Pháp thoại theo chủ đề

Ôm Bé Bị Thương

 

Bước Chân Thượng Thừa
Trong khi nghe chuông, chúng ta nên mở lòng ra để cho thế hệ tổ tiên ở trong ta đồng thời được nghe chuông với chúng ta. Chúng ta đừng tự giam hãm vào trong một cái vỏ bản ngã. Chúng ta phải cho phép, phải mở rộng thân tâm ra, để cho tổ tiên chúng ta cũng được nghe tiếng chuông trong giờ phút đó với chúng ta. Đây là một sự thực tập. Tại vì tất cả những thế hệ tổ tiên của chúng ta trong đó có cha, mẹ của chúng ta đều đang có mặt trong chúng ta một cách rất cụ thể trong mỗi tế bào của thân thể ta.

Cái sắc (rupa) chứa đựng cái danh (nama), và chúng ta cũng có thể nói rằng cái danh chứa đựng cái sắc. Nama tức là tâm thức của mình, trong đó có cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Chúng ta cũng nên học để thấy được rằng tâm hành của chúng ta cũng được làm bằng những tế bào giống như những tế bào của cơ thể. Những tế bào của cơ thể chứa đựng những tế bào của tâm thức, và những tế bào của tâm thức nó chứa đựng những tế bào của cơ thể. Nama rupa là hai mặt của một thực tại, không có cái nào có trước, không có cái nào có sau. Cũng như sóng (onde) và hạt (particule) là hai mặt của một thực tại. Làn sóng đó chứa đựng cái hạt, cũng như cái hạt nó chứa đựng làn sóng. Thực tại của chúng ta là thực tại danh sắc, ta có thể gọi nó là danh, ta cũng có thể gọi nó là sắc, kỳ thực sắc và danh là hai mặt biểu hiện của cùng một thực thể. Khi nhìn vào một tế bào của cơ thể hay nhìn vào một tế bào của tâm thức, ta nhận diện được sự có mặt của tất cả các thế hệ tổ tiên ở trong ta. Đó là một sự thật.Tổ tiên chúng ta không phải chỉ là loài người. Trước khi loài người biểu hiện thì chúng ta đã là những loài khác. Chúng ta đã từng làm cây, làm cỏ, làm đá, làm sương. Chúng ta đã từng làm con sóc, con nai, con khỉ. Chúng ta đã từng làm những sinh vật đơn tế bào. Và tất cả các thế hệ tổ tiên đó đều đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể cũng như của tâm thức, và ta là sự tiếp nối của dòng sinh mạng đó. Vì vậy cho nên khi nghe chuông ta nên biết là không phải một cái ta biệt lập đơn độc đang nghe chuông, mà là cả dòng sống thênh thang đang nghe chuông. Đây là sự thực tập vô ngã. Khi nghe một tiếng chuông nếu chúng ta cho phép tất cả các thế hệ tổ tiên của chúng ta và tất cả những con cháu đang tiềm tàng trong cơ thể chúng ta được nghe tiếng chuông đó thì lúc đó chúng ta đang chứng thực cái thực tại vô ngã mà Bụt nói tới. Thực tại vô ngã mà Bụt nói tới không phải là một lý thuyết mơ hồ mà là một cái gì ta đang mang trong cơ thể và tâm hồn của ta. Và chỉ cần nghe chuông thôi là ta đã có thể thoát ra khỏi cái vỏ của bản ngã mà ta đã tạo tác ra. Ta thoát khỏi được cái ngục tù khái niệm về bản ngã mà chúng ta đã tạo tác ra. Chúng ta phải để cho tiếng chuông thấm vào tất cả các thế hệ quá khứ và các thế hệ tương lai đã có rồi trong chúng ta.

Một trái ổi, dù là trái ổi còn rất non, cũng có những hạt ổi non ở trong trái ổi. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta mới có mười bốn tuổi. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể làm con thôi, làm em thôi, nhưng kỳ thực chúng ta đã làm mẹ rồi, đã bắt đầu làm mẹ rồi, đã bắt đầu làm bà rồi. Vậy thì một chú tiểu mười hai tuổi hay mười ba tuổi tuy đang đóng vai trò một đệ tử, nhưng chú tiểu đó đã có đệ tử ở trong con người của chú, và cũng đã có đệ tử của đệ tử rồi. Vì vậy cho nên khi nghe chuông, sư chú phải mở lòng ra để cho các thế hệ tổ sư cùng được nghe, để cho các thế hệ ông bà, cha mẹ huyết thống cùng được nghe, và chú cũng có thể mở lòng ra và để cho các thế hệ đệ tử con cháu của chú trong tương lai cũng được nghe. Nghe một tiếng chuông như vậy là chú đã thực tập vô ngã và chú chạm được vào cái mầu nhiệm của vô ngã. Nghe chuông như vậy mới là nghe chuông theo kiểu thượng thừa. Khi bước những bước chân thiền hành trên bãi cỏ xanh non của mùa xuân cũng vậy. Ta bước như thế nào để cho tất cả các thế hệ tổ tiên của chúng ta đều cùng bước theo ta. Và sự an lạc thảnh thơi mà ta đạt được trong khi bước thấm vào tất cả các thế hệ tổ tiên và đồng thời thấm vào tất cả các thế hệ tương lai. Một bước chân như vậy là một bước chân thượng thừa. Đưa một chân ra để bước, ta thấy hàng triệu cái chân đang cùng bước chung với ta ở trong ta. Khi thở một hơi thở vào nhẹ nhàng, thoải mái, tĩnh lặng, ta làm cho tất cả các thế hệ tổ tiên cũng được thở và tất cả các thế hệ con cháu tương lai của ta cũng được thở. Thở như vậy mới là hơi thở thượng thừa. Chúng ta có thể làm được. Chúng ta chỉ cần một ít niệm và một ít định là có thể quán chiếu, có thể thấy. Ban đầu chúng ta dùng phương pháp quán tưởng và thấy tất cả thế hệ tổ tiên cùng đưa chân phải ra đồng thời với ta để bước một bước. Từ từ không cần phải quán tưởng nữa mà tự nhiên mỗi khi bước chân đưa ra như vậy là ta thấy được bước chân của tất cả mọi người trong quá khứ. Trong khi nấu một món ăn, món ăn mà ta đã học được từ mẹ ta hay là cha ta, món ăn truyền thống của dân tộc, ta hãy nhìn bàn tay của ta mà mỉm cười. Tại vì bàn tay này là bàn tay của mẹ, bàn tay của bà ngoại, bàn tay của bà nội, đang làm món đó, đang xào nấu món đó. Ta nào có tài ba gì đâu. Ta đâu có phải là kẻ đã sáng tác ra thực phổ này. Ta tiếp nối các thế hệ tổ tiên. Ta thấy rằng bàn tay của mẹ đang làm món này, bàn tay của ngoại đang làm món này. Và ta thấy rằng tất cả những bàn tay của tổ tiên ta đang làm cái món này. Nấu cơm ở trong bếp, mình có thể thiền thượng thừa được rồi, không cần phải lên trên thiền đường ngồi xuống ta mới thực tập. Cơ hội của chúng ta có rất nhiều. Vấn đề là chúng ta có biết thừa hưởng cơ hội không? Đây không phải là lý thuyết, đây là sự sống thực tiễn của mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày.

Trị Liệu Tận Gốc

Ngày xưa, bà ngoại ta đã từng chơi bóng chuyền hay không? Không, tại vì hồi đó ở xứ ta chưa có bóng chuyền. Ngày xưa, bà ngoại có chạy bộ mỗi buổi sáng như ta hay không? Ngày xưa, bà ngoại có cơ hội thực tập hiện pháp lạc trú trong khi đi, trong khi chạy hay không? Bây giờ, ta là một người trẻ, khi đang chạy từng bước thảnh thơi, ta hãy để cho bà ngoại cùng chạy với ta, mà thực sự là bà ngoại đang chạy với ta, trong từng tế bào của cơ thể ta. Ta mang hết tổ tiên của ta để cùng chạy, để cùng đi thiền hành, để thực hiện phép hiện pháp lạc trú. Các vị ngày xưa có thể đã không có cơ hội, đã không có cơ duyên gặp gỡ chánh pháp và tiếp nhận phương pháp thực tập. Bây giờ đây ta có cơ duyên gặp gỡ chánh pháp và được trao truyền pháp môn thực tập, tại sao ta không làm việc đó cho quý vị? Và tự nhiên ta đem lại niềm vui cho vô số những thế hệ tổ tiên và thế hệ con cháu của ta trong khi ta thực tập đi, chạy và thở. Chúng ta tạo ra khung cảnh của Làng Mai để có thể làm được việc đó, tại vì trong cái xã hội ngoài kia, ở dưới cái thành phố kia, chúng ta không có những điều kiện để có thể đi như vậy, để có thể thở như vậy, để có thể mỉm cười như vậy, để có thể nấu cơm như vậy, để có thể giặt áo như vậy… Một khung cảnh trong đó ta có thể thoải mái, ta có thể làm được những công việc kia một cách thoải mái, để thực tập hiện pháp lạc trú. Chúng ta phải biết ơn những người đã yểm trợ, đã đem tâm huyết và thì giờ của họ để tạo dựng cho chúng ta một môi trường trong đó ta có thể bước đi những bước như vậy, thở vào và thở ra những hơi thở như vậy, có thể xào nấu như vậy, ta có thể thực tập như vậy, và ta làm như vậy là ta làm cho cả thế gian, ta làm cho cả quá khứ và tương lai. Nhờ chúng ta bước đi như vậy, nhờ chúng ta thở như vậy, nhờ chúng ta mỉm cười như vậy, nhờ chúng ta ngồi xuống như vậy, nhờ chúng ta đứng lên như vậy mà chúng ta giải phóng được cho bao nhiêu thế hệ. Giải phóng bằng cách vượt thoát ra khỏi cái vỏ của bản ngã.

Tâm lý trị liệu Tây phương nhắm đem tới cho chúng ta một cái ngã gọi là vững chãi và lành mạnh. Khoa tâm lý trị liệu Tây phương có thể đem tới một ít sự chuyển hóa, sự trị liệu, nhưng khoa tâm lý trị liệu Tây phương chưa đi được xa, tại vì còn bị kẹt vào trong cái ý niệm về ngã. Khoa tâm lý trị liệu Tây phương giả định có một cái trạng thái mà con người ta thoải mái, lành mạnh, an lạc, mà vì những lý do gì đó, vì những tai nạn gì đó mà chúng ta đánh mất cái trạng thái thoải mái, an lạc đó, cho nên sự thực tập là làm thế nào để vượt khỏi những tai nạn đó để trở về cái trạng thái an lạc, thoải mái và vô bệnh ban đầu. Như vậy, khoa tâm lý trị liệu Tây phương căn cứ trên cái giả định là trước kia đã từng có lúc ta có cái bản ngã lành mạnh, thoải mái và an lạc. Mục đích của trị liệu là phục hồi lại trạng thái đó. Trong ánh sáng của sự thực tập đạo Bụt là chừng nào chúng ta còn bị kẹt vào ý niệm của một cái ngã riêng biệt thì chừng đó vô minh đang còn nằm trong danh và sắc của chúng ta. Thực tập vô ngã là phép chữa trị tuyệt vời. Thực tập vô ngã là thoát ra khỏi cái ý niệm hẹp hòi của bản ngã, thấy được liên hệ mật thiết giữa ta và không ta. Khi vô minh ấy được tiêu tán, thì tất cả những khổ đau, những giận hờn, những tủi hận, những ganh ghét, những sợ hãi sẽ tan biến. Kết quả đạt được nhờ sự thực tập ấy sẽ lớn bằng ngàn lần sự chữa trị căn cứ trên ý niệm của một bản ngã. Chúng ta hầu hết đều là những người đang có vấn đề tâm lý. Chúng ta tự hỏi những câu hỏi như: Tôi là ai? Ngày xưa khi cha tôi và mẹ tôi tới với nhau, họ có muốn tôi ra đời thiệt không hay là họ đã tới với nhau như vậy và tôi đã ra đời như là một tai nạn? Họ có muốn tôi ra đời hay không? Có thể họ chỉ tới với nhau một cách cạn cợt, vô tình vậy thôi, và do đó mà tôi ra đời. Nếu như vậy thì tôi tủi hổ lắm. Khi tôi chưa ra đời họ có muốn giữ tôi hay không, hay là họ muốn phá cái thai trong bụng họ? Những câu hỏi đó làm cho rất nhiều người đau khổ. Đời tôi có ý nghĩa gì không? Chúng ta ưa hỏi những câu hỏi như vậy. Và tất cả những câu hỏi đó đưa lại không biết bao nhiêu là khổ đau, tại vì chúng ta bị kẹt vào trong ý niệm về bản ngã. Một đứa nhỏ lớn lên nếu nghe nói rằng ba mẹ đã từng muốn phá thai hồi mình còn trứng nước thì sẽ đau khổ lắm. Nó biết là cha mẹ nó đâu có muốn có nó, tại vì tai nạn cho nên nó mới sinh ra như vậy thôi. Khi nghĩ như vậy thì nó đau khổ lắm, và từ cái đau khổ đó sinh ra không biết bao nhiêu là tâm bệnh. Tâm lý trị liệu có thể giải quyết như thế nào cho những kẻ ấy? Đời tôi nó có ý nghĩa gì không? Tôi từ đâu tới? Tôi là ai? Những câu hỏi đó có thể là nguyên nhân của những cái bất thường, những cái khổ đau ở trong một kiếp người. Nếu quán chiếu theo phương pháp Bụt dạy, thấy được thực tính vô ngã, ta sẽ không còn hỏi những câu hỏi như vậy. Đó là một trong những điểm chính yếu mà chúng ta đã học được trong kinh Trung Đạo Nhân Duyên. Trước hết, ta thấy ta là sự tiếp nối của một dòng sinh mạng. Chuyện bố mẹ ta có muốn ta ra đời hay không, chuyện đó không quan trọng mấy. Có thể bố mẹ ta không muốn ta ra đời, chưa muốn ta ra đời, nhưng mà ông bà tổ tiên ta luôn luôn muốn ta ra đời. Đó là một sự thật. Sự thật là bao giờ ông bà chúng ta cũng muốn có sự tiếp nối, nếu không phải thế hệ này thì thế hệ khác. Chắc chắn là có những thế hệ rất muốn ta ra đời để ta tiếp tục sự có mặt và sự nghiệp của liệt vị. Nội một câu trả lời đó đã có thể làm cho em bé bớt đau khổ, hoặc là hết đau khổ. Cha mẹ của ta cũng như bất cứ một cặp cha mẹ nào khác cũng có lúc lên lúc xuống. Có khi đầy thương yêu nhưng cũng có khi đầy giận hờn. Những thương yêu và những giận hờn đó không phải là chỉ của họ mà là đã được trao truyền từ những thế hệ khác. Thấy được như vậy, ta không trách cha, ta không trách mẹ nữa. Cha mẹ ta cũng như ta, có những lúc rất giỏi nhưng mà có những lúc rất dở. Ở Á Đông, có khi chúng ta được ép gả cho một người con trai mà chúng ta ghét. Chúng ta oán trách cha mẹ tại sao lại gả ta cho người con trai ta không thương. Nhưng có thể sau hai năm, ba năm ở với người con trai kia, ta khám phá ra được người con trai này là một người con trai rất ngọt ngào, rất dễ thương, và ta bắt đầu cám ơn cha mẹ. Cha mẹ đã có một tuệ giác nào đó, cha mẹ đã nhận xét như thế nào đó, và cha mẹ đã làm một cái nguyên do rất tốt đẹp để cho sự phối hợp này được thành hình. Ban đầu có thể ta rất ghét, nhưng sau đó thì ta rất thương. Trong chúng ta ai cũng có những người bạn mà lúc bắt đầu mới gặp chúng ta rất ghét. Mới thấy cái mặt đã thấy ghét quá đi, không muốn chơi, nhưng không biết tại sao chơi một hồi thì khám phá ra rằng đây là một người bạn rất tốt. Vì vậy cho nên, cái giây phút ghét đó không phải là vĩnh viễn, nó chỉ là một giây phút thôi. Sau giây phút đó thì có thể có những giây phút rất thương. Ghét, thương ở bề mặt, nằm sâu dưới đó có một cái gì quan trọng hơn mà ta phải thấy được điều đó, thì ta sẽ không buồn tủi hỏi rằng: cha mẹ tôi có muốn tôi ra đời hay không? Có thể là lúc đó cha mẹ tôi không muốn tôi, nhưng sau khi sinh tôi ra rồi thì cha mẹ tôi lại thương tôi quá chừng. Cái thương đó nó bù đắp lại. Rồi mình thấy mình là cha mẹ của chính mình, mình thấy mình là ông bà của chính mình, và vượt thoát khỏi cái ý niệm ngã, mình không còn đau khổ về câu hỏi kia nữa. Thành ra học Phật và thực tập theo pháp môn vô ngã của Bụt, chúng ta có thể giải phóng được cho chúng ta và đồng thời giải phóng được cho bao nhiêu thế hệ tổ tiên và con cháu tương lai đang có mặt trong chúng ta.

Trở Về Ôm Lấy Bé

Nhiều người trong chúng ta trong thời thơ ấu đã từng đi ngang qua những giai đoạn rất khó khăn và chúng ta đã bị tổn thương nặng. Ta thường thường không có ước muốn nhớ lại những giai đoạn khổ đau đó. Trong ta có cơ chế tự tồn, cơ chế tự vệ. Nó vùi chôn những kỷ niệm đau thương ấy ở trong những vùng rất xa thẳm của tâm thức. Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với những kỷ niệm đau buồn thì ta chịu không nổi, vì vậy cho nên cái cơ chế tự tồn cứ tìm cách chôn vùi những kỷ niệm kia vào trong đáy sâu của tâm thức. Khi có một người nào tới khơi dậy mối thương tâm của ta thì ta khóc, ta đau, ta buồn, ta không ăn cơm được trong một ngày, hai ngày, ba ngày. Nhưng phương pháp chạy trốn không phải là phương pháp hay nhất, không phải là thượng sách. Trong đạo Bụt, chúng ta được dạy rằng chúng ta phải thực tập chánh niệm, chúng ta phải chế tác năng lượng của chánh niệm, phải trở về ôm lấy đứa trẻ đang bị thương trong ta. Đứa trẻ đó có thể đã bị thương tích rất nặng. Nhưng vì ta không có đủ sức mạnh, cho nên mấy chục năm vừa rồi ta chỉ muốn trốn tránh và không dám gặp mặt nó. Vì vậy đứa trẻ bị thương tích trong ta tiếp tục đau khổ, nó không được thừa nhận, nó đòi hỏi sự thừa nhận, nó đòi hỏi sự săn sóc. Nhưng chúng ta đã làm ngược lại chuyện đó. Chúng ta luôn luôn trốn tránh nó, tại vì chúng ta sợ khổ. Phương pháp đạo Bụt là thực tập như thế nào để chế tác được năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm đó, chúng ta không cần phải sợ hãi nữa, chúng ta có thể trở về gọi đích danh đứa bé ở trong ta ra, và chúng ta ôm ấp lấy nó. Chúng ta phải nói chuyện với nó. Có năng lượng chánh niệm rồi thì ta có khả năng ôm ấp được nó. Trước hết là nhận diện: Này em bé trong tôi đang bị thương tích, tôi biết em còn đó. Trong những năm vùa qua, tôi rất tệ bạc, tôi bỏ em một mình bơ vơ với những vết thương nặng nề của em. Bây giờ, tôi đã trở lại. Xin em cho phép tôi ôm em vào lòng. Tội nghiệp em quá! Phải nói chuyện với nó. Phải ôm ấp nó. Nếu cần thì cả hai chị em cùng khóc với nhau. Nếu cần thì cả hai anh em cùng khóc với nhau. Trong thiền tọa cũng được. Ngồi một mình ở trong rừng cũng được. Hãy nói chuyện với nó bằng ngôn ngữ vắng lặng. Trong rừng, mình có thể nói chuyện với nó, mình có thể gọi nó bằng em. Nó với mình không hai mà cũng không phải là một. Trong chúng ta có những người đã thực tập theo pháp môn đó và sau một thời gian thực tập thì đã có sự thuyên giảm, có sự chuyển hóa, có sự trị liệu. Sau đó thì liên hệ giữa mình và những người anh, người chị, người em, người bạn của mình tự nhiên trở thành ra dễ dàng. Khi đã trở về chữa trị cho đứa trẻ bị thương trong ta rồi, thì ta có đủ sức mạnh có khả năng hiểu và thương nhiều hơn, tại vì những người chung quanh ta, người chị kia, người em kia, người anh kia, có thể cũng đang có một đứa bé bị thương tích nặng nề trong họ, và ta có thể giúp người đó được. Cho nên, sau khi đã chữa trị cho mình rồi, ta thấy liên hệ giữa ta và những người khác trở thành tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn, bởi vì ta đã có nhiều hiểu biết, thương yêu và bình an hơn.

Chúng ta thấy đứa bé bị thương trong ta không phải chỉ là ta, có thể đó là mẹ ta. Tại vì mẹ ta, trong suốt đời của bà, cũng đã từng khổ đau. Mẹ ta có thể chưa được gặp chánh pháp, chưa biết được phương pháp trở về để ôm lấy đứa trẻ bị thương trong mẹ. Vì vậy cho nên, đứa bé bị thương trong ta cũng chính là mẹ ta đang bị thương, hay là cha ta đang bị thương, ta phải ôm lấy nó. Trong khi ôm lấy đứa bé trong ta, ta ôm lấy hết tất những đứa bé trong quá khứ của nhiều thế hệ, ta vỗ về và trị liệu cho chúng. Sự thực tập này không phải là sự thực tập cho cái ngã của riêng ta, mà là sự thực tập cho không biết bao nhiêu thế hệ của tổ tiên và của tương lai. Cho nên khi đã ôm ấp được đứa bé bị thương trong ta, ta cũng ôm ấp được mẹ ta, ta cũng ôm ấp được cha ta, tại vì có thể cha ta đã từng khổ đau, mẹ ta đã từng khổ đau, và những đứa trẻ trong họ chưa bao giờ được thừa nhận, ôm ấp, được trị liệu cả. Ta làm chuyện này cho cha, làm chuyện này cho mẹ, làm chuyện này cho ngoại, cho nội. Nếu ta không làm bây giờ, thì bao giờ ta mới làm? Làng Mai không phải là một trường học, nơi chúng ta tới tiếp nhận một mớ kiến thức để sau này đi dạy hay đi làm. Tại Làng Mai chúng ta có thể thực tập được sự ôm ấp và chuyển hóa đứa trẻ bị thương tích trong ta. Trong ta, đứa trẻ bị thương tích luôn luôn có mặt, đang luôn luôn trông chờ, và ta đã bỏ bê nó từ lâu. Bây giờ ta phải trở về, phải nhận diện, phải công nhận sự có mặt của nó, phải ôm ấp lấy nó, phải cùng khóc với nó và phải dùng năng lượng chánh niệm để mà trị thương cho nó. Trong ánh sáng của kinh Trung Đạo Nhân Duyên, ta biết rằng em bé đó, em bé bị thương trong ta, không phải chỉ là ta mà cũng là em bé của những thế hệ khác. Nó là em bé bị thương của mẹ, nó là em bé bị thương của cha, nó là em bé bị thương của bà ngoại, của ông ngoại. Ta tu là ta tu một lần cho tất cả các tổ tiên của ta. Em bé đó ở đâu? Em bé đó đang nằm trong tất cả các tế bào của cơ thể. Không có tế bào nào của ta mà không có em bé đang nằm trong đó, những tế bào của danh và những tế bào của sắc. Tâm thức của chúng ta được làm bằng những tế bào, thì trong mỗi tế bào của tâm thức, trong mỗi tâm hành, đều có em bé đó đang nằm co, bơ vơ, bị thương tích nặng. Ta phải trở về. Ta không cần đi tìm đâu xa. Ta không cần đi tìm về quá khứ, ba trăm triệu năm về trước. Ta không cần đi tìm về những thời đại thạch khí. Ta không cần đi tìm về thời ấu thơ, hoặc là thời ông cố, ông ngoại. Tại vì tất cả những dữ liệu đó, tất cả những sự thật đó, tất cả những đau thương đó, tất cả những em bé bị thương đó hiện bây giờ đang nằm trong giây phút hiện tại, trong từng tế bào của danh và của sắc. Ta chỉ cần đi về và tiếp xúc là ta thấy được. Cũng như tuệ giác của tổ tiên, tuệ giác của Bụt, hạnh phúc của Bụt cũng có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Ta phải biết trở về. Ta lợi dụng những yếu tố đó, những hạnh phúc đó, những tuệ giác đó, để chế tác năng lượng chánh niệm, năng lượng thương yêu, mà ôm ấp lấy đứa trẻ bị thương. Đau thương nằm ở trong từng tế bào, và hạnh phúc, tuệ giác cũng đang nằm trong từng tế bào của ta. Bụt đã trao truyền, Tổ đã trao truyền, Thầy đã trao truyền cho ta tuệ giác đó. Ta trở về. Với hơi thở, với bước chân, ta chế tác năng lượng của chánh niệm, của tuệ giác. Và với năng lượng đó, ta ôm ấp và thừa nhận đứa trẻ bị thương trong ta.

Phát Ra Ánh Sáng

Chúng ta là những người có chất liệu u mê trong từng tế bào của cơ thể và của tâm thức. Chất liệu u mê đó gọi là vô minh. Vô minh tức là không trông thấy. Những cái ấy nằm sờ sờ ra đó mà chúng ta không biết rằng chúng có mặt. Vô minh tức là không có ánh sáng, không có cái thấy. Em bé bị thương nằm đó rất hiện thực mà ta đâu biết. Em bé bị thương trong ta là một thực tại sờ sờ, rất đồ sộ, rất cấn cái, vậy mà ta không thấy. Không thấy được thì gọi là vô minh. Nó đang bị thương. Nó rất cần ta trở về để công nhận nó, để ôm ấp nó, vậy mà ta vẫn không biết là nó có đó. Ta luôn luôn chạy đi. Thử hỏi thái độ đó không gọi là vô minh thì gọi là gì? Ta lo đi tìm danh, tìm lợi. Trong khi đó thì ta không nhận thức được cái gì đang xảy ra ở trong ta. Chính sự u mê tạo ra những nguồn năng lượng làm ta bệnh. Trong mỗi tế bào của cơ thể và của tâm thức đều có chất vô minh đó.

Như giọt mực đen hòa vào trong ly nước. Chất liệu của vô minh hòa vào trong tất cả các tế bào của tâm thức, làm cho ta không thấy được sự thật và đẩy ta đi về những phương hướng tối tăm, để ta làm ra những điều dại dột, để ta làm khổ ta, gây thương tích thêm cho đứa trẻ trong ta và gây thương tích cho những người khác. Những năng lượng u tối đó gọi là hành. Mỗi ngày ta bị hành thúc đẩy. Ta đã nói cái đó, làm cái đó, rất u mê, vì bản chất của hành là vô minh. Ta buồn, ta giận, ta trách, ta ganh, tất cả những cái ấy đều là năng lượng của hành. Những cái hành đó ta đâu có thấy rõ ràng. Nó nằm ở trong tâm thức của ta. Tâm thức của ta là vọng thức, chứa chất những chất liệu của vô minh và của hành. Tâm thức là đối tượng của tâm lý học. Nó có những phần bề mặt và những phần thâm sâu. Phần bề mặt ta gọi là ý thức, phần thâm sâu ta gọi là tàng thức. Tây phương gọi là vô thức (inconscience). Tây phương lại có tiềm thức (subconscience). Đó đều là những vùng của a-lại-gia. Chúng ta chôn những nỗi khổ niềm đau, chúng ta cố dìm em bé bị thương xuống dưới chiều sâu của vô thức. Nó ngạt thở dưới đó, nó kêu cứu dưới đó, trong chúng ta vẫn nhởn nhơ đi lo những chuyện không thực sự cần thiết. Vô minh tạo ra tâm thức hiện thời của chúng ta. Thức được biểu hiện thành danh sắc. Trong mỗi tế bào của cơ thể (sắc) và trong mỗi tế bào của tâm hồn (danh), đều có chứa đựng thức a-lại-gia này, tiềm thức này, vô thức này, những năng lượng của vô minh này, và chúng thúc đẩy ta sống đời sống hàng ngày một cách cạn cợt, một cách dại dột, để tiếp tục gây đau khổ cho chính ta và cho những người xung quanh ta. Pháp môn mà chúng ta học hỏi và tu tập ở đây là làm thế nào để bên cạnh vô minh phát sinh ra được cái minh, bên cạnh bóng tối làm sao phát được ánh sáng? Chúng ta đi trong đêm, nên chúng ta mới sờ soạng, chúng ta mới làm những điều trái ngược mà đáng lý chúng ta không làm. Chúng ta thấy rằng chúng ta cần ánh sáng. Ánh sáng đây là thắp lên cây đèn. Cây đèn lấy ở đâu ra? Cây đèn cũng lấy ở trong danh sắc của chúng ta ra. Trong danh sắc có chất liệu của thức, của hành, của vô minh, nhưng trong danh sắc cũng có hạt giống của minh. Chúng ta cũng đã được tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống trao truyền những hạt giống của thương yêu và hiểu biết, nhưng chúng ta ít đem ra sử dụng. Bụt đã trao truyền, Tổ đã trao truyền, Thầy đã trao truyền. Chúng ta tiếp nhận, chúng ta cất giữ, nhưng không đem ra sử dụng. Chúng ta có cây đèn, nhưng chúng ta không chịu thắp lên. Cây đèn đó tức là cây đèn chánh niệm. Dầu của cây đèn là hơi thở, là bước chân, là nụ cười, là sự chấp tác trong chánh niệm. Thắp lên cây đèn chánh niệm, tự nhiên ánh sáng tỏa chiếu, và bóng tối giảm thiểu. Những giây phút minh biểu hiện thì vô minh rút lui. Khi vô minh rút lui thì những năng lượng ma quái không còn được chế tác. Trong khi đó, minh chế tác ra năng lượng bồ đề tâm, đại nguyện và tâm thương yêu. Tâm thương yêu cũng là năng lượng. Nó cũng là năng lượng như hành, nhưng đây là thứ năng lượng được soi sáng.  Khi có ánh sáng, thay vì có những năng lượng mù quáng thúc đẩy ta lại có những năng lượng khác như năng lượng của hiểu biết, của thương yêu và của bồ đề tâm. Khi có năng lượng của bồ đề tâm rồi, tâm thức của chúng ta bắt đầu chiếu sáng, đó là trí (prajna). Trí và thức cùng một bản chất. Ta gọi nó là thức khi nào ta bị vô minh và hành chi phối. Khi được minh với bồ đề tâm soi sáng và nuôi dưỡng thì cái mà ta gọi là thức ngày xưa bây giờ được gọi là trí. Trí tuệ, thương yêu và bồ đề tâm là chất liệu của hạnh phúc. Chúng ta có thân thị hiện thay vì có thân danh sắc. Ta cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, nhưng trong những tế bào của sáu giác quan đó, tế bào nào cũng có sự thương yêu, tế bào nào cũng có bồ đề tâm, tế bào nào cũng có minh và sự hiểu biết. Vì vậy cho nên chìa khóa của sự thực tập là thắp lên một ngọn đèn. Chúng ta có một bài kệ rất hay để thắp đèn:

Thắp lên một ngọn đèn
Cúng dường vô lượng Bụt
Một tâm niệm an lành
Làm rạng ngời trái đất

Trước khi thắp đèn hay bật đèn, ta thở và mỉm cười khi ta đọc lên bài kệ đó. Một mặt ta thấy có ánh sáng chiếu ra trong phòng của chúng ta, một mặt thì vô minh ở trong tâm nhường chỗ cho minh. Ánh sáng phát sinh một lần trong hai lĩnh vực: trong phòng ta ở là ánh sáng của điện, trong tâm ta là ánh sáng của minh, của chánh niệm. Thực tập bài kệ này là để có hai thứ ánh sáng cùng một lúc. Còn nếu chỉ bật đèn trong thất niệm thôi thì ta chỉ có một thứ ánh sáng, đó là ánh sáng của điện, hay ánh sáng của đèn cầy.

Cho nên mới đi tu là đã được học tập thi kệ chánh niệm liền lập tức. Thi kệ chánh niệm là nghệ thuật thắp đèn trong tâm. Nếu anh không thắp đèn thì làm sao anh có ánh sáng trong tâm được, và vô minh không bao giờ trở thành minh được cả. Khi ngọn đèn của ánh sáng đã thắp lên rồi thì ta bắt đầu thấy. Ta thấy được rằng ta đã bỏ quên em bé bị thương trong ta. Rất tội nghiệp. Ta thấy rằng ta phải thực tập bước chân và hơi thở cho vững chãi để chế tác năng lượng chánh niệm, và để có thể trở về để ôm lấy em bé, an ủi và chữa trị cho nó. Nếu ánh sáng đó đầy đủ thì ta có thể thấy em bé đó không phải chỉ là ta mà cũng là mẹ ta, cha ta. Mẹ ta đã từng khổ đau. Cha ta đã từng khổ đau. Và họ chưa có cơ hội ôm lấy em bé trong họ. Thì bây giờ đây ta làm chuyện đó cho họ, tại vì em bé trong ta cũng là cha ta, cũng là mẹ ta. Thử hỏi có cái Hiếu nào lớn hơn cái Hiếu này không? Đạo Nho nói rất nhiều tới Hiếu, nhưng còn có cái Hiếu nào siêu tuyệt và cao vời bằng cái Hiếu này? Khi mỉm cười, mình cũng mỉm cười cho cha; khi mỉm cười, mình cũng mỉm cười cho mẹ. Mình thực tập để giải phóng cho cha, cho mẹ và cho tổ tiên mình. Và nếu ta thực tập được như vậy rồi, thì những câu hỏi làm cho người ta đau khổ da diết như: Tôi là ai? Ba má tôi có thực sự muốn tôi ra đời hay không? Đời tôi có nghĩa lý gì? Tất cả những câu hỏi đó đều trở thành vô nghĩa. Trong kinh Duyên Sinh cũng như kinh Đại Không hay kinh Trung Đạo Nhân Duyên chúng ta thấy rằng với sự thực tập này ta có thể vượt thoát khỏi những câu hỏi đó, những khổ đau đó. Mình không cần phải về Ái Nhĩ Lan, mình không cần phải đi Trung Quốc mới tìm ra được gốc rễ của mình. Về tới quê xưa tìm gốc rễ. Không, mình chỉ cần ngồi đây thôi và nếu tiếp xúc được với các tế bào trong cơ thể mình là mình đã tìm được gốc rễ mình. Cha mẹ mình, tổ tiên mình, ông bà mình đang có mặt một cách một cách rất đích thực trong từng tế bào của cơ thể. Nói cho cùng, các loài vi khuẩn (bactérie) cũng là tổ tiên của mình, và tuệ giác của các loài truyền tới cho mình là bắt đầu từ lúc đó. Không những các loài hữu tình có tuệ giác, có thương yêu, mà những loài mà ta gọi là vô tình cũng vậy.

Con Người Chánh Niệm

Khoa học bây giờ hay nói tới sự sống như là một vật chất (la matière). Ban đầu thì chỉ là vật chất vô tri (la matierè inerte). Ở Đông phương, trước khi thế giới thành lập, thì có cái gọi là khối càn khôn hỗn độn, Tây phương hay dùng từ la soupe primitve, một thứ cháo lỏng nguyên thỉ, trong đó có những giới tử, điện tử… đủ thứ hết. La matière inerte tức là vật chất bất động, không có sự sống; từ đó mà trở thành la matière vivante, nghĩa là chất sống linh động. Lúc ban đầu thì có những loài nấm, có những con a míp, có những loài rêu, rong, đơn tế bào, đa tế bào, rồi sau mới có con người, tất cả đều được gọi là la matière vivante. Nhưng người ta vẫn ưa dùng chữ matière, tại vì người ta nghĩ ban đầu chỉ có vật chất thôi, nghĩa là chỉ có sắc. Họ không biết rằng sắc luôn luôn ôm danh, và sắc chẳng qua chỉ là đối tượng của danh. Thật ra đối tượng của tưởng cũng là tưởng. Cái mà họ gọi là la matière (matter), trước hết phải là đối tượng của tri giác, nó là tri giác, tức là danh, là tâm. Và vì vậy cho nên tâm ôm lấy vật, mà vật cũng ôm lấy tâm. Tâm và vật, theo đạo Phật, là hai khía cạnh của thực tại. Có khi thực tại ấy hiện ra là tâm, có khi nó hiện ra là vật, nhưng kỳ thực nó không phải là vật, nó không phải là tâm. Cũng như chất điểm (particule élémentaire), mình gọi nó là sóng cũng không được, mà gọi nó là điểm cũng không xong, tại vì có khi nó biểu hiện ra như một dạng sóng, có khi nó biểu hiện ra như một dạng hạt. Kỳ thực nó là cả hai. Nó là sóng. Nó là hạt. Đứng về phương diện hình thức thì hạt không thể là sóng, sóng không có thể nào là hạt được. Một cái particule (hạt) và một cái onde (sóng), hai cái đó nó làm sao là một, nhưng kỳ thực hai cái là một. Cũng như mình vừa là cha vừa là con. Con làm sao là cha được? Nhưng kỳ thực có khi mình biểu hiện ra như cha, có khi mình biểu hiện ra như con. Mình là con, mình cũng đồng thời là cha hay là mẹ. Trái ổi khi mới bắt đầu sinh ra là đã có những hạt ổi ở trong đó rồi. Trái ổi đó nó vừa là con mà nó cũng vừa là cha. Lý luận hình thức nói: nếu đã là cha thì làm sao là con được? Nhưng sự thật thì thực tại tự biểu hiện khi thì là cha, khi thì là con, khi thì là sóng, khi thì là hạt, khi thì là danh, khi thì là sắc. Vậy thì la matière inerte là một với la matière vivante, và từ la matière vivante mình có la matière pensante.

Khoa học nói con người là la matière pensante, tức là cái sắc có suy tư, hoặc là sự suy tư biểu hiện ra sắc. Khoa khảo cổ học gọi tên con người vào giai đoạn đứng thẳng trên hai chân được với cái tên là homo-erectus. Erectus là đứng thẳng trên hai chân. Rồi sau con người lại có tên là homo-sapiens. Homo-sapiens là con người có trí tuệ. Bây giờ có danh từ homo-conscius, con người có ý thức, con người có chánh niệm. Con người có chánh niệm, con người có ý thức, con người bắt đầu biết rằng mình có sanh thì có tử. Thở vào, tôi biết rằng thế nào tôi cũng phải bệnh. Thở vào, tôi biết rằng thế nào tôi cũng phải già. Thở ra, tôi biết rằng thế nào tôi cũng phải chết. Cái đó là con người có ý thức. Chính vì có ý thức, cho nên con người phải đau khổ hơn các loài khác. Từ ý thức đó mà con người có sự lo lắng, ưu tư, sầu khổ, gọi là angoisse, và tâm hành này làm ra bệnh khá nhiều. Con người biết đặt vấn đề đau khổ, vấn đề chết. Các loài khác có nhận thức và trí tuệ nằm ở dưới mức độ thấp hơn, vì vậy không ý thức được là mình đang đau khổ, mình sẽ già, mình sẽ chết, hay mình có thể biến thành hư vô. Con người đau khổ nhiều hơn vì có cái angoisse, cái ưu tư ấy. Chính cái angoisse này đã tạo ra triết học. Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Ngày mai sẽ có còn tôi hay không? Trong quá khứ có tôi hay không? Nếu có tôi thì tôi là gì? Trong quá khứ, tôi có thể là một con cóc hay không? Rồi trong tương lai sẽ có tôi hay là không? Nếu có tôi thì tôi sẽ là con gì? Cái mặt tôi có đẹp hay không? Cái đuôi của tôi có dài hay không? Những câu hỏi như vậy. Tất cả những câu hỏi đó cũng đều có tính triết học. Triết học angoisse. Loài người bị bệnh tâm thần một phần cũng vì cái angoisse đó. Cha mẹ tôi có muốn có tôi hay không? Tôi ra đời có phải do một tai nạn hay không? Có ai thương tôi hay không? Tất cả những câu hỏi đó có thể làm cho ta đau khổ. Trong khi đó, chính cái khả năng có thể ý thức được, gọi là con người chánh niệm, lại cũng là yếu tố cứu tinh cho con người và cho muôn loại. Chính cái ý thức đó giúp cho ta biết rằng tình trạng đi xuống của sinh môi trên trái đất đang là mối hăm dọa cho tất cả các chủng loại. Chính nhờ ý thức đó mà chúng ta biết rằng tình trạng của trái đất đang lâm nguy, tại vì con người đã tàn phá trái đất và làm ô nhiễm sinh môi rất nhiều. Con người đang ý thức được đau khổ đang tràn lan về phương diện áp bức, bất công xã hội, khai thác và điên loạn. Cũng nhờ ý thức này mà con người thấy được và thấy được rồi thì có khả năng tự ngưng lại và giúp người khác ngưng lại để đừng đi tới sự đổ vỡ và tự hủy của cả trái đất. Thành ra, một mặt ý thức ấy đưa ra những lo lắng, ưu tư, buồn khổ, sợ hãi, bệnh tật, nhưng một mặt khác, nếu biết sử dụng ý thức và chánh niệm đó, thì ta thấy được cái tình trạng, và biết mình phải làm gì và không nên làm gì để có thể chuyển hóa, đem lại an lạc, tươi vui và sự sống còn cho nhân loại.

Đức Thế Tôn là mẫu người tốt đẹp nhất của chủng loại homo-conscius, con người chánh niệm, con người đi thẳng, con người khéo léo (homo-habilis), con người biết suy tư (homo-sapiens). Danh từ homo-conscius này đã được bắt đầu sử dụng. Trong khi ăn cơm, ta phải ăn như thế nào để có sự thoải mái, để có hạnh phúc. Chúng ta ngồi quây quần lại để ăn cơm với nhau, đó cũng là một sự thực tập rất sâu sắc, như chúng ta thở, chúng ta đi, chúng ta làm việc trong bếp. Ăn như thế nào mà tổ tiên cùng được ăn với ta, mẹ được ăn với ta, cha được ăn với ta, ông nội được ăn với ta, ông ngoại được ăn với ta. Ta ngồi thoải mái như là một người bình an vô sự, không lo lắng, không buồn phiền, an trú trong hiện tại, tiếp xúc sâu sắc với thức ăn và với tăng thân. Ăn như thế nào mà giải phóng được cho tất cả các thế hệ tổ tiên và con cháu.

Ngày xưa, hồi tôi còn bốn năm tuổi, mỗi lần mẹ đi chợ về thì được một cái bánh ít, hay là bánh in gì đó. Trước khi mẹ về thì mình đã vui rồi. Thành ra mình có thể đi thảnh thơi ở trong vườn, chơi với con ốc sên, chơi với hòn sỏi. Đến khi mẹ về thì mình mừng quá. Cầm lấy cái bánh mẹ cho, đi ra phía sau để ăn một mình. Và mình biết rất rõ là không nên ăn mau, phải ăn chậm chậm, càng chậm chừng nào càng tốt chừng đó. Cắn một miếng nhỏ để cho chất liệu của miếng bánh thấm vào trong lưỡi, rồi nhìn lên trời xanh, rồi cúi xuống, đưa chân phải hất con chó nhè nhẹ, lấy tay trái vuốt con mèo, rồi cắn thêm một miếng thứ hai. Cứ như vậy mà ăn hết cái bánh. Có khi ta để ra cả nửa giờ đồng hồ mới ăn hết cái bánh. Tại vì trong lúc đó ta đâu phải lo lắng về danh, về lợi, về quá khứ, tương lai? Ta hoàn toàn có khả năng sống trong hiện tại. Cái bánh in thời thơ ấu ấy là một cái kỷ niệm. Chúng ta ai cũng đã từng được sống như vậy. Lúc ấy, ta không tham danh, tham lợi, không thao thức về quá khứ, không thao thức về tương lai, không đặt những câu hỏi triết học: Ta là ai? Đời sống ta có nghĩa gì? Nhưng bây giờ ta còn khả năng ăn được một cái bánh hay uống một chén trà như vậy hay không? Chúng ta tới đây là để ta học làm trở lại những gì mà chúng ta đã không có thể làm được nữa. Chúng ta tới đây để học đi trở lại cho vững chãi, cho thảnh thơi, đừng đi như bị ma đuổi. Chúng ta tới đây để học ngồi trở lại cho thoải mái như ngồi trên một đóa sen mà không phải ngồi trên một đống lửa hồng. Chúng ta học thở, học nói, học cười. Chúng ta phải học làm lại tất cả. Ngày xưa, mẹ chúng ta đã từng dạy chúng ta ăn, uống, lật, đứng dậy, đi, nói…, chúng ta đã làm được. Bây giờ, chúng ta lại phải học lại tất cả. Tại vì chúng ta sinh ra một lần thứ hai ở trong ánh sáng của chánh pháp.

_____________________
(Pháp thoại ngày 26.3.1998, xóm Mới trong khóa tu mùa Xuân).