Đứa con cùng tử
( Trích trong pháp thoại ngày 27/7/2012 của Sư Ông Làng Mai )
Châu báu chất đầy thế giới
tôi đem tặng bạn sáng nay
một vốc kim cương sáng chói
long lanh suốt cả đêm ngày
Mỗi phút một viên ngọc quý
sáng soi đất nước trời mây
chỉ cần một hơi thở nhẹ
là bao phép lạ hiển bày
Chim hót, thông reo, hoa nở
trời xanh, mây trắng, là đây là đây
ánh mắt thương yêu sáng tỏ
nụ cười ý thức đong đầy.
Này người giàu sang bậc nhất
tha phương cầu thực xưa nay
hãy thôi làm thân cùng tử
về đi tiếp nhận gia tài
Hãy dâng cho nhau hạnh phúc
và an trú phút giây này
hãy buông thả dòng sầu khổ
về nâng sự sống trên tay
Hãy dâng cho nhau hạnh phúc
và an trú phút giây này
hãy buông thả dòng sầu khổ
về nâng sự sống trên tay.
Trong bài thơ này có danh từ “người cùng tử”. “ Người cùng tử” tức là đứa con phá sản, phá của, và ruốt cuộc thì nghèo đói đi lang thang tha phương cầu thực. Ở trong kinh Pháp Hoa cũng có chuyện người cùng tử. Có anh chàng đó có bố rất giàu nhưng mà không có trách nhiệm không biết dành dụm, không biết làm ăn, không biết học hành và chỉ biết tiêu pha thôi. Người bố biết tính của đứa con mình nên rất lo lắng. Biết sau này khi mình chết thằng con sẽ tiêu xài hết và sẽ nghèo đói. Cho nên ông lấy một cái áo bông khá ấm. Ông ta lén may vào chiếc áo một viên ngọc quý, và dặn đứa con: “Này con, con có thể tiêu xài hết tất cả, ruộng nương, trâu bò, nhà cửa. Nhưng có một cái con không nên bán. Nếu con thương bố con không nên bán mà nên giữ lại chiếc áo này. Nó rất ấm, bố chỉ xin con một điều kiện này thôi. Đừng vứt hay đừng bán chiếc áo này.”
Quả đúng như lời ông tiên đoán, sau khi ông ta mất, đứa con tiêu xài rất hoang phí và không còn đồng nào hết. Đứa con trở thành một người cùng tử. Một đứa con vào đường cùng phải đi tha phương cầu thực, rất nghèo đói, khổ sở. Một hôm anh nằm ở ngoài chợ, đang mặc chiếc áo ngày xưa của bố, lăn qua lăn lại thấy có cái gì đó cộm cộm. Ngạc nhiên và tò mò anh xe cái áo ra xem thì thấy có một viên ngọc rất lớn. Viên ngọc có thể đem bán và đổi ra rất nhiều tiền. Anh ta đã học được bài học cuộc đời rồi, nên kỳ này anh ta đem bán viên ngọc quyết định gây dựng lại vốn liếng và cơ nghiệp để sống một cuộc đời đàng hoàng, và hạnh phúc hơn.
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Thế Tôn đã kể lại câu chuyện đó và nói rằng chúng ta là những đứa con phá của. Chúng ta đã được tiếp nhận rất nhiều châu báu. Nhưng chúng ta không biết sử dụng châu báu đó để mà sống một cuộc đời hạnh phúc. Châu báu là giáo pháp mà Đức Thế Tôn trao truyền cho chúng ta. Ta có nghe, có học nhưng mà ta không đem nó ra để thực tập. Chúng ta sống cuộc sống của một người nghèo khổ về tâm linh. Có thể là chúng ta không nghèo đói về vật chất, nhưng chúng ta nghèo đói về tâm linh. Và chúng ta để lại cho con cháu của chúng ta một gia tài rất nghèo nàn.
Trong văn hóa đông tây đều có câu chuyện đứa con cùng tử. Ông triệu phú nọ có một đứa con. Đứa con không biết gốc tích của mình, nó không biết bố mình là ai, nó đi lạc loài đã lâu năm. Một hôm nó về quê hương mà nó không có biết. Nó thấy một ông triệu phú với gia sản rất lớn. Có nhiều kẻ hầu người hạ, nó tới nó xin làm công nhân. Khi ông triệu phú thấy nó, thì ông biết đây là đứa con của mình. Nhưng ông không tới gần nó, vì ông biết nếu ông tới nhận thì nó sẽ bỏ chạy. Nó bỏ chạy vì mặc cảm nó là dân bần tiện cùng khổ. Khi một người quý phái tới thì nó phải chạy đi thôi. Vì sợ chứ không phải ghét. Vì nó không biết ông là cha của nó. Nó nghĩ mình và ông triệu phú là hai thế giới khác nhau, không thể tiếp cận với nhau được. Nhưng mà ông triệu phú này rất giỏi, ông biết mình phải khéo léo, phải dùng phương tiện để có thể đưa đứa con trở về từ từ.
Ông mới ra lệnh cho người hầu cận tới với người cùng tử và cho nó một công ăn việc làm khá hơn để có lương bổng cao hơn một chút. Nó rất mừng. Cứ như vậy mỗi hai ba tuần thì cho lên chức vụ cao. Cuối cùng thì nó được làm một chức vụ phụ tá rất gần với ông triệu phú. Bây giờ nó đã ăn mặc đàng hoàng, đi lại chững chạc rất khác so với lúc mới tới. Khi anh ta vượt qua giai đoạn đó rồi thì người triệu phú mới tới và nói ra sự thật anh ta là con của ông. Lúc đó anh ta mới chấp nhận.
Trong kinh kể câu chuyện ấy, và người triệu phú tượng trưng cho một người có gia sản rất lớn về tâm linh. Tức là một vị Bụt, một vị giác ngộ hoàn toàn. Đứa con kia có mặc cảm mình là chúng sinh, mình là một con người tầm thường chỉ có ngu si, khổ đau đày đọa mà thôi. Có sự mặc cảm và sợ hãi là mình không bao giờ có thể được như người kia. Người kia tức là một vị thánh nhân, một vị Bụt, một vị Bồ Tát. Và vì vậy cho nên nếu Đức Thế Tôn nói rằng: “Này anh, anh không chỉ là chúng sinh, anh có thể là một vị Bụt.” Thì người kia sẽ hoảng sợ, sẽ không bao giờ tin.
Mình có quan niệm là chúng sinh và Bụt thì hoàn toàn khác nhau. Chúng sinh ngược lại với Bụt, và Bụt là ngược lại chúng sinh. Và khi mở ra sự thật là mỗi người đều có Phật tánh, đều có thể giác ngộ thành Phật thì có thể làm cho người ta hoảng sợ. Vì vậy nên kinh pháp Hoa là một kinh ra đời muộn hơn so với những kinh khác. Kinh Pháp Hoa đưa ra một sự thật là tất cả chúng sanh đều có thể trở thành Phật. Đức Thế Tôn nghĩ rằng nếu gặp nhau lúc ban đầu mà nói ra sự thật ấy thì người kia không tin và sẽ bỏ chạy mất. Vậy nên phải từ từ hướng dẫn cho người kia tu tập, tiến bộ cho đến lúc nói ra được sự thật. Kinh Pháp Hoa đưa ra sự thật đó “Nhất thiết chúng sanh, giai hữu Phật tánh” tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật được. Chỉ khi nào mình không có mặc cảm thì mình mới chấp nhận được sự thật đó. Đức thế Tôn là nhà triệu phú và chúng ta là những người cùng tử. Chúng ta cho rằng chúng ta nghèo đói, khổ đau suốt đời, hết kiếp này đến kiếp khác. Vì vậy nên Đức Thế Tôn muốn đưa chúng ta ra khỏi vòng mặc cảm đó để cho chúng ta thấy mình có khả năng hạnh phúc, có khả năng giác ngộ.
“Châu báu chất đầy thế giới
tôi đem tặng bạn sáng nay
một vốc kim cương sáng chói
long lanh suốt cả đêm ngày
Mỗi phút một viên ngọc quý
sáng soi đất nước trời mây
chỉ cần một hơi thở nhẹ
là bao phép lạ hiển bày.”
Xung quanh mình đều là châu báu hết. Tại mình không biết dùng thôi. Nếu mình nhận diện ra được thì mình sẽ có hạnh phúc liền lập tức. Trong giáo lý của Đức Thế Tôn có giáo lý gọi là “hiện pháp lạc trú”. Nghĩa là có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Khi mình có chánh niệm, mình thở một hơi thở, đem tâm trở về với thân. Thì tự nhiên mình thấy được rằng mình có rất nhiều điều kiện hạnh phúc, có rất nhiều châu báu, và mình có thể hạnh phúc liền được. Sở dĩ mình không có hạnh phúc là tại mình không nhận diện được những điều kiện hanh phúc. Khi mình nhắc nhở người khác về những điều kiện hạnh phúc mà người ấy đang có tức là mình tặng cho họ một vốc kim cương sáng chói.
“Mỗi phút một viên ngọc quý
sáng soi đất nước trời mây
chỉ cần một hơi thở nhẹ
là bao phép lạ hiển bày
Chim hót, thông reo, hoa nở
trời xanh, mây trắng, là đây là đây
ánh mắt thương yêu sáng tỏ
nụ cười ý thức đong đầy.”
Mỗi giây phút mà đời sống cho mình để sống là một viên ngọc quý. Nếu mình có chánh niệm thì trong giây phút đó có trời xanh, mây trắng, có tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ. Những châu báu, những hạnh phúc đó, mình đạp lên trên mà đi. Mình là đứa con phá của, mỗi ngày có hai mươi bốn giờ đồng hồ, mỗi giây, mỗi phút là cả vốc kim cương. Mình sống như thế nào mà những giờ, ngày, phút mình liệng đi những châu báu đó. Mình không biết sống và thừa hưởng hạnh phúc mà mình đang có, hạnh phúc mà tổ tiên đã để lại cho mình. Mình đi tìm ở đâu đâu.
Đây là một bài thơ, một bài nhạc để mình thực tập. Nếu mình có thì giờ để trở về với chính mình và nhìn kỹ thì sẽ thấy mình may mắn hơn rất nhiều người trong nước và trên thế giới. Ngay chuyện rửa mặt, khi muốn rửa mặt, chỉ cần mở vòi thì nước sẽ chảy xuống và mình rửa. Khi muốn uống nước mình chỉ cần đưa cốc hứng nước và uống. Nhưng có những vùng trên thế giới người ta phải đi năm, mười cây số mới lấy được một ít nước, mà nước cũng không được trong. Nếu mình sống có ý thức chánh niệm thì khi mở nước hay khi rửa mặt, hay tắm gội mình cũng cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy mình phải có ý thức, có chánh niệm.
Hạnh phúc bây giờ và ở đây
Chánh niệm tức là mình có mặt ở đó. Năng lượng chánh niệm giúp mình nhận diện được những điều kiện hạnh phúc mình đang có. Ví dụ, hai mắt mình đang còn sáng và tốt là một điều kiện hạnh phúc. Chỉ cần mở mắt ra là mình tiếp xúc được với thiên đường của màu sắc và hình dáng. Thiên đường đó có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Những điều kiện hạnh phúc đó dư dả để mình có thể hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Hai chân còn khỏe, còn đi, chạy nhảy và leo trèo được. Đó là một điều kiện hạnh phúc. Trái tim của mình còn đang vận hành bình thường. Đó là một điều kiện hạnh phúc. Có những người không có một trái tim bình thường, họ có thể bị đứng tim bất cứ lúc nào. Ước mơ sâu sắc nhất của những người ấy là có một trái tim bình thường như trái tim của mình. Chúng ta đang có một trái tim khỏe mạnh nhưng chúng ta không có hạnh phúc. Chúng ta có hai mắt sáng chúng ta cũng không hạnh phúc. Có đôi chân khỏe mạnh vẫn không hạnh phúc. Chúng ta có tuổi trẻ chúng ta cũng không có hạnh phúc. Nói tóm lại, chúng ta là những đứa con cùng tử, không biết là mình rất giàu có. Mình là con nhà giàu, nhưng mình vẫn tha phương cầu thực hết ngày này qua ngày khác. Đó là tình trạng của hầu hết chúng ta. Chuyện trong kinh là chuyện có thật bây giờ và ở đây.
Cho nên tu là phải biết phát khởi chánh niệm. Đưa tâm trở về với thân trong giây phút hiện tại. Khi thở vào một hơi thở và chú ý tới hơi thở thì mình đem tâm trở về với thân. Mình thấy được là mình đang có một hình hài tương đối mạnh khỏe, một đầu óc tương đối minh mẫn. Mình thấy mình có dư dả điều kiện hạnh phúc. Những người thương vẫn đang còn sống xung quanh mình, rõ ràng mình thấy quá may mắn. Khi nhận diện được những hạnh phúc đó thì không cần phải chạy về tương lai để kiếm thêm những điều kiện hạnh phúc khác nữa. Mình có đủ rồi. Còn chờ đợi gì điều gì nữa?
Chủ đề “người cùng tử” là một chủ đề rất quan trọng. Chúng ta đừng đi tìm người cùng tử ở đâu khác. Chúng ta là những người cùng tử.
Tu là để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có. Tới Làng Mai là để học điều đó. Thiền sinh từ nhiều nước trên thế giới đến để học cái đó. Và họ học thành công lắm. Chỉ cần năm hay sáu ngày là thấy sự thay đổi. Trong khi mình bước một bước chân, thở một hơi thở là mình có hạnh phúc. Trong khi uống trà cũng có hạnh phúc, chải răng mình cũng có hạnh phúc. Chải răng trong chánh niệm. Mình cần hai phút để chải răng, nhưng mà mình làm hấp tấp, mình nói chải răng cho mau để làm việc khác. Trong khi đó đối với người tu thì chải răng có thể hạnh phúc lắm. Chải răng có chánh niệm thì mình thấy có lúc mình quên bàn chải, quên kem đánh răng, hay mở nước thì nước bị cúp. Nhưng giờ đây có đủ hết mà không hạnh phúc, không vừa lòng. Khi chải răng thì nghĩ chuyện này chuyện kia. Mỗi khi chải răng thầy nghĩ: “Tám mấy tuổi rồi mà cẫn còn răng để chải, sướng quá.” Là tự nhiên có hạnh phúc liền. Thế nên hạnh phúc từ chánh niệm mà ra. Chứ không phải từ sự giàu sang hay quyền lực, danh tiếng hay sắc dục. Có những người chạy theo danh vọng, giàu sang và sắc dục mà họ không có hạnh phúc gì hết. Họ tàn phá thân và tâm của họ. Và có rất nhiều người tìm đến con đường tự tử. Cho nên giàu sang, tiền bạc, sắc dục có thể là những hiểm nguy. Nó tàn phá cuộc đời mình. Trong khi đó chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc. Mình học và phải thực tập điều đó.
(Còn tiếp)