Hạnh phúc là con đường (I)
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 25 tháng 09 năm 2003, chúng ta đang ở tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, trong khóa tu mùa Thu.
Hiện Pháp Lạc Trú
Chúng ta thường nói tới con đường: con đường đưa tới giải thoát, con đường đưa tới hạnh phúc, con đường đưa tới hòa bình. Khi có ý niệm về con đường thì chúng ta đồng thời có ý niệm là chúng ta vẫn còn đang trên con đường đó, nghĩa là chúng ta chưa tới. Nếu chúng ta đang trên con đường đi tới hạnh phúc, thì chúng ta chưa có hạnh phúc. Nếu chúng ta đang trên con đường đi tới hòa bình, thì chúng ta chưa có hòa bình.
Nếu chúng ta đang trên con đường đi tới giải thoát, thì chúng ta chưa có giải thoát, giải thoát là vấn đề tương lai. Cái ý niệm về con đường có thể gây ra hiểu lầm, có thể gây ra tai hại, một khi chúng ta nói tới con đường như là quá trình phải đi tới. Trong khi đó tại Làng Mai có câu: “There is no way to happiness, happiness is the way”, là không có con đường nào đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. “There is no way to peace, peace is the way”, không có con đường nào đưa tới hòa bình cả, hòa bình chính là con đường. Giải thoát cũng vậy. Không có con đường nào đi đến giải thoát, giải thoát chính là con đường. Đó là pháp môn của Làng Mai.
Chúng ta tu học như thế nào để có được giải thoát, có được hạnh phúc, có được hòa bình ngay trong giây phút hiện tại, mà đừng nghĩ rằng giải thoát, hòa bình và hạnh phúc là cái gì chỉ có thể đạt tới trong tương lai. Theo nguyên tắc đó, trong quá trình tu học, chúng ta phải tiếp xúc được với hạnh phúc, giải thoát và hòa bình ngay trong giây phút hiện tại, tại vì không có con đường đi tới hạnh phúc, không có con đường đi tới giải thoát, không có con đường đi tới hòa bình. Hạnh phúc là con đường mình đang đi, đi mà có hạnh phúc. Giải thoát là con đường mình đang đi, vừa đi vừa giải thoát. Hòa bình là con đường mình đang đi, và mình phải có hòa bình trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Đó là sự thực tập của chúng ta. Có như vậy chúng ta mới thật sự thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú.
Hạnh phúc là cái gì có thật hay không? Mỗi chúng ta ai cũng có kinh nghiệm những giây phút hạnh phúc, và cố nhiên là chúng ta cũng đã có những giây phút khổ đau. Chúng ta thường hỏi: ‘Hạnh phúc đó có phải là hạnh phúc chân thật hay không? Khổ đau đó có phải là khổ đau chân thật không ? Hay tự ta làm khổ ta ?’ Cho nên xét lại cái quan niệm về hạnh phúc và khổ đau là một sự thực tập.
Giáo lý Tam Pháp Ấn, theo đạo Bụt Bắc Truyền là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn, là ba đặc tính của thực tại, nghĩa là thực tại là Vô Thường, thực tại là Vô Ngã, nhưng thực tại cũng là Niết Bàn. Trong khi đó, ba đặc tính của thực tại trong Đạo Bụt Nam Truyền là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.
Nếu thực tại là Khổ thì làm sao ta có hạnh phúc được. Chúng ta nhìn vào cái bàn này, chúng ta nói cái bàn này là Vô Thường, cái đó hiểu được. Chúng ta nói cái bàn này là Vô Ngã, không có cái ngã riêng biệt, nếu không có những yếu tố như là cây, rừng hay là thợ mộc… thì cái bàn này không thể nào có được, vì vậy nói cái bàn là vô ngã thì ta có thể hiểu được. Nhưng nói cái bàn là khổ thì thật là khó hiểu. Bàn ơi mi có khổ không ? Sự thật là khi cái bàn là vô thường mà ta nghĩ là nó thường thì ta khổ, khi cái bàn là vô ngã mà ta nghĩ là nó có ngã thì ta khổ. Cái khổ này không nằm trong cái bàn, mà nó nằm trong cái cách ta nhìn cái bàn. Nhìn cái bàn và cho nó là thường, là ngã, thì ta khổ thôi. Khổ không phải là bản chất của thực tại. Khổ là kết quả của cái cách ta nhìn về thực tại.
Có một kinh trong hệ A Hàm (thuộc Đạo Bụt Bắc Truyền) đã sử dụng cụm danh từ Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn tới năm lần trong kinh này. Trong khi đó, ở thế kỷ thứ hai, thầy Long Thọ đã nói tới Tam Pháp Ấn là Vô thường, Vô Ngã và Niết Bàn, mà không phải là Vô Thường, Vô Ngã và Khổ. Chúng ta thấy rõ là có một sự sai lầm trong khi truyền thừa kinh điển. Có những thế hệ Phật tử đã quá bị ám ảnh bởi cái danh từ Khổ, tại vì khi học Tứ Diệu Đế thì sự thật đầu tiên là Khổ đế, cho nên họ đã muốn nhìn tất cả bằng cái nhãn quang là Khổ. Có nhiều người thực tập cho rằng nếu họ không tự nhắc ‘đời là khổ’, thì họ không chứng đạo được, vì vậy cho nên họ cứ lặp lại ‘đời là khổ, đời là khổ’. Và lâu dần, ‘đời là khổ’ trở thành ra một cái giáo điều. May mắn cho chúng ta là giáo lý về Tam Pháp Ấn có ở trong một vài kinh được trao truyền lại trong Đạo Bụt Bắc Truyền, thì ba đặc tính của thực tại là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn. Chúng ta còn nhớ một bài kệ rất nổi tiếng, trong đó có nói Niết Bàn là hạnh phúc. Bài kệ đó là:
Chư hành vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi Lạc
‘Chư hành vô thường’ dịch ra tiếng Anh là all formations are impermanent. Formation là danh từ chuyên môn của đạo Bụt. Chữ hành có nghĩa là hiện tượng, tiếng Phạn là samskara. Cái bàn là một hành, do đó cái bàn là vô thường (chư hành vô thường); cái chuông là vô thường, ta là vô thường, cái nhà là vô thường, núi sông là vô thường, tất cả những cái đó là đều là hành cả. Chư hành vô thường tức là tất cả mọi hiện tượng đều là vô thường. Thị sinh diệt pháp, chúng nó đều là những pháp phải đi ngang qua Sinh và Diệt. Sinh Diệt diệt dĩ. Sinh là birth, Diệt là death. Dĩ là xong rồi. Một khi ý niệm sinh diệt đã được lấy ra rồi, đạt tới sự vắng lặng rồi, thì tịch diệt vi Lạc, tức là sự vắng lặng đó là hạnh phúc. Chữ tịch diệt này nghĩa là Niết Bàn. Nirvana có nghĩa là extinction, tức là không còn nữa, là vắng lặng, là sự tắt ngấm. Sinh và Diệt là một cặp đối nghịch, có sinh thì có diệt, hễ còn sinh thì còn diệt, hễ vượt thoát sinh diệt thì gọi là Niết Bàn. Niết Bàn là sự vắng mặt của những ý niệm về sinh và về diệt.
Hãy lấy hình ảnh của sóng và nước để giúp cho ta hiểu. Khi nhìn một đợt sóng, ta thấy sóng có sinh có diệt : Đây là điểm sinh của đợt sóng, đây là điểm diệt của đợt sóng ; và đây là điểm sinh của đợt sóng khác, và đây là điểm diệt của đợt sóng khác. Các pháp được ví dụ là sóng, và hễ là sóng thì có lên có xuống, có cao có thấp, có sinh só diệt. Đó là đứng về phương diện hiện tượng (tích môn) mà nói. Còn đứng về phương diện bản thể (bản môn), thì tuy sóng là sinh diệt nhưng sóng đồng thời cũng là nước. Và khi sóng biết mình là nước rồi thì nó không còn sợ sinh diệt nữa, tại vì nước thì không sinh không diệt, không cao không thấp, không lên không xuống. Đối với sóng lúc bấy giờ thì sinh cũng vui mà diệt cũng vui.
Vậy ta phải thực tập làm sao để đạt tới Niết Bàn, đạt tới Bản Môn?
Sóng là thuộc về thế giới của hiện tượng (Tích Môn). Nước là thuộc về thế giới của bản thể (Bản Môn). Bản thể là self nature, là cái entité ontologic. Sóng với nước không phải là hai cái khác nhau. Sóng là nước, và nước là sóng. Cho nên sóng cũng là nước đứng về phương diện hiện tượng. Còn nước cũng là sóng đứng về phương diện Bản Thể. Đứng về phương diện hiện tượng (sóng), thì ta thấy có sinh có diệt, có có có không, có còn có mất. Khi mà đứng về phương diện bản thể (nước) thì không có lên có xuống, có sinh có diệt nữa. Sự vắng mặt của sinh diệt đó là Tịch Diệt, là Niết Bàn. Vì vậy Niết Bàn là hạnh phúc, và hạnh phúc này thật.
Sinh Diệt diệt dĩ, tịch diệt vi Lạc, một khi mà không còn sinh diệt nữa thì sự vắng lặng đó, Niết Bàn đó được gọi là hạnh phúc. Nhưng sóng có cần phải hết là sóng thì mới là nước không ? Không, sóng vẫn là sóng như thường, trong khi là sóng thì nó vẫn là nước. Và cái hạnh phúc có liền trong giây phút này, tức là trong khi đang còn là sóng thì nó cũng là nước rồi, vì nó tiếp xúc được với bản thể của nó là nước thì nó có hạnh phúc thôi. Cho nên một trong những đặc tính của Niết Bàn là hạnh phúc, điều này không phải là của Đại Thừa riêng mà của Đạo Bụt Nguyên Thỉ nữa. Trong rất nhiều kinh, đức Thế Tôn đã nói Niết Bàn là hạnh phúc. Như vậy hạnh phúc là có thật, và nó có thật ngay bây giờ, không phải đợi tới sau này. Kinh Pháp Hoa nói rằng, các pháp từ xưa đến nay đang an trú trong tự tánh Niết Bàn của nó (chư pháp tùng bản lai, thường trụ tịch diệt tướng), tức là cái bàn này tuy là vô thường, vô ngã nhưng nó cũng là Niết Bàn trong giây phút này. Vô thường, vô ngã và cặp đối lập của nó là thường, ngã, chỉ là những cấu tạo của tâm thức mà thôi. Cái bàn này không là thường mà kỳ thực cũng không vô thường, cái bàn này không phải là ngã mà kỳ thực cũng không phải là vô ngã. Vô thường và vô ngã được dùng để đối trị với ý niệm về thường và về ngã. Và Niết Bàn là sự vắng mặt của tất cả mọi ý niệm, trong đó có ý niệm về thường và vô thường, ngã và vô ngã. Vô thường và vô ngã là thuốc để trị bệnh thường và ngã. Một khi trị bệnh rồi thì thuốc đâu cần sài nữa, bệnh đã mất rồi mà thuốc cũng vất luôn. Do đó ý niệm thường là cái bệnh, thì thuốc trị là vô thường ; ý niệm ngã là cái bệnh thì thuốc trị là vô ngã. Tại vì có bệnh nên có thuốc, nếu không có bệnh thì cần gì thuốc. Vì vậy Niết Bàn không phải là vô thường, Niết Bàn không phải là vô ngã, Niết Bàn là không thường cũng không vô thường, Niết Bàn là không ngã cũng không vô ngã.
Khi người ta cho rằng sự vật là thường, sự vật là ngã, thì cái đó gọi là tà kiến. Tà kiến là vọng tưởng điên đảo. Vọng tưởng nghĩa là tri giác sai lầm. Điên đảo nghĩa là chổng ngược lại. Sự vật là vô thường mà cho là thường, sự vật là vô ngã mà cho là ngã, đó là những cái thấy chổng ngược lại, gọi là tà kiến, gọi là điên đảo (upside down). Trong Tâm Kinh có câu là ‘viễn ly điên đảo mộng tưởng rồi mới cứu cánh Niết Bàn’. Tà kiến, dịch theo tiếng Anh là perverted view, wrong view.
Theo kinh Tam Pháp Ấn của Đạo Bụt Nam Truyền thì có bốn tà kiến: Thường, Ngã, Lạc, và Tịnh. Sự vật vô thường thì cho là thường, đó là tà kiến; sự vật vô ngã thì cho là có ngã, đó là tà kiến; sự vật là không có hạnh phúc thì cho là có hạnh phúc, đó là tà kiến; và sự vật là bất tịnh, nhơ nhớp mà cho là thanh tịnh, đó là tà kiến. Cái gì không có trong sạch, không có thanh tịnh, không có đẹp, mà nghĩ là nó thanh tịnh, nó trong sạch, nó đẹp thì gọi là tà kiến. Khi một số các thầy dạy về Tứ Niệm Xứ thì các thầy ghép bốn đặc tính vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh, coi đó là cái nhìn về thực tại. Và vì vậy khi nói về Tứ Niệm Xứ thì các thầy nói rằng: Thân là bất tịnh, thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã. Khi tôi còn là chú tiểu thì phải học thuộc những câu: Thân bất tịnh , thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Học như là giáo điều vậy, học như là nhồi sọ vậy. Thân, Thọ, Tâm và Pháp là bốn đối tượng của sự quán chiếu, gọi là Tứ Niệm Xứ, Four Foundations of Mindfulness. Các thầy mới ghép bốn đặc tính của hiện hữu vào trong bốn lãnh vực quán niệm: Thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Có cái gì sai ở trong mà ta phải tìm ra cho được. Nó sai ở chỗ là: tâm vô thường nhưng tâm cũng vô ngã, pháp vô ngã nhưng pháp cũng vô thường. Tại sao lại nói pháp chỉ có vô ngã không thôi ? Tại sao chỉ có thân mới bất tịnh thôi ? Tại sao chỉ có thọ mới là khổ thôi ? Chúng ta biết là thọ có tới ba loại: lạc thọ, khổ thọ và xã thọ. Thành ra, khi nói ‘thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã’ là có hơi gượng ép, hơi có tính cách giáo điều, hơi có tính cách nhồi sọ, không đi đúng với tinh thần truyền thống của đạo Bụt. Có cái gì sai ở trong ! Hồi còn nhỏ, tôi học thuộc lòng câu ‘thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã’, học như là con vẹt vậy.
Theo cái nhìn của Đạo Bụt Nam Truyền thì thường, lạc, ngã, tịnh là bốn tà kiến. Vì nhìn cho kỹ có cái gì là thường đâu, nhìn cho kỹ có cái gì là ngã đâu, nhìn cho kỹ có cái gì là lạc đâu. Trong khi đó, Đạo Bụt Đại Thừa đã đi đến định nghĩa bốn đặc tính của Niết Bàn lại là Thường, Lạc, Ngã và Tịnh (theo kinh Đại Niết Bàn). Điều này làm sao hiểu được nếu ta không phân biệt được Tích Môn và Bản Môn. Đứng về phương diện tích môn, đứng về phương diện sóng thì có sanh có diệt, có thường, có ngã; đứng về phương diện bản môn, tức là nước, thì không còn có sanh có diệt, không còn có thường có ngã nữa. Nếu hiểu được Thường, Lạc, Ngã, Tịnh theo cái nghĩa siêu việt của nó, siêu việt vô thường, siêu việt vô ngã, thì mới có thể hiểu được đó là bốn đặc tính của Niết Bàn. Niết Bàn là gì ? Niết Bàn là sự vượt thoát không những ý niệm về thường mà vượt thoát ý niệm về vô thường, vượt thoát ý niệm ngã và vô ngã, vượt thoát ý niệm lạc và khổ, vượt thoát ý niệm tịnh và bất tịnh. Tất cả mọi ý niệm đều có thể gây ra khổ đau. Niết Bàn, trước hết, có nghĩa là sự vắng lặng, sự tắt ngấm. Sự vắng lặng đây là sự vắng lặng của những ý niệm. Không những có sự vắng lặng của ý niệm thường mà cũng có sự vắng lặng của ý niệm vô thường, vì thường và vô thường là một cặp. Cặp thứ hai là sinh và diệt, và Niết Bàn là sự vắng mặt của cả sinh và diệt. Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi Lạc, khi ý niệm về sinh và diệt vắng mặt rồi, thì sự vắng mặt đó, sự tắt ngấm đó, sự vắng lặng đó, được gọi là hạnh phúc. Cái Lạc này không phải là cái lạc nằm trong cặp đối nghịch của lạc và khổ. Bây giờ mình lấy một cái ví dụ để cho dễ hiểu : Có hai con gà sắp bị đi làm thịt. Người ta ra chợ mua hai con gà để làm giỗ, và trong hai giờ đồng hồ nữa hai con gà này sẽ bị chọc tiết. Người ta đem cái lồng gà về, đem hạt bắp và hạt lúa để cho chúng ăn trước khi chết. Hai con gà đánh nhau, mổ nhau nói rằng: ‘Hột bắp ngon hơn hay là hột lúa ngon hơn ?’ Chúng nó tranh nhau cái gì là ngon, cái gì là dở, cái gì là hạnh phúc, cái gì là không hạnh phúc. Chúng không biết rằng ăn hột bắp hay ăn hột lúa đều là khổ. Ăn bắp cũng khổ, ăn lúa cũng khổ, tại vì cái sự thật là chúng sẽ bị giết trong vòng hai giờ đồng hồ nữa. Chỉ có một việc là tháo cái lồng ra cho chúng chạy thoát, khỏi phải bị làm thịt, mới thật là hạnh phúc. Thành ra cái lạc đích thật của chúng không phải trong chỗ hột bắp ngon hay là hột lúa ngon, mà ở chỗ được tháo củi sổ lồng bay đi và không bị giết. Vì vậy cái lạc mà hai con gà tranh chấp nhau không phải là cái Lạc của Niết Bàn là vậy.
Cái Lạc của Niết Bàn không nằm trong vòng tranh chấp của khổ lạc tầm thường. Ví dụ: trúng số độc đắc là lạc, nghèo kiết xác mồng tơi là khổ. Cái lạc, khổ đó nằm trong vòng tương đối, quanh quẩn trong tà kiến: có tiền nhiều là hạnh phúc, không có tiền nhiều là đau khổ. Một người đã được giải thoát, đã thấy hạnh phúc nằm ở chỗ hiểu biết và thương yêu thì thấy người kia rất là tội nghiệp. Người kia có quan niệm về hạnh phúc và khổ đau của họ căn cứ trên tiền tài, còn mình có quan niệm về hạnh phúc lớn hơn, đó là khi nào mà có hiểu và có thương là mình có hạnh phúc. Hạnh phúc của Niết Bàn không phải là hạnh phúc được diễn tả trong sinh tử, trong Tích Môn. Quý vị thấy được điều này thì mình mới đi tiếp được. Có thấy được điều này không? Cái Lạc của Niết Bàn không phải là cái lạc của sinh tử. Cái lạc của sinh tử thì đối chiếu với cái khổ của sinh tử. Cái Lạc của Niết Bàn vượt thoát cái lạc và cái khổ của sinh tử. Cũng như cái tự do của hai con gà mới thật sự là Lạc, còn hai con gà tranh chấp ăn cái này là ngon, ăn cái kia là không ngon, là thuộc về cái lạc khổ của sinh tử. Chúng ta mất thì giờ tranh đấu với nhau, ghanh ghét nhau, đánh lộn nhau, giết nhau là tại chúng ta đi tìm cái lạc tránh cái khổ của tương đối mà không biết rằng cái hạnh phúc thật sự nằm ở chỗ khác.
Giữa cái lạc/khổ của thế gian và cái Lạc của Niết Bàn có sự liên hệ gì ? Quan điểm về hạnh phúc của thế gian là khi mình có được đối tượng của năm dục thì mình mới có hạnh phúc, tức là phải có tiền, phải có tài (tiền tài). Có tiền nhiều thì hạnh phúc, có danh nhiều thì hạnh phúc, có quyền lực nhiều thì hạnh phúc. Có tiền tài, danh vọng, quyền lực, sắc dục là có hạnh phúc. Phần lớn chúng ta đều nghĩ như vậy, và chúng ta đã đi tìm hạnh phúc ở cái hướng đó. Có tiền thì có thể mua sắm được. Có nhiều người nói mua được cái ti vi lớn đó, cái xe hơi đó, thì là hạnh phúc. Bây giờ mình chưa có cái ti vi đó, chưa có cái xe hơi đó, và mình nghĩ rằng: mua được cái xe hơi đó, mua được cái ti vi đó là mình có hạnh phúc. Mình tiên đoán hạnh phúc sẽ có được khi mình mua được chiếc xe đó, mua được cái ti vi đó. Đứng về phương diện danh vọng, mình nghĩ là nếu mình được bầu làm Tổng Thống, bầu làm Dân Biểu Quốc Hội, hay mình giật được cái bằng cấp tiến sĩ…, thì lúc đó mình mới có hạnh phúc, còn bây giờ mình chưa có hạnh phúc. Hạnh phúc là khi nào mình giật được mảnh bằng đó, mình được bầu vào chức vụ đó, thì mình có hạnh phúc. Chúng ta đang đứng ở chỗ không có hạnh phúc, và tiên đoán rằng sẽ có hạnh phúc khi mà chúng ta được cái đó. Trước hết là chuyện mua sắm, thứ hai là chuyện danh vọng. Nếu chúng ta quán chiếu và nghiên cứu để kiểm chứng lại sự thật đó, thì chúng ta thấy rằng : một tuần hay hai tuần sau khi mua xe hơi, thì cái hạnh phúc đó không còn nữa. Một năm hay sáu tháng sau khi có chức vụ đó, hay là có bằng cấp đó, thì ta không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Những người nào đã đậu bằng tiến sĩ, nên nghĩ lại là trước khi mình có cái bằng tiến sĩ đó, mình ước ao nó như thế nào : ‘Nếu mình không có bằng tiến sĩ chắc là mình chết quá, mình sẽ không có hạnh phúc.’ Nhưng khi có cái bằng đó rồi, thì tự hỏi mình hạnh phúc được mấy ngày, được mấy tuần hay mấy tháng ? Sự thật là mình chỉ sử dụng cái điều kiện hạnh phúc đó trong một thời gian rất là ngắn, sau đó sự kiện đó nó lờn và không đủ sức làm cho mình có hạnh phúc nữa. Có hạnh phúc thiệt đó, nhưng trong một thời gian ngắn thôi. Cấu trúc của cơ thể và của tâm lý có công năng biến những cái đó ra bình thường, không còn có tính cách kích động nữa. Cho nên cái điều kiện ban đầu mình cho là hạnh phúc, khi mình đạt được rồi, thì chỉ trong một thời gian ngắn nó sẽ lờn đi, nó không còn có cái hấp dẫn lực nữa và không còn cho mình hạnh phúc nữa. Ví dụ khi mình chưa xuất gia, mình nghĩ được xuất gia mới là hạnh phúc. Khi được cạo đầu rồi, được mặc áo nhật bình vô rồi, mới thật là hạnh phúc, chứ bây giờ mình chưa có hạnh phúc. Nhưng xuất gia xong thì hạnh phúc được kéo dài tới mấy tháng hay mấy năm, rồi sau đó mình thấy không còn hạnh phúc nữa. Tại vì điều kiện mình cho là căn bản có hạnh phúc đó, mình làm lờn đi. Thân và tâm của mình có tác dụng làm cho lờn đi. Sau đó khi thấy không có hạnh phúc nữa thì mình lại đi tìm cái điều kiện hạnh phúc khác nữa. Cứ như vậy mà đi tìm hết cái này đến cái khác. Tâm ta rong ruổi chạy theo đối tượng của năm dục mà không bao giờ nhàm chán, đó là kinh Bát Đại Nhân Giác (kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân). Được cái này rồi thì thấy cái này cũng chưa được thỏa mãn, và chạy theo cái khác. Tâm mình cứ tiên đoán thời tiết : nếu mà có được thêm cái đó là có hạnh phúc ; cứ như vậy mà mình chạy về tương lai. Trong khi đó những điều kiện hạnh phúc nhiều khi có đủ rồi hoặc là quá đủ, mà mình không có thừa hưởng được. Cũng như một người có đôi mắt đang sáng, tự nhiên mù không thấy gì được nữa, thì rất là đau khổ. Và nghĩ rằng nếu người ta mổ cho mắt mình sáng lại thì mình hạnh phúc biết bao. Cái điều đó đúng, sau khi giải phẩu, mắt thấy lại thì hạnh phúc thật, nhưng hạnh phúc vài ba tháng rồi mình lại quên và mình coi hai con mắt sáng của mình không còn quan trọng nữa. Chúng sanh rất dại dột. Những điều hạnh phúc đang có thì không biết thừa hưởng, cứ ngồi đó mà tiên đoán, mà ước mơ là nếu giả dụ mình có cái này, mình có kia thì mình có hạnh phúc. Các vị chưa làm giáo thọ thì nói : ‘Trời ơi, mình mà làm giáo thọ thì oai lắm, lúc đó mình mới có hạnh phúc.’ Nhưng làm giáo thọ rồi thì có hạnh phúc gì đâu, đôi khi còn mệt hơn nữa. Cái tiên đoán đó thường thường là không đúng, trước hết là tầm quan trọng của nó, thứ hai là thời gian của nó. Mình nghĩ rằng có cái ti vi đó mình sống hạnh phúc suốt đời, năm này qua năm khác. Nhưng mua ti vi về được hai tuần, mình bắt đầu lờn, mình thấy không có hạnh phúc gì mấy. Mình tưởng là có cái bằng cấp đó rồi thì mình sẽ hạnh phúc suốt đời, ai dè cái bằng cấp đó chỉ hấp dẫn mình sáu tháng hay một năm rồi mình thấy cái chuyện có bằng cấp cũng không có gì đặc biệt, thành ra mình không có hạnh phúc nữa, và mình bắt đầu đi tìm cái khác. Đó là cái sự thật về quan niệm hạnh phúc của mình.
Không những hạnh phúc như vậy mà khổ đau cũng như vậy. Giả tưởng là một ngày nào đó mình bị tai nạn xe hơi, mình sẽ đi giải phẩu và bị cụt một chân. Bây giờ chưa có tai nạn đó, nhưng mình nghĩ nếu cái tai nạn đó xảy ra cho mình thì chắc là mình chết quá. Mình mà cụt chân thì đâu còn gì là cuộc đời nữa. Hoặc là trong gia đình có một người thân chết đi thì làm sao mình sống nỗi. Thành ra mình tiên đoán thời tiết, nếu cái đó xảy ra cho mình, mình không sống nỗi. Sự thật là người ta sống được hết, tại vì thân và tâm của mình có khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Cho dù cụt một chân mình vẫn sống được, vẫn có thể có được niềm vui. Dầu người mình thương nhất ở trong gia đình mất đi, mình đau khổ, nhưng thân và tâm mình học thích ứng được với hoàn cảnh, mình vẫn có thể sống được, la vie continue, sự sống vẫn tiếp tục được như thường. Mình phải trông thấy được điều đó. Thân và tâm của mình làm cho bình thường hóa, làm cho những cái excitement dịu xuống, làm cho những khổ đau dịu xuống.
Trong đạo Bụt có nói tới hỷ và lạc. Hỷ chưa phải là Lạc. Hỷ tức là niềm vui sắp được cái đó. Cũng như một người đi trong sa mạc, sắp chết khát rồi mà thấy được một cái hồ nước, thì tuy là chưa có uống nước nhưng mà đã có hỷ rồi, đã có niềm vui rồi. Trong hỷ có cái thao thức, có cái bồn chồn (exciting). Khi mình quỳ xuống bên bờ hồ vóc nước lên uống, lúc đó lạc phát sinh. Giữa hỷ và lạc có sự khác nhau. Trong lạc không còn cái thao thức, bồn chồn của lúc ban đầu. Đối với khổ đau cũng vậy. Mình chưa bị tai nạn, mình chưa mất người thương, mình chưa bị mù, nhưng nghĩ rằng mình có tai nạn, mình bị mù, mình mất người thương, thì mình sống không nỗi, mình đã bắt đầu khổ rồi, tuy là cái khổ chưa tới. Khi cái khổ tới rồi, thì thân và tâm mình sẽ vận động, sẽ hành động, và có thể thích ứng được. Đó là sự thật có thể kiểm chứng bằng những cuộc thí nghiệm, rất là khoa học.
Bây giờ áp dụng lại, quý vị có thể làm thử một bài tập là : Những cái gì mình nghĩ là rất thiết yếu cho cái hạnh phúc mà mình chưa đạt được, thì quý vị hãy gọi tên nó ra và viết xuống một tấm giấy. Mỗi người đều có quyền có ba lời ước : ‘Nếu mà tôi được cái này…, tôi được cái kia…, cái nọ…, là tôi có hạnh phúc.’ Viết xuống ba lời ước đó rồi quán chiếu coi thử. Đó là cái giây phút bây giờ mình có ba lời ước. Ai trong chúng ta mà không có ba lời ước. Và chúng ta hãy nhảy lui năm năm về trước. Chúng ta nhìn lại năm năm về trước, ba lời ước đó là ba lời ước nào, đã có lời ước nào đã được thực hiện chưa, nếu thực hiện rồi tại sao ta không có hạnh phúc ? Quý vị làm thử đi rồi sẽ thấy cái chân lý, cái sự thật bởi chính mình chứ không phải do một người nào khác trao truyền lại. Trong giây phút hiện tại, chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta có điều kiện này, thì hạnh phúc sẽ lớn lắm, đó là giây phút hiện tại. Rồi chúng ta đi về quá khứ, năm năm về trước hoặc mười năm về trước, chúng ta có những ước vọng gì, và những ước vọng đó đã thành tựu chưa. Một trong ba cái đã thành tựu chưa ? Giả dụ đã thành tựu rồi mình đang có hạnh phúc không, hay là cũng vậy thôi. Tiên đoán thời tiết là nếu ta có cái đó thì ta sẽ có hạnh phúc. Có vị nói : ‘Chà được qua bên Pháp, ở Làng Mai chắc là hạnh phúc lớn lắm.’ Ngày đêm trông ngóng, ngủ không được, ăn không được, làm sao có được chiếu kháng, hộ chiếu, lên được trên máy bay ngồi thao thức. Nhưng khi qua bên Làng Mai thì khóc quá chừng. Cái tiên đoán thời tiết đó trật lất. Cái đó gọi là forcasting. Forcasting errors là những cái lầm lỗi trong khi tiên đoán thời tiết. Chúng ta thấy trong quá khứ có nhiều khi ông weatherman tiên đoán thời tiết trật lất hết. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta tiên đoán hạnh phúc rất là trật, và chúng ta người nào cũng vấp phải. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ở chỗ chúng ta có đang làm chuyện đó không ? Chúng ta đang có tiên đoán thời tiết hay không ? Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có được trong tương lai khi mà những điều kiện đó được thực hiện, đó là cái bẫy của tất cả chúng ta. Câu hỏi đúng cần được đặt ra là: Nếu chúng ta không biết được cái gì làm cho chúng ta có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, thì làm sao ta biết được những cái gì làm cho ta hạnh phúc trong tương lai ? Phải hỏi câu hỏi đó. Thành ra, mỗi chúng ta sẽ đặt câu hỏi trong giây phút hiện tại này, cái gì sẽ làm cho ta hạnh phúc. Đó là câu hỏi rất là thiết yếu. Mà cái gì đó có thể có thật hay không ? Có được liền hay không ? Nếu chúng ta không nhận diện được điều kiện có thể làm cho ta có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, thì làm sao ta có thể tiên đoán được cái mà làm cho ta có hạnh phúc trong tương lai. Sự thật là trong hiện tại, mình không biết cái gì có thể làm cho mình có hạnh phúc được, nhưng mình phải biết cái gì đem lại hạnh phúc thật cho mình. Nếu biết được rồi thì có hạnh phúc liền lập tức. Hạnh phúc không phải là cái gì trong tương lai, hạnh phúc không phải là con đường, hạnh phúc không phải là cái gì có ở cuối đường nữa, mà hạnh phúc nằm ngay trên mỗi bước chân trên con đường. Ví dụ sư cô Minh Hương tự hỏi, trong giây phút hiện tại cái gì làm cho mình có hạnh phút ? Mình có thể thí nghiệm liền lập tức : Mì gói hay là có sư chị ngồi một bên. Những điều kiện đó mình cứ thử đi. Đó là sự thực tập. Chúng ta có thể tìm hiểu và thấy một cách rõ ràng. Nếu biết được cái gì có thể làm cho mình hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, thì mình có hạnh phúc liền. Không cần ngồi đó mà đau khổ, mà tiên đoán thời tiết là sau này ta sẽ có hạnh phúc nếu ta có cái này, cái kia. Cái Lạc này không phải là vấn đề tương lai, nó là vấn đề hiện tại.
Chúng ta mới nói tới vấn đề tiền tài, mua sắm, danh vọng, bằng cấp, địa vị, chúng ta chưa nói tới quyền lực. Có quyền thì có hạnh phúc. Mình ra lệnh thì người ta theo, mà mình không cần phải theo lệnh của ai hết. Đó là một cái hạnh phúc. ‘Có quyền ra lệnh, có quyền làm cái này cái kia, hạnh phúc rất là lớn’, mình nghĩ như vậy. Mình nghĩ đến tổng thống Bush, ông có quyền rất là lớn, tại vì ông làm tổng thống một nước rất là lớn. Mình có thể tưởng tượng ông tổng thống Bush ăn không ngon, ngủ không yên: cái đầu nằm ở Irac, cái đầu nằm ở Liên Hiệp Quốc, cái đầu nằm ở nước Pháp. Quyền lực rất là lớn, nhưng mà đau khổ cũng rất là lớn. Mình có thể thấy được những âu lo, ưu tư, những dằn vặt của ông tổng thống đó. Trong khi đó, bao nhiêu người thanh niên Mỹ đều ôm ấp là làm sao, sau này mình được làm tổng thống Mỹ. Người con trai Mỹ nào cũng ôm ấp cái ước vọng đó. Và cái tiên đoán thời tiết đó rất là trật. Còn chuyện sắc dục cũng vậy. Nếu được ngủ với anh chàng đó, nếu được ngủ với cô nàng đó, chắc là hạnh phúc lắm. Nhưng mà đi tới đó rồi sẽ biết. Tất cả những việc làm của chúng sanh là ngồi đó mà tiên đoán, mà ước mơ những điều kiện. Thường thường những tiên đoán đều trật, không trật hoàn toàn nhưng có thể trật hai phần ba, hoặc là hơn hai phần ba.
Mỗi khi mình có điều kiện hạnh phúc đó rồi, ví dụ như là một cái danh vọng, một cái bằng cấp, một cái địa vị, hay là một số tiền lớn, mình vẫn tiếp tục đau khổ như thường. Những cái đó ban đầu cho mình những cái ‘exiting’, nhưng sau đó thân và tâm mình chấp nhận và biến nó thành ra bình thường, và nó hết trở thành một điều kiện của hạnh phúc. Đó là sự thật. Trong đời của một con người, dầu mới có hai mươi mấy tuổi, mình cũng đã thấy điều đó đã xảy ra trong quá khứ của đời mình rồi, mình cần phải học từ những cái đó.