Phương pháp thực tập soi sáng
Mấy ngày hôm nay đại chúng của các xóm thực tập soi sáng cho những vị sắp được thọ giới. Có một số các vị xuất gia và tại gia cũng sẽ được truyền đăng để làm giáo thọ. Họ đã làm giáo thọ thực tập một năm hoặc hai năm rồi. Làm giáo thọ khó lắm, cho nên nhiều người ngại không dám nhận đèn. Không ai nghĩ rằng mình xứng đáng để làm giáo thọ cả, nhưng ta phải có can đảm vì Bụt đang cần ta. Dầu đang còn yếu kém, ta cũng phải can đảm mà nhận lãnh trách nhiệm, rồi từ từ ta sẽ vững lên, sẽ giỏi lên.
Tiếp nhận cây đèn để làm giáo thọ không có nghĩa là ta đã giỏi rồi, thực sự ta chỉ mới bắt đầu thôi. Phải có bước đầu thì mới có bước thứ hai được. Vì vậy ta nên đi vào Giới Đàn với một tâm niệm rất khiêm cung, ta biết rằng ta còn yếu kém, ta biết rằng ta phải có một năng lượng lớn trong lòng mới có thể tiếp nhận được giới pháp: hoặc năm giới, hoặc giới Sa Di, hoặc giới Tiếp Hiện, hoặc Giới Lớn hoặc Tiếp Nhận Truyền Đăng. Ta thấy hổ thẹn, ta chưa đủ khả năng cũng như sức mạnh, nhưng vì ta là con của Bụt, học trò của Thầy, em của anh, em của chị cho nên ta phải có can đảm. Và Bụt, Thầy, anh ta, chị ta đang trông cậy nơi ta nên ta phải can đảm đi tới để tiếp nhận giới pháp đó.
Và cũng vì vậy, cho nên đại chúng với lòng từ bi đã ngồi lại soi sáng cho ta, soi sáng để cho ta thấy được những ưu điểm và những khuyết điểm của ta, và ta phải ngồi trong buổi soi sáng với tất cả sự khiêm cung để mà học hỏi. Soi sáng không có nghĩa là chỉ trích. Soi sáng tức là chỉ cho ta thấy rõ về tình trạng của ta, về những khả năng và những yếu kém của ta. Trong thời gian soi sáng đó ta được nghe không phải một người mà là được nghe tất cả mọi người trong chúng nói cho ta, và về ta. Tại vì mỗi người ai cũng có con mắt để nhận xét về ta cả. Một người có thể không thấy rõ tất cả những gì thuộc về ta, nhưng nhiều người thì thế nào với con mắt của tăng (gọi là Tăng Nhãn), chúng sẽ có thể thấy được ta rõ hơn. Thấy được ta rõ hơn và chỉ dạy cho ta thì ta biết rằng ta phải thực tập như thế nào để có những bước tiến.
Pháp môn soi sáng đã được áp dụng trong giới xuất gia, nhưng cũng cần được áp dụng trong giới tại gia. Trong một buổi soi sáng ban đầu ta nghĩ rằng người được thừa hưởng là người được soi sáng, nhưng kỳ thực tất cả mọi người trong chúng ta đều được thừa hưởng sự thực tập soi sáng ấy.
Soi sáng là một pháp môn thực tập rất hay và rất cụ thể của Làng Mai. Ta hy vọng rằng sau này các trung tâm tu học khác, các đạo tràng khác đều có cơ hội thực tập phương pháp này. Có khi sự thực tập này còn quan trọng hơn cả ngồi thiền. Ta không nên xem những buổi soi sáng là những buổi làm mất thời giờ. Trong những buổi đó ai cũng học hỏi được nhiều, ai cũng thấy được tự thân nhiều hơn, thấy được người em, người anh, người chị của mình rõ hơn.
Thường thường ta có một cái thấy về ta, và cái thấy ấy có thể có nhiều sai lạc, vì vậy cho nên ta cần phải có anh ta, chị ta, em ta chỉ cho ta thấy rõ thêm về ta. Hơn nữa, những cái thấy của ta về người kia cũng có thể sai lạc. Đầu tiên ta nghĩ rằng ta thấy đúng. Có thể là có những điểm đúng trong cái thấy của ta về người kia, nhưng cũng có thể có những điểm sai lầm, và vì vậy cho nên sau khi ta đã soi sáng cho người đó rồi thì ta ngồi lắng nghe những người khác soi sáng cho người đó. Có người có vài nhận thức giống như ta đã có, nhưng cũng có những nhận thức khác mà ta không có. Và khi ta ngồi lắng nghe tất cả mọi người trong chúng rồi thì ta thấy cái nhận thức của ta đối với đương sự được soi sáng đó đã trở nên rất khác với lúc ban đầu.
Đây là một pháp môn rất hay mà tất cả mọi người đều phải học hỏi. Ví dụ chúng ta có một chúng nhỏ thôi, chỉ có 8 người (trong những buổi soi sáng tại Xóm Thượng có khi có tới 60 người), và ta được đại chúng giao phó trách nhiệm phải mở đầu cuộc soi sáng. Ta sẽ nói những gì ta thấy về người được soi sáng này, nghĩa là những ưu điểm và những khuyết điểm về người đó. Tại Làng Mai, trước khi soi sáng ta phải ngồi thiền cho tĩnh tâm trước, rồi nghe tiếng chuông,
Đây là văn bản Quán Nguyện mở đầu các buổi soi sáng:
Lạy Bụt, lạy Tổ, hôm nay chúng con thực tập soi sáng cho các sư anh (sư chị) và sư em của chúng con. Chúng con biết tất cả chúng con đều là những thành phần của cùng một tăng thân, tất cả chúng con đều là xương thịt của cùng một tăng thân. Vì vậy, chúng con ý thức rằng soi sáng cho bất cứ ai trong tăng thân cũng là tự soi sáng cho chính mình. Chúng con nguyện sẽ đem hết tình thương và sự hiểu biết của chúng con để thực tập công việc soi sáng.
Chúng con nguyện tất cả những gì chúng con nói ra đều phát sinh từ thiện ý muốn đi tới một cái thấy chính xác về đối tượng soi sáng và cống hiến cho đương sự những đề nghị thực tập thực tế để có thể đưa tới những chuyển hóa tốt đẹp cho đối tượng soi sáng. Chúng con nguyện cố gắng không để cho sự buồn giận và những thành kiến làm sai lệch cái thấy của chúng con. Chúng con nguyện bất cứ một lời nói nào của chúng con cũng đều phát xuất từ tình thương. Chúng con biết trong khi soi sáng cho một thành phần của tăng thân, chúng con cũng đang soi sáng cho bản thân chúng con, vì vậy việc thực tập soi sáng cũng đem lại lợi lạc cho bản thân của mỗi chúng con.
Lạy Bụt và chư Tổ gia hộ cho chúng con để buổi thực tập soi sáng này được thành công viên mãn.
Văn bản này tuy ngắn nhưng cần được giải thích rất nhiều. Tất cả mọi người đều nên học hỏi trước về văn bản này trước khi tham dự vào một buổi soi sáng. Học và hiểu được văn bản này một cách sâu sắc thì đến khi nghe đọc ta mới tưới tẩm những hạt giống tốt trong ta được. Trước hết ta ý thức rằng soi sáng cho ai cũng là soi sáng cho chính ta. Tại vì những ưu điểm của người kia có thể ta cũng có, và những khuyết điểm của người kia có thể là ta cũng đang có. Có thể những khuyết điểm của người này ta cũng có nhưng ít hơn, nhẹ hơn, và cũng có khi nhiều hơn. Và mỗi khi nói ra được những ưu điểm của người này thì ta nhìn lại xem ta có những ưu điểm đó hay không. Nếu có nhiều thì ta mừng vui và phát nguyện rằng ta sẽ thực tập để phát triển thêm. Nếu có ít hơn người kia hay chưa có thì ta cảm thấy hổ thẹn, tự nhủ rằng ta sẽ cố gắng cho được như người ấy. Thành ra trong khi soi sáng ta có thái độ rất khiêm cung, sợ hãi. Sợ hãi này là môt sự sợ hãi rất lành mạnh, nghĩa là ta không quá tin rằng những điều ta nói chắc chắn là đúng. Các vị Tổ như Tổ Long Thọ trước khi bắt đầu một tác phẩm, dù có kiến thức sâu rộng về phật pháp cũng luôn luôn mở đầu rằng: con cầu mong chư Bụt gia hội cho những điều con nói đây phù hợp với giáo chỉ của Ngài. Nếu các Tổ như Long Thọ, Vô Trước và Thế Thân đều viết những câu như vậy trước khi đặt bút xuống viết một cuốn Luận thì ta là ai mà lại không có được sự khiêm hạ trong khi ta soi sáng cho sư anh của ta, sư chị của ta, sư em của ta? Phải khiêm cung lắm mới được!
Lạy Bụt, lạy Tổ, hôm nay chúng con thực tập soi sáng cho các sư anh (sư chị) và sư em của chúng con. Chúng con biết tất cả chúng con đều là những thành phần của cùng một tăng thân, tất cả chúng con đều là xương thịt của cùng một tăng thân.
Ở Việt Nam ta nói anh em như thể tay chân, tay và chân cùng thuộc về một xương thịt cả, thành ra tay phải đối với tay trái cũng vậy. Tất cả đau nhức của tay trái cũng là của tay phải, tất cả những hạnh phúc của tay phải cũng là của tay trái. Phải soi sáng dưới tinh thần đó thì mới đúng. Vì vậy, chúng con cũng ý thức rằng soi sáng cho bất cứ ai trong tăng thân cũng là soi sáng cho chính mình. Và vì vậy cho nên ta không muốn ta đau. Ta soi sáng như thế nào để người kia không bị đau, tại vì người kia đau thì chính ta cũng đau. Chúng con nguyện đem hết tình thương và sự hiểu biết của chúng con để thực tập công việc soi sáng.
Tình thương ta chỉ có hạn thôi, và sự hiểu biết của ta về người đó cũng có hạn thôi, nhưng ta vẫn đem hết tất cả những cái đó ra soi sáng. Có gì ta hiến tặng cái đó, ta không thể hiến tặng những cái mà ta không có. Nhưng mà có cái đó cũng đã là đỡ rồi. Ta có tình thương, ta có nhận thức về người kia cũng như về ta, ta ý thức được tình thương của ta còn hạn hẹp, cái hiểu biết của ta về chính ta và về người kia cũng đang còn hạn hẹp, không được chắc lắm, vì vậy ta không nên quá chắc rằng cái thấy đó của ta tuyệt đối đúng. Điều này quan trọng lắm. Và đây là sự thực tập cho bản thân ta chứ không phải là cho ai cả. Chúng con nguyện tất cả những gì chúng con nói ra đều phát sinh từ thiện ý muốn đi tới một cái thấy chính xác về đối tượng soi sáng. Nghĩa là ta chỉ có ý hướng đóng góp một vài yếu tố để đi tới cái thấy chính xác mà thôi. Chứ ta không nghĩ rằng ta có đủ tất cả những yếu tố chính xác, ta phải nhờ vào mắt của tăng thân nữa… để cống hiến những đề nghị thực tập thực tế có thể đưa tới những chuyển hóa tốt đẹp cho đối tượng soi sáng.
Nếu quả thực ta thương em ta hay là chị ta, ta muốn cho người đó có cơ hội chuyển hóa thì lời ta nói sẽ không có tính cách chỉ trích. Nếu ta nói: “Sư em sao ngồi thiền cứ ngủ gục hoài, lần nào vô thiền đường cũng thấy sư em ngủ gục, như vậy em không đáng được thọ giới lớn.” Điều đó có thể là sự thực, nhưng soi sáng như vậy thì không giúp được gì cho sư em hết. Ví dụ ta nói như thế này: “Sư anh thấy rằng không biết tại lý do nào mà sư em hay ngủ gục trong khi ngồi thiền, sư em hãy nghĩ lại xem mỗi tối sư em có đi ngủ sớm không hay là thức quá khuya? Hoặc sư em có chứng nhức đầu hay đau bụng gì khiến cho em ngủ không đủ? Em có nói chuyện với các sư anh khác chưa về chuyện mà tại sao em cứ ngủ gục trong khi ngồi thiền? Theo anh thì có lẽ phải nên làm thế này… thì em mới chuyển hóa được.” Rồi ta đề nghị những phương pháp rất cụ thể để cho người sư em đó biết được những gì có thể làm để khỏi phải ngủ gục trong khi ngồi thiền. Trong khi nói đó tình thương của ta được biểu hiện ra và người kia sẽ không bao giờ giận ta. Tình thương đó, thiện chí đó ai cũng thấy nơi ta, rất đẹp. Và vì vậy cho nên ta phải sử dụng sự thông minh của ta và kinh nghiệm của ta để cống hiến cho đương sự một nẻo thoát.
Có tình thương mà không có trí tuệ thì tình thương đó chưa phải tình thương đích thực. Ta có tình thương, ta muốn giúp đỡ sư em nhưng ta phải tìm ra cách, và trước buổi soi sáng ta tự hỏi đã tìm ra cách chưa, và ta đã từng giúp sư em của ta chưa, ta đã từng gọi riêng sư em tới để nói: “Này em, tại sao sư anh thấy sư em cứ ngủ gục hoài.” Ta đã không nói và ta đã không giúp, cho đến khi soi sáng thì mới lên án. Ta đã không giúp được sư em ta chút nào hết từ trước tới giờ, cho đến bây giờ ta đưa ra một phán quyết là sư em không được thọ giới, thì ta đã chứng tỏ là ta không có tình thương. Còn nếu trong quá khứ trước khi soi sáng ta đã từng lân mẫn với sư em, từng hỏi han sư em, từng giúp sư em rồi thì những gì ta nói trong buổi soi sáng này chỉ là sự tiếp nối của sự thực tập ấy thôi và tình thương cũng như thiện chí của ta không những được sư em nhận thấy mà cũng được tất cả mọi người trong chúng nhận thấy. Và đại chúng sẽ thấy được giá trị đó, sẽ tin được giá trị đó của ta, và ta làm gương cho những người khác. Khi soi sáng như vậy, ta là cái gương soi sáng cho những người khác. Và khi đến lượt họ soi sáng, họ cũng tập nói được như ta. Trong chúng nếu có một số người có thể làm được như vậy trong buổi soi sáng thì mọi người đều được học hỏi. Đó chính là giáo dục đích thực. Soi sáng không còn là một lao tác nữa, mà thành ra một buổi thực tập để nuôi dưỡng hạt giống tuệ giác và từ bi trong ta. Đó là một thứ thiền quán, ta gọi là thiền quán tập thể (collective meditation).
Chúng con nguyện cố gắng không để cho sự buồn giận và những thành kiến làm sai lệch cái thấy của chúng con. Có thể là ta đã từng có bực bội với người đó trong cuộc sống hằng ngày, cho nên bây giờ nhân có buổi soi sáng này ta nói ra cho bỏ ghét, ta trừng phạt bằng cách không cho thọ giới, không cho truyền đăng. Là con người, ta còn có buồn có giận, nhưng cái buồn cái giận đó cho ta một cơ hội để thực tập. Ta phải biết nhận diện cái buồn hoặc cái giận của ta. Phải biết đi tới người kia để tái lập sự truyền thông và hỏi tại sao sư anh đã làm như vậy, tại sao sư em đã làm như vậy, đã làm cho ta đau. Giữa anh em với nhau, giữa chị em với nhau ta phải đến nói cho người ấy hay, chứ đừng giữ kín trong lòng và đợi đi vào buổi soi sáng rồi mới nói để trừng phạt người kia, làm cho người kia mất đi một cơ hội của cuộc đời người ấy.
Chúng con biết trong khi soi sáng cho một thành phần của tăng thân, chúng con cũng đang soi sáng cho bản thân của chúng con, vì vậy việc thực tập soi sáng cũng đem lại rất nhiều lợi lạc cho bản thân của mỗi chúng con.
Khi ta đứng vào địa vị người soi sáng hay đứng vào địa vị người có trách nhiệm và có quyền quyết định cho số phận của người kia thì ta phải nhìn lại ta. Ngày xưa ta còn yếu kém như thế mà được các sư anh sư chị chấp nhận. Các anh các chị của ta, thầy của ta đã ôm lấy ta bằng tất cả tình thương, khuyến khích ta dầu ta còn đang yếu kém. Nhớ được điều đó rồi thì ta không còn khắt khe với sư em của ta nữa. Nếu không nhớ nhìn lại điều đó thì ta cứ coi các sư em của ta là những đối tượng xa vời: cho nó làm sa di hay thức xoa ba năm nữa, bốn năm nữa để cho mạnh lên rồi mới được thọ giới. Kỳ thực, nếu trong ba năm sắp đến mà ta vẫn cư xử với vị đó như vậy thì vị đó cũng sẽ còn yếu như thế, đã không tiến lên được chút nào mà đôi khi còn thụt lùi xuống nữa là khác. Đó là vì không có sự nâng đỡ của các anh, của các chị. Không phải thêm một năm hoặc là hai năm mà người kia sẽ mạnh ra đâu. Thời gian không làm cho người đó mạnh, thời gian có thể làm cho người đó đi xuống. Người ấy đi xuống hay đi lên được là do ta: ta làm sư anh, ta làm sư chị, ta phải tạo cho người ấy một cơ hội để cho người ấy đi lên. Người ấy có những yếu kém, đúng như vậy, chính người đó có những yếu kém cho nên mới cần sự nâng đỡ của ta. Tại vì ngày xưa chính ta cũng có những yếu kém và ta đã được nâng đỡ.
Có một sư chị đã không chấp nhận cho tất cả các vị tập sự xuất gia được xuất gia. Hồi đó hình như là đợt của các cây Trà Mi. Đứng về phương diện sức khỏe thì có một số các sư em tương lai ‘Trà Mi’ hơi yếu, và đứng về phương diện thực tập cố nhiên là không có ai hoàn hảo rồi, cho nên sư chị ấy đã không chịu. Trong số các cây Trà Mi có bốn người phái nữ: đơn xin xuất gia của họ đều bị bác bỏ hết. Nhưng mà đại chúng đã không theo ý kiến sư chị đó; cộng với sự nâng đỡ của thầy, cả bốn vị đều được xuất gia. Kết quả là sau khi xuất gia sức khỏe của bốn vị đều tăng tiến lên rất mau. Ta phải cho họ một cơ hội, ta phải đem tình thương ra mà tiếp xử. Tại vì tình thương đó là tình thương cho ta chứ không phải cho ai khác. Họ cũng là xương thịt của tăng thân, cũng như ta là xương thịt của tăng thân. Những người đã tương đối vững rồi thì đâu cần sự yểm trợ của ta nữa.
Chính những người đang còn yếu thì mới cần đến tình thương của ta, cần sự yểm trợ của ta nhiều hơn. Ta phải đặt ta vào trong da thịt của người đó. Và cái hay nhất là ta trở về lại thời của ta, ta thấy ta yếu kém như thế nào, ta thấy ta lo sợ như thế nào, phập phồng như thế nào khi ta chờ đợi quyết định của tăng thân thì ta sẽ hiểu được người sư em của ta. Và khi thấy được rồi ta sẽ tìm đủ cách để giúp người sư em đó. Khi người ta có một cái tâm, một ý chí tu học, một khối lửa trong lòng mà ta làm khó họ thì có thể họ đánh mất cơ hội đó và mất cả một đời tu của họ. Và vì vậy, những lời được nói ra phải rất là cẩn thận. Lời nói ấy quyết định số mạng của một người nên ta phải cẩn thận lắm mới được.
Khi ta bắt đầu mở lời soi sáng cho người ấy, ta có tất cả sự khiêm cung, tất cả sự thận trọng, và thấy được ta là ai trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Lúc đó những điều ta nói sẽ có ích lợi, sẽ được tiếp nhận dễ dàng bởi người được soi sáng. Sau khi ta nói được hết những điều ta thấy rồi thì ta nghĩ rằng ngồi đây ta sẽ được nghe những ý kiến khác, cho nên ta mở rộng lòng ra để mà nghe người thứ hai nói.
Trong khi người thứ hai nói, người ấy có thể có những ý kiến phù hợp với ta và những ý kiến không phù hợp với ta, thì ta lại có một cơ hội để xét lại cái thấy của mình. Có thể ta thấy người này có một vài tri giác mà ta cho là sai lầm và ta không thích, nhưng ta có thể thấy được rằng người này cũng có vài nhận thức chính xác, có những cái thấy mà ta chưa thấy. Có thể là sau khi nghe người thứ hai nói thì ta đã thay đổi được quan niệm của ta một ít rồi. Dù ta chỉ thay đổi 1/10 quan điểm của ta thì ta cũng đã học hỏi được thêm rồi.
Đến khi người thứ ba mở lời ra nói thì ta cũng thấy có thể có những cái đúng và những cái mà ta thấy không phù hợp với nhận thức của ta. Và khi nghe người thứ tư nói thì ta lại có thể thấy cái mà ta nghĩ là người thứ hai sai bây giờ không còn sai nữa mà trở thành ra đúng. Và vì vậy cho nên ta cũng như tất cả những người khác ngồi trong buổi soi sáng được tiếp tục học hỏi. Cái này gọi là thực tập ‘kiến hòa đồng giải’.
Ý của ta là Chính Đề. Nếu người kia đồng ý với ta thì không nói gì, nhưng nếu người kia nói rằng cái ta thấy sai thì quan niệm thứ hai này được gọi là Phản Đề. Và cái Chính Đề này đang được đối diện với cái Phản Đề kia. Đối diện lần thứ nhất có thể là chưa có kết quả, tại ta không thấy được những yếu tố tích cực ở trong điều người kia nói, ta chỉ thấy những cái tiêu cực thôi. Nhưng có thể khi nghe một người kế tiếp nói thì tự nhiên trong cái Phản Đề ta thấy có một vài điểm đúng. Ban đầu ta thấy nó không có gì đúng cả, nhưng sau một hồi lắng nghe ta lại thấy trong những điều người kia nói có vài cái đúng, lúc ấy trong cái Chính Đề bắt đầu có sự rúng động, bắt đầu nứt rạn để cho những yếu tố đúng của Phản Đề đi vô.
Thành ra ở trong nhận thức của ta bắt đầu có sự chuyển đổi. Ta nghe hết rồi thì có thể cái Chính Đề của ta dung hợp với những Phản Đề khác để thành ra một Hợp Đề. Và sau khi nghe hết những người trong chúng nói rồi thì ta có một nhận thức rất khác với nhận thức ta có lúc ban đầu. Cuối buổi soi sáng cái thấy của ta trở nên rất gần với cái thấy của tăng thân, cái thấy của ta rất gần với Tăng Nhãn. Trước đó nó chưa phải là cái thấy của Tăng Nhãn, vì bây giờ ta thấy được qua con mắt của người sư anh, người sư chị, người sư em ta. Qua buổi soi sáng ta đã học thêm rất nhiều về người ấy, và có nghĩa là ta đã học thêm về chính ta.
Tất cả những gì của bất cứ ai trong chúng nói ra đều có thể giúp cho ta thấy được ta rõ hơn, chứ không phải chỉ giúp cho ta thấy được người kia rõ hơn. Chúng ta đều là người cả. Chúng ta đều có những hạt giống tốt, những hạt giống xấu. Chúng ta đều có những ưu điểm và những khuyết điểm. Và vì vậy, ngồi trong những buổi soi sáng, ta thấy được ta và ta thấy được người kia, nhờ nhìn người kia mà ta thấy ta. Và khi ta nhìn ta là ta thấy được người kia. Trong đời sống, có rất nhiều khi ta không nhìn thấy ta, điều đó rất nguy hiểm. Và không nhìn thấy được ta thì làm sao nhìn thấy được người kia. Cho nên “cái Đốt và cái Bị Đốt”[1] liên hệ với nhau một cách rất mật thiết, không thấy được cái Đốt thì không thể thấy được cái Bị Đốt.
Thường thường nếu chưa quen thì ta sợ đi vào ngồi trong những buổi soi sáng. Ở những giai đoạn đầu thì trong các buổi thực tập soi sáng của Làng Mai, đương sự không có mặt. Chính đương sự cũng không thích, vì ngồi đó thì cảm thấy hơi khó. Nhưng sau nhiều tháng thực tập rốt cuộc tất cả bảy tăng thân đều áp dụng cách soi sáng với sự có mặt của đương sự, bởi vì sự có mặt của đương sự đem lại rất nhiều lợi ích. Cố nhiên soi sáng có nhiều phần, phần thứ nhất là nói về ưu điểm của người kia. Nói về những ưu điểm của người kia không phải để khen, để tưới hoa, không phải để làm cho người kia hoan hỷ. Nói về những cái tốt của người kia cũng là soi sáng và vì vậy ta phải biết cách nói. Thế nào người kia cũng có cái tốt, và khi nói về cái tốt đó ta không làm cho người kia tự hào mà để người kia có dịp nuôi dưỡng và phát triển thêm. Người kia không trở nên tự mãn về cái tốt của họ. Ta chỉ làm cho hẹp lại cái hố ngăn cách giữa những tích cực và tiêu cực. Bởi vì thật sự cái tiêu cực sẽ có thể trở thành cái tích cực, và rác có thể trở thành hoa nếu ta biết cách.
Sự có mặt của đương sự ở trong buổi soi sáng đó giúp cho tất cả mọi người, giúp cho cả đương sự. Đương sự ngồi lắng nghe mà không nói câu nào hết và tập mở rộng lòng ra để nghe. Đương sự không nói sư anh nói đúng hay là sư anh nói sai, cứ nghe sư anh nói và không sợ hãi. Nếu sư anh hiểu lầm về ta thì sau buổi soi sáng ta có dư cơ hội để tới giúp sư anh lấy tri giác sai lầm của sư anh ra. Ta biết là ta sẽ có thể làm điều đó cho nên ta không ngồi đó mà giận, ta không ngồi đó rồi tự nhủ: “Được há, kỳ sau đến phiên tôi soi sáng rồi sẽ biết”.
Trong khi ngồi nghe mà nếu ta thấy có một người sư anh hay một người sư em có tri giác sai lầm thì ta nói: “Được rồi, tội nghiệp quá đi! Chắc mình đã có vụng về nào đó khiến cho người này hiểu lầm mình như thế”. Ta phải tìm ra cho được nguyên do hiểu lầm kia, và nhất quyết làm thế nào để lấy được cái tri giác sai lầm đó ra khỏi người sư anh hoặc người sư em kia. Vì vậy ta ngồi rất yên, và ta có thể mỉm cười được. Thành ra người được soi sáng phải học cách ngồi để được soi sáng. Và ngồi một cách rất vô úy. Nếu quả thật người đó nói trúng điểm yếu của ta thì ta nói: “Chết rồi, vậy mà lâu nay mình không biết, nhờ bây giờ sư anh chỉ cho mới thấy”.
Ta tu là ta muốn đi tới, thành ra ta phải biết phát khởi tâm niệm biết ơn. Tại người ta thương cho nên mới nói, mà người ta nói đây không phải để chỉ trích, mà là để nâng đỡ soi sáng cho ta. Mà dù người ấy có chỉ trích để trả thù ta, thì ta vẫn có thể ngồi đó mỉm cười và tự nói: “Cái này đâu phải là soi sáng, cái này là trả thù mà.” Ta có thể làm hay hơn vậy. Đến lượt ta soi sáng, ta sẽ không làm vậy. Ta thấy ta không giận. Thành ra người được ngồi soi sáng phải thực tập mới có thể làm hay được, mới có thể an nhiên tự tại và tươi cười (be his best) được. Và khi ta ngồi được như vậy thì ta có thể làm gương được cho người khác.
Có những người ngồi để được soi sáng mà cứ mỉm cười hoài, ai nói chi họ cũng chỉ cười. Cái lợi của việc có đương sự ngồi đó là ta phải cân nhắc những chữ và những lời ta nói. Tại ta biết rằng ta đang ngồi trước một cái hoa và ta có thể làm cho cái hoa nhầu, thành ra ta lựa những lời và những chữ nhẹ nhàng. Mục đích của ta không phải để tấn công, mục đích của ta là đưa được vào trái tim người đó những điều ta nghĩ rằng người đó cần phải tiếp nhận. Vì vậy, ái ngữ rất quan trọng. Ta có cơ hội để thực tập ái ngữ. Có đương sự ngồi đó là ta có cơ hội thực tập ái ngữ. Ta không nói rằng: “Nói ra thì lỡ người đó giận, thôi đừng nói nữa.” Nói như vậy là ta không thực tập. Thầy dạy ta, Bụt dạy ta là phải thực tập ái ngữ. Còn câm như hến thì không phải thực tập. Vì vậy khi đến phiên ta, ta phải làm bổn phận cho đàng hoàng. Ta phải thở, phải chắp tay, phải dùng ái ngữ, phải có tình thương, đó là thực tập. Thành ra những buổi soi sáng như vậy là những buổi thực tập rất nhiệm mầu chứ không phải là lao tác. Vì vậy ta đừng đợi tới giờ chót rồi mới tổ chức soi sáng. Soi cho mau mau mà soi không đàng hoàng, soi không kỹ thì tội cho chúng, tội cho các đương sự và cho chính mình. Nếu cần thì bỏ ngồi thiền để có giờ mà thực tập soi sáng. Đó là chuyện Xóm Thượng đã làm mấy ngày hôm nay. Nhưng nếu Xóm Thượng bắt đầu làm trước đây một tháng thì vẫn hay hơn.
Khi ta nghe người kế tiếp soi sáng có những điều trái chống với cái thấy của người vừa soi thì ta bực bội. Ta không bực bội đương sự nhưng ta lại bực bội người soi sáng này, tự nhủ tại sao mà ý kiến của người này cổ hủ, khắt khe và hẹp hòi, rồi ta đâm ra giận người này, người đang soi sáng. Trong khi giận như vậy thì ta không tiếp nhận được gì, tại vì có thể ta đang có cảm tình với người vừa soi xong. Cho nên khi nghe người này nói ta cho là hẹp hòi, là cố chấp, là không có tình thương, rồi ta giận người đó. Như vậy trong khi ngồi trong soi sáng ta không thừa hưởng được lợi lạc nào cả. Ta nói rằng: “A! hẹp hòi quá há!”. Ta có thể cho là người đó hẹp hòi, không có tình thương, nhưng ta lại vẫn có thể nghĩ rằng: “Không sao, vì lâu nay ta không tiếp xúc với người đó, không giúp người đó, cho nên người đó mới có những thái độ hẹp hòi và những tiêu cực mà ta chưa giúp chuyển hóa được. Người đó cũng là sư anh, sư em của ta, thì thế nào sau này ta cũng giúp cho người ấy lấy ra được những thái độ hẹp hòi ích kỷ đó”. Và vì trong lòng ta có tình thương trấn ngự nên ta không đau khổ trong khi ngồi nghe. Nếu ta đau khổ trong khi ngồi nghe tức là ta đã không thực tập.
Nghe những điều trái với nhận thức ta, đó là chuyện cơm bữa, tại sao ta lại giận? Vì vậy cho nên sự thực tập của ta là ‘Kiến Hòa Đồng Giải’. Làm thế nào để ngay trong buổi soi sáng này hoặc ở ngoài buổi soi sáng ta sẽ tìm cách giúp cho người đó thay đổi nhận thức kia đi. Đó chính là sự thực tập của ta. Thực tập của ta là gì khác nữa? Không lý sự thực tập của ta là chỉ là đi nấu cơm, rửa nồi, lái xe mà thôi? Thì chính thời gian nấu cơm, rửa nồi và lái xe cũng là để làm chuyện đó trong chánh niệm, để chiêm nghiệm sâu sắc xem làm thế nào để chuyển hóa tự thân và chuyển hóa người kia.
Nếu ta nuôi sự bực tức trong lòng tức là ta đang không thực tập. Nếu thực tập thì ta biết rằng những quan điểm như vậy đã phát sinh ra từ nhận thức sai lầm, từ thái độ cổ hủ và ta phải làm thế nào để mà giúp chuyển đổi chúng. Trong quá khứ ta đã làm gì để giúp người đó? Nếu ta đã không làm gì để giúp người đó thì tại sao ta lại trách người đó? Và nếu ta hối hận là trong quá khứ ta đã không giúp người đó thành ra người đó mới nói như vậy thì ta sẽ phát nguyện rằng từ đây về sau, sau buổi soi sáng này, ta sẽ tìm cách nói chuyện với người đó để người đó từ bỏ cái thái độ hẹp hòi kia đi. Có được nhận thức như vậy rồi thì ta ngồi yên và cảm thấy an lạc. Cho đến khi ta nghe tới người thứ bảy nói thì ta thấy rằng điều mà người thứ năm nói hình như cũng có một ít sự thực trong đó. Thành ra ta luôn luôn học hỏi bất cứ trong giờ phút nào của buổi soi sáng. Văn bản Quán niệm mở đầu cho buổi soi sáng này cần được in vào trong sách Nhật Tụng Thiền Môn và trong khi chờ đợi ta có thể in vào lá thư Làng Mai sắp tới.
Và đây là những lời quán nguyện truớc bất cứ một buổi họp nào của Tăng Thân, tại vì mỗi buổi họp của tăng thân là một cơ hội. Họp không phải chỉ là để giải quyết công việc, để đi tới những quyết định. Họp cũng là để xây dựng tình huynh đệ. Làm công việc cũng là một cơ hội rất là tốt vì trong khi làm việc chung với nhau, ta có cơ hội hiểu nhau, thấy được những tích cực, tiêu cực của nhau rồi ta tìm cách để cho cái hiểu đó tăng trưởng nơi ta và nơi người khác. Cùng với cái hiểu cái thương cũng được tăng trưởng.
Do đó cho nên tổ chức một cái gì, dù là một khóa tu hay một buổi lễ, cũng là để xây dựng tình huynh đệ. Đừng vì sự thành công của buổi lễ hay khóa tu mà anh em giận nhau thì hỏng hết. Đó là ta đi ngược lại những điều ta muốn làm. Tổ chức một khóa tu, tổ chức một buổi lễ là một cơ hội thực tập chứ không phải là để có thêm danh thêm lợi, để gặt hái những lời khen. Và nếu vì danh vì lợi, vì thành công của khóa tu hay buổi lễ mà làm cho tình anh em, tình chị em sứt mẻ thì thà rằng không tổ chức mà hơn, dầu là tổ chức Phật Đản. Không có lễ Phật Đản mà đôi khi hay hơn tại vì không có Phật Đản thì chị em, anh em không giận nhau.
Đây là văn bản Quán Nguyện trước buổi họp:
Lạy Bụt, lạy Tổ, chúng con xin nguyện họp buổi họp hôm nay trong tinh thần Ý Hòa Đồng Duyệt và Kiến Hòa Đồng Giải. Nguyện sử dụng ái ngữ và đế thính để buổi họp đưa lại kết quả tốt đẹp nhất làm phẩm vật cúng dường Tam bảo. Chúng con nguyện không ngần ngại chia sẻ cái thấy và tuệ giác của chúng con, nhưng chúng con cũng nguyện sẽ không mở lời nếu chúng con nhận thấy trong tâm còn có tâm hành bực bội. Chúng con quyết tâm không để cho sự căng thẳng xảy ra trong buổi họp, và lỡ nếu trong số chúng con có người nhận thấy có sự căng thẳng, Chúng con xin lập tức ngừng lại để sám hối tại chỗ và trả lại cho đại chúng không khí Ý Hòa Đồng Duyệt.
Phối hợp những cái thấy với nhau và cùng đi tới một cái hiểu chung, Đó là Kiến Hòa Đồng Giải của đại chúng. Sau đó ai cũng hoan hỷ. Nếu sau buổi họp mà có người không hoan hỷ thì buổi họp đó chưa thành công hoàn toàn. Đây không phải là vấn đề bỏ phiếu để rồi đa số thắng thiểu số. Khi có Kiến Hòa Đồng Giải thì sẽ có Ý Hòa Đồng Duyệt. Tâm ý của mọi người trở thành một khối, trở thành tâm ý chung và mọi người có chung một niềm vui. Và khi tâm ý của ta hòa hợp với nhau và ta tổng hợp được mọi cái thấy và bỏ tư kiến ra để theo cái thấy của tăng thân rồi thì tự nhiên ta có niềm vui. Niềm vui đó sinh ra ở chỗ tâm ý ta đi đôi với nhau, gọi là ‘Ý Hòa Đồng Duyệt’.
Lạy Bụt, lạy Tổ, chúng con xin nguyện họp buổi họp hôm nay trong tinh thần Ý Hòa Đồng Duyệt và Kiến Hòa Đồng Giải. Nguyện sử dụng ái ngữ và đế thính để buổi họp đưa lại kết quả tốt đẹp nhất làm phẩm vật cúng dường Tam Bảo.
Họp mà có sự chống đối thì đó không thể nào gọi là phẩm vật cúng dường. Ta làm gì cũng là để cúng dường Tam Bảo. Đốt nhang cũng là để cúng dường Tam Bảo, lái xe đi đón một người bạn thiền sinh cũng là để cúng dường Tam Bảo, hay chùi cầu tiêu cũng là để cúng dường Tam Bảo, và họp buổi họp cũng là để cúng dường Tam Bảo. Nếu họp một buổi họp mà có sự chống đối, buồn giận thì đó không phải là một phẩm vật cúng dường.
Nguyện sử dụng ái ngữ và đế thính để buổi họp mang lại kết quả tốt đẹp nhất làm phẩm vật cúng dường Tam Bảo. Chúng con nguyện không ngần ngại chia sẻ cái thấy và tuệ giác của chúng con.
Ta thấy cái gì thì ta nói cái đó. Ta không cần che giấu nhưng ta phải sử dụng ái ngữ. Chứ không phải nói để cho tan nát hết rồi nói “tôi chỉ nói sự thật thôi mà!” (I only spoke the truth!) Nói sự thật như vậy thì thà đừng nói. Nói mà làm tan vỡ tình anh chị em thì không nên nói. Phải có những phương pháp khác, phải có những biện pháp khác.
Chúng con nguyện không ngần ngại chia sẻ cái thấy và tuệ giác của chúng con, nhưng chúng con cũng nguyện sẽ không mở lời nếu chúng con nhận thấy trong tâm còn có tâm hành bực bội.
Khi trong tâm còn có bực bội thì ta không nên nói, ta phải thở cho đến khi nào không còn cảm thấy bực bội thì mới nên nói. Trong khi nói mà thấy bực bội trở lại thì phải im lặng và xin phép để sau sẽ nói tiếp. Khi có bực bội mà nói thì đó không phải là phẩm vật cúng dường. Chúng con quyết tâm không để cho sự căng thẳng xảy ra. Nếu có sự căng thẳng xảy ra trong buổi họp thì nên chấm dứt buổi họp. Điều này tôi đã từng đề nghị cho ông chủ tịch quốc hội Ấn Độ, mỗi khi có sự căng thẳng thì có người thỉnh tiếng chuông để thở. Khi nào thấy không khí lắng dịu thì vị chủ tọa của buổi họp mới cho tiếp tục mà thôi. Và ông đã lắng nghe rất thích thú.
Chúng con quyết tâm không để cho sự căng thẳng xảy ra trong buổi họp, Và lỡ nếu trong số chúng con có người nhận thấy có sự căng thẳng, chúng con xin lập tức ngừng lại để sám hối tại chỗ và trả lại cho đại chúng không khí Ý Hòa Đồng Duyệt.
Ý hòa đồng duyệt là không khí phải có lúc bắt đầu và lúc chấm dứt buổi họp.
Sự thực tập soi sáng này rất quan yếu và nếu cần ta sẽ chú giải thêm văn bản này để chia sẻ với các tăng thân khác trên thế giới.
[1] Phẩm 10 ‘Phá Đốt và Bị Đốt’, Trung Quán Luận của tổ Long Thọ – Bài giảng trong Khóa Tu Mùa Đông 2002 – 2003
Pháp thoại ngày 5 tháng Giêng năm 2003 Xóm Hạ, chùa Cam Lộ, trong khóa tu An Cư Kiết Đông 2002-2003