Xây dựng ngôi nhà tình thương đích thực
Xây dựng ngôi nhà cho chính mình
Mỗi người trong chúng ta đều đang cố gắng đi tìm cho mình một ngôi nhà đích thực. Chúng ta biết rằng ngôi nhà đó đang ở trong ta và với năng lượng chánh niệm, ta có thể trở về mái ấm đích thực của mình ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tăng thân cũng là nhà chúng ta.
Ở Việt Nam, người chồng gọi vợ mình là “nhà tôi” và người vợ cũng gọi chồng mình là “nhà” của cô ấy. “Nhà tôi” có nghĩa là căn nhà của tôi. Khi có người hỏi: “Vợ anh đâu rồi?” người kia sẽ trả lời: “Nhà tôi đang ra bưu điện.” Cũng đã có một vị khách hỏi người vợ: “Ai trang trí nhà bạn mà đẹp quá vậy?” Cô vợ trả lời: “Nhà tôi sửa soạn cái nhà tôi”, điều đó cũng có nghĩa là “chồng tôi đã làm cho ngôi nhà của chúng tôi trở nên đẹp như vậy đó”. Hay khi người chồng gọi vợ: “Nhà mình ơi!” (nhà của tôi), cô vợ sẽ đáp là: “Em đây! Nhà mình ơi.”
Khi quý vị có một mối liên hệ như vậy, nghĩa là người kia là ngôi nhà của quý vị, thì quý vị cũng hãy là một ngôi nhà đích thực cho người đó. Tuy nhiên, trước nhất, quý vị phải là ngôi nhà đích thực cho chính mình thì mới có thể là ngôi nhà cho người thương của quý vị. Và chánh niệm là sự thực tập để có thể là một ngôi nhà đích thực cho chính ta và cho những người ta thương.
Ở Làng Mai, mỗi khi nghe chuông, chúng ta ngừng lại mọi suy nghĩ, nói năng hoặc hành động. Chúng ta để sự chú tâm vào hơi thở vào ra và đọc thầm: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.” Ngôi nhà đích thực của ta đang ở trong ta. Ngôi nhà đích thực của chúng ta là bây giờ và ở đây. Vì vậy sự thực tập quay về nhà là điều mà chúng ta làm suốt mỗi ngày, bởi vì trong chúng ta, ai cũng chỉ thấy thoải mái khi được ở trong nhà của mình. Ngôi nhà của chúng ta đang có đó và chúng ta có thể quay về nhà trong mỗi phút mỗi giây. Ngôi nhà của chúng ta phải là một nơi an toàn, thân thương và ấm cúng. Do đó, chính chúng ta phải là người xây dựng nên ngôi nhà của mình bằng những yếu tố đó.
Tuần trước, tôi có ngồi uống trà với một cặp vợ chồng người Anh. Họ đã sống hai tuần ở Làng Mai với quý thầy ở xóm Thượng. Người vợ nói: “Thật lạ. Đây là lần đầu tiên con sống ở một nơi có cả trăm người đàn ông và không có phụ nữ. Vậy mà con cảm thấy rất an toàn ở xóm Thượng. Con chưa bao giờ cảm thấy an toàn như vậy.” Ở xóm Thượng, cô ta là người phụ nữ duy nhất, nhưng cô thấy rất an toàn. Và nơi nào mà cô ta cảm thấy an toàn thì nơi đó là nhà cô ta, bởi vì ngôi nhà phải là nơi mà khi sống trong đó ta cảm thấy an toàn. Vậy, quý vị có phải là một nơi an toàn cho những người thương của quý vị không? Quý vị có đủ vững chãi, mạnh mẽ để bảo vệ cho người thương của mình không?
Người chồng nói: “Hai tuần vừa qua có lẽ là hai tuần tuyệt nhất trong đời con.” Đó chính là nhờ công trình xây dựng tăng thân. Khi quý vị xây dựng một tăng thân thì quý vị cũng đang xây dựng một mái ấm cho chính mình. Ở nơi đó, quý vị cảm thấy như nhà của mình, dễ chịu và an toàn. Nếu quý vị không thấy an toàn trong tự thân thì quý vị không phải là ngôi nhà cho chính mình và không thể là một ngôi nhà cho người thương của quý vị. Đó là lý do tại sao quay trở về với chính mình để tạo nên một nơi an toàn cho mình và cho những người mình thương lại quan trọng đến như vậy.
Nếu quý vị cảm thấy cô đơn, trống vắng, cảm thấy bị mất gốc, đau khổ và cần được trị liệu thì quý vị không thể mong đợi một sự trị liệu bằng việc quan hệ tình dục với người khác. Quan hệ tình dục không thể giúp quý vị trị liệu. Quý vị sẽ gây thêm nhiều đau khổ cho người kia cũng như cho chính quý vị. Trong Giới thứ ba, chúng ta biết rằng tình dục không phải là tình yêu. Và một khi không có tình yêu thì những quan hệ tình dục sẽ mang lại nhiều đau khổ cho quý vị và cho người khác. Cô đơn không thể được giải tỏa bằng dục tình và quý vị không thể trị liệu cho mình bằng cách ấy. Quý vị phải học cách trị liệu cho chính mình, làm thế nào để trong mình được thoải mái và bắt đầu xây dựng ngôi nhà cho chính mình. Như vậy, quý vị mới có cái gì đó để hiến tặng cho người khác. Bên cạnh đó, người kia cũng phải tự trị liệu để thấy khỏe nhẹ, dễ chịu và có thể trở thành ngôi nhà cho quý vị. Nếu không, thì những gì người đó chia sẻ với quý vị chỉ toàn là cô đơn, bệnh hoạn và đau khổ. Điều đó không giúp trị liệu cho quý vị được một chút nào.
Lắng nghe nỗi khổ niềm đau trong tự thân
Có ba loại quan hệ. Thứ nhất là quan hệ về thân thể và tình dục. Thứ hai là quan hệ tình cảm và thứ ba là quan hệ tâm linh. Quan hệ tình dục không thể tách rời khỏi quan hệ tình cảm. Chúng đi đôi với nhau. Và nếu quan hệ tâm linh có mặt thì những quan hệ về thân thể và tình dục sẽ trở nên ý nghĩa, lành mạnh và có tác dụng trị liệu. Ngược lại, sẽ đưa đến tàn hoại.
Mỗi người trong chúng ta đều đang đi tìm kiếm những mối quan hệ tình cảm. Chúng ta muốn hiểu nhau, muốn có truyền thông thực sự và muốn trao đổi tâm tư tình cảm cho nhau. Dưới ánh sáng của sự thực tập đạo Bụt, chúng ta phải lắng nghe nỗi đau khổ của chính mình. Có những đau khổ bên trong quý vị và những đau khổ trong lòng người kia. Nếu không lắng nghe nỗi khổ đau của chính mình, quý vị sẽ không hiểu được nó và quý vị sẽ không có từ bi với chính mình. Trong khi đó từ bi là yếu tố giúp quý vị trị liệu.
Điều đầu tiên Bụt dạy là những đau khổ bên trong. Nhiều người trong chúng ta thường hay sợ hãi. Chúng ta không muốn quay về với chính mình vì ta tin rằng quay về với chính mình ta sẽ phải đối đầu với khối phiền não nội tại của ta và bị nhận chìm trong ấy. Thay vào đó, chúng ta cố khỏa lấp bằng việc tiêu thụ. Chúng ta tiêu thụ thức ăn, âm nhạc và rất nhiều thứ khác, trong đó có tình dục. Thế nhưng những điều ấy chẳng giúp ích được gì cho ta. Vì vậy Bụt dạy chúng ta phải dũng cảm quay về nhà của mình, để nhận diện và lắng nghe một cách sâu sắc những đau khổ trong ta. Chúng ta có thể sử dụng năng lượng chánh niệm được chế tác bằng những hơi thở và bước chân có ý thức, để nhẹ nhàng ôm ấp những đau khổ đó: “Nỗi đau của tôi ơi, tôi biết em đang có đó. Tôi đang ở đây và tôi sẽ chăm sóc cho em.”
Có những lúc chúng ta đau khổ mà không hiểu được bản chất của những nỗi khổ đó. Tổ tiên, cha mẹ ta có lẽ đã không thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau của họ nên đã trao truyền nó lại cho ta. Giờ đây, chúng ta đã có cơ may gặp được Pháp Bụt, chúng ta có cơ hội để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa cho chính ta và cho cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta: “Kính lạy liệt vị tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con đã tiếp nhận những đau khổ này từ liệt vị. Giờ đây, con có giáo pháp, con có các pháp môn thực tập. Con sẽ học hỏi để nhận diện những đau khổ đã được trao truyền cho con và con sẽ cố gắng chấp nhận, chuyển hóa nó bằng tình thương yêu.” Quý vị có thể làm điều đó vì tình thương. Quý vị làm cho cha mẹ, cho tổ tiên, bởi vì quý vị cũng chính là tổ tiên của quý vị.
Theo giáo lý Tứ Diệu Đế, chúng ta sẽ không hiểu được gốc rễ khổ đau nếu chúng ta không biết lắng nghe nỗi khổ niềm đau, không biết nhìn sâu và ôm ấp nỗi khổ niềm đau một cách nhẹ nhàng bằng năng lượng chánh niệm. Khi bắt đầu hiểu được gốc rễ của khổ đau thì tự nhiên năng lượng từ bi, hiểu biết sẽ phát khởi. Từ bi và hiểu biết có công năng trị liệu. Ôm ấp và lắng nghe khổ đau sẽ mang lại cho chúng ta nhiều hiểu biết và từ bi. Khi cam lộ của từ bi ứa ra, chúng ta sẽ thấy ít đau khổ và ít cô độc hơn. Chúng ta bắt đầu thấy ấm áp trong lòng và có thể bắt đầu xây dựng một ngôi nhà cho chính mình. Bụt khuyên chúng ta nên xây dựng cho chính mình một ngôi nhà, một hải đảo tự thân. Hãy là hải đảo cho chính mình. Quý vị sẽ cảm thấy thoải mái, ấm áp và có thể trở thành một nơi nương tựa cho người khác.
Một khi đã hiểu được những nỗi khổ niềm đau, hiểu được sự cô đơn của chính mình, quý vị sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và có thể lắng nghe nỗi khổ niềm đau của những người khác. Nỗi đau khổ của ta mang trong nó những đau khổ của tổ tiên, của thế giới và của xã hội. Tương tức có nghĩa là đau khổ của tôi có trong đau khổ của quý vị và ngược lại, những đau khổ của quý vị cũng có trong những đau khổ của tôi. Đó là lý do tại sao khi tôi hiểu được những đau khổ của tôi thì tôi dễ dàng hiểu được những đau khổ của quý vị. Khi chúng ta hiểu được nỗi đau khổ của ai đó thì đó là một món quà lớn mà chúng ta có thể hiến tặng cho người đó. Người kia sẽ cảm thấy đây là lần đầu tiên mình được hiểu. Hiến tặng sự hiểu biết, cảm thông có nghĩa là hiến tặng tình thương. Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu được một người nào khác trong khi chưa hiểu được bản thân mình. Xây dựng ngôi nhà phải bắt đầu với chính quý vị. Và người thương của quý vị cũng xây dựng một ngôi nhà bên trong người đó. Như vậy, quý vị có thể gọi cô ta là nhà mình và cô ta cũng gọi quý vị là nhà của cô ta.
Ở Xóm Thượng, chúng ta xây dựng tăng thân như xây nhà cho mình. Quý vị cũng xây dựng gia đình quý vị như một tăng thân, bởi vì “tăng thân” đơn giản nghĩa là “một cộng đồng, một đoàn thể”. Xây dựng tăng thân là một nhiệm vụ cao đẹp. Sau khi Bụt giác ngộ, điều đầu tiên Ngài dạy chúng ta là tìm kiếm những yếu tố để xây dựng tăng thân. Tăng thân là nơi nương tựa cho chính chúng ta và cho rất nhiều người.
Vì vậy, chúng ta hãy trở về nhà, lắng nghe những đau khổ trong thân tâm ta. Ôm ấp những nỗi khổ, niềm đau, sự cô đơn của mình bằng năng lượng chánh niệm. Tuệ giác đó sẽ giúp chuyển hóa những đau khổ trong ta. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn và bắt đầu cảm nhận được một sự ấm áp, bình an nội tâm. Rồi khi có một người đến với ta để xây dựng tổ ấm, ta sẽ có đồng minh. Ta sẽ giúp người đó và người đó cũng giúp ta. Cả hai cùng có được một tổ ấm. Ta có một ngôi nhà trong tự thân ta. Ta cũng có một ngôi nhà trong người kia. Nếu không thiết lập được mối liên hệ tình cảm mật thiết đó thì quan hệ tình dục có thể gây ra nhiều thảm họa. Đó là lý do tại sao trước đó tôi nói quan hệ thân thể và tình dục không thể tách rời khỏi quan hệ tình cảm.
Mối liên hệ giữa tâm linh và tình cảm
Giữa tâm linh và tình cảm có một sự liên kết chặt chẽ với nhau. Tâm linh không chỉ là đức tin về một giáo pháp nào đó mà là sự thực tập. Thực tập luôn mang lại sự khỏe nhẹ, truyền thông và chuyển hóa. Mỗi người cần có một đường hướng tâm linh trong cuộc sống của mình. Không có hướng đi tâm linh trong cuộc đời, chúng ta không thể xử lý được những khó khăn gặp phải. Chúng ta phải biết sống một đời sống tâm linh, một đời sống có giáo pháp. Chúng ta phải học cách đưa giáo pháp vào sự thực tập. Và với cách thức thực tập đó, chúng ta có thể giải quyết được những khó khăn mà ta gặp phải trong đời sống hàng ngày.
Sự thực tập tâm linh có thể giúp quý vị rất nhiều trong việc đối trị những cảm xúc của mình, giúp quý vị lắng nghe, ôm ấp những đau khổ của chính mình cũng như nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau của người khác. Vì vậy hai loại quan hệ (tình cảm và tâm linh) này tương tức nhau. Quý vị phải biết cách chăm sóc những cơn cảm xúc mạnh như giận dữ, lo sợ hay tuyệt vọng. Từ đó quý vị sẽ có nhiều an lạc hơn trong tự thân. Sự thực tập tâm linh giúp quý vị xây dựng một ngôi nhà cho chính quý vị, cho lợi ích của quý vị và lợi ích của người khác. Cho nên quan hệ tình cảm không thể tách rời quan hệ tâm linh. Cả ba loại quan hệ này đều tương tức với nhau.
Tình dục và tình yêu
Tình dục mà không có tình yêu gọi là “tình dục rỗng” (empty sex). Tình dục rỗng rất phổ biến trong xã hội chúng ta và là nguyên nhân gây nên nhiều đau khổ cho giới trẻ. Nếu quý vị là giáo viên, là các bậc làm cha mẹ, quý vị phải giúp cho con em và sinh viên của mình tránh khỏi tình trạng “tình dục rỗng” này. “Tình dục rỗng” đang mang lại nhiều tàn hại cho thân tâm chúng. Và thảm kịch sẽ còn lan rộng cho đến về sau dưới dạng trầm cảm, rối loạn tâm thần, tự tử… Nhiều người trẻ không thấy được sự liên hệ mật thiết giữa “tình dục rỗng” với những rối loạn về tâm sinh lý trong họ.
Những gì xảy ra cho thân thể đều ảnh hưởng đến tâm lý và ngược lại. Tâm dựa vào thân để biểu hiện và thân phải dựa vào tâm để tồn tại, để thực sự là một thân thể sống. Khi thương một người nào đó, không phải quý vị chỉ kính trọng tâm tư người đó mà còn phải kính trọng cả thân thể họ. Quý vị kính trọng thân thể mình và kính trọng thân thể của người kia. Tình yêu thương đích thực phải có bản chất của sự tôn kính. Trong truyền thống Á Đông, quý vị phải đối đãi với vị hôn thê của mình một cách trân trọng, giống như một vị khách quý. Và để tôn trọng người kia, quý vị phải tôn trọng chính mình trước. Tôn kính là bản chất của tình yêu thương.
Ở Việt Nam, cha mẹ thường tự hào giới thiệu con mình với những người khách đến chơi và khách thường hỏi: “Con có thương ba mẹ con không?” Đứa con sẽ trả lời: “Dạ có, con thương ba mẹ con lắm.” Người khách sẽ hỏi tiếp: “Thương ba mẹ, con để ở đâu?” Đứa trẻ sẽ trả lời rằng: “Dạ, thương ba mẹ, con để trên đầu.” Không phải “trong tim” mà là “trên đầu”. Khi một vị tu sĩ đắp y vàng cho một buổi lễ, người đó sẽ nâng chiếc y trong tay một cách trân kỉnh, tương tự như khi cầm một quyển kinh. Nếu quý vị đến gần để xá chào họ mà họ không tìm thấy một nơi nào cao ráo sạch sẽ để đặt chiếc y xuống thì họ sẽ đặt nó lên đầu, bởi vì đó là một nơi cao quý. Giống như cái bàn thờ vậy. Vì vậy trong phong tục tập quán của người Việt, quý vị không được sờ lên đầu người khác nếu quý vị không biết rõ về người đó. Đầu là một trong những nơi linh thiêng của thân thể, là nơi để thờ tổ tiên và thờ Bụt.
Có những bộ phận khác của thân thể cũng linh thiêng mà quý vị không được chạm tới. Cũng giống như trong Thành Nội có Tử Cấm Thành là nơi mà gia đình hoàng tộc đang ở. Quý vị không được đến những nơi đó. Nếu xâm phạm, quý vị sẽ bị bắt và bị chém đầu. Tương tự như vậy, trên cơ thể con người, có những vùng mà quý vị không được phép chạm đến. Nếu quý vị không tôn trọng, nếu quý vị chạm đến phần thân thể đó thì có nghĩa là quý vị đang xâm nhập vào Tử Cấm Thành. Khi một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, nó sẽ đau khổ cùng cực. Người đó đã xâm phạm đến Tử Cấm Thành của nó và nó không đủ khả năng để tự vệ. Có những đứa trẻ đã bị lạm dụng ở tuổi lên tám, lên chín hoặc lên mười và chúng cực kỳ đau khổ. Chúng trách móc cha mẹ đã không bảo vệ chúng và những liên hệ của chúng với cha mẹ trở nên rất khó khăn. Kế đó là những mối liên hệ với bạn bè và người yêu trong tương lai của chúng cũng sẽ rất khó khăn. Những vết thương sẽ cứ còn đó hoài.
Tình trạng lạm dụng tình dục ở trẻ em đang tràn ngập khắp nơi. Ở Mỹ, có 5 đến 15% bé trai và 15 đến 35% bé gái bị lạm dụng tình dục. Như vậy là quá nhiều. Khi một đứa trẻ bị lạm dụng như vậy, nó sẽ đau khổ suốt đời, bởi vì nó thấy thân thể nó đã không được tôn trọng.
Trong gia đình và trường học, chúng ta cần dạy cho những đứa trẻ biết kính trọng chính mình, biết kính trọng thân thể mình và kính trọng thân thể của người khác. Nếu là một nhà lãnh đạo tâm linh, là một chính trị gia, là phụ huynh, là giáo viên hoặc nhà giáo dục, xin quý vị hãy quan tâm về điều này. Chúng ta có thể học những lời Bụt dạy để tổ chức đời sống của mình trong gia đình, trường học và xã hội như thế nào mà ta được bảo hộ và con em chúng ta cũng luôn luôn được bảo hộ.
Bạn chỉ đẹp khi là chính mình (Be beautiful, be yourself)
Như chúng ta đã nói ở trước rằng thú vui nhục dục, sự ham muốn dục tình, không phải là tình yêu, thế nhưng xã hội đã tạo nên một cách sống mà người ta thấy rằng thú vui nhục dục trở thành quan trọng nhất. Để bán được những sản phẩm của mình, các công ty kinh doanh thường chế ra những mẫu quảng cáo làm tưới tẩm những hạt giống thèm khát trong con người. Họ muốn ta phải tiêu thụ, vì vậy trong ta càng ngày càng tăng trưởng thêm sự thèm muốn về thú vui nhục dục. Và chính những thú vui này sẽ hủy hoại chúng ta. Cái chúng ta cần không phải là tình dục mà là tình thương, hiểu biết, cảm thông, tin tưởng, những liên hệ mật thiết về tình cảm và tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta không có cơ hội đáp ứng được những nhu cầu sâu sắc đó trong ta.
Những tạp chí thời trang phụ nữ nói rằng, để được thành công, quý vị phải có một dáng vẻ như thế này và phải sử dụng những loại sản phẩm như thế kia. Do vậy, nhiều người trẻ trong xã hội phải tìm đến giải phẫu thẩm mỹ để đạt được tiêu chuẩn đẹp đó. Họ rất đau khổ vì không thể chấp nhận được thân thể mình. Nếu không chấp nhận được thân thể mình thì quý vị không phải là ngôi nhà đích thực cho quý vị. Mỗi đứa trẻ đã được sinh ra như một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Thân thể quý vị cũng là một bông hoa và không có bông hoa nào giống bông hoa nào. Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa. Thở ra, tôi thấy tôi tươi mát. Nếu quý vị có khả năng chấp nhận thân thể mình thì quý vị có cơ hội để thấy được thân thể mình là một ngôi nhà. Nếu quý vị không chấp nhận thân thể mình thì quý vị không thể có được một ngôi nhà. Nếu quý vị không thể chấp nhận được tâm tư của mình thì quý vị cũng không thể là ngôi nhà cho chính mình. Có rất nhiều người trẻ không chấp nhận được thân thể họ, không chấp nhận được chính họ, họ muốn trở thành một ai khác. Chúng ta phải nói với những người trẻ rằng là họ vốn như vậy đã đẹp rồi, không cần phải là một ai khác.
Thầy có câu thư pháp: Be beautiful, be yourself (“Bạn chỉ đẹp khi là chính mình”). Đây là một sự thực tập rất quan trọng. Chúng ta phải chấp nhận mình như chính mình. Thực tập xây dựng ngôi nhà trong tự thân, chúng ta sẽ trở nên càng ngày càng đẹp hơn. Chúng ta có an lạc, có nhiệt huyết, có niềm vui. Chúng ta sẽ thấy, ngay trong tự thân chúng ta đã rất tuyệt diệu rồi. Và người khác sẽ nhận ra được vẻ đẹp của bông hoa mình.
Chánh niệm là một loại năng lượng có thể giúp quý vị trở về ngôi nhà của chính mình, an trú trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Vì thế, quý vị biết được những gì nên làm và những gì không nên làm để giữ gìn, bảo hộ chính mình, để xây dựng ngôi nhà đích thực cho chính mình, để chuyển hóa phiền não và để làm nơi nương tựa cho những người khác. Năm giới là con đường thực tập chánh niệm rất cụ thể. Trong truyền thống đạo Bụt, chất thánh được chế tác từ chánh niệm. Chánh niệm mang trong nó năng lượng của định và tuệ. Niệm, định và tuệ tạo nên con người thánh thiện trong quý vị.
Sự thánh thiện không chỉ có trong cuộc sống độc thân. Có những người sống độc thân nhưng không có chất thánh trong họ, bởi vì họ không có đủ niệm, định và tuệ. Ngược lại, có những người sống đời sống vợ chồng nhưng nếu họ có niệm, định và tuệ thì họ có được những yếu tố thánh thiện. Liên hệ tình dục có thể rất đẹp nếu trong đó có niệm, định, tuệ, có tình yêu thương và sự hiểu biết lẫn nhau. Ngược lại, nó sẽ gây ra rất nhiều tai hại. Trong kinh kể rằng khi hoàng hậu Mahamaya mang thai Bụt, bà nằm mơ thấy một con voi trắng, mang trên cái vòi của nó một đóa sen. Con voi dùng đóa sen chạm vào người bà và từ từ đi vào bụng bà một cách rất, rất nhẹ nhàng. Sau đó bà mang thai Siddhartha. Đó là cách người ta miêu tả về sự liên hệ tình dục, trong cung điện, trước khi Siddhartha được tượng hình: rất nhẹ nhàng và rất đẹp. Nếu không có sự đồng cảm, không có sự hiểu biết, không chia sẻ được về tâm tư tình cảm thì không nên có quan hệ tình dục. Ngược lại, khi những yếu tố này có mặt thì quan hệ thân xác và tình dục có thể trở nên thánh thiện.
Theo truyền thống đạo Bụt thì người tu sĩ luôn thực tập dễ dàng hơn người cư sĩ. Tục ngữ Việt Nam có câu: Khó nhất tu chợ, khó nhì tu nhà, khó ba tu chùa. Vì thế, không quan hệ tình dục thì dễ hơn nhiều so với có quan hệ tình dục. Để mối quan hệ tình dục có được sự hiểu biết, cảm thông và thương yêu, quý vị cần thực tập rất nhiều. Nếu không sẽ gây ra rất nhiều đau khổ cho người kia và cho chính quý vị.
Có một nữ bác sĩ người Thụy Sĩ đến thực tập ở Làng Mai. Cô ta đã đau khổ mấy lần vì những mối liên hệ của mình. Khi còn trẻ, mỗi khi có người đàn ông nào đến đề nghị quan hệ tình dục với cô, cô đều đồng ý chấp nhận cho dù cô thấy không sẵn sàng, bởi vì cô sợ. Rất nhiều người trẻ vị thành niên trong thời đại chúng ta rơi vào tình trạng đó. Chúng không thích, không muốn và chưa thấy sẵn sàng nhưng chúng không đủ can đảm để từ chối, bởi vì chúng sợ người ta xem chúng là những người không tự nhiên, không bình thường. Chúng không muốn bị chối bỏ. Chúng muốn được chấp nhận. Đây là vấn đề tâm lý mà các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo phải ý thức đến. Chúng ta phải nói với giới trẻ rằng chúng phải học cách từ chối khi chúng chưa sẵn sàng hoặc khi chúng sợ hãi. Nếu không, chúng sẽ tự tàn phá thân tâm mình. Hãy lắng nghe những người trẻ, hãy từ bi với chúng và giúp đỡ chúng. Chúng ta phải giúp con em mình tìm ra cách khéo léo để từ chối.
Khi đến Làng Mai, cô bác sĩ đó được học những cách từ chối khéo léo. Và trong mối liên hệ gần đây nhất, cô ta đã có khả năng từ chối. Cô nói: “Em cần anh, em cần sự có mặt của anh. Em cần ai đó giúp em và hiểu em khi em gặp những khó khăn. Chúng ta cần hiểu nhau.” Họ đã sống với nhau một năm rưỡi mà không có quan hệ tình dục. Và khi chúng tôi đến nước cô ta để giảng dạy, cô đã rất tự hào giới thiệu chồng cô ta với chúng tôi. Mối liên hệ của họ rất tuyệt vời, rất thành công, bởi vì cô ta đã có khả năng từ chối cho đến khi cô ta thấy sẵn sàng và cùng với nhau họ có thể xây dựng một mối quan hệ bền vững lâu dài.
Pháp thoại Giáng Sinh, 26.12.2010 – Sr. Duyệt Nghiêm chuyển ngữ)=
Nguồn: “”Make a True Home of Your Love” edited by Barbara Casey – Mindfulness Bell.