Viên ngọc kinh Pháp Hoa
Kinh Pháp Hoa có nói tới những viên ngọc dấu trong áo và đứa con nghèo khổ. Tôi đã kết hai câu chuyện này lại với nhau như sau. Có một cậu con trai con nhà giàu ham ăn chơi phung phí tiền của mà không ý thức được cái may mắn và hạnh phúc của mình. Người cha rất thương con nhưng không có cách gì giúp được. Ông biết trước là nó sẽ khổ, sẽ đi tha phương cầu thực, sẽ phải đi xin ăn. Biết rằng: “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nên ông ta không la mắng nó và nghĩ rằng chỉ có kinh nghiệm khổ đau trong tương lai mới giúp nó được thôi. Ông lặng lẽ may cho nó một cái áo. Sau khi mặc một thời gian, ông cởi áo ra đưa cho nó và nói: “Nầy con, sau này gia tài sự sản của ba, con có thể xài hết, riêng cái aó nầy thì ba xin con giữ lại.” Ông đã bí mật may dấu vào gấu áo một viên ngọc thật quý. Ðứa con cũng không thích gì cái áo đó, nhưng cha đã dặn đừng bán thì nó cũng nhớ lời và không bán làm chi cái áo không qúy giá gì lắm đó.
Sau khi người cha chết, dĩ nhiên là người con xài phí rất nhanh cái gia tài đồ sộ của ông và đã trở nên nghèo đói, phải đi xa tìm việc làm và nhiều lúc cơ cực không có gì để ăn. Kinh gọi đó là người cùng tử (đứa con khốn cùng), đi cùng khắp mà vẫn không gây được sự nghiệp, cũng không tìm được hạnh phúc. Tất cả sự nghiệp của người cha, anh ta chỉ còn giữ chiếc áo cũ kỹ mà người cha đã căn dặn đừng bán. Có một bữa đó trời xui đất khiến sao đó mà anh ta bỗng nhiên táy máy mân mê và khám ra viên ngọc thật quý nằm dấu trong khâu áo rách của cha mình. Khi khám ra viên ngọc quý rồi thì đứa con nghèo đói trở nên hết nghèo đói.
Cái chuổi ngày dài cơ cực bị khinh khi, bị đói khát, bị đau đớn đã là bài học rất thấm thía, rất giá trị cho người con và từ đó anh ta biết sử dụng viên ngọc qúy và biết dùng nó làm vốn liếng để gây lại sự nghiệp, đã sống cuộc đời rất hạnh phúc và tiếp nhận trọn vẹn gia tài bí mật của cha để lại. Gia tài đó là viên ngọc, nhưng cũng là sự hiểu biết, tinh thần trách nhiệm và cái lề lối sống để có hạnh phúc.
Ðó là một hình ảnh Bụt đưa ra trong kinh Pháp Hoa. Bụt có ý nói rằng tất cả chúng ta đều là những đứa con phá của, những đứa cùng tử. Chúng ta có hạnh phúc, có gia tài mà chúng ta không biết xài; chúng ta phung phí, chúng ta dày đạp lên cái hạnh phúc của chúng ta mà đi, và chúng ta trải qua năm nầy tháng nọ làm một kẻ tha phương cầu thực, gối đất nằm sương, chịu biết bao nhiêu là khổ nhục. Chính bây giờ là chúng ta phải khám phá lại viên ngọc đã và đang được khâu trong áo chúng ta.
Kinh Bảo Tích và kinh Pháp Hoa là những người bạn giúp chúng ta khám phá lại những châu ngọc mà chúng ta hiện có trong cái áo rách của chúng ta. Trong tác phẩm gần đây của Phạm Duy “Người tình già trên đầu non”, nhạc sĩ có nói vắn tắt mấy câu về cuộc đời ông: “thuở tìm tự do, nửa đời sương gió, nên mau tóc ngả, con tim chóng già. Còn nửa đời sau, tưởng là châu báu, nhưng xương máu nhiều bao vây sớm chiều, còn gì đâu cho một tình yêu, còn gì đâu cho một đời sau.” Ðiều đó làm cho mình nhớ tới viên ngọc của ông nhà giàu để lại cho con trong kinh Pháp Hoa.
Trong kinh Kim Cang mình cũng học được rằng có những người con trai và con gái nhà lành, dùng châu báu bảy thứ chứa đầy tam thiên đại thiên thế giới để đem đi bố thí. Chuyện đó chúng ta đều có thể làm được cả, tại vì thật sự chúng ta có rất nhiều châu báu. Mỗi phút của cuộc đời ta là một viên ngọc. Mỗi giờ đồng hồ trong ngày là một viên bảo châu và nếu chúng ta sống có chánh niệm, sống tỉnh thức với nụ cười thì giây phút đó trở thành tuyệt vời và rất đáng sống. Ðó là ngọc, đó là châu báu.
Khi có chánh niệm và có nụ cười, thì giây phút mà chúng ta đang sống trở nên một phép lạ màu nhiệm. Chỉ nhờ một tiếng chuông chánh niệm thôi, tự nhiên chúng ta nghe được tiếng chim hót, tiếng thông reo và bao thứ tiếng vi diệu khác; chúng ta thấy được một đóa hoa đang nở, chúng ta thấy được trời xanh, mây trắng và mỗi phút của đời ta như vậy trở thành viên ngọc. Nếu chúng ta tiếp tục sống trong chánh niệm như vậy thì mỗi ngày chúng ta có từng rổ châu báu và chúng ta sẽ không phải than phiền như nhạc sĩ Phạm Duy là cả cuộc đời không còn cái gì nữa cả.
Châu báu của Bụt để lại cho chúng ta rất nhiều, đó là những giây phút tỉnh thức va nếu muốn, chúng ta có thể vốc từng vốc đầy tay những hạt kim cương. Châu báu thật ra đầy cả thế giới, nếu sống tỉnh thức quý vị sẽ có rất nhiều châu báu và quý vị có thể xúc một rổ đem tặng những người thương, làm cho họ sống ngày hôm nay của họ có chánh niệm có hạnh phúc có nụ cười, và nếu có căn cơ và hạt giống thì người đó sẽ tiếp nhận cái rổ kim cương của qúy vị và sẽ sống được mỗi giây phút trong đời của người đó với thật nhiều hạnh phúc. Mỗi giây là một viên ngọc, mỗi phút là một viên ngọc và mỗi giờ là một viên kim cương và mỗi ngày là một rổ châu báu.
Thành ra chúng ta, con trai cũng như con gái, nên biết rằng chúng ta là những người cùng tử nghèo đói đi lang thang từ bao nhiêu tháng năm và đây là lúc chúng ta phải chấm dứt cái kiếp nghèo hèn của kẻ cùng tử đi lang thang để trở về tiếp nhận cái gia tài của Bụt, những rổ kim cương lóng lánh sáng chói, để sống những giờ phút của chúng ta cho thật hạnh phúc, thật sâu sắc. Và khi mà chúng ta học được cách sống hạnh phúc như vậy thì cố nhiên chúng ta sẽ gieo rắc hạnh phúc xung quanh chúng ta. Chúng ta sẽ có rất nhiều châu báu và chúng ta sẽ đem một vốc châu báu tặng người phía trái rồi vốc một vốc khác tặng người bên tay mặt, và chúng ta trở thành những người con trai con gái mà Bụt nói trong Kinh Kim Cang. Châu báu của chúng ta chứa đựng đầy tam thiên đại thiên thế giới. Chúng ta rất giàu mà xưa nay vẫn nghĩ là mình nghèo:
Châu báu chất đầy thế giới
Tôi đem tặng bạn sáng nay
Một vốc kim cương sáng chói
Long lanh suốt cả đêm ngày.
Mỗi phút một viên ngọc quý
Tóm thâu đất nước trời mây
Chỉ cần một hơi thở nhẹ
Là bao phép lạ hiển bày.
Chim hót thông reo hoa nở
Trời xanh mây trắng là đây
Ánh mắt thương yêu sáng tỏ
Nụ cười ý thức đong đầy.
Này người giàu sang bậc nhất
Tha phương cầu thực xưa nay!
Hãy thôi làm thân cùng tử
Về đi, tiếp nhận gia tài!
Hãy dâng cho nhau hạnh phúc
Và an trú phút giây nầy
Hãy buông thả dòng sầu khổ
Về nâng sự sống trên tay.
Giảng tại Làng Hồng ngày 20-12-1990 – (Trích “Về Việt Nam”- Thích Nhất Hạnh – NXB Lá Bối, Hoa Kỳ 1992)