một người tu. Mình làm điều đó không chỉ cho mình, mà làm cho thế giới, làm cho cha mẹ dù cha mẹ vẫn còn hay đã tạ thế, mình làm cho ông bà, vì ông bà vẫn còn trong từng tế bào cơ thể của mình. Khi thấy một sư em của mình, hay người con, người cháu của mình sáng dậy biết chạy bộ, tập thể dục, biết tự chăm sóc sức khỏe thì mình rất vui, vì nếu tất cả mọi người đều biết tự chăm sóc sức khỏe thì rất đỡ cho tăng thân, cho gia đình. Nếu trong tăng thân hay trong gia đình có một người đau ốm đi bệnh viện thì tất cả những thành viên khác đều lo lắng, buồn khổ. Giả sử có một tai nạn bất ngờ xảy ra với một thành viên trong tăng thân hay trong gia đình mình thì tất cả mọi người đều gánh chịu chung, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Cho nên khi một người biết chăm sóc tự thân, biết tập thể dục, biết thở, biết cười thì ta phải phát khởi tâm niệm biết ơn người ấy, nhờ người ấy biết tự chăm sóc mà ta không phải lo lắng. Để đáp lại, ta cũng tự chăm sóc mình, buổi sáng ta cũng biết tập khí công, biết đi bộ, biết thở, biết điều phục tâm hành, cảm xúc của mình. Ta làm điều đó không phải chỉ cho riêng ta mà cho tất cả mọi người xung quanh, cho cả tổ tiên và con cháu. Nếu biết tự chăm sóc thân tâm mình thì thầy và tăng thân sẽ biết ơn ta, cha mẹ cũng biết ơn ta vì thân tâm của ta cũng là thân tâm của tăng thân, cũng là thân tâm của cha mẹ. Đừng tưởng rằng phải làm việc cật lực giúp tăng thân mới là hay. Đừng nghĩ rằng mang thật nhiều tiền về cho bố mẹ mới là giỏi. Chăm sóc tự thân cho tốt chính là chăm sóc những người thương.

Chúng ta biết rằng sự an vui, niềm hạnh phúc của mình một phần nào tùy thuộc vào hạnh phúc của những người chung sống. Ví dụ ở Bát Nhã, các thầy các sư cô và các sư em biết thương yêu nhau, biết sống bên nhau hòa hợp, có hạnh phúc. Nên dù gặp khó khăn vẫn không thốt lên những lời oán thán, trách móc, lên án, điều đó làm cho tăng thân Bát Nhã không những không khổ đau mà còn gây niềm tin, niềm hạnh phúc cho Làng Mai, Lộc Uyển, Bích Nham, Viện Phật Học Ứng Dụng và Phật tử xa gần. Những gì xảy ra cho Bát Nhã cũng đang xảy ra cho Làng Mai, cho Lộc Uyển… Chúng ta cùng vui với những niềm vui của nhau và cũng buồn chung với nỗi buồn của nhau. Cho nên nếu tăng thân Bát Nhã vượt qua được những sóng gió như vậy và tới gần với nhau hơn, chấp nhận nhau hơn, thương nhau hơn, tin cậy nhau hơn thì đó là một thành công lớn. Thành công lớn đó không chỉ của riêng Bát Nhã mà đó cũng là sự thành công của Làng Mai, của Bích Nham, Lộc Uyển… Chúng ta đã thấy rõ rằng niềm an vui qua sự thực tập của các sư em tại Bát Nhã có liên hệ tới hạnh phúc của chúng ta đến nhường nào. Ở bên này cũng vậy, nếu Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Mới, Sơn Hạ sống có hạnh phúc, có tình huynh đệ, biết thương yêu, nâng đỡ nhau, năng lượng tu học trẻ, vui, hùng hậu thì các sư em bên Bát Nhã nghe thấy như thế họ rất phấn khởi, hạnh phúc, và có niềm tin vào tăng thân bên này. Bích Nham, Lộc Uyển hay Viện Phật Học Ứng Dụng tại Đức cũng vậy, nếu các thầy các sư cô sống với nhau hạnh phúc, vững chãi, hòa điệu thì Làng Mai, Bát Nhã cũng hạnh phúc lây. Chúng ta muốn biết tin tức của nhau, muốn biết bên đó làm ăn ra sao, mỗi ngày có cười nhiều không, có nắm tay nhau đi thiền hành không, có tạo dựng được hạnh phúc cho mình và cho các thiền sinh tới không? Chúng ta rất quan tâm tới điều đó. Mỗi khi chúng ta nghe được một tin mừng, thì ai cũng phấn khởi cả, cho nên chúng ta liên hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta tương tức với nhau.

Nếu sống trong gia đình thì gia đình chính là tăng thân của mình. Hạnh phúc hay khổ đau của một thành viên trong gia đình đều ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc hay khổ đau của những thành viên khác. Nếu bất ngờ ta nhận được tin em mình bị tai nạn giao thông, thì dù đang ở đâu ta cũng cảm thấy khổ đau liền lập tức. Không chỉ ta khổ đau mà cha mẹ, ông bà ta cũng khổ đau, các anh chị em khác cũng lo lắng buồn phiền. Ngược lại, nếu chúng ta sống một đời sống lành mạnh, các anh chị em trong nhà biết thương yêu nhau, thì bố mẹ ta rất yên tâm và hạnh phúc an hưởng tuổi già. Đó là cách báo hiếu thiết thực nhất. Nếu mình là bậc làm cha, làm mẹ thì mình phải ghi nhớ điều này: “Hạnh phúc của cha mẹ là gia tài của con cháu”. Gia tài để lại cho con cháu không phải là cho mỗi đứa một căn nhà hay một số vốn nào đó khi chúng đi ở riêng. Gia tài để lại cho các con chính là trao cho các con một quá khứ đẹp mà trong đó, bố mẹ biết nhường nhịn, thương yêu nhau, biết lắng nghe để có thể hiểu được những khổ đau của nhau và của các con để mọi thành viên trong gia đình đều có khả năng cảm thông, tha thứ cho nhau. Để làm được điều đó chúng ta phải sắp xếp thời gian trong ngày sao cho mọi thành viên trong gia đình đều có cơ hội được ăn sáng chung với nhau, dù bận tới mấy chúng ta cũng phải trở về nhà sum họp bên nhau trong bữa cơm tối. Đó là cơ hội để chúng ta hiểu và chia sẻ được những niềm vui, nỗi buồn của mỗi thành viên trong gia đình. Ngày nay, xã hội ngày càng bận rộn, người thì tối ngày lo đi làm, người thì tối ngày lo đi học cho nên vợ chồng con cái không có thời gian trò chuyện với nhau. Nếu chúng ta không dừng lại mà cứ để cho guồng máy xã hội cuốn đi thì sẽ có ngày ngôi nhà của chúng ta trở thành một quán trọ, và mỗi thành viên là một vị khách trong ngôi nhà ấy. Chúng ta có thể tìm một công việc tuy thu nhập ít một chút, chi tiêu tiết kiệm lại một chút nhưng có thời gian dành cho nhau nhiều hơn. Hình ảnh cha mẹ thương yêu nhau, hình ảnh cha mẹ đối xử dịu dàng, bao dung với con cái chính là vốn liếng trao truyền cho các con khi chúng bước vào đời.

Nếu như ta có sự buồn bã, trống vắng trong lòng, thì ta đã có những pháp môn thực tập cho chính mình, cho tăng thân, hay cho gia đình rồi. Tại sao lại phải đi kiếm những thú vui trần tục để khỏa lấp? Tại sao phải tải xuống một bộ phim trên mạng để xem, tại sao phải tìm tới những quán bar… Đối với một vị xuất gia, nếu mình lên mạng tải xuống một bộ phim xem cho đỡ buồn, dù bộ phim ấy không độc hại thì cũng làm mất thời gian tu học của mình và khiến cho tăng thân địa phương và tăng thân khắp chốn không vui. Nếu mình là cư sĩ, mỗi khi buồn mình tìm sự khỏa lấp trong những quán bar, trong chốn bài bạc, hoặc xem những bộ phim thiếu lành mạnh thì nó không giúp mình vơi bớt khổ đau mà còn khiến cho những độc tố từ những sản phẩm ấy có cơ hội ngấm sâu hơn vào tâm hồn mình.

Khi còn là một Sadi trẻ, tôi mơ ước có một tăng thân đẹp, biết thương nhau. Trong những bài tụng của Làng Mai có những câu nói lên ước mơ đó: “Pháp là con đường sáng, dẫn người thoát cõi mê, đưa con trở về, sống cuộc đời tỉnh thức. Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát, làm an lạc cuộc đời”. Tăng là một đoàn thểđẹp, mà cái đẹp này làm bằng uy nghi, làm bằng tình huynh đệ. Đẹp không phải bởi mình mua vải sang may những cái áo đẹp để mặc. Cái đẹp đơn giản thì rất tinh khiết và thanh cao. Tăng là đoàn thể đẹp, nếu không đẹp thì không phải là Tăng. Cùng đi trên đường vui, nếu con đường không vui thì cũng không phải là con đường của Tăng. Con đường đó phải là con đường tu tập giải thoát và đem lại an lạc cho cuộc đời. Đây là ý niệm và cũng là ý hướng xây dựng tăng thân của tôi. Trong bài tụng chúng ta thấy được sống trong tăng đoàn, được tu tập hằng ngày để xây dựng hạnh phúc cho mình và cho người khác là một sự may mắn. “Hạnh phúc thay được sống, trong tăng đoàn Thế Tôn, được hành trì giới luật, sống vững chãi thảnh thơi, trong từng giây từng phút của cuộc sống hằng ngày, và trực tiếp tham gia vào sự nghiệp độ sinh của Bụt và Bồ Tát.”

Nếu chúng ta muốn tiếp tục sự nghiệp của đức Thế Tôn thì mỗi người trong chúng ta phải là một người dựng Tăng. Phải tổ chức đời sống của tăng thân sao cho có tình huynh đệ, biết thương yêu nhau, có khả năng độ đời. Người xuất gia xây dựng tăng thân đã đành mà người cư sĩ cũng phải học cách xây dựng tăng thân. Tăng thân của người cư sĩ trước hết là gia đình mình, sau đó là đạo tràng mà mình đang sinh hoạt, kế đến là những người cùng làm việc chung với mình và những người sống quanh mình.

Mục sư Martin Luther King là một nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng ở Hoa Kỳ, ông cũng rất muốn xây dựng tăng thân và ông đã dùng hết năng lượng của mình để làm việc ấy. Mục sư đã gọi tăng thân mà mình muốn xây dựng là “Tăng Thân Mến Yêu” (The Beloved Community). Rất tiếc ông đã bị ám sát trước khi thực hiện được ước mơ của mình. Thầy muốn tất cả các vị phải biến giấc mơ của Martin Luther King thành giấc mơ của mình. Mỗi chúng ta phải là một người dựng Tăng, như vậy mới xứng đáng với sự trông chờ của Bụt. Bụt cũng đã xây dựng một tăng thân rất đẹp, Ngài có những người phụ tá giữ vai trò là người dựng tăng rất xuất sắc như ngài Xá Lợi Phất, ngài Ca Diếp, ngài Mục Kiền Liên… Dù là người xuất gia hay tại gia mình cũng phải mang hoài bão đó, phải là sự tiếp nối của đức Thế Tôn, phải xây dựng tăng thân cho có sự thương yêu, hiểu biết, tha thứ, bao dung để làm đẹp cho xã hội. Và chính tăng thân đó thúc đẩy xã hội đi lên, giúp lấy đi những bất công và tệ nạn trong xã hội và trong cuộc sống hằng ngày. Tôi đã đem hết thì giờ, tâm huyết và năng lực ra để xây dựng tăng thân, và tôi muốn trao truyền lại cho quý vị ước mơ đó,ước mơ mà mục sư Martin Luther King cũng đã muốn trao truyền.

Một ngày có tới hai mươi bốn giờ, theo nguyên tắc, khi thức dậy mình đọc bài kệ “Thức dậy miệng mỉm cười”. Tại sao lại mỉm cười? Tại vì mình có hai mươi bốn giờ để sống, để thực tập. “Hăm bốn giờ tinh khôi, xin nguyện sống trọn vẹn, mắt thương nhìn cuộc đời”.

Thực tập trọn vẹn hai mươi bốn giờ đồng hồ và sử dụng con mắt thương yêu để nhìn cuộc đời, không trách móc, không lên án, chấp nhận người ấy như là người ấy vốn có, để rồi cùng nhau đi lên. Mình đọc bài kệ đó để lạc quan và thấy được rằng hai mươi bốn giờ là một tặng phẩm, đừng để tháng ngày đi qua một cách oan uổng. Phải để hai mươi bốn giờ đó để xây dựng tăng thân, giữ gìn từng bước chân, từng hơi thở, từng nụ cười đều để xây dựng tăng thân hết. Phải khéo léo sử dụng những giây phút trong đời sống hằng ngày của mình, phải luôn phát khởi những tư tưởng tha thứ, chấp nhận và thương yêu, làm những điều có thể để xây dựng hạnh phúc cho mình và cho tăng thân. Mỗi khi được làm việc cho tăng thân, mình phải làm bằng tình thương chứ không phải làm vì bổn phận. Nếu làm với tinh thần ấy thì mình sẽ có hạnh phúc rất lớn. Hạnh phúc hay không là do ngay lúc đó, và do làm với niềm vui cho nên chúng ta không cần làm một cách vội vàng mong cho mau xong. Nếu không biết tu thì chùi cầu tiêu là một công việc rất cực khổ, nhất là chùi cầu tiêu công cộng. Nhưng chùi cầu tiêu là một công hạnh rất cao, chùi cầu tiêu cũng quan trọng như lạy Bụt. Nếu muốn gạn lọc tâm ý thì hãy đi chùi cầu tiêu mỗi ngày một lần, dù cho cầu tiêu vẫn còn sạch bong. Tình thương phát khởi trong lúc chùi sẽ giải phóng cho mình những nghiệp chướng mà mình đã mang từ nhiều đời trước. Nấu cơm, rửa rau, quét nhà cũng vậy, cũng nên làm bằng tình thương. Có những người phụ nữ đi lấy chồng, làm quần quật suốt ngày, làm không thấy mệt, bởi vì họ thương chồng, thương con. Tình thương tạo nên một nguồn sức mạnh để mình có thể phụng sự mà không biết mệt mỏi. An trú trong hiện tại, mình biết rõ những gì mình đang làm là vì tình thương, khi ấy mình vừa có niệm, có định, có tuệ, giây phút ấy mình sẽ có hạnh phúc. Nếu mình có hạnh phúc thì tăng thân có hạnh phúc. Điều này nằm trong tầm tay của mỗi người nên chúng ta phải trân quý hai mươi bốn giờ. Chúng ta xây dựng cho chúng ta một tương lai và một quá khứ. Chỉ cần bảy ngày mình đã có thể xây dựng được một quá khứ đẹp và đó sẽ là chỗ nương tựa của mình cho tương lai.

_________