Miễn được lòng rồi, chẳng cần phép khác
Trích pháp thoại ngày 05.01.2014 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kiết Đông 2013-2014
Ăn cơm với nhau như một gia đình
Ở Làng Mai, trong thời khóa mỗi ngày chúng ta có cơ hội ngồi với nhau, như ngồi nghe pháp thoại, ngồi thiền, ngồi ăn cơm chung, v.v… Đó là văn hóa. Trong xã hội mới, một tiểu gia đình gồm có hai vợ chồng và một, hai hay ba đứa con. Nhưng bây giờ chúng ta bận rộn đến nỗi không có thì giờ để ngồi chung với nhau như một gia đình. Chúng ta không có cơ hội ăn cơm với nhau như một gia đình. Người ăn trước, người ăn sau cho tiện với thời khóa của từng người. Chúng ta đã đánh mất rất nhiều. Ngày xưa trong bữa cơm gia đình, không người nào được phép vắng mặt. Người không đói cũng phải ngồi chung, tại vì giờ ăn cơm là giờ linh thiêng. Bây giờ ta cho là mình văn minh hơn nhưng thật ra ta không văn minh hơn ngày xưa. Chúng ta không có thì giờ ngồi với nhau, ăn cơm với nhau. Ngày xưa gia đình ngồi với nhau rất nhiều. Những buổi tối trăng lên cả gia đình ra sân ngồi ngắm trăng bên bụi tre và nói chuyện với nhau. Có những hôm trăng sáng quá thì cả nhà ăn cơm dưới ánh trăng. Đó là văn minh.
Bây giờ ta có quá nhiều công việc nên ta không có thì giờ ngồi với nhau. Ta làm việc quá nhiều để có nhiều tiền lương hơn, nhưng thật ra chúng ta không hạnh phúc bằng ngày xưa. Trong tương lai, nếu muốn hướng tới hạnh phúc thì ta phải tổ chức lại nếp sống gia đình để trong một ngày gia đình có cơ hội ngồi chơi với nhau. Và bữa cơm là một cơ hội rất quan trọng. Mọi người đều có mặt trong bữa cơm. Trước khi ăn chúng ta nhìn nhau và thở để thấy người thương của mình đang còn sống. Điều này không khó, nhưng nó đã trở nên rất khó tại vì tổ chức xã hội đã thay đổi. Vì vậy trong một trung tâm tu tập như Làng Mai, chúng ta đã cố giữ lại những giá trị đó, giá trị của một gia đình. Mỗi ngày chúng ta có giờ để ngồi với nhau mà không cần nói. Chúng ta ngồi yên lặng với nhau, ít nhất là trong giờ ngồi thiền. Mỗi ngày chúng ta có cơ hội đi với nhau. Mấy trăm người đi với nhau mà không cần nói, đi từng bước thảnh thơi lên đồi. Đó gọi là văn minh. Chúng ta thấy và trân quí sự có mặt của nhau. Tất cả mọi người đều có mặt trong bữa ăn. Dù không đói nhưng ta vẫn có mặt, đó là cơ hội để chúng ta thấy mặt nhau, ta có mặt cho nhau.
Ở Làng Mai, trước khi ăn cơm ta đọc lời quán nguyện: Chúng ta hãy ăn cơm như thế nào để có sự thảnh thơi, có tình huynh đệ và có hạnh phúc. Ăn cơm là một cơ hội để chế tác ra thảnh thơi, hạnh phúc và tình huynh đệ.
Chế tác sự thảnh thơi trong khi ăn cơm
Trong tiếng Việt có những danh từ tương đương với sự thảnh thơi như sự rỗi rảnh, sự rảnh rang. Rảnh rang có nghĩa là không bị bận rộn quá. Trong xã hội ngày nay hình như mọi người đều quá bận rộn, không có được sự thảnh thơi.
Chúng ta cũng có chữ nhàn 閒, nhàn tức là không quá bận rộn. Chữ nhàn 閒 được làm bằng chữ môn 門 tức là cái cửa (door) và chữ nguyệt 月tức là trăng. Nhìn ra cửa thì thấy có ánh trăng, chỉ những người người thảnh thơi không bận rộn mới thấy được ánh trăng ngoài cửa (Nguyệt lai môn hạ nhàn). Trong đạo Bụt có chữ vimukti tức là giải thoát, không bị ràng buộc. Mục đích chính của người tu là làm thế nào để không bị ràng buộc. Chúng ta tự ràng buộc lấy mình bằng những sợi dây hay là ta bị người khác ràng buộc. Bị ràng buộc thì ta không có tự do, không có sự thảnh thơi. Những sợi dây ràng buộc lớn là sự bận rộn, lo lắng (worry), giận hờn, ganh tị, sợ hãi, thèm khát, mặc cảm. Ta mặc cảm là mình hơn người, mình thua người, hay là mình bằng người. Nặng nhất là sợi dây si mê, tức không hiểu được, không thấy được. Ta có những cái thấy sai lầm về bản thân mình, về người kia và về thế giới. Những cái thấy sai lầm đó làm ta khổ rất nhiều. Vì vậy ta cần phải cắt đứt (đoạn) những sợi dây đó. Cắt đứt được những sợi dây ràng buộc thì ta có sự thảnh thơi tức sự giải thoát.
Trong tiếng Việt cổ có chữ rồi, sau này chữ rồi trở thành chữ rỗi. Ngày xưa vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi lại cho con để trở thành một ông thầy tu. Vua đi tìm sự thảnh thơi tại vì làm chính trị thì lo lắng rất nhiều. Đi tìm sự thảnh thơi không có nghĩa là không làm gì gì cả, mà là đi tìm một phương pháp tu học để cởi dần những sợi dây trói buộc mình. Tu không phải là để trốn đời. Vua Trần Nhân Tông sau khi đi tu vẫn còn làm hết sức mình để giúp nước. Vua con ngồi trên ngôi làm chính trị, còn vua cha thì đi xuất gia làm đạo đức. Vua đã để rất nhiều thì giờ đi chu du trong nước để gặp gỡ dân chúng, khuyên họ nên bỏ ác làm lành, giữ giới và ăn ở hòa thuận với nhau. Đó là sự dấn thân, là công việc lo về mặt đạo đức, luân lý cho dân. Vua Trần Nhân Tông, tuy ở trên núi Yên Tử nhưng không xa lánh cuộc đời. Vua làm thầy tu để có cơ hội cởi bỏ những sợi dây ràng buộc và giúp đời nhiều hơn. Trong một bài phú bằng chữ nôm “Cư trần lạc đạo“ (hồi đó đã có chữ nôm, phần lớn những sáng tác được viết bằng chữ Hán nhưng cũng có người từ đời Trần đã sử dụng chữ nôm), vua viết:
Miễn được lòng rồi, chẳng cần phép khác
"Lòng rồi" là "lòng rỗi", là sự thảnh thơi. Quan trọng nhất là sự thảnh thơi. Không có phép tu nào quan trọng hơn là phép tu để có được sự thảnh thơi. Mỗi người chúng ta, khi có cơ hội ngồi xuống thì nên nhìn xem mình bị sợi dây nào trói buộc. Ta phải nhận diện sợi dây đang trói buộc mình rồi ta mới bắt đầu cởi nó ra được. Ta không có hạnh phúc là tại vì ta đang bị ràng buộc. Giải thoát là cởi trói. Có khi ta đang bị sự giận hờn theo đuổi và không có giây phút nào mà ta có hạnh phúc. Sự giận hờn là một sợi dây. Học Phật pháp, ta có thể thấy được phương pháp tháo sợi dây giận hờn đó ra khỏi mình. Sợi dây giận hờn có thể trói ta suốt đời và suốt đời ta sẽ không có hạnh phúc nên ta phải tìm cách cắt tung sợi dây đó. Có người mang một mối thù suốt đời, những người đó không bao giờ có được tự do. Có người mang sợi dây thèm khát như thèm một chức vụ, một danh vọng hay một địa vị nào đó. Khi còn chạy theo một đối tượng của sự thèm khát thì ta còn bị sợi dây ràng buộc, ta không có khả năng có hạnh phúc. Cái đức lớn nhất của con người là có khả năng có hạnh phúc (the capacity to be happy). Chúng ta hãy tự hỏi là mình có khả năng có hạnh phúc hay không? Do I have the capacity to be happy? Nếu câu trả lời là không thì chúng ta phải hỏi:
– Tại sao tôi không có khả năng đó?
Câu trả lời sẽ là:
– Tại vì anh đang bị những sợi dây trói buộc.
Ví dụ mọi người đang đi thiền với nhau. Đi thiền là một cơ hội để chúng ta buông bỏ tất cả những lo lắng, những dự án của mình. Ta bước từng bước như thế nào để những bước chân đem lại hỷ và lạc. Trên phương diện lý trí, chúng ta biết mỗi bước chân thảnh thơi có chánh niệm có thể giúp cho ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Những mầu nhiệm của sự sống có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu cho ta.
Mỗi bước chân là nuôi dưỡng
Mỗi bước chân là phép lạ
Mỗi bước chân là trị liệu
Mỗi bước chân là niềm vui
Có thân người, có được hai chân để đi dạo trên hành tinh này là một cơ hội rất lớn. Nếu có niệm và định thì mỗi bước chân đem lại cho ta nhiều hỷ và lạc.
Nhưng trong khi đi chung với nhau thì tại sao những người khác chế tác được hỷ và lạc trong từng bước chân còn ta thì không thể. Câu trả lời là tại vì ta đang bị một sợi dây nào đó trói buộc, ta không có thảnh thơi, ta không có giải thoát. Trong khi những người khác thưởng thức được những bước chân của họ thì ta đi như một cái máy. Ta chỉ đi hình thức, thiền đi của ta không có nội dung, không nuôi dưỡng được ta, không tạo được cho ta hạnh phúc. Chúng ta phải ngồi xuống và tự hỏi là ta đang bị sợi dây nào trói buộc và ta phải tìm cách gỡ sợi dây đó ra. Với ý chí thôi chưa đủ, ta phải cần có thông minh mới có thể cởi trói được. Ta phải có sự thức tỉnh, không có lẽ ta cứ bị sợi dây giận hờn, hận thù, thèm khát này trói mãi sao? Đời sống có bao lâu mà mỗi ngày ta không có khả năng tạo dựng hạnh phúc? Đi không có hạnh phúc, ngồi không có hạnh phúc, ăn cơm ta cũng không có hạnh phúc. Cái đó có đáng để ta theo đuổi hay không? Khi có cái thấy (tuệ giác) thì ta có thể buông bỏ và cởi trói được. Ta thấy mình đang dại dột làm uổng phí cuộc đời của mình. Khi có cái thấy sáng thì ta có thể buông ra được. Quan trọng nhất là sự thảnh thơi của mình, không có sự thảnh thơi thì không có gì hết.
Trong nền văn mình hiện đại rất ít người có được sự thảnh thơi, người nào cũng bận rộn. Có những người rất giàu, họ có hàng chục, hàng trăm triệu dollars trong trương mục nhưng họ không có thảnh thơi hạnh phúc. Có những người có danh thật lớn, có thật nhiều quyền lực nhưng họ không hạnh phúc tại vì họ không có sự thảnh thơi. Vua Trần Nhân Tông nói rất đúng: Miễn được lòng rỗi, chẳng cần phép khác.
Trước khi ăn cơm chúng ta đọc: Xin đại chúng ăn cơm như thế nào để có sự thảnh thơi. Đó là sự thực tập. Ngồi ăn cơm mà ta cứ để những sợi dây ràng buộc thì ngồi với huynh đệ, với chúng cũng bằng như là không ngồi. Ta bị bắt buộc phải vô ngồi nhưng ta ngồi không có hạnh phúc. Trong khi đó thì có người ăn mà trong mỗi hơi thở, mỗi miếng cơm họ đều có hạnh phúc. Ta không có hạnh phúc tại vì ta không có sự thảnh thơi, vì vậy sự thảnh thơi là quan trọng nhất. Ta phải tranh đấu để có được sự thảnh thơi.
Chế tác tình huynh đệ trong khi ăn cơm
Tình huynh đệ nuôi dưỡng chúng ta. Giữa hai vợ chồng phải có tình huynh đệ. Trong văn hóa Việt Nam người vợ gọi chồng mình là anh (my brother) và người chồng gọi vợ mình là em (my sister). Vợ chồng là một cặp huynh đệ (une fraternité amoureuse). Giữa cha con với nhau cũng phải có tình huynh đệ. Người kia là con trai mình nhưng cũng là người anh em, là đồng chí của mình. Có những cặp cha con chơi với nhau như hai anh em và những cặp mẹ con chơi với nhau như hai chị em. Thầy trò cũng là một cặp huynh đệ. Đệ tử tiếp nối thầy, chia sẻ, muốn thực hiện những giấc mơ của thầy thì giữa thầy và đệ tử có tình huynh đệ. Chữ đệ tử có nghĩa là vừa là con, vừa là em (đệ là em, tử là con). Ta là một sư anh thì sư em cũng là đệ tử của mình. Chăm sóc cho em tức là chăm sóc cho con mình. Không có tình huynh đệ thì không có gì hết. Có tình huynh đệ thì ta được nuôi dưỡng, ta có hạnh phúc. Với hạnh phúc đó ta có thể tổ chức và hướng dẫn cho những người khác tu tập để họ cũng được hạnh phúc. Mục đích chính của một trung tâm tu học là sống với nhau như thế nào để chế tác được sự thảnh thơi và tình huynh đệ.
Tình huynh đệ là vốn liếng của chúng ta. Không có tình huynh đệ thì ta không có đủ vốn để đầu tư vào sự nghiệp. Chúng ta ở với nhau như anh chị em. Mỗi ngày ta phải chế tác tình huynh đệ, vốn của ta càng lớn thì ta làm ăn càng lời tức là giúp được rất nhiều người trong thế gian. Trong khi chúng ta tổ chức một khóa tu 1300 người mà có tình huynh đệ thì tình huynh đệ đó sẽ chuyển hóa được tâm thức của người đến tu. Họ tiếp xúc với chúng ta và có chuyển hóa, không phải vì ta nói pháp thoại thao thao bất tuyệt mà chính vì trong khi đi, đứng, nằm, ngồi và tiếp xử chúng ta tỏa chiếu sự thảnh thơi và tình huynh đệ.
Tại Làng Mai, các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ thường trú không có lương tiền nhưng họ có tình huynh đệ. Và họ được nuôi dưỡng bằng tình huynh đệ đó. Tình huynh đệ càng lớn thì sự nghiệp độ đời càng lớn. Vì vậy để đầu tư cho tương lai chúng ta phải có sự thảnh thơi và tình huynh đệ thì mới thành công.
Chế tác hạnh phúc trong khi ăn cơm
Trong mỗi bữa cơm chúng ta mở đầu trước khi đọc năm quán: Xin đại chúng ăn cơm như thế nào để có được sự thảnh thơi, có tình huynh đệ và có được niềm vui trong khi ăn. Như vậy trong bữa cơm chúng ta được nuôi dưỡng. Ta được nuôi dưỡng không chỉ bằng thức ăn (đoạn thực) mà còn bằng ba loại năng lượng đó. Ta ngồi ăn cơm như thế nào để có sự thảnh thơi. Ở ngoài đời bây giờ người ăn cơm không thảnh thơi, người ta ăn mau cho xong để đi làm chuyện khác. Trong khi đó chúng ta ăn càng chậm càng tốt, tại vì ăn chậm thì chúng ta có nhiều thì giờ ngồi với nhau hơn. Ở Pháp người ta quảng cáo một loại yogourt như thế này: Mange doucement pour que ça dure longtemps. Ăn chậm để cho lâu hết, ăn từng muỗng và ngậm mà nghe.
Tình huynh đệ trong khi ngồi ăn cũng vậy. Ta ý thức được có anh chị em, những người cùng một tâm chí đang ngồi với ta. Chúng ta đã chọn làm anh chị em với nhau và cùng đi trên một con đường. Ta được nuôi dưỡng không những bởi thức ăn mà ta còn được nuôi dưỡng bằng tình huynh đệ. Ta ăn thong thả và thấy rằng: Tu là ăn cơm, ăn cơm là tu. Ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi, đó là một bí quyết. Anh cũng lấy cơm và vào ngồi với chúng tôi, nhưng không biết anh có thảnh thơi hay không? Hay là anh đang suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, anh đang giận hờn? Anh không ăn cơm, anh chỉ ăn những đau buồn, giận hờn của anh mà thôi. Ăn như vậy không có ích lợi gì cho sức khỏe của anh. Thay vì ăn cơm, ăn sự thảnh thơi, tình huynh đệ và hạnh phúc thì anh ăn sự giận hờn, lo lắng. Anh chỉ thực tập hình thức.
Bữa cơm là một sự thách thức, ăn cơm như thế nào để trong 40 phút đó ta có sự thảnh thơi, có tình huynh đệ và có hạnh phúc. Trưa hôm nay chúng ta sẽ ăn cơm ở đây và chúng ta hãy thách thức xem mình có ăn cơm được như vậy hay không? Đó là sự thực tập. Nếu trong khi ăn cơm mà ta có được sự thảnh thơi, có tình huynh đệ và có hạnh phúc thì chúng ta cũng đi thiền được như vậy, và đến khi rửa bát hay chấp tác thì ta cũng làm được như vậy. Có hạnh phúc rồi thì ta mới giúp được cho người khác có hạnh phúc. Nếu không thì ta có gì để cho người kia?
Thực tập như một cơ thể
Nếu chú ý thì quí vị thấy trước khi quí thầy, quí sư cô tụng kinh chúng ta đọc bài quán niệm: Xin đại chúng hãy cùng nhau thở như một cơ thể. Trong khi thở chúng ta thấy sự có mặt của huynh đệ. Ta thở vào thì những người khác cũng đang thở vào, ta thở ra thì những người khác cũng đang thở ra. Thở vào, ta làm cho thân và tâm ta êm dịu xuống. Trong khi đó các huynh đệ cũng làm như ta:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
Khi thực tập với tính cách của một cộng đồng thì chúng ta sẽ thấy tình huynh đệ thật rõ ràng. Nghe một tiếng chuông, tất cả đều ngưng sự suy nghĩ, sự nói năng và bắt đầu để ý tới hơi thở vào, làm cho tâm và thân lắng dịu xuống. Nếu có mấy trăm người cùng thở như vậy thì năng lượng tập thể của niệm và định trở nên rất hùng hậu. Đó gọi là đồng bộ (synchroniser). Đó là thức ăn, và ngồi trong đó chúng ta sẽ được chuyển hóa. Trong khi thở như vậy chúng ta tạo ra năng lượng tập thể của sự bình an. Chúng ta nuôi nhau bằng năng lượng tập thể đó. Trong khi thở ta nuôi anh, nuôi chị, nuôi em của mình. Tới đây để thực tập thì chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Thở được một hơi có an, có lạc, có hỷ thì không những ta nuôi ta mà ta còn nuôi tất cả mọi người. Và nếu người kia đi được một bước chân có an lạc thì họ tự nuôi họ và họ cũng nuôi được ta. Thực tập như một đoàn thể là chúng ta nuôi nhau bằng năng lượng của niệm, định và tuệ, năng lượng đưa tới sự thảnh thơi, tình huynh đệ và hạnh phúc.
Xin đại chúng hãy thở như một cơ thể, xướng tụng như một cơ thể. Không còn cái ta nữa, chúng ta đi như một dòng sông mà không đi như những giọt nước. Khi hòa vào đại chúng và đi như một dòng sông thì những đau buồn của ta sẽ được năng lượng tập thể ôm ấp. Ta sẽ được nhẹ đi rất nhiều. Nếu ta hành xử như một giọt nước thì những đau buồn của ta vẫn còn y nguyên. Ngồi trong đại chúng, đi trong đại chúng, thở với đại chúng thì ta phải buông bỏ cái ngã của mình. Ta cùng thở với chúng như một cơ thể, ta phải xướng tụng với chúng như một cơ thể và ta phải nghe như một cơ thể. Khẩu hiệu của Làng Mai là: Đi như một dòng sông mà không đi như một giọt nước. Đi như một giọt nước thì ta giữ lấy cho riêng mình những khổ đau, những bức xúc. Nương vào tăng thân, để tăng thân ôm ấp, hướng dẫn thì ta có cơ hội được chuyển hóa nhờ năng lượng tập thể của niệm, định, tuệ, của sự thảnh thơi và sự bình an. Vì vậy trong truyền thống đạo Bụt, quy y Phật và quy y Pháp thôi chưa đủ mà chúng ta còn phải quy y Tăng. Tăng có năng lượng tập thể giúp cho ta chuyển hóa dễ dàng hơn. Muốn sự thực tập được lâu bền thì ta phải nương tựa vào một đoàn thể tu học. Nếu chưa có thì ta phải tìm cách tạo dựng ra một đoàn thể tu học ở địa phương của mình.
Quán chiếu trong khi nghe hô canh hay khi trong khi hát thiền ca
Trước khi ngồi thiền chúng ta có bài hô canh. Bài hô canh buổi chiều là:
Vững thân ngồi dưới cội bồ đề
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi
Vững thân ngồi dưới cội bồ đề có nghĩa là ta ngồi xuống đây giống như Đức Thích ca ngồi dưới cội bồ đề. Đây là một cơ hội, ta phải ngồi cho vững.
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi: Trong khi thở vào, thở ra, việc đầu tiên là ta phải làm lắng dịu ba nghiệp thân, khẩu và ý. Thân là hình hài này, ta làm nó lắng dịu lại. Ta im lặng, không nói năng và không suy nghĩ nữa. Ta không còn suy nghĩ “anh đúng tôi sai hay tôi đúng anh sai“ nữa. There is no longer any thought of right and wrong. Trong đời sống hàng ngày chúng ta bị cột bởi sợi dây “anh sai tôi đúng“, “anh đã gây ra cho tôi bao đau khổ, anh phải chịu trách nhiệm cho bao đau khổ đó còn tôi chỉ là nạn nhân mà thôi“. Khi ngồi thiền ta phải buông bỏ tư tưởng “đúng và sai, ai đúng ai sai, ai thị ai phi“. Khi ngồi thiền ta phải làm được chuyện này trong những hơi thở đầu tiên. Ta ngồi cho vững, làm thoải mái thân-khẩu-ý và chấm dứt tư tưởng “ai đúng ai sai“.
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm
Rõ soi diện mục thoát bờ mê
Thân và tâm được đặt vào trong chánh niệm và ta có ánh sáng soi để biết mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu, mình là ai. Do đó ta có thể rời bỏ bờ bên này, bờ của giận hờn, buồn tủi, lo lắng, sầu khổ để đi sang bờ bên kia, bờ của thảnh thơi, giác ngộ.
Bài hô canh buổi chiều cũng như bài hô canh buổi sáng là sự nhắc nhở. Khi nghe bài hô canh ta phải quán chiếu. Ta phải đem áp dụng ngay vào thân của mình. Ta phải để bài hô canh đi vào thân, đi vào hệ thần kinh của mình. Ta phải đưa những tuệ giác, những ước muốn đó đi vào trong cơ thể của mình.
Trước khi đi thiền chúng ta cũng đứng thành vòng và hát một vài bài. Những bài hát đó là để hướng dẫn ta đi thiền hành chứ ta không hát để mà chơi. Ví dụ như ta hát“Ta hạnh phúc liền giây phút này“ là để nhắc nhở ta bước như thế nào, ta thở như thế nào để mỗi bước chân là một huyền thoại, mỗi hơi thở là một truyền kỳ. Chúng ta làm được chuyện này và khi làm đã quen thì ta sẽ tạo ra những đường thần kinh mới (new neural pathway) dẫn ta đi tới hạnh phúc. Thay vì những con đường mòn suy tư cũ đưa tới giận hờn buồn tủi, ta vạch ra những con đường mòn mới đưa tới hạnh phúc. Đó là thói quen rất tốt. Cũng như thói quen nghe chuông, nghe tiếng chuông nhấp thì không cần phải cố gắng ta tự động ngưng suy nghĩ, ngưng nói năng và bắt đầu để ý tới hơi thở vào. Tại Làng Mai mọi người đều làm như vậy mà không cần phải cố gắng gì cả, nó đã trở thành ra con đường mòn của chánh niệm. Nghe một tiếng chuông thì tự nhiên ta ngưng suy nghĩ, ngưng nói năng và bắt đầu để ý tới hơi thở vào, ta thở vào và làm cho thân lắng dịu xuống. Đó là sự học hỏi của tàng thức. Tu là học cách nuôi mình, nuôi bằng sự thảnh thơi, bằng tình huynh đệ, bằng hạnh phúc trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, rửa bát, ăn cơm. Nuôi được mình rồi thì ta có thể nuôi được người khác như huynh đệ mình, con mình, chồng mình, vợ mình, bằng hữu của mình.