Trở về quê hương đích thực
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 9.12.2012 tại thiền đường Cam Lộ – Xóm Hạ)
Về nhà
Trong văn hóa Tây phương, ngày Noel là ngày đoàn tụ gia đình. Bất kì ai đi đâu cũng phải về nhà, giống như ngày Tết ở Việt Nam vậy. Mình phải trang trí như thế nào để ngôi nhà của mình có vẻ ấm cúng và thoải mái. Tất cả chúng ta, người nào cũng mơ ước có được một mái nhà ấm áp, thân thương, trong đó chúng ta cảm thấy không cần phải đi đâu nữa, không cần phải làm gì nữa, không cần tìm kiếm gì nữa. Cái đó gọi là True Home (ngôi nhà đích thực). Trong chúng ta người nào cũng có khao khát ấy.
Chúa Kitô khi mới sinh ra đã phải chạy tỵ nạn rồi. Ngài sinh ở máng lừa và khi lớn lên, Ngài cũng phải sống lang thang. Có một lần Chúa Kitô đã than thở rằng: “Con chim còn có cái tổ của nó, con thỏ, con chồn cũng có cái hang của nó, vậy mà ta không có chỗ để gối đầu lên”. Chúa Kitô đã than thở như vậy, Chúa không có nhà (homeless) và phải đi tìm kiếm một mái nhà. Siddhatta cũng vậy. Sinh ra trong một gia đình hoàng gia, giàu có, muốn gì cũng được, có vợ đẹp, có con xinh, có tương lai sẽ làm vua,… nhưng Siddhatta không cảm thấy thoải mái ở trong hoàn cảnh đó, không cảm thấy đây là nhà (at home). Vì vậy cho nên Siddhatta phải bỏ nhà ra đi, đi tìm ngôi nhà đích thực (true home) của mình, tức là sự bình an.
Chúa Kitô cũng như Siddhatta đều tìm về một quê hương, một ngôi nhà ấm cúng, trong đó mình không còn phải tìm kiếm gì nữa, mình thoải mái với ngôi nhà của mình. Người Tây phương có câu: “Không nơi nào bằng nhà mình” (There is nothing like home), đi đâu cũng không bằng trở về quê hương của mình. Nhưng có những người trong chúng ta không cảm thấy đang được ở trong ngôi nhà của mình, không cảm thấy là mình đang ở nhà dù là đang ở trong gia đình của mình. Tại vì trong khung cảnh gia đình đó không có sự ấm cúng, không có tình thương, không có sự thoải mái, an lạc.
Có những người trong chúng ta đang ở trong quê hương mình mà cảm thấy muốn bỏ đi, cảm thấy như không có quê hương. Người ta nói chỉ có người Do Thái mới không có quê hương, phải đi tìm một quê hương, đi lang thang trong bao nhiêu ngàn năm để kiếm quê hương. Và tới bây giờ người Do Thái cũng chưa thành lập được một quê hương vững chãi của mình. Nhưng chúng ta là những người Pháp, những người Anh, những người Mỹ, những người Việt, nhiều người trong chúng ta đang có một quê hương, nhưng ở trong đất nước, quê hương đó chúng ta cũng không cảm thấy thoải mái, chúng ta muốn bỏ nước mà đi, bỏ quê hương mà đi. Tại vì chúng ta không có nhà (home), không có “true home” ở trong lòng.
Dầu chúng ta có mua một cây thông về để trang trí, cũng không hẳn là nhờ đó mà chúng ta có quê hương. Trong quê hương phải có tình thương, phải có sự ấm áp, phải có sự mãn ý.
Hải đảo tự thân
Cuối cùng thì Chúa Kitô đã tìm ra được quê hương và đã thắp lên được ngọn đuốc trong lòng Ngài. Chúa đã dạy các đệ tử: “Các ngươi đã có ánh sáng, phải đưa ánh sáng đó ra cho mọi người thấy”. Còn Đức Thế Tôn đã nói rằng chúng ta có thể tìm thấy quê hương đích thực của mình ngay trong giây phút hiện tại. Ngài đưa ra những phương pháp rất cụ thể để mình đi tìm quê hương. Ngài nói rằng trong mỗi chúng ta có một hải đảo rất an toàn, nếu chúng ta trở về được thì chúng ta sẽ gặp tổ tiên huyết thống và tâm linh, chúng ta sẽ thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta sẽ tìm thấy ta. Chỉ trong hải đảo tự thân đó, chúng ta mới cảm thấy an ổn, thoải mái, đầy đủ. Hải đảo đó gọi là hải đảo tự thân (the island within oneself). Siddhatta Gotama đã tìm ra được quê hương và Người cũng muốn cho chúng ta, người nào cũng tìm ra được quê hương đích thực của mình.
Nhớ lại hồi Bụt 80 tuổi và Ngài biết rằng chỉ trong vài tháng nữa là Ngài sẽ đi, Ngài thấy thương các thầy, các sư cô, và bạn bè vì nhiều người trong số đó vẫn chưa tìm được quê hương. Khi nghe tin Thầy mình qua đời, thế nào chúng ta cũng cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Đó là thời gian Bụt đang an cư ở ngoại ô thành phố Vaisali, phía Bắc sông Hằng. Ngài bị bệnh nặng trong mùa an cư đó và thầy Ananda làm thị giả. Thầy Ananda nghĩ rằng Thầy mình sắp mất cho nên đi ra ngoài vườn, núp sau một gốc cây mà khóc. Nhưng sau đó đức Thế Tôn đã dùng sức của mình, gượng lại và sống thêm một vài tháng nữa. Đức Thế Tôn có ý muốn trở về quê hương Kapilavatthu để nhập diệt.
“Này quý vị, mình có một nơi nương tựa và chỉ nên trở về nương tựa nơi đó mà đừng nương tựa nơi một cái gì khác.”. Chỗ nương tựa đó chính là hải đảo tự thân, đó là Pháp, nơi đó có an toàn, có hạnh phúc, có sự ấm áp, có tổ tiên, có gốc rễ, gọi là hải đảo tự thân. Tiếng Pali là Attadipa. Atta tức là tự thân, ‘self’, ‘oneself’. Dipa là hải đảo.
Đây là quê hương đích thực của mình, là hải đảo tự thân. Ở đó có ánh sáng của chánh pháp, nơi đó không có sự tăm tối. Trở về thì có ánh sáng, trở về thì có sự bình an, có an ninh. Tại vì hải đảo là nơi an toàn, không bị những đợt sóng của đại dương cuốn đi. Hình ảnh hải đảo là một hình ảnh rất quan trọng. Trong những bài pháp thoại nho nhỏ mà Đức Thế Tôn đã nói trong những ngày đó, luôn luôn có đề tài “quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Chúng ta có một bài hát Attadipasarana, “sarana” là quay về nương tựa. “Quay về nương tựa hải đảo tự thân”, đó là pháp môn. Nếu ai trong chúng ta cảm thấy chưa có quê hương, chưa có nhà, chưa về tới nơi, vẫn thao thức, vẫn đi tìm, vẫn còn cảm thấy cô đơn,…thì đây chính là phương pháp thực tập. Hãy trở về nương tựa nơi hải đảo tự thân.
Hồi thế kỷ thứ IV hay thứ V gì đó, các thầy đã dịch kinh này ra chữ Hán, các thầy dịch hải đảo tự thân là “tự châu”, “tự” là atta, “châu” là hòn đảo”.“Nhữ đẳng tỳ khưu đương tự châu” (Này các thầy ơi! Hãy trở về nơi hải đảo của chính mình). Đó là lời mà Bụt đã dạy khoảng một tháng trước khi Ngài nhập Niết Bàn.
Quê hương đích thực
Là những học trò của Bụt, những tri kỷ của Bụt, chúng ta nghe lời Bụt. Đừng đi tìm quê hương đó trong không gian và thời gian. Chúng ta phải đi tìm quê hương ngay chính trong trái tim của chúng ta, trong chính hải đảo tự thân của chúng ta.
Chúng ta sẽ gặp được tổ tiên tâm linh và huyết thống, chúng ta sẽ gặp được suối nguồn gốc rễ của chúng ta, chúng ta sẽ có bình an, có sự an ổn, có ánh sáng. “Hãy nương tựa nơi hải đảo tự thân, hãy nương tựa vào pháp mà đừng nương tự vào một ai khác”. Bụt có tình thương rất lớn, Ngài biết rằng số đệ tử sẽ cảm thấy bơ vơ rất đông, cho nên Ngài dạy như vậy.
Hình hài của tôi không phải là một cái gì vĩnh cửu. Cái đáng cho quý vị nương tựa chính là hải đảo tự thân của quý vị, nó luôn có đó cho quý vị, quý vị không cần phải đi máy bay hay đi xe bus mà vẫn tới được hải đảo tự thân bằng hơi thở và bằng bước chân. Noel này nếu quý vị có mua một cây “sapin” về để trang trí, quý vị nên biết rằng quê hương không nằm ở ngoài. Nó nằm trong lòng mình!
Và quê hương đó không phải nhiều năm mình mới về được, phải đi xa mới về tới được. Nếu mình biết cách, nếu mình biết sử dụng Niệm và Định thì mình có thể về được trong một hơi thở, trong một bước chân. Quê hương không phải là một nơi chốn xa cách bởi không gian và thời gian. Quê hương có thể có mặt trong giờ phút hiện tại nếu mình biết trở về.
Thông điệp thương yêu
Ngày hôm qua, Thầy nghĩ rằng thông điệp mà mình muốn gửi đến các bạn trong mùa Giáng Sinh này phải là một thông điệp có thể giúp các bạn tu tập, giúp các bạn có thể làm được như chúa Kitô, như Bụt Sakya. Thầy đã nghĩ ra và Thầy viết thư pháp như thế này: “There is no way home”, nghĩa là không có con đường nào đưa về quê hương hết và thầy viết thêm: “Home is the way”, tức quê hương chính là con đường. Cứu cánh và phương tiện không phải là hai cái. Không có con đường đưa về quê hương mà quê hương chính là con đường. Khi mình bước một bước trên con đường đó là mình về quê hương liền.
Điều đó rất trung thực với giáo pháp của Làng Mai: “There is no way to happiness, happiness is the way” (Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường). Tuần trước mình đã có câu:“There is no way to Nirvana, Nirvana is the way” (Không có con đường đưa đến Niết Bàn, Niết Bàn chính là con đường). Mỗi bước chân, mỗi hơi thở của mình đều có khả năng đưa mình trở về quê hương liền lập tức, bây giờ và ở đây. Đó là pháp môn của Làng Mai. Đó là thông điệp của Thầy gửi cho các thân hữu vào dịp Giáng Sinh năm nay. Nếu cần chúc Giáng Sinh hay chúc Tết, quý vị có thể gửi câu này. Nhưng nếu quý vị có thực tập thành công thì gửi mới có giá trị, còn nếu gửi không thì không có giá trị bao nhiêu.
Sư cô Giải Nghiêm có viết một bài hát bắt đầu bằng câu: “Quê hương đi về trên mỗi bàn chân”. Hễ mình đi mà có chánh niệm thì đó là quê hương, vượt ngàn trùng xa cách đi về tới quê hương bằng từng bước chân. Có biết bao nhiêu con đường đẹp để cho mình đi như vậy, như những con đường ở Xóm Mới, Xóm Thượng, Sơn Hạ, Xóm Hạ. “Bao nhiêu con đường mở ra độ lượng”, mỗi bước chân đều đưa về quê hương. Hạnh phúc như vậy mà không biết hưởng thụ thì rất uổng.
Tại vì “an vui nơi này” là “an khắp mọi phương”, đừng lo cho gia đình, đừng lo cho đất nước. Mình phải có an, có vui trước thì gia đình, đất nước mới có một cơ hội. Sư cô Giải Nghiêm cũng như chúng ta, chỉ cần làm theo mấy câu hát đó là đã thành công rồi, không cần phải học thiên kinh vạn quyển mới được. Thành ra khi mình hỏi: “Quê hương của tôi ở đâu?”, thì quê hương của anh nó nằm trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở của anh. Nếu anh có một ít niệm, một ít định và tuệ thì mỗi bước chân của anh là quê hương, mỗi hơi thở của anh là quê hương. Chúng ta phải thực tập và thực tập ngay bây giờ. Quê hương rất mầu nhiệm.